SÁCH SÁNG THẾ
Sách Sáng Thế là sách mở đầu cho Cựu Ước nói riêng cũng như Kinh Thánh nói chung. Nội dung của Sách Sáng Thế nói về nguồn gốc của vũ trụ, nhân loại và đặc biệt là dân tộc Israel.
TỔNG QUÁT VỀ SÁCH SÁNG THẾ
Cuốn sách đầu tiên trong Ngũ Kinh và trong toàn bộ Thánh Kinh. Trong tiếng Hipri, sách này mang tên là Khởi Nguyên. Sách có hai phần chính:
Phần I: Chương 1 đến chương 11
Phần này bàn về những vấn đề vượt trên thời gian và lịch sử: tạo dựng thế giới và con người, tội lỗi đột nhập trần gian, sự ác tràn ngập… Cần vượt lên trên những hình ảnh cụ thể để nắm bắt nội dung tác giả muốn chuyển tải. Vì không nắm vững điều này nên nhiều Kitô hữu đã cảm thấy hoang mang khi đọc Thánh Kinh và đối chiếu với những khám phá khoa học hiện đại.
11 chương đầu là một nỗ lực suy tư khởi đi từ kinh nghiệm tôn giáo của Ít-ra-en nhằm lý giải nguồn gốc vũ trụ và con người, nguồn gốc sự ác và ơn cứu độ. Đây là một suy tư hoàn toàn tôn giáo, vận dụng các truyền thống tôn giáo của Ít-ra-en và của các dân tộc vùng Lưỡng Hà Địa nhằm diễn tả niềm tin rằng: Thiên Chúa mà Ít-ra-en thờ là Đấng đã làm cho vũ trụ và con người xuất hiện; trong mọi loài thọ tạo, Thiên Chúa yêu thương và săn sóc con người hơn cả, dành cho con người một cuộc sống vượt trên tất cả.
Sự ác đã có mặt trong cuộc sống là do con người gây ra bởi sự từ chối vâng phục Đấng Tạo Hoá và từ chối nhau. Nhưng Thiên Chúa đã hứa giải thoát con người. Thế là lịch sử cứu độ đã bắt đầu với lịch sử loài người. Kinh nghiệm của Ít-ra-en về tội lỗi và cứu độ đã được mở ra bao trùm cả nhân loại. Điều này phản ánh ý thức của Dân Chúa về lịch sử và sứ mạng của mình là làm chứng về Thiên Chúa và ơn cứu độ của Người trước mặt muôn dân, để muôn dân được biết Thiên Chúa và được cứu độ.
Nguồn gốc vũ trụ và nhân loại (Khởi nguyên) với các sự kiện chính:
1. Bài ca sáng thế: công cuộc sáng tạo vũ trụ của Thiên Chúa[1].
“Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất. Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và thần khí Chúa bay lượn trên mặt nước.” (St 1,1-2) Thiên Chúa tạo ra ánh sáng và bóng tối tượng trưng cho ngày và đêm, cái “vòm” mà Ngài tạo ra để phân rẽ khối nước thì gọi là “trời”. Từ khối nước, ngài phân rẽ thành “đất” và “biển”; thảo mộccó mang hạt giống thì mọc trên khắp mặt đất. “Ngày thứ bảy, Thiên Chúa đã hoàn thành công việc Người làm. Khi làm xong mọi công việc của Người, ngày thứ bảy, Thiên Chúa nghỉ ngơi” (St 2,2)
2. Người nam và người nữ: loài người cai quản công trình sáng tạo của Thiên Chúa.
“Thiên Chúa phán: chúng ta sẽ làm ra con người theo hình ảnh của chúng ta…” (St 1,26). Thiên Chúa đặt con người trong Vườn Eden và cho phép ăn tất cả mọi loại trái cây trong đó, ngoại trừ cây biết điều thiện điều ác, “…vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết” (St 2,17). Thiên Chúa quyết định tạo ra cho con người một trợ tá, Ngài “…lấy đất nặn ra mọi dã thú, mọi chim trời…, hễ con người gọi mỗi sinh vật là gì, thì tên nó sẽ là thế… Nhưng con người không tìm được cho mình một trợ tá tương xứng.” (St 2,19-20). Thế rồi, Thiên Chúa tạo ra người nữ từ cạnh sườn con người. “Con người và vợ mình, cả hai đều trần truồng mà không xấu hổ trước mặt nhau” (St 2,25).
3. Loài người sa ngã: nghe lời con rắn ăn trái của cây biết điều thiện điều ác, nhận ra mình trần truồng và trốn tránh Thiên Chúa.
Con rắn nói với người nữ rằng sẽ không bị chết nếu ăn trái cây mà Thiên Chúa cấm ăn bởi vì “… ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra và ông bà sẽ trở nên như những vị thần biết điều thiện điều ác” (St 3,5). Người nữ hái trái đó ăn và đưa cho người nam ăn. “Bấy giờ, mắt hai người mở ra và họ thấy mình trần truồng: họ mới kết lá vả làm khố che thân” (St 3,7.) Thiên Chúa nguyền rủa con rắn rằng: “mi phải bò bằng bụng, phải ăn bụi đất mọi ngày trong đời mi” (St 3,14); Ngài phán người nữ: “ngươi sẽ phải cực nhọc lúc sinh con. Ngươi sẽ thèm muốn chồng ngươi và nó sẽ thống trị ngươi” (St 3,16) và với người nam: “ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất, ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất và sẽ trở về với bụi đất” (St 3,19). Con người đặt tên cho vợ là Eve, vì bà là mẹ của chúng sinh (St 3,20). Thiên Chúa đuổi con người ra khỏi vườn Eden và nói: “Này con người đã trở thành như một kẻ trong chúng ta, biết điều thiện điều ác. Bây giờ đừng để nó giơ tay hái cả hái cây trường sinh mà ăn và được sống mãi” (St 3,20) và Ngài để các vị thần hộ giá canh giữ vườn Eden và đường đến cây trường sinh.
4. Loài người sa đọa: tội ác loài người lan khắp mặt đất. Thiên Chúa hối hận vì đã làm ra con người trên mặt đất (St 6,6).
Adam và Eve có hai con trai: Cain và Abel. Cain trồng hoa màu còn Abel chăn nuôi. Cả hai lấy sản phẩm của mình để dâng lên Thiên Chúa nhưng Thiên Chúa chỉ chấp nhận của Abel, đó là “những con đầu lòng của bầy chiên cùng với mỡ của chúng” (St 4,4). Cain tức tối và giết chết em mình, khi Thiên Chúa hỏi về Abel, Cain trả lời rằng: “Con không biết. Con là người giữ em con hay sao?” (St 4,9). Thiên Chúa nổi giận với Cain: “Ngươi có canh tác đất đai, nó cũng không còn cho ngươi hoa màu của nó nữa. Ngươi sẽ lang thang phiêu bạt trên mặt đất” (St 4,12) và Ngài làm dấu trên Cain để ông khỏi bị giết. Cain đi xa về xứ Nod để khuất mặt Thiên Chúa. Dòng dõi Cain gồm: Enoch, Irad, Mehujael, Methushael, Lamech vàSeth – được coi là dòng dõi thay thế cho Abel. Khi loài người càng đông đảo thì tội lỗi cũng sinh sôi khắp mặt đất và Thiên Chúa có ý định trừng phạt loài người.
5. Lụt Đại Hồng thủy: Thiên Chúa trừng phạt loài người, ngoại trừ gia đình người công chính Nôê.
Thiên Chúa đã chọn ông Nôê, một người công chính trước mặt Ngài và ra lệnh cho ông làm một tàu lớn (Ark), mang theo cả gia đình và các loài thú đại diện vào trong đó. Thiên Chúa hủy diệt thế giới bằng trận lụt Hồng Thủy. Sau đó, Thiên Chúa lập giao ước với Noah cùng tất cả những gì đi ra từ con tàu rằng Ngài sẽ không để Hồng Thủy hủy diệt loài người một lần nữa. “Các con trai ông Nôê ra khỏi tàu là: ông Shem, ông Kham và ông Japheth; ông Kham là cha của ông Canaal. Ba ông này là con trai ông Nôê và con cháu họ phân tán ra khắp mặt đất” (St 9,18-19).
Phần II: Chương 12 đến chương 50.
Nguồn gốc dân tộc Israel với các tổ phụ lớn:
1. Abraham: là một người du mục miền Lưỡng Hà, ông được coi là ông tổ của dân Israel. Ông sống vào khoảng thế kỷ 19 TCN. Đỉnh cao lòng tin của ông đối với Thiên Chúa là việc ông hiến tế chính đứa con trai duy nhất của mình.
Terah là cháu mười đời của ông Nôê. Ông Terah dẫn con trai là Abram, bà Sarai – vợ Abram cùng với đứa cháu nội là Lot – con của Haran, rời khỏi Ur của người Chaldees tiến theo hướng đất Canaal. Họ định cư tại thành Haran và Terah chết tại đây. Thiên Chúa phán với Abram: “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi. Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi. Ta sẽ cho tên tuổi ngươi được lẫy lừng và ngươi sẽ là một mối phúc lành. Ta sẽ chúc phúc cho những ai chúc phúc cho ngươi; ai nhục mạ ngươi, ta sẽ nguyền rủa. Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc.” (St 12,1-3). Abram cùng đoàn người đi đến Canaal và Thiên Chúa phán: “Ta sẽ ban đất này cho dòng dõi ngươi.” (St 12,7)
2. Isaac và Jacob: Isaac là con trai Abraham. Vai trò của ông trong Cựu Ước không rõ nét bằng cha ông và Jacob – con trai thứ của ông. Jacob là người khôn ngoan, Thiên Chúa lặp lại với ông lời giao ước đã từng ban cho Abraham.
3. Joseph: một trong mười hai người con của Jacob. Là nhân vật chính của hơn mười chương cuối.
Việc Joseph cùng gia đình di dân đến Ai Cập đã giải thích sự tồn tại của dân tộc Israel ở Ai Cập và biến cố Xuất hành.
TÌM HIỂU CHI TIẾT
Phần I: Chương 1 đến chương 11
I . THIÊN CHÚA TẠO DỰNG VŨ TRỤ VÀ CON NGƯỜI
Các học giả Thánh Kinh bắt đầu quan tâm đến việc hình thành bộ Ngũ Kinh khi nhận ra rằng trong sách Sáng Thế, có hai danh xưng khi nói về Thiên Chúa: Yahweh và Elohim. Việc nghiên cứu kỹ lưỡng dẫn đến kết luận là có bốn nguồn văn trong sách: (J) dùng từ Yahweh để nói về Thiên Chúa – (E) dùng Elohim để nói về Thiên Chúa cho đến Xh 3,14 là lúc Chúa mạc khải Danh Người cho Môsê – (P) cũng dùng danh xưng Elohim, với giọng văn trang trọng – (D) Đệ Nhị Luật.
Về việc Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ và con người, trong sách Sáng Thế có hai trình thuật. Trình thuật I (1,1 – 2,4a) là trình thuật của truyền thống P, do các tư tế biên soạn trong thời lưu đày ở Babylon. Trình thuật II (2,4b – 5,32) ) là trình thuật của truyền thống J, cổ xưa hơn và cụ thể, sống động hơn khi trình bày Thiên Chúa gần gũi con người, trò chuyện với con người.
Chỉ cần đọc lướt qua ta cũng thấy đây không phải là 1 bài tường thuật, mà là 2:
. Bài của J : 2,4b-25.
. Bài của P : 1,1-2,4a.
Như đã biết, bài J được viết trước, vào thời quân chủ ; bài P được viết sau, vào thời lưu đày. Vì thế, bút pháp và tư tưởng của J đơn sơ hơn, của P thì trau chuốt và sâu sắc hơn. Về sau, người (hoặc những người) làm công tác san định lần cuối đã tổng hợp cả 2 bài lại. Vì người (hoặc những người) này có lập trường thiên về P hơn nên đã đưa bài của P lên đầu và đặt bài của J sau. Nhưng chúng ta sẽ tìm hiểu đúng thứ tự thời gian soạn tác, nghĩa là tìm hiểu bài của J trước, của P sau, và sau cùng tìm ra 1 tổng hợp giáo lý của kẻ san định sau cùng.
Có nhiều chi tiết khác biệt giữa 2 bài :
1/ J ghi Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ trong 1 ngày, còn P ghi 6 ngày và có vẻ mỗi ngày gồm 24 giờ vì gồm “1 buổi chiều và 1 buổi sáng”.
2/ J cho thấy ban đầu “không có mưa”, toàn là khô hạn, nghĩa là J theo 1 sáng thế luận khô ; phần P thì theo 1 sáng thế luận ướt vì nói vũ trụ được phát sinh từ nước.
3/ Theo J, đàn ông xuất hiện đầu tiên rồi mới tới cây cối, súc vật và sau cùng là đàn bà, nghĩa là 1 thứ tự theo công dụng. Còn theo P thì loài người xuất hiện sau cùng, nghĩa là theo thứ tự giá trị (cái được tạo dựng sau thì tốt và quý hơn cái trước).
4/ Về bút pháp, J mô tả Thiên Chúa bằng những nét như con người (xem 2,7.8.19.21.22 : lấy bùn nắn, thổi hơi v.v.) ; P trình bày hình ảnh 1 Thiên Chúa uy nghi (x. 1,3.6.9…)
Tuy nhiên điểm đang lưu ý nhất là soạn giả sau cùng đã không sửa đổi những chi tiết dị biệt nhau giữa 2 bài mà vẫn cứ để nguyên, 1 số chi tiết gần cạnh nhau nhưng đối chọi nhau cách tàn nhẫn. Điều này cho thấy soạn giả sau cùngkhông coi trọng các chi tiết mà chỉ quan tâm tới tư tưởng, và ông tôn trọng tư tưởng của cả 2 truyền thống.
Bài tường thuật P giống 1 bản Kinh Cầu gồm những câu cũ lặp đi lặp lại. Thực vậy, P là tư tế nên soạn bài này theo công thức dễ đọc trong phụng vụ, với mục đích vừa ca tụng công trình tạo dựng của Thiên Chúa vừa cho tín hữu dễ nhớ bài giáo lý về ý nghĩa ngày Sabbat.
Ta nên nhớ rằng P viết bài này trong khi dân đang phải lưu đày bên Babylon. Khi đó mọi cơ chế truyền thống của tín ngưỡng do thái là Đền Thờ, Lễ tế v.v… đều không còn. Nhằm duy trì Đức Tin trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đó, các tư tế đã khuyến khích dân thánh hoá ngày Sabbat để thay thế những gì đã mất : Ngày Sabbat, dân phải nghỉ làm việc và họp nhau lại để thờ phượng Thiên Chúa.
1. Tạo dựng vũ trụ trong 6 ngày ?
Ai có chút hiểu biết khoa học đều thấy rằng nói vũ trụ đã được tạo dựng trong 6 ngày là ngây ngô. Do đó nhiều người đã phê phán rằng Thánh Kinh phản khoa học.
Nhưng như ta vừa nói phía trên, mục đích của tác giả Thánh kinh (và đặc biệt của P) không phải là viết 1 khảo luận khoa học, nhưng là 1 bài giáo lý về nguồn gốc vũ trụ, về bổn phận thánh hoá ngày Sabbat.
Vậy ta đừng lấy khoa học ra để phê phán những tường thuật này, nhưng hãy cố gắng hiểu nội dung giáo lý của chúng.
2. Thuyết tiến hoá.
Hiện nay có nhiều thuyết về sự tiến hoá của loài người :
– Thuyết định chủng (fixisme) : loài người luôn cố định trong những đặc tính của mình. Nói cách khác, ngày xưa con người ra sao thì bây giờ cũng vẫn vậy.
– Thuyết Tiến hoá và thuyết Biến hoá (Evolu-tionisme, Transformisme) : Loài người có biến đổi : ban đầu là 1 sinh vật có cấu tạo đơn giản, về sau biến đổi thành tinh vi hơn (chẳng hạn ban đầu là khỉ, sau khi biến hoá qua nhiều giai đoạn mới thành người).
Cách viết của Thánh kinh khiến người ta hiểu theo thuyết đinh chủng. Nhưng những khám phá của khoa học khiến người ta nghĩ theo thuyết tiến hoá hoặc thuyết biến hoá. Do đó 1 số người quay ra đả kích rằng Thánh kinh viết sai khoa học
Thực ra hiện nay thuyết tiến hoá vẫn chỉ còn là 1 giả thuyết vì chưa có đầy đủ những chứng minh. Nhưng cho dù một ngày nào đó nó có đầy đủ bằng chứng để trở thành một thuyết khoa học thì vẫn không có gì mâu thuẫn với Thánh kinh. Chúng ta dám khẳng định như vậy vì những lý do sau :
* St 2,7 nói con người được cấu tạo bởi 2 thành phần : 1 là vật chất (hình ảnh “đất”) và 1 là yếu tố thuộc thần linh (hình ảnh “hơi sống”). Yếu tố vật chất kia có giữ nguyên trang hay là tiến hoá qua nhiều giai đoạn thì Thánh kinh không quan tâm tới. Điều Thánh kinh quan tâm là Thiên Chúa đã cho thêm vào yếu tố vật chất ấy (thân xác) 1 yếu tố nữa thuộc thần linh (linh hồn), và yếu tố thần linh này là do Thiên Chúa trực tiếp dựng nên chứ không phải do kết quả tiếnhoá mà ra.
* Thánh kinh cũng soi sáng cho tín hữu thêm 1 điểm quan trọng : chủ động việc tạo dựng là Thiên Chúa. Cho dù có tiếnhoá hay không ta cũng phải ý thức rằng Thiên Chúa là Đấng tạo dựng loài người : phần hồn là do Ngài trực tiếp dựng nên ; còn phần xác cũng do Ngài dựng nên hoặc trực tiếp (thuyết định chủng) hoặc gián tiếp bằng cách cho vật chất tiến hoá mà thành (thuyết tiến hoá).
3. Tổ tông là 1 cặp hay nhiều cặp ?
Vấn đề này cũng có nhiều thuyết :
– Thuyết đơn tổ : (monogénisme) : Ban đầu loài người chỉ có 1 cặp, về sau sinh sản ra đông thành loài người như bây giờ.
– Thuyết đa tổ : (polygénisme) : Ban đầu có nhiều cặp người, về sau sinh sản ra càng đông thêm.
– Thuyết đơn căn (monophylétisme) : Tất cả loài người đều cùng 1 gốc mà ra, gốc đó có thể là 1 cặp hay nhiều cặp.
– Thuyết đa căn (polyphylétisme) : Loài người là từ nhiều gốc ở nhiều miền khác nhau.
Ngày trước người ta quen suy nghĩ theo thuyết đơn tổ nay nghe nói tới những thuyết mới vừa kể trên thì đâm hoang mang. Thực ra Thánh kinh không chủ trương thuyết nào cả :
* Chữ ADAM trong tiếng Hípri không nhất thiết là tên riêng của 1 người nào, mà cũng có thể là 1 danh từ chung với nghĩa là “người” thế thôi. Chữ EVA cũng thế, nó cũng có thể là 1 danh từ chung với nghĩa là “sự sống”. Như thế cho dù thuyết đa tổ có đúng thì cũng không có gì nghịch với Thánh kinh bởi vì Thánh kinh viết rằng ban đầu Thiên Chúa dựng nên người và sự sống. Những người ban đầu đó là 1 hay nhiều cặp, phát xuất từ 1 hay nhiều gốc thì Thánh kinh không quan tâm.
4. Eva được dựng nên từ chiếc xương sườn của Adam ?
Chi tiết này ở St 2,21 đã bị nhiều người coi là chuyện tiếu lâm hay là chuyện thần thoại cổ tích chỉ để kể cho con nít nghe chơi. Nhưng nếu nghiên cứu kỹ bản văn Thánh kinh ta sẽ không thể coi thường được, trái lại còn phải khâm phục vì những ý tưởng sâu sắc của tác giả
Nói về việc tạo dựng người nữ Thánh kinh có 2 bản văn : của J (2,18-25) và của P (1,27).
Ta nên lưu ý về lịch sử hình thành văn bản Thánh kinh : J được viết vào thời quân chủ (tk X-IX), còn P được viết vào thời lưu đày (tk VI-V) nghĩ là sau đó chừng 5 thế kỷ. Và như ta đã biết J có lối viết đơn sơ theo kiểu nhân hình cho nên trình bày TV như 1 nhà phẫu thuật : rút xương, ghép thịt v.v. Hình ảnh đơn sơ này không phải là sai thần học, nhưng về sau P đọc lại thấy nó quá thô thiển nên đã trình bày trang nghiêm hơn :
“Và Thiên Chúa đã dựng nên Người theo hình ảnh Ngài, theo hình ảnh của Thiên Chúa, Ngài đã dựng nên nó là nam và nữ Ngài đã dựng nên họ”.
* Ta thấy tác giả P không còn nói tới chiếc xương sườn nữa.
Nghĩa là P không hiểu hình ảnh xương sườn của J theo nghĩa đen.
* Đáng chú ý hơn nữa là người san định lần cuối đã không bỏ bản nào cả mà cứ giữ nguyên hai bản, chứng tỏ là ông quý chuộng những tư tưởng của cả hai.
Vậy ý nghĩa của chiếc xương sườn là gì ?
Chữ Hípri sela vừa có nghĩa xương sườn vừa có nghĩa là bên cạnh, ngực, hông v.v. Chính quyển Talmud (tài liệu do thái giáo chú giải Ngũ Kinh) đã giải thích hình ảnh ấy như sau : “Chúa không dựng người nữ từ 1 phần đầu của người nam kẻo bà lấn lướt ông, cũng không từ chân kẻo bà làm nô lệ cho ông. Nhưng Chúa đã lấy phần từ hông để nàng gần tim ông”. “Ở gần tim” nghĩa là yêu thương.
Bản văn J còn muốn nói tới sự bình đẳng nam nữ : Adam đã không gặp được “sự trợ giúp đương đối” nơi các thú vật (2,20) nhưng khi gặp được kẻ mà Thiên Chúa đã tạo nên từ xương sườn của mình thì ông kêu lên “Đây chính là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi. Con người này sẽ được gọi là Ischa vì được rút ra từ Isch” (2,23 Isch = đàn ông ; Ishcha = đàn bà).
5. Thân phận người nữ.
Cả J và P đều nói người nữ là do Thiên Chúa tạo dựng nên. Nói như thế là Thánh kinh chống lại 2 chiều hướng quan niệm lệch lạc thời đó về thể xác và tình dục :
– Ta không được khinh rẻ thể xác và tính dục vì nam nữ đều là do Thiên Chúa dựng nên.
– Và vì nam nữ đều do Thiên Chúa dựng nên, nên ta cũng không được tôn thờ thể xác và tính dục (nhiều người coi tính dục như 1 vị thần).
6. Mục đích của phái tính.
Trong bản văn J, Thiên Chúa nói “Người nam (hay “người ta”) ở 1 mình không tốt ” (2,18). Trong bản văn P. sau khi Thiên Chúa dựng nên người ta có nam có nữ thì Ngài bảo “Hãy sinh sản” (1,28). Như vậy mục đích của phái tính là để sinh sản. Con người trở thành “kẻ sinh sản” (pro-créateur nghĩa là đi với tạo hoá, thay mặt tạo hoá). Sinh sản là 1 việc tốt, là thay quyền của tạo hoá để tiếp tục công trình tạo dựng của Ngài.
7. Sự cao quý của con người.
Bản văn P cung cấp nhiều chi tiết chứng minh con người cao quý hơn hết trong các thụ tạo :
– Con người được dựng nên vào ngày thứ sáu, tức là ngày cuối cùng của những ngày tạo dựng. Trong một cuộc rước kiệu, kẻ đi sau cùng là người quan trọng nhất.
– Trước khi dựng nên con người, Thiên Chúa dừng lại suy nghĩ. Rồi theo suy nghĩ ấy, Thiên Chúa quyết định dựng nên con người “theo hình ảnh của TA” (1,26)
– Dựng nên con người xong. Thiên Chúa nhận xét rằng “tốt lành quá đỗi” (1,31 ; sau những công trình kia Thiên Chúa chỉ nhận xét là “tốt lành” thôi).
8. Những vấn đề cần giải thích.
a/ Hoang vu nguyên thuỷ (cc 4b-6)
Khi Thiên Chúa mới tạo dựng thì đất đai còn hoang vu cằn cỗi vì thiếu 2 yếu tố chính của việc sinh sản là nước và nông phu.
b/ Dựng nên con người. (c 7).
– Thiên Chúa nắn : kiểu diễn tả nhân hình coi Thiên Chúa như người thợ gốm, nói lên ý tưởng Thiên Chúa hoàn toàn làm theo ý Ngài, con người hoàn toàn tuỳ ở Thiên Chúa.
– Con người được dựng nên từ 2 thành phần : 1 thành phần vật chất là “Bụi đất”. thành phần kia trực tiếp từ Thiên Chúa là “hơi sống”.
Cảm nghiệm dân gian thấy rằng sự sống biểu lộ qua hơi thở (còn thở là còn sống). Bởi thế dân gian coi hơi thở là thành phần quan trọng hơn. J gán phần quan trọng này trực tiếp từ Thiên Chúa.
– c 7 này không muốn mô tả Thiên Chúa dựng nên con người cách nào mà là giải thích con người là gì.
c/ Vườn Eden (cc 8-14)
– Eden : không phải là 1 địa danh có thể xác định rõ được.
Chữ Eden có nghĩa là “cánh đồng” (ngược với sa mạc). Trong tiếng Hípri, chữ này gợi lên ý tưởng sung sướng, dư dật.
– Cây sự sống : tượng trưng cho ơn trường sinh bất tử.
– Cây biết lành dữ : tượng trưng cho khả năng tự mình quyết định giá trị luân lý xem cái gì là tốt cái gì là xấu. Đây là độc quyền của Thiên Chúa.
– Con sông 4 nhánh : muốn nói khu vườn rất dồi dào nước (nước dư thừa đến nỗi tưới cả thế giới) và phì nhiêu (nước rất cần thiết cho đời sống).
d/ Con người trong vườn (cc 15-17).
– “để canh tác và giữ vườn” : ta thường nghĩ địa đàng là nơi ăn không ngồi rồi. Thực ra con người phải “canh tác” và “giữ vườn” nghĩa là vẫn phải làm việc như 1 người quản lý.
– Ăn mọi thứ cây trừ cây biết lành dữ : lệnh cấm này không có lý do nào khác ngoài tạo cho con người có cơ hội quyết định vâng lời Thiên Chúa hay không, nhất là về luân lý (đánh giá thiện ác).
Cuộc sống trong vườn không thiết yếu ở chỗ khoái lạc mà ở vâng lời Thiên Chúa và giữ đúng vị trí thụ tạo của mình.
e/ Dựng nên loài vật (cc 18-20).
– Thiên Chúa còn ưu ái chăm sóc muốn tìm cho con người cái gì trợ giúp tương xứng. Ngài đã thử 2 lần : lần đầu dựng nên loài vật (nhưng chưa thành công).
– Con người đặt tên cho loài vật : chi tiết này có nhiều nghĩa :
. hiểu biết bản tính loài vật.
. thiết lập liên hệ giữa loài vật với cuộc sống của mình. Chúng có ích cho con người và phục vụ con người.
. làm chủ loài vật.
– Dù vậy loài vật vẫn chưa phải là sự dữ giúp đỡ tương xứng cho con người. Thiên Chúa phải thử lần nữa : làm ra người nữ.
f/ Dựng nên người nữ (cc 21-25).
– Giấc tê mê : terdêmah luôn có tính cách thần thiêng. Đây không phải là 1 liều thuốc mê trước khi giải phẫu mà có nghĩa là con người không thể chứng kiến được hành động tạo dựng của Thiên Chúa ; hôn nhân là 1 mầu nhiệm của cuộc sống.
– Xương sườn : tầm nguyên luận nhằm giải thích tạo sao phần bụng dưới không có xương sườn. Nói lên ý nghĩa nam nữ cùng bản tính và rất nhiều thân thiết với nhau.
– Đưa đến cho con người : Thiên Chúa là ông mai, là người chủ hôn.
– Xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi : con người đã có được sự trợ giúp tương xứng.
– Nàng sẽ đội danh là “đàn bà” : ishsha rất gần gũi với chữ ish (đàn ông). 1 lần nữa nói lên ý tưởng liên hệ mật thiết.
– Bỏ cha mẹ khắng khít với vợ : sự thu hút phải tinh mạnh hơn cả liên lạc với cha mẹ, vì đó là khuynh hướng do chính Thiên Chúa dựng nên.
– Cả 2 đều trần truồng : trần truồng mà không xấu hổ, không che dấu, chứng tỏ tín nhiệm nhau, hoà hợp với nhau.
9. Chủ đích của nguồn văn J.
a/ Về nguồn gốc con người : cả J và các huyền thoại Lưỡng hà địa đều nhìn nhận con người là do thần linh tạo dựng.
b/ Về thành phần con người : cả J và các huyền thoại ấy đều nói con người được tạo nên gồm 2 phần : 1 là vật chất (bùn đất), 2 là 1 cái gì đó của thần linh (hơi sống của Thiên Chúa, thịt máu của thần Nintou).
c/ Về vận mệnh con người : đây là điểm khác biệt giữa Thánh Kinh và huyền thoại của lương dân : Anh hùng ca Atra-Hasis nói con người được dựng nên để làm việc cực khổ thay các thần : còn Thánh kinh nói con người được dựng nên để “canh tác và giữ vườn” nghĩa là tuy cũng làm việc nhưng với tư cách là quản lý thiên nhiên.
Ngoài ra anh hùng ca Gilgamesh nói con người được dựng nên “để chết”, còn Thánh Kinh nói con người được dựng nên để sống và sống hạnh phúc trong “vườn Eden”.
d/ Về phái tính :2 bên đều nói con người chỉ trọn vẹn thoải mái khi nam nữ kết hợp với nhau (Gilgamesh ; Enkidou xa cô gái thì ủ rũ, mất sức. Lúc tìm lại được nàng thì dễ chịu, đầu óc mở ra. Thánh Kinh : con người không tìm được bạn tương xứng nơi loài vật mà chỉ nơi người nữ).
10. Những huyền thoại miền lưỡng hà địa.
Các tác giả sách thánh sống gần miền Lưỡng Hà Địa nên cũng biết văn hoá của những dân trong miền. Khi muốn mô tả mặc khải 1 cách dễ hiểu, họ đã vay mượn nhiều chi tiết từ những huyền thoại của miền. Sau đây là 1 số huyền thoại mà J và P đã vay mượn khi viết những tường thuật tạo dựng :
a. Anh hùng ca Atra-Hasis (trước năm 1600 tr. cn).
Những vị thần lớn (announaki) bắt các thần nhỏ (igini) làm việc rất nặng nhọc nên các thần nhỏ nổi loạn. Họ giết chết 1 thần lớn là Nữ thần Nintou (thần Mẹ) rồi lấy thịt của bà này trộn với đất sét để nắn ra người. Từ đó các thần nhỏ bắt loài người phải làm việc nặng nhọc thay họ. Nhưng vì loài người làm việc quá ồn ào nên các thần bực mình giáng xuống họ nhiều tai hoạ, và tai hoạ cuối cùng nặng nhất là cơn Hồng thuỷ.
b. Huyền thoại tạo nên người ta.
Có 3 vị thần hợp nhau để dựng nên người ta : Nintou suy nghĩ, Zulumar lấy đất sét mà nắn, Mami tạo hình. Nhưng 3 vị thần này đã tạo cho loài người 1 đầu óc quanh co luôn nói dối chủ không biết nói thật.
– Gilgamesh là vị anh hùng đã xây thành Ourôuk. Các thần thấy chàng mạnh quá nên ganh ghét muốn hại. Họ sai đến với chàng 1 tên khổng lồ tên là Enkidou trước đây quen sống với thú vật. 1 người thợ săn bày mưu bảo Gilgamesh đưa cho Enkidou 1 cô gái điếm để mê hoặc hắn. Enkidou đã sống với cô ấy 6 ngày 7 đêm rồi quay về với bày thú của hắn. Nhưng các thú vật thấy hắn thì bỏ chạy. Enkidou rượt theo nhưng không kịp vì hắn không còn sức chạy nhanh như trước. Thế là hắn quay trở lại với cô gái. Trước mắt nàng, tâm trí hắn mở ra, hắn hiểu được tiếng nói của nàng, thưởng thức được vẻ đẹp của nàng, hắn bắt đầu có trí khôn .
– Gilgamesh và Enkidou trở thành bạn, cùng nhau làm được nhiều việc lớn. Nhưng 1 hôm Enkidou chết. Lần đầu tiên Gilgamesh thấy sự chết, chàng buồn vô cùng, lên đường đi tìm sự trường sinh bất tử. Nhưng 1 nữ thần khuyên chàng rằng : “Sự sống mà chàng tìm, chàng sẽ không gặp đâu, vì khi tạo dựng con người, các thần đã ban cho con người sự chết, còn sự sống thì họ giữ kỹ trong tay”.
– Nhưng Gilgamesh vẫn đi tìm. Cuối cùng vị thần Bão lụt cho chàng biết bí mật của sự sống : đó là 1 cây trường sinh mọc dưới đáy vực thẳm. Chàng cố gắng và đã lấy được cây trường sinh ấy. Nhưng trên đường về, chàng thấy 1 ao nước và xuống tắm, đang khi đó 1 con rắn bò ra cướp cây ấy. Lập tức nó lột da và trẻ lại. Thế là Gilgamesh mất cây trường sinh, chàng buồn bã khóc ròng…
d. Huyền thoại “Ngày xưa trên cao” (k. 1150-1050).
– Ngày xưa trên cao chỉ là 1 khối nước hỗn độn cấu tạo từ 2 nguyên lý là Apsou (nước ngọt) và Tiamât (nước mặn). Từ khối hỗn độn ấy phát sinh tất cả các thần nắm mọi sức mạnh trong thiên nhiên.
– Các thần chia thành 2 hạng : những thần già là thần của vũ trụ hỗn độn, và những thần trẻ là thần của vũ trụ có tổ chức. Vì các thần trẻ chơi đùa om xòm phá giấc ngủ của các thần già nên thần già Tiamât quyết định tiêu diệt họ : bà sinh ra những quái vật làm thành 1 đạo quân và đặt Kingou chỉ huy cho thần Mardouk. Mardouk bắt trói tất cả các thần địch rồi chém chết thần Tiamât.
– Mardouk xẻ thi thể Tiamât ra làm đôi, lấy 1 nửa làm thành vòm trời. Ông vạch ranh giới cho vòm trời và đặt quân canh để không cho nước từ vòm trời rơi xuống. Ông còn định những luật lệ cho vòm trời.
– Thế nhưng các thần kêu ca vì phải làm việc cực khổ. Mardouk nghĩ phải tạo ra ai đó để làm việc thay các thần : đó sẽ là con người . Ông giao việc này cho thần Ea . Ea bắt thần Kingou (lãnh đạo các thần địch) giết đi để lấy máu tạo nên con người, và trao cho con người trách nhiệm phục vụ các thần.
2. Những chủ đề lớn trong chương 1 & 2
a) Công trình tạo dựng vũ trụ
Câu đầu tiên (1,1) mô tả trước khi có hành động tạo dựng của Thiên Chúa, thế giới là một khối hỗn mang. Rồi “ngọn gió của Thiên Chúa” bắt đầu hoạt động trên khối hỗn mang đó. Thiên Chúa tạo dựng mọi sự bằng Lời quyền năng của Người (1, 3). Hành động tạo dựng của Thiên Chúa được trình bày trong khuôn khổ sáu ngày:
Ngày 1: Ánh sáng
Ngày 2: Bầu trời, tách biệt nước ở trên vòm và nước dưới vòm
Ngày 3: Đất và thảo mộc
Ngày 4: Các chòm sáng trên bầu trời
Ngày 5: Chim muông và cá
Ngày 6: Các loài động vật và con người
Vũ trụ này chính là công trình của Thiên Chúa nên khi chiêm ngắm vũ trụ này, con người có thể nhận biết Thiên Chúa và chúc tụng Người (Rm 1).
b) Con người
Con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa. Đây là định nghĩa tuyệt vời và súc tích nhất về con người. Giải thích thần học thường nhấn mạnh rằng con người là hình ảnh Thiên Chúa nên có linh hồn. Tuy nhiên, cách nhìn của Thánh Kinh không mang tính phân biệt xác-hồn. Đúng hơn, hình ảnh ở đây nói lên chức năng của con người là đại diện của Thiên Chúa trên trái đất. Cũng như Thiên Chúa là Đấng cai quản bầu trời, thì con người là đại diện của Người được trao trách nhiệm cai quản trái đất (1,26).
Vì con người là hình ảnh Thiên Chúa nên những gì nói về Thiên Chúa đều có liên hệ đến ta, vd. mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Đồng thời con người có thể nói về Thiên Chúa khởi đi từ kinh nghiệm nhân loại của mình, dĩ nhiên là rất giới hạn. Từ ngữ chuyên môn gọi là loại suy. Chúa Giêsu chính là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình đến nỗi ai thấy Ngài là thấy Chúa Cha; do đó Ngài chính là khuôn mẫu cho ta để sống trọn nhân tính của mình.
Con người có nam có nữ (1,28; 2,18-24), bình đẳng với nhau và bổ túc cho nhau. Đây là một tầm nhìn rất mới trong bối cảnh thời đại xa xưa. Vì con người được Thiên Chúa tạo dựng có nam, có nữ, nên những tình trạng như sự bất bình đẳng nam nữ hoặc chủ trương xoá tan sự độc đáo của mỗi giới đều không phù hợp ý muốn của Đấng Tạo hoá.
Chiều kích xã hội của con người cũng được thể hiện ngay từ đầu, với căn bản là gia đình (2,18). Nền tảng gia đình được thiết lập. Chính Thiên Chúa liên kết hai người nam nữ nên một để họ bổ túc cho nhau và sinh sản con cái.
Con người làm chủ trái đất (1,28; 2,19): con người được giao quyền làm chủ với tư cách là quản lý và là người cộng tác vào chương trình tạo dựng của Thiên Chúa.
c) Ngày sabát (2,2-3), dấu ấn của truyền thống P
Ngày sabát được liên kết với việc Thiên Chúa nghỉ ngơi vào ngày thứ bẩy. Trong tuần tạo dựng, Thiên Chúa đã có tám hành động tạo dựng, nhưng tám hành động này lại được xếp vào khuôn khổ sáu ngày (ngày thứ ba và thứ sáu, mỗi ngày có hai hành động). Mục đích là để làm nổi bật ý nghĩa của ngày sabát. Luật giữ ngày sabát được công bố trong sách Xuất Hành (20,8) nhưng ở đây đã được liên kết với thuở đầu tạo dựng, nghĩa là với trật tự tạo dựng của Thiên Chúa ngay từ đầu.
MỘT SỐ THẮC MẮC
1. “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta” (1,26)
Có nhiều cách giải thích về đại từ “Chúng Ta”
– Dùng số nhiều đễ diễn tả uy quyền. Vì Thiên Chúa là Đấng vĩ đại và toàn năng nên người ta dùng số nhiều để diễn tả.
– Một vài học giả cho rằng việc sử dụng này bắt nguồn từ những huyền thoại vùng Cận Đông, trong đó hội đồng thiên quốc gồm nhiều vị thần nhỏ làm cố vấn cho vị thần tối cao.
– Một số khác cho rằng đây chỉ là cách dùng có tính hùng biện chứ không hàm nghĩa gì trong đó.
2. ”Con người ở một mình thì không tốt…” (2,18). Vậy tại sao lại đòi hỏi các linh mục và tu sĩ sống độc thân?
Trong Mt 19, 10-12, Chúa Giêsu nói, “Có những người không kết hôn vì từ khi lọt lòng mẹ, họ đã không có khả năng; có những người không thể kết hôn vì bị người ta hoạn; lại có những người tự ý không kết hôn vì Nước Trời.”
Độc thân vì Nước Trời là lối sống không phát xuất từ những tính toán ích kỷ hoặc không lành mạnh, nhưng nhằm phục vụ Nước Trời, phụng sự Thiên Chúa và phục vụ tha nhân. Đây không chỉ là chọn lựa của con người mà trước hết là ơn ban của Thiên Chúa như Chúa Giêsu đã nói sau lời tuyên bố trên, “Ai hiểu được thì hiểu” (Mt 19,12).
3. Sự Ác ở đâu mà ra trong khi Thánh Kinh khẳng định Chúa dựng nên mọi sự đều tốt lành?
Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo trình bày một tầm nhìn tiến hoá về công trình Tạo dựng, theo đó Thiên Chúa sáng tạo một thế giới trong tiến trình hướng về sự trọn hảo tối hậu. Trong tiến trình đó, có cái hoàn hảo hơn và có cái kém hơn, có xây đắp và cũng có tàn phá trong thiên nhiên. Chính vì thế, bao lâu công cuộc tạo dựng chưa đạt đến mức hoàn hảo, thì bên cạnh những điều tốt về mặt thể lý, cũng có sự dữ thể lý (GL số 310).
Ngoài sự dữ thể lý, còn có sự dữ luân lý. Được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, con người có chọn lựa tự do. Nhưng nhân danh tự do, con người đã chọn lựa điều xấu (tội lỗi), và sự dữ đã xâm nhập thế giới do tội lỗi của con người. Thiên Chúa không bao giờ là nguyên nhân của sự dữ luân lý, dù trực tiếp hay gián tiếp.
. Theo huyền thoại Babylone, tội đã nằm sẵn trong bản tính con người (các thần tạo ra con người với 1 đầu óc quanh co dối trá) : khuynh hướng triết lý Trung Hoa cũng nói “Nhân chi sơ, tính bản ác”. Còn Thánh kinh thì nói tội từ ngoài vào trong con người (do con rắn xúi giục). Hệ luận của 2 quan niệm này rất quan trọng :nếu như tội nằm sẵn trong con người thì con người không thể bỏ nó ra được ; nếu nó từ ngoài vào thì con người có thể cố gắng đẩy nó ra được.
. Theo huyền thoại Babylone, đời con người bị khổ là do định mệnh (các thần tạo nên con người để cho con người làm việc nặng nhọc thay cho họ). Còn theo Thánh kinh thì con người bị khổ là do tội của họ.
II. TỘI CỦA ADAM VÀ EVA (2,25 – 3,7)
1. Phân tích bản văn.
* Sự kiện:
c 8 – Vườn : tiếng hy lạp dịch là Paradeisos, từ đó tiếng anh và tiếng pháp là Paradise. Thực ra nó chỉ có nghĩa ngắn gọn là “vườn”. Còn “vườn địa đàng” là do người ta suy thêm ra.
– Eden : nghĩa là “cánh đồng”. Có 1 tiếng Hípri hơi đồng âm có nghĩa là “hoan lạc”, chính vì vậy mà người ta mới suy như trên là “vườn địa đàng”
* cc 10-14 dường như muốn xác định vị trí của vườn Eden.
Thực ra các chi tiết này là được thêm vào sau này, chứ vườn Eden không phải là 1 địa điểm nhưng là 1 tình trạng .
c 9 – Trong vườn có những cây đặc biết nào ? cây : cây sự sống và cây biết lành dữ :
. Cây biết lành dữ : tượng trưng cho sự hiểu biết nhằm đánh giá cái gì là tốt cái gì là xấu, tức là được nguyên tắc xét đoán luân lý.
. Bài tường thuật chú ý nhiều tới cây biết lành dữ hơn cây sự sống (xem ra được “sự sống chỉ là kết quả của việc thi hành lệnh Chúa đối với cây biết lành dữ).
c17 – Thiên Chúa cấn ăn trái cây biết lành dữ, tại sao ? Vì đề ra nguyên tắc luân lý là độc quyền của Thiên Chúa, con người chỉ phải tuân theo chứ không được dành nó làm quyền của mình.
– Hậu quả nếu vi phạm là “tất ngươi sẽ chết” : Đây không phải là cái chết tức khắc, vì Adam và Eva sau khi ăn trái đó vẫn còn sống. Chết ở đây là thân phận mà con người bị kết án phải chịu nếu như bất tuân lệnh Chúa.
* Đối thoại giữa Eva và con rắn (3,1-5)
c 1 – “Rắn là vật tinh ranh hơn mọi dã thú” :
. Kinh nghiệm ở sa mạc của người du mục cho con người biết rằng con rắn là 1 con vật rất hiểm độc. Gặp rắn thường có nghĩa là chết.
. Ngoài ra, dân Canaal thờ con rắn như biểu tượng của thần khôn ngoan và sinh sản. Tác giả J có ngụ ý chống tín ngưỡng thờ tà thần của dân Canaal nên ông coi rắn là biểu tượng của Satan. J còn nói rõ thêm rằng “… mà Thiên Chúa đã dựng nên” : rắn chẳng phải là thần mà chỉ là 1 thụ tạo của Thiên Chúa.
– ” Nó nói với Eva” : nhiều người nghĩ rằng trước nguyên tội thì các thú vật biết nói. Nghĩ như vậy là quên bút pháp nhân hình của J. “Nói” chỉ là 1 cách mô tả Satan cám dỗ, cám dỗ có lẽ chỉ diễn ra ở nội tâm của Eva. Cuộc “đối thoại” giữa rắn với Eva chỉ là một cuộc độc thoại của riêng Eva : bà phải chọn lựa 1 bên là tuân theo lệnh Chúa và bên kia là cãi lại. Cuộc cám dỗ do Satan gợi lên.
– Lời rắn : “Hẳn Thiên Chúa đã phán : các ngươi không được ăn trái cây trong vườn”. Satan cố tình nói 1 câu mơ hồ ngụ ý không được ăn trái của bất cứ cây nào. Câu nói mơ hồ ấy đương nhiên kích thích Eva đính chính, và thế là bắt đầu đi sâu hơn vào cơn cám dỗ.
c 4 – “Các ngươi sẽ không chết” : 1 lần nữa Satan tỏ ra xảo quyệt . Sự chết mà Td đe doạ chỉ là sự chết sẽ đến sau này nhưng hắn xuyên tạc thành sự chết tức khắc. Và khi xuyên tạc như thế hắn muốn cho Eva nghĩ rằng Thiên Chúa nói dối.
c 5 – “Ngày nào các ngươi ăn nó, các ngươi sẽ nên như Thiên Chúa biết cả lành dữ” : Satan xúi giục loài người chiếm quyền Thiên Chúa để tự ấn định nguyên tắc luân lý.
*. Ăn trái cấm (3,6-7).
c 6 – ” Và bà đã hái lấy quả mà ăn” : đây là quả của cây biết lành dữ. Không chi tiết nào cho phép ta nghĩ là quả táo. Sở dĩ có người nghĩ như vậy là vì bị ảnh hưởng của chuyện thần thoại hy bá lạp “Quả táo vàng của 3 chị em Hespérides”.
– “Bà cũng trao cho chồng bà” : sau khi sa cám dỗ, con người trở thành công cụ của Satan để cám dỗ người khác.
c 7 – “trần truồng” : trong Thánh kinh, chữ “trần truồng” vừa có nghĩa “không đoan trang” nhưng cũng có nghĩa “yếu đuối không được bảo vệ” (x. Am 2,16 Mk 1,8 Tv 6,11). Thực ra trước khi phạm tội, con người cũng trần truồng (2,25) nhưng khi đó con người chấp nhận sự yếu đuối của nhau chứ không lạm dụng nhau. Sau khi phạm tội, con người che dấu sự yếu đuối của mình và lạm dụng sự yếu đuối của người khác.
* Cũng nên biết tác giả cố ý chơi chữ : trong tiếng Hípri, arum nghĩa là “khôn ngoan”, còn arom nghĩa là “trần truồng”. Con người nghe theo cám dỗ của Satan mà ăn trái cấm tưởng rằng mình sẽ trở nên arum nhưng chỉ thấy thành arom !
*. Thẩm vấn và tuyên án (3,8-13).
c 8 – Thiên Chúa đi dạo trong vườn với gió hiu hiu thổi chiều hôm : Gió là ruah (hơi thở, sự sống). Tác giả muốn nói Eden là nơi Thiên Chúa sự sống gặp gỡ con người.
– Người và vợ đi núp : chứng tỏ có sự rạn nứt trong liên hệ giữa con người với Thiên Chúa.
c12 – Chồng đổ lỗi cho vợ : trút trách nhiệm cho người khác.
c13 – Eva lại trút trách nhiệm cho con rắn, cũng là ngầm trút trách nhiệm cho Thiên Chúa.
*. Thi hành án (3,14-24)
c14 – Kết án con rắn “Ngươi hãy là đồ chúc dữ” : 1 lần nữa tác giả chơi chữ, arur là “đồ chúc dữ”, gần giống với arum nghĩa là “khôn ngoan, xảo quyệt”. Rắn rất Arum nhưng sự arum ấy trở thành arur.
– Có phải trước kia con rắn có chân đi được, chỉ sau khi bị Thiên Chúa phạt nó mới mất chân và phải bò lê dưới đất không ?
Thưa không. Ta nên nhớ đây là bút pháp biểu tượng để minh hoạ cho cảnh arur của satan thôi.
c15 – Câu này được gọi là “tiền Phúc âm” (proto-évangile). Giữa những lời tuyên án, Thiên Chúa đưa ra 1 lời hứa cứu thoát : sẽ có kẻ đạp nát đầu con rắn. Nhưng kẻ đó là ai ? Văn mạch khiến ta hiểu là “dòng dõi người nữ”. Nhưng cũng có nhiều người giải thích đó là Đức Kitô, Đức Maria. Trong nguyên bản Hípri, chủ từ của động từ “đạp” là hu (giống đực) nên suy rộng thành Đức Kitô thì hợp hơn ; còn theo bản dịch Vulgata (sang tiếng Latin), chủ từ ấy là ipsa (giống cái) nên nhiều người mới đoán rộng là Đức Maria.
c16 – Tuyên án người nữ :
. “Với chồng ngươi, ngươi hăm hở đon đả” : đây là 1 khuynh hướng bản năng khiến người nữ thấy cần có người nam và sự che chở của người nam.
. Đau đớn trong khi sanh con : những hình phạt Thiên Chúa nhắm tới hoàn cảnh riêng của mỗi phái (phái nữ thì thai nghén và sinh con, nên bị phạt phải đau đớn trong những lúc ấy). Không phải trước khi phạm tội thì người nữ thai nghén và sinh đẻ không đau. Đây cũng là bút pháp biểu tượng muốn nói rằng khi đã mất liên hệ với Thiên Chúa thì mọi sự, kể cả những việc tự nhiên nhất, cũng bị xáo trộn và gây đau khổ cho con người.
c17 – Tuyên án người nam : lao động cực nhọc. Cũng cùng ý nghĩa với án phạt người nữ : cảm thấy cực khổ trong việc tự nhiên của phái mình. Không phải trước khi phạm tội thì lao động không cực, vẫn cực nhưng vì chấp nhận nên thấy vui, sau khi phạm tội thì không còn là nguồn vui mà là cực khổ.
c 18 – “Bởi ngươi là bụi đất, ngươi sẽ trở về bụi đất” : Thiên Chúa để mặc con người bị cuốn theo hướng tự nhiên sẽ dẫn tới sự chết .
c 20 – Chữ “Eva” có nghĩa là “sự sống”
c 21 – Thiên Chúa mặc áo cho Adam và Eva :biểu lộ sự chăm sóc của Thiên Chúa đối với kẻ có tội. Trong kho loài người lấy lá che thân thì Thiên Chúa dùng các thú vật (da thú) để che cho họ
c 22 – “Này con người đã nên như 1 vi trong chúng ta biết được lành dữ” : con người đã dành quyền tự ấn định luân lý của Thiên Chúa.
– “Bây giờ phải làm sao cho nó đừng hái cây sự sống nữa …” : hậu quả của sự dành quyền ấn định luân lý là mất sự sống (trường sinh). Từ nay con người sẽ mang thân phận phải chết nhưng trong thâm tâm vẫn luôn khát vọng bất tử.
23-24 Trục xuất khỏi Eden : bị đuổi ra khỏi tình trạng ưu tiên ban đầu.
2. Vườn địa đàng.
Tác giả J mô tả vườn địa đàng (2,8-15) với những chi tiết cụ thể : có đủ loại cây vừa đẹp mắt vừa ngon miệng, có 4 con sông, nhũ hương, mã não v.v.
Những chi tiết cụ thể trên đã khiến có người tưởng rằng địa đàng xưa kia nằm ở vùng Lưỡng Hà Địa, vì tác giả nói có con sông Tigre và Euphrate ; Flavius Josephe thì giải thích Phison là sông Indus, Gihon là sông Gange nên kết luận địa đàng nằm ở Ấn độ. Những suy đoán này đi quá xa. Ta cần nghiên cứu kỹ bản văn :
– c13 có nói tên thành Assur, 1 thành phố có từ 1300 năm trước cn. Như thế là bản văn này có nguồn gốc rất xưa.
-c8 nói vườn này nằm ở “phía Đông”. Các câu kế tiếp liệt kê các sông theo thứ tự Phison, Gihon, Tigre, Euphrate. Tức là từ phía đông sang phía tây. Như vậy tác giả là người ở phía tây của các sông đó, có thể là ở xứ Palestine.
* 2 chi tiết vừa kể cho phép ta kết luận rằng tác giả là người ở Palestine và ông đã mượn 1 chuyện rất xưa của thời gian còn du mục.
Là J, tác giả quen lối văn nhiều hình ảnh cụ thể ; là du mục, câu chuyện dùng những hình ảnh đẹp nhất theo mắt người du mục, cho nên địa đàng được mô tả như 1 ốc đảo tươi mát :vì đã quá khổ vì nóng và khát nên đối với người du mục, không có gì đẹp bằng 1 ốc đảo có nước, có cây, có trái, ngoài ra lại còn có cả vàng, nhũ hương, mã não…
– Như vậy, qua những hình ảnh trên, tác giả muốn nói cho ta biết rằng Địa đàng là món quà tặng quý giá nhất của Thiên Chúa cho loài người.
– Chẳng những thế, địa đàng còn là nơi Thiên Chúa ở với loài người : “Thiên Chúa tản bộ trong vườn với gió hiu hiu thổi” (3,8).
– Địa đàng cũng còn là sứ mạng mà loài người phải giữ gìn và xây dựng : “Thiên Chúa đặt con người vào vườn để canh tác và gìn giữ.” (2,13)
. Bởi thế Etienne Charpentier viết : “Địa đàng không phải là một giấc mơ đã mất, mà là 1 sứ mạng phải hoàn thành”.
– Nhưng điều quan trọng nhất ta cần lưu ý là Địa đàng không phải là 1 địa điểm. Alfred Lapple viết : “Đó là 1 phần thay cho toàn bộ, “vườn” tiêu biểu cho toàn thể vũ trụ trong tình trạng vừa được Thiên Chúa tạo dựng. Đâu có người thì đó có địa đàng, vì căn bản là trạng thái hạnh phúc tinh thần và đạo giáo của con người sống do Thiên Chúa. Người đoàn kết hoà bình với Thiên Chúa kéo theo liên kết hoà bình của con người với vũ trụ…”
3. Con rắn
. Kinh nghiệm ở sa mạc của người du mục cho con người biết rằng con rắn là 1 con vật rất hiểm độc. Gặp rắn thường có nghĩa là chết.
. Ngoài ra, dân Canaal thờ con rắn như biểu tượng của thần khôn ngoan và sinh sản. Tác giả J có ngụ ý chống tín ngưỡng thờ tà thần của dân Canaal nên ông coi rắn là biểu tượng của Satan. J còn nói rõ thêm rằng “… mà Thiên Chúa đã dựng nên” : rắn chẳng phải là thần mà chỉ là 1 thụ tạo của Thiên Chúa.
Trong bản văn, không có chỗ nào con rắn được đồng hoá với thần dữ. Việc đồng hoá chỉ diễn ra sau này vào thế kỷ I (Kng 2,24; Enoch 69,6). Ở Canaal, rắn có liên hệ mật thiết với việc thờ phượng sự sung túc phì nhiêu, cũng là cám dỗ thường xuyên cho dân Israel khi họ định cư ở đất Canaal. Vì thế đây là lời cảnh giác hãy tránh xa những việc thờ quấy này. Rắn ở đây cũng không liên hệ gì đến con rắn đồng trong sách Xuất hành. Sự kiện rắn đồng trong sách Xuất hành cho thấy Thiên Chúa có thể “dĩ độc trị độc!” Và Chúa Giêsu chấp nhận cái chết để ban tặng sự sống (x. Ga 3,14-15).
4. Ý nghĩa cám dỗ
Chiến thuật của mọi cám dỗ là chỉ nói một nửa sự thật: (1) các ngươi sẽ không chết, (2) mắt các ngươi sẽ mở ra, (3) các ngươi sẽ được giống như Thiên Chúa. Thực tế là sau khi ăn trái cấm, con người đã không chết nhưng lại không sống mãi, đã mở mắt ra để chỉ thấy mình trần truồng, và đã giống như Thiên Chúa biết thiện ác nhưng chỉ là cái biết giới hạn. Đây cũng là chiến thuật Satan áp dụng khi cám dỗ Chúa Giêsu (x. Mt 4, 1-11). Và cả ngày nay, với chúng ta.
Cây biết thiện ác (2,17): Ý nghĩa sâu xa của hình ảnh và trình thuật này là chỉ một mình Thiên Chúa – với sự toàn tri và khôn ngoan của Người – mới biết rõ ranh giới thiện ác và tốt xấu. Con người không thể tự mình xác định vì tầm nhìn giới hạn của phận người nên chỉ thấy được một phần nhỏ. Vì thế, phải biết trân trọng Lời Chúa về cây biết thiện ác (2,17) thì mới đến được cây trường sinh (3,22). Đây là bài học rất lớn cho con người hôm nay, nhất là trong lãnh vực luân lý.
Ma quỷ cám dỗ bằng cách gây nghi ngờ, từ đó chối từ và vứt bỏ Lời Chúa. Vì thế cần phải tuyệt đối tin tưởng vào Lời Chúa như Chúa Giêsu khi đối diện với những cám dỗ trong sa mạc.
5. Giáo lý về tội.
– Cây biết lành dữ là biểu tượng của sự chọn lựa. Ngay từ khi mới dựng nên con người, Thiên Chúa đã cho con người được tự do và phải sử dụng tự do đó để chọn lựa :hoặc tuân theo những nguyên tắc luân lý của Thiên Chúa, hoặc tự mình đề ra nguyên tắc luân lý cho mình.
– Tội là con người đã chọn chính mình. Do đó bản chất của tội là kiêu căng, là từ chối Thiên Chúa.
– Hậu quả của tội :
. Mất liên hệ thẳng thắn và hồn nhiên với Thiên Chúa : con người không dám đối diện với Thiên Chúa, con người “núp” trốn Thiên Chúa.
. Mất liên hệ tin cậy giữa người với người : “trần truồng”, xấu hổ, lạm dụng nhau, đổ lỗi cho nhau.
. Và khi đã núp trốn Thiên Chúa thì đương nhiên con người phải khổ. Khổ không phải do Thiên Chúa gây ra mà con người tự làm khổ mình. A. Delp nói : “Xa Chúa luôn làm khổ con người”. Ra khỏi vườn Eden là biểu tượng của tình trạng thiếu vắng Thiên Chúa. Nhưng tình trạng này không phải là vô phương cứu chữa vì Thiên Chúa đã hứa sẽ ban ơn cứu thoát.
Hậu quả lập tức của tội lỗi là con người nhận ra sự trần trụi của mình và họ tìm cách che đậy sự trần trụi đó (3,7). Khi Đức Chúa lên tiếng hỏi “Ngươi ở đâu?” con người đưa ra lý do lẩn tránh Thiên Chúa, “bởi vì tôi trần trụi.” Thực ra con người không trần truồng vì đã lấy lá vả che thân, nhưng con người nhận ra mình trần trụi vì tương quan giữa họ với Thiên Chúa đã bị bẻ gẫy.
Bẻ gẫy tương quan với Chúa, tội lỗi cũng phá hỏng những mối tương quan căn bản trong cuộc sống con người: đánh mất sự thống nhất nơi chính bản thân; tương quan vợ chồng biến thành tương quan thống trị và thèm khát thay vì yêu thương phục vụ; tương quan với tha nhân (anh em trong nhà, người ngoài) được dệt bằng dối trá, sợ hãi, đối đầu; cả tương quan với thế giới cũng trở nên khó khăn vì chính thiên nhiên tàn phá con người. Tất cả những điều này sẽ được trình bày trong những chương kế tiếp.
III. CAIN VÀ ABEL (4,1-16)[2]
1. Nguồn gốc tích truyện và ý định của tác giả.
Một số chi tiết trong truyện không được hợp lý :
– Nếu Cain là con trưởng của nguyên tổ, tại sao còn có những người khác có thể giết Cain (c 15) ?
– c 2 nói Cain làm cày ruộng. Mà muốn cày thì phải có dụng cụ, ít ra là bằng đá. Như thế thì truyện này xảy ra ít nhất là khi loài người đã tiến tới thời đại thạch khí, cách lúc loài người mới xuất hiện tới khoảng nửa triệu năm. Như thế thì không hợp về thời gian.
Các chi tiết không hợp lý ấy chứng tỏ tác giả J đã mượn 1 chuyện có sẵn từ trước. Vấn đề là mượn truyện nào ?
Cựu Ước có nói tới bộ lạc Qénites (x Ds 24,21 Gs 15,6 30,29 Tl 4,11-12 5,24) và cho biết rằng bộ lạc này là con cháu của Cain, nhưng không có phần trong lãnh thổ vừa chinh phục được.
Vậy có thể là J mượn 1 chuyện có sẵn từ thời trước nhằm giải thích tại sao bộ lạc Qénites không được chia đất : vì tổ tiên của họ đã phạm tội. Ngoài ra tác giả cũng dùng chuyện này để trình bày giáo lý về sự lan tràn của tội và hậu quả của nó : tội đã lan từ 2 nguyên tổ sang con cái ; sau khi làm mất liên hệ giữa loài người với Thiên Chúa, tội còn làm mất liên hệ tốt đẹp giữa người với người, vì ngay cả anh em ruột thịt cũng còn giết nhau.
2. Giải thích chi tiết.
c 01 – “Biết” : giao hợp
– “Tậu được” : Tên Cain bởi động từ qanah tiếng Assur có nghĩa là “mua được, tậu được”
c 02 – “Abel” : do chữ hebel nghĩa là “yếu ớt”. Có lẽ đứa con thứ 2 này của nguyên tổ khi vừa sinh ra đã yếu ớt nên được đặt tên như vậy : và cũng vì yếu ớt nên Abel chọn nghề ít nặng nhọc hơn tức là chăn cừu trong khi Cain mạnh mẽ làm nghề cày ruộng.
c 3-4 – Cain dâng cho Chúa hoa trái, còn Abel dâng chiên cừu đầu lứa : Đây là tục lệ dâng của đầu mùa cho thần linh, xuất phát từ dân ngoại, được làm vào đầu mùa xuân. Chi tiết này chứng tỏ J đã vay mượn cốt truyện của thời kỳ du mục (sau thời nguyên tổ rất lâu, như đã nói trên) để viết truyện về các con của nguyên tổ.
c 05 – “Giavê ngó đến” : Thiên Chúa chấp nhận lễ vật của Abel và không nhận lễ vật của Cain. Chú ý : J không đưa lý do. Có lẽ Thiên Chúa làm gì cũng hoàn toàn theo ý muốn tự do của Ngài. Bởi thế ta đừng suy luận viển vông rằng vì Cain dâng những trái xấu, còn Abel dâng những con vật béo tốt. Ta cũng phải bỏ hình ảnh mà nhiều người đã tưởng tượng : Khói từ lễ vật của Abel bay thẳng lên trời, còn khói từ lễ vật của Cain cứ là là mặt đất. Chi tiết này không có trong bản văn.
* Cũng cần lưu ý rằng Thánh kinh ghi lại nhiều truyện trong đó Thiên Chúa quen ưu ái con thứ hơn con trưởng : Esau – Giacóp, Giuse và các anh, Đavit và các anh vv.
– “Cain tức lắm, sầm mặt xuống” : Cử chỉ vừa biểu lộ sự tức giận vừa có nghĩa là không nhìn lên Thiên Chúa. Không nhìn lên Chúa là bước đầu của tội.
c 09 – Sau khi Cain đã giết em và bị Thiên Chúa tra hỏi, hắn không chút hối hận mà còn trả lời ngang bướng với Chúa.
c 12 – “Đất đai chẳng còn cho ngươi sức lực của nó” : “sức lực” của đất đai là khả năng sinh sản cho cây cối có hoa trái (x. 49,3).
13-14- “Tội tôi quá lớn, làm sao mang nỗi” : không phải là lời hối hận của Cain mà chỉ là lời than trách cho số phận sắp tới của hắn : vì đã cắt đứt liên hệ với Thiên Chúa và với tha nhân nên hắn sẽ phải “lang thang vất vưởng” (c 14), bởi thế hắn than “làm sao tôi chịu nổi”
– “Ai bắt gặp tôi sẽ giết tôi” : Đây là tục lệ báo thù nợ máu nơi các bộ lạc thời xưa khi chưa có luật pháp, toà án và cảnh sát. Tục lệ này tuy man rợ nhưng cũng có ích là ngăn ngừa được tội ác.
c 15 – “Giavê đã đánh dấu trên trán Cain” : Không phải là dấu để bêu xấu hắn để người ta thấy hắn mà xa lánh, nhưng là để bảo vệ hắn trước tục lệ báo thù nợ máu vừa nói, vì J ghi rõ thêm “để đừng ai hạ thủ nó”. Thiên Chúa vẫn yêu thương che chở con người dù con người đã phạm tội.
c 16 – “Cain đến cư ngụ ở đất Nod” : Chữ Nod do động từ Nad nghĩa là “chạy trốn”. Cain trốn chạy Thiên Chúa
3. Ngụ ý thần học.
a. Xưa nay khi đọc truyện này người ta thường chú ý tới vai Abel hơn và thích đồng hoá mình với vai trò đó. Nhưng nếu đúng ý tác giả, nhân vật chính phải là Cain. Ta phải soi vào gương đó để nhận diện chính mình và nhận ra tội của mình.
J tiếp tục trình bày giáo lý về tội :
(- Tội là tự ý chọn phía nghịch lại Thiên Chúa : chuyện nguyên tổ)
– Khi đã nghịch với Thiên Chúa thì cũng sẽ nghịch với tha nhân : anh em ruột thịt mà còn giết nhau.
– Người ta bắt đầu đi vào tội khi “sầm mặt xuống” không nhìn lên Thiên Chúa.
– Tội nhân giống như người mất gốc : Phải “lang thang vất vưởng” ở “đất Nod”.
– Dù vậy Thiên Chúa vẫn yêu thương tội nhân : sau khi nguyên tổ phạm tội, Ngài đã lấy da thú làm áo che thân cho họ ; nay Thiên Chúa lại ghi dấu trên trán Cain để bảo vệ hắn khỏi sự trả thù của người khác.
b. Nếu truyện nguyên tội cho ta thấy hậu quả thứ nhất của tội là làm cho loài người xa cách Thiên Chúa nguồn hạnh phúc, thì truyện Cain cho thấy hậu quả thứ hai là làm cho con người như những anh em ruột thịt quay ra tàn sát nhau.
Câu truyện về Cain và Abel được nối kết cách lỏng lẻo với câu truyện trước đó về con người sa ngã. Một số học giả cho rằng đây là câu truyện hoàn toàn độc lập nhưng được tác giả sách Sáng Thế liên kết với câu truyện trước nhằm mục đích riêng của ông. Câu truyện này giả thiết lúc đó đã có các dân khác (St 4,14 : “bất cứ ai gặp con sẽ giết con”; xã hội đã có tổ chức trong đó có những ngành nghề khác nhau, và một nền thờ phượng cũng đã bắt đầu phát triển.
Mối quan tâm của tác giả là nhấn mạnh đến tội lỗi và hậu quả của nó chứ không nhằm những chi tiết khác, do đó khiến ta có những thắc mắc, vd. tại sao Chúa không nhận lễ vật của Cain.
Có giả thuyết cho rằng câu truyện này muốn trình bày sự tranh chấp giữa các dân có nền văn hoá và ngành nghề khác nhau, cụ thể là giữa lối sống du mục và nông nghiệp. Cũng có giả thuyết khác cho rằng đây là cách nói về nguồn gốc của bộ tộc Kenites, mang tattoo trên trán và sống tách biệt các bộ tộc khác. Bộ tộc này cũng thờ phượng Thiên Chúa nhưng chưa bao giờ là thành viên của dân Israel.
Thiết nghĩ ý tưởng chính của câu truyện là lòng con người đã nghiêng về điều xấu. Từ tội lỗi của những con người đầu tiên, nhân loại tiếp tục xa rời Thiên Chúa, chìm sâu trong tội đến nỗi Thiên Chúa đã lấy làm tiếc vì tạo dựng loài người (6,6). Chính vì tội lỗi nhân loại tràn lan như thế nên cuối cùng Thiên Chúa đã tuyển chọn một dân để từ dân đó, toàn thể nhân loại giao hoà với Thiên Chúa. Đó là nội dung sẽ được trình bày từ chương 12 trở về sau.
IV. CÁC TỔ PHỤ.
1. Tác giả đoạn này là P (trừ c 29 của J). Trong bút pháp của mình, P giải thích dùng những con số, không theo nghĩa số học chính xác mà theo nghĩa biểu tượng (ta đã có 1 thí dụ trong bài tường thuật tạo dựng : tạo dựng trong 7 ngày) ; P cũng giải thích ghi những gia phả (xem thêm St 6,9 10,1 10,10-37 25,12-19 36,1-9 37,2 Ds 3,1).
2. Để viết đoạn này, P đã mượn những bản văn của vùng Lưỡng Hà Địa viết về 10 triều vua (trước nạn hồng thuỷ – văn kiện Weld-Bludell 444 ; 62 và Berosius còn giữ những tài liệu này). Bởi thế trong đoạn này P liệt kê 10 tổ phụ.
3. Ý hướng của P rất rõ : muốn chứng minh rằng con người càng xa Thiên Chúa là nguồn sự sống thì tuổi thọ càng giảm nhưng sự dữ càng gia tăng. P trình bày ý tưởng này không những trong đoạn văn mà ta đang nghiên cứu, mà còn trong những đoạn văn về sau (đã kể ra ở trên).
4. Chiều hướng chung của P, như đã nói phía trước, là cho thấy rằng càng xa Thiên Chúa thì tuổi thọ của loài người càng giảm nhưng sự dữ càng gia tăng. Điều này được chứng minh phần nào trong bảng liệt kê tuổi thọ ở trên : Adam 930 tuổi – – Lamek 777 tuổi ; và được củng cố thêm bởi cách ghi tuổi thọ của các thế hệ sau nữa (vừa nói phía trên).
5. Tuy nhiên tuổi thọ của 1 vài tổ phụ (được đánh dấu * trong danh sách trên) lại không theo chiều hướng chung ấy. Lý do là những vị này có điều gì đó đặc biệt. Cho đến nay các chuyên viên Thánh kinh chỉ mới giải thích được trường hợp của vài vị, còn những vị đặc biệt khác kia thì vẫn chưa giải thích nổi. Những trường hợp giải thích được là:
* Henoc : P ghi tuổi thọ của vị này là 365. Nên để ý vài chi tiết :
. Theo thứ tự thì Henoc được xếp thứ 7. Mà 7 là con số thánh
. 365 là con số mặt trời (số ngày trong 1 năm), cũng là con số tốt. . c 24 ghi thêm rằng sau 365 năm ấy, Henoc đã “đi với Thiên Chúa”
Ta có thể kết luận : Tuy tuổi thọ được ghi cho tổ phụ này là ngắn, nhưng P muốn đề cao ông bằng những con số thánh (7 và 365) và sự kiện sau đó ông đã “đi với Thiên Chúa”.
* Lamek : tuổi thọ được P ghi cho ông là 777. Rõ ràng P cũng muốn đề cao ông với những con số 7 thánh thiêng :
. Ông thọ 777 tuổi
. Ông sinh con lúc 182 tuổi, tức là 26 lần 7 (182 cũng là phân nửa con số 365) . Ông sống thêm 595 năm nữa, tức là 85 lần 7.
* Mathusalem : Tuổi thọ được ghi cho ông là 969 dù ông là tổ phụ thứ 8, nhưng tuổi thọ lại cao nhất. Làm sao giải thích được ? Ta nên biết rằng con số này khác nhau theo bản chữ Hípri, hy lạp và Samaria. Theo bản samaria thì tuổi thọ của ông là 720, nếu thế thì vẫn hợp với chiều hướng chung.
*** Tóm lại, ý nghĩa chung của danh sách này là tuổi thọ con người càng giảm ; tuy nhiên vài vị tổ phụ vì có lý do riêng nên được miễn khỏi chiều hướng chung ấy ; ngoài ra còn 1 vài vị khác (Qénan, Yérèd, Noe) thì ta vẫn chưa đoán ra được ý của tác giả.
V. LỤT HỒNG THUỶ (6,1 – 9,29)
Có sự giống nhau giữa trình thuật này và một truyện thần thoại của Babylon (Gilgamesh Epic), theo đó hội đồng các thần linh quyết định hủy diệt nhân loại. Ea là thần khôn ngoan hiện ra với Utnapishtim và báo cho biết tai hoạ sắp tới, đồng thời dạy phải làm tầu để cứu cả nhà. Utnapshtim làm tầu rồi đem gia đình và cả thú vật lên tầu. Các thần cho cơn bão hoành hành nhưng rồi chính các thần linh cũng không kiểm soát nổi cơn bão, và phải run sợ ẩn nấp trên trời. Khi bão tan, Utnapishtim thả những cánh chim ra để xem xét tình hình. Khi vừa lên bờ, họ dâng lễ tạ ơn thần linh và được các thần thuởng cho sự bất tử. Tuy nhiên giữa truyện thần thoại này và trình thuật Thánh Kinh có những khác biệt căn bản. Trong trình thuật sách Sáng Thế, không hề có bóng dáng đa thần. Thiên Chúa và chỉ một mình Người mà thôi điều khiển tất cả và không có chuyện cơn bão lụt vượt ra ngoài sự kiểm soát của Thiên Chúa. Cơn lụt được trình bày rõ ràng là hình phạt của tội, và sau cơn lụt, Noê bước vào giao ước với Thiên Chúa chứ không để hưởng sự bất tử.
Bản văn cũng nói đến cuộc hôn nhân giữa con trai Thiên Chúa và con gái loài người (6, 1-4). Ở đây có âm vang của các chuyện thần thoại mang dáng dấp đa thần. Tác giả Thánh Kinh vận dụng câu truyện này để dẫn vào chuyện lụt hồng thủy như hình phạt tội lỗi, tội lỗi đã lan rộng đến độ vượt qua cả ranh giới giữa đất và trời!
Ý nghĩa này được nhấn mạnh hơn nữa trong 6,5-8; 8,21-22 với ghi nhận rằng “Lòng con người toan tính điều xấu.” Trong văn hoá Hípri, trái tim (lòng) trước hết không phải là trung tâm tình cảm nhưng là nguồn tri thức và ý muốn. Do đó, điều nhấn mạnh ở đây là toàn bộ suy tư và đời sống con người đã ra xấu xa.
Trình thuật này đã được vận dụng vào trong đời sống của Hội Thánh cách phong phú.
Nước trong Lụt hồng thủy được coi như hình bóng của bí tích Thánh tẩy. Cũng như nước hồng thủy vừa hủy diệt nhân loại tội lỗi vừa tác sinh nhân loại mới, thì nước Thánh Tẩy cũng tha thứ tội lỗi và biến đổi chúng ta thành những con người mới.
Con tầu Noê cũng được xem là hình bóng về Hội Thánh. Con tầu Noê được làm mà không có bánh lái, như thế giống như một Đền thờ hơn là con tầu Hình ảnh này diễn tả về Hội Thánh hoàn toàn ở trong tay Thiên Chúa (7,17).
Noê cũng là hình ảnh loan báo Chúa Kitô, Đấng là Đầu nhân loại mới được canh tân trong Chúa Kitô nhờ bí tích Thánh Tẩy (8,20). Noê đã dâng lên Thiên Chúa hiến lễ đẹp lòng Người, và Thiên Chúa đã thiết lập một giao ước bao gồm cả nhân loại. Giao ước này loan báo giao ước tối hậu trong Chúa Kitô.
VI. CÁC DÂN TỘC TRÊN THẾ GIỚI (10,1 – 11,27)
1.Bản danh sách các dân tộc (10,1 – 11,27)
Ý nghĩa thần học của bản danh sách này là sự thực hiện mệnh lệnh của Thiên Chúa trong St 1,28 “Hãy sinh sôi nảy nở đầy mặt đất.” Israel là một trong số các dân, và việc Thiên Chúa tuyển chọn họ không phát xuất từ những ưu điểm của họ nhưng hoàn toàn do lòng từ ái của Thiên Chúa mà thôi.
2.Tháp Babel (11,1-9)[3].
c 1 – “Khắp nơi trên mặt đất cùng 1 ngôn ngữ” : Đừng ngây thơ dựa vào câu này mà cho rằng trước chuyện tháp Babel loài người đều cùng nói chung 1 thứ tiếng. Thực ra kiểu nói “cùng 1 ngôn ngữ” có nghĩa là cùng thống nhất nhau trong 1 đức tin, một tinh thần chung. Như vậy c 1 này muốn nói rằng thuở xưa loài người cùng chung 1 niềm tin vào 1 Thiên Chúa duy nhất.
c 2 – “Đất Sinear” : Theo St 10,10 và 14,1-9, đó là miền chung quanh Babel, tức là xứ Babylone.
c 3 – Ở Palestine người ta dùng đá và hồ để xây. Nhưng J muốn cho độc giả hiểu chuyện này xảy ra ở vùng Lưỡng Hà Địa nên nói người ta dùng những vật liệu khác, là gạch và hắc ín. Gạch và hắc ín là đặc tính của nền văn minh Sumer-Babylone.
c 4 – “Nào ta xây thành” : J ghép vào đây chủ đề xây thành. Ơ St 4,16-17b (cũng tác giả J) có ghi “Cain đi rất xa mặt Thiên Chúa…ông trở thành người xây thành phố, ông lấy tên con là Henoc mà đặt cho thành”. Mô tả người xấu như Cain với việc xây thành như thế, J tỏ ra không thích nền văn minh thành thị vì nó khiến người ta “đi xa mặt Thiên Chúa”, ngược với nếp sống du mục giữa thiên nhiên gần gũi với Thiên Chúa. Alfred Lapple viết : “Thiên nhiên là công trình của Thiên Chúa, Thành phố là tác phẩm của con người”.
– “và xây tháp, ngọn sao cho thấu trời. Ta hãy gây danh cho ta” : Như đã nói, mục đích của tháp ziggurat là tôn giáo để con người liên lạc với thần linh, nhưng J sửa lại mục đích của nó là để tỏ lòng kiêu ngạo của loài người.
c 5 – “Giavê xuống xem” : 1 kiểu nói nhân hình ngụ ý mỉa mai : cái tháp mà loài người tự hào cho là “ngọn thấu trời” ấy có nghĩa gì đâu với Thiên Chúa, bởi vì Ngài phải xuống mới xem được.
c 6 – Thiên Chúa thấy trước con đường của loài người sẽ dẫn tới những hậu quả tai hại như thế nào nên Ngài ngăn ngừa bằng cách giáng 1 hình phạt trị tội kiêu ngạo của họ.
7-9 – Chữ Babel theo tiếng Sumer là “cửa trời” nhưng J giải thích theo ngữ căn Hípri là “làm cho lộn xộn”. Làm cho ngôn ngữ lộn xộn nghĩa là phá vỡ sự thống nhất của loài người. Thực ra chính loài người không muốn thống nhất nhaunhưng Cựu ước quen quy tất cả vào nguyên nhân đệ nhất là Thiên Chúa nên nói “Thiên Chúa làm cho ngôn ngữ ra lộn xộn”.
*** 1 điều đáng lưu ý là trong tất cả các truyện trước (địa đàng, Cain, hồng thuỷ) luôn ẩn đàng sau tội lỗi là 1 tia sáng hy vọng của ân sủng (tiền Tin Mừng 3,15, Chiếc áo Thiên Chúa mặc cho nguyên tổ, dấu che chở cho Cain và chiếccầu vồng giao ước). Nhưng cuối chuyện Babel chẳng có 1 lời an ủi nào làm dịu sự ác liệt của bản án Chúa ra : nhân loại tự ý đi vào con đường thê lương tuyệt vọng. Phải chờ cho tới Abraham thì tia sáng hy vọng mới bừng lên trở lại.
– Qua chuyện này J muốn nói rằng tội tiếp tục hoành hành làm băng hoại nhân loại. Nguyên nhân chính là con người tự ý cắt liên hệ với Chúa. Mà nơi nào không thờ Chúa thì nơi đó liên hệ giữa con người con người với nhau cũng biến chất mau lẹ. Dù cho có nói cùng 1 ngôn ngữ họ cũng không hiểu nhau, không hiểu vì không muốn hiểu. Tiếng nói vẫn không thay đổi nhưng người ta không đối thoại với nhau, hay nếu có thì cũng là cuộc đối thoại giữa những người điếc.
– Chuyện này chuẩn bị cho chuyện Abraham. Tình trạng tuyệt vọng sau án phạt của Chúa chờ phải có 1 tia hy vọng cứu độ. Nơi Abraham, Thiên Chúa sẽ làm thành 1 dân lớn, và mọi dân sẽ được chúc phúc nhờ ông (12,2-3)
– Đây cũng là 1 lời cảnh cáo của con người. Tác giả dùng hình ảnh xây thành và xây tháp để chỉ khuynh hướng con người muốn dựa vào khả năng của mình để “gây danh tiếng” chống lại Thiên Chúa, gần như muốn thay thế Chúa để tự lo, tự quyết định cho mình (cũng như St 8,5). Văn minh kỹ thuật của con người tự nó là tốt, tuy nhiên khi nó nô lệ hoá con người và làm cho con người quên Thiên Chúa thì sẽ đẩy con người tới chỗ hư vong. Babel trong Thánh kinh là tên tượng trưng cho tội lỗi, nhất là tội kiêu căng, nó là biểu tượng của khuynh hướng loài người tự phụ với khả năng của mình mà chống lại Thiên Chúa.
Tháp Babel biểu tượng cho giấc mơ rồ dại của con người muốn xây dựng một thế giới vắng bóng Thiên Chúa. Sau này, trong ngày lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần sẽ quy tụ và hiệp nhất các dân nước khác nhau trong cùng một ngôn ngữ.
St 11,28 – 36,43 là những trình thuật về các tổ phụ, bắt đầu với tổ phụ Abraham. Chủ đề xuyên suốt các trình thuật này là lời hứa của Thiên Chúa và việc thưc hiện lời hứa đó trong lịch sử.
[1] Sáng tạo con người (St 2: 7-9)
1.1- Tạo vật đầu tiên trong mọi sinh vật: “Thiên Chúa đã lấy bụi đất nặn nên con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở thành một sinh vật.” (St 2: 7). Trong chuyện tích thứ nhất về Sáng Tạo trong sáu ngày, người nam và người nữ được sáng tạo đồng lúc, vào cuối công trình của Thiên Chúa, như là đỉnh cao của công trình Sáng Tạo. Trái lại, trong chuyện kể thứ hai cổ xưa hơn nầy: người nam được sáng tạo đầu tiên trước mọi sinh vật, và được sáng tạo một mình, không người nữ; người nữ sẽ xuất hiện sau nầy. Đây là cách thức mà tác giả Gia-vít sử dụng để nhấn mạnh quyền tối thượng của con người theo đó Đấng Tạo Hóa sắp bày tỏ niềm ưu ái đặc biệt đối với tạo vật đầu tiên của Ngài. “Đất”, theo tiếng Híp-ri “ (ha-a-đa-ma) từ đó tác giả rút ra tên chung của con người “…” (ha-a-đam: với mạo từ), đoạn tên riêng “…” (A-đam: không mạo từ). Như vậy, chúng ta có thể hiểu tên A-đam ở đây như nhân cách hóa mỗi một con người và tội của A-đam đồng nghĩa tội của tất cả chúng ta. Việc sáng tạo con người được mô tả “Thiên Chúa lấy từ bụi đất nặn nên con người,” sau nầy, việc sáng tạo nên mọi sinh vật cũng được mô tả theo cùng một cách như vậy: “Thiên Chúa lấy đất nặn ra chúng.” (St 2: 19). Tuy nhiên, sắc thái biệt phân rất tinh tế. Con người và con vật có cùng một xác thể, vì thế, sau nầy, khi con người phạm tội, Thiên Chúa nhắc nhở cho con người nguồn gốc mõng dòn của nó: “Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất.” (St 3: 19). Sự khác biệt nói lên chiều kích cao cả của con người chính là chỉ duy một mình con người được Thiên Chúa “thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở thành một sinh linh.” Dáng điệu của một thợ gốm thần linh lấy đất sét nặn nên con người thuộc về di sản của nhiều dân tộc xưa. Con người sinh ra từ đất, đó là một niềm tin tưởng khá phổ biến. Việc Thiên Chúa can dự đặc biệt trong việc sáng tạo nên con người cũng không hủy bỏ niềm tin nầy. Ở Ai-cập, chính thần Knoum sáng tạo nên con người bằng cách nặn nên họ hằng loạt trên bàn xoay của người thợ gốm. Ở Sumer, chính mẫu thần Nammu nặn nên con người đầu tiên; ở Ba-by-lon, thần Ea “với đôi tay của mình đã sáng tạo nên con người.” Ở Hy-lạp, một truyền thống đã gán hành động sáng tạo cho thần Prométhée, và một bản văn huyền thoại tường thuật rằng thần Démiurge nhân ái đã nặn ra con người bằng đất sét thấm đẩm nước mắt của thần. Nhưng sự khác biệt căn bản khiến bản văn kinh thánh tách ra khỏi những chuyện kể nầy, đó là, vị thợ gốm thần linh là Đấng Tạo Hóa, Đấng lấy đất sét mà nặn nên bức tượng con người, và làm sinh động bức tượng ấy bằng chính sự sống của Ngài.
1.2- Con người một sinh linh: “Thiên Chúa thổi sinh khí vào lỗ mũi , và con người trở thành một sinh linh.” Chính sinh khí của Thiên Chúa mà con người trở thành một sinh linh, khác với con vật. Theo tiếng Híp-ri, hơi thở và thần khí được diễn tả bởi cùng một từ “…” (ru-a). Thiên Chúa ban cho con người “thần khí của Ngài”, như vậy, con người có nguồn gốc thần linh. “Thần khí” nầy phát xuất từ Thiên Chúa, vì thế, con người sẽ hoàn lại cho Ngài khi họ trút hơi thở cuối cùng. Thánh Lu-ca đặt trên môi miệng Đức Giê-su đang hấp hối cũng những từ ngữ của Thánh vịnh 31: 6: “Cha ơi, trong tay Ngài, con xin phó thác hồn con (“…”).” Tân Ước, khi mặc khải ngôi vị của Thần Khí và ân ban của Ngài cho con người trong Đức Giê-su, đã cho nhân loại học của sách Sáng Thế chiều kích đích thật của nó. Cử chỉ của Đấng Tạo Hóa được lập lại trên mỗi người lãnh nhận bí tích Rửa Tội để thổi sự sống siêu nhiên vào họ, lúc đó họ trở thành một tạo vật mới.
1.3- Vườn Ê-đen: “Đoạn, Thiên Chúa trồng một vườn cây ở Ê-đen, về phía Đông, và đặt vào đó con người do chính mình nặn ra.”[3] Chữ Ê-đen có nghĩa thảo nguyên.[4] Thiên Chúa đã khiến nảy sinh một ốc đảo kỳ diệu ở giữa mãnh đất trơ trụi nguyên sơ; “về phía Đông,” nghĩa là ở phía mặt trời mọc, dấu chỉ ánh sáng và sự sống. “Thiên Chúa khiến mọc lên từ đất đai đủ mọi thứ cây trông đẹp mắt, ăn ngon miệng.” Trong khu vườn kỳ diệu nầy, cũng có hai loại cây không thuộc vào bất kỳ loại thảo mộc nào: “cây trường sinh” và “cây biết thiện ác.”
1.4- Biểu tượng của cây trường sinh và cây biết thiện ác: Cây trường sinh là một hình ảnh kinh điển trong vùng Cận Đông xưa; đó là cây đem lại sự sống đời đời; biểu tượng của nó được hổ trợ bởi bóng dáng tự nhiên (cây cao bóng cả cành lá bốn mùa xum xê[5]) và bởi phụng vụ: trong những thánh điện, các vị thần linh nhờ ăn trái cây trường sinh mà bất tử.[6] Cây biết thiện ác là sự sáng tạo của truyền thống Gia-vít. Có thể tác giả đã được gợi hứng, ít hay nhiều, từ một vị tiền nhiệm Ba-by-lon: ở lối vào nơi cư ngụ của các vị thần, có hai cây: cây trường sinh và cây chân lý.[7] Trong cách nói “biết thiện ác,” từ “biết” chỉ sự hiểu biết được xây dựng trên kinh nghiệm. Mặt khác, ngôn ngữ Híp-ri, khác ngôn ngữ của những triết gia, thích liên kết những mâu thuẩn để nói lên cái toàn thể: vì thế, cốt là một sự khôn ngoan cao vời, một phẩm chất biệt phân mà chỉ mình Thiên Chúa mới có thể sở hữu tròn đầy. Đoạn trích dẫn của chúng ta không kể ra việc Thiên Chúa đặt canh giữ cây biết thiện ác nầy; phần tiếp theo câu chuyện cho thấy điều đó. Thiên Chúa lưu ý con người một giới hạn không được vượt qua, nhưng Ngài không rào cây dành riêng cho Ngài; Ngài phó thác cho lương tri của con người. Biết bao lần con người kinh qua nổi nhớ da diết về một “điạ đàng đã mất.” Nỗi hoài niệm nầy diễn tả tình cảm tăm tối theo đó con người đã không được tạo dựng để mà chịu cảnh đời bất hạnh và đau khổ, nhưng có một mầu nhiệm của Sự Dữ.[8] Chính mầu nhiệm nầy mà tác giả linh hứng toan tính minh giải.
2. Thử thách và sa ngã (St 3: 1-7): Phần thứ hai của Bài Đọc I là trình thuật về sự thử thách và sa ngã hay “tội gốc.”[9] Một đề tài rất phổ biến hay ít ra rất quen thuộc với văn thể anh hùng ca: một vị anh hùng lấy cắp hay tìm cách lấy cắp một trong những đặc quyền của các vị thần: như nhân vật Gilgamesh, ở Lưỡng Hà Địa, ra đi tìm kiếm cây trường sinh;[10] ở Hy-lạp, Prométhée ăn cắp lửa thiêng; Héraclès đoạt lấy những trái táo trường sinh. Ngoài ra, cũng có biết bao đề tài tương tự ở Ấn Độ xưa, vân vân. Tác giả kinh thánh biến đổi sâu xa hành động nầy khi định vị nó vào trong văn mạch thần học duy nhất và đặc thù; và ông lấy tham vọng của con người vừa làm nguyên mẫu của tội vừa tiền lịch sử của Sự Ác. Mặt khác, ông mô tả một biến cố nội tâm hơn là một biến cố bên ngoài. Bức tranh về sự Thử Thách là một tiểu kiệt tác của sự phân tích tâm lý.
2.1- Con rắn: “Rắn là loài xảo quyệt nhất trong mọi loài vật hoang dã, mà Thiên Chúa đã làm ra nó.” Bài trình thuật về sự thử thách bắt đầu ngay bởi câu bản lề gây choáng váng nầy. Như vậy trong tấn thảm kịch sắp diễn ra, người kể chuyện giới thiệu một nhân vật kỳ lạ, một con rắn biết nói, biểu tượng sự Ác, mà tác giả sách Khôn Ngoan đã nhận ra là quỷ hay quỷ vương (Kn 2: 24). Ngay tức khắc vị ác thần nầy bị giảm thiểu đến mức tối đa: kẻ sắp bày tỏ mình ra là đối thủ của Thiên Chúa không gì khác hơn là một con vật (“trong mọi loài vật nơi hoang dã” mà Cựu Ước chỉ ra để phân biệt với loài gia súc), một tạo vật giữa mọi tạo vật mà Thiên Chúa đã dựng nên, chứ không là một hữu thể tối cao, một ác thần đối thủ của Thiên Chúa tốt lành. Việc giải thích Cựu Ước theo nhị nguyên: cuộc xung đột giữa Thiện và Ác, bị loại bỏ ngay từ những trang kinh thánh đầu tiên. Tại sao chọn lựa con rắn? Trước hết, chúng hãy nhớ rằng trong hầu hết những chuyện tích thần thoại, cây trường sinh mà các thần linh giữ lấy cho riêng mình để hưởng dùng, chung chung được mãng xà, con rồng hay ác thú, đôi khi quái vật canh giữ. Truyền thống Gia-vít đã chuyển điểm nhấn trên cây biết thiện ác, nghĩa là, chính cây biết thiện ác nầy mà ông liên kết con rắn vào. Nhưng chính ở nơi những nét bút đặc thù nầy mà chúng ta đánh giá sự tự do của tác giả kinh thánh đối với hình tượng của dân ngoại – thay vì để cho con rắn như kẻ canh giữ không cho con người tiến gần cây biết thiện ác, thì lại mở lối cho người phụ nữ đến gần và khích động lòng ham muốn của bà ăn trái cây. Con rắn hành xử như một kẻ gian ác. Vả lại, nhiều dân tộc thời xưa đã làm nổi bật lên một cách nào đó hình tượng của con rắn; họ liệt con rắn vào số những biểu tượng của sự sống và tái sinh: rắn thay da theo định kỳ, xem ra nó sở hữu những bí quyết đem lại nguồn thanh xuân vĩnh hằng. Vì thế, bộ ba: người phụ nữ – cây – con rắn thuộc vào hình tượng của những việc thờ cúng cầu xin sự phong nhiêu. Khoa ảnh tượng tôn giáo của thế kỷ thứ hai trước Công Nguyên cung cấp nhiều ví dụ về đề tài nầy; chúng ta không loại trừ rằng khoa ảnh tượng nầy đã là nguồn gợi hứng cho tác giả kinh thánh phác họa bức tranh nầy, nhưng ông đã tách nó ra khỏi ý nghĩa duy nhiên. Mặt khác, rắn, con vật ở trong hang sâu dưới lòng đất, gợi lên mối giao du thân cận với địa giới, thế giới hỏa ngục, nơi ở của những vong hồn và những quỷ thần đáng sợ. Do đó, con rắn được xem như biết những bí ẩn của việc sinh tử mà địa giới nắm giữ. Cuộc đối thoại của con rắn với người phụ nữ diễn ra theo ý nghĩa nầy: con rắn tự phụ là mình biết những bí ẩn nầy hơn cả Thiên Chúa. Cuối cùng, việc con rắn bị nguyền rủa không phải là không có hậu cảnh bút chiến: vào thời truyền thống Gia-vít soạn thảo câu chuyện nầy, dân chúng vẫn còn tôn thờ con rắn đồng được gọi Nơ-khút-tan, con rắn đồng mà ông Mô-sê giương cao trong sa mạc. Phải đợi đến vua Khít-ki-gia, vào thế kỷ thứ tám, mới phá bỏ việc thờ cúng ngẫu tượng nầy: “Chính vua đã dẹp các tế đàn ở nơi cao, đập bể các trụ đá, bổ các bàn thờ và đập tan con rắn đồng ông Mô-sê đã làm, vì cho đến thời đó, con cái Ít-ra-en vẫn đốt hương kính nó; người ta gọi nó là Nơ-khút-tan.” (2V18: 4).
2.2- Người phụ nữ: Con rắn ngỏ lời với người phụ nữ: “Có thật Thiên Chúa đã bảo: Các ngươi không được được ăn mọi thứ cây trong vườn không?” Tên cám dỗ bắt chuyện với một mình người phụ nữ, bà đã không nghe trực tiếp những lời căn dặn của Thiên Chúa; và chắc chắn nó nghĩ rằng người phụ nữ nầy dể bị xiêu lòng trước lời dụ dỗ ngon ngọt của nó hơn người nam. Mặt khác, đề tài về người phụ nữ đầu tiên phạm tội, gặp thấy ở nơi khác. Người ta gặp lại đề tài nầy ở Hy lạp với thần thoại Pandore, trong đó người phụ nữ đầu tiên nầy mở không phải lúc cái chậu chứa đựng những điều xấu; những điều xấu nầy tràn lan khắp mặt đất, chấm dứt hạnh phúc nguyên thủy của nhân loại. Chỉ ở dưới đáy của chậu sành niềm Hy vọng mới cư ngụ.[11]
2.3- Lời dụ dỗ dối trá: Để có thể gieo sự nghi ngờ vào lòng người phụ nữ, con rắn khôn khéo giả vờ ngây thơ hỏi người phụ nữ: “Các ngươi không được ăn mọi thứ cây trong vườn sao?” Người phụ nữ đính chính ngay tức khắc: “Chỉ có một cây mà Thiên Chúa đã bảo: Các ngươi không được ăn, không được động tói, nếu không, sẽ phải chết.” Lúc đó, tên cám dỗ cố gắng tẩy xoá trong tâm trí của người phụ nữ ý tưởng về Thiên Chúa tốt lành và thiện hảo; nó trình bày Ngài như kẻ ghen tuông và lừa dối, muốn duy trì những đặc quyền của mình: “Chẳng chết chóc gì đâu! Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết thiện ác.” Với những lời dụ dỗ bùi tai nầy, người phụ nữ bắt đầu nghi ngờ Thiên Chúa; chính ở nơi ý tưởng sai lầm về Thiên Chúa mà tội lỗi sắp bén rễ.
2.4- Tấn thảm kịch của sự tự do của con người: Lúc đó, người kể chuyện mô tả cuộc chiến đang diễn tiến trong lương tri của người phụ nữ. Ông mô tả nó như cuộc chiến của một hữu thể tự do, có trách nhiệm, hoàn toàn sáng suốt. Vì thế, không phải vì ăn trái cây biết thiện ác mà người nữ – và người nam- đã thủ đắc được sự biệt phân thiện ác (như vậy sẽ là một sự nghịch lý). Sự biệt phân nầy (kể cả sự tự do) là một ân ban của Đấng Tạo Hóa cho thụ tạo có lý trí của Ngài. Thiên Chúa đã quá mạo hiểm khi ban sự tự do cho con người. Vì thế, hành vi cử chỉ của người phụ nữ diễn tả ý muốn được toàn quyền quyết định, một sự tự mãn tự cao tự đại bất cần Thiên Chúa, nỗi khao khát tự mình quyết định Thiện Ác không cần thông qua lề luật của Thiên Chúa. “Người đàn bà thấy trái cây đó ăn ngon miệng, nhìn sướng mắt, và đáng quí vì làm cho mình được tinh khôn…” Người phụ nữ tiếp tục cuộc độc thoại nội tâm. Đây thực sự là một trình thuật tinh tế điển hình của sự thử thách, của cơn cám dỗ. Tội lỗi xem ra luôn luôn có sức quyến rũ đối với chúng ta.
2.5- Tội lỗi: “Bà liền hái trái cây mà ăn, rồi đưa cho cả chồng đang ở với mình, ông cũng ăn.”
“Việc ăn cùng một trái cây” gắn bó những kẻ cùng ăn vào trong cộng đồng chia sẻ cùng một trách nhiệm và vận mệnh, liên kết họ lại thành “đồng hội đồng thuyền”. Đó chính là những đề tài rất nổi tiếng, và hơn cả đề tài, đó chính là những hành vi cử chỉ cúng tế thần linh và những nghi thức xã hội. Thế nên, trong thần thoại cũng như trong thực tế, những hành vi cử chỉ nầy – dù là những nghi thức kết giao đính ước, kết nghĩa đồng sinh đồng tử – đều có một điểm chung nhất đó là giới thiệu một hoàn cảnh bất khả đảo ngược. Vậy nên, trong những nghi thức kết giao đính ước, ai chấp nhận thức ăn mà người khác dâng hiến, dù khác nhau về bản chất hay môi trường, người đó dứt khoát trở nên đồng hội đồng thuyền với người nầy.[12] Theo đó, chúng ta có thể cho rằng chính con rắn (Xa-tan) dâng hiến trái cây, nó buộc chặc con người vào với nó vô phương cứu vãn, bởi vì con người, được đại diện bởi ông bà nguyên tổ, đã chấp nhận quà tặng của nó. Theo cách nầy, chắc hẳn tác giả đã muốn diễn tả con người đồng lõa với tội lỗi. Mặt khác, thật là ý nhị không kém khi truyền thống Gia-vít, vốn rất nhạy bén trước hậu quả của tội (như phần tiếp theo của tác phẩm cho thấy điều đó), đã chọn một hành vi cử chỉ bên ngoài xem ra vô hại như việc hái và ăn một trái duy nhất, từ cây mà người chủ vườn đã dành riêng cho mình để miêu tả lỗi phạm đầu tiên; lẽ ra ông đã có thể miêu tả một tội ác kinh thiên động địa (ví dụ như tội Ca-in giết em mình là A-ben[13]). Vì lẽ, Ông đã không muốn chúng ta bị nhầm lẫn về bản chất của tội: tội trước hết là một sự xúc phạm trực tiếp đến Thiên Chúa, tác động đến mối tương quan theo chiều dọc giữa Thiên Chúa và con người. Tất cả những gì con người đánh mất do tội, người kể chuyện diễn tả bằng hình ảnh: “Bấy giờ mắt hai người mở ra, và họ thấy mình trần truồng.
”2.6- Họ mình trần truồng: Sự trần truồng theo Cựu Ước có nghĩa sự yếu đuối, lạc lỏng bơ vơ, không nơi nương tựa bảo vệ che chỡ. Vì tội, hai ông bà đã đánh mất sự nương tựa ở nơi Thiên Chúa; họ đã đánh mất những phúc lộc tinh thần mà vườn địa đàng là biểu tượng;[14] họ ý thức tình trạng tội lỗi của mình; dấu chỉ đầu tiên là xấu hổ vì thấy mình trấn truồng, điều nầy đánh dấu sự đồi trụy trong mối quan hệ phái tính. Vết thương của tội chắc hẳn đã làm xáo trộn đặc biệt trật tự tính dục, và qua đó, tất cả mọi liên hệ của con người.
2.7- Tính lịch sử của tội: Chuyện kể của sách Sáng Thế không có tính lịch sử. Tuy nhiên, sứ điệp mà nó trao gởi cho chúng ta mặc khải cho chúng ta rằng thân phận tội lỗi của con người không là một sự kiện “thuộc về bản chất”, nhưng “thuộc về lịch sử”. Thiên Chúa đã không tạo dựng con người xấu xa; Ngài đã tạo dựng nên họ tốt lành và tự do (“theo hình ảnh và họa ảnh của Ngài” như câu chuyện thứ nhất về cuộc Sáng tạo xác định). Thiên Chúa vốn rất mực tốt lành đã không thể tạo ra sự Ác. Chính sự tự do của con người đã là nền móng của ác tính.Tuy nhiên, con người không hoàn toàn chịu trách nhiệm đối với việc sự Ác xâm nhập thế gian, còn có tên cám dỗ, đây là một tình tiết giảm tội. Đó không phải là lý do vì sao đã có sự chuộc tội của con người, trong khi không có sự chuộc tội cho Sa-tan sao? Đức Ki tô đã gợi lên tấn thảm kịch nguyên tổ nầy: “Xa-tan là tên sát nhân ngay từ khởi đầu; nó là tên nói láo và cha của sự dối trá.”
2.7- Lịch sử được sống: Chúng ta có thể nghĩ rằng để xây dựng chuyện kể của mình, nhà biên soạn kinh thánh đã múc lấy nguồn cảm hứng từ lịch sử của chính Ít-ra-en. Dân được chọn đã được “lấy” ra từ Ai-cập, đưa vào trong hoang địa và dẫn vào Đất Hứa “chảy sữa và mật,” như A-đam đã được “lấy” ra từ đất và được đặt vào trong vườn Địa Đàng. Đối với Ít-ra-en, thêm vào Đất Hứa là ân ban Lề Luật, như đối với A-đam, thêm vào vườn Địa Đàng là huấn lệnh của Thiên Chúa. Đọc sách Đệ Nhị Luật, chúng ta gặp thấy ở đây cũng một cách nói: “Nếu anh em nghe huấn lệnh của Thiên Chúa, Chúa của anh em, anh em sẽ được sống…Nhưng nếu anh em thay lòng đổi dạ…thì hôm nay tôi báo cho anh em biết: chắc chắn anh em sẽ bị diệt vong…Tôi đưa ra cho anh em chọn được sống hay phải chết, được chúc phúc hay bị nguyền rủa.” (Đnl 30: 15-20).
2.8- Những khía cạnh ngôn sứ: Khía cạnh ngôn sứ của câu chuyện thì vô số kể và sâu sắc.Trong một linh cảm đáng ngạc nhiên, tác giả linh hứng đã định vị tấn bi kịch nguyên thủy vào trong một cuộc chạm trán giữa người phụ nữ với tên Cám Dỗ, ở lòng thiên nhiên còn nguyên sơ. Tin Mừng trình bày một chạm trán trực diện giữa Đức Giê-su và Xa-tan ở giữa lòng hoang địa. Người phụ nữ đã vấp ngã trong khi Đức Giê-su lại chiến tháng tên Xảo Trá, đây là khúc dạo đầu của bài ca khải hoàn dứt khoát của Ngài. Khi cho nhân vật phụ nữ một vai trò ưu thế nhất, không phải là tác giả để lộ cho chúng ta thoáng thấy một dung mạo nữ giới khác, Đức Ma-ri-a, một tạo vật duy nhất của dòng giống loài người chúng ta, đã hưởng được tình trạng vô tội trước khi nguyên tổ phạm tội, tình trạng “tiền a-đam” như cách nói của các nhà thần học sao? Đối lại với tiếng “xin vâng” của bà E-và với Xa-tan, sẽ là tiếng “xin vâng” của Đức Ma-ri-a với Sứ Thần. Bà E-và ở nơi nguyên khởi của tội, Đức Ma-ri-a ở nơi nguyên khởi của Ơn Cứu Chuộc. Con người muốn trở thành Thiên Chúa. Thiên Chúa sẽ trở thành con người. Thêm nữa, làm thế nào sự linh cảm nầy không làm chúng ta xúc động sâu xa hơn, thấm thía hơn? Phải chăng bản văn không gợi ra một cách nào đó rằng đáp lại “việc ăn sinh tội” của con người nguyên khởi là bàn tiệc Giao Ước mới, “việc ăn mang lại ơn cứu chuộc,” và đối lại những lời dụ dỗ dối trá của tên Cám Dỗ: “Nếu ông bà ăn trái nầy, ông bà sẽ không phải chết.” là những lời hứa ban sự sống của Ngôi Lời nhập thể: “Nếu các ngươi ăn bánh nầy, các ngươi sẽ không chết bao giờ.” sao?
[2] Cain tập trung nơi mình nhiều biểu tượng được phát kiến đầu tiên:
Theo Luc Estang trong tác phẩm “Ngày của Cain” đã miêu tả:
“Cain là một con người đầu tiên sinh ra từ một người đàn ông và người đàn bà.
Cain là con người nuôi trồng đầu tiên, đại diện nền văn hoá định cư, theo truyền thống là con người có lòng hiếu khách, thường đón tiếp những người du mục một cách ân cần.
Cain, kẻ giết người đầu tiên và là người đầu tiên chứng kiến cái chết khủng khiếp, là con người chống lại con người một cách triệt để đầu tiên, một con người bám vào những gì mình có, để đạt được cái có nhiều hơn mà gạt bỏ chính người thân yêu của mình. Đại diện cho sự bùng nổ tranh chấp, con người đầu tiên chống lại con người, hạ sát đứa em của mình chỉ vì lòng ghen tỵ.
Cain, tên của nó có nghĩa là sở hữu, hắn là người chiếm hữu đầu tiên. Sở hữu và chiếm hữu, hắn là người ý thức về chính mình, quy về bản thân một cách triệt để, kẻ muốn làm chủ cả đời sống của người khác. Cain là người đầu tiên dựng nên những đô thị, những tường thành bảo vệ những tài sản đạt được, kẻ thu góp về cho mình, săn tìm hưởng thụ đầu tiên, một con người mở ra một lối vô thần đầu tiên.”
“Ông Ca-in ăn ở với vợ. Bà thụ thai và sinh ra Kha-nốc. Ông xây một thành, và lấy tên con mình là Kha-nốc mà đặt cho thành ấy”.(St 4, 17).
Qua việc xây thành lấy tên con trai mình đặt cho thành ấy, Cain là người muốn tìm những hoa lợi khác, không phải từ canh tác nông nghiệp mà bằng những việc kinh doanh. Tường thành bảo vệ thay cho sự bảo vệ của Giavê, thành đô dựng xây cho mình mang ý nghĩa tự lập lấy một vương quốc không do Giavê gầy dựng.
Cain, hắn là kẻ bất khả xâm phạm về tính mạng, được Giavê đánh dấu, kẻ quằn quại trong nỗi ám ảnh về việc giết người và rời xa Giavê đầu tiên, để một đi không trở lại. Hắn đại diện cho con người cứng cỏi chống lại Giavê cách quyết liệt đầu tiên.
Cain là một con người đại diện cho những con người nổi loạn chống lại Thiên Chúa, kẻ chống lại ý nghĩa tiền định trên mỗi số phận, điều làm hắn khó chịu là số người này được Chúa thương, kẻ khác bị vạ ngay từ lúc mới sinh ra. Đó là một cách hiểu sai trầm trọng về mầu nhiệm ý tiền định của Thiên Chúa. Theo cách nghĩ đơn sơ của người thời bấy giờ, tiền định là một chương trình đã thiết lập sẵn: Abel – Kẻ Chúa thương; Cain – kẻ Thiên Chúa ghét bỏ.
Tác giả Kinh Thánh đưa ra một giải đáp: Dù Cain có khước từ Giavê một cách triệt để, Giavê vẫn không bao giờ rời xa hắn, Giavê vẫn bảo tồn sinh mạng của hắn và kiên nhẫn chờ đợi ngày trở về của hắn. Ý tiền định của Giavê được hiểu là tiền định yêu thương, mọi người được sinh ra đều được Thiên Chúa yêu thương cách này hay cách khác. Thiên Chúa làm mưa cho nắng trên người lành cũng như kẻ dữ, Người không thiên vị ai.
Ý nghĩa của Cain còn đi xa hơn nữa, là người mạo hiểm, chấp nhận mọi tai ương, chịu trách nhiệm về hành vi của mình.
Cain là biểu tượng trách nhiệm của con người. Trách nhiệm về bản thân mà trong bản thân ấy có chen lẫn ánh sáng và bóng tối, từ đó gây nên một mâu thuẫn nội tâm.
Sự mâu thuẫn nội tại trong tâm hồn con người biểu hiện bằng sự chia cắt giữa Abel và Cain, mâu thuẫn có lúc trầm trọng, điều mà Thánh Phaolô nói rõ hơn trong tâm khảm của con người:
“Vẫn biết rằng Lề Luật là bởi Thần Khí, nhưng tôi thì lại mang tính xác thịt, bị bán làm tôi cho tội lỗi. Thật vậy, tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu: vì điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm. Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì tức là tôi đồng ý với Lề Luật và nhận rằng Lề Luật là tốt. Vậy thật ra không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi. Tôi biết rằng sự thiện không ở trong tôi, nghĩa là trong xác thịt tôi. Thật vậy, muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không. Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm. Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi.
Bởi đó tôi khám phá ra luật này: khi tôi muốn làm sự thiện thì lại thấy sự ác xuất hiện ngay. Theo con người nội tâm, tôi vui thích vì luật của Thiên Chúa; nhưng trong các chi thể của tôi, tôi lại thấy một luật khác: luật này chiến đấu chống lại luật của lý trí và giam hãm tôi trong luật của tội là luật vẫn nằm sẵn trong các chi thể tôi.” (Rm 7, 14 -23)
Sự mâu thuẫn nội tại dường như không có con đường giải thoát. Con người tìm cách chiến thắng cái ác từ trong thẳm sâu của mình. Ấn Độ giáo hình thành con đường Atman trở về với Brhaman; Phật giáo đưa ra con đường Khổ đế để diệt thân. Do Thái giáo mong đợi Đấng Cứu Thế đến giải thoát họ. Kitô giáo loan truyền Chúa đã đến đã chịu chết thay cho mọi người, đã chiến thắng tử thần và đã sống lại, Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ duy nhất đã hoàn thành việc giải thoát con người hoàn toàn ra khỏi sự tội. Niềm xác tín của người tín hữu Kitô Giáo được Thánh Phaolô diễn tả:
“Tôi thật là một người khốn nạn! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này? Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta!” (Rm 7, 24 -25)
Để có được hoà bình, cần chiến thắng sự dữ, bởi vì sự dữ làm náo động, gây nổi loạn, làm nên trạng thái mất trật tự, gây những mâu thuẫn, phát sinh ra hiềm thù, ghen tỵ, cạnh tranh, chà đạp, xúc phạm đến quyền sống của con người như nhau.
Như vậy, tạo lập hoà bình có nghĩa là tái lập trật tự: Con người – thiên nhiên – Thiên Chúa. Ổn định trật tự nội tâm hướng về điều lành, quy hướng về Thiên Chúa, đón nhận Chúa Thánh Thần nguồn mạch sự bình an.
[3] Theo sách Sáng Thế thì con cháu của Noe, người hùng trong cơn Đại hồng thủy, từ phía Đông (Acmênia) đã di chuyển về phía Nam theo sông Tigris, rồi sang phía Tây, vượt qua sông Tigris, tiến vào vùng đồng bằng Sennan (tức Babylon, cách Baghdad hiện nay 163 khi về phía Đông Nam). Vì họ ở cách xa nhau, xa các tộc trưởng nên họ (đứng đầu là Nimrod, hậu duệ của Noe, một người giỏi săn bắn và cũng là một bạo chúa) đã cùng nhau dựng thành và xây một cái tháp mà “đỉnh có thể vươn tới Trời”, với mục đích tạo cho cộng đồng một tên tuổi trước khi tản mạn đi khắp mọi nơi. Tháp được xây dựng bằng gạch nung và nhựa đường thay vì dùng đá và vữa. Việc xây tháp thề hiện sự ngạo mạn của con người (lúc đó nhân loại mới chỉ có vẻn vẹn khoảng 10.000 người). Chúa Trời rất bất bình trước công việc không do Chúa định nên tìm cách phá bỏ nó. Ngài gây hỗn độn trong ngôn ngữ, khiến cho cộng đồng người không hiểu tiếng nói của nhau, đành phải chấm dứt việc xây tháp và tản mát đi khắp thế giới.
Đó là bản tường thuật về tháp Babel trong Kinh thánh. Các nhà sử học thế giới đã dựa vào Kinh thánh để lần theo các phế tích mà xác định vị thế của tháp Babel.
Theo ông Pietro della Valle (Rome, 1650), tháp nằm ở phía Bắc Babylon, bên tả ngạn sông Euphrates, ở đó còn có phế tích được gọi là Babil.
Ông Rawlinson (1880) cũng xác định tháp nằm ở tả ngạn sông Euphrates và trong phạm vi của thành Babylon.
Ông Oppert và nhiều người khác lại cho rằng, tháp nằm ở hữu ngạn sông Euphrates, cách phế tích của thành Babyion khoảng 7- 8 dặm.
Về hình dạng của tháp Babel, dựa theo các phế tích, người ta cho rằng, tháp có hình dạng giống như những Kim tự tháp cổ nhất ở Ai Cập, đó là những khối công trình có kích cỡ nhỏ đần, xếp chồng lên nhau thành những tầng riêng rẽ, có một mặt phẳng nghiêng hoặc một cầu thang xoắn ốc dẫn từ tầng nọ lên tầng kia, mỗi tầng mang một màu sắc riêng, tùy theo nó được dâng hiến cho hành tinh nào. 4 góc của tháp hưởng theo 4 điểm của la bàn, còn ở Ai Cập thì 4 mặt của Kim tự tháp tương ứng với 4 hướng. Trên đỉnh tháp là một đền thờ, côn dùng làm đài quan sát. Bên trong tháp làm bằng đất sét phơi khô, nhưng tường bên ngoài được phủ bằng gạch nung. Loại nhựa đặc biệt ở vùng Babylon (giống như nhựa đường) được dùng đề thay cho vữa trong việc xây dựng. Kiểu tháp này được gọi là Zikkunt.
Thời điềm xây tháp Babel được xác định vào khoảng từ 101 đến 870 năm sau cơn Đại hồng thủy.
Về ngôn ngữ khác nhau của loài người.
Như đã nói ở trên, vẫn theo sách Sáng thế, Chúa Trời không tán thành việc xây tháp nên đã gây hỗn loạn ngôn ngữ, từ đó, các ngôn ngữ khác nhau của loài người ra đời và con người toả đi sống rải rác trên khắp bề mặt trái đất.
Sự cố này hiện còn có cơ sở trong lịch sử hiện tại hay không? Những người không tín ngưỡng coi chuyện kể trên là vô nghĩa, vô lý, và cho rằng, “không thể có khả năng con người trên toàn thế giới lại chỉ nói cùng một thứ tiếng”. Ông Bowie coi chuyện kể là “trẻ con”, là cách người nguyên thủy giải thích nguồn gốc của những ngôn ngữ khác nhau.
Tuy nhiên, trên thực tế, đến nay vẫn chưa có một lý lẽ nào có giá trị khả dĩ đặt nghi vấn về tính xác thực của điều nói trong Kinh thánh.
Đó là vì những lý do sau đây:
1. Về ngữ văn:
Trước hết, nhiều nhà nghiên cứu ngôn ngữ đã đi tới kết luận rằng, các ngôn ngữ khác nhau của con người rốt cuộc đều có thề xuất phát từ một nguồn gốc chung. Max F. Muller (1823 – 1900), một trong những nhà ngôn ngữ văn học so sánh hàng đầu của thế giới và là giáo sư Đại học Oxford, đã viết trong cuốn Khoa học của ngôn ngữ: “Sau khi đã nghiên cứu mọi dạng của ngôn ngữ, với 3 dạng khác biệt: thân từ, cuối từ và biến cách, tôi cớ thề khẳng định rằng, mọi ngôn ngữ của con người đều có cùng một nguồn gốc chung”. Tòng Nam tước William Jones (1746 – 1794), học giả chuyên về tiếng Phạn, một ngôn ngữ cổ của Ấn Độ, năm 1876 đa viết: tiếng Phạn tuy rất cổ nhưng nó có cấu trúc tuyệt vời, hoàn thiện hơn tiếng Hy Lạp, phong phú hơn tiếng Latinh và tinh tuý, tao nhã hơn cả hai thứ tiếng ấy, đồng thời nó mang lại cho cả hai ngôn ngữ này một sự tương tự rõ rệt về gốc gác của các động từ và hình thức của ngữ pháp mà ta không thể coi là đã được sản sinh một cách ngẫu nhiên. Cho nên, không một nhà ngôn ngữ học nào khi nghiên cứu 3 ngôn ngữ trên lại không tin tưởng rằng chúng được xuất phát từ một nguồn chung mà nay không còn tồn tại”.
Ông W.Jones còn ám chỉ rằng, tiếng Gothic, Celtic và Persian đều thuộc về một họ ngôn ngữ, được gọi là Endo-Eeuropean.
Trong công trình nghiên cứu thuở sơ khai của nhân loại, học giả người Hà Lan G.Ch. Aalders đã nhận xét: “Một nhà cổ học Assyrie nổi tiếng về nền văn minh phương Đông cổ đã phát hiện có mối quan hệ rõ ràng và kỳ lạ giữa một số ngôn ngữ của thổ dân ở Trung và Nam Mỹ với những ngôn ngữ cổ nhất của dân vùng Sumer (hạ Lưỡng hà) và ngôn ngữ Ai Cập. Học giả này, trước kia vẫn coi chuyện kể trong sách Sáng thế chỉ là một truyền thuyết, nay đã đi tới kết luận là bản tường thuật của Kinh thánh đăng tin cậy hơn người ta nghĩ”.
Tiến sĩ Harold Stingers đã tóm lược vấn đề này như sau: “Qua nghiên cứu, người ta thấy khoảng 3.000 ngôn ngữ và thổ ngữ có những nét đặc trưng về cú pháp và từ vựng, khá tương tự nhau nhưng cũng khá khác biệt nhau, nên không thể coi là những vay mượn, khiến người ta phải mặc nhiên công nhận rằng đã có một nguồn gốc chung”.
2. Về mặt lịch sử:
Abydenus, một sử giả Hy Lạp giữa thế kỷ thứ 4 trước công nguyên có nói đến một tháp lớn ở Babylon đã bị tàn phá: “…Cho đến lúc đó thì mọi người đều có chung một tiếng nới, nhưng nay thì đã bị rơi vào tình trạng hỗn độn giữa nhiều ngôn ngữ khác nhau…”
Các học giả M’ciintock và Strong (1895) đa kề lại: “Triết gia Hy Lạp Plato (427- 348 trước CN) trong một công trình đã nói đến thời hoàng kim khi mọi người đều nói cùng một thứ tiếng, nhưng một động thái của Chúa trời đã gây hỗn loạn trong ngôn ngữ của họ”.
Sử gia Do thái Josephus, trong cuốn Thời cổ đại, thì trích dẫn một văn bản cổ xưa: “Khi tất cả mọi người đều nói một thứ tiếng, một số người đã xây một toà tháp, cơ hồ như họ muốn leo lên trời, nhưng các thần linh đã gây gió bão phá đổ toà tháp và khiến cho mỗi người nói một thứ ngôn ngữ riêng, và chính vì lẽ đó mà thành cổ này mang tên Babylon”.
Trong thời hiện đại, thực tế cho thấy tất cả các ngôn ngữ có thể được đánh giá bằng những nguyên tắc chung về ngôn ngữ và người ta có thể học được những ngôn ngữ khác với ngôn ngữ của mình, và điều đó hàm ý có một nguồn gốc chung cho tất cả.
Noam Chomsky, một trong những nhà ngôn ngữ học hàng đầu thể giới, tin chắc rằng tuy hình thức có khác nhau, nhưng các ngôn ngữ đều tiềm ẩn một nét chung có liên quan tới tính duy nhất cơ bản của bản thân con người.
Tiến sĩ Gunther Stent, giáo sư sinh học phân tử tại Đại học Cali-fomia, trong cuốn Giới hạn của sự hiểu biết khoa học về con người và khoa học (1975), đã tóm tắt quan niệm của Chomsky như sau: “Văn phạm của một ngôn ngữ là hệ thống các quy tắc biến đổi, xác định một gắn kết giữa âm và nghĩa. Nỏ gồm có một thành phần cú pháp, một thành phần ngữ nghĩa và một thành phần âm vị. Cấu trúc bề mặt chứa đựng thông tin liên quan tới thành phần âm vị, còn cẩu trúc bề sâu chứa đựng thông tin liên quan tới thành phần ngữ nghĩa và thành phần ngữ pháp kết hợp các cấu trúc bề mặt và bề sâu. Do vậy, chỉ có thành phần âm vị mới biến đổi lớn lao trong tiến trình lịch sử loài người, hay ít nhất, từ khi xây dựng tháp Babel”.
Chắc hẳn tháp Babel đối với Stent cũng như Chomsky chỉ là một khái niệm bóng bẩy, tuy nhiên, cách ẩn dụ này là thích họp, bởi sự hỗn loạn kỳ diệu của ngôn ngữ tại Babel rõ ràng đã cung cấp cách giải thích duy nhất về hiện tượng phát sinh những ngôn ngữ khác nhau của con người. Do vậy, cái “thành phần âm vị” của ngôn ngữ (dạng bề mặt) là cái gốc kết hợp các ý nghĩa khác nhau, qua đó, người của mọi bộ lạc riêng biệt trao đổi được với nhau, âm vị của bộ lạc này khác biệt với âm vị của bộ lạc khác, cho nên, nhóm người này không hiểu được nhóm người kia. Tuy nhiên, ở cấp độ “ngữ nghĩa”, “cấu trúc bề sâu”, “vãn phạm phổ quát”, thì cả hai nhóm người ấy đều có những suy nghĩ giống nhau, được biểu hiện bằng từ. Chỉ có những âm vị hoặc dạng bề mặt của ngôn ngữ là bị làm cho lẫn lộn một cách siêu nhiên tại Babel, thành ra, tuy tất cả vẫn còn có một logic cơ bản và sự hiểu biết về kinh nghiệm như nhau, nhưng họ không còn có thề làm việc cùng nhau, và cuối cùng, không thề ở lại với nhau chỉ vì không còn nói chuyện được với nhau.
Thế nên, người ta có khuynh hướng cho rằng có đầy đủ lý lẽ thoả đáng để chấp nhận những điều được ghi trong Kinh thành về sự hỗn loạn ngôn ngữ tại Babel, coi đó là sự tường thuật xác thực về nguồn gốc của những nhóm ngôn ngữ chủ yếu trên thể giới.
Các nhà khoa học bác bỏ nó bởi vì nó giống như là phép màu, nhưng họ cũng không cớ cách lý giải nào tốt hơn. Cho đến nay, không ai hiểu được đầy đủ bộ não và sự chi phối của nó đối với ngôn ngữ. Do vậy, không ai hiểu được những thay đổi sinh lý nào trong bộ não và hệ thần kinh trung ương là cần thiết khiến cho những nhóm người khác nhau có thề liên kết những âm vị khác nhau với một khái niệm nhất định. Có lẽ trong tương lai, các nghiên cứu khoa học sẽ rọi ánh sáng vào hiện tượng này, nhưng lúc này thì, theo ông Henry M.Morris, trong cuốn Cơ sở Kinh thánh của khoa học hiện đại (1984), không có sự giải thích nào tốt hơn là chính Chúa trời “đã gây hỗn loạn trong ngôn ngữ của con người, làm cho họ không hiểu được tiếng nói của nhau…”
Discussion about this post