BÀI I. KHÁI NIỆM TRIẾT HỌC
Triết học là bộ môn nghiên cứu về những vấn đề chung và cơ bản của con người, thế giới quan và vị trí của con người trong thế giới quan, những vấn đề có kết nối với chân lý,sự tồn tại, kiến thức, giá trị, quy luật, ý thức, và ngôn ngữ. Triết học được phân biệt với những môn khoa học khác bằng cách thức mà nó giải quyết những vấn đề trên, đó là ở tính phê phán, phương pháp tiếp cận có hệ thống chung nhất và sự phụ thuộc của nó vào tính duy lý trong việc lập luận.
Thật ra, chưa có một định nghĩa nào bao hàm được hết về triết học, mỗi triết gia, mỗi thời đều có những định nghĩa khác nhau, trước hết chúng ta tìm về nguyên ngữ của triết:
Nguyên ngữ:
a, Tây phương:
Philosophia (φιλοσοφία): Trong ngôn ngữ Hy lạp, chữ φιλοσοφία (philosophia, triết học) được kết hợp từ φίλος (philos, người yêu mến, bạn hữu) và σοφία (sophia, sự khôn ngoan/ hiểu biết). Tôi học triết cũng là để mặc lấy cho mình “triết tính”, tức yêu mến sự khôn ngoan. Thế nhưng, lòng yêu mến hay nỗi thao thức tìm kiếm sự khôn ngoan không có giá trị tự tại; triết học phải mở ra hay hướng đến một điều gì đấy. “Biết gì” chưa đủ, phải biết “biết để làm gì”. Sự khôn ngoan phải đi từ khối óc (TRÍ) đến đôi tay (HÀNH). Đó là quan niệm theo phương Tây, mà hình như giữa đôi bờ TRÍ – HÀNH vẫn còn một dòng sông ngăn cách.
Karl Jaspers cho rằng danh từ Philosophia hay Philosophos được lập ra để phân biệt với các quan niệm khác về các khoa học. Philosophos chỉ “người yêu tri thức”, khác hẳn với nhà bác học (savant) là người đã “sở đắc tri thức” (possédant le savoir). Thật vậy, yếu tính của triết học là truy tầm chân lý (la recherche de la vérité) chứ không phải sở đắc chân lý (la possession de la vérité). Học triết lý chính là lên đường đi tìm, và là một cuộc tìm kiếm triền miên.
b, Đông phương.
哲: chữ “triết” 哲 (gọi tắt cho “triết học”) bao gồm chữ “chiết” 折 (bộ thủ 手 [tay], bộ cân 斤 [cái rìu]) và bộ khẩu 口 [miệng]. Theo đó, học/hành triết là “cầm rìu chặt chẻ” vấn đề để thấy tận bên trong; bên cạnh đó còn phải truyền thông ý tưởng cho người khác bằng ngôn ngữ.
Xem ra chữ 哲 (triết) của Đông phương có thể soi sáng và gia tăng ý nghĩa cho chữ φιλοσοφία của người Hy-lạp ở chiều sâu và chiều rộng. Vâng, biết thì phải biết sâu; biết thì có nghĩa vụ thông truyền. Sở dĩ muốn hiểu biết sâu hơn và truyền thông rộng hơn là vì có lòng yêu mến. Bởi lẽ, “vô tri bất mộ,” và “tình yêu cốt ở việc làm hơn là lời nói; cốt ở sự thông truyền giữa hai bên – người yêu trao tặng và thông truyền cho người mình yêu những gì mình có”. Đó mới là yêu mến thực thụ, tức cho đi, chứ không chỉ ưa chuộng, mến mộ hay ham muốn kiếm tìm và chiếm hữu. Ở giữa khối óc (TRÍ) và đôi tay (HÀNH) là nhịp cầu con tim (TÂM) đang chờ đưa triết nhân sang sông.
Thế nhưng, theo Nguyễn Duy Cần – trong cuốn “Nhập môn triết học Đông phương”[1]– cho rằng, theo quan điểm Đông phương, nên dùng chữ “đạo” có lẽ sẽ chỉnh hơn.
Đạo (道): Theo như lối chiết tự của Trung Hoa thì chữ Đạo (道) bao gồm bộ Xước (辵) và chữ Thủ (首). Chữ Thủ (首) đầu tiên là một nét chấm bên trái và một nét phẩy bên phải, sau đó là chữ Nhất (一) rồi kế đó là chữ Tự (自). Nét chấm đầu tiên bên trái tượng trưng cho nhất Dương và nét phẩy bên phải tượng trưng cho nhất Âm. Có Âm, Dương rồi thì đi đến chữ Nhất . Như vậy có nghĩa là phải hợp nhất Âm, Dương với nhau chung lại thành một. Chữ Tự (自) có nghĩa là tự nhiên hay tự mình, chính bản thân mình chứ không ai làm cho mình được. Tất cả gộp lại thành chữ Thủ, có nghĩa là đầu tiên cũng có nghĩa là việc làm đầu tiên là tự bản thân mình hợp nhất Âm Dương. Kế đến là chữ Xước (辵) có nghĩa là lưu hành vận chuyển. Như vậy sự cấu tạo của chữ Đạo (道) mang ý nghĩa là chính tự bản thân mình đem âm dương hợp nhất để rồi lưu chuyển và biến hoá. Hiểu xa hơn là phải chính bản thân mình nắm bắt được sự động (Dương), tĩnh (Âm) ở bên ngoài mà hoà hợp nó để có thể chuyển hoá nó một cách hài hoà theo quy luật của tự nhiên. Đạo là một con đường đi, một hướng đi hay nói cách khác nó là một phương pháp tìm hiểu những quy luật sẵn có của vũ trụ (Âm, Dương, Động, Tĩnh, Đêm, Ngày, Nóng, Lạnh…) tác động lên con người để rồi vận dụng những quy luật đó và chuyển hoá nó một cách hữu hiệu hơn nhằm đem lại sự thăng hoa, tinh tấn trong cuộc sống của chính bản thân chúng ta. Đạo còn là quy luật của thiên nhiên của đại vũ trụ bao trùm khắp mọi nơi.
Tóm kết một số định nghĩa tương đối về triết:
– Triết nghiên cứu những hiện tượng xảy ra trong tâm hồn, nghiên cứu những phương pháp dẫn đến sự thật (sự thật của khoa học nhân văn, tự nhiên), nghiên cứu lối sống nào phù hợp với lý tưởng làm người, nghiên cứu những gì vượt tầm giác quan, những nguyên nhân cao siêu nhất, những cứu cánh tận cùng…
– Triết là suy niệm cuộc đời, về ý nghĩa cuộc đời, về than phận làm người, về đau khổ, về cái chết, về ý nghĩa lịch sử của nhân loại.
– Triết là đi tìm cái gì cơ bản nhất, sâu xa nhất của mỗi sinh hoạt con người: tôn giáo, chính trị, kinh tế, khoa học, gia đình, giáo dục.
– Triết là tìm thẩm định giá trị sự thật siêu việt của mọi sinh hoạt con người.
– Triết là tìm phân biệt và hòa hợp trong hòa điệu, trong tổng hợp hài hòa những hiểu biết khác nhau, những giá trị khác nhau, những sự vật khác nhau, những hữu thể khác nhau, tìm thống nhất cái biết, cái cảm, cái làm, cái sống, tri và hành…
– Đặc biệt, triết là tìm hiểu sâu sắc hơn, chính xác hơn chính mình và cũng để sống sâu sắc hơn than phận chính mình.
Discussion about this post