Bài VI. TÍNH ĐỘC LẬP CỦA TRIẾT LÝ [1]
1. Tinh thần độc lập bị đe dọa
Các chính sách chuyên chế thường đố kỵ tinh thần độc lập nơi mỗi cá nhân, ví dụ một tôn giáo võ đoán khi nó cưỡng bách mọi người phải phục tùng một chân lý duy nhất, hay một chính quyền độc tài khi nó muốn áp đảo mọi sáng kiến cá nhân phải uốn mình trong guồng máy thống trị của nó mà không để cá nhân theo sở thích riêng của họ; ngay đến cả những cuộc giải trí lành mạnh cũng phải đi theo đường hướng đã chỉ định sẵn.
Ngoài ra tinh thần độc lập còn có thể mất hút êm ru đi trong những tập quán, những khẩu hiệu tuyên truyền thông thường đã đổ tràn vào cuộc sống hằng ngày, vì tinh thần độc lập đã bị gỳm nghịp đi trong óc não quần chúng vô thức.
Nhưng triết lý là phải phấn đấu luôn luôn cho tinh thần độc lập nội tâm ấy, bất cứ ở hoàn cảnh nào.
2. Tinh thần độc lập nơi các triết gia khắc kỷ.
Ngay từ thời thượng cổ, đã xuất hiện những triết gia mô phạm hoàn hảo cho tinh thần độc lập. Họ độc lập thứ nhất vì ra như họ không còn nhu cầu; đã thoát ly thế gian, những của cải vật chất và những bản năng cuồng nhiệt, họ mới sống cuộc đời khổ hạnh. Thứ hai, họ không sợ sệt vì họ đã nhìn rõ sự lừa đảo trong những huyền thoại các tôn giáo đã tạo bừa ra để gieo sợ hãi vào lòng người. Thứ ba, họ không tham gia chính quyền và chính trị, họ sống an nhàn xa xã hội, không liên hệ với một cái gì cả, y như những người tự xưng là công dân thế giới.
Tóm lại, họ đã tin rằng mình đã đạt được một tinh thần độc lập tuyệt đối, một quan điểm vượt xa thế sự, và do đó, họ tự coi mình là bất vi phạm và bất khả lay chuyển.
Từ đó, họ được người đời ca tụng, nhưng đồng thời cũng bị họ nghi kỵ. Thực vậy, tuy khi đầu thai vào những bộ mặt khác nhau, họ cũng chứng tỏ họ có một tinh thần độc lập không nhỏ, vì họ cũng đã biết sống thanh bần, sống độc thân và sống xa mọi hoạt động nghề nghiệp và chính trị. Hơn nữa, họ còn chứng tỏ rằng: họ có thể đạt tới được một nguồn hạnh phúc lý tưởng, không bị lệ thuộc vào một cái gì ngoại tại; hạnh phúc ấy là ở chỗ họ ý thức được rằng: họ chỉ sống ở trần gian này như một lữ hành và không đếm xỉa gì đến những tai họa do số mệnh có thể gây ra cho họ.
Nhưng trong số những bộ mặt độc lập ấy, nhiều người đã tỏ ra tự đắc vô độ, hay muốn thống trị độc tài và do đó, họ còn kiêu căng, khoe khoang, lạnh lùng kỳ lạ với người khác và ác cảm xấu xa đối với những triết gia khác. Tất cả những ông này đều chủ trương những lý thuyết độc đoán. Vì vậy tinh thần độc lập của họ thường không được tinh túy, mà lại bị lệ thuộc một cách kỳ khôi đến nỗi họ không thể ý thức.
Nhưng với chúng ta (người Âu châu) ngoài tôn giáo theo Kinh thánh ra, chúng ta còn có thể có được một nguồn suối phát sinh tinh thần độc lập khác nữa, như khi làm thân với những triết gia đó, tự nhiên ta cảm thấy trào vọt lên trong ta ý thức tự lập; như thế có lẽ là vì họ thấy rằng: họ không thể đứng vững mãi trên một vị trí cô lập xa biệt với mọi sự được.
Đó là một ý chí tự do tự phụ là tuyệt đối, nhưng tự do ấy lại lập tức trở thành một sự nô lệ khác, vì bên ngoài, khi mưu đồ cho người khác ca ngợi mình thì các triết gia ấy đã bị lệ thuộc những dục vọng thầm kín (tức muốn độc lập cho người ta khen) mà họ không biết. Nên con đường các triết gia khắc kỷ đã theo không phải là con đường cho ta bắt chước. Với ta một phần nào họ vẫn là những bộ mặt vĩ nhân. Vì tuy có tranh đấu cho tự do, nhưng họ vẫn thể hiện ra với ta như những bóng người khô khẳng hay những mặt nạ trống rỗng đằng sau không có gì cả.
Tóm lại, ta đã nhận thấy một khi tự coi mình là tuyệt đối thì tinh thần độc lập lại biến thành một sự lệ thuộc.
Vậy chúng ta phải làm gì để tranh thủ độc lập cho ta?
Trả lời câu hỏi ấy không phải dễ.
3. Những ý nghĩa hàm hồ trong tinh thần độc lập của triết lý.
Tinh thần độc lập triết lý là một tinh thần thiết yếu hàm hồ. Sau đây là mấy ví dụ:
Triết lý, nhất là Siêu hình học có thể tự do khai triển những kỹ thuật trừu tượng và phác họa ra những hình thức tư tưởng; nhưng con người sáng nghĩ ra chúng vẫn siêu vượt hơn chúng vì họ còn muôn vàn khả năng mở rộng trước mặt họ.
Nhưng tuy thế, ta vẫn còn có thể thắc mắc về hình thức độc lập này, vì có thể đặt vấn đề sau đây:
– Hoặc là gạt Thiên chúa ra một bên và tự mình theo đuổi sức mạnh sáng tạo của mình mà không cần dựa vào một nền tảng nào cả; rồi cứ thế hành động theo những quy luật chính họ đã đặt ra và say sưa với hình thức họ đã sáng nghĩ ra. Làm thế, con người có thật làm chủ được những tư tưởng của mình không?
– Hoặc là ngược lại, chính vì muốn liên hệ với Thiên chúa mà con người vượt lên trên cả ngôn ngữ của họ. Mà ngôn ngữ là phương tiện để họ trang hoàng và nhắc nhở được sự Hữu tuyệt đối, tuy ngôn ngữ ấy không rõ rệt và có thể biến thái muôn hình vạn trạng.
Tóm lại, ở đây độc lập theo triết lý là không được coi tư tưởng của riêng mình như những tín lý hay không được phục tòng chúng mà lại phải làm chủ tư tưởng của mình.
Nhưng làm chủ tư tưởng của mình lại là một vấn đề hàm hồ vì:
– Một là (tuyệt đối tự chủ, nghĩa là) không liên hệ gì với ai cả, cứ việc tự tiện làm gì thì làm.
– Hai là (cũng có nghĩa là tương đối tự chủ, nghĩa là) còn liên hệ với Siêu việt thể.
Một ví dụ khác, như khi muốn độc lập đích thực, chúng ta còn đi tìm một vị trí khác gọi là“điểm Archimede” ở bên ngoài vũ trụ.
Đó là một lý tưởng rất đích đáng, nhưng ta vẫn không khỏi thắc mắc hỏi rằng: điểm Archimede có cô lập hóa được con người với những gì chung quanh họ để họ hoàn toàn độc lập tôn họ thành một ông Thiên chúa khác không? Hay điểm Archimede ở bên ngoài vũ trụ ấy lại đặt họ đúng vào một vị trí mà họ có thể bắt gặp được Thiên chúa thực sự và do đó họ càng cảm nghiệm thấy mình hoàn toàn lệ thuộc Thiên chúa? Và chỉ có sự lệ thuộc này mới làm cho họ không lệ thuộc thế gian:
Như vậy đáng ra tinh thần độc lập phải giúp cho mỗi người thực hiện được đầy đủ tự do của mình, bằng cách hiện thể hóa nó trong hoàn cảnh lịch sử riêng tư của mình, thì vì tính cách hàm hồ nói trên, tinh thần độc lập ấy lại dễ biến thành thái độ vô trách nhiệm. Và với thái độ vô trách nhiệm này, mọi hành vi đều mang tính cách liều lĩnh và có khi còn sai hẳn ý định của chủ động nữa.
Như thế là hết tự do, mà chỉ còn lại những vai trò, lúc này ta đóng vai này lúc khác lại đóng vai khác.
Đó là một tinh thần độc lập giả mạo. Nó gồm muôn vàn khía cạnh ví dụ ta có thể nhìn mọi sự với con mắt bàng quan, không cần biết rằng mình nhìn con người, hay nhìn sinh vật hay vật vô linh. Thêm vào đó, ta còn có thể nhìn vạn vật một cách say sưa như một huyền thoại có thể tái diễn một lần nữa. Thế nhưng cái nhìn ấy vẫn còn là một “cái nhìn chết trong đôi mắt linh lợi”, vì nó không phát động được một quyết nghị nào ở những miền sâu, nơi sức sống của ta bắt nguồn cả.
Lúc ấy, dù có vượt qua bất cứ nguy hiểm thù tử nào đi nữa, người ta vẫn chưa sẵn sàng, đứng vững trong tuyệt đối thể được. Nên người ta cứ sống mà không đếm xỉa gì tới mâu thuẫn, tới vô lý; cứ khát vọng vô độ những khoái cảm mới mẻ. Sống giữa những áp lực của thời đại nhưng họ vẫn cố tránh ảnh hưởng chi phối của chúng để ý chí và kinh nghiệm sống của họ được độc lập. Hơn nữa ngay giữa lúc sống trong những áp lực đó, họ vẫn canh phòng khu vực nội tâm, để không áp lực nào áp đảo được nó.
Rồi họ còn coi điểm tối quan trọng của đời họ qua những vẻ bề ngoài của những gì họ đã thấy, hay họ lấy ngôn ngữ của hữu làm chính hữu.
Đó là tinh thần độc lập không dấn thân, nên tất nhiên nó không thể hiểu được chính mình. Nó chỉ nhìn thấy và lấy đó làm phương tiện chuyên chở mình tới sự Hữu. Do đó, sự Hữu bị che phủ đi trong tư tưởng huyền thoại ấy, vì nó là hình thức thi ca trừu tượng.
Nhưng sự Hữu không thể hiện ra với những người chỉ hiến thân để thưởng ngoạn, vì thưởng ngoạn, tuy có thấu suốt hay đơn độc tới đâu cũng không thể đủ. Và ngôn ngữ có được diễn tả quan những luận điệu hùng hồn hay qua những hình ảnh kinh hoàng mấy đi nữa, nếu không thông cảm cũng không thể đủ. Nó vẫn còn là một thứ ngôn ngữ độc tài như kiểu kiến thức khách quan và như những “thánh phán” của các tiên tri.
Đó là những ảo tưởng của những người tưởng rằng đã nắm được hữu. Ảo tưởng ấy có thể thúc đẩy con người cố gắng, nhưng chính khi cố gắng như vậy họ tự mưu sát họ, vì dần dà họ bị tiều tụy đi trong những ảo ảnh của hữu.
Nhưng những ảo ảnh ấy lắm khi có thể ngầm chứa một sức mạnh hoàn cải cả con người. Vì một lúc nào đó con người có thể ngấm ngầm bất mãn, rồi họ thức tỉnh đi tìm kiếm và khám phá ra một cái gì đích đáng hơn. Cái đó chỉ có thể xuất hiện trước mắt hiện sinh và thoát ly được thái độ tai hại, tức là lúc họ chỉ biết nhìn mọi sự một cách bàng quan và chỉ làm những gì họ muốn.
Ngoài ra, độc lập không dấn thân còn thể hiện ra cả trong những lối tư tưởng kỳ cục, ví dụ người ta nói đùa nhau theo những lập luận trái ngược mà không nghĩ đến trách nhiệm gì cả.
Hay tùy theo hoàn cảnh người có thể chấp nhận bất cứ một lập trường nào.
Hay người ta khôn khéo muốn dùng tất cả mọi phương pháp, rồi sống rất xa lạ với khoa học nhưng lại hành động như một nhà khoa học chính cống. Kẻ nào lý luận như vậy là kẻ luôn luôn thay đổi lập trường, họ là thần Protee[1]điển hình không bao giờ sa lưới; không nói được gì cả mà họ tưởng mình công bố những chân lý phi thường. Ở đây chỉ toàn nghe những câu nói bóng bẩy với đầy những linh cảm, hay những lời thì thầm rỉ tai gây xúc cảm, hay một thái độ làm cho phỏng đoán những sự thật huyền bí. Đối với họ, đó là tất cả những gì đầy sức quyến rũ!
Nhưng không thể bàn luận với họ về những gì chính đáng được, mà chỉ có thể ba láp với họ về muôn vàn vấn đề, rồi để mình trôi theo sức quyến rũ của tất cả những gì xem ra ly kỳ.
Nói tóm, ở đây ta chỉ có việc hòa nhịp trôi theo làn sóng cảm xúc huyền ảo không định hướng thôi.
Sau cùng, tinh thần độc lập không dấn thân còn có thể mang lại hình thức một thái độ hoàn toàn lãnh đạm đối với thế gian, khi người ta không còn đủ nghị lực chịu đựng thế gian nữa.
Lúc ấy người ta dám nói rằng: chết cũng không ăn nhằm gì. Thế nào cũng chết, làm gì mà bận tâm lăng xăng cho mất công! Thôi cứ sống, cứ hưởng sung sướng khi sống, cứ chịu đựng sự thiếu thốn của mình, cứ chấp nhận những điều kiện thiên nhiên để cảm nghiệm và để sống như thế sự xảy ra làm sao thì chịu làm vậy. Không phấn đấu nữa, vì phấn đấu cũng mất công lắm!
Nhưng ngoài ra, họ còn thấy mình có khả năng yêu đương, rồi họ chủ trương yêu đương cho nồng nàn tha thiết đi, nhưng sau cùng họ cũng thấy tình yêu sẽ cùng với thời gian biến thái và trôi qua đi mất.
Nói tóm, ở đây cũng không còn gì là tuyệt đối nữa!
Nên người ta mới sống buông thả, không muốn làm gì cũng không muốn là gì đặc biệt cả. Người ta chỉ còn làm những gì bó buộc phải làm và thuận tiện thì làm. Còn những gì khó khăn thì có lẽ chỉ đáng khinh thường. Rồi người ta sẵn sàng công tác làm những gì rất tầm thường hằng ngày.
Với một con người chỉ còn thỏa mãn được với đời sống hiện tại, trước mắt như vậy, và không còn ước mong gì nữa như vậy, thì mọi viễn tượng, mọi chân trời xa xôi trong dĩ vãng cũng như trong tương lai đều như bị đóng kín cả.
Nói tóm, trên đây là những khía cạnh phức tạp của một tinh thần độc lập triết lý giả tạo. Chúng có thể làm mất giá trị tinh thần độc lập chân chính.
Nhưng dầu sao vẫn còn một điều chắc chắn có thể thực hiện được là nếu muốn có được tinh thần độc lập triết lý thực sự thì không những phải nhận thức rõ rệt những khía cạnh hàm hồ vừa nói trên, mà còn phải ý thức được những giới hạn của tinh thần độc lập ấy nữa.
4. Những giới hạn của tinh thần độc lập
Không thể có độc lập tuyệt đối được, vì khi suy tư ví dụ cũng bó buộc phải cần đến những trực giác đã sẵn có; hay trên bình diện thực tế ta cũng cần tới người khác và sự giúp đỡ lẫn nhau giữa ta với họ, mới có thể sống nổi. Rồi với tư cách những con người tự do, ta còn cần tới những con người tự do khác để giữa họ và ta có sự thông cảm vì chỉ có sự thông cảm mới giúp cho ta và cho họ trở thành người có bản lĩnh thực sự. Vì không có tự do cô lập nghĩa là ở đâu có tự do là có sự lệ thuộc áp lực; và một khi áp lực đã hoàn toàn bị đánh bại và mọi trở lực đã dẹp xong thì chính tự do cũng biến mất rồi.
Bởi vậy chúng ta chỉ thực sự độc lập là khi chúng ta đồng thời bị liên hệ mật thiết với thế gian mà không thể gỡ ra được. Vì người ta không thể thực sự độc lập nếu người ta tự rút lui vào bóng tối với chính mình mà thôi. Sống độc lập ở trần gian này là phải xử sự với trần gian này một cách đặc biệt nghĩa là vừa phải thuộc về trần gian vừa không phải thuộc về trần gian; vừa phải ở trong thế gian vừa phải ở ngoài thế gian.
Đó là ý nghĩa chung cho những nguyên tắc sau đây do những nhà tư tưởng lớn đã đặt ra, mặc dầu có những khác biệt:
Như khi Aristippe suy nghĩ về tất cả mọi kinh nghiệm, tất cả mọi loại thứ, tất cả mọi hoàn cảnh hạnh phúc và đau khổ của cuộc đời, rồi ông nói: “Tôi sở hữu nhưng tôi đã bị ràng buộc với những gì tôi sở hữu”. Rồi St.Paul đã nói lên sự cần thiết ta phải sống cuộc đời như sau: “Hãy có của cải như không có của cải vậy”. Trong kinh Thế tôn ca (Bhagavad-Gita) cũng có câu: “Cứ hoạt động mà đừng chờ mong kết quả”. Lão Tử cũng dạy rằng: “Hãy hành động như không hành động”.
Những châm ngôn triết lý bất hủ ấy cần được giải thích và phải được giải thích mãi mãi không cùng.
Nhưng ở đây chúng ta chỉ nên hiểu rằng: chúng diễn tả tinh thần độc lập nội tâm bằng nhiều lối khác nhau; nhưng sự độc lập này đòi ta còn phải lệ thuộc trần gian bằng cách nào đó.
Ngoài ra còn một giới hạn thứ hai cho tinh thần độc lập nữa, nghĩa là nếu người ta chỉ thỏa mãn với độc lập mà thôi thì độc lập không còn nghĩa gì cả.
Có người đã muốn định nghĩa độc lập một cách tiêu cực như bảo rằng: độc lập là không còn sợ hãi gì cả, hay không còn đếm xỉa gì đến việc có thể bị trầm luân hay được cứu rỗi nữa, hay biết giữ thái độ thanh liêm không thiên vị của một quan sát viên bàng quan, hay không lay chuyển trước những tình cảm và bản năng.
Nhưng trong trường hợp ấy cái gì tự xưng là độc lập? Một điểm vô ngã chăng? Hay một “ngã” nói chung mà không đích thực là ai cả?
Tự nó, độc lập không có nội dung cốt yếu. Vì nó không phải là một sức mạnh phát sinh do một bản nhiên tính hay do một khí sinh lực hay do một chủng tộc; nó cũng không phải một ý chí muốn thống trị hay một sự tự tác tạo được chính mình.
Vậy tinh thần độc lập đối với thế trần, tức tinh thần đẻ ra công cuộc suy tư triết lý, không là gì khác hơn là một cách thái con người phải tuyệt đối bám víu lấy cái gì siêu vượt thế gian. Nên một thứ độc lập nào tự phụ không liên hệ với gì cả thì lập tức nó trở thành một thứ độc lập trống rỗng, hình thức: người nào chủ trương thế là người nói mà không nghĩ điều mình nói, họ cũng không hiểu nghĩa điều họ nói, cũng không tham gia vào một ý tưởng nào và cũng không căn cứ trên hiện sinh.
Họ chỉ nhắm mắt làm càn, nhất là khi phủ nhận. Rồi giả như có phải đặt lại vấn đề tất cả thì đối với họ cũng không ăn thua gì cả, vì không có một sức mạnh nào hướng dẫn được họ hay bó buộc họ dấn thân vào những vấn đề họ nêu ra cả.
Ví dụ chính Nietzche đã nêu ra đề tài căn bản sau đây: con người chỉ có tự do là khi không có Thiên chúa; vì nếu Thiên chúa có thì con người không phát triển được, vì ra như con người luôn luôn phải tản mát vào Thiên chúa, như một làn nước tràn đi không còn nghị lực gì cả.
Nhưng phải lật ngược hình ảnh ấy chống đối lại Nietzche và phải nói rằng: chỉ khi nào đăm đăm nhìn Thiên chúa hiện hữu thì con người mới phát triển được, nếu không họ chỉ thụ động trôi theo trào lưu vô định của thế sự và của cuộc đời.
Sau cùng còn một giới hạn thứ ba chi phối độc lập nữa. Đó là bản vị nội địa của thân phận con người.
Chỉ vì là người, chúng ta đã có thể sa lầy vào những con đường lầm lạc khó lòng thoát rồi. Thực vậy thoạt khi vừa ý thức chúng ta đã bị lạc đường rồi. Đó là một sự kiện Kinh thánh đã coi là một tội nguyên tổ theo lối giải thích huyền thoại. Rồi dưới một hình thức hùng vĩ, triết lý Hegel đã giảng nghĩa sự kiện ấy như một tình trạng phóng thể của con người. Kierkegaard thì lại nhìn một cách rùng rợn thấy tính chất “quỷ tặc” trong ta khi ta bị giam hãm trong những đường lầy không bao giờ hy vọng thoát ly. Và một cách thô sơ hơn, các nhà xã hội học lại giải thích sự kiện ấy như chúng ta bị những ý thức hệ chi phối, và các nhà tâm lý học lại giảng nghĩa bằng những mặc cảm trong chúng ta.
Nhưng chúng ta có thể cưỡng lại được với sự giả thác và quên lãng, với những man trá, những u uẩn, những sa lầy và thực hiện được độc lập đích thực không?
St.Paul đã minh chứng rằng: chúng ta không thể thực sự tốt được, vì khi làm điều thiện không thể ta không ý thức rằng ta làm điều thiện. Mà một khi ý thức như vậy là người ta đã kiêu căng tự phụ như đứng trong một vị trí vững vàng rồi.
Kant cũng đã minh chứng rằng: những hành động thiện của chúng ta đều hàm chứa một điều kiện khó thấy được, là chúng ta không muốn những hành động thiện có thể di hại quá cho hạnh phúc của chúng ta; vì vậy mà những hành động ấy không được tinh tuyển.
Đó là sự ác căn bản không tài nào thắng vượt được.
Tóm lại, chính sự độc lập của ta lại cần tới sự nâng đỡ.
Vì thường ta chỉ làm khổ ta; và chúng ta bó buộc phải chỉ hy vọng rằng: tuy không hiện ra rõ rệt trong trần gian, nhưng một cái gì đó tự đáy sâu lòng ta sẽ có thể đến nâng đỡ ta và giải thoát ta khỏi lầm đường, mà ta không hiểu được như thế nào? Nghĩa là ta chỉ thực sự không lệ thuộc là khi ta lệ thuộc Siêu việt thể.
5. Kết luận: tinh thần độc lập khả dĩ của thời nay
Làm thế nào mô tả được tinh thần độc lập triết lý khả dĩ của thời nay?
Thưa là không theo hẳn một trường phái triết lý nào cả. Không được coi một chân lý nào đã được công thức hóa như một chân lý duy nhất và loại trừ mọi chân lý khác; phải chủ động tư tưởng của mình.
Không được ngốn triết lý như ngốn một khoa học mà phải đào sâu triết lý theo đà tiến của nó.
Chiến đấu cho chân lý và tinh thần nhân đạo trong một sự thông cảm vô điều kiện.
Phải học tập để tiêu hóa được tất cả những kinh nghiệm của dĩ vãng, biết nghe ngóng người đồng thời và biết cởi mở ra với mọi khả năng.
Đồng thời phải thấu hiểu thân phận cá nhân độc đáo của tôi như lịch sử tính riêng tư của tôi. Đó là nguồn gốc của tôi; những gì tôi đã làm từ khi sinh ra cho đến bây giờ.
Phải chịu trách nhiệm về thời dĩ vãng của tôi, về đời sống hiện tại của tôi và về những gì trời đã ban cho tôi.
Không bao giờ ngừng phát triển qua lịch sử riêng biệt của tôi, để có thể đạt được lịch sử tính của thân phận con người nói chung và do đó trở thành công dân thế giới.
Không nên tin một triết gia nào là vô song cả. Cũng không được muốn trở thành điềm nhiên cương nghị và vô cảm như các triết gia khắc kỷ. Vì mang thân phận làm người là đương nhiên chúng ta sống trong dục vọng, trong lo âu và bó buộc chúng ta phải cảm nghiệm những gì thuộc thế sự, bằng nước mắt cũng như bằng nụ cười.
Có thể chúng ta mới tìm gặp được chính thực chất của ta, tức là vượt trên không chịu làm tôi những tình cảm nhứt thời của ta, những cũng không vì thế mà dập tắt chúng đi được. Vì vậy, ta phải can đảm sống cho ra người và phải cố gắng tận lực thực hiện cho sâu xa được thân phận làm người của chúng ta cho tới khi ta gặp được ở đó tinh thần độc lập của ta với tất cả sức sung mãn ta có thể có.
Do đó bấy giờ ta sẽ có thể chịu đựng đau khổ mà không ca than; có thể thất vọng mà không tuyệt vọng, có thể bị lung lạc mà không bị tiêu diệt. Vì trong ta vẫn còn một tiềm lực gì ấp ủ và nâng đỡ ta. Nó phát triển lên trong ta dưới hình thức một tinh thần tự lập nội tâm.
Nhưng triết lý là phải luôn luôn tập rượt độc lập chứ không phải dứt khoát sở hữu độc lập.
[1] Karl Jaspers. “Lịch sử nhân loại”, trong Triết học nhập môn. Lê Tôn Nghiêm dịch. Bộ Giáo dục và Thanh niên – Trung tâm học liệu xuất bản, 1969, tr. 121-132.
Discussion about this post