THỨ NĂM TUẦN II THƯỜNG NIÊN
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mc 3,7-12
Đức Giê-su cùng với các môn đệ của Người lánh về phía Biển Hồ. Từ miền Ga-li-lê, người ta lũ lượt đi theo Người. Và từ miền Giu-đê, từ Giê-ru-sa-lem, từ xứ I-đu-mê, từ vùng bên kia sông Gio-đan và vùng phụ cận hai thành Tia và Xi-đôn, người ta lũ lượt đến với Người, vì nghe biết những gì Người đã làm. Người đã bảo các môn đệ dành sẵn cho Người một chiếc thuyền nhỏ, để khỏi bị đám đông chen lấn. Quả thế, Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân, khiến ai ai có bệnh cũng đổ xô đến để sờ vào Người. Còn các thần ô uế, hễ thấy Đức Giê-su, thì sấp mình dưới chân Người và kêu lên: “Ông là Con Thiên Chúa! ” Nhưng Người cấm ngặt chúng không được tiết lộ Người là ai.
II. SUY NIỆM
Khác với các Tin Mừng khác, Tin Mừng Mác-cô được coi là cô đọng nhất. Đặc biệt nhiều lần thánh Mác-cô gom rất nhiều địa danh hoặc ý tưởng vào chung một sự kiện, mà đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe là một bằng chứng về điều đó.
Mở đầu đoạn Tin Mừng, thánh nhân ghi lại việc dân tứ xứ đi theo Chúa Giê-su để được nghe giảng và được chữa lành. Dân chúng ở đây thuộc đủ mọi miền Đông Tây Nam Bắc đất nước Palestin, thuộc đủ các vùng đất cai trị của 3 tiểu vương con nhà Hêrôđê cai trị, từ thành thị đến miền quê: Galilêa (Bắc), Giuđêa (Nam), Tyr và Siđôn (Tây), bên kia sông Giođan (Đông); Giêrusalem (thành thị), miền duyên hải Tyr và Siđôn (miền quê).
Có thể nói, thực tế khó có một đám dân hỗn tạp xa cách về địa lý như vậy có mặt cùng một lúc, lang thang và không có phương tiện, nhất là có nhiều bệnh nhân nữa. Thật ra, có thể hiểu đây là một cách ghép nối tài tình của thánh sử Marcô, cho chúng ta một cái nhìn về sức mạnh của Lời Chúa, đã quy tụ muôn người từ Đông Tây Nam Bắc, không phân biệt sang hèn miền quê hay thành thị. Tất cả đều được quy tụ chung quanh một Đức Giê-su, để được nghe Lời sự sống, được chữa lành và được cứu độ.
Một hình ảnh rất đông người chen lấn để được động đến Chúa Giê-su, đến nỗi Chúa Giê-su phải cần một chiếc thuyền để ngồi mà giảng dạy. Thông thường chúng ta vẫn nghĩ việc dùng con thuyền là cách hay để vãn hồi trật tự, giúp Chúa Giê-su có một khoảng cách vừa đủ, để ai cũng có thể nghe giảng và theo thứ tự từng người một lội ra thuyền để xin chữa bệnh. Thiết nghĩ không hẳn là như thế, vì đối với Chúa Giê-su, việc chữa lành của Người không phải là lấy số thứ tự, hay là tạo ra một khoảng cách, mà là Người hoà mình vào giữa mọi người, đụng chạm đến họ và cho họ được đụng chạm. Người muốn thì Người đặt tay chữa lành…
Có lẽ thánh sử Marcô dùng hình ảnh “chiếc thuyền” nhấn mạnh đến ý nghĩa hơn là sự kiện. Chúa Giê-su cần một chiếc thuyền để ngồi lên đó mà giảng dạy, thì Lời Thiên Chúa hôm nay được rao giảng rất cần một Giáo hội, để từ đó khởi đi, cũng như việc phân định hướng dẫn, để không vì ý riêng của ai làm sai lạc chân lý. Chúa Giê-su cũng cần một chiếc thuyền để ngồi lên đó mà đón nhận những ai đến để chữa lành cho họ, thì ngày hôm nay, các Bí tích chữa lành được trao ban qua Giáo hội và được trao ban cách cá nhân kèm theo sự sám hối và tuyên xưng niềm tin của từng người.
Như vậy, Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy được sự hữu ích của Lời Chúa là có sức quy tụ và hiệp nhất mọi người nên một với nhau. Đồng thời, Lời Chúa được rao giảng qua năng quyền của Hội thánh để không bị sai lạc theo tư tưởng cá nhân. Đặc biệt, Ơn Cứu Độ của Chúa vẫn luôn tuôn trào qua Hội thánh, chữa lành mọi thương tích cho tâm hồn con người.
Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con biết yêu mến Lời Chúa và để cho Lời Chúa hướng dẫn cuộc đời chúng con, hầu dù sống trong hoàn cảnh nào, chúng con vẫn bước đi trong ánh sáng Lời Chúa dẫn đường và không bao giờ vấp ngã. Amen
Hiền Lâm
Discussion about this post