THỨ NĂM TUẦN XXXII THƯỜNG NIÊN
I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 17,20-25
Người Pha-ri-sêu hỏi Đức Giê-su bao giờ Triều Đại Thiên Chúa đến. Người trả lời: “Triều Đại Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được. Và người ta sẽ không nói: “Ở đây này! hay “Ở kia kìa! , vì này Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông.”
Rồi Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Sẽ đến thời anh em mong ước được thấy một trong những ngày của Con Người thôi, mà cũng không được thấy. Người ta sẽ bảo anh em: “Người ở kia kìa! hay “Người ở đây này! Anh em đừng đi, đừng chạy theo.Vì ánh chớp chói loà chiếu sáng từ phương trời này đến phương trời kia thế nào, thì Con Người cũng sẽ như vậy trong ngày của Người. Nhưng trước đó, Người phải chịu đau khổ nhiều và bị thế hệ này loại bỏ.
II. SUY NIỆM
Tin vào ngày tận thế hay ngày Chúa quang lâm là một trong những điểm nòng cốt của Ki-tô giáo. Hàng ngày, trong Thánh Lễ, các tín hữu tuyên xưng sau truyền phép: “Lạy Chúa, chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại, cho tới khi Chúa lại đến”.
“Chúa lại đến”. Chúa Giê-su nói rằng thực tại thần linh này không đến một cách hiển nhiên có thể quan sát được. Một điều chắc chắn là có chung kết lịch sử, có ngày Chúa Giê-su quang lâm, nhưng không một ai từ hàng chư thánh, các thiên thần đến loài người được biết về thời gian ngày tận thế. Chính vì vậy, Chúa Giê-su cảnh báo đừng tin những tiên tri giả và những lời đồn đoán gây hoang mang, như “ngày 22/12”, sự cố Y2K (năm 2000), tối mấy ngày đêm… và rõ ràng là đã không hề xảy ra, dù không thiếu những người, kể cả người Công giáo đã tin theo và lo trữ nến và trữ mì ăn liền để “trốn” Ngày Chúa Đến.
Nước Thiên Chúa sẽ thành tựu ở một thời điểm mà không ai biết trước được vào ngày Chúa Giê-su sẽ quang lâm. Thiên Chúa quả thực đã đặt để trong lòng con người hạt giống của sự sống vĩnh cửu, hạt giống ấy chỉ có thể nẩy mầm trên thửa đất của hiện tại mà thôi: không thể đi vào vĩnh cửu mà không bước qua hiện tại, không thể yêu mến vĩnh cửu mà lại khước từ hiện tại.
Tính cách bất ngờ của Ngày Chúa Ðến, nên đòi hỏi các tín hữu phải luôn tỉnh thức. Tỉnh thức có nghĩa là dấn thân tích cực trong giây phút hiện tại, chứ không phải là ăn không ngồi rồi mà chờ đợi.
Chúa Giê-su nói: “Giống như chớp sáng loè từ chân trời này đến phương trời kia thế nào, thì Con Người cũng sẽ đến trong ngày của Người như vậy. Nhưng tiên vàn Người phải chịu đau khổ nhiều, và bị dòng dõi này xua đuổi”. Không ai thấy trước được ánh chớp, Chúa đến bất ngờ như ánh chớp loé ra và chúng ta chỉ thấy được khi Người đã xuất hiện rồi, khi đó thì đã muộn nếu chúng ta không sẵng sàng. Chúa đến trong uy quyền sáng láng, nhưng trước đó Người phải chịu tử nạn, nghĩa là con đường của thân phận con người qua thập giá đến vinh quang.
Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con ý thức rằng: tỉnh thức là thể hiện niềm tin Chúa sẽ đến, là biểu lộ lòng yêu mến chờ đợi Chúa, là trung tín với những gì Chúa giao phó và khôn ngoan làm sinh lợi cho sự nghiệp của Chúa… để khi Chúa đến chúng con sẵn sàng cùng với Chúa bước vào quê trời vinh hiển. Amen
Hiền Lâm
Discussion about this post