THỨ NĂM TUẦN II MÙA VỌNG
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 11,11-15
“Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gio-an Tẩy Giả. Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông. Từ thời ông Gio-an Tẩy Giả cho đến bây giờ, Nước Trời phải đương đầu với sức mạnh, ai mạnh sức thì chiếm được. Cho đến ông Gio-an, tất cả các ngôn sứ cũng như Lề Luật đều đã nói tiên tri. Và nếu anh em chịu tin lời tôi, thì ông Gio-an chính là Ê-li-a, người phải đến. Ai có tai thì nghe.
II. SUY NIỆM
Bài Tin Mừng hôm nay là một trong những đoạn Thánh Kinh rất khó giải thích, tuy ngắn nhưng lại có nhiều điều để chúng ta suy tư.
1. Người cao trọng nhất.
Hôm nay, Chúa Giêsu khen trong số con cái loài người được sinh ra, chưa có ai cao trọng hơn Gioan Baptista, có lẽ là:
Đã có bao ngôn sứ trong Cựu Ước xuất hiện trước ông, loan báo về Đấng Cứu Độ mà Thiên Chúa hứa ban. Nhưng Gioan là Tiền Hô và là người duy nhất đã chỉ cho dân thấy Đấng ấy là ai, và giới thiệu Đức Giêsu là “Chiên Thiên Chúa và là Đấng xoá tội trần gian”.
Gioan là người có cơ hội được Đức Mẹ và Chúa đến thăm khi mới được sáu tháng trong bụng mẹ.
Gioan là phàm nhân mà được làm phép rửa cho Thiên Chúa Ngôi Hai.
Gioan là cầu nối giữa hai giai đoạn của lịch sử cứu độ. Ông vừa thuộc nhóm những ngôn sứ của giai đoạn trước, vừa là người đã chạm đến Nước Trời ở giai đoạn sau: giai đoạn trước của những lời Thiên Chúa hứa, và giai đoạn sau khi Thiên Chúa thực hiện những lời hứa này. Đức Giêsu là Đấng khai mở giai đoạn sau, nhưng Người cần Gioan trực tiếp giới thiệu.
“Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn Gioan”
Nghĩa là, thời của Gioan và các ngôn sứ trước là thời của lời hứa, và thời của Nước Trời đã nên hiện thực nơi Đức Giêsu đem đến thì Gioan Baptista đã khuất.
Chúng ta không thánh thiện hơn Gioan Tẩy Giả, nhưng chúng ta có phần hạnh phúc hơn ông, vì được sống trong giai đoạn lời hứa của Thiên Chúa nên thành tựu. Ơn cứu độ viên mãn đã đến.
– Thời của nô lệ lề luật đã qua, thời của tự do trong Đức Kitô đã đến. Người bé nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn Gioan vì những kho tàng mới do Đức Giêsu mang lại, vượt xa những gì mà các ngôn sứ thời xưa mong đợi.
2. Chiến đấu để gia nhập “Nước Thiên Chúa”
Nhưng thời của Gioan cho đến ngày Ơn Cứu Độ được thành toàn nơi Chúa Giêsu, muốn được vào Nước Trời phải cật lực chiến đấu, và các ngôn sứ cũng như Gioan Tiền Hô đã phải đổ máu hi sinh, chờ đợi ngày được vào Nước Trời khi Đức Giêsu hoàn tất Ơn Cứu Độ trên thập giá.
Thời đại Ơn Cứu Độ, nhờ có nhiều phương thế phát sinh từ công cuộc cứu thế của Đức Giêsu, cùng với sự trợ lực của Người qua ơn thánh sủng đã được phục hồi, con người dễ đạt đến Nước Trời hơn.
3. Êlia và Gioan Baptista.
Căn cứ vào lời tiên tri Malaki 3,1, dân Do Thái vẫn tin rằng, ngôn sứ Êlia phải đến trước để dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Họ hiểu theo nghĩa đen là Êlia trong Cựu Ước phải sống lại, và xuất hiện đầy uy quyền của một vị ngôn sứ làm phép lạ, nên đã không nhận ra Gioan là Đấng Tiền Hô, và cũng từ đó không chân nhận Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế đã đến.
Chính vì vậy, mà Chúa Giêsu giới thiệu Gioan Tẩy Giả như là Êlia vì hai lý do:
Êlia là một ngôn sứ dám đương đầu với cường quyền là nhà Akháp để chứng minh cho công lý và sự thật, dù không ưa nhưng Akhap cũng chịu nghe Êlia, nhưng rồi Êlia cũng phải chịu khổ cực vì bà Jezabel. Gioan Tiền Hô cũng dám đương đầu với nhà Hêrôđê vì công lý, Hêrôđê không ưa nhưng vẫn vui lòng nghe, nhưng rồi Gioan đã phải chết vì mưu kế hiểm độc của bà Hêrôđiađê.
Lý do thứ hai quan trọng hơn nhiều, là khi Chúa Giêsu giới thiệu Gioan Tiền Hô như là Êlia thì cũng có nghĩa là Người nói cho người Do Thái biết rằng, lời tiên tri Malaki mà họ trông đợi đã ứng nghiệm, Đấng Cứu Thế là chính Người đã đến.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con ý thức rằng, để vào được Nước Chúa cần phải có sự khiêm tốn, đồng thời dám can đảm dấn thân chiến đấu vì Chúa, nhờ vào những phương thế phát sinh từ Ơn Cứu Chuộc viên mãn của Ngài. Amen
Hiền Lâm
Discussion about this post