…
PHẦN I. LƯỢC SỬ THÁNH PHAO-LÔ
Để họa lại chân dung của thánh Phaolô, các nhà chuyên môn dựa trên hai nguồn liệu chính bổ sung cho nhau: Thư Phaolô và Tông đồ Công Vụ.
Ngoài ra, người ta cũng tham khảo các ngụy thư, đặc biệt sách “Công vụ của Phaolô” (Les actes de Paul et de Thècle, cuối thế kỷ II). Dĩ nhiên, những nguồn liệu này không đáng tin cậy.
Khó có thể xác định ngày tháng năm sinh của Phaolô. Theo Cv 7,58 thì Phaolô là một “neanias”-chàng trẻ tuổi- khi Stêphanô tử đạo ít lâu sau Đức Giêsu. Không có tài liệu nào cho biết đích xác niên hiệu cái chết đó. Ta có thể nói Đức Giêsu chết năm 30. Suy ra lúc ấy Phaolô khoảng 20 tuổi, nghĩa là trẻ hơn Đức Giêsu khoảng 10 tuổi. Vì thế, ta tạm cho Phaolô sinh khoảng năm 5; và như đã nói trên, Phaolô sống và hoạt động dưới các triều đại Augustus, Tibère, Caligula, Claude và Nêron.
Phaolô có hai tên: Saulô là tên Do thái, giống tên của vị vua tiên khởi Israel, thuộc chi tộc Benjamin. Phaolô (Paulus = Paulos) là tên Rôma. Sách Công Vụ nói đến Saulô 15 lần từ Cv 7,58–13,9 và sau đó là Phaolô. Có thể lý giải rằng chàng trai Do thái tên Saulô mang quốc tịch Lamã tên Phaolô. Có giả thuyết cho rằng Phaolô mang tên dòng tộc Sergius Paulus (Cv13, 7.12) vì vị tổng đốc này nhận Phaolô làm người nhà mang tên giòng họ; hoặc Phaolô lấy tên này sau ngày trở lại. Các giả thuyết này không vững. Điều chắc chắn là Phaolô dùng tên Do thái (Saulô) khi sống tại Giêrusalem trên đất Israel, còn các thư lại lấy tên Phaolô.
Phaolô lập gia đình không? Câu hỏi khó trả lời. Chắc chắn khi viết 1Cr (năm 54), Phaolô không có vợ vì trong thư ông khuyên nhủ những người không lập gia đình hoặc góa vợ hãy sống như ông. Ngài bộc lộ ý muốn cho họ sống như ngài (1Cr 7,7-8). Nhưng trước đó, Phaolô đã lập gia đình chưa? Đọc 1Cr 7,8 ta có cảm tưởng như ngài góa vợ vì từ “agamos: không lấy vợ” theo Hy ngữ chỉ người đã góa vợ; hơn nữa khi viết “sống như tôi”, ta có thể hiểu hãy sống như tôi trong hoàn cảnh hiện tại.
Thông thường, giai đoạn tiến trình của một rabbi là 5 tuổi: học Kinh Thánh; 10 tuổi: học Misnha; 13 tuổi tuân giữ Lề luật; 18 tuổi kết hôn. Từ đó, ta cũng có thể nghĩ Phaolô là một rabbi và tất nhiên cũng rập khuôn theo chương trình ấy trước khi gặp Đức Giêsu phục sinh tại Damas. Lại nữa, việc hôn nhân thời Đức Giêsu là điều đáng khuyến khích; dĩ nhiên, cũng không loại trừ những trường hợp ngoại lệ như Đức Giêsu hoặc như các Essêniens (Qumrân). Vả lại, việc hôn nhân không nhất thiết theo quy luật chung. F. Josèphe lập gia đình khi 30 tuổi; triết gia Philon cho rằng bậc hiền nhân lập gia đình tốt nhất lúc lên 40. Như thế, ta có thể suy luận: Phaolô không lập gia đình trước khi gặp Đức Giêsu. Nếu có chút băn khoăn khi đọc 1Cr 7,7-8 ta cũng có thể an tâm khẳng định Phaolô không lập gia đình để hoàn toàn hiến thân cho công việc hoạt động Tông đồ.
Sách Cv cho biết Phaolô là công dân Lamã (16,37-38; 23,27) và là công dân từ khi sinh ra (22,25-26). Theo sử liệu (212 sau công nguyên), mọi người tự do trong đế quốc đều có quyền công dân. Họ có quyền bỏ phiếu, không bị hành hạ đánh đập, quyền tố cáo và kháng án, quyền tư hữu, quyền thừa kế, quyền về hôn nhân. Họ cũng có những bổn phận như đóng thuế, quân dịch, biết nói tiếng Latinh… Được quyền công dân hoặc do cha mẹ Lamã sinh ra, hoặc được ông chủ giải thoát khỏi nô lệ, hoặc nhờ có công trạng đối với đất nước. Dưới triều hoàng đế Claude, người ta còn có quyền công dân nhờ vào quân đội.
Sách Cv nhắc đến những công dân Lamã giữa những người Do thái thành Tarsô. Trong Cv, Phaolô nại đến việc gặp hoàng đế (25,11-12). Đây là đặc quyền của một công dân Lamã. Trong các Thư, nhiều đoạn nói đến các tước vinh quang của Phaolô (2Cr 10,12 – 12,10); Tuy nhiên, ta cũng gặp thấy việc Phaolô bị đòn (rhabdizein: flagellé) ba lần. Đây là hình phạt đánh đòn của Lamã (Cv 16, 35.38), khác với 39 roi Ngài nhận từ Do thái ( 2Cr 11, 24-25). Luca trong Cv 16,22 chú thích rằng sỡ dĩ Phaolô và Silas bị đánh đòn là bởi vì người ta không biết quyền công dân của hai ông (Cv 16,38) vì luật Lamã cấm đánh đòn các công dân.
Cv 22, 25-26 cho biết Phaolô là công dân Lamã do sinh ra, nghĩa là cha mẹ ông kết hôn hợp pháp theo luật Lamã. Có thể cha của Phaolô là công dân nhờ thi hành nghĩa vụ quân sự. Ta biết gia đình của Phaolô là một gia đình Do thái nề nếp, biết tuân giữ Lề luật ( Ph 3,5), nên có quyền nghĩ cha của Phaolô được quyền công dân Lamã nhờ vào việc thi hành nghĩa vụ quân sự.
Theo các thư, Phaolô thuộc chi tộc Benjamin (Rm 11,1; Ph 3,5). Theo 1 Bns 1-9, hai chi tộc Giuđa và Benjamin gồm các Tư tế và Lêvi làm thành hạt nhân Do thái giáo sau lưu đày. Dựa trên chứng từ của riêng và truyền thống, gia đình Phaolô thuộc dân tuyển Chúa chọn, chi tộc Benjamin.
Về giáo dục: Cv 22,3 cho biết Phaolô sinh tại Tarsô, và từ thuở bé đã sống tại Giêrusalem: “Tôi là người Do thái, sinh ở Tarsô miền Kilikia, nhưng tôi đã được nuôi dưỡng tại thành này (Giêrusalem); dưới chân ông Gamaliên tôi đã được giáo dục để giữ Luật cha ông một cách nghiêm nhặt. Tôi cũng đã nhiệt thành phục vụ Thiên Chúa như tất cả các ông hiện nay”. Ta gặp thấy ở đây ba động từ: sinh – được nuôi dạy (trephein, anatrephein) – được giáo dục (paideuein), hoàn toàn giống lời Stêphanô nói về Môisê trong Cv 7,20-22. Phải chăng, Luca muốn trình bày cho biết cha mẹ Phaolô, sau khi sinh ông, đã rời bõ Tarsô cùng với con về sinh sống ở Giêrusalem, tại đây Phaolô đã trải qua thời thư ấu và hoàn thành việc học.
Ta gặp thấy trong Pl 3, 2-7 chứng từ một Phaolô đoạn tuyệt với những giá trị mà ông đã có trước đây: “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Giêsu Kitô, Chúa của tôi. Vì Người tôi đành mất hết và tôi coi tất cả như rác để được Đức Kitô và được kết hợp với Người”. Trong khi đó ở Cv 22,3 Phaolô nhìn về quá khứ, từ sơ sinh cho đến lúc này khi đã gắn chặt với Đức Kitô để minh chứng cuộc đời mình luôn gắn bó với Do thái giáo. Dựa trên chứng từ trên, ta có thể nói Phaolô sinh tại Tarsô, nhưng đã được nuôi dưỡng và giáo dục từ thuở bé tại Giêrusalem. Cv 23,16-22 cho biết bà chị ông sinh sống tại Giêrusalem và có đứa con trai lớn.
Phaolô tự xưng là Biệt phái (Pl 3,5). Cv 22,3 cho biết Phaolô học với Gamaliên (các thư không nói đến). Phaolô thông thạo tiếng Hy lạp, có một kiến thức về thi ca và triết lý Hy lạp: điều này không trái ngược chút nào với việc Công vụ xác quyết Phaolô đã trải qua phần đầu đời tại Giêrusalem.
Về tôn giáo: Phaolô là người Do thái Palestine, tuân giữ Lề luật cách nghiêm nhặt hay thuộc cộng đoàn Diaspora chịu ảnh hưởng văn hóa Hy lạp và do đó tôn giáo kém phần chính thống? Đặt vấn đề như thế tức phân biệt hai trào lưu Do thái giáo, và đương nhiên cần tra cứu trong thần học Phaolô những điều thừa hưởng của một trong hai. Cuối cùng, ta sẽ thất vọng và có khi sai lạc. Lý do là Phaolô biên soạn và trình bày giáo thuyết hoàn toàn độc lập với Do thái giáo và Ngài đã từng sẵn sàng thách thức tranh luận với bất cứ một Do thái nào về giáo thuyết Do thái giáo. Chắc chắn, ta có thể tìm gặp trong thần học Phaolô những chủ đề tương đồng với những quan niệm Do thái Palestin, chẳng hạn: việc trông đợi ngày Quang lâm mang chất khải huyền Do thái; chủ đề ơn công chính hóa; tội lỗi. Tuy nhiên, Phaolô không hề lấy lại giáo thuyết Do thái. Cái nhìn khải huyền của Phaolô mang tính tổng quát chứ không như khải huyền Do thái với việc phân chia các thời kỳ, những thị kiến về các quái vật, những biểu tượng…. Ơn Công chính hóa không phải là kết quả của việc tuân giữ Lề luật, nhưng do bởi công nghiệp cứu độ của Đức Kitô. Tội lỗi còn hơn một chống nghịch Thiên Chúa, đó là một quyền lực đang hoành hành trong con người, chỉ một mình Thiên Chúa đánh bại, nhờ đó con người được giải thoát và cứu độ. Nói vắn tắt, thần học và cứu độ học của Phaolô không thoát thai từ một giáo thuyết trước đây; nhưng là một truy cứu Kinh Thánh để khám phá mạc khải: Đức Kitô cứu độ nhân loại khỏi quyền lực sự dữ. Đó là tiền đề do mạc khải đem lại, tất cả mọi tư tưởng khác đều tùy thuộc vào điểm nền tảng này. Tóm lại, dù được nuôi dạy ở Giêrusalem, học tập dưới chân Gamaliên, nhưng giáo thuyết Phaolô hoàn toàn độc lập với nền thần học Do thái.
Về xã hội:Phaolô đã học nghề dệt lều (skênopoios) tại Giêrusalem và sau này ông đã làm nghề ấy trong thời kỳ hoạt động truyền giáo (1Cr 4,12; Cv 20,34; 1Tx 2,9; Cv 18,3). Theo một số tác giả từ các giáo phụ, Phaolô dù có quốc tịch Lamã, nhưng là con người rất hòa đồng và làm nghề tay chân như mọi người để sinh sống. Đối với Phaolô, nghề tay chân không có nghĩa giảm giá trị con người trong bậc thang xã hội như nhiều người xưa nay vẫn quan niệm. Đàng khác, Phaolô sinh sống bằng nghề đó để không muốn làm phiền lụy đến ai hầu công việc rao giảng Tin Mừng không bị ngăn trở (1Cr 9,19; 4, 12). Lại nữa, cần phải hạ mình xuống để nâng người khác lên như ông viết trong 2Cr 11,7.
Tóm lại, mục đích làm nghề dệt lều là để sinh sống mà khỏi phải phiền lụy ai, đồng thời qua nghề chân tay nặng nhọc đó Phaolô đặt mình trong tầng lớp đông đảo quần chúng, nghĩa là giữa những người nghèo. Và chắc chắn, nghề tay chân mà Phaolô đã học và thực hành đã giúp ông thật nhiều trong công cuộc rao giảng Tin Mừng (1Cr 9, 12).
Saolô bách hại Kitô giáo: Trước khi được gặp Đức Kitô phục sinh và trở thành Tông đồ, Phaolô là người hăng say truy nã và bách hại Kitô hữu. Điều này được chứng thực dựa trên chính chứng từ của đương sự trong các Thư và trong Công Vụ Tông đồ.
Chính Phaolô đã trả lời sự ghét bỏ, truy nã và bách hại xuất phát từ lòng nhiệt thành với Lề Luật: “Giữ luật thì đúng như một Pharisêu; nhiệt thành đến mức ngược đãi Hội thánh” ( Pl 3,5-6). Thật thế, đối với Do thái, nói nhiệt thành tức là nhiệt thành với Lề Luật, với việc tuân giữ và bảo vệ Lề Luật. Điều làm Phaolô tức giận điên tiết là thái độ của Kitô hữu đối với Lề Luật. Nhưng Kitô hữu đã làm gì sai trái với Lề Luật? Giáo đoàn Giêrusalem, trước khi Kitô giáo lan tràn đến các dân ngoại, rất trung thành tuân giữ Luật Do thái như Phaolô làm chứng trong Gl 2, 4.12. Theo ông nghĩ: khi Kitô giáo đặt trọn niềm tin và Đức Giêsu như trung tâm tôn giáo, tức là đã tước đi vị trí của Lề Luật mà từ ngàn xưa được coi như trung tâm Do thái giáo. Lại nữa, khi tuyên xưng Đức Giêsu chết và sống lại là Đấng Messia và là Chúa, tức đi ngược lại với điều đã được viết trong luật Môisê: đó là kẻ bị treo là bị Thiên Chúa chúc dữ (Đnl 21,23). Như thế, Kitô hữu đã chống lại Lề Luật Môisê! Do đó, lòng nhiệt thành đối với Lề Luật thúc đẩy Phaolô truy nã và bách hại Kitô hữu. Lòng nhiệt thành ấy đã xuất hiện rất sớm nơi Phaolô khi còn đang ngồi thụ giáo dưới chân Gamaliên và biểu lộ lần đầu qua sự đồng tình với việc ném đá Stêphanô mà Công vụ thuật lại: “Các nhân chứng để áo mình dưới chân một thanh niên tên là Saolô” (Cv 7,58); và Cv kết thúc bằng:“Phần Saolô, ông tán thành việc giết Stêphanô” (Cv 8,1). Từ sau đó, chàng thanh niên nhiệt thành với Lề luật ấy trở thành nhân vật chính đáng sợ trong việc bách hại Hội thánh: “Ông đến từng nhà lôi cả đàn ông lẫn đàn bà đi tống ngục” (Cv 8,3).
Dựa trên lời thú nhận của Phaolô trong Cv 26,11: “Nhiều lần tôi đã rảo khắp các Hội đường, dùng cực hình cưỡng bức họ phải nói lộng ngôn. Tôi đã giận dữ quá mức đến nổi sang cả các thành nước ngoài mà bắt bớ họ”, Phaolô không những bách hại Kitô hữu ở Giêrusalem mà còn cả những vùng lân cận. Theo Cv 8,1bc, sau cái chết của Stêphanô, các Kitô hữu Giêrusalem phải chạy trốn khỏi Giêrusalem, trừ các Tông đồ. Điều này cho thấy một Hội thánh sơ khai hiệp nhất (Cv 2, 42.44; 4,32.34), dù phải di tản đây đó, nhưng vẫn luôn hiện diện tại Giêrusalem qua các thủ lãnh là các Tông đồ. Điều ấy dưới con mắt của tác giả nói lên sự liên tục thật đáng qúy, đồng thời chuẩn bị cho phần tiếp của trình thuật ở Cv 9,26ss. Theo Luca, Phaolô trẩy đi từ Giêrusalem đến Damas và chính tại đây xảy ra biến cố quyết định cuộc đời của Phaolô.
Hiểu sao về cuộc trở lại? Chắc chắn không thể hiểu theo nghĩa thông thường của từ này là bỏ con đường tội lỗi mà trở về với Thiên Chúa như những người dân ngoại bỏ tà thần ngẫu tượng để trở về với Đức Kitô. Bởi vì cho đến lúc ấy Phaolô không ngừng tin vào một Thiên Chúa và phục vụ Người hết lòng. Ngài trở lại có nghĩa là đức tin Kitô giáo hoàn tất niềm tin Do thái giáo nơi ngài. Đối với Phaolô, từ nay Đức Giêsu chính là Đấng Messia của Israel, Ngài chính là Đấng có sứ mệnh rao báo và thiết lập Nước Thiên Chúa và hoàn thành mọi lời Thiên Chúa đã hứa với Abraham. Đây chính là một kinh nghiệm nội tâm sâu xa mà suốt đời Ngài không ngừng đào sâu; đó là kinh nghiệm một hiệp thông nhiệm mầu với Đấng Phục sinh làm biến đổi tận căn con người và cuộc đời của Ngài. Sự trở lại đó phải là một cái gì khác hơn sự di chuyển từ trung thành với Lề luật sang Đức Kitô, đúng hơn là một biến đổi thiêng liêng và luân lý, một khám phá về tác động của Chúa trên con người biết đáp lại tiếng mời gọi của Người. Từ nay, cuộc trở lại đó biến Phaolô thành người Tông đồ nhiệt tình rao giảng về Đấng đã chết và sống lại là lẽ sống của Phaolô, là niềm vinh dự duy nhất của ngài.
Tân Ước liệt kê 13 Thư Phaolô. Ngày nay, hầu hết các nhà chuyên môn, qua nghiên cứu phê bình, đã nhận định không phải chính Phaolô đã viết (hoặc đọc cho thư ký viết) tất cả những Thư này. Các thư: 2 Th, Col, Ep và 3 Thư Mục vụ (Tt và 1-2Tm) có thể đã được các thính giả ái mộ hoặc các đồ đệ thuộc trường phái Phaolô biên soạn dựa trên thế giá của thầy sau khi thầy qua đời. Chúng ta sẽ bàn về tính xác thực của các thư trong phần về tác phẩm. Ở đây, chỉ nêu lên một vài khó khăn thường gặp khi tìm hiểu về Phaolô qua các thư:
- Các thư giúp khám phá con người, nhân cách và hoạt động của Phaolô. Tuy nhiên, cần phân tích và nhận định đúng đắn vì các thư mà người ta nghi ngờ tính xác thực lại cống hiến nhiều chi tiết hơn cả về con người của thánh Phaolô.
- Sách Công Vụ Tông đồ kết thúc với việc Phaolô chứng nhân bị xiềng xích tại Rôma và không nói gì đến việc Ngài bị kết án tử hình (Cv 28, 30-31). Chắc chắn độc giả nóng lòng muốn biết hồi chung cuộc. Các Thư Mục vụ cho câu trả lời. Vấn đề là liệu những sự kiện nói trong các thư mục vụ có phù hợp với những điều mà Công vụ Tông đồ và các thư khác trình thuật không? Theo các Thư Mục vụ, Phaolô hành trình truyền giáo phía Đông, thiết lập các giáo đoàn, sau đó đến Rôma và bị bắt, bị kết án. Khó khăn gặp phải, đó là: Theo Thư Rôma, Phaolô dự kiến đi truyền giáo tại Tây Ban Nha (15, 24.28) sau khi đã kết thúc công cuộc truyền giáo tại những vùng phía Đông (5,23). Theo sách Công Vụ (viết khoảng cuối thế kỷ I, sau khi Phaolô đã qua đời), Phaolô không hề trở lại các vùng này. Cv 20, 25.37-38 nói đến cuộc từ biệt cảm động giữa Phaolô và những người mà Phaolô bảo sẽ chẳng còn bao giờ gặp lại. Trong khi đó 1Tm 1,3 nói Phaolô đã trở lại Ephêsô và các thư Mục vụ đề cập đến những sự kiện xảy ra tại các miền mà Phaolô đã từ biệt.
- Cái chết tử đạo được nói đến trong 2Tm 4, 6-8. Tuy nhiên, người ta không tìm thấy một chứng từ nào khác ngoài việc Công vụ xác nhận có một cuộc bách hại xảy ra tại Tiểu Á và vài dấu tích truyền thống về một số các nhân vật vô danh.
Từ những nhận định trên, ta có thể khẳng định rằng: khi viết thư gởi các giáo đoàn, thánh Phaolô ưu tư đến việc loan Tin Mừng mà không hề muốn tự thuật về đời mình. Nếu cần phải nói đến một mảnh đời riêng nào đó hoặc một hoàn cảnh cuộc sống nào đó của ngài, chẳng qua vì ngài muốn nhắm đến việc huấn luyện và ích lợi thiêng liêng của các giáo đoàn, hoặc tự bào chữa cho uy thế Tông đồ của mình trước những khích bác của các đối thủ. Điều này được biểu lộ rõ nét trong các thư Gtala, 2Corintho và Philip.
Tuy nhiên, cũng như các Ngôn sứ trong Cựu Ước thường thuật lại thị kiến ban đầu của mình như dấu chỉ Thiên Chúa chọn gọi để mang Lời Chúa đến cho dân, thánh Phaolô trong những lần rao giảng đầu tiên tại một Hội đường cũng nhắc đến ơn lạ trở lại của mình qua biến cố Damas. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên trong một bối cảnh xã hội nhan nhãn các nhà diễn thuyết, những đạo sĩ pháp thuật, các nhà chiêm tinh hoặc những người rao truyền về các thần minh. Chẳng hạn: tại đảo Chypre, Phaolô đụng đầu với một phù thủy gốc Do thái, tên Bar-Giêsu, biệt danh Êlymas (Cv13,6.8); tại Êphêsô, Phaolô phải đương đầu với những người Do thái hành nghề trừ quỷ muốn cạnh tranh với ngài (Cv 19,11-17). Tại Athènes, Phaolô bị coi như người rao giảng về những vị thần xa lạ (Cv 17,18). Các địch thủ coi ông như một tên gây rối (Cv 17,6-7). Do đó, Phaolô đã mạnh mẽ lên tiếng để tự biện minh cho mình, đặc biệt trong 1Tx 2,5-6. Nếu vài thập niên sau, triết gia Êpictète đã tự xưng mình như sứ giả (aggelos) của thần Zeus, Phaolô đã dùng từ apostolos (apostellein = sai đi) để nói lên tính cách đặc biệt của sứ mệnh Tông đồ của mình, khi tự giới thiệu mình như Ngôn sứ của Đức Kitô, thừa tác viên của Giao ước mới trong Thánh Thần.
Lời mở đầu thư Rôma bộc lộ cách trang trọng ý nghĩa tròn đầy của sứ vụ Tông đồ của Ngài (Rm 1, 1.5) với hai tiếng nối kết nhau: được gọi và Tông đồ (được sai đi).
Khi viết thư cho các giáo đoàn do ngài thiết lập, Phaolô không có ý khoe khoang, ngược lại rất kín đáo khi phải nói đến những ân huệ nhiệm mầu được hưởng nhận (2Cr12,1). Dầu vậy, cũng có những trường hợp cần thiết khi việc rao giảng đòi hỏi, hoặc phải tranh luận để biện hộ cho nguồn gốc ơn gọi và sứ mệnh Tông đồ của mình, Phaolô đã xác định:
- Ngài là Tông đồ vì đã thấy Chúa ( 1Cr 9,1).
- Ngài, xưa kia bách hại đạo, nay thuộc thành phần những chứng nhân của Phục sinh và rao giảng cùng một Tin Mừng như Kêphas và nhóm 12, Giacôbê và các Tông đồ khác (1Cr 15, 1-11).
- Khi mạc khải cho ngài biết Đức Giêsu là Con, Thiên Chúa đã tỏ cho ngài chương trình cứu độ được hoàn tất trong Chúa Con và ngài nhận sứ mệnh rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc (Gl 1,11-17).
- Khi chụp lấy Phaolô trên đường Damas, Đức Kitô dạy cho ngài biết từ nay ơn cứu độ chỉ có nhờ đức tin chứ không do Lề luật (Ph 3, 4-16).
- Việc chọn gọi một kẻ bách đạo làm Tông đồ minh chứng quyền năng vô biên của ân sủng Thiên Chúa (1Tm 1, 12-14)
- Phaolô ý thức mãnh liệt ơn gọi của mình xuất phát từ Thiên Chúa (Gl 1,5). Vì thế, Phaolô tự đặt mình vào hàng ngũ các Ngôn sứ Cựu Ước và áp dụng cho mình những kiểu diễn tả liên hệ đến sứ mệnh của Giêrêmia và người Tôi Tớ Giavê.
- Đức Kitô khi chụp lấy ông, không những chỉ trao cho ông sứ mệnh mà còn biến đổi ông thật sự và làm ông thành Tông đồ. Ông ý thức mình có cùng tước hiệu Tông đồ như các Tông đồ khác và chỉ lệ thuộc vào Đức Kitô.
- Ơn gọi truyền giáo cho dân ngoại ngày càng triển nở trong Phaolô, qua nhiều bước dò dẫm ban đầu. Cuối cùng Phaolô ý thức mãnh liệt cả cuộc đời mình gắn liền với cuộc gặp gỡ đầu tiên ấy với Đức Kitô Phục sinh.
- Phaolô can đảm thú nhận quá khứ bách hại đạo của mình, nhưng ông cũng khẳng định lúc ấy ông chỉ hành động do thiện ý và lòng nhiệt thành với Lề Luật, tức với đạo Giavê( Ph 3,4-6). Ngài khẳng định cuộc trở lại của mình tiêu biểu đầy ấn tượng cho quyền năng của ân sủng và lòng thương xót vô cùng của Thiên Chúa. Thần học Phaolô xây dựng trên nền tảng ấy.[1]
Discussion about this post