THỨ SÁU TUẦN II MÙA VỌNG
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 11,16-19
“Tôi phải ví thế hệ này với ai? Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi lũ trẻ khác, và nói:
“Tụi tôi thổi sáo cho các anh,
mà các anh không nhảy múa;
tụi tôi hát bài đưa đám,
mà các anh không đấm ngực khóc than.”
Thật vậy, ông Gio-an đến, không ăn không uống, thì thiên hạ bảo: “Ông ta bị quỷ ám.” Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì thiên hạ lại bảo: “Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi.” Nhưng đức Khôn Ngoan được chứng minh bằng hành động.”
II. SUY NIỆM
Thói thường, con người ta dễ lấy mình làm trung tâm và muốn áp đặt tư tưởng và hành động của mình lên người khác. Vì thế mà qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng ta phải tránh hai điều:
1. Áp đặt người khác phải theo tư tưởng của mình.
Giống như bọn trẻ con thổi sáo giả bộ đám cưới đòi người khác hát, ca bài đưa đám giả bộ buồn bắt người khác khóc theo… với một hoàn cảnh không thực tế. Trong ý thức hệ của người Do Thái, họ vẽ ra trong tư tưởng của mình một lối sống kiểu Pharisiêu giả hình và đòi dân theo, họ quan niệm một thời kỳ cứu độ và một Đấng Mesia giàu sang chứ không khắc khổ kiểu Gioan Tẩy Giả và làm bạn với bậc đế vương, chứ không phải hoà đồng chung bàn với người hèn kém. Từ đó họ không nhận ra được Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế. Với ý thức hệ như thế, họ không những bị trói buộc trong tư tưởng thiển cận của họ và không nhận ra được dấu chỉ của thời đại, mà còn bắt người khác phải suy nghĩ và hành động như họ, kể cả Chúa Giêsu.
Còn chúng ta? Chúng ta có đưa ra những hình mẫu và lối sống để bắt người khác phải theo mình, thay vì mình phải biết thay đổi? Chúng ta thuận theo ý Chúa hay bắt Chúa phải theo ý mình?
2. “Không ưa thì đổ cho dưa thối…”
Có câu chuyện kể rằng: ngày nào bà vợ cũng chỉ cho chồng xem tường và cửa sổ của nhà hàng xóm quá bẩn và chê bai người nhà hàng xóm lười biếng, thế rồi một hôm, ông chồng phát hiện ra cánh cửa kiếng nhìn ra nhà hàng xóm của mình bám đầy bụi bẩn, ông vội lau sạch và nhìn ra thì thấy nhà hàng xóm sạch sẽ không như bấy lâu nay vợ ông nghĩ.
Với một người luôn nghĩ xấu thì nhìn đâu cũng thấy rác, suy bụng ta ra bụng người, mình có ý nghĩ xấu nên cứ tưởng người ta cũng xấu như mình.
Khi trong mình tư tưởng ghanh ghét và thành kiến, thì dù đối tượng có tốt thế nào đi nữa, dưới con mắt biệt phái cũng xấu và tìm mọi lý lẽ để chê bai kết án:
Ông Gioan ăn chay khắc khổ thì bảo là lập dị và bị ma ám.
Chúa Giêsu hoà đồng ăn uống thì cho là mê ăn và bợm nhậu.
Còn chúng ta? Một linh mục hay vị nào đó đạo đức thì dễ bị coi là thiếu quan tâm và thiếu xây dựng giáo xứ, ngược lại, một vị hoà đồng với mọi người thì dễ bị đánh giá là thiếu tư cách… “Không ưa thì đổ cho dưa thối”, “miệng lưỡi không xương lắm đường lắt lẻo”… kiêng khem thì bị coi là đạo đức giả, hoà đồng thì kết án là thiếu đứng đắn…
Thật vậy, khi chúng ta thiếu thiện cảm và cố chấp, thì mọi cái nhìn của chúng ta sẽ dễ bề xuyên tạc, gièm pha và kết án…
Lạy Chúa Giêsu, xin cho mọi người chúng con biết dẹp bỏ ý riêng mình, để ý Chúa được thể hiện. Xin cũng cho chúng con biết nhìn mọi sự bằng ánh mắt yêu thương của Chúa, để mọi điều xảy ra đều có ý nghĩa tích cực, mang lại niềm vui cho cuộc sống chúng con. Amen
Hiền Lâm
Discussion about this post