BÀI V. THÁI ĐỘ KHI NGHIÊN CỨU TRIẾT
Triết lý trước hết, dựa trên lý trí con người, những nỗ lực của lý trí con người, phải khai thác đến tận cùng khả năng của lý trí để tìm sự thật và kiểm tra sự thật. Nhưng khi nào đi đến bế tắc, không thể thông qua được, lý trí sẽ nhận ra giới hạn của mình và cởi mở với những gì có thể bổ sung, giải quyết bế tắc, đặc biệt về những câu hỏi cơ bản: Sống để làm gì? Chết rồi đi đâu? Ý nghĩa cuộc đời là gì?… Thái độ cởi mở này, dù vẫn phải tiếp tục cứu xét, được gọi là lý trí cởi mở, triết cởi mở. Và cũng là thái độ hữu lý khôn ngoan nhất, “triết” nhất. Thái độ ngược lại, lý trí khựng lại, tự phụ, kiêu hãnh, không chấp nhận những gì vượt giới hạn của mình, thái độ đó được mệnh danh là lý trí khép kín, thuyết duy lý, chỉ thu mình vào chính mình, vào lý trí mà thôi.
1. Tránh hai thái cực sai lầm.
Có hai thái cực trái SAI LẦM ngược nhau khi đánh giá vai trò của triết học trong cuộc sống:
+ Thái cực thứ nhất coi thường vai trò của triết học vì cho rằng:
– Triết học nghiên cứu và giải quyết những vấn đề quá chung nên những kết quả nghiên cửu của nó không có tác dụng thiết thực gì hết,
– Triết học không có phương pháp và trang thiết bị nghiên cứu riêng của mình như của khoa học tự nhiên nên tính chân lý của các kết quả nghiên cứu triết học không được bảo đảm.
+ Thái cực thứ hai, ngược lại, lại tuyệt đối hoá vai trò của triết học, cho rằng chỉ cần nắm được triết học thì sẽ giải quyết được tất cả các vấn đề cụ thể của cuộc sống.
Cả hai thái cực trên đều sai lầm vì để giải quyết một cách có hiệu quả những vấn đề cụ thể của cuộc sông, cần kết hợp chặt chẽ cả hai loại tri thức: Tri thức chung (trong đó có tri thức triết học và tri thức khoa học chuyên ngành) và tri thức thực tiễn (trong đó có sự hiểu biết tình hình thức tiễn và trình độ tay nghề được biểu hiện qua sự nhạy cảm thực tiễn).
a, Nghi ngờ hoặc coi thường triết.
Thứ nhất: Triết học, như chúng ta biết, đã có lịch sử tồn tại suốt mấy ngàn năm với rất nhiều hệ thống, trào lưu, trường phái khác nhau. Mặc đầu vậy, cho đến nay, hầu như không có một định nghĩa nào về triết học được mọi người thừa nhận. Sự thống nhất ý kiến giữa các nhà triết học vĩ đại về một định nghĩa triết học nào đó là hết sức hiếm hoi, gần như là một ngoại lệ. Song, cũng giống như trong lĩnh vực văn hoá, với trên 300 định nghĩa khác nhau, nhưng không vì vậy mà văn hoá không phát triển. Triết học cũng thế. Tuy hiện chưa có định nghĩa nào được mọi người thừa nhận, nhưng triết học cũng không vì vậy mà không tiếp tục tồn tại và phát triển, không tiếp tục xuất hiện thêm các hệ thống, trào lưu, trường phái mới.
Triết học, ngay từ khi mới nảy sinh và cho đến mãi tận nay, dù tồn tại ở phương Đông hay phương Tây, dù dưới dạng các hệ thống, trào lưu, trường phái rất khác nhau, nhưng nội dung cốt lõi của triết học bao giờ cũng bao gồm những quan điểm lý luận chung nhất, những lời giải đáp có luận chứng (dù được tán thành hay không được tán thành) cho những câu hỏi của con người về thế giới xung quanh mình, về vị trí của con người trong thế giới đó, về quan hệ giữa con người với thiên nhiên và với bản thân con người. Trong triết học, người ta luôn tìm thấy những biện luận, phán xét suy tư, những băn khoăn, trăn trở cùng những lời giải đáp cho các câu hỏi về số phận của cá nhân con người trước thiên nhiên bao la, về nguồn gốc cùng những bí ẩn của thiên nhiên bao la ấy, những sức mạnh, những lực lượng chi phối nó và chi phối cuộc sống của chính bản thân con người, về cuộc sống và cái chết của họ… Những lời giải đáp ấy, dù là khác nhau trong các hệ thống, trào lưu, trường phái triết học khác nhau nhưng đều là những cách lý giải nhất định về thế giới mà trong đó con người đang sống theo quan điểm của các hệ thống, trào lưu, trường phái triết học đó.
Song, bất cứ hệ thống lý luận nào cũng không bao giờ chỉ làm một nhiệm vụ là lý giải về thế giới. Triết học cũng vậy. Trên cơ sở của sự lý giải ấy, triết học trở thành cái đinh hướng cho con người trong hành động. Khi trở thành cái định hướng cho con người trong hành động, triết học thực hiện một chức năng khác – chức năng phương pháp luận.
Về nguyên tắc, giá trị định hướng này của triết học không khác với giá trị định hướng của các nguyên lý, quy luật, hệ thống lý luận của các bộ môn khoa học chuyên ngành nào đấy về một lĩnh vực nhất định nào đó của hiện thực, chẳng hạn, không khác với giá trị định hướng của định luật bảo toàn và chuyển hoá năng lượng, của quy luật giá trị… Cái khác chỉ là ở chỗ, vì các nguyên lý, các khẳng định của triết học là kết quả nhận thức những mặt, những thuộc tính, những mối liên hệ chung nhất của cả tự nhiên, xã hội lẫn tư duy, cho nên chúng có tác dụng định hướng không phải chỉ trong một phạm vi nhất định nào đấy như trong trường hợp các nguyên lý, quy luật do các khoa học chuyên ngành nêu lên, mà ở tất cả mọi lĩnh vực các nguyên lý, các khẳng định triết học ấy giúp cho con người khi bắt tay vào nghiên cứu và hoạt động cải biến sự vật bao giờ cũng có được một lập trường xuất phát nhất định. Lập trường xuất phát ấy giúp cho chủ thể hành động thấy trước được phương hướng vận động chung của đối tượng, xác định được sơ bộ các mốc cơ bản mà việc nghiên cứu hay hoạt động cải biến sự vật phải trải qua, nghĩa là nó giúp cho con người xác định được về đại thể con đường cần đi, có được phương hướng đặt vấn đề cũng như giải quyết vấn đề, tránh được những mò mẫm giữa một khối những mối liên hệ chằng chịt hết sức phức tạp mà không có tư tưởng dẫn đường. Xuất phát từ một lập trường triết học nhất định, con người sẽ đi đến chỗ lựa chọn một phương hướng giải quyết vấn đề theo một cách thức nhất định, và xuất phát từ những lập trường triết học khác nhau, con người sẽ đi đến chỗ lựa chọn những phương hướng và cách thức giải quyết vấn đề một cách khác nhau. Điều đó có nghĩa là, việc chấp nhận hay không chấp nhận một lập trường triết học nào đấy sẽ không chi đơn thuần là sự chấp nhận hay không chấp nhận một thế giới quan nhất định, một cách lý giải nhất định về thế giới, mà còn là sự chấp nhận hay không chấp nhận một cơ sở phương pháp luận nhất định chỉ đạo cho hành động.
Thứ hai: Triết học không có phương pháp nghiên cứu riêng của mình, trong khi đó các khoa học tự nhiên dùng các phương pháp nghiên cứu khoa học hiện đại với sự trợ giúp của các phương tiện hiện đại nên tính chân lý của các kết quả nghiên cứu đạt được được bảo đảm.
Những ý kiến nhận xét trên đây, trong chừng mực nhất định, cũng có căn cứ của nó, vì đúng là triết học không có trong tay mình một phương tiện kỹ thuật nào, một thiết bị quan sát, thí nghiệm nào để tiến hành thu thập tài liệu, nghiên cứu và trên cơ sở đó, tiến tới khám phá những bí ẩn của sự vật, hiện tượng mà mình nghiên cứu. Vậy, triết học dựa vào đâu và làm cách nào để đi tới chân lý?
Trên cơ sở phân tích và khái quát hoá đặc điểm nhận thức của triết học trong suốt quá trình phát triển lịch sử của nó, nhiều tác giả rút ra kết luận rằng, triết học tự bản thân nó không trực tiếp nghiên cứu các sự vật, hiện tượng, quá trình cụ thể, nhưng nó sử dụng các kết quả của hoạt động nhận thức và hoạt động cải tạo thực tiễn đã được ghi lại trong các khái niệm, lý thuyết của các bộ môn khoa học chuyên ngành khác, được thể hiện trong các tác phẩm vặn học, nghệ thuật, các chuẩn mực đạo đức, thẩm mỹ… Tất cả những cái đó tạo nên “nền tài liệu thực nghiệm” mà xuất phát từ đấy, triết học đi tới các phát hiện của mình.
Học triết lý cổ kim, nhiều khi chúng ta đâm ra nghi ngờ về hiệu năng của triết lý. Người ta thường mỉa mai rằng: “Không có hai triết gia nào đồng quan điểm vơi nhau về một vấn đề triết lý. Ý kiến của họ đôi khi còn đối chọi với nhau nữa là khác.” Vậy phải chăng triết lý chẳng qua chỉ là những cuộc tranh luận vớ vẩn kiểu ông nói gà bà nói vịt?
– Triết lý là khoa học về con người. Là con người, ai cũng có khả năng tư duy. Tư duy, tự bản chất, thích truy tầm chân lý, dựa trên những nguyên lý tối sơ và xuất phát từ khả năng suy nghĩ. Ta hãy lấy một ví dụ: một người thích hát, đương nhiên giả định rằng họ có khả năng hát (trừ một vài ngoại lệ bệnh tật). Dĩ nhiên có người hát hay, vừa hoặc tạm tạm vậy. Sự đánh giá của thính giả cũng lệ thuộc vào kiến thức âm nhạc, vào thị hiếu và đôi khi do tình cảm của họ đối với ca sĩ.
Cũng thế, ai cũng có khả năng triết lý, vì khả năng này đi đôi với tâm thức của con người. Tuy nhiên vì chân lý vô hạn, lý trí không sao quán triệt, thành thử mỗi người chỉ nắm bắt chân lý trong giới hạn của mình. Tuy nhiên không vì lý do ấy mà phủ nhận triết lý, vì dù sự hiểu biết có hạn, mỗi triết gia cũng nói lên một khía cạnh nào đó của chân lý. Điều quan trong là ta hãy làm một cuộc tổng hợp vừa đầy đủ, vừa hài hòa, tất cả các triết thuyết để tạo nên một “Philosophia perrennis”, một triết thuyết mang tính thuyền thống.
Nhiều triết gia như Descartes hay Kant, có tham vọng biến triết lý thành một khoa học minh bạch và khúc chiết (Claire et distincte) như toán học. Nhưng các ông đã thất bại hoàn toàn. Điều đó không làm ta bỡ ngỡ vì khoa học thực nghiệm và toán học mang tính “chung thẩm”,nghĩa là khi nó đã đưa một định luật hay định lý thì bắt buộc mọi người phải chấp nhận. Trái lại, triết lý mang tính biện chứng (dialectique). Dù triết gia đã đưa ra những kết luận chính xác cho một vấn đề, thì vấn đề có thể gợi lên những câu hỏi mới. Như chúng tôi đã trích dẫn Jaspers nói: “Triết lý là khoa đặt vấn đề hơn là giải quyết vấn đề”. Điều ấy không làm ta thất vọng, vì đặc tính sau đây của con người.
Con người là hữu thể tự do và tại thế. Triết lý là khả năng đánh giá và sự đánh giá này lệ thuộc rất nhiều điều kiện cá biệt của lý trí, ý chí và tình cảm của mỗi người. Đó là tính độc đáo của con người tự do.
Thứ đến, con người là hữu thể tại thế, nghĩa là sống cùng, sống với đồng loại và trong hoàn cảnh cụ thể. Triết lý, dù hữu thần hãy vô thần, đều có tham vọng ảnh hưởng trên cuộc sống đại chúng. Quả thật, như chúng tôi đã chứng minh ở triết lý Đức Phật, Đức Khổng xưa kia cũng như thuyết hiện sinh hôm nay đã có ảnh hưởng to lớn trên nhiều thế hệ và dân tộc…. Bréhier đã có lý khi ông phát biểu: “Triết học đã trở thành một cái chi tồi tàn nếu họ không liên kết với những hệ thống triết học vĩ đại, nếu người ta nhìn nhận chúng như là phản ứng cảu một nhà tư tưởng đối với một tình trạng toàn diện chính trị, luân lý và tinh thần” (La phil.et son passé, p.4-5).
b, Sùng thượng hoặc tuyệt đối hóa triết.
Bên cạnh thái độ coi thường vai trò của triết học – một thái độ rất tiếc rằng, hiện nay vẫn hiện diện ở nơi này, nơi kia, trong lĩnh vực hoạt động này hay khác – lại có một thái độ khác: thái độ tuyệt đối hoá vai trò của triết học, nghĩ rằng chỉ cần nắm được triết học thì lập tức sẽ giải quyết được tất cả các vấn đề cụ thể của thực tiễn. Có nơi, có lúc, vì quá nhấn mạnh vai trò của triết học nên đã gây ra ở một số người ảo tưởng rằng, triết học là cái chìa khoá vạn năng, chỉ cần nắm được nó là tự khắc sẽ giải quyết được mọi vấn đề. Có nơi, có lúc, với lòng nôn nóng muốn đưa triết học vào phục vụ hoạt động thực tiễn, các ‘triết gia” đã hăng hái lao vào nghiên cứu, giải quyết những vấn đề thực tiễn quá cụ thể chỉ với những tri thức triết học chung mà quên mất rằng, để có thể tìm ra lời giải đáp đúng đắn cho những vấn đề hết sức cụ thể, bên cạnh những tri thức lý luận chung, trong đó có tri thức triết học, còn cần có hàng loạt tri thức khác nữa, như sự am hiểu tường tận về tình hình thực tế liên quan đến vấn đề cụ thể đang được xét trong một bối cảnh không gian – thời gian nhất định, sự hiểu biết sâu sắc về nghề nghiệp, đặc biệt là sự nhạy cảm thực tiễn, một sự nhạy cảm chỉ có được qua quá trình đào luyện, lăn lộn lâu năm trong nghề. Thiếu những cái vừa nói, không một nhà triết học uyên bác nào có thể tìm ra được một lời giải đáp đúng đắn nào cho bất cứ một vấn đề cụ thể nào của cuộc sống, cho dù đó là một vấn đề đơn giản nhất đi nữa.
Trong lịch sử triết học Trung Quốc, có các bậc hủ nho, hay trong triết học Kinh viện thời Trung Cổ, có nhiều triết gia đề cao các bậc thầy đi trước như thần thánh, đến nỗi triết lý đối với họ không gì khác hơn là trích dẫn cho thật nhiều những câu kinh sách của các thánh hiền, những câu nói của Aristote hay thánh tiến sĩ Thomas d’Aquine. Ta có thể mở dấu ngoặc để kể thêm đây những người tôn thờ một chủ nghĩa như Mác Lê hay Mao Trạch Đông. Những lời trích dẫn ấy khác nào lời Chúa mạc khải, chúng mang tính vô ngộ. Chúng ta dễ dàng khám phá nơi thái độ tiêu cục này hai nguyên nhân:
– Tính lười suy nghĩ. Hẳn thật người Việt Nam ta nổi tiếng học thuộc lòng và rành nghề đạo văn (ăn cắp văn cũng như ăn cắp mẫu mã). Muốn làm một luận văn triết học, đã có những bài luận mẫu, được các tác giác chuyển ngữ từ sách của Fouliquié; muốn giảng, đã có các sách bài giảng Chúa Nhật và Lễ Trọng…
– Tính sùng thượng thiên tài. Các bậc thánh hiền như Khổng, Phật, các nhà tư tưởng như Marx, Engels… được coi như mô phạm. Một bài luận văn được kể là hay nếu có nhiều trích dẫn tác phẩm các bậc thầy nói trên. Cha D. Chenu. OP, một giáo sư tên tuổi của trường phái thánh Thomas đầu thế kỷ XX cũng phải than phiền khi điểm tác hại tính thần sùng thượng nói trên, ngài viết: “Khoa Kinh viện là kết tinh của một cuộc khám phá và phục hưng thời thượng cổ…. Nhưng khi đóng vai ấy, các văn thư Kinh viện, như chúng ta nhận thấy cách dễ dàng, đã trở thành nguyên nhân gây sự ứ đọng triết học”. Và để kết luận, Cha Chenu khôi hài mô tả: “Nous sommes des nains montés sur les épaules des géants” (Chúng ta là chàng lùn được trèo lên vai những người khổng lồ).
2. Thái độ cần phát huy
Để có thể giải quyết một cách có hiệu quả những vấn đề cụ thể hết sức phức tạp và vô cùng đa dạng của cuộc sống, chúng ta cần tránh cả hai thái cực sai lầm (như đã phân tích ở trên): hoặc là xem thường triết học và do đó sẽ sa vào tình trạng mò mẫm, tuỳ tiện, dễ bằng lòng với những biện pháp cụ thể, nhất thời, đi đến chỗ mất phương hướng, thiếu nhìn xa trông rộng, thiếu chủ động và sáng tạo trong công việc; hoặc là tuyệt đối hoá vai trò của triết học và do đó sẽ sa vào tình trạng áp dụng một cách máy móc những nguyên lý, những quy luật, những tri thức triết học chung mà không tính đến tình hình cụ thể đó không nắm được tình hình cụ thể đó trong từng trường hợp cụ thể, hậu quả là sẽ khó tránh khỏi bị thất bại.
Kết hợp chặt chẽ cả hai loại tri thức trên đây tri thức chung (trong đó có tri thức triết học và tri thức khoa học chuyên ngành) và tri thức thực tiễn (trong đó có sự hiểu biết tình hình thực tiễn và trình độ tay nghề được biểu hiện qua sự nhạy cảm thực tiễn) – đó là tiền đề cần thiết đảm bảo thành công trong hoạt động cụ thể.
Chữ Philosophia nêu rõ mối tương quan mật thiết giữa tình yêu và sự truy tầm chân lý, không những triết gia mà cả người học triết phải nhận thức tính quan trọng của triết học. Lịch sử trên bốn nghìn năm của nhân loại, với ba nền văn minh vĩ đại Mesopotamia, Ấn Độ và Trung Quốc, chứng minh rằng triết lý đã là đối tượng thu hút hàng vạn hiền triết, để rồi từ đó nảy sinh những cuộc cách mạng tinh thần, khả dĩ làm đảo lộn cục diện thế giới.
Ý thức tầm quan trọng của triết lý, giáo luật số 652,2 đặt môn triết lý vào chương trình đào tạo giáo sĩ và tu sĩ như một điều kiệt tất yếu cho việc huấn luyện định kỳ và thường kỳ.
Ở các nước Âu Mỹ, triết lý cũng là môn bắt buộc trong chương trình Trung học và đại học. Chỉ trong Giáo Hội Công Giáo đã có trên sáu mươi đại học và 30 trung tâm nghiên cứu triết học, ngoài ra còn có ít nhất là 16 hàn lâm viện quốc gia có phân khoa về triết học.
Hằng năm người ta tổ chức nhiều hội nghị triết học và các mục chuyên đề về tâm lý, triết sử hay một tác giả nổi danh như thánh Thomas Aquino, Hussert, H. Bergson, v.v.. Các hội nghị này nhằm đối chiếu quan điểm của các trường phái, hầu dẫn tới sự hợp tác trong vấn đề nghiên cứu triết học.
Chừng ấy sự kiện đủ nói lên tầm quan trọng của triết học trong thế giới hôm nay. Mặc dù con người thời đại ta bị chi phối rất nhiều bởi kinh tế và có khuynh hướng hưởng thụ. Tuy nhiên bao lâu con người còn có lý trí, bấy lâu triết lý còn có đất đứng, vì triết lý không gì khác hơn là thỏa mãn khát vọng chân, thiện, mỹ nơi con người.
Discussion about this post