THỨ BẢY TUẦN XXIII THƯỜNG NIÊN
I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 6,43-49
“Không có cây nào tốt mà lại sinh quả sâu, cũng chẳng có cây nào sâu mà lại sinh quả tốt. Thật vậy, xem quả thì biết cây. Ở bụi gai, làm sao bẻ được vả, trong bụi rậm, làm gì hái được nho! Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu. Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra.
“Tại sao anh em gọi Thầy: “Lạy Chúa! Lạy Chúa!, mà anh em không làm điều Thầy dạy?
“Ai đến với Thầy, và nghe những lời Thầy dạy mà đem ra thực hành, thì Thầy sẽ chỉ cho anh em biết người ấy ví được như ai. Người ấy ví được như một người khi xây nhà, đã cuốc, đã đào sâu và đặt nền móng trên đá. Nước lụt dâng lên, dòng sông có ùa vào nhà, thì cũng không lay chuyển nổi, vì nhà đã xây vững chắc. Còn ai nghe mà không thực hành, thì ví được như người xây nhà ngay mặt đất, không nền móng. Nước sông ùa vào, nhà sụp đổ ngay và bị phá huỷ tan tành.”
II. SUY NIỆM
Giữa một thế giới nhiễu nhương, xấu-tốt thật-giả lẫn lộn, nhiều lý thuyết và hành động hỗn tạp đa chiều từ xã hội đến tôn giáo… làm cho con người khó phân định được để chọn lựa hướng đi cho cuộc sống và niềm tin của mình.
Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su đưa ra một tiêu chuẩn để phân định là: “Xem quả thì biết cây”, nghĩa là cứ nhìn vào kết quả để biết được động lực nào hoặc biết tư tưởng và hành động đó xuất phát từ đâu và với dụng ý gì? Cây tốt là cây bén rễ sâu trong đất tốt để hút nhựa sống và phát triển, nghĩa là người lành thánh là người biết kết hợp với chính nguồn sống từ Đức Ki-tô là Sự Thật và là Sự Sống:
1. Xem quả biết cây.
Nhiều người khi nghe đoạn Tin Mừng này, thường tập trung chú giải theo hướng “cha nào con nấy” hay “hổ phụ sinh hổ tử”. Nghĩa là cha mẹ làm sao thì con làm vậy. Điều này có phần đúng khi “cha mẹ hiền để đức cho con”, vì con cái kế thừa tính di truyền về hình dáng và cá tính từ cha mẹ. Tuy nhiên, sự kế thừa thường bị phá vỡ bởi phần nhiều do hoàn cảnh và môi trường đã tác động làm thay đổi đời sống luân lý đạo đức nơi thế hệ sau. Cụ thể, không thiếu những bậc cha mẹ đạo đức sinh ra đứa con “trời đánh”, hay cha mẹ thông minh sinh đứa con học lực “đội sổ”, hoặc cha mẹ tầm thường sinh đứa con thành đạt, hay cha mẹ bê tha sinh đứa con ngoan đạo tốt lành…
Chính vì thế, mà với lời dạy của Chúa Giê-su hôm nay, chúng ta chỉ nên tập chú hiểu theo khía cạnh xem kết quả cuối cùng để biết động lực xuất phát từ Thiên Chúa hay từ loài người, từ ý tốt hay bởi dụng ý xấu, để vinh danh Chúa hay ngầm ý vinh danh mình…?
Thiết nghĩ, để phân định được ngôn sứ thật hay kẻ giả danh, tiên tri của Chúa hay sứ giả của Sa-tan? Chúng ta dựa vào ít nhất ba điều kiện sau đây:
– Có tuyên xưng Đức Giê-su Ki-tô là Chúa như đức tin tông truyền từ các Tông Đồ dạy không?
– Có nhằm để Thiên Chúa được vinh danh hay không (ý Chúa hay ý mình)?
– Có vâng phục huấn quyền như Chúa Giê-su dạy và kết quả cuối cùng có đem lại sự hiệp nhất không?
Có tuyên xưng Đức Giê-su Ki-tô là Chúa như đức tin tông truyền từ các Tông Đồ dạy không?
Càng ngày càng xuất hiện nhan nhản những kẻ xưng mình là “thị nhân”, là “con gái yêu”, là “ngôn sứ thật”, là “được Chúa sai đi” rồi tự cho mình được “mạc khải” nhưng thực tế lại rao truyền điều đi ngược lại với đức tin tông truyền mà Chúa Giê-su giao cho các Tông Đồ truyền lại cho Giáo hội. Chẳng hạn, có cái gọi là “sứ điệp từ trời” của một phụ nữ tự xưng là “con gái yêu” của Chúa, rao truyền những điều nghịch đức tin, dựa theo những con số tượng trưng trong Thánh Kinh rồi giải thích theo nghĩa đen, lên án Giáo hội trong công đồng Vaticano II, bất phục và không tin vào sự kế vị hợp pháp của Đức Thánh Cha… Như thế, chính cái gọi là sứ điệp ấy tự mâu thuẫn với Lời Chúa dạy.
Có nhằm để Thiên Chúa được vinh danh không (ý Chúa hay ý mình)?
Rất nhiều công việc của vị này, đấng nọ, người kia làm bao việc trọng đại, xả thân rao giảng, xây dựng các công trình tôn giáo và từ thiện, nhưng thay vì để Thiên Chúa được vinh danh thì họ lại ưa thích được sự ngưỡng mộ khen tặng và muốn được lưu danh…
Có vâng phục huấn quyền như Chúa Giê-su dạy và kết quả cuối cùng có đem lại sự hiệp nhất không?
Giáo hội trải qua bao thế kỷ đã phải đương đầu với bao nhiêu lạc giáo. Hầu như các lạc giáo đều có mẫu số chung là luôn khởi đầu có vẻ rất đạo đức, họ ngụy trang bằng Lời Chúa và nhân danh Chúa để bảo vệ chân lý, nhưng rồi càng ngày càng xa lìa chân lý đích thực là Chúa Ki-tô trong Giáo hội, chỉ vì sự tự tôn cái tôi của họ và bất phục huấn quyền. Ngày nay, một hình thức lạc giáo mới đang lợi dụng truyền thông để thực hiện ý đồ xấu, cụ thể là những kẻ bất mãn với các mục tử đã lập các website và trang-nhóm trên mạng xã hội để lên án và nói xấu hàng giáo phẩm, lôi kéo thật nhiều thành viên đi theo họ và ủng hộ họ. Hầu như dù họ viết gì, mở đầu thì luôn là Lời Chúa và việc đạo đức, nhưng rồi cũng vòng vo sang chuyện nói xấu các đấng bậc trong Giáo hội và lên án Giáo hội. Chung quy lại, là tìm cách chia rẽ thay vì hiệp nhất anh chị em mình trong một Giáo hội. Đáng tiếc là nhiều anh chị em Công giáo chúng ta, đặc biệt là các bạn trẻ dễ bề bị họ mê hoặc.
Tóm lại, theo lời Chúa Giê-su dạy, chúng ta dùng tiêu chuẩn “xem quả biết cây” để phân định đâu là ngôn sứ thật và đâu là tiên tri giả, hầu không vội vàng tin theo những thứ mới lạ làm lung lạc niềm tin của mình vào Chúa Ki-tô và vâng phục Giáo hội.
2. Nói và sống.
Điều kiện để được vào nước Thiên Chúa không hệ tại ở việc tuyên xưng hay kêu cầu danh Chúa ngoài môi miệng, mà là việc thực thi ý Chúa. Thực thi ý Chúa nghĩa là đem những lời Chúa dạy trong Tin Mừng ra thực hành trong đời sống. Và ai thực hành lời Chúa thì có một nền tảng vững chắc trong đức tin và lòng yêu mến.
Tình yêu mà chỉ dừng lại nơi đầu môi chót lưỡi thì là thứ tình yêu giả dối. Chúa Giê-su đã nói: “Ai yêu mến Thầy thì tuân giữ Lời Thầy” (Ga 14,23). Như thế, việc tuân giữ Lời Chúa là thể hiện lòng yêu mến đích thực. Chúng ta không thể nói yêu mến Chúa mà lại không tuân giữ Lời Người, vì như thế là nói dối. Thật vậy, giữa tin có Chúa và yêu mến Chúa phải là một khi tuân hành ý Chúa.
Tôi biết anh A chị B và tôi nhiều lần gọi tên họ, nhưng chắc gì tôi đã yêu mến họ, tôi tin có ông này bà nọ hiện hữu, nhưng chắc gì tôi yêu thích họ và tìm đến gặp họ?
Ma quỷ cũng tin có Chúa Giê-su hiện diện, nó biết rất đúng về Chúa Giê-su, thậm chí còn tuyên xưng Người giữa đám đông, nhưng liệu nó có yêu Người không? Thưa không.
Sống đạo, rất cần sự thể hiện ra thực tế, nhưng không ít những người tự cho mình “giữ đạo tại tâm”, không còn tham gia các hoạt động sinh hoạt Công giáo, không tham dự các Bí tích, nhất là thánh lễ, bỏ xưng tội rước lễ lâu năm… Hành động ngược lại với giáo huấn của Chúa và Hội thánh. Đặc biệt, vì lo bon chen cuộc sống hằng ngày, chúng ta quên mất sự hiện diện của Chúa, bỏ bê các việc đạo đức.
Điều mà chúng ta thường gặp phải là “ngôn hành bất nhất”, nói mà không làm, hoặc làm nửa vời. Nói Lời Chúa thì hay mà sống thì chẳng ra gì. Điều này được Chúa ví như xây nhà trên cát, nghĩa là không có móng, là mất gốc, mất căn bản của niềm tin, vì không bám sâu vào Lời Chúa, gặp khi thử thách xảy đến sẽ buông xuôi ngã lòng…
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết xây dựng đời mình trên nền đá vững chắc là Đức Ki-tô, để không có gì thuộc ma quỷ và thế gian có thể xô ngã được chúng con. Xin cho chúng con cũng biết dùng chính đời sống gương mẫu để làm chứng cho Chúa hơn là những lý thuyết suông nơi môi miệng. Amen
Hiền Lâm
Discussion about this post