THỨ NĂM TUẦN V MÙA CHAY
I. ĐỌC TIN MỪNG: Ga 8,51-59
Khi ấy, Đức Giê-su nói với người Do-thái rằng: “Thật, tôi bảo thật các ông: ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết.”
Người Do-thái liền nói: “Bây giờ, chúng tôi biết chắc là ông bị quỷ ám. Ông Áp-ra-ham đã chết, các ngôn sứ cũng vậy; thế mà ông lại nói: “Ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết.
Chẳng lẽ ông lại cao trọng hơn cha chúng tôi là ông Áp-ra-ham sao? Người đã chết, các ngôn sứ cũng đã chết. Ông tự coi mình là ai? ” Đức Giê-su đáp: “Nếu tôi tôn vinh chính mình, vinh quang của tôi chẳng là gì cả. Đấng tôn vinh tôi chính là Cha tôi, Đấng mà các ông gọi là Thiên Chúa của các ông. Các ông không biết Người; còn tôi, tôi biết Người. Nếu tôi nói là tôi không biết Người, thì tôi cũng là kẻ nói dối như các ông. Nhưng tôi biết Người và giữ lời Người. Ông Áp-ra-ham là cha các ông đã hớn hở vui mừng vì hy vọng được thấy ngày của tôi. Ông đã thấy và đã mừng rỡ.”
Người Do-thái nói: “Ông chưa được năm mươi tuổi mà đã thấy ông Áp-ra-ham! ” Đức Giê-su đáp: “Thật, tôi bảo thật các ông: trước khi có ông Áp-ra-ham, thì tôi, Tôi Hằng Hữu! “
Họ liền lượm đá để ném Người. Nhưng Đức Giê-su lánh đi và ra khỏi Đền Thờ.
II. SUY NIỆM
Bài Tin Mừng hôm nay tiếp tục diễn từ của Chúa Giêsu về chiều kích cứu độ. Những ngày qua, chúng ta đã suy niệm về chiều kích tự TỰ DO KHỎI LỀ LUẬT và TỰ DO KHỎI TỘI, hôm nay chúng ta suy niệm về chiều kích thứ ba là TỰ DO KHỎI CHẾT.
Để được tự do khỏi lề luật cần phải lấy luật yêu thương làm trọng (vượt qua cả Sabát), để được tự do khỏi tội thì cần phải sống theo Sự Thật, và hôm nay để được tự do khỏi chết thì cần tuân giữ Lời của Chúa Giêsu.
Như thế nào là tự do khỏi chết?
Có lẽ trong chúng ta cũng không ít người có chung thắc mắc như người Do-thái xưa rằng: “Ông Áp-ra-ham đã chết, các ngôn sứ cũng vậy; thế mà ông lại nói: “Ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết?”.
Có lẽ để giải thích vấn đề này, mọi người chúng ta sẽ nghĩ ngay rằng đó là Chúa Giêsu nói đến cái chết linh hồn, nghĩa là không được vào cõi vĩnh hằng.
Điều đó đúng, nhưng cách mà Chúa Giêsu nói hôm nay, mang một ý nghĩa biểu tượng gần hơn với tương lai xa mà chúng ta suy nghĩ. Khi giải thích: để được tự do khỏi tội thì cần sống trong sự thật vì sự thật sẽ giải phóng anh em, Chúa Giêsu cũng tuyên bố Người chính là Sự Thật. Thì nay khi giải thích để được tự do khỏi chết thì cần giữ Lời, mà Lời đó chính là Chúa Giêsu, là Logos, là Ngôi Lời và Lời chính là Sự Sống.
Với cách viết ảnh hưởng của triết học Hi-lạp về Logos, Tin Mừng thứ IV dùng chữ Logos (Lời) để chỉ Chúa Giêsu, nhưng Logos ở đây là một ngôi vị đồng bản tính với Thiên Chúa. Như vậy, nhiệm ý của câu nói: “Ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết?”, nghĩa là ai có Lời thì không chết, hoặc ai có Chúa Giêsu thì được sống vì chính Người là Sự Sống.
Đến đây ta có thể hiểu được hạn từ “chết” và “sống” mà Chúa Giêsu dạy trong Tin Mừng hôm nay: Khi con người không có Lời trong mình, thì con người không có Sự Sống và không có Tình Yêu, mà không có sự sống thì cũng có nghĩa là chết. Sống đối lập với chết. Con người bị cái chết trói buộc khi nằm yên trong tội, khi không có lòng yêu thương, khi không phát triển đạo đức, không rao giảng Lời… Một cái xác chết thì nằm một chỗ bất động, thì người nằm yên một chỗ và không có sự tiến tới trong nhân đức, không dấn thân, khư khư giữ lấy mặt chữ của luật đã lỗi thời, ngủ yên trong tội thì có khác gì đã chết. Trái lại, người có Lời là Lời Sự Sống và Tình Yêu thì sống động, tiến tới và dấn thân theo luật Tin Mừng để đến với tha nhân.
Lạy Chúa Giêsu, Lời Chúa thì sống động, có Chúa trong tâm hồn thì chúng con nên sáng láng, sống động và vui tươi, còn không có Chúa thì chúng con chỉ là cái xác chết tối tăm và bất động. Xin cho chúng con biết mở rộng lòng để Chúa đến ở trong và ở với chúng con, hầu chúng con thật sự sống và sống động trong tình yêu dành cho Chúa và tha nhân. Amen
Hiền Lâm
Discussion about this post