THỨ TƯ TUẦN V MÙA CHAY
I. ĐỌC TIN MỪNG: Ga 8,31-42
Đức Giê-su nói với những người Do-thái đã tin Người: “Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi; các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông.” Họ đáp: “Chúng tôi là dòng dõi ông Áp-ra-ham. Chúng tôi không hề làm nô lệ cho ai bao giờ. Làm sao ông lại nói: các ông sẽ được tự do? ” Đức Giê-su trả lời: “Thật, tôi bảo thật các ông: hễ ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội. Mà kẻ nô lệ thì không được ở trong nhà luôn mãi, người con mới được ở luôn mãi. Vậy, nếu người Con có giải phóng các ông, thì các ông mới thực sự là những người tự do. Tôi biết các ông là dòng dõi ông Áp-ra-ham, nhưng các ông tìm cách giết tôi, vì lời tôi không thấm vào lòng các ông. Phần tôi, tôi nói những điều đã thấy nơi Cha tôi; còn các ông, các ông làm những gì đã nghe cha các ông nói.” Họ đáp: “Cha chúng tôi là ông Áp-ra-ham.” Đức Giê-su nói: “Giả như các ông là con cái ông Áp-ra-ham, hẳn các ông phải làm những việc ông Áp-ra-ham đã làm. Thế mà bây giờ các ông lại tìm giết tôi, là người đã nói cho các ông sự thật mà tôi đã nghe biết từ Thiên Chúa. Điều đó, ông Áp-ra-ham đã không làm. Còn các ông, các ông làm những việc cha các ông làm.”
Đức Giê-su bảo họ: “Giả như Thiên Chúa là Cha các ông, hẳn các ông phải yêu mến tôi, vì tôi phát xuất từ Thiên Chúa và bởi Thiên Chúa mà đến. Thật thế, tôi không tự mình mà đến, nhưng chính Người đã sai tôi.
II. SUY NIỆM.
Tự do khỏi lề luật, tự do khỏi tội và tự do khỏi chết là ba chiều kích cứu độ học trong các thư tín của thánh Phaolô. Một cách tương tự, Văn Chương Gioan cũng lần lượt khai triển về ba chiều kích này mà Chúa Giêsu thực hiện. Hôm nay, Chúa Giêsu khẳng định với người Do-thái là: “Ai phạm tội thì nô lệ cho tội… nếu người Con có giải phóng các ông, thì các ông mới thực sự là những người tự do” (Ga 8,34.36). Nghĩa là Chúa Giêsu giải thoát nhân loại để họ được tự do khỏi tội.
Đối tượng mà Chúa Giêsu giảng dạy hôm nay được Tin Mừng ghi rõ là “những người Do-thái đã tin Đức Giêsu”. Như thế, dù đã tin, nhưng tội vẫn còn đó khi chưa được Chúa Giêsu cứu chuộc thì vẫn bị tội lỗi giam giữ.
Thông thường, nô lệ được hiểu như là một người làm tôi tớ phục vụ một ông chủ, hoàn toàn lệ thuộc ông chủ, không còn quyền lợi gì trên mình kể cả mạng sống. Người Do-thái cũng nghĩ như thế, khi họ nói, chính họ nói họ không làm nô lệ cho ai cả. Thế nhưng, hiểu rộng hơn là, khi chúng ta bị lệ thuộc điều gì thì chính chúng ta đang nô lệ cho điều đó. Chẳng hạn người ham tiền bạc thì nô lệ cho tiền bạc, kẻ sống theo dục vọng thì bị lệ thuộc bởi xác thịt…
Thời chế độ chiếm hữu nô lệ, thì nô lệ như một món hàng để mua bán, ông chủ có nhiều tiền thì mua được nhiều nô lệ về làm công. Nô lệ thì vĩnh viễn là nô lệ, không có tài sản, không có quyền lợi, và mất hết tự do, thậm chí còn hèn kém hơn cả một vật nuôi trong nhà. Trừ khi có một ai đó đến trả một giá đắt mà chuộc lại họ và cho họ được tự do.
Khi tội lỗi xâm nhập trần gian, con người đắm chìm trong tội, nô lệ cho mọi khuynh hướng xấu, bị giam hãm trong tội nguyên tổ, sự xuống cấp của một luân lý suy đồi “tội trần gian” và làm tôi cho ma quỷ. Tự sức con người không thể tự giải thoát mình, nên cần đến ơn Cứu Độ, Chúa Giêsu đã phải trả giá đắt để chuộc con người và đưa con người trở nên con cái tự do.
Chúa Giêsu cũng khẳng định: “Kẻ nô lệ thì không được ở trong nhà luôn mãi, người con mới được ở luôn mãi” (Ga 8,35). Các ông chủ mua bán nô lệ với nhau, và người nô lệ rời khỏi chủ này lại bị buộc làm nô lệ chủ khác và thậm chí còn thê thảm hơn; còn Chúa Giêsu, Ơn Cứu Chuộc của Người có đó, nhưng để cho con người sự tự do lựa chọn, vì từ ngày sáng tạo, Thiên Chúa đã ban cho con người sự tự do. Sau khi giải phóng con người, Chúa Giêsu không bắt họ phải làm nô lệ Thiên Chúa, mà là phục hồi cho họ quyền làm con, mà làm con thì được tự do hưởng quyền thừa tự và ở mãi trong nhà Cha mình.
Có thể lấy ví dụ minh họa rằng: Tội nguyên tổ như một quả bom pha chế bằng thuốc kiêu ngạo rơi xuống cắt đứt con đường nối nhân loại với Thiên Chúa tạo nên một cái hố sâu ngăn cách, từ đó bên phía nhân loại không làm sao vượt qua cái hố sâu để đến với Thiên Chúa được nữa. Chúa Giêsu đã dùng cây thập giá như cây cầu bắc qua cái hố sâu đó, cây cầu làm bằng gỗ khiêm tốn. Tuy nhiên, cây cầu đã có đó, nhưng nhân loại có tự do, họ có quyền chọn lựa bước qua cầu để về bên kia, hay đã quá quen và an phận trong tội mà ở lại…
Tóm lại, ơn cứu độ của Chúa Giêsu đến giải thoát nhân loại chúng ta khỏi bị nô lệ cho tội lỗi, được làm con cái Thiên Chúa và thừa kế gia nghiệp với Chúa Giêsu trong nước Cha của Người.
Lạy Chúa Giêsu, đã gần đến ngày tưởng niệm mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa, xin cho chúng con ý thức thân phận làm con của Chúa, để nếu chúng con đang yếu đuối trong tội lỗi, thì mau mắn chạy đến với toà cáo giải xưng thú hết mọi lỗi lầm, hầu được Chúa phục hồi lại ân sủng quyền làm con. Amen
Hiền Lâm
Discussion about this post