CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN
NĂM A
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 18,15-20
“Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em. Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân. Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội thánh. Nếu Hội thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế.
“Thầy bảo thật anh em: dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy.
“Thầy còn bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ.”
II. SUY NIỆM.
“TƯƠNG QUAN”
Có thể nói, bài Tin Mừng hôm nay nói lên bản chất của Giáo hội vừa mang tính cơ cấu vừa mang tính cộng đoàn: Cơ cấu vì được thi hành cách thứ tự và việc cầm giữ hay thảo cởi; cộng đoàn vì tính nhân bản và hiệp thông trong việc giúp nhau sửa đổi và đồng tâm nhất trí trong cầu nguyện. Tuy nhiên, dù là cơ cấu hay cộng đoàn thì đều theo một nguyên tắc là “tình yêu thương”, bởi vì “yêu thương là chu toàn lề luật” (Rm 13,10b).
Chúa Giê-su đã nói đến đời sống tương quan giữa con người với nhau, thể hiện qua việc giúp nhau sửa lỗi, tha thứ cho nhau và hiệp nhất với nhau phụng sự Thiên Chúa:
1. Tính nhân bản trong việc sửa lỗi cho nhau.
Chúa Giê-su đưa ra chúng ta một tiêu chuẩn giúp nhau sửa lỗi có tính nhân bản và tế nhị. Khi muốn sửa lỗi ai, cần tôn trọng nhân phẩm của họ. Ai cũng có lòng tự trọng, nếu chúng ta thiếu ý nhị sẽ làm người có lỗi cảm thấy tự ái, nhất là làm cho họ phải xấu hổ và mặc cảm trước đám đông thì sự việc sẽ càng tệ hại hơn.
Vì thế, khi muốn sửa lỗi ai, ít nhất phải qua ba bước:
– Giữa hai người với nhau;
– Cần người thứ ba chín chắn và khôn ngoan hoặc người thứ ba này có khả năng thu phục…;
– Đưa đến cộng đoàn Hội thánh.
Không chỉ là ba bước, mà con số 3 trong Thánh Kinh cho thấy một sự kéo dài (không phải là tam ba bận). Nghĩa là muốn sửa lỗi ai cần đến một sự kiên nhẫn chờ đợi và cầu nguyện xin Chúa giúp hoán cải tội nhân.
2. Năng quyền và tính tương quan trong Hội thánh.
Việc Chúa nói đến tháo cởi hay cầm giữ, có thể hiểu đến năng quyền của Hội thánh ban cho các mục tử qua Bí tích Hòa giải, nhưng suy xa hơn, có một ý nghĩa bao quát về cả chính bản thân và tương quan giữa người với người trong chúng ta.
Khi chúng ta đặt niềm tin vào tình thương của Chúa sẽ tha thứ cho mình, thì chúng ta mới thoát ra được khỏi mặc cảm của tội lỗi để bắt đầu đời sống mới. Đôi khi chúng ta xưng tội, Chúa đã tha thứ cho chúng ta rồi, nhưng về chúng ta cứ bối rối và cứ dằn vặt mãi trong tội.
Khi ta tha thứ (tháo cởi) cho ai, thì Chúa cũng sẽ tha thứ cho chính chúng ta; còn khi chúng ta cứ mãi mãi mang trong mình sự hận thù, thì không những chúng ta trói buộc ngay chính chúng ta trong sự tự ti, mà trước mặt Chúa chúng ta cũng không được tha thứ.
Tính tương quan được thể hiện qua lời dạy của Chúa Giê-su: “Ở đâu có hai hay ba người họp nhau vì danh Thầy, thì có Thầy ở giữa”. Chúng ta không phải là đơn lẻ, vì dù ở đâu chúng ta cũng thuộc về một cộng đoàn hay một giáo xứ. Giáo hội khuyến khích và mong muốn chúng ta tham dự những giờ kinh chung và tham dự Thánh Lễ với cộng đoàn nơi chúng ta đang sống…
Lạy Chúa Giê-su, Nước Trời Chúa dành cho chúng con mai sau được xây dựng ngay trong đời sống tương quan giữa thế gian này. Xin cho chúng con luôn ý thức rằng, chúng con chỉ thực sự yêu mến Chúa khi chúng con biết thương yêu tha nhân. Amen.
Hiền Lâm
NĂM B
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mc 7,31-37
Đức Giê-su lại bỏ vùng Tia, đi qua ngả Xi-đôn, đến biển hồ Ga-li-lê vào miền Thập Tỉnh. Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giê-su, và xin Người đặt tay trên anh. Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. Rồi Người ngước mắt lên trời, thở dài và nói: “Ép-pha-tha”, nghĩa là: hãy mở ra! Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng. Đức Giê-su truyền bảo họ không được kể chuyện đó với ai cả. Nhưng Người càng truyền bảo họ, họ lại càng đồn ra. Họ hết sức kinh ngạc, và nói: “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được.”
II. SUY NIỆM
“ÉP-PHA-THA – HÃY MỞ RA”
Lời Chúa ngày Chúa Nhật XXIII hôm nay xoay quanh chủ đề “Hãy mở ra”. Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa làm cho con người được mở ra: mở ra để ca ngợi Thiên Chúa; mở ra để đến với tha nhân; mở lòng ra để đón nhận và trao ban.
Trong bài đọc I, tiên tri Isaia nói đến một viễn tượng ngày của Thiên Chúa cứu độ, ngày đó “mắt người mù sẽ mở ra, tai người điếc nghe được, kẻ què nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ nói được…” (Is 35,5-6).
Còn bài đọc II, thánh Giacôbê căn dặn chúng ta biết mở lòng ra đón nhận hết mọi người, không thiên tư tây vị sang hèn giàu nghèo. Bởi tất cả đều bình đẳng trước mặt Thiên Chúa.
Đặc biệt trong bài Tin Mừng, qua một cử chỉ đầy tính biểu tượng, Chúa Giê-su rên xiết và hô lên: “Hãy mở ra”. Điều này như một tiếng hét thấu trời xanh để mở đôi tai còn đóng lại của nhân loại. Hãy mở ra để thoát khỏi tình trạng câm điếc đang giam hãm mình trong vỏ ốc ích kỷ bon chen.
1. Tình trạng câm điếc…
Bệnh câm và điếc thường đi đôi với nhau, vì khi không nghe được gì thì cũng chẳng biết gì để nói. Bệnh câm hay ngọng và điếc tuy không bị tách lìa khỏi đời sống xã hội, nhưng lại bị ngăn cách khỏi sự giao tiếp đối thoại với nhau. Người điếc hoàn toàn thiệt thòi về mọi âm thanh diễn ra xung quanh mình và đặc biệt không hiểu được người khác nói gì dù lời nói của họ có liên hệ đến mình. Còn người câm hay ngọng thì lại rất thiệt thòi về những tâm tư tình cảm ước muốn mình muốn diễn tả, đôi khi còn bị chê trách, hiểu lầm và chế nhạo. Chính sự câm điếc tuy không lấy đi hoàn toàn sự liên đới với tha nhân, nhưng vì bị hạn chế hai giác quan cần thiết này đã dần dần đẩy họ ra khỏi mọi sinh hoạt cộng đồng, phần chỉ vì không nghe không hiểu và không diễn tả được, phần vì mặc cảm và sự khinh khi… cuối cùng dẫn đến tình trạng bơ vơ bất hạnh ngay giữa người thân và cộng đồng.
Câm điếc tâm hồn cũng thế: Như hình ảnh người câm rồi từ đó cũng điếc luôn, cho thấy một khi con người không còn mở miệng ra để ca ngợi Chúa và đối thoại với tha nhân nữa, thì cũng kéo theo không còn nghe được Lời Chúa và lời của anh chị em đau khổ xung quanh. Những ai sống tự đóng kín mình, đạo tại tâm, không tham gia đời sống phụng vụ và không liên đới trách nhiệm với cộng đồng, thì chính họ đang tự tách mình khỏi Thiên Chúa và tự xa lánh cộng đồng, để rồi chính mình cô lập mình.
Đó cũng là tình trạng chung của những ai giả câm trước công lý, giả điếc làm ngơ trước nhu cầu của tha nhân, và lo vun vén sống trong vỏ ích kỷ của mình.
2. Hãy mở ra…
Chúa Giê-su chữa lành cho một người vừa bị ngọng vừa bị điếc bằng cách kéo riêng anh ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh, rồi Người ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: “Ép-pha-tha”, nghĩa là: hãy mở ra! Hành động chữa lành của Chúa Giê-su hôm nay xem ra phức tạp hơn nhiều so với những lần trước đó: Thay vì một lời ra lệnh hoặc một cử chỉ đặt tay như cách Người thường làm, thì với người điếc – ngọng này, Chúa Giê-su phải dùng ngón tay xỏ vào tai, dùng nước miếng của mình bôi lên lưỡi bệnh nhân, rồi thở dài không nhìn vào anh mà nhìn lên trời mà nói: Hãy mở ra…
Phải chăng, cách thức chữa bệnh này mang một ý nghĩa đặc biệt nào đó? Có lẽ cách thức chữa trị này mang tính biểu tượng vì tình trạng của con người lúc bấy giờ đã ra nặng nề làm ngơ giả điếc trước Tin Mừng và mọi miệng lưỡi không còn ca ngợi Thiên Chúa nữa. Chúa Giê-su phải hô lên: Ép-pha-tha! Điều này như một tiếng hét thấu trời xanh để mở đôi tai còn đóng lại của nhân loại: HÃY MỞ RA.
Đó cũng là thực trạng của nhân loại hôm nay, cách riêng với nhiều người trong chúng ta, khi làm ngơ trước Lời Chúa và điều hay lẽ phải, bịt tai trước những lời góp ý xây dựng; miệng lưỡi không còn dùng để đọc kinh, ca ngợi và rao truyền chân lý của Chúa, cũng như im lặng trước những bất công và không dám nói lên sự thật.
Tóm lại: Lời Chúa ngày hôm nay mời gọi chúng ta biết cầu xin Chúa phá tan đôi tai tâm hồn điếc lác của mình để lắng nghe tiếng Chúa và tiếng rên xiết của người đau khổ; ước gì Chúa mở miệng tâm hồn đang bị cầm lại của chúng ta, để chúng ta biết ca ngợi Chúa và lên tiếng cho sự thật và công lý.
Xin cho mọi người học được tâm tình thánh Augustino sau khi được ơn trở lại đã thốt lên: “Lạy Chúa, Chúa đã gọi tên con, Chúa đã lớn tiếng kêu gọi con, Chúa đã đâm thủng đôi tai giả điếc làm ngơ của con. Chúa đã tỏa ánh sáng chiếu soi và đã phá tan màn đêm tối dày đặc nơi con.
ÉP-PHA-THA – HÃY MỞ RA, lạy Chúa Giê-su xin hãy đến mở tai lòng chúng con để chúng con nghe lời Chúa dạy và mở miệng chúng con để chúng con ca ngợi danh và rao truyền danh Chúa. Amen
Hiền Lâm
NĂM C
I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 14,25-33
Có rất đông người cùng đi đường với Đức Giê-su. Người quay lại bảo họ:
“Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được.
“Quả thế, ai trong anh em muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có đủ để hoàn thành không? Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi mà không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chê cười mà bảo: “Anh ta đã khởi công xây, mà chẳng có sức làm cho xong việc. Hoặc có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng? Nếu không đủ sức, thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua đã phải sai sứ đi cầu hoà. Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.
II. SUY NIỆM
“THỨ TỰ ƯU TIÊN TRONG CHỌN LỰA”
Để theo Chúa, chúng ta sẽ bị giằng co giữa tin hay không tin, chọn Chúa hay chọn thế gian, chọn hy sinh từ bỏ hay thoả hiệp tình cảm, thú vui, danh vọng và quyền lực. Đức Giê-su đòi những ai tin Người phải sẵn sàng vượt lên và thậm chí trên cả tình cảm gia đình ruột thịt để dứt khoát chọn Chúa và bước theo Người
Lời của Chúa Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay khẳng định sự chọn lựa dứt khoát ấy. Chúa mời gọi vượt qua mọi ràng buộc cá nhân để sống tương quan với Chúa bằng các tương quan đức ái với tha nhân. Chúng ta dừng lại suy niệm ở hai điểm chính:
1. Thứ tự ưu tiên trong việc lựa chọn
Chúa Giê-su đã đưa ra một đòi hỏi quyết liệt và dứt khoát: “Ai đến với tôi mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh em và cả mạng sống mình thì không thể làm môn đệ tôi”. Phải chăng Chúa Giê-su đặt ra một điều kiện của Chúa quá khó?
Sở dĩ Người đưa ra điều kiện như vậy để nói lên một sự dứt khoát chứ không phải nửa vời. Người không khuyến khích việc vô ơn bất hiếu với cha mẹ, hoặc phải sống vô tâm vô tình với người thân, nhưng là Người muốn nhấn mạnh đến sự ưu tiên chọn Chúa là trên hết và Người đòi hỏi sự so sánh hơn kém khi phải chọn lựa. Nếu phải chọn lựa giữa Chúa Giê-su với cha mẹ và người thân, thì những người quyết tâm theo Chúa phải dám chọn Chúa Giê-su là gia nghiệp. Bỏ cha, bỏ mẹ, vợ con, anh em là bỏ những cái gì ngoài mình, nhưng Chúa còn đòi hỏi hơn nữa là dám bỏ cả mạng sống nếu phải làm chứng cho Chúa.
Thời bách hại mà các thánh tử đạo đã thực hiện trọn vẹn theo nghĩa chặt đã qua, nhưng ngày hôm nay, chính mỗi Ki-tô hữu cũng vẫn luôn phải đứng trước một chọn lựa: một bên là chọn Chúa và một bên là chọn những thứ thuộc vật chất. Nếu để ý một chút, chúng ta dễ nhận thấy, hiện chúng ta đang ưu tiên dành cho bên nào hơn.
Điều khó từ bỏ hơn cả là “bỏ mình”, nghĩa là bỏ chính cái tôi ngầm ý hay minh nhiên tham vọng địa vị và lợi lộc cho mình, muốn biến mình làm trung tâm và làm cho sự hướng thiện không còn chỗ đứng trong tâm hồn của mình nữa.
Chúa không đòi chúng ta phải vác thập giá của Chúa, cũng không buộc chúng ta phải vác thập giá của anh em, mà Chúa muốn chúng ta vác thập giá của chính mình. Thập giá của mình là những hoàn cảnh, những khó khăn, những giới hạn của riêng mình, là trách nhiệm trong bậc sống của mình.
Từ bỏ không phải một lần là đủ, mà nó sẽ là một cuộc chiến liên tục trong cuộc đời mỗi người. Chúng ta luôn bị cám dỗ tìm kiếm hơn là từ bỏ, thu tích, giữ chặt những gì chúng ta có, hơn là cho đi, chúng ta còn bị cản trở, níu kéo bởi bao nhiêu thứ tình cảm khiến chúng ta chưa sẵn sàng để theo Chúa.
2. Cân nhắc suy nghĩ trước khi lựa chọn
Theo Chúa và trở thành môn đệ của Người không phải là một sự ngẫu hứng nhất thời, hay một quyết định nông nổi, mà phải là một quyết định có suy nghĩ, cân nhắc và dứt khoát giống như một người dự định xây nhà, xây tháp thì phải biết đánh giá và tính toàn kinh phí cùng với khả năng tài chánh, để khi đã quyết định rồi thì phải thực hiện cho bằng được, không để dang dở, cũng không để thất bại. Hay một người đi thi thì cũng phải biết lượng sức mình liệu có đạt không mới đăng ký thi, chứ không phải phó mặc cho may mắn mà chính mình không vất vả cố gắng đèn sách…
Là môn đệ của Đức Ki-tô, mang danh là Ki-tô hữu, nhưng nhiều người lại ngại ngùng với lời mời gọi thập giá, nhiều người muốn tìm kiếm một Đức Giê-su dễ dãi không đòi hỏi, không điều kiện, không thập giá, và sẽ không bao giờ có thể có một Đức Giê-su như thế. Trái lại, khi đã chấp nhận làm học trò của Chúa Giê-su là phải chấp nhận dành cho Chúa mọi sự ưu tiên tuyệt đối, là dám hy sinh và sống chết vì Chúa Giê-su Ki-tô.
Những ai chọn bước theo đời tu, họ phải suy xét kỹ và cầu nguyện xin ơn soi sáng, để xem mình có đáp ứng được những đòi hỏi khắt khe của Chúa qua linh đạo của các dòng hay tu hội.
Còn mọi Ki-tô hữu, đứng trước một chọn lựa, mà lương tâm và lề luật cho ta biết điều chúng ta sắp làm là không đẹp lòng Chúa, chúng ta có dám từ bỏ không, dù điều đó sẽ làm đẹp lòng cha mẹ, vợ con, anh chị và có lợi cho danh vọng chúng ta, nhưng lại có hại cho linh hồn?
Riêng các bạn trẻ, Chúa mời gọi các bạn từ bỏ sự lôi kéo mời chào hấp dẫn hào nhoáng giả tạo mà xã hội đang bày ra để làm lạc hướng các bạn. Hãy can đảm từ bỏ lối sống dễ dãi buông thả của người trẻ, để biết sống có kỷ luật đối với bản thân, có trách nhiệm với chính mình, với gia đình và với quê hương giáo xứ.
Lạy Chúa Giê-su, bước đường theo Chúa đòi hỏi chúng con một sự chọn lựa dứt khoát là chỉ chọn Chúa và sống tương quan với Ngài bằng tương quan đức ái với tha nhân. Xin cho chúng con biết từ bỏ những vướng bận làm cản trở việc chúng con đến với Chúa, để chúng con luôn được thanh thoát và trung kiên theo Chúa đến cùng. Amen
Hiền Lâm
Discussion about this post