THỨ NĂM TUẦN IX THƯỜNG NIÊN
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mc 12,28b-34
Khi ấy, có một người trong các Kinh sư hỏi Đức Giê-su: “Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu? ” Đức Giê-su trả lời: “Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó.” Ông Kinh sư nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng. Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ra không có Đấng nào khác. Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ.” Đức Giê-su thấy ông ta trả lời khôn ngoan như vậy, thì bảo: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu! ” Sau đó, không ai dám chất vấn Người nữa.
II. SUY NIỆM
Bài Tin Mừng hôm nay kể lại việc một tiến sĩ luật của Do-thái đến hỏi Chúa Giê-su về điều răn quan trọng nhất. Chúa Giê-su đã không trả lời trực tiếp về giới răn nào trong thập điều, nhưng đưa ra hai điều gồm tóm tất cả mọi lề luật. Đó là mến Chúa và yêu người.
Thập điều được Chúa ban cho Môisen trên núi Sinai tóm gọn lại trong hai điều (mười răn ấy tóm lại hai điều này mà chớ…) là ba điều trước tập chú về việc MẾN CHÚA TRÊN HẾT MỌI SỰ và bảy điều sau nói đến bổn phận YÊU NGƯỜI NHƯ MÌNH TA VẬY.
Chúa Giê-su không chỉ gồm tóm thập điều thành hai điều căn bản mà còn nâng giới luật yêu thương lên tầm quan trọng ngang hàng với việc kính Chúa:
1. Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn.
Hết lòng: Nghĩa là với cả cái tâm của mình, với cả trái tim của mình, với cả ý chí và tự do.
Hết linh hồn: Linh hồn luôn hướng lên Chúa trong cầu nguyện tâm sự với Chúa, tham dự Thánh Lễ và các Giờ Kinh cùng những bổn phận trong bổn đạo.
Hết trí khôn: Với cả tri thức và ý thức trong mọi việc mình làm thể hiện tình yêu với Chúa.
Như vậy, tình mến dành cho Chúa là ưu tiên hàng đầu trong việc sống đạo, với tâm tình của một người con của Thiên Chúa.
2. Yêu thương kẻ khác như chính mình.
Yêu như chính mình là gì? Trong Cựu Ước, sách Tobia đã nói tới nhưng còn mang vẻ tiêu cực là: “Những gì con KHÔNG MUỐN kẻ khác làm cho mình, thì cũng ĐỪNG LÀM điều đó cho người ta” (Tb 4, 14), nhưng sang Tân Ước, Chúa Giê-su dạy theo hướng tích cực: “Điều con MUỐN người khác làm cho mình thì HÃY LÀM cho người ta” (Mt 7, 12 // Lc 6,31).
Thế nhưng đó mới chỉ là yêu tha nhân bằng mình, mà chúng ta thực hành được đã là chu toàn lề luật rồi. Nhưng càng tốt hơn khi chúng ta dám yêu tha nhân hơn cả chính mình, mới thực sự nên giống Chúa Giê-su, Đấng đã dám thí mạng mình vì yêu, Đấng đã chịu đói khát cho chúng ta được giàu sang. Đó là mức độ cao nhất trong tình yêu là agapê – vượt lên trên mọi so đo tính toán, chứ không như eros (chiếm hữu) hay philia (có qua có lại) theo cách phân tích của người Hy Lạp.
Tình yêu không phải chỉ thương ở trong lòng hay là nói nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm (1Ga 3, 18). Làm sao ta có thể hiến mạng sống mình vì anh em, nếu như không tập từ những cái nho nhỏ như: mong muốn người khác được hạnh phúc, vui, sướng, “được sống và sống dồi dào hơn”. Vui với họ, buồn cùng họ. Chia sẻ từng miếng cơm, từng tấm áo, từng lời động viên, an ủi, cũng như không nói hành nói xấu người khác,… Làm được những điều nhỏ nhoi như thế, thì ta đã yêu thương họ cách chân thành, và khi cần thì cũng có thể hiến mạng sống vì họ (x. 1Ga 3, 17).
Thánh Bênađô nói: “Mức độ của yêu thương là yêu thương không mức độ”, và thánh Augustino cũng dạy: “Bạn hãy cứ yêu đi rồi làm gì hãy làm”. Nghĩa là lòng thương xót, yêu thương và bác ái chúng ta không đạt ra cho nó một giới hạn, nhưng là hãy làm những gì chúng ta có thể làm được, và dù làm việc lành gì đi nữa, mà trong việc làm đó không có sự yêu mến thì cũng vô ích mà thôi.
Tóm lại: Mến Chúa và yêu người là hai tương quan của một nhân vị, vừa mang chiều kích tôn giáo vừa mang chiều kích xã hội. Con người sống tương quan hàng dọc với Thiên Chúa và tương quan hàng ngang với tha nhân. Ki-tô hữu sống mầu nhiệm đức ái bao gồm hai chiều kích này không thể tách rời nhau: Không thể nói mến Chúa mà lại không yêu người, chính thánh Gio-an Tông Đồ cũng đã khẳng định điều đó.
Lạy Chúa Giê-su, xin cho con luôn thấy Chúa hiện diện nơi mọi người chúng con gặp gỡ, để khi thực thi đức bác ái yêu thương với đồng loại, chúng con biết rằng, chúng con đang làm vì lòng yêu mến Chúa và có sức cứu độ các linh hồn. Amen
Hiền Lâm
Discussion about this post