BÀI IV. NGUỒN TRIẾT
Trong lịch sử nhân loại cũng như trong lịch sử mỗi người, triết bắt đầu khi con người đặt câu hỏi, ý thức được câu hỏi, cố gắng trả lời cho câu hỏi của mình và cố gắng lý luận để chứng minh câu trả lời của mình là đúng.
Câu hỏi chung, căn bản, thiết yếu để tìm ý nghĩa chung cho cả cuộc đời, cuộc đời nhân loại, cuộc đời mỗi người, đó là câu hỏi triết…
Chúng ta bắt đầu với câu chuyện:
Một lần, một chàng trai Do Thái trẻ hỏi giáo sĩ nổi tiếng của họ ở New York về cuốn sách Talmud – Trí tuệ của người Do Thái.
“Anh có nói tiếng Aram không?”, ông hỏi.
– “Không, tôi không biết tiếng đó”
“Thế còn tiếng Hebrew?”, ông tiếp tục hỏi
– Không
Vậy chắc ít nhất anh đã từng nghiên cứu kinh Torah thời niên thiếu?
– Không, tôi cũng chưa từng. Nhưng ngài đừng lo, tôi tốt nghiệp đại học UC Berkeley và tôi mới bảo vệ thành công luận án về Triết học của Socrates. Để hoàn thành vài hạng mục trong đó, tôi cần tìm hiểu về cuốn Talmud.
Giáo sĩ nói: Đây là cuốn sách sâu sắc nhất về trí tuệ của người Do Thái, tôi sẽ ra một thử nghiệm để kiểm tra và nếu anh vượt qua, tôi sẽ giúp anh nghiên cứu nó.
Người thanh niên đồng ý và giáo sĩ tiếp tục:
– Có hai người đàn ông leo ra khỏi một ống khói, một người khuôn mặt còn sạch sẽ, người kia thì nhem nhuốc đen đúa. Vậy ai sẽ là người đi rửa mặt?
Chàng trai tròn mắt ngạc nhiên: “Đây là câu hỏi mang tính logic ư?”
– Rõ ràng người đàn ông mặt bị lấm bẩn sẽ đi rửa mặt.
“Sai rồi! Người đàn ông “mặt bẩn” sẽ nhìn sang người đàn ông “mặt sạch” và cho rằng khuôn mặt mình cũng sạch. Trong khi đó, người đàn ông mặt sạch nhìn người mặt bẩn và nghĩ rằng mặt mình cũng bẩn. Nói cách khác, người mặt sạch sẽ đi rửa mặt.
– Thật là một câu hỏi khó! Chàng trai năn nỉ một câu hỏi khác
Giáo sĩ tiếp tục ra câu đố y hệt lần trước. Và chàng trai liền thắc mắc:
– Chẳng phải người đàn ông mặt sạch đã đi rửa hay sao?
“Sai rồi, cả hai người sẽ đều rửa mặt. Người mặt sạch nhìn người mặt bẩn sẽ nghĩ mặt mình cũng bẩn. Vì thế, người mặt sạch sẽ đi rửa đầu tiên. Sau đó, người mặt bẩn thấy rằng người mặt sạch cũng đã đi rửa mặt, do đó người mặt bẩn cũng đi rửa theo.
– Ồ, tôi không nghĩ là mình đã mắc một sai lầm khác! Giáo sĩ hãy cho tôi thêm một cơ hội.
Giáo sĩ tiếp tục lặp lại câu hỏi như các lần trên, chàng trai nhíu mày: “ Kết quả là hai người đàn ông đều đi rửa mặt rồi mà?”
“Anh lại sai thêm lần nữa! Không ai trong số họ sẽ đi rửa mặt cả. Người đàn ông mặt bẩn thấy người mặt sạch và nghĩ mình cũng sạch sẽ và không đi rửa. Còn người mặt sạch sẽ thấy rằng người mặt bẩn không đi rửa thì anh ta cũng sẽ không cần đi rửa.
Chàng trai trẻ buồn rầu nhưng vẫn cố trấn an giáo sĩ: “Xin thầy hãy tin tưởng vào con thêm lần nữa, con biết con đủ thông minh để học Talmud và hãy hỏi con câu khác nữa”
Giáo sĩ lại đặt câu hỏi y như các lần trước.
Chàng trai tuyệt vọng gào lên: Chẳng ai trong số họ sẽ đi rửa mặt như thầy từng nói ở trên!
“Anh sai nữa rồi! Anh hãy giải thích cho tôi: Tại sao hai người cùng chui ra khỏi một ống khói mà lại có người bẩn có người sạch?
Câu hỏi này hoàn toàn phi lý và vô nghĩa!
Nếu anh dành toàn bộ cuộc sống của anh để tìm hiểu những câu hỏi sai, câu trả lời sẽ chẳng dẫn anh đến đâu cả!
Câu chuyện chỉ ra rằng, triết lý bắt đầu khi con người bắt đầu cảm thấy ngạc nhiên, cảm thấy nghi ngờ, và không bao giờ thỏa mãn để dừng lại trước bất kỳ một vấn đề nào, từ tư tưởng đến thực tại. Jaspers, trong cuốn “Triết Học Nhập Môn”, chương 2, đã nêu lên ba yếu tố làm nảy sinh và phát triển mối thắc mắc nơi con người, đó là ngạc nhiên, hoài nghi, bất thỏa.
– Có ngạc nhiên, thường con người mới tìm tòi để hiểu biết.
– Có biết hoài nghi không dám chắc tâm đối với những điều mình biết, con người mới bó buộc kiểm thảo và tìm đạt cho tới những gì chính xác, minh bạch.
– Có bất thỏa, đôi khi có bị lung lạc và tự cảm thấy mình như sa sảy, con người mới biết tự vấn.
* Ngạc nhiên:
Platon nói rất chí lý: “Ngạc nhiên là khởi điểm của triết lý” (L’ étonnement est le commencement de la philosophie) vì khi nhìn thấy cảnh tượng lạ lùng của các vì sao, mặt trời và không trung, con người ước muốn khám phá, và từ đó triết lý xuất hiện như một quà tặng quí báu nhất mà thần linh dành cho con người (Jaspers trích lại).
Aristote khuyên ta nhìn đời luôn bằng cặp mắt mới, đó là cặp mắt trẻ thơ. Vì đối với trẻ con, cái gì cũng như mới thấy lần đầu. Nhiều người lớn không biết, đã bực mình trước những đòi hỏi đôi khi ngớ ngẩn. Nhưng còn gì là hồn nhiên hơn?
J. Lemaitre khẳng định: “Đứa học trò hay nhất của tôi là đứa không đồng ý kiến với tôi, tức là đứa hay thắc mắc và dám đặt lại vấn đề cho rõ ràng hơn. Qua kinh nghiệm dạy học lâu năm, tôi cũng thấy điều này: sau khi nghe trình bày khá tỉ mỉ trong lớp về một vấn đề, tất cả các học sinh đều tỏ ra như quán triệt, thế nhưng nếu đặt những câu hỏi hay bắt giải thích lại, thì hầu như đa số chưa nắm rõ vấn đề”.
Ngạc nhiên là đường dẫn tới trí thức vì ngạc nhiên là biết mình dốt. Và nhờ đó, thái độ hiểu biết ở đây rất thuần túy (biết để biết) “chứ không phải để cầu lợi”. Vì triết lý còn là sự phản tỉnh để thoát ly mọi ràng buộc với cuộc sống tầm thường hằng ngày. Phản tỉnh ấy xuất hiện là khi nhìn sự vật, trời đất vũ trụ với thái độ vô tư, ta tự hỏi: “Tất cả những cái đó có nghĩa gì không? tại sao chúng có? Hỏi thế nhưng ta không cầu lợi, chỉ hỏi vì cần hỏi, thế thôi!”
Như trẻ thơ, chúng ta sử dụng hai loại ngạc nhiên sau đây:
+ Ngạc nhiên do tự nhiên mà có.
+ Ngạc nhiên do mình hay tha nhân gợi cho (ngoại tác).
– Ngạc nhiên tự nhiên.
Ngạc nhiên này thường phát xuất từ sự đối nghịch giữa hai cảnh sống hay do sự trống rỗng. Ví dụ: Một người đang ở chốn ồn ào đô thị, mà tới một cảnh chùa, họ sẽ không khỏi bỡ ngỡ trước cảnh thanh thản trầm lắng của cảnh tu, trong khi đó các thầy chôn mình lâu năm trong thiền viện cảm thấy bình thường. Hoặc trong một gia đình đông đúc, bỗng có người vĩnh viễn ra đi, tự nhiên ai cũng cảm thấy trống vắng làm sao.
– Ngạc nhiên ngoại tác.
Ngạc nhiên này xuất phát từ sự khêu gợi của mình hay của tha nhân. Một nhà giáo dục như Socrates tự ví mình như một bà đỡ, có khả năng giúp học sinh của mình, như các bà mẹ cho ra đời những “đứa con tinh thần” kháu khỉnh! Muốn vậy, ông thường sử dụng những kiểu so sánh, những kiểu nói đối chọi, mâu thuẫn hay các lối quy nạp và diễn dịch… để gây ngạc nhiên nơi môn sinh.
Mỗi người chúng ta cũng phải tạo cho mình khả năng ngạc nhiên: ngạc nhiên không những về những hiện tượng trong vũ trụ hay nơi nếp sống tha nhân mà con biết ngạc nhiên về chính mình. Phải chăng theo nghĩa này có người gọi triết gia là: « L’homme de la question et l’homme à la question! » (Con người hay hỏi và con người bị đặt thành vấn đề).
* Hoài nghi:
Nhờ bỡ ngỡ và ngạc nhiên mà biết được một ít sự thật rồi, nhưng biết chưa chắc chắn thì còn phải hoài nghi. Quả thế, ta biết rất nhiều nhưng nếu kiểm thảo lại ta sẽ thấy không có gì xác đáng cả ví dụ những tri giác đều bị giác quan chi phối nên chúng có thể lừa dối ta, vì thực sự chúng không phù hợp với những thực tại ngoại tại, những tri giác ta có về chúng.
Cái gì ta đã biết chắc ta không cần câu hỏi nữa. Nhưng trên đời này, có gì ta biết rõ một trăm phần trăm đâu? Do đó ta có quyền hoài nghi về bất cứ vấn đề nào. Tuy nhiên cần minh đinh thêm: Trong triết học, hoài nghi khác với óc đa nghi, vì đa nghi là bạ gì cũng nghi ngờ hay chối bỏ. Hoài nghi triết học chỉ là một phương pháp (doute méthodique). Qua đó ta không vội vã chấp nhận một điều gì khi chưa xét lại các giá trị, để hiểu cho tới ngọn nguồn của nó. Như thế hoài nghi triết học được đặt ra nhằm phê bình chứ không phải để phản đối hay dẹp bỏ. Vậy đâu là điều kiện phải có khi phê bình?
– Trước hết, phải tìm đủ tài liệu về vấn đề mình đang nghiên cứu để phê bình.
– Thứ đến ta không được vị nể hay nhút nhát trước uy danh của một tác giả, khi ta phê bình tác phẩm của họ, miễn là mình thành thực và có đủ bằng cứ và tài liệu…
– Phải luôn tự hỏi: Mình thường phê bình theo nguyên tắc nào (nguyên tắc đạo đức, nguyên tắc của chế độ, nguyên tắc khoa học…) và nguyên tắc ấy đúng hay sai?
– Đừng phê bình điều gì khi lòng mình còn cảm xúc. Nếu chưa tự làm chủ được lòng mình, tốt hơn là gác lại lúc khác.
Để kết luận triệt này, xin trích dẫn xác quyết của Jaspers: “Phương pháp hoài nghi buộc ta phải phê bình tất cả mọi tri thức. Cho nên không hoài nghi triệt để thì không có triết học đích thực – La doute méthodique entraine sans doute radical il n’est pas de philosophie veritable” (Introd à la philosophie, page 28).
Cả đến những hình thức tư tưởng của ta cũng chỉ là hình thức riêng của trí năng chúng ta. Chúng lại cấu kết với nhau thành những mâu thuẫn nan giải. Luôn luôn quyết lý này phản lập với quyết lý khác. Vì vậy nếu muốn triết lý, ta phải biết hoài nghi và phải hoài nghi đến cùng. Làm thế, một là chỉ có việc hoài nghi và tư tưởng không thể tiến nữa cũng không còn gì đứng vững trước thái độ hoài nghi toàn diện nữa; hai là phải tìm ra được một căn bản đích xác tuyệt đối, bất kháng. Như với Descartes: “tôi suy tư, vậy, tôi có” là một căn bản bất kháng, khi ông khám phá thấy rằng: mọi cái khác đáng phải hoài nghi cả. Ông luận lý: đối với những điều tôi biết nếu tôi có hoàn toàn sai lầm đi nữa, nhưng về sự kiện “tôi có” không tài nào bao giờ tôi lầm được, dầu có ai cố ý đánh lừa tôi,
Ở đây ta thấy, yếu tốt hoài nghi đi xa hơn yếu tố ngạc nhiên, vì ngạc nghiên thường nhắm sự vật, còn hoài nghi nhắm chính căn bản của tư tưởng, vì thế nó giúp trí khôn đào xâu vấn đề hơn.
Tóm lại, hoài nghi có phương pháp như vậy lại đẻ ra óc biết phê bình những điều ta biết, vậy nếu không hoài nghi triệt để, thì không bao giờ triết lý thực thụ được. Nhưng điều cần là phải biết hoài nghi giúp ta khám phá được căn bản bất kháng lúc nào và như thế nào?
* Bất thỏa:
Yếu tố bất thỏa nảy sinh từ ý thức về giới hạn của mình và của vạn vật.
Trong khi tìm hiểu vạn vật ngoại tại và hoài nghi tất cả để khám phá ra một căn bản bất thỏa. Những lúc ấy tôi còn bận bịu với ngoại tại, chưa suy tưởng đến bản thân tôi, tới cứu cánh, tới hạnh phúc và sự giải thoát của tôi. Trong những lúc đó tôi lại như muốn quên bặt tôi đi, dễ hiểu biết những gì mới lạ.
Nhưng khi nào tôi bắt đầu ý thức về tôi, trong hoàn cảnh của tôi, thì mọi sự sẽ thay đổi.
Epictète, một triết gia khắc kỷ đã nói: “nguồn suối triết lý là nhờ khi ta thấy ta nhu nhược và bất lực”. Vậy làm thế nào thoát ly tình trạng bất lực đó? Nhà hiền triết ấy trả lời: “Tôi phải bỏ qua những gì tôi bất lực vì lẽ tất nhiên không làm nổi. Ngoài ra những gì xem ra tôi có khả năng làm được, thì tôi phải vận dụng hết nghị lực tinh thần của tôi để làm cho kỳ được, nhất là những gì tôi quan niệm ra, tôi phải thực hiện cả nội dung, cả hình thức của chúng dưới ánh sáng minh bạch và tự do”.
– Bất thỏa về bản thân.
Về phương diện tri thức, như người ta thường nói: “càng học càng thấy mình dốt”. Thời xưa trước thái độ tự mãn của nhóm ngụy biện, Socrate đã phê phán: “Không có sự ngu dốt nào nhục nhã bằng khi ai tưởng rằng mình hiểu những gì mình chưa thật hiểu”. Khôn ngoan thật, theo Đức Khổng Tử, là “Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri dã” (cái gì biết thì nhận là biết, cái chi không biết thì nói không biết, đó mới là biết).
Về mặt tài đức, mỗi người chúng ta càng ý thức hơn giới hạn của mình. Chúng ta thường nghe đề cập đến sự trưởng thành nhân bản. Nhưng trưởng thành nhân bản là gì nếu không phát huy toàn diện, gồm cả lý trí, ý chí lẫn tình cảm… Thế nhưng bao lâu, ta còn có thể vấp ngã trong cuộc sống, bấy lâu mục tiêu của sự trưởng thành còn xa vời.
– Bất thỏa về vạn vật, và về xã hội chung quanh.
Trật tự vũ hoàn vô cùng kỳ diệu đối với khối óc con người. Thế nhưng trật tự ấy vẫn còn còn nhiều giới hạn: những cuộc động đất, những thiên tai lũ lụt, hạn hán…đặt con người trong tình trạng báo động triền miên.
Các thể chế chính trị một thời làm mưa làm gió… Nhưng tất thảy không khác chi những đợt sóng to sấn vào bờ như muốn nuốt sống đất liền, thế mà trong chốc lát đã nằm rạp xuống bãi! Gần đây nhất, có người tiên đoán trên báo Công Giáo và Dân tộc rằng chủ nghĩa cộng sản sẽ chiếm lĩnh thế giới. Thế nhưng khi bức thành Berlin sụp đổ… chắc không còn ai tin vào lời tiên đoán trên kia nữa.
Trước những giới hạn của bản thân, trước những đổ vỡ xã hội và trước những đe dọa triền miên trên cuộc sống con người, nảy sinh nơi con người triết lý hai thái độ: Một là thất vọng nếu coi đời như một cuộc nôn mửa (J. Paul Satres) để rồi lao mình vào những cuộc truy hoan và hưởng thụ vị kỷ. Hai là thái độ tự vượt để vươn lên (se dépasser) hầu đạt tới một đối tượng siêu việt.
Hẳn thật, trần gian và đời người không phải là đích điểm hạnh phúc, nhưng dù sao cũng là bàn đạp cần có để vươn lên, khả năng vươn lên nói đây thường đi đôi với sự chấp nhận rằng mọi thụ tạo mang tính biến chứng. Những thất bại, rủi ro, đổ vỡ không còn là tường chắn, trái lại chúng trở thành phản đề, khả dĩ kích thích tính mạo hiểm của những ai muốn trở thành philosophos, tức người say tìm sự khôn ngoan.
Như thế trong ba yếu tố, “bất thỏa” tạo cho ta một hướng đi quyết liệt nhất.
Ba nguồn triết lý và thông cảm
Theo những điều nói từ đầu tới đây, ngạc nhiên, hoài nghi, thất bại là những nguồn suối phát sinh ra triết lý. Trong mỗi trường hợp, bắt đầu con người cảm thấy bị lung lạc, rồi họ mới cảm thấy cần đi tìm một hướng.
– Như nhờ sức thúc đẩy của ngạc nhiên, Platon, Aristote mới đi tìm yếu tính của sự Hữu.
– Qua muôn vàn bất xác và khả nghi, Descartes mới tìm ra được một chính xác bất khả nghi.
– Qua muôn ngàn đau khổ của cuộc đời; các triết gia khắc kỷ mới đi tìm sự bình an cho tâm hồn.
Tuy trong lịch sử nhân loại mỗi lần thể hiện dưới những biểu thị và ngôn ngữ khác nhau nhưng mỗi kinh nghiệm trên đều đích thực cả. Phải nhận thức được sự cần thiết của chúng trong lịch sử nhân loại ta mới đi sâu được tận nguồn của chúng và mới thay chúng còn hiện diện trong ta.
Tóm lại, ngạc nhiên để đạt tới hiểu biết, hoài nghi để đạt tới đích xác và tình trạng cảm nghiệm thấy mình sa đọa đã được giải thoát cả ba nguồn suối ấy vẫn chưa nêu được hết lý do thúc đẩy ta triết lý ở thời đại này. Vì thời đại chúng ta là thời đại dòng lịch sử đang liên tục đã bị cắt đứt. Hơn nữa, thời này là thời đổ nát như chưa từng thấy, thời đại đầy bấp bênh, u uẩn không thể dự đoán. Cả ba động cơ phát sinh triết lý vừa nói trên đều có giá trị cả, nhưng vẫn không đủ. Chúng còn lệ thuộc vào một điều kiện khác là sự thông cảm giữa người với người.
Thực vậy, trong lịch sử tự ngàn xưa giữa người với người vẫn đã có những giây liên hệ mật thiết như những đoàn thể người trong đó mỗi người có thể tín nhiệm lẫn nhau, hay những thể chế, hay tinh thần cộng đồng. Một con người sống lẻ loi mấy cũng vẫn cảm thấy được đoàn thể nâng đỡ.
Nhưng ngày nay, sự liên đới ấy đã suy sụp hẳn; lý do là vì càng ngày người ta càng không hiểu nhau nữa. Họ gặp nhau, rồi lạnh lùng chia tay nhau. Như thế làm gì còn thành tín, còn cộng đồng nào vững chãi, và đáng tín nhiệm nữa?
Thông cảm không phải chỉ thông cảm bằng lý trí với lý trí, hay bằng tinh thần với tinh thần, mà còn bằng hiện sinh với hiện sinh. Với sự thông cảm này những ý nghĩa và giá trị do những sự vật vô linh đem lại chỉ được coi là những trung gian, ở đây, cả thái độ biện hộ cho nhau, cả thái độ tấn công nhau, đều không phải để chinh phục, chiến thắng nhau mà là để gần gũi nhau.
Tóm lại, triết lý bắt nguồn tự khả năng ngạc nhiên, biết hoài nghi, biết cảm nghiệm những hoàn-cảnh giới-hạn bất-dịch, nhưng sau cùng bao hàm được tất cả, phải kể tới ước vọng thông cảm thật sự. Điều đó đã thấy rõ ngay ban đầu, vì triết lý đã thiết yếu muốn được phổ biến, diễn tả ra, để ai ai cũng nghe và hiểu được. Vì bản chất triết lý là phải được truyền bá ra cho người khác. Đặc điểm ấy phải gắn liền với sự thật của nó. Nhờ thông cảm mục đích của triết lý muốn đạt được vì ở đây mọi chủ đích khác cũng mới thực hiện được như: tìm hiểu hữu, soi sáng tình yêu, gặp được sự an tĩnh hoàn bị.
Discussion about this post