CHÚA NHẬT PHỤC SINH
A. THÁNH LỄ VỌNG PHỤC SINH
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 16,1-8
Vừa hết ngày sa-bát, bà Ma-ri-a Mác-đa-la với bà Ma-ri-a mẹ ông Gia-cô-bê, và bà Sa-lô-mê, mua dầu thơm để đi ướp xác Đức Giê-su. Sáng tinh sương ngày thứ nhất trong tuần, lúc mặt trời hé mọc, các bà ra mộ.
Các bà bảo nhau: “Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi cửa mộ giùm ta đây? ” Nhưng vừa ngước mắt lên, các bà đã thấy tảng đá lăn ra một bên rồi, mà tảng đá ấy lớn lắm. Vào trong mộ, các bà thấy một người thanh niên ngồi bên phải, mặc áo trắng; các bà hoảng sợ. Nhưng người thanh niên liền nói: “Đừng hoảng sợ! Các bà tìm Đức Giê-su Na-da-rét, Đấng bị đóng đinh chứ gì! Người đã trỗi dậy rồi, không còn đây nữa. Chỗ đã đặt Người đây này! Xin các bà về nói với môn đệ Người và ông Phê-rô rằng Người sẽ đến Ga-li-lê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người như Người đã nói với các ông.” Vừa ra khỏi mộ, các bà liền chạy trốn, run lẩy bẩy, hết hồn hết vía. Các bà chẳng nói gì với ai, vì sợ hãi.
II. SUY NIỆM
«TÌNH YÊU CHO TA LÒNG CAN ĐẢM »
Trình thuật của thánh sử Matthêu về biến cố Chúa Giêsu sống lại hiện ra với mấy chị em phụ nữ, là những người thuộc phái yếu, thường là yếu bóng vía. Điều này càng củng cố hơn niềm tin của chúng ta.
Lòng yêu mến Chúa Giêsu đã làm cho các chị em vượt qua cảm giác sợ ma và sợ lính canh mộ, các chị em đã đi ra mồ từ mờ sáng. Có lẽ vì bấy lâu nay, các chị em đi theo Chúa và luôn có Chúa hiện diện, nay hai ngày trôi qua vắng bóng Thầy, nhất là ngày hôm trước bị luật Sabát cấm, các chị em cồn cào mong đợi qua thời gian Sabát để chạy ra viếng mộ Thầy. Và nhờ sự khao khát đó, Chúa Giêsu đã tưởng thưởng cho các chị em như là những chứng nhân đầu tiên gặp Đấng Phục Sinh.
Các chị em được lệnh đi loan báo Tin Mừng Phục Sinh đầu tiên lại là loan báo cho mấy ông môn đệ, những người thuộc phái mạnh, nhưng đã sợ hãi bỏ trốn, để cho những phụ nữ theo Chúa xa xa than khóc suốt đường thập giá cho đến khi lên đến đỉnh đồi Golgotha.
Có một chi tiết rất hay ở đây: Ngày xưa, khi nhìn thấy trái cấm, Eva đã đem đến cho Ađam ăn và cả hai mang lấy án chết cho cả loài người; thì nay, các chị em phụ nữ đem “quả trường sinh” là Đấng Phục Sinh đến cho các ông, để cùng bước vào cuộc sống mới. một cuộc Tân Sáng Tạo bắt đầu, « dân mới » của Thiên Chúa ra đời.
Như vậy, trong trình thuật đầu tiên về cuộc sống lại này, chúng ta có những bằng chứng để xác tín niềm tin:
Các chị em phụ nữ đã vì lòng yêu mến mà vượt qua mọi sợ hãi để đến viếng mộ, chính quyền năng Đấng Phục Sinh đã ban cho các chị em sức mạnh vượt qua mọi sợ hãi.
Thiên thần hiện ra, lăn tảng đá ra, dù tảng đá đã được niêm phong bởi ấn của tổng trấn và thượng tế; lính canh khiếp sợ ngất xỉu, còn các chị em phụ nữ lại được phúc chứng kiến toàn bộ sự việc và được thiên thần xác nhận Chúa đã phục sinh.
Chúa Giêsu còn đón gặp và chào các chị em, các chị em đã ôm lấy chân Thầy, ôm lấy thân xác phục sinh thực sự.
Và trong bất cứ cuộc hiện ra nào, Chúa Giêsu cũng luôn mở đầu bằng câu: “Đừng sợ”. Phải, khi đã tin vào Đấng Phục Sinh và yêu mến Người thì không còn gì phải sợ nữa, kể cả sự chết cũng không thể làm cho người tin yêu Chúa sợ được. Cụ thể là hôm nay, các chị em là những người dễ yếu bóng vía nhất đã can đảm lạ thường, và sau đó là các môn đệ từ những kẻ nhút nhát chạy trốn, đã trở nên hăng hái đi loan báo Tin Mừng và dám chết vì Đấng đã Phục Sinh.
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con niềm khát khao yêu mến để chúng con gặp được Đấng Phục Sinh; xin cũng ban cho chúng con niềm tin sắt đá vào Chúa Phục Sinh, để chúng con can đảm đem Niềm Vui Phục Sinh cho những ai chưa nhận biết Chúa. Amen.
Hiền Lâm.
B. THÁNH LỄ CHÍNH NGÀY
I. ĐỌC TIN MỪNG: Ga 20,1-9
Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. Bà liền chạy về gặp ông Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến. Bà nói: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.”
Ông Phê-rô và môn đệ kia liền đi ra mộ. Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước. Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. Ông Si-môn Phê-rô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giê-su. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết.
II. SUY NIỆM
“NIỀM TIN TỪ NGÔI MỘ TRỐNG”
Bài Tin Mừng Gioan tường thuật khá chi tiết về hiện tượng Ngôi Mộ Trống, cùng với thời gian, sự kiện và các nhân chứng.
+ Trước hết, về thời gian: Biến cố bà Maria Mác-đa-la phát hiện ra ngôi mộ trống và chạy đi báo tin cho hai môn đệ Chúa Giê-su vào lúc “sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần”. Chính cột mốc thời gian này mà truyền thống Ki-tô Giáo đã chọn ngày Chúa Nhật (ngày thứ nhất) làm ngày Lễ Nghỉ, là “Ngày Thiên Chúa Nghỉ Ngơi” là “Ngày của Chúa” (Dies Domini). Điều này ám chỉ và thay thế cho ngày Sabát của đạo Do-thái. Người Do-thái chọn ngày thứ bảy là ngày Thiên Chúa hoàn tất cuộc sáng tạo và Người nghỉ ngơi. Khi chọn ngày Chúa Nhật làm ngày nghỉ, ngày đầu tuần, Ki-tô hữu tuyên xưng Chúa Giê-su hoàn tất công cuộc Tân Sáng Tạo (sáng tạo mới), hoàn tất công cuộc cứu độ và đưa Dân Mới “vượt qua” ngày thứ bảy của lề luật cũ để bước vào một kỷ nguyên mới của Ơn Cứu Độ.
+ Về sự kiện: Sự lạ lùng đầu tiên đó là tảng đá lớn đã lăn ra khỏi mộ; sự kiện lạ lùng kế tiếp là các khăn liệm và khăn che đầu thi hài được cuộn xếp ngăn nắp; và cuối cùng là chuyện các lính canh bỏ mộ mà trốn rồi nhận tiền “bịt mối” và nói dối.
– Chúng ta có thể đưa ra giả thiết, nếu Chúa Giê-su không sống lại, thì ai cả gan đến cả đêm và đủ sức lăn được phiến đá lớn kia, trong khi lính canh căn phòng cẩn mật, nhất là người cạy tảng đá phạm vào ba tội: tội phá hoại, tội ăn trộm và tội làm việc trong ngày nghỉ đáng bị ném đá chết. Trong khi đó, mộ phần này chỉ chôn một con người Giê-su rất nghèo không có tài sản gì chôn theo để mà trộm.
– Trước một sự thật không thể chối cãi, nhóm cầm quyền Do-thái đã lỡ ném lao thì phóng theo lao, họ dùng tiền để bịt miệng lính canh, lấp liếm sự thật, bịa đặt ra một câu chuyện mà khi nghe làm cho người đời sau thấy thật vụng về, thiếu lôgic và phi lý, bởi vì:
“Lúc chúng tôi ngủ”: Lính canh đêm mà lại đi ngủ?
“Môn đệ đến lấy trộm xác”: ngủ mà thấy được môn đệ đến trộm xác, mà biết thế sao không bắt?
– Mộ được niêm phong bởi ấn tổng trấn và thượng tế, làm sao tưởng tượng ra những môn đệ nhút nhát khi Chúa bị bắt đã bỏ chạy hoặc chối đây đẩy rồi giam mình trốn trong Nhà Tiệc Ly vì sợ, lại dám đến ăn trộm dễ dàng vậy? Lại còn đủ thời giờ cuộn khăn liệm ngăn nắp và xếp ngay ngắn khăn che đầu để riêng ra?
– Lại nữa, nếu biết các môn đệ đã ăn trộm, sao không điều tra để tránh tin đồn thất thiệt…
Vân vân và vân vân…
Thế nhưng, chính sự thật thì người ta sẽ không thể mãi mãi trù dập nó được, sự kiện Phục Sinh vẫn được hàng tỉ người trên thế giới tuyên xưng và phát triển đã bao ngàn năm lịch sử… Các môn đệ của Chúa lúc bị xuyên tạc, các ngài không cần kêu oan mà cứ mạnh dạn tuyên xưng những gì mình thấy và sống mầu nhiệm Phục Sinh cách hoàn hảo.
+ Về nhân chứng: Có lẽ đây là điều quan trọng hơn mà Tin Mừng Gioan cố ý nhắm tới:
Vẫn biết khi sống lại, thân xác phục sinh không còn lệ thuộc không gian và thời gian, nên Chúa Giê-su xuất hiện từng thời điểm và từng đối tượng mà Người muốn. Chúa Giê-su hiện ra với bất kỳ ai, trong đó Tin Mừng đặc biệt nhắm tới bà Maria Mác-đa-la “vì bà đã yêu mến nhiều”.
Tuy nhiên, đối với người Do-thái và xã hội lúc bấy giờ, thì người phụ nữ là không đáng tin và lời chứng của họ kém giá trị, nên Tin Mừng Gioan liền sau đó phải kể đến hai vị Tông Đồ.
Vấn đề là ở chỗ, chữ “môn đệ được Chúa Giê-su thương mến” vẫn mãi là một biểu tượng (vì chưa một lần trong Tin Mừng dám khẳng định đó là Gioan), nhưng chữ “môn đệ được Chúa yêu” thường được hiểu đó là hình ảnh của Hội Thánh.
Thế nhưng, Hội Thánh sơ khai đứng trước ngôi mộ trống không và chưa dám vào, mà vẫn phải đợi Phê-rô (vị tông đồ trưởng đến) và rồi “Hội Thánh sơ khai” kia mới vào, trông thấy và tin. Đó là biểu trưng của một sự xác nhận: Hội Thánh nói chung không dễ tin trước những sự kiện, nhưng cần một sự xác nhận từ vị được Chúa đặt làm đứng đầu cai trị Hội Thánh. Thật vậy, cho đến nay Hội Thánh vẫn chỉ tin vào những điều được tuyên bố từ Tông Tòa, và đặc biệt tránh tuyên truyền từ “cửa sau” không qua Hội Thánh, cẩn trọng trước những thứ gọi là “tự tuyên bố mạc khải” và những cái gọi là “sứ điệp từ trời” do những kẻ tự xưng bày ra…
Như vậy, trong Thánh Lễ Chính Ngày mừng Chúa Phục Sinh, SỨ ĐIỆP Tin Mừng dành cho chúng ta là:
– Sống ngày Chúa Nhật -ngày của Chúa- trong một tinh thần mới, một sự đổi mới thực sự trong sự Phục Sinh của Chúa Ki-tô.
– Dám chấp nhận những bất công, dám làm chứng cho sự thật và tuyên xưng Chúa Phục Sinh bằng đời sống tốt lành, thì tự nó làm cho mọi người nhận ra được có Chúa Phục Sinh hiện diện, dù có bị người đời dùng tiền và quyền để bịt miệng và để kết án.
– Không dễ dàng bạ đâu cũng tin, tránh xa những thứ tin đồn hay sứ điệp này nọ không do Giáo Hội công bố, nhưng chỉ tin những gì Hội Thánh nhân danh Chúa mà truyền dạy từ Tông Tòa qua Đấng Bản Quyền giáo phận và các cộng sự của ngài là các linh mục coi sóc linh hồn chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con một niềm tin sắt đá vào sự Phục Sinh, để chúng con hăng hái đem Tin Mừng Phục Sinh đến cho mọi người chúng con gặp gỡ. Amen
Hiền Lâm
Discussion about this post