BÀI II. ĐỐI TƯỢNG TRIẾT
Từ lâu, Aristote (cổ đại) và các triết gia Trung cổ đã định nghĩa: “Scientia de ente in quantum ens (triết học là khoa học về hữu thể xét như là hữu thể). Hữu thể là “CÓ”, là bất cứ cái gì có, bao gồm cả tạo hóa lẫn tạo vật. Vì vậy, đối tượng của triết học rất phổ quát. Nói tắt, đối tượng của triết học là thế giới vật chất và con người, được nó nghiên cứu dưới dạng các qui luật chung và phổ biến của tự nhiên, xã hội và tư duy.
Tuy nhiên, đối tượng nghiên cứu của triết học cũng thay đổi và phát triển có tính chất lịch sử. Nhưng triết học bao giờ cũng đặt ra và giải quyết bằng lý luận những vấn đề về thế giới quan, như vấn đề mối quan hệ giữa vật chất và ý thức, về bản chất và tính thống nhất thế giới của vật chất, về khả năng nhận thức của con người. Lại nữa, khả năng giới hạn của con người, nên các triết gia từng thời có thể tập chú vào một hữu thể nào đó mà thôi:
Khi mới ra đời, triết học thời cổ đại được gọi là triết học tự nhiên, bao hàm trong nó tri thức về tất cả các lĩnh vực không có đối tượng riêng. Đây là nguyên nhân sâu xa làm nảy sinh quan niệm sau này coi triết học là khoa học của các khoa học .Tuy nhiên, triết học thời kỳ này đã đạt được nhiều thành tựu và nó ảnh hưởng to lớn đối vơi sự lịch sử phát triển của các khoa học.
Triết học Hy Lạp cổ đại được coi là khoa học của mọi khoa học với nghĩa triết học bao gồm mọi tri thức của con người về thế giới, đặc biệt là giới tự nhiên, do đó còn gọi là triết học tự nhiên. Thời kỳ triết học Hy lạp cổ đại, tìm hiểu năm nhánh của triết học là siêu hình học, lôgic, nhận thức luận, luân lý học, và mỹ học. Tuy nhiên đối tượng của triết học còn mở rộng đến chính trị học, vật lý học, địa chất học, sinh học, khí tượng học, và thiên văn học. Bắt đầu từ Socrates, các nhà triết học Hy Lạp đã phát triển triết học phân tích, tức là, phân chia vật thể thành các thành phần nhỏ hơn để nghiên cứu. Triết học cổ Hy Lạp thường được coi là cơ sở của triết học phương Tây.
Ở Trung Quốc và Ấn Độ cổ đại, triết học gằn liền với những vấn đề chính trị, đạo đức, tôn giáo và thường biểu hiện dưới dạng học thuyết chính trị – xã hội hoặc tôn giáo.
Triết học Ấn Độ có nhiều điểm tương tự như triết học phương Tây. Trước thế kỷ thứ XIX, trong ngôn ngữ của các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc hoặc Trung Quốc, không có từ “triết học” mặc dù nền triết học của các nước này đã phát triển từ lâu rồi. Đặc biệt là các nhà triết học Trung Hoa sử dụng các phạm trù hoàn toàn khác người Hy Lạp. Các định nghĩa không dựa trên các đặc điểm chung mà thường có tính ẩn dụ và để chỉ một vài đối tượng cùng một lúc. Biên giới giữa các phạm trù không rõ ràng như trong triết học phương Tây!
Thời phong kiến ở Tây Âu, do sự thống trị của thần học Ki-tô giáo trong lĩnh vực tinh thần, nên triết học chỉ là tôi tớ cho thần học và mang tính kinh viện. Thời trung cổ, ở Tây âu khi quyền lực của Giáo hội bao trùm mọi lĩnh vực của đời sống xã hội thì triết học tự nhiên bị thay thế bởi triết học kinh viện, phụ thuộc vào thần học chỉ còn nhiệm vụ lý giải và chứng minh cho Kinh thánh.
Thời Phục hưng và Cận đại ở Tây Âu, triết học không chỉ đề cập tới những vấn đề tự nhiên, mà còn đề cập tới những vấn đề con người và xã hội. Tính nhân đạo tư sản thể hiện rõ trong các trường phái triết học ở Anh, Pháp, Hà Lan, Đức, Italia v.v. Triết học cổ điển Đức đã đề cập tới mọi vấn đề của thế giới (tự nhiên, xã hội, tư duy). Hégel là nhà triết học cuối cùng trong lịch sử triết học có tham vọng coi triết học là khoa học của mọi khoa học.
Từ thời Phục hưng đến Cận đại, các ngành khoa học tách khỏi triết học thành các khoa học độc lập. Các quy luật chung nhất của thế giới (tự nhiên, xã hội, tư duy) trở thành đối tượng nghiên cứu của triết học. Triết học còn khác với các ngành khoa học cụ thể ở chức năng thế giới quan và phương pháp luận của nó. Chính vì vậy, có thể nói triết học là khoa học về thế giới quan và phương pháp luận.
Triết học có vai trò hết sức to lớn trong đời sống xã hội, nó cung cấp cho chúng ta hệ thống quan điểm, tư tưởng về thế giới (thế giới quan); góp phần giải thích thế giới trong dạng một chỉnh thể gồm nhiều yếu tố tác động qua lại và chuyển hoá lẫn nhau tạo cho chúng ta có nhận thức chung nhất về thế giới. Không những thế, triết học còn góp phần hình thành và phát triển nhân sinh quan của con người (quan điểm, tư tưởng về con người, cuộc sống và hành vi ứng xử của con người trong cuộc sống)
Discussion about this post