BÀI III. CÁC VẤN ĐỀ TRIẾT HỌC
Vấn đề cơ bản của triết học là vấn đề về mối quan hệ giữa tồn tại và tư duy, giữa vật chất và ý thức. Nó là vấn đề cơ bản vì việc giải quyết nó sẽ quyết định cơ sở để giải quyết những vấn đề khác của triết học, điều đó đã được chứng minh trong lịch sử phát triển lâu dài và phức tạp của triết học.
1. Các vấn đề cơ bản.
Triết học đưa ra các câu hỏi về bản thể, nhận thức, chân lý, đạo đức, thẩm mỹ. Các vấn đề cơ bản của triết học là:
– Vấn đề về bản thể: Vật Chất và ý thức là gì? Mối quan hệ giữa chúng như thế nào?
– Vấn đề về chân lý: làm thế nào để xác định được một luận cứ đi từ tiền đề đến kết luận có hiệu lực hay không? Làm thế nào để biết được một phát biểu là đúng sai? Ta có thể trả lời những loại câu hỏi nào?
– Vấn đề về nhận thức: quá trình nhận thức diễn ra thế nào? Chúng ta có thể nhận thức chính xác thế giới khách quan hay không? Thực tại là gì? Chúng ta nhận thức thực tại như thế nào, có nhận thức toàn bộ thực tại hay không?
– Vấn đề về đạo đức: thế nào là “tốt”, thế nào là “xấu” (hoặc thế nào là “giá trị”, thế nào là “phi giá trị”)? Sự khác biệt giữa tốt và xấu? Hành động như thế nào là đúng? Các giá trị có tính chất tuyệt đối hay tương đối? Thế nào là các quy tắc tự nhiên? Hạnh phúc là gì?
– Vấn đề về thẩm mỹ: Đẹp, xấu là gì? Nghệ thuật là gì?
2. Giải quyết các vấn đề.
Vấn đề cơ bản của triết học có hai mặt. Mặt thứ nhất trả lời câu hỏi: giữa tư duy với tồn tại, giữa ý thức với vật chất, giữa tinh thần với tự nhiên thì cái nào có trước cái nào có sau? và cái nào có vai trò quy định đối với cái nào? Mặt thứ hai trả lời câu hỏi: con người có khả năng nhận thức được thế giới hay không?
Giải quyết vấn đề cơ bản của triết học là cơ sở lý luận để giải quyết mọi vấn đề khác của triết học, là tiêu chuẩn để phân biệt lập trường tư tưởng, quan điểm của các nhà triết học.
Trong lịch sử triết học, có cách khác nhau, thậm chí đối lập nhau khi giải quyết vấn đề cơ bản của triết học. Khi trả lời những câu hỏi thuộc mặt thứ nhất của vấn đề cơ bản; những người cho rằng tồn tại, vật chất, giới tự nhiên có trước và có vai trò quyết định đối với tư duy, ý thức, tinh thần, hợp thành trường phái duy vật (chủ nghĩa duy vật); ngược lại, những người cho rằng tư duy, ý thức, tinh thần là cái có trước, có vai trò quyết định đối với tồn tại, vật chất, giới tự nhiê, hợp thành trường phái duy tâm (chủ nghĩa duy tâm).
Chủ nghĩa duy vật có nhiều hình thức, song có ba hình thức cơ bản là chủ nghĩa duy vật thời cổ đại mang tính ngây thơ, chất phác; chủ nghĩa duy vật thế kỷ XVII-XVIII mang tính máy móc, siêu hình; chủ nghĩa duy vật biện chứng – mang tính khách quan khoa học hơn.
Chủ nghĩa duy tâm có hai hình thức cơ bản là chủ nghĩa duy tâm khách quan và chủ nghĩa duy tâm chủ quan. Chủ nghĩa duy tâm khách quan là trường phái triết học cho rằng, thế giới do thực thể đầu tiên thuộc ý thức, tinh thần khách quan tạo ra, thế giới do đó, chịu sự quy định của thực thể ý thức, tinh thần đó như “ý niệm” của Platon, hay “ý niệm tuyệt đối” của Hégel. Chủ nghĩa duy tâm chủ quan là trường phái triết học cho rằng, thế giới tồn tại phụ thuộc vào thực thể ý thức, tinh thần chủ quan của con người.
Khi giải quyết mặt thứ hai của vấn đề cơ bản của triết học, đa số các nhà triết học đều thừa nhận khả năng nhận thức của con người hợp thành trường phái khả tri luận (có thể biết). Tuy nhiên các nhà triết học thuộc trường phái này cũng có sự khác nhau khi bàn tới các vấn đề như mục đích của nhận thức, con đường nhận thức chân lý, vai trò của các giai đoạn nhận thức v.v. Trong lịch sử triết học, những nhà triết học trực tiếp hoặc gián tiếp phủ nhận khả năng nhận thức của con người tạo nên trường phái bất khả tri. Các nhà triết học thuộc phái bất khả tri cho rằng, chỉ có cảm giác và biểu tượng của con người là hiện thực và hiện thực duy nhất.
Trong lịch sử triết học, những nhà triết học thuộc hai trường phái duy vật hoặc duy tâm thì gọi chung là nhất nguyên luận duy vật hoặc nhất nguyên luận duy tâm, bởi họ đều xuất phát từ một bản nguyên vật chất hoặc một bản nguyên tinh thần để giải thích thế giới. Có trường phái triết học lại xuất phát cùng một lúc từ cả hai bản nguyên trên để giải thích thế giới, rằng vật chất và ý thức cùng song song tồn tại, không có cái nào có trước, cái nào có sau, chúng đều có vai trò như nhau đối với quá trình hình thành, tồn tại và phát triển của thế giới; rằng hai thực thể vật chất và tinh thần tồn tại đồng thời, độc lập không phụ thuộc và nhau và tồn tại vĩnh viễn. Về bản chất, những người theo phái nhị nguyên luận là những người chiết chung muốn dung hoà chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm.
Việc giải quyết vấn đề cơ bản của triết học cho đến nay vẫn có ý nghĩa tới cuộc sống của xã hội hiện đại. Hiện nay giải quyết vấn đề cơ bản của triết học dựa trên những thành tựu mới nhất của khoa học hiện đại có ý nghĩa quyết định đến sự tồn tại của triết học với tư cách là khoa học về thế giới quan và phương pháp luận.
Discussion about this post