Dẫn nhập
“Thánh Kinh là bức thư tình mà Thiên Chúa gửi cho chúng ta là bạn hữu của Người” (Augustino, Enarr in Ps 90). Thật vậy, giống như đôi bạn tình lúc sống xa nhau, họ trao gửi cho nhau những bức tâm thư và nhờ đó mà lời nói yêu thương và hình ảnh của họ luôn hiện diện bên nhau, để nuôi dưỡng tình yêu họ mãi mãi cho nhau. Cũng thế, khi Chúa Giêsu “về trời”, Thánh Kinh như là một lưu bút và là một bức thư tình để lại cho tín hữu và là thông điệp yêu thương của Người vẫn mãi mãi ở cùng nhân loại giúp họ được sống và sống phong phú trong tình yêu của Thiên Chúa. Nói đến thư tình là nói đến những dòng chữ chất chứa tình thương, hơn là những gì thuộc văn hay chữ tốt. Chẳng có anh chàng hay cô gái nào nhận được thư của người yêu mà lại đặt vấn đề về văn phạm sai câu lỗi vần, nhưng chỉ tập chú khám phá trên mỗi dòng chữ một hình ảnh thân thương, một rung động của con tim và những cảm nghĩ về tình yêu và ước vọng tương lai. Cũng vậy, tinh thần học hỏi và sống Thánh Kinh không nhằm nghiên cứu văn hay chữ tốt, mà là một sự khám phá và cảm nhận tình yêu Thiên Chúa dành cho con người trong chương trình cứu độ.
Theo Hiến Chế Mặc Khải của công đồng Vaticano II, Thánh Kinh là Lời Chúa nói với loài người để mặc khải cho họ về chính Thiên Chúa, về tình thương, sự an bài săn sóc, ý định và chương trình cứu độ của Người, nhờ đó con người có thể tiếp cận được với Thiên Chúa và thông phần bản tính của Người. Thánh Kinh hay Lời Chúa không chỉ là một bản văn chất chứa tình cảm của Chúa mà còn là chính Chúa (Dei Verbum 25). Có thể nói, tình yêu của con người đối với Thiên Chúa tỉ lệ với độ mến yêu của con người đối với Thánh Kinh. Sở dĩ công đồng Vaticano II dám đồng hoá Lời Chúa với chính Chúa, vì Lời ở đây không phải là một âm thanh vẳng trong không khí, nhưng trước hết là Ngôi Lời
Công đồng Vaticano II, mong muốn mọi kitô hữu hãy siêng năng học hỏi Thánh Kinh để đi vào cuộc đối thoại với Thiên Chúa và để tâm hồn được bối dưỡng nơi bàn tiệc Lời Chúa:
“Mọi kitô hữu, cách riêng các tu sĩ hãy siêng năng đọc Thánh Kinh để học biết khoa học về Thiên Chúa (x. Pl 3,8). Vì không biết Thánh Kinh là không biết Thiên Chúa (S. Hyeronimo). Vậy ước gì họ hăng hái tiếp xúc với chính bản văn Thánh Kinh nhờ Phụng Vụ Thánh chứa đựng dồi dào, hoặc nhờ sốt sắng đọc Kinh Thánh, hay những tổ chức học hỏi thích hợp…” (DV, 25).
Tại sao phải học Thánh Kinh?
Có thể nói môn học Thánh Kinh là môn học quan trọng nhất trong các môn thần học, vì Thánh Kinh là kim chỉ nam cho tất cả mọi suy luận thần học. Hơn nữa, việc hiểu biết Thánh Kinh sẽ hướng dẫn cho đời sống mọi kitô hữu.
Vì thế, việc học hỏi Thánh Kinh là rất cần thiết, không chỉ để biết mà còn là để sống, “vô tri thì bất mộ” – không biết Chúa thì không thể yêu mến Chúa và không biết đường lối Chúa và Thánh Ý của Người thì không thể sống đức ái với tha nhân cách trọn vẹn[1]
Chương I.
CÁC
KHÁI
NIỆM
A. Khái niệm về mặc khải (mạc khải).
1. Định nghĩa.
Chữ Mặc Khải hay Mạc Khải mà người Việt Nam đang dùng là một từ Hán Việt (mạc là màn, mặc là tối, khải là mở), nghĩa là Thiên Chúa vén bức màn hoặc cất đi sự u mê của con người để họ biết về Người, được dịch từ chữ REVELATIO, tiếng Latinh, chữ Revelatio bao gồm: Re (cất lên), velum (khăn voan, cái lúp), tức là cất khăn che để thấy rõ một vật gì.
Do đó:
“Mặc khải là hành động mà Thiên Chúa tỏ mình ra và chương trình cứu rỗi của Người cho nhân loại” (DV, 6).
Ví dụ: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi và mi sẽ cắn vào gót nó” (St 3, 15). Đây là mặc khải đầu tiên Thiên Chúa hứa ban Đấng Cứu Độ[2].
2. Mặc khải và Kitô Giáo.
Người có tín ngưỡng đi tìm cho mình một sự liên lạc với các thần linh mà họ tôn thờ và khao khát có một sự đối thoại. Vì thế, không lạ gì nhiều tôn giáo cổ xưa đã đặt ra nhiều phương cách để như “ép buộc” thần linh tự mặc khải cho họ qua chiêm mộng, bói toán, lắc quẻ, đồng cốt, cầu cơ… Những phương cách đó là do sáng kiến của con người hơn là do thần linh. Thiên Chúa của Cựu Ước và Tân Ước là một Thiên Chúa mặc khải, Người tỏ mình qua công trình sáng tạo, qua lịch sử cứu độ, qua sự đàm đạo và tác động trên các tổ phụ và các ngôn sứ, đặc biệt qua Đức Giêsu Kitô.
Như thế, Kitô giáo được xây dựng trên nền tảng mặc khải của Thiên Chúa, nghĩa là trên niềm tin vào những gì Thiên Chúa nói với loài người (qua các kỳ công trong vũ trụ), qua các sứ giả của Người, nhất là qua Đức Giêsu Kitô. Nhờ đó chúng ta sẵn sàng đón nhận và chấp nhận những chân lý mầu nhiệm vượt qua khả năng tri thức và lý luận của người phàm.
3. Cách thức mặc khải.
Thiên Chúa tỏ mình và tỏ ý định của Người bằng muôn phương ngàn cách. Chính thánh Phaolô đã viết: “Sự giàu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào! Quyết định của Người, ai dò cho thấu! Đường lối của Người, ai theo dõi được! Thật vậy, ai đã biết tư tưởng của Chúa? Ai đã làm cố vấn cho Người?” (Rm 11, 33-34).
Nhân loại dùng ngôn ngữ mà truyền đạt tư tưởng, ý muốn và tâm tình của mình. Cũng thế, khi chấp nhận đối thoại, Thiên Chúa đã sử dụng chính ngôn ngữ của nhân loại để mặc khải. Thánh Kinh dùng chữ Dabar và Logos để chỉ Lời mặc khải. Nội dung hai từ này bao gồm việc Thiên Chúa thực hiện mặc khải không những qua lời nói mà còn qua những hành động cụ thể. Hai hình thức này bổ túc cho nhau, nghĩa là lời nói của Chúa giải thích và làm sáng tỏ mầu nhiệm được thể hiện bằng hành động trước đó. Ngược lại, Hành động làm ứng nghiệm những gì được mặc khải qua lời nói.
Ví dụ: “Ta thấy cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai Cập… Ta xuống giải thoát chúng…” thế rồi Chúa đã dùng cánh tay uy quyền giải phóng dân Israel khỏi nô lệ Ai Cập (x. Xh 3,7-8). “Ta thương đoàn dân này…” và sau lời nói này Chúa đã hoá bánh ra nhiều nuôi dưỡng dân (x. Mt 15,32).
a, Lời mặc khải.
Nghĩa là Thiên Chúa tuyên phán trực tiếp Lời của Người, hoặc qua miệng các tổ phụ và các ngôn sứ về danh Người hoặc về ý định của Người. Ví dụ: truyền giới răn trên núi Sinai, Đức Giêsu ban bố Hiến Chương Nước Trời…
b, Lời hành động.
Là bằng chính việc làm, Thiên Chúa bày tỏ bản tính của Người và thánh ý của Người là Đấng sáng tạo, quan phòng săn sóc, thương xót con người và luôn trung tín với giao ước Người đã ban cho nhân loại. Ví dụ: Hai chương đầu của sách sáng thế, Tv 33, 6; 1Pr 1,23…).
c, Mặc khải trong Cựu Ước.
– Thiên Chúa cho biết Người là Đấng Sáng Tạo và Quan Phòng (x. Ga 1,3; Rm 1, 19-20).
– Săn sóc và ban lời hứa cứu độ (x. St 3,8.15).
– Chọn một dân riêng (kêu gọi Abraham) để chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế ra đời.
– Dùng các tổ phụ và các ngôn sứ để giáo huấn.
d, Mặc khải trong Tân Ước.
Thiên Chúa không còn nói với một dân tộc và qua các ngôn sứ nữa, nhưng Người nói với toàn thể nhân loại và nhờ chính Con Một của Người là Đức Giêsu Kitô (x. Ga 3,34; Dt 1,1-2).
Thiên Chúa hiện thân nơi Đức Giêsu bấy giờ là Emmanuel – ở cùng nhân loại, để không chỉ giúp riêng dân Israel thoát ách nô lệ ngoại bang nữa, mà là cứu chuộc nhân loại thoát ách nô lệ ma quỷ, tội lỗi và sự chết, nâng con người lên địa vị làm Con Thiên Chúa và xứng đáng tham dự vào đời sống vĩnh cửu.
Tân Ước hoàn tất trọn vẹn chương trình mặc khải được khởi đầu và chuẩn bị trong Cựu Ước.
4. Các nguồn mặc khải.
Giáo Hội Công Giáo nhìn nhận Thánh Kinh và Thánh truyền là hai nguồn mặc khải chính và bổ túc nhau. Điều này khác với Giáo Hội Tin Lành chỉ nhìn nhận Thánh Kinh là mặc khải duy nhất.
a, Thánh truyền.
Thánh truyền là những mặc khải tuy không được chép thành văn, nhưng vẫn được các kitô hữu sống và thực hành. Chẳng hạn các phẩm trật, quyền bính của Giáo Hội, quyền thủ lãnh của thánh Phêrô và các đấng kế vị ngài, quyền giáo huấn của các tông đồ…
b, Thánh Kinh.
Thánh Kinh là một kho tàng mặc khải được chép thành văn và lưu truyền cho hậu thế. Có thể nói, cho đến hôm nay chưa có một sách nào được ấn bản nhiều và có thời gian lưu hành dài như Thánh Kinh.
c, Thái độ đối với Lời Chúa.
Các tín hữu sơ khai là những nhân chứng sống động trong việc sống Lời Chúa, họ ý thức tầm quan trọng của Lời Chúa và sùng mộ Lời Chúa.
Các tín hữu sơ khai đón nhận Lời Chúa giữa bao gian truân thử thách, với sự hoan hỷ của Thánh Thần, khiến họ nên mẫu mực cho mọi kẻ tin (1Tx 1, 6). Họ lắng nghe và ngoan ngoãn đem ra thực hành. Thánh Giacôbê viết: “Ai thiết tha và trung thành tuân giữ luật trọn hảo -luật mang lại tự do-, ai thi hành luật Chúa, chứ không nghe qua rồi bỏ, thì sẽ tìm được hạnh phúc trong mọi việc mình làm” (Gc 1, 25). Nhờ trung thành thực thi Lời Chúa nên các tín hữu đầu tiên đã lớn mạnh trong ân sủng. Tác giả sách Công Vụ Tông Đồ dám đồng hoá sự tăng trưởng của Giáo Hội sơ khai với sự tăng trưởng của Lời Chúa. Nói cách khác, một khi các kitô hữu tiếp thu và thực hành Lời Chúa, thì Lời Chúa sẽ làm phát triển sự sống thiêng liêng (x. Cv 6,7; 12,24…). Cuối cùng, các kitô hữu sơ khai đã dám liều chết vì Lời Chúa (x. Kh 6,9) vì Lời Chúa dành cho họ sự toàn thắng cuối cùng (x. Kh 12, 11).
Ngày nay, sau công đồng Vaticano II, phong trào học hỏi Lời Chúađang phát khởi mạnh mẽ. Đó là một điểm son của thời đại. Hơn bao giờ hết, chính Giáo Hội cũng muốn mở rộng lối vào Thánh Kinh cho các kitô hữu. Vì Lời Chúa có sức mạnh và quyền năng để nâng đỡ và tăng cường Giáo Hội, ban sức mạnh đức tin cho con cái Giáo Hội, là lương thực linh hồn nguồn sống thiêng, tinh tuyền và trường cửu cho con cái Giáo Hội (Dei Verbum 21). Vì thế phải đón nhận Lời Chúa với lòng yêu mến và trân trọng[3].
5. Phân loại mặc khải.
a, Mặc khải tư.
Mặc khải tư (Private revelation) là chỉ nhắm tới một số người được giới hạn bởi không gian hoặc thời gian, và không phải là nền tảng của đạo.
Ví dụ: Những tiết lộ Fatima, Mễ Du…
b, Mặc khải công.
Mặc khải công (Public Revelatio) là mặc khải nhắm tới lợi ích chung của toàn thể nhân loại, và là nền tảng của đạo.
Ví dụ: Mặc khải cho Môisê biết Thiên Chúa là Giavê (có); mặc khải cho Phêrô biết Đức Giêsu là Đấng Kitô hằng sống…
B. Khái niệm về linh hứng và vô ngộ.
Trong Thánh Kinh, có nhiều vấn nạn liên quan đến đức tin, khoa học và lịch sử. Tuy nhiên, khi tìm hiểu, chúng ta không nên quá chú trọng đến tính khoa học hay tính lịch sử, mà là cần có cái nhìn của đức tin. Sở dĩ Thánh Kinh được Do Thái Giáo và Kitô Giáo công nhận như bản văn mặc khải, vì được Chúa Thánh Thần linh hứng và bảo đảm cho khỏi sai lầm.
1. Linh hứng.
Chữ LINH HỨNG được dịch từ INSPIRATIO (Latinh): In là trong, Spirare là thổi. Cái gì thổi? Gió thổi. Trong Thánh Kinh, gió hay hơi (ruah) được dùng để chỉ Thần Khí, tức là Chúa Thánh Thần.
Vậy, Linh hứng hiểu cách đơn giản là “được Thánh Thần thổi cho”.
Ơn linh hứng là ơn Chúa Thánh Thần tác động trên người viết, là ảnh hưởng siêu nhiên, có công dụng nâng cao và thúc đẩy khả năng của tác giả chép Thánh Kinh để họ chỉ viết những gì Thiên Chúa muốn, đồng thời cũng hướng dẫn họ trong việc sử dụng những từ ngữ và thể văn thích hợp để không làm sai lạc chân lý mà Thiên Chúa muốn mặc khải.
Đức giáo hoàng Lêô XIII, trong thông điệp Providentissimus Deus (18.11.1893), viết về tác động của Chúa Thánh Thần như sau : ”Bằng một sức mạnh siêu nhiên, Thiên Chúa đã khơi động và thúc đẩy các soạn giả viết. Trong khi các vị viết, Người giúp các vị suy tưởng đúng, muốn viết lại cách trung thành và diễn tả cách thích hợp bằng chân lý không sai lầm, hiểu theo nghĩa là đạt tới mục đích cứu rỗi (apte infaillibiti veritate exprimerunt) tất cả những gì Người truyền cho các vị viết và chỉ những điều đó thôi. Nếu không có như thế thì Người không phải là tác giả của tất cả Kinh Thánh” (EB 125 ; Dz 3293). Đây là bản văn rất quan trọng, vẫn được coi là một định nghĩa ơn linh hứng, bởi vì đoạn văn mô tả tác động cụ thể của ơn linh hứng nơi soạn giả khi ông đang làm việc : Thánh Thần hoạt động cùng với soạn giả con người. Người có sáng kiến, nhưng soạn giả thánh không thụ động, trái lại vẫn làm việc và cộng tác bằng trí tuệ, ý muốn và khả năng hành động.
Đức giáo hoàng Piô XII trong thông điệp Divino afflante Spiritu (30.9.1943), được coi là hiến chương mới của khoa nghiên cứu Kinh Thánh trong Giáo Hội công giáo, và đã có ảnh hưởng rất lớn. Về vấn đề linh hứng, thông điệp nhấn mạnh đến vai trò của soạn giả : “Khi chép Sách Thánh, soạn giả thánh là dụng cụ của Chúa Thánh Thần, một dụng cụ sống và có lý trí”, do đó, “khi được Thiên Chúa tác động, vẫn còn sử dụng những khả năng và sức lực của mình. Thế nên từ cuốn sách do công lao soạn giả làm ra, ai nấy có thể nhận thấy dễ dàng tính cách riêng và những nét đặc thù của mỗi soạn giả” (EB 556).
Công đồng Vaticano II trong Hiến Chế Mặc Khải đã viết : “Những điều Thiên Chúa măc khải và Kinh Thánh chứa đựng và trình bày, đều đã được ghi chép do ơn Chúa Thánh Thần soi sáng (Spiritu Sancto afflante). Giáo Hội, Mẹ Thánh chúng ta, do niềm tin bắt nguồn từ thời các thánh Tông Đồ, coi là Sách Thánh và thuộc Thư qui toàn bộ các sách Cựu Ước cũng như Tân Ước với tất cả các phần đoạn, vì lý do là các sách đó đã được chép nhờ ơn Chúa Thánh Thần linh hứng (Spiritu Sancto inspirante) nên có Thiên Chúa là tác giả và đã được truyền lại cho Giáo Hội với tư cách đó. Trong việc soạn các Sách Thánh, Thiên Chúa đã chọn một số người và dùng họ, mà họ vẫn sử dụng những khả năng và sức lực của mình, để nhờ chính Người hành động trong họ và qua họ, họ viết ra với tư cách là những tác giả thực sự, tất cả những gì Người muốn và chỉ viết những điều đó thôi” (DV 11).
Dưới đây ta theo kiểu nói của thông điệp Providentissimus Deus để nói rõ hoạt động của ơn linh hứng trên soạn giả thánh.
– Trong trí tuệ : Thiên Chúa soi sáng:
Để trình bày chân lý như Thiên Chúa muốn, trước tiên cần phải có một quan niệm cho đúng. Ơn linh hứng sẽ giúp trí tuệ soạn giả thánh nhận thức đúng. Một trong những yếu tố góp phần tích cực để hiểu tác động của ơn linh hứng đối với trí tuệ của soạn giả thánh là cách phân biệt phán đoán trừu tượng và phán đoán thực hành cùng vai trò của nó.
Ơn linh hứng tác động vào trí tuệ, giúp cho soạn giả nhận thức chân lý Thiên Chúa muốn thông ban và biết nên viết điều gì và viết cách nào. Ánh sáng linh hứng đó có tính cách nội tại, để lời viết ra thực sự là của con người, và cũng là Lời của Thiên Chúa nhờ ánh sáng đó, bởi vì nếu là ngoại tại thì việc làm của soạn giả thánh không còn tính cách tự do nữa mà là bị cưỡng bách.
– Trong ý chí : Thiên Chúa thúc đẩy:
Ơn Thiên Chúa thúc đẩy soạn giả thánh để chỉ muốn viết những gì Thiên Chúa muốn. Vấn đề là sự hài hòa giữa ý muốn của Thiên Chúa với ý muốn của con người như thế nào. Nếu soạn giả thánh là một dụng cụ có lý trí và tự do, thì Thiên Chúa cũng phải sử dụng dụng cụ đó theo bản tính của nó là có tự do. Vì đó ơn linh hứng phải tác động trên ý chí vì đây là quan năng làm cho con người hành động như con người tức là có tự do.
– Trong hành động: Thiên Chúa giúp đỡ:
Ý chí không những quyết định những gì trí tuệ thấy cần phải viết, nhưng còn vận dụng mọi cơ năng để thực hiện quyết định đó nữa. Vậy ơn linh hứng cũng tác động trên cả những cơ năng thực hành nữa. Khi thực hiện ý định viết, Thiên Chúa sẽ nâng đỡ các khả năng hành động như trí tưởng tượng, trí nhớ, tâm tình, khiếu viết văn và cả những hoạt động thân thể nữa. Vì Sách Thánh là tác phẩm của Thiên Chúa và của con người, nên cũng phải qui những tác động của con người về cho Người, nghĩa là Người ban ơn linh hứng siêu nhiên trợ giúp.
Như vậy, ai là tác giả Thánh Kinh?
2. Các tác giả Thánh Kinh.
a, Thiên Chúa.
Vì chính Thiên Chúa linh hứng cho người ta chép và chỉ chép ra những gì Người muốn bày tỏ với nhân loại, nên tác giả chính của Thánh Kinh là chính Thiên Chúa. Chính vì thế mà Thánh Kinh được gọi là Lời Chúa.
b, Các thánh ký (người viết).
Các tác giả chép Thánh Kinh không phải chỉ nghe Chúa Thánh Thần phát âm chữ nào thì viết ra chữ đó, nhưng các vị chép Thánh Kinh là những con người tự do và luôn sử dụng tài năng riêng cùng quan niệm bình dân và tư tưởng thời đại để diễn tả trước hết là cho người đương thời biết những chân lý mặc khải của Thiên Chúa. Vì thế, các vị cũng là những tác giả thực của Thánh Kinh, nhưng chính là những tác giả phụ mà thôi, vì nội dung chính không phải là do sáng kiến của các vị, mà hoàn toàn là Lời mặc khải của Thiên Chúa.
3. Vô ngộ.
Thiên Chúa là Đấng thông minh và chân thật tuyệt đối, nghĩa là Người không thể sai lầm và Người cũng không hề lừa dối ai. Vì thế những điều Người linh hứng cho các thánh ký cũng không thể sai lầm được. Điều này cũng có nghĩa là Thánh Kinh không thể sai lầm.
Sự vô ngộ của Thánh Kinh xuất phát từ Ơn Linh Hứng. Thật vậy, nếu tin rằng chính Thánh Thần linh hứng, tức là soi sáng và hướng dẫn các thánh ký để họ viết ra thì bản văn Thánh Kinh không thể sai lầm, vì Ngài là Thần Chân Lý. Đức Kitô hứa ban Thánh Thần cho các Tông Đồ, như trí khôn và trí nhớ của họ: Là trí khôn, Ngài cho họ thấu hiểu những điều bí nhiệm (x/ Ga 16,13); là trí nhớ, Ngài nhắc cho họ những gì Chúa đã nói với họ (x. Ga 14, 26).
Tuy nhiên, nếu dừng lại theo phương diện khoa học và lịch sử thì không thiếu những mâu thuẫn và sai lầm. Chẳng hạn tường thuật không logich về việc sáng tạo, hoặc đoạn Tin Mừng Matthêu trích dẫn câu: “Thế là ứng nghiệm lời ngôn sứ Giêrêmaia: họ đã lượm ba mươi đồng bạc, tức là cái giá mà số con cái Israel đã đặt khi đánh giá Người”. Câu này của sách ngôn sứ Giacaria nhưng Matthêu lại lầm lẫn là của Giêrêmia (x. Mt 27,9 // Gcr 11,12). Như thế, chúng ta phải hiểu thế nào khi nói Thánh Kinh không thể sai lầm?
Chúng ta có lập trường sau đây của Giáo Hội:
Công đồng Vaticano II trong Hiến Chế Mặc Khải dạy:
– “Phải xem mọi lời các tác giả được linh hứng viết ra, tức các soạn giả thánh, là những Lời của Chúa Thánh Thần, nên phải công nhận rằng Kinh Thánh dạy ta cách chắc chắn, trung thành và không sai lầm, những chân lý mà Thiên Chúa đã muốn Kinh Thánh ghi lại vì ơn cứu độ của chúng ta…” (DV 11)
– “… Để tìm ra chủ ý của soạn giả thánh, giữa những phương pháp khác, cũng cần xét đến văn loại. Vì chân lý được trình bày và diễn tả qua nhiều thể văn khác nhau, như thể văn lịch sử, ngôn sứ, thi phú hoặc những thể văn diễn tả khác. Hơn nữa, nhà chú giải còn có bổn phận tìm hiểu ý nghĩa mà trong những trường hợp nhất định, soạn giả thánh đã muốn diễn tả và thực sự đã diễn tả trong hoàn cảnh thời đại và văn hóa của họ qua các lối văn được dùng trong thời đó. Thực vậy, để hiểu đúng ý nghĩa Kinh Thánh muốn quả quyết trong bản văn, chúng ta phải chú tâm đúng mức đến các cách thức cảm nghĩ, diễn tả, tường thuật do bẩm sinh, được thịnh hành trong thời của họ, cũng như phải để ý đến các hình thức mà người thời ấy thường dùng khi giao tế với nhau” (DV 12).
Giáo Hội tin Thánh Kinh vô ngộ vì:
– Giáo Hội thừa kế lòng tin tưởng đó của dân tộc Do Thái.
– Giáo Hội dựa trên uy tín của Đức Kitô (x. Mt 22,31).
– Giáo Hội dựa trên thế giá các Tông Đồ (x. Cv 2, 16).
– Giáo Hội dựa trên lời quả quyết của các giáo phụ: Thánh Clément I viết: “Anh em đừng xuyên tạc Lời Chúa vì đó là Lời chân thật”; thánh Augustine cũng dạy: “Thánh Kinh chân thật và không ai phủ nhận chân lý này, trừ phi kẻ bất lương”.
Như vậy:
– Thánh Kinh là Lời Chúa nói với loài người bằng ngôn ngữ nhân loại (cách nói của loài người), nhờ đó giúp người ta có thể lãnh hội được Lời Chúa cách dễ dàng hơn.
– Chỉ những mặc khải về Ơn Cứu Rỗi mới là nội dung chính của Thánh Kinh mà thôi. Đối với những chân lý về Ơn Cứu Rỗi thì Thánh Kinh không thể sai lầm được (S. Augustin, S. Thomas d’Aquine).
– Những chân lý thuộc lãnh vực khoa học, lịch sử, văn phạm… không phải là những chân lý mà Chúa Thánh Thần muốn dạy dỗ loài người qua chương trình mặc khải, nghĩa là những chân lý ấy không thuộc về nội dung chính của Thánh Kinh.
– Các sai lầm trong các lãnh vực thuộc về nội dung chính của Thánh Kinh không hề ảnh hưởng đến các chân lý mặc khải về Ơn Cứu Rỗi, nghĩa là không làm sai lạc những chân lý mà Thiên Chúa muốn mặc khải cho con người để họ có thể đạt tới Ơn Cứu Rỗi.
Các tác giả Thánh Kinh có thể sai lầm theo suy nghĩ bình dân, hoặc các ngài phản ảnh những sai lầm của thời đại khi đề cập đến các chân lý ấy.
Trong lãnh vực khoa học: Thánh Kinh được viết ra không nhằm trình bày khoa học. Thánh Kinh không phải là cuốn vạn vật học hay vũ trụ học. Thánh Kinh chỉ muốn loan báo chân lý cứu rỗi, bằng những kiểu nói đơn sơ của người đương thời.
Trong lãnh vực lịch sử: Nếu có những lầm lẫn về các sự kiện hay biến cố lịch sử, ta cần biết rằng, chủ ý của tác giả nhằm giúp ta thấu hiểu hoạt động kỳ diệu của Thiên Chúa trong lịch sử mà thôi. Bởi thế, tác giả ít quan tâm đến việc kiểm chứng các sự kiện hay các tài liệu sẵn có trong tay.
Trong lãnh vực luân lý: Vì Thánh Kinh được viết trong một thời gian rất dài và trong nhiều thời kỳ khác nhau, nên đời sống dân Chúa cũng được cải tiến cách tiệm tiến. Vì thế, nếu có những tập tục xem ra trái với Tin Mừng của Chúa Kitô, thì ta chớ bỡ ngỡ. Lý do là dân trí thời ấy còn thô lỗ lúc ban đầu.
C. Khái niệm về giao ước.
I, Định nghĩa.
1, Cấu tạo Thánh Kinh.
Được gọi là Thánh Kinh hay Sách Thánh là bởi vì:
– Tác giả là chính Thiên Chúa chí thánh.
– Vì trong đó chứa đựng những điều thánh thiện.
– Vì những trang sách này có sức thánh hoá người đọc (S. Thomas Aquino).
Thánh Kinh là một bộ sách gồm 73 cuốn, được chia làm hai phần: Cựu Ước và Tân Ước. Bộ sách chứa đựng các chân lý mặc khải về Ơn Cứu Rỗi, do nhiều tác giả viết ra dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần (ơn Linh Hứng).
Thánh Kinh được viết vào những thời kỳ khác nhau, trải dài từ khoảng năm 1350 trước Chúa Giáng Sinh đến năm 100 sau Chúa Giáng Sinh.
Thánh Kinh cũng được coi là bộ sách Giao Ước, trong đó bao gồm Cựu Ước (giao ước cũ) và Tân Ước (giao ước mới). Cả hai đều gồm ba thể loại: Lịch Sử, Ngôn Sứ và Giáo Huấn.
2, Định nghĩa giao ước.
Giao ước là một thoả thuận giữa hai bên, được thiết lập và đóng ấn bằng một nghi lễ công khai. Qua đó mỗi bên đều được hưởng những quyền lợi, kèm theo những ràng buộc và phải thi hành một số điều kiện.
Theo phong tục cổ thời, các dân vùng Lưỡng Hà Địa thì sau khi hai bên đạt được thoả thuận cho việc ký kết, người ta giết một con vật, rồi phân thây con vật làm hai nửa. Sau đó đại diện hai bên lần lượt đi qua giữa hai phần của con vật đó, ngụ ý nói lên quyết tâm thực hiện điều đã ký kết và sẵn sàng chịu chung số phận như con vật nếu vi phạm điều đã giao ước (x. St 15, 7-20; Gr 31,31; 34,18-22).
Tuy nhiên, nếu hiểu theo nghĩa chặt, thì không thể có giao ước đúng nghĩa giữa Thiên Chúa và loài người. Vì giao ước chỉ được thiết lập giữa hai bên ngang hàng với nhau và hai bên đều được hưởng lợi và cùng phải có bổn phận ràng buộc. Trong khi Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo và con người chỉ là thụ tạo được Thiên Chúa dựng nên từ hư vô thì không thể ngang hàng với nhau được. Đồng thời Thiên Chúa cũng chẳng được lợi ích gì và Người cũng không thể bị ràng buộc vào bổn phận phải thi hành, vì mọi sự đều là của Thiên Chúa. Nhưng vì yêu thương Thiên Chúa đã tự hạ cố để thiết lập giao ước, nên đúng hơn phải hiểu giao ước giữa Thiên Chúa với loài người là một Lời Hứa được ban cho con người mà thôi (x. St 9,11; 15,5; Xh 19,5).
Giao ước khác biệt với mọi bản giao kèo hay hợp đồng giao kết khác, nghĩa là các bản giao kết kia nếu một bên vi phạm thì bên còn lại không bị ràng buộc nữa, trong khi Giao Ước thì không thay đổi, bằng chứng là phía con người bất tín biết bao lần, nhưng Thiên Chúa vẫn luôn trung tín.
3. Giao ước cũ và giao ước mới.
a, Cựu Ước.
Là Lời Giao Ước Cũ mà Thiên Chúa thiết lập với dân riêng của Người là Israel qua trung gian là các tổ phụ và các ngôn sứ, và được đóng ấn bằng máu con vật sát tế.
CÁC SÁCH CỰU ƯỚC (46 cuốn)[4]:
* 21 sách lịch sử: Sáng Thế, Xuất Hành, Lêvi, Dân Số, Đệ Nhị Luật, Giosuê, Thủ Lãnh, Rút, 1&2 Samuel, 1&2 Vua, 1&2 Sử Biên Niên, Ét-ra, Nơkhemia, Tôbia, Giútđita, Ét-te, 1&2 Macabê.
* 18 sách ngôn sứ: Isaia, Giêrêmia, Aica, Barúc, Edêkien, Đanien, Hôsê, Giôen, Amốt, Ovađia, Giôna, Mika, Nakhum, Khabacuc, Xophonia, Khácgai, Dacaria, Malakia.
* 7 sách giáo huấn: Gióp, Thánh Vịnh, Châm Ngôn, Giảng Viên, Diễm Ca, Khôn Ngoan, Huấn Ca.
b, Tân Ước.
Là Lời Giao Ước Mới mà Thiên Chúa thiết lập với toàn thể nhân loại nhờ chính Con Một Người là Chúa Giêsu và được đóng ấn bằng chính Máu của Người đổ ra trên thập giá (x. Mc 14,22-25; 1Cr 11,23-25).
CÁC SÁCH TÂN ƯỚC (27 cuốn):
* 5 sách lịch sử: Mátthêu, Máccô, Luca, Gioan, Công Vụ Tông Đồ.
* 1 sách ngôn sứ: Khải Huyền
* 21 sách giáo huấn (các thư): Rôma, 1&2 Côrintô, Galát, Ephêsô, Philípphê, Côlôsê, 1&2 Thêxalônica, 1&2 Timôthê, Titô, Philêmôn, Do Thái, Giacôbê, 1&2 Phêrô, 1&2&3 Gioan, Giuđa.
II. Các nguồn tài liệu.
1. Các sách luật (ngũ kinh)[5].
Ngũ Kinh: 5 cuốn sách đầu tiên của Thánh Kinh làm thành một khối duy nhất gọi là sách Luật[6]. Để đạt tới như hiện nay, Ngũ Kinh đã trải qua một quá trình thành hình và phát triển lâu dài.
Ban đầu khi nhìn vào thế giới, khi quan sát các hiện tượng trong trời đất, khi chứng kiến cuộc sống và thân phận con người, khi kinh nghiệm về các biến cố trong lịch sử… một số người trong Israel được mặc khải của Thiên Chúa đã suy tư và tìm hiểu ý nghĩa của những thực tại này. Rồi để phổ biến những kiến thức và kinh nghiệm lãnh hội được từ Thiên Chúa, các tác giả đã dùng những tích truyện, những bài thơ, những điều luật làm phương tiện chuyển tải cho mọi người. Nhờ đó mà chúng ta có bộ Thánh Kinh, cách riêng bộ Ngũ Kinh[7].
Những truyền thống trên bao gồm nhiều tài liệu khác nhau, lắm lúc có cả những tài liệu không cần thiết. Vì thế, qua những biến cố quan trọng ảnh hưởng đến đức tin vào Thiên Chúa, như việc tìm thấy sách Luật trong đền thờ, cuộc lưu đày… người ta đã hiệu đính lại các truyền thống và loại bỏ những gì không cần thiết, đồng thời đưa ra những chú giải làm căn bản thần học cho các truyền thống ấy.
Ngày nay các nhà chú giải phân biệt được thành 4 truyền thống khác nhau lẫn lộn trong bộ Ngũ Kinh:
a, Truyền thống J
J là chữ viết tắt chữ Javeh (Gia-vê). Được gọi là truyền thống Gia-vê vì các đoạn văn thuộc truyền thống này gọi danh Thiên Chúa là Gia-vê.
Truyền thống J xuất hiện ở Miền Nam (Giuđa) vào khoảng thế kỷ X trước Chúa Giáng Sinh, dưới thời Đavít và Salômon trị vì Israel.
Đặc điểm của truyền thống này là dùng cách thức của con người để diễn tả Thiên Chúa. Chẳng hạn: Kể chuyện Thiên Chúa giống như thợ gốm ngồi lấy đất nặn ra con người, lấy xương sườn đàn ông để đắp thành đàn bà…
Truyền thống J trình bày giai đoạn lịch sử bao quát kéo dài từ con người khởi thuỷ đến biến cố Xuất Hành. Chủ đề tổng quát của truyền thống J là LỜI HỨA và THỰC HIỆN LỜI HỨA được trình bày qua các trình thuật về các tổ phụ.
b, Truyền thống E
E là viết tắt chữ Ê-lô-him. Được gọi là truyền thống Ê-lô-him vì các đoạn văn thuộc truyền thống này gọi Thiên Chúa là Ê-lô-him.
Truyền thống E xuất hiện muộn hơn truyền thống J, thuộc miền Bắc, tức vào khoảng thế kỷ IX trước Chúa Giáng Sinh.
Đặc điểm của truyền thống này là luôn tránh lối diễn tả về Thiên Chúa theo cách thức con người. Vì thế, khi tường thuật việc Thiên Chúa muốn mặc khải điều gì, thì truyền thống E không dùng hình thức trực tiếp mà dùng các cách thức như: báo mộng, đám mây, ngọn lửa, thiên thần…
Về mặt luân lý, truyền thống E khắt khe hơn truyền thống J, để đương đầu với lối sống vô luân và phong tục của các bộ tộc ngoại đạo sống xung quanh hoặc lẫn lộn với dân Israel.
c, Truyền thống P
P là viết tắt chữ Priest (tư tế). Được gọi là truyền thống tư tế, vì các bản văn thuộc truyền thống tập chú đến những gì liên quan đến chức tư tế và phụng vụ, như: các ngày lễ, của lễ, y phục thánh…
Truyền thống P xuất hiện vào thời lưu đày. Giữa lúc dân Chúa sống giữa thế giới dân ngoại, nên rất dễ bị lung lạc và đồng hoá với các hình thức tôn giáo ngoại đạo. Vì thế, truyền thống P ra đời nhằm bảo vệ đức tin tinh tuyền và cách thờ tự Thiên Chúa của Israel.
Cũng như truyền thống E, đặc điểm của truyền thống P cũng luôn tránh lối diễn tả Thiên Chúa theo cách thức con người, vì Thiên Chúa là Đấng Siêu Việt Tuyệt Đối. Đặc biệt đặt trọng tâm vào chủ đề: Thiên Chúa là Đấng Thánh, nên Israel cũng phải thánh thiện, nghĩa là phải tách biệt ra khỏi nền luân lý và những hình thức tôn thờ do con người bày ra.
Truyền thống P trình bày lịch sử theo khung cảnh phụng vụ, trình bày lịch sử Israel thành 4 thời kỳ và mỗi thời kỳ được đành dấu bằng một giao ước đặc biệt của Thiên Chúa và được đáp ứng bằng một hình thức tôn thờ đặc biệt.
Tóm lại, truyền thống P được trình bày theo lối phụng vụ trang trọng với chủ đích giúp dân Israel lưu đày giữ vững niềm tin vào Thiên Chúa.
Ba truyền thống J, E và P đan kết lại với nhau làm thành 4 cuốn đầu của bộ Ngũ Kinh.
d, Truyền thống D.
D viết tắt chữ Deutoronomy (luật thứ hai). Được gọi là truyền thống Đệ Nhị Luật vì nói về luật và là nội dung của sách Đệ Nhị Luật.[8]
Truyền thống D xuất hiện vào khoảng thế kỷ VII trước Chúa Giáng Sinh, thuộc thời kỳ khủng hoảng tôn giáo, do các vua gian ác làm tổn hại đến việc tôn kính Giavê, cùng với việc Miền Bắc đã bị sụp đổ và Miền Nam đang bị đe doạ trầm trọng bởi đế quốc Assyri. Trước tình trạng ấy, truyền thống D ra đời nhằm khích lệ dân Israel trung thành với giao ước qua việc tuân giữ lề luật.
Căn bản thần học của truyền thống D là xác tín rằng Giao Ước là lựa chọn đầy yêu thương của Thiên Chúa, do đó tuân giữ giao ước (lề luật) của Thiên Chúa chính là đáp lại sự lựa chọn đầy yêu thương đó.
Cả 4 truyền thống J, E, P và D đều là truyền khẩu, mãi tới thời Đavít và Salomon mới được chép ra thành văn nhờ các thư ký của triều đình. Sau này trong thời kỳ lưu đày ở Babilon và thời kỳ hồi hương mới được các tư tế đúc kết lại các tài liệu như chúng ta có ngày hôm nay[9].
2. Văn chương ngôn sứ [10].
Ngôn sứ được hiểu là một sứ giả của Thiên Chúa và chuyển đạt Lời Chúa, chuyển đạt ý định của Thiên Chúa cho dân.
Các ngôn sứ nhận được sứ điệp từ Thiên Chúa đôi khi qua thị kiến (x Is 6, Ed 1-3…), nhưng thường thì qua ơn linh hứng diễn ra nơi nội tâm. Các vị nhận thức được rõ về linh hứng và xác tín rằng đó là mặc khải của Thiên Chúa và phải được rao giảng cho dân.
Văn chương ngôn sứ: Để rao giảng Lời Chúa cho dân, các ngôn sứ đã sử dụng nhiều hình thức văn chương khác nhau như: THƠ TRỮ TÌNH, NHỮNG TƯỜNG THUẬT BẰNG VĂN XUÔI, NGỤ NGÔN, NHỮNG BÀI GIẢNG THUYẾT, SẤM NGÔN, AI CA, CHÂM BIẾM… Sứ điệp Lời Chúa được các ngôn sứ rao giảng liên quan đến hiện tại và tương lai. Các ngài cũng có thể tiên báo một biến cố sắp xảy đến để minh chứng lời nói và sứ vụ của mình xuất phát từ Thiên Chúa (x. 1Sm 10,1tt; Is 7, 14; Gr 28,15tt).
Để phân biệt đâu là một ngôn sứ có thật là do Thiên Chúa sai đến hay không, Thánh Kinh giúp chúng ta biết dựa theo 1 trong 2 tiêu chuẩn sau đây:
1% Những lời do ngôn sứ rao giảng phải được ứng nghiệm (x. Gr 28,9; Đnl 18,22). Điều này khó tin với người đương thời, vì thường thì lời ngôn sứ được ứng nghiệm trong một tương lai xa. Vì thế, cần đến tiêu chuẩn thứ 2 sau đây:
2% Giáo huấn của ngôn sứ rao giảng phù hợp với tôn giáo Gia-vê (x. Gr 23,22; Đnl 13,2-6). Hơn nữa, các lời ngôn sứ hầu như không bao giờ nói đến những điều bình an giả tạo trước sự suy đồi đạo đức, nhưng thường thì các ngôn sứ nói đến những lời cảnh tỉnh khó nghe, vì đó là lệnh của Thiên Chúa thức tỉnh dân Người.
Tiền ngôn sứ và hậu ngôn sứ: Quy điển Thánh Kinh Do Thái thì các sách: Giosuê, Thủ Lãnh, Samuel, Các Vua là sách TIỀN NGÔN SỨ, để phân biệt với HẬU NGÔN SỨ là: Isaia, Giêrêmia, Êdêkien và 12 ngôn sứ nhỏ[11].
3. Các sách khôn ngoan [12].
Tìm kiếm và chiếm hữu được khôn ngoan là một khát vọng lớn lao. Vì thế, đi tìm sự khôn ngoan hiểu biết là một phong trào rất thịnh hành của các dân tộc. Mục đích của công cuộc tìm kiếm khôn ngoan là thâu thập những kinh nghiệm rút từ cuộc sống hằng ngày, rồi đúc kết lại thành một nghệ thuật sống giúp người ta thành công trên đường đời, biết sống hoà hợp với mọi người và vũ trụ, để đạt được hạnh phúc.
Các kinh nghiệm rút từ cuộc sống và những quan sát tuần hoàn của vũ trụ được lưu truyền lại bằng những câu CÁCH NGÔN, TÍCH TRUYỆN, BÀI THƠ, ANH HÙNG CA… và làm thành một kho văn chương độc đáo, đó là VĂN CHƯƠNG KHÔN NGOAN[13].
Dân Israel cũng hấp thụ nền văn minh và kho tàng khôn ngoan của các dân tộc, nhưng không chỉ dừng lại ở những gì có tính cách nhân bản mà còn được nâng lên một lãnh vực cao siêu hơn, không chỉ dừng lại ở lãnh vực cuộc sống thường ngày mà thăng hoá lên trong cái nhìn tôn giáo, nghĩa là sự khôn ngoan đích thực xuất phát từ Giavê, được soi sáng bởi Giavê và sự khôn ngoan của mọi khôn ngoan chính là lòng đạo đức và kính sợ Đức Chúa. Có thể so sánh sự khác biệt: Khôn ngoan dân ngoại đưa ra sự đối lập giữa khôn và dại, thì khôn ngoan Isrel đưa ra sự đối lập giữa đạo đức và vô luân, giữa công chính và bất chính…
Tóm lại: Các nguồn tài liệu lịch sử, ngôn sứ và khôn ngoan đã tạo nên một cuốn Thánh Kinh duy nhất.
[1] Kinh Thánh là một từ áp dụng cho các văn bản thiêng liêng của nhiều niềm tin khác nhau. Các văn bản này thường được viết trong giai đoạn hình thành của các niềm tin Do Thái và Kitô; những người lãnh đạo của các cộng đồng này tin đây là các sách được linh truyền từ Thiên Chúa để thể hiện lịch sử uy quyền của mối liên hệ giữa Thiên Chúa và dân của ngài.
Kinh Thánh Do Thái giáo còn gọi là Tanakh, gồm 3 phần: Luật Giao Ước (Torah), Sách Ngôn Sứ (Neviim) và Sách Văn Chương (Ketubim hay Ketuvim). Các Kitô hữu gọi chung là Cựu Ước để phân biệt với Tân Ước do các môn đệ của Chúa Giêsu (và những người thừa kế họ) viết ra. Theo truyền thống của Kitô giáo, Cựu Ước được chia thành các sách Ngũ Kinh, Lịch Sử, Ngôn Sứ và Giáo Huấn. Tân Ước bao gồm bốn sách Phúc Âm, sách Công vụ Tông đồ, các thư của Phaolô, các thư của các sứ đồ khác và sách Khải Huyền.
Tanakh gồm 24 quyển, nhưng Tin Lành tính thành 39 quyển. Giáo hội Công giáo và các giáo phái Ki-tô khác có thêm một số sách trong Cựu Ước, lấy từ Bản Bảy Mươi (Septuagint) của Do Thái vì họ giữ các sách này lại sau khi chúng bị những người cải cách Tin Lành bỏ ra. Kinh thánh Tân Ước hình thành sau khi Giêsu sinh ra, gồm 27 quyển, được cố định vào thế kỷ thứ 4 và được hầu hết các giáo hội Ki-tô chấp nhận. (Xem Quy điển Kinh Thánh).
Kinh thánh có lẽ là bộ sách gây ảnh hưởng nhiều nhất trong lịch sử loài người. Số bản in Kinh thánh vượt mọi sách khác. Kinh thánh Do Thái giáo cũng như Kinh Thánh Kitô giáo được dịch nhiều lần, sang nhiều ngôn ngữ hơn bất cứ sách nào khác. Kinh Thánh trọn bộ, hoặc một phần, đã được dịch sang hơn 2.100 ngôn ngữ của 90% dân số thế giới. Kể từ năm 1815, ước tính có khoảng hơn 5 tỉ ấn bản Kinh thánh trọn bộ hoặc các phần quan trọng của Kinh Thánh được phân phối, trở nên sách bán chạy nhất trong mọi thời đại.
Thuật ngữ “Kinh thánh” cũng được dùng cho các văn bản thiêng liêng của các niềm tin không Do Thái và không Ki-tô; vì vậy Guru Granth Sahib thường được dùng để chỉ “Kinh thánh Sikh”.
Nhiều nhà giáo dục thấy rằng Kinh thánh Ki-tô đã ăn rễ vững chắc vào văn hoá phương Tây đến nỗi “bất cứ ai, dù có niềm tin hay không, nếu không quen thuộc với các giá trị và giáo huấn của Kinh thánh sẽ trở nên dốt nát về văn hoá.”[1]
Từ “kinh thánh” trong tiếng Hy Lạp là biblia (biblia), nghĩa là “sách”, từ này lại có nguồn gốc từ biblos (byblos) có nghĩa “giấy cói” (papyrus), từ tên của thành phố Byblos xứ Phenicie(Phoenicia) cổ đại, là nơi xuất khẩu giấy cói.
[2] Dòng giống người phụ nữ: Khi Kinh Thánh tuyên nhận bà Eva là nguyên tổ của loài người, và Tin Mừng cứu độ được ban ra, bà Eva đã nhận lời hứa cho dòng giống của bà: “… Dòng giống người ấy sẽ đánh vào đầu mi”, điều này có nghĩa sau này chính Đấng Cứu Độ sẽ là con cháu Eva theo nhân tính, và Đức Maria đã sinh ra Đấng Cứu Độ, nên trước hết, hình ảnh này làm nổi bật vai trò người phụ nữ, bổn phận làm mẹ của người phụ nữ và viễn tượng công trình cứu độ, mà trong đó, Đức Maria là Đấng đã sinh ra Đấng Cứu Độ. Tư thế chủ động của dòng dõi người nữ trong cuộc chiến đấu và chiến thắng: Bản văn St 3, 15 cho thấy, dòng dõi người người đàn bà sẽ chiến đấu với Satan trong tư thế “đứng”, chứ không phải tư thế “bò” như con rắn[2]. Điều này cũng ngầm ý cho thấy thế giới sự dữ có nhiều mưu mô xảo trá quỷ quyệt luồn lách như con rắn (x. St 3, 1), nhưng với thế chủ động, dòng giống người nữ sẽ chiến thắng (Stabat Mater). Thiên Chúa đứng về phía người phụ nữ: Khác với sự chúc dữ dành cho con rắn, Thiên Chúa tuyên phạt dòng giống người phụ nữ, nhưng không nguyền rủa họ như nguyền rủa con rắn (x. St 3, 14). Thiên Chúa nghiêng về phía dòng giống Eva, chống lại Satan cám dỗ (x. St 3, 15). Thật vậy, dù không hiểu câu chuyện “sa ngã” theo nghĩa đen, nhưng có thể hiểu rằng, nhờ linh hứng, tác giả sách Sáng Thế đã tin tưởng rằng có quyền lực sự dữ đối nghịch với loài người, mà Thiên Chúa, Đấng Toàn Thiện sẽ bênh vực loài người chống lại. Lời hứa cứu độ là một chuỗi dài cho những biểu hiện của “lòng nhân hậu”… cho đến ngày được viên mãn trong Đức Kitô được sinh ra bởi người phụ nữ là Đức Maria.
[3] Viện phụ Dominico Phạm Văn Hiền, Giáo An Thánh Kinh.
[4] Kinh Thánh Hebrew (còn gọi là Kinh Thánh Do Thái giáo, hoặc Tanakh trong tiếng Do Thái) có 24 sách. Tanakh là chữ viết tắt của ba phần trong Kinh Thánh Hebrew: Torah (Ngũ Thư hoặc Ngũ Kinh), Nevi’im (Ngôn sứ hoặc Tiên tri), và Ketuvim (Văn chương). Kinh Thánh có khoảng 160.764 từ.
[5] Torah hoặc “Giáo huấn” được biết đến với tên Ngũ Kinh của Moses (Mô-sê hoặc Môi-se trong tiếng Việt), vì vậy còn có tên Chumash hay Pentateuch (tiếng Hebrew hoặc tiếng Hi Lạp nghĩa là “năm”).
Torah tập chú vào ba thời điểm làm thay đổi mối quan hệ giữa Thiên Chúa và con người. Mười một chương đầu của Sách Sáng thế cung cấp những ký thuật về sự sáng tạo (hoặc trật tự) của thế giới, và lịch sử của mối tương giao ban đầu giữa Thiên Chúa và loài người. Ba mươi chín chương còn lại của Sách Sáng thế thuật lại việc thiết lập giao ước giữa Thiên Chúa và các tổ phụ của dân tộc Do Thái như Abraham, Isaac vàJacob (còn gọi là Israel), cùng với dòng dõi của Jacob (“Con dân Israel”), đặc biệt là Joseph, cũng ghi chép về cung cách Thiên Chúa kêu gọi Abraham rời bỏ gia tộc và quê hương ở thành Ur để ra đi, cuối cùng định cư trên đất Canaan, và thuật lại câu chuyện Con dân Israel về sau di cư đến Ai Cập. Bốn sách còn lại của Torah ký thuật cuộc đời của Moses, một hậu duệ sống hàng trăm năm sau các tổ phụ. Các biến cố trong cuộc đời Moses xảy ra cùng lúc với cuộc giải phóng Con dân Israel khỏi ách nô lệ trong xứ Ai Cập, để làm sống lại giao ước giữa họ và Thiên Chúa tại núi Sinai, và về thời kỳ dong ruổi trong hoang mạc cho đến khi một thế hệ mới sẵn sàng tiến vào xứ Canaan. Torah khép lại với ghi chép về cái chết của Moses.
Theo truyền thống, Torah chứa đựng 613 mitzvot, hoặc điều luật, của Thiên Chúa, được mặc khải từ thời kỳ nô lệ trong đất Ai Cập cho đến lúc sống đời tự do trong xứ Canaan. Những điều luật này kiến tạo nền tảng cho luật Halakha của Do Thái giáo và được chi tiết hóa trong bộ luậtTalmud. Torah được chia thành 54 phần, được xướng đọc theo thứ tự trong nghi thức Do Thái giáo, vào mỗi ngày Sabbath (thứ Bảy trong tuần), từ trang đầu của Sách Sáng thế cho đến trang cuối của Đệ nhị luật. Chu trình này chấm dứt và lại khởi đầu vào cuối kỳ Sukkot, còn gọi là Simchat Torah.
[6] Sau khi thoát cảnh nô lệ bên Ai Cập, dân Do Thái được Thiên Chúa dẫn qua sa mạc để tới Xi-nai. Họ đóng trại tại chân núi, trong khi Thiên Chúa ban cho Mô-sê lề luật buộc dân phải vâng theo. Các lời hứa (hay thỏa hiệp giao ước) trước đây Thiên Chúa thực hiện với các cá nhân như Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp, nay Người lặp lại với toàn dân. Họ sẽ là dân Thiên Chúa; Người sẽ là Thiên Chúa của họ. Người đã cứu thoát họ và Người chờ mong họ vâng theo lề luật của Người. Đây không phải chỉ là những luật lệ về thờ phượng hay điều hướng những dịp về tôn giáo. Chúng còn bao trùm mọi khía cạnh của cuộc sống. Và chúng được tóm tắt trong Mười Điều Răn. Mười Điều Răn chính Thiên Chúa nói. Và sau đây là chính lời Người:
“Ta là Chúa Thiên Chúa của các ngươi, Đấng đã đem các ngươi ra khỏi Ai Cập, nơi các ngươi từng làm nô lệ. Các ngươi không được thờ phượng chúa nào khác ngoài Ta. Đừng làm cho mình các hình ảnh của vật nào trên trời, dưới đất hay trong nước dưới lòng đất. Đừng cúi đầu trước bất cứ ngẫu thần nào hay thờ phượng nó, vì Ta là Chúa Thiên Chúa các ngươi và ta không khoan nhượng bất cứ ai đòi ngang hàng với Ta. Ta sẽ trừng phạt kẻ ghét Ta, cả con cháu 3, 4 đời của nó. Nhưng Ta tỏ tình yêu cho hàng ngàn thế hệ những kẻ yêu mến Ta và vâng theo lề luật Ta”.
Đừng dùng tên Ta cho các mục đích xấu xa, vì Ta, Chúa Thiên Chúa các ngươi, Ta sẽ trừng phạt bất cứ ai lạm dụng tên Ta. Hãy giữ ngày Sa-bát và giữ cho nó thánh thiện.Các ngươi có 6 ngày để làm việc, nhưng ngày thứ bẩy là ngày nghỉ ngơi dành riêng dâng kính Ta. Vào ngày ấy, không được ai làm việc, kể cả các ngươi lẫn con cái, nô lệ và xúc vật của các ngươi, cả người ngoại quốc đang sống trong xứ sở các ngươi nữa. Trong 6 ngày, là Chúa, Ta đã làm nên đất, trời, biển và mọi thứ trong chúng, nhưng Ta đã nghỉ ngơi vào ngày thứ bẩy. Chính vì lẽ đó, Ta, Chúa các ngươi, chúc phúc cho ngày Sa-bát và làm nó nên thánh thiện.
Hãy kính trọng cha các ngươi và mẹ các ngươi, để ngươi được sống lâu trong lãnh thổ Ta sẽ ban cho các ngươi.
Đừng phạm tội sát nhân.
Đừng phạm tội ngoại tình.
Đừng ăn trộm.
Đừng tố cáo ai cách sai lạc.
Đừng ước muốn nhà người khác; đừng ước muốn vợ anh ta, nô lệ anh ta, trâu bò, lừa, và bất cứ điều gì khác thuộc sở hữu của anh ta.
Đó là sưu tập các lề luật tốt nhất của Ít-ra-en. Rõ ràng sưu tập này có một ý nghĩa đặc biệt: trong sách Xuất Hành, nó là bộ luật đầu tiên được ban cho trên Núi Xi-nai, còn trong Sách Đệ Nhị Luật, cuối Mười Điều Răn còn có lời này: ‘Chúa phán những lời này với toàn bộ cuộc tụ họp của các ngươi…và Người không thêm thắt gì nữa’ (Đnl 5:22), nghĩa là, không còn điều gì khác quan trọng bằng.
Mười Điều Răn được phán cho toàn thể dân tộc Ít-ra-en, chứ không riêng cho một nhóm đặc thù nào như các tư tế chẳng hạn, và cũng nói với từng người Do Thái như các cá nhân. Mặt khác, dù Mười Điều Răn này là duy nhất trong tư cách một sưu tập, mỗi một điều răn vẫn được nhắc lại tại những chỗ khác trong luật lệ Do Thái.
Mười Điều Răn trên được viết trên hai phiến đá. Điều ấy rất có thể có nghĩa chúng được chép thành hai bản. Lý do phải chép thành hai bản chỉ được hiểu gần đây mà thôi. Trong thế giới Thánh Kinh, khi thực hiện một giao ước, mỗi bên ký giao ước phải giữ một bản nội dung. Nếu giao ước ấy là giao ước giữa hai quốc gia, như giữa người Khết và người Ai Cập chẳng hạn, thì hai bản phải được giữ ở nơi thật xa nhau, thường là trong đền thờ thần của mỗi nước. Tuy nhiên, tại Ít-ra-en, vì là giao ước giữa Thiên Chúa và dân Người, nên cả hai bản Mười Điều Răn đều được giữ trong Hòm Bia Giao Ước. Đó là trung tâm của Ít-ra-en và cũng là nơi Thiên Chúa ngự. Bởi thế cả bản của Thiên Chúa lẫn bản của Ít-ra-en cùng được lưu trữ với nhau. Mười Điều Răn, do đó, là các điều khoản của giao ước Thiên Chúa đã ký với dân Người. Tại Xi-nai, đáp lại mọi điều Thiên Chúa đã làm cho họ, toàn dân Ít-ra-en đã chấp nhận các điều khoản ấy. Hình phạt cho việc không thi hành bất cứ điều khoản nào trên đây không được nhắc đến. Nhưng nếu ta so sánh các điều răn này với các điều răn tương tự, thì xem ra hình phạt phải là tử hình (hãy so sánh Xh 20:13 với Xh 21:12). Điều ấy không có nghĩa hình phạt trên luôn luôn được thi hành.
Các Bộ Luật khác: Dĩ nhiên, bất cứ xã hội nào cũng cần có nhiều luật lệ chi tiết nữa. Các luật căn bản cần được khai triển thêm. Nếu điều răn dạy rằng các ngươi không được làm việc vào ngày Sa-bát, thì ai là ‘các ngươi’ và ‘làm việc’ là thế nào? Ngay trong Xuất Hành 20:10, điều răn đơn giản trên đã được diễn tả cách chi tiết hơn rồi. Cần phải làm sáng tỏ điều này là ‘các ngươi’ đây không phải chỉ là các người cha trong gia đình Do Thái, mà còn là ‘con cái, tôi tớ, súc vật…và cả ngoại kiều sống trong xứ sở các ngươi nữa’ (Đnl 5:14). (Chúng ta cũng phải giả thiết và hy vọng rằng cả ‘vợ các ngươi’ nữa cũng phải được kể vào!). Sau này, các thầy rabbis Do Thái còn tốn nhiều thì giờ hơn nữa để định nghĩa cách chính xác thế nào là ‘làm việc’. Chúa Giê-su bị một số người chỉ trích chỉ vì Người và các môn đệ của Người đã chữa bệnh và hái lúa vào ngày Sa-bát (Lc 14:3-4; Mt 12:1-2). Vì điều ấy nghịch lại câu định nghĩa về việc làm của nhóm Biệt Phái. Mười Điều Răn là ‘luật giao ước’ của Thiên Chúa dành cho Ít-ra-en. Thêm vào đó, các sách luật của Do Thái (từ Xuất Hành tới Đệ Nhị Luật) chứa đựng khá nhiều các trường hợp điển hình của luật (case-laws), một số tương tự như luật lệ các nước khác. Đó là ba bộ luật chính.
Bộ thứ nhất tiếp liền sau Mười Điều Răn, tìm thấy nơi Xh 21-23. Đôi khi người ta gọi bộ này là ‘Sách Giao Ước’. Nó chứa đựng các luật luân lý, dân sự và tôn giáo. Sau các giáo huấn về việc thờ phượng là các luật lệ về việc xử lý với các quyền lợi của nô lệ; tội ngộ sát và gây thương tích cho sự sống người ta; tội ăn cắp và gây thiệt hại đến tài sản; các nghĩa vụ xã hội và tôn giáo; công lý và nhân quyền. Sau cùng là các giáo huấn về ba ngày lễ lớn của tôn giáo: Lễ Bánh Không Men, Lễ Đầu Mùa và Lễ Gặt Hái. Các luật này cho thấy Thiên Chúa quan tâm đến việc cuộc đời như một toàn bộ phải công bình và sòng phẳng. Chúng cho thấy Thiên Chúa quan tâm bảo vệ quyền lợi của những kẻ yếu đuối nhất như nô lệ, người nghèo, quả phụ, cô nhi và ngoại kiều.
Sách Lê-vi các chương 17-26 chứa đựng bộ luật thứ hai, gọi là ‘luật thánh thiện’. Các luật này chủ yếu quan tâm đến việc dân phải Thờ Phượng Thiên Chúa ra sao, nghĩa là các nghi thức liên quan đến nhà tạm. Tuy nhiên, nó cũng bàn đến các tác phong hàng ngày. Điều chủ yếu trong giáo huấn này là lệnh truyền: ‘Hãy thánh thiện vì Ta, Chúa và là Thiên Chúa các ngươi, là Đấng Thánh’ (Lv 19:2). Ít-ra-en phải thánh thiện vì quốc gia này thuộc về Thiên Chúa.
Bộ luật chi tiết thứ ba được trình bày tại Đệ Nhị Luật 12-25. Nó bao gồm khá nhiều điều y hệt như trong Xuất Hành và Lê-vi, nhưng được trình bày dưới hình thức một bài diễn văn của Mô-sê nói với dân chúng trước khi họ vào Đất Hứa. Chúng bao gồm những lời khích lệ dân giữ Lề Luật và cảnh cáo về hậu quả của việc bất tuân Lề Luật ấy. Đệ Nhị Luật 17:14-20 chỉ là một phần của Lề Luật nói về nhiệm vụ của một vị vua. Mục đích các điều răn. Luật có mục đích hướng dẫn các mối liên hệ tốt với Chúa và tha nhân. Trong Luật, Thiên Chúa, Đấng tạo ra và cứu thoát dân, cho họ hay họ phải sống ra sao để mưu ích và phúc lợi cho chính họ. Từ Hi-bá-lai mà ta thường dịch là Luật (torah) thực sự có nghĩa là ‘hướng dẫn’ hay ‘chỉ giáo’. Các luật này không nhằm đưa ra một bảng liệt kê dài dòng những điều phải làm và những điều không được làm nhằm khiến cho cuộc sống trở thành một gánh nặng.
Lề Luật phản ảnh đặc tính của Thiên Chúa, tức sự thánh thiện, công chính và thiện hảo của Người. Nó diễn tả ý muốn của Thiên Chúa. Nó cung cấp cho dân những hướng dẫn thực tiễn họ cần để vâng theo lệnh truyền phải ‘nên thánh như Ta là đấng thánh’ của Người.
[7] Lịch sử It-ra-en được tiêu biểu bởi nền luân lý rõ ràng của nó. Nếu quả thật rằng việc viết sử không bao giờ chỉ có nghĩa là mô tả các biến cố, thì thuật chép sử của Do Thái đúng là một minh họa tuyệt vời cho thấy lịch sử được viết ra với một động cơ và mục tiêu được xác định rõ ràng trong tâm trí.
Công việc chính của các nhà viết sử của It-ra-en cổ thời là minh họa sự nhận hiểu của họ về Thiên Chúa, và cách thế mà Thiên Chúa dính líu vào đời sống của họ. Nói tóm, nó là văn chương có tính tôn giáochứ không phải là văn thư lưu trữ của triều đình hay những tập ghi chép biên niên về lịch sử. Nắm vững nhãn quan này, chúng ta sẽ tránh được rất nhiều những hiểu lầm không cần thiết. Chẳng hạn, việc nghiên cứu lịch sử ban sơ trong Sách Sáng Thế (chương 1-11) sẽ rất bổ ích nếu các sinh viên nhận ra rằng những câu chuyện này phải được đọc chủ yếu như là sự chỉ dẫn căn bản về triết học và tôn giáo, chứ không phải như là những chỉ nam “khoa học” về nguồn gốc của các loài. Như vậy, xem ra thái độ đúng đắn đối với các trình thuật về sáng tạo hay lụt hồng thủy trong Sách Sáng Thế phải là một sự trân trọng các bài học tôn giáo về trách nhiệm luân lý, về việc Thiên Chúa bênh vực người chính trực, về việc Thiên Chúa can dự vào và quan tâm đối với con người, và về sự cố chấp chống cưỡng của con người. Tham gia một đoàn thám hiểm để tìm kiếm “các mảnh còn lại của con tàu Nôe” trên ngọn núi Ararat ở Thổ Nhĩ Kỳ, đó không phải là thái độ thích đáng nhất để hưởng ứng các bản văn Thánh Kinh, bởi vì làm như vậy là chúng ta bỏ qua sứ điệp cốt lõi của các bản văn ấy và làm cho chúng trở thành một cái gì đó không còn là chúng nữa. Các sinh viên hiện đại cần phải biết cách để đọc, để hiểu và để trân trọng Thánh Kinh Do Thái. Lịch sử thuở ban sơ cho chúng ta biết nhận thức của người Do Thái cổ thời về bản tính ngông cuồng của con người, về tình yêu và sự quan tâm bền bỉ của Thiên Chúa.
Lịch sử thuở ban sơ được nối tiếp bởi các câu chuyện về “các Tổ Phụ”của It-ra-en cổ: Abraham và Sara, Isaac và Rêbecca, Giacóp và các con trai, Giuse bên Ai Cập. Mới cách đây khoảng 30 – 50 năm, các học giả đã bắt đầu tin tưởng hơn vào sử tính của các câu chuyện các tổ phụ, nhưng những công trình gần đây trong lãnh vực khảo cổ và phân tích nguyên bản đã khơi lên mối băn khoăn rằng phải chăng bất cứ tư liệu nào trong Sách Sáng Thế cũng có thể được dùng để tái lập lại lịch sử cổ thời một cách khả dĩ có ý nghĩa. Dường như tốt nhất là nên coi Sách Sáng Thế như một câu chuyện với động cơ tôn giáo kể về nguồn gốc của dân Do Thái và về việc dân này phân bổ thành thành các “chi tộc” được đặt tên theo những nhân vật được nhắc đến trong các câu chuyện của Sách Sáng Thế (ví dụ, “mười hai chi tộc” ứng với mười hai người con trai của Giacóp). Sự việc này đã cung ứng một lịch sử thống nhất cho các dân tộc của Canaan trong khoảng thế kỷ 12 đến thế kỷ 10 trước công nguyên – đây là những người đã cải giáo để phụng thờ Giavê. Các câu chuyện tổ phụ cũng nói lên mối quan tâm trung thành của Thiên Chúa, bất chấp những gãy đổ thường xuyên của con người như được ghi nhận trong các câu chuyện này.
Tuy nhiên, nét nổi bật của năm quyển đầu tiên trong bộ Thánh Kinh không phải ở chỗ đó là những bản văn viết sử mà là những bản văn ghi luật. Hầu như tất cả các luật tôn giáo, luật dân sự, và các nguyên tắc luân lý của It-ra-en cổ thời đều được hệ thống hóa nơi ba bộ sưu tập chứa đựng trong năm quyển sách đầu tiên. Bộ sưu tập xa xưa nhất được gọi là “Bộ Luật Giao Ước”, được tìm thấy trong Sách Xuât Hành (x. chương 19-24). Bộ sưu tập này được bổ sung ít nhất hai lần, bởi một bộ sưu tập chính thức về luật từ cuối thế kỷ 7 trong Sách Đệ Nhị Luật (Deuteronomy – tên gọi này vốn có nghĩa là “bộ luật thứ hai”) và có tên là “Bộ Luật Đệ Nhị Luật”. Bộ sưu tập cuối cùng về luật bao gồm chủ yếu là các luật tư tế hay tôn giáo (mặc dù không phải là không pha phôi các luật khác). Bộ sưu tập này được thêm vào bởi các tư tế trong thời hậu lưu đày. Những luật này có thể được tìm thấy trong Xuất Hành 25 -31, nhưng cũng xuất hiện suốt trong Sách Lêvi nữa. Lớp cổ nhất của luật tư tế có lẽ là Lêvi 17-26 (được gọi là “Luật Thánh”, do bởi câu nói lặp đi lặp lại: “các ngươi hãy nên thánh…”), nhưng được chen vào bởi những luật có tính chú giải và bổ sung sau này trong sách Lêvi và Dân Số.
Sự nhắc lại thường xuyên các luật và các chủ đề về luật (ví dụ, sự kiện “Thập Giới” được gặp thấy hai lần) được giải thích bởi việc bổ sung sau này, trong đó các tư liệu luật của các giai đoạn khác nhau được thêm vào cho các bộ luật. Thật thú vị, việc bổ sung các bản văn như vậy cho phép các sinh viên hiện đại làm công việc đối chiếu, chẳng hạn như đối chiếu về tình trạng của phụ nữ và nô lệ trong luật của It-ra-en qua các thời khác nhau. Từ lâu, khi đối chiếu giữa Bộ Luật Giao Ước (Xh 21) với Bộ Luật Đệ Nhị Luật (Đnl 15,12-18), các học giả đã ghi nhận “tính nhân đạo” ngày càng tăng đối với tình trạng của các nô lệ. Chẳng hạn, bộ luật sau qui định rõ những thứ phải cung ứng khi phóng thích nô lệ, và hơn nữa cấm việc giao trả các nô lệ đã trốn thoát về cho chủ (Đnl 23,16), vv… Có lẽ ấn tượng nhất là mối kỳ vọng có vẻ không tưởng về công bằng xã hội được đưa ra bởi các tư tế trong Lêvi 25, qui định rằng “Năm Toàn Xá” phải được cử hành để hoàn trả tất cả những thửa đất đã mua về cho các chủ nhân ban đầu, như vậy có thể phòng tránh sự gia tăng khoảng cách giữa người giàu và người nghèo bằng cách phân phối lại đất đai sau mỗi 50 năm! Ở It-ra-en cổ, rõ ràng luật vừa có tính chuẩn mực vừa có tính ứng dụng.
[8] Sách luật
Nền tảng của luật và các truyền thống (“halakha”) trong Do Thái giáo là sách Torah (còn gọi là Ngũ thư Kinh thánh hoặc Ngũ kinh Moses). Có tất cả 613 điều răn trong sách Torah. Trong đó, một số điều răn chỉ được áp dụng cho nam giới hoặc nữ giới, một số điều chỉ dành cho các thầy tế lễ thời xưa – thầy tư tế (kohen) và thầy Lêvi, một số điều răn dành riêng cho nông dân trong vùng đất Israel. Nhiều điều răn chỉ được áp dụng khi Đền thờ Jerusalem còn tồn tại, và ngày nay người ta chỉ phải tuân theo chưa tới 300 điều răn trong sách này.
Đức tin của một số nhóm Do Thái giáo như nhóm Sađốc, nhóm Karaite là chỉ dựa vào các bản văn của sách Torah, nhưng hầu hết các tín hữu Do Thái giáo đều tin vào “khẩu luật”. Những truyền thống này được truyền miệng trong phái Pharisêu ở thời kỳ cổ xưa của đạo, sau đó được ghi chép lại thành văn bản và được các thầy Rabi loan truyền rộng rãi.
Các thầy giảng Do Thái giáo thường cắt nghĩa một điều trong sách Torah (các luật được chép lại thành văn bản) song song với một truyền thống được truyền miệng. Khi trong sách có những từ ngữ chưa được giảng giải, những nghi thức không có hướng dẫn thì người Do Thái giả định rằng họ đã biết thông qua kiểu truyền miệng. Cách giải thích song song này dần dần trở thành khẩu luật.
Trước thời của thầy Rabi Judah haNasi (năm 200 trước Công nguyên), sau sự sụp đổ Đền thờ Jerusalem, nhiều phần trong khẩu luật được biên soạn lại thành sách Mishnah. Hơn bốn thế kỷ tiếp theo, nhiều bàn luận và tranh cãi giữa hai cộng đồng Do Thái giáo lớn nhất thế giới (ở Israel và Babylon) và các chú giải về sách Mishnah giữa hai cộng đồng này cuối cùng cũng được tập hợp lại và biên soạn thành hai sách Talmud.
Halakha, cách sống đạo hàng ngày, là sự kết hợp của ba việc, đó là đọc sách Torah, các truyền thống truyền miệng – sách Mishnah và chú giải, sách Talmud và chú giải. Sách luật Halakha dần được hình thành. Việc ghi chép lại các câu hỏi với thầy Rabi và các câu trả lời của thầy được gọi là sách Responsa (sách Hỏi đáp, tiếng Hebrew Sheelot U-Teshuvot.) Theo thời gian, bộ giáo luật Do Thái giáo được ghi chép lại, chủ yếu dựa vào sách responsa; sách luật quan trọng nhất là Shulchan Aruch, mà ngày nay Chính thống giáo dựa vào để cử hành các nghi thức phụng vụ.
[9] Đọc sách Sáng Thế, ngay cả những độc giả vô tình nhất cũng cảm thấy lúng túng bởi một loạt những hiện tượng văn chương thú vị. Chẳng hạn, có hai câu chuyện khác nhau về sáng tạo, đáng kể là sự khác biệt trong mô tả về thứ tự của tiến trình sáng tạo (cây cối, thú vật, rồi đến con người trong 1,1 – 2,4a; con người, cây cỏ, rồi đến thú vật trong 2,4b – 3, 24). Có những câu chuyện khác, chẳng hạn câu chuyện “Mối Đe Dọa Đối Với Vợ Của Tổ Phụ” được lặp lại không dưới ba lần trong bản văn (12,10-20; 20; 26,1-11), và những câu chuyện khác được kể hai lần (sự xua đuổi nàng Hagar trong chương 16 và một lần nữa ở chương 21). Hồi thế kỷ 18, các học giả đã chú ý đến tính không nhất quán giữa những cặp chuyện khác nhau này. Chẳng hạn, một trong hai bản của các câu chuyện được lặp lại sử dụng từ “Elohim” cho Thiên Chúa, trong khi bản kia cứ dùng từ “Yahweh”. Một trong hai bản sẽ trình bày Thiên Chúa có tính nhân cách hóa hơn (nghĩa là Thiên Chúa trong dạng một con người, Ngài đi lại và nói với con người), trong khi bản kia vẫn giữ một cái nhìn về Thiên Chúa uy linh, tách biệt khỏi con người và nói với con người từ trời hay từ trong những giấc mơ.
Những ghi nhận ấy đã dẫn tới “Giả Thuyết Theo Chứng Liệu”. Những đặc điểm căn bản của giả thuyết này thì khá đơn giản, và cho dù giả thuyết này thường xuyên bị chất vấn, nó vẫn là một cơ sở nền tảng để phân tích năm quyển sách đầu tiên của Thánh Kinh.
Theo Giả Thuyết Theo Chứng Liệu, một sưu tập thuở ban đầu về luật và những truyền thống truyền khẩu được tập hợp lại vào thời Salômôn để cung cấp một căn bản lịch sử cho đường lối cai trị. Những hệ thống này, vốn nhất quán sử dụng tên “Yahweh”, đã hình thành một sưu tập mạch lạc các tư liệu từ khởi đầu sáng tạo cho tới thời quân chủ. Sưu tập ban đầu này được gọi là truyền thống “J”. Các học giả chuyên về “phê bình văn loại” cố gắng nhận ra và tách riêng những bản văn hay những mẩu chuyện nhỏ vốn có khả năng phát xuất từ truyền thống truyền khẩu. Có lẽ một ít dòng thơ ca, hay hình thức tiền văn tự của câu chuyện, có thể được nhận ra, và từ đây, chúng ta có thể xác định bằng cách nào truyền thống hay bản văn đó đã được sử dụng và trau chuốt qua thời gian. Chẳng hạn, khi chú ý kỹ đến các hình thức của truyền thống văn học dân gian, người ta có thể nhận thấy bằng cách nào một số câu chuyện về các tổ phụ, vốn nguyên thủy là những câu chuyện truyền khẩu, mãi sau này mới được các ký lục của Salômôn tập hợp lại trong sưu tập của họ. Hơn nữa, một ý niệm nào đó về hình thức nguyên thủy của chúng có thể cho chúng ta thấy cách mà các ký lục đã thay đổi những câu chuyện, hoặc cách mà họ sử dụng những truyền thống truyền khẩu thời trước cho các mục đích của họ.
Sau khi quốc gia quân chủ thống nhất bị phân chia (922 trước công nguyên), vương quốc phía bắc có lẽ lập lịch sử riêng cho mình, sử dụng từ “Eâlohim“ cho Thiên Chúa, và những tư liệu này vì thế được gọi tên là “E”. Một lần nữa, khoa phê bình văn loại có thể chỉ ra cho chúng ta “văn loại” của những tư liệu mà các văn sĩ “E” đưa vào bản văn, và họ nhắm mục đích gì qua bản văn của họ.
Rồi các văn liệu J và E được bổ sung thêm trong thời của Những Cuộc Cải Cách Đệ Nhị Luật (sau 640 trước công nguyên) bởi việc tăng cường quyển Đệ Nhị Luật (gọi là “D”). Hơn nữa, các nhà biên tập này đã viết một phần chú giải rộng rãi về lịch sử It-ra-en từ nhãn quan của các luật thuộc Đệ Nhị Luật. Lịch sử này được viết từ thời chinh phục (Giôsuê) cho đến thời lưu đày Babylon (cuối quyển 2 Các Vua), và quan tâm chủ yếu đến các bài học luân lý của Đệ Nhị Luật bằng cách minh họa các vua quái gở của It-ra-en và Giuđa – là những vị vua bướng bỉnh phớt lơ Lề Luật của Môsê.
Cuối cùng, trong và sau thời lưu đày, quyền lãnh đạo dân Do Thái chuyển từ độc quyền của hoàng gia thành một thể chế cai trị kết hợp giữa hoàng tộc và giới tư tế, để rồi rốt cục quyền cai trị chỉ thuộc về tư tế mà thôi. Trong thời này, giới lãnh đạo tư tế đã thực hiện một cuộc tập hợp và biên tập lần cuối cùng các tư liệu Thánh Kinh. Những tư liệu mà họ thêm vào năm quyển đầu tiên của Thánh Kinh vì thế được đặt tên là “P”. Tư liệu P có thể được tìm thấy rải rác trong suốt năm quyển sách đầu tiên ấy, bắt đầu với câu chuyện sáng tạo thứ nhất (là câu chuyện mang đặc điểm của truyền thống tư tế, nêu bật tầm quan trọng của ngày Sabát, đến độ nói rằng Thiên Chúa “nghỉ ngơi”). Các biên tập viên “P” dường như muốn cố gắng làm sáng tỏ những vấn đề và những chi tiết tôn giáo trong nhiều điểm khác nhau, và đưa thêm vào rất nhiều tư liệu cho Sách Lêvi và Sách Dân Số. Tuy nhiên, cuối cùng, chúng ta cũng cần phải nhận ra rằng hiện nay chúng ta đọc năm quyển đầu tiên của Thánh Kinh trong tư cách là một đơn vị là do bởi công việc của các tư tế. Chẳng hạn, bằng cách tách Đệ Nhị Luật ra khỏi Giôsuê, các biên tập viên tư tế đã đặt Môsê (ở chỗ ngưỡng cửa bước vào Đất Hứa) vào cuối bộ sách sưu tập thánh thiêng nhất, tức bộ Torah này. Phải chăng những điều này là do ảnh hưởng của hoàn cảnh lưu đày, hoàn cảnh mà trong đó chính họ cũng sống niềm hy vọng được nhìn thấy Đất Hứa một lần nữa?
Ghi nhận một phác họa tổng quát như thế về Giả Thuyết Theo Chứng Liệu [(J + E + D) + P], chúng ta thấy rõ rằng bất cứ sự phân tích nghiêm chỉnh nào đối với bất cứ đoạn văn nào của Ngũ Thư , và thật ra là của sử gia Đệ Nhị Luật, thì cũng đều phải bắt đầu với một sự định vị xem đoạn văn ấy thuộc “nguồn” nào. Quá trình này gọi là “phê bình nguồn văn”.
[10] Các sách Tiên tri hoặc Ngôn sứ (Nevi’im) thuật lại sự trỗi dậy của vương triều Do Thái, sự chia cắt đất nước thành hai vương quốc, và những nhà tiên tri (ngôn sứ), những người nhân danh Thiên Chúa đến để rao truyền sự đoán phạt trên các quân vương và Con dân Israel. Các sách này khép lại với ghi chép về sự kiện người Assyria xâm chiếm Vương quốc Israel và người Babylon chiếm đóng Vương quốc Judah, cùng sự phá hủy Đền thờ tại Jerusalem. Trong ngày Sabbath, người Do Thái vẫn đọc những phần khác nhau của các sách tiên tri. Còn sách Jonah được đọc trong ngày lễ Yom Kippur.
[11] Chúng ta không thấy sách ngôn sứ lớn Đaniel được nói tới ở đây, vì quy điển Thánh Kinh Do Thái không có sách này.
[12] Các sách Văn chương hoặc Trước tác (Ketuvim) có lẽ đã được viết trong hoặc sau thời kỳ Lưu đày tại Babylon. Đây là các sách sau cùng được quy điển. Theo cách giải thích truyền thống của Do Thái giáo, nhiều bài thi thiên trong sách Thi thiên (Thánh vịnh) được xem là những trước tác của Vua David; Vua Solomon được xem là tác giả của sách Nhã ca (Diễm ca) khi nhà vua còn trẻ, còn sách Châm ngôn được trước tác khi nhà vua đang độ tuổi trung niên chín chắn, và sách Truyền đạo (Huấn ca) vào lúc tuổi già; sách Ca thương (Ai ca) được cho là của tiên tri Jeremiah. Job là sách duy nhất trong Kinh Thánh được xem là không phải Do Thái. Sách Ruth kể chuyện một phụ nữ không thuộc dân tộc Do Thái (Ruth là người Moab) kết hôn với một người Do Thái, sau khi chồng qua đời, bà chấp nhận cuộc sống và niềm tin của người Do Thái; theo Kinh Thánh, Ruth là bà cố của Vua David. Có năm sách được chọn để đọc trong các ngày lễ Do Thái: Nhã ca trong ngày Lễ Vượt qua; Sách Ruth trong ngày lễ Shavuot; Ca thương trong lễ Ninth of Av; Truyền đạo trong ngày lễ Sukkot; và sách Zuffi trong ngày lễ Purim. Nhìn chung, phần Văn chương (Ketuvim) trong Kinh Thánh Hebrew gồm có thi ca trữ tình, những suy tư triết lý về cuộc sống, những câu chuyện về các tiên tri và các nhà lãnh đạo dân tộc Do Thái trong thời kỳ lưu đày. Phần này kết thúc với chiếu chỉ của hoàng đế Ba Tư cho phép dân Do Thái trở về Jerusalem và bắt tay tái thiết Đền thờ.
[13] Văn chương khôn ngoan – gồm những sách như Châm Ngôn, Gióp, Giảng Viên, Khôn Ngoan không phải là nét độc đáo riêng của It-ra-en. Tại nhiều nơi ở Cận Đông cổ thời, chúng ta có thể tìm thấy các ví dụ về những bộ sưu tập các câu nói khôn ngoan thường được viết như thể một vị cha già đang khuyên nhủ đứa con mình hay một vị thầy đang chỉ dạy học trò mình. Thật vậy, một phần của Sách Châm Ngôn, quyển chính yếu của chúng ta về nền văn chương khôn ngoan, được lấy trực tiếp từ văn chương khôn ngoan Ai Cập (Cn 22,17-24,12). Đây chắc hẳn do bởi các chủ đề chính của văn chương khôn ngoan: các mối quan hệ, khiếu giao tiếp, sự cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói, tiền bạc và sự cần kiệm, những mối nguy hiểm của việc ngoại tình hay việc ăn uống say sưa, sự cần thiết của việc thu thập thêm kiến thức,… là những vấn đề căn bản của con người. Thật vậy, người ta đã lập luận rằng văn chương khôn ngoan, vốn đặt cơ sở trên cái nhìn của con người, quả là một nền văn chương thế tục. Hầu chắc đó là văn chương phát xuất từ giới thượng lưu trong xã hội. Điều này càng được thấy rõ nơi cái nhìn của văn chương khôn ngoan về của cải như một dấu hiệu cho thấy sự chúc phúc của Thiên Chúa – trong khi đó văn chương ngôn sứ lại lên án giới giàu có như là những người không được Thiên Chúa chúc phúc.
Nhưng nền văn chương khôn ngoan, vốn đặt cơ sở trên cái nhìn của con người, cũng là căn bản cho tư tưởng duy lý và nhất là cho cách suy nghĩ của khoa học.Văn chương khôn ngoan, chẳng hạn Sách Giảng Viên, cực lực chốâng lại niềm hy vọng trống rỗng hay chủ nghĩa duy tâm sai lầm, và nghiêng về cái thực tế vốn thường đáng buồn của thế giới khả giác này và của con người trong đó. Vì thế, thật đáng ghi nhận rằng văn chương khôn ngoan trong Thánh Kinh Do Thái có lẽ cho thấy rằng tất cả suy tưởng của con người đều nằm trong thực tại đức tin. Nhưng văn chương khôn ngoan vẫn có lực kình chống nó ngay trong Thánh Kinh. Quyển sách Gióp thường được mô tả như là văn chương “phản khôn ngoan” bởi vì sự khôn ngoan không thể cung cấp các câu trả lời cho những vấn nạn nhức nhối của Gióp về lý do tại sao người công chính phải chịu đau khổ (cũng như sự khôn ngoan nhân loại của chúng ta vẫn tiếp tục bế tắc trước vấn nạn này!).
Cuối cùng, có những câu chuyện nhỏ có ý nghĩa quan trọng trong Thánh Kinh, như Sách Eùt-te và Sách Giona. Mỗi trong những sách này thể hiện một loại văn chương Do Thái vốn cũng được nhận thấy trong các sách khác (Giuse trong Sách Sáng Thế, Đn 1-6), ngày nay chúng ta gọi là “những câu chuyện Diaspora”. Đây là những câu chuyện quan trọng phản ảnh hoàn cảnh của người Do Thái trong các cộng đoàn sau thời lưu đày ở Palestine và bên ngoài Palestine. Mục đích chính của chúng là dạy người ta trung thành với đức tin trong những giai đoạn khó khăn và lệ thuộc về chính trị.
Dĩ nhiên, còn có thể nói nhiều điều nữa về các sắc thái đa dạng của văn chương Thánh Kinh Do Thái. Chúng ta đã lược qua một số loại văn chương và các sách có tính tiêu biểu, và đã ghi nhận một số vấn đề nổi bật nhất liên quan tới mỗi loại. Nhưng việc nghiên cứu Thánh Kinh chỉ thật sự thú vị khi các sinh viên bắt đầu học các công cụ, các phương pháp và các kỹ năng phân tích để có thể tự mình đi vào khám phá bản văn. Chúng ta hãy xem xét một số hình thức căn bản phân tích Thánh Kinh Do Thái, đồng thời cũng ghi nhận các loại vấn đề cần phải được đặt ra.
Discussion about this post