Dẫn nhập NGŨ KINH
Philon, một tác giả Do Thái thuộc thế kỷ I là người đầu tiên dùng danh xưng Pentateukos (Pentateukos) để chỉ năm cuốn sách đầu tiên của Cựu Ước. Năm cuốn sách này (Sáng Thế, Xuất Hành, Lêvi, Dân Số, Đệ Nhị Luật) được viết trên da thuộc và được đóng vào năm hộc riêng biệt nên mới được gọi như thế. Năm cuốn đầu tiên của Cựu Ước vẫn được xếp vào một bộ với nhau nên gọi là Ngũ Kinh. Người Do-thái gọi là Luật (Tô-ra), vì đây là nền tảng cho đời sống của Dân Chúa trong Cựu Ước. Ngũ Kinh cho Dân Chúa hiểu biết nguồn gốc, căn tính và vị trí của họ trong kế hoạch của Thiên Chúa cùng với các luật lệ để giúp họ sống làm dân của Thiên Chúa.
Trong Thánh Kinh, bộ sách này có những tên gọi khác nhau, chẳng hạn trong sách Nêhêmia (13,1), bộ này được gọi là các sách của Môsê, còn trong Tân Ước các sách này mang tên là sách Luật. Theo truyền thống Do Thái thì tác giả của toàn bộ Ngũ Kinh là ông Môsê.
Cho đến thế kỷ XVIII, Giáo Hội Công Giáo cũng chủ trương như thế. Thực ra bộ Ngũ Kinh chúng ta có hiện nay bằng tiếng Híp-ri đã được hoàn thành vào khoảng năm 400 trước CN, nhưng không thể loại trừ vai trò của ông Mô-sê ở phía đầu nguồn của truyền thống đã được đã được đúc kết trong năm cuốn sách này. Quả vậy, lịch sử Dân Chúa trong Cựu Ước không thể lý giải nếu loại trừ vai trò của ông Mô-sê. Ông là vị ngôn sứ lớn nhất Thiên Chúa đã sai đến để đưa một đám dân hỗn tạp ra khỏi ách nô lệ ở Ai-cập và công bố Giao Ước của Chúa, quy tụ thành Dân của Thiên Chúa và dạy họ sống làm Dân của Thiên Chúa, thờ phượng Chúa và tôn trọng nhau như anh em.
Vào thế kỷ XVIII, Jean Astruc (1753) và Richard Simon (1712) đã đề nghị cần đặt lại vấn đề này. Theo hai ông, bộ Ngũ Kinh là một tổng hợp nhiều nguồn khác nhau. Và các ông đưa ra những chứng lý sau đây:
– Nhiều khoản luật trong Ngũ Kinh mãi đến thế kỷ thứ -VI hoặc –V mới được giữ trong dân Israel, trong khi đó Môsê sống cách hàng chục thế kỷ trước.
– Có quá nhiều đoạn trùng hợp và lặp lại thì không thể do một tác giả viết, hơn nữa có nhiều lối viết và cách hành văn khác nhau.
– Nhiều sự kiện do Ngũ Kinh ghi lại hoàn toàn xa lạ đối với thời Xuất Ai Cập.
– Qua nghiên cứu cho thấysự hiện diện của 4 dòng văn khác nhau, được đặt tên là Giavít (J), Êlôhít (E), Đệ Nhị Luật (D) và Tư Tế (P). Chính 4 truyền thống này đã hình thành nên bộ Ngũ Kinh.
Sách Sáng Thế được chia thành hai phần không đều nhau: Phần đầu, 1-11, trình bày lịch sử về thời sơ khai, có thể được coi như một nhập đề cho lịch sử cứu chuộc kể trong suốt cả bộ Kinh Thánh. Lịch sử ấy lên đến tận nguồn gốc của vũ trụ và bao gồm toàn thể nhân loại. Lịch sử ấy kể lại việc tạo dựng vũ trụ và con người, sự sa ngã buổi đầu với những hậu quả của nó, tình trạng đồi trụy mỗi ngày mỗi gia tăng và đưa đến hình phạt là trận lụt Hồng Thủy. Từ Noê, con người lại sinh sôi nảy nở trên thế giới, nhưng các bản gia phả cứ càng ngày càng thu hẹp để cuối cùng đặt trọng tâm nơi Abraham cha của dân tộc được tuyển lựa. Từ 12-50 gồm dung mạo các tổ phụ lớn: Abraham, Isaac và Giacóp. Mười hai người con của Giacóp là những ông tổ của 12 chi tộc Israel. Giuse, một trong số 12 người ấy, con người đầy khôn ngoan được nói tới trong hơn mười chương của phần cuối sách (37-50 trừ 38 và 49). Sách Sáng Thế là một khối hoàn bị về lịch sử các tổ phụ. những quyển sau lập thành một khối khác, trong đó việc thành lập dân được chọn và việc thiết lập lề luật xã hội và tôn giáo của nó được ghi lại trong khung cảnh của cuộc đời Môsê.
Sách Xuất Hành bàn tới hai đề tài chính: Việc giải phóng khỏi Aicập 1 1-15 21 và Giao ước tại Sinai 19 1-40 38; hai đề tài được nối với nhau bằng một đề tài phụ, cuộc hành trình trong sa mạc 15 22-18 27. Môsê, sau khi nhận được mạc khải tên Giavê trên núi của Thiên Chúa, đã dẫn đưa người Dothái vừa được giải phóng khỏi cảnh tôi mọi tới đó. Trong một cuộc Thần hiện ngoạn mục, Thiên Chúa kết Giao ước với dân và ban cho dân ấy những Lề luật của Người. Giao ước vừa được thiết lập đã bị vi phạm bởi việc thờ lạy bò vàng. Nhưng Thiên Chúa đã tha thứ và tái lập Giao ước. Một loạt chỉ thị hoạch định việc thờ tự trong sa mạc.
Sách Lêvi, có tính cách hầu như hoàn toàn pháp chế, tạm cắt ngang trình thuật các biến cố. Quyển này gồm có: Một nghi thức về tế lễ 1-7; nghi thức phong chức các tư tế, áp dụng cho Aharôn và các con của ông 8-10, những luật lệ liên quan tới thanh sạch hoặc uế tạp 11-15, kết thúc với nghi thức về ngày đại xá tội 16; “Luật Thánh Thiện” 17-26 bao gồm một lịch trình phụng vụ, 23, và kết thúc với những lời chúc lành và chúc dữ, 26. Chương 27, phần bổ túc định rõ những điều kiện để chuộc người, vật và các thứ khác hiến cho Yavê.
Sách Dân số lấy lại đề tài cuộc hành trình trong sa mạc. Cuộc khởi hành từ Sinai được sửa soạn bởi việc kiểm tra dân chúng, 1-4 và những cuộc tiến dâng, cung hiến Nhà Tạm, 7. Sau việc cử hành lần thứ hai, lễ Pas-char, mọi người rời Núi Thánh, 9-10 và từng chặng một, tới Cades. Tại đây dân đã gặp thất bại trong nỗ lực tiến vào Canaal bằng phía Nam 11-14. Sau cuộc lưu lại tại Cades, mọi người lại lên đường và tới cánh đồng Moab, đối diện với Giêricô 20-25. Người Mađian bị đánh bại và các bộ tộc Gađ và Ruben lưu lại ở Bên-kia-sông Giođan, 31-32. Một bản tóm tắt các chặng đường của Xuất hành 33. Xung quanh các trình thuật này, quy tụ một số những quy luật hoàn bị cho bản luật tại Sinai hoặc chuẩn bị cho việc lập cư tại Canaal 5-6; 8; 15-19; 26-30; 34-36.
Sách Đệ Nhị Luật có một bố cục đặc biệt; đây là một bản Dân luật và luật Tôn giáo, 12-26 15 được đóng khung trong một diễn từ lớn của Môsê. 5-11 và 26 16-28. Cả khối này lại được đóng khung bởi diễn văn đầu tiên 1-4 và diễn văn thứ ba, 29-30 của Môsê và sau đó những khúc liên quan tới giai đoạn chót của cuộc đời Môsê: Sứ vụ của Giôsuê, bài ca và chúc lành của Môsê, cái chết của Môsê, 31-34. Bản Đệ Nhị Luật lấy lại một phần các Lề luật được ban trong sa mạc. Các diễn văn nhắc lại những biến cố chính của việc Xuất hành, trên núi Sinai và cuộc chinh phục khởi đầu: Và làm nổi bật ý nghĩa tôn giáo của các biến cố ấy, nhấn mạnh tầm mức của lề luật và thôi thúc dân trung tín.
Discussion about this post