BÀI VII. CÁCH TIẾP CẬN TRIẾT
Một trong những điểm yếu của các triết gia là luôn cho rằng thuyết của mình là đúng hơn cả, mặc dù các vị cũng chẳng khác chi mấy thầy bói xem voi. Vậy phải chăng chúng ta không thể nắm bắt chân lý? Có chứ, mặc dù không ai trong chúng ta quán triệt chân lý. Điều quan trọng không ở chỗ biết trọn vẹn chân lý, mà ở chỗ biết chắc điều mình đang biết, dù là phiến diện, với điều kiện không đồng hóa cái phiến diện ấy với toàn bộ chân lý.
Trong quá trình truy tầm chân lý, đâu là phương cách chính yếu và với những mức độ nào?
I. NHỮNG PHƯƠNG CÁCH TIẾP CẬN ĐỐI TƯỢNG TRI THỨC.
Muốn tránh những cái nhìn cực đoan về chân lý, cần phải kiên tâm lần mò qua nhiều giai đoạn để đạt tới tri thức toàn diện. Người ta thường đưa ra những phương cách tri thức sau đây:
1. Tri thức bằng giác quan.
Nhiều triết gia đã đánh giá thấp cách biết này, chẳng hạn Platon và các nhà duy tâm. Thật ra đối với mọi người cách biết này được coi là cơ bản. Thánh Thomas đã khẳng định: “Nil in cognitu nisi prius fuerit in sensu” (chẳng có gì nơi trí khôn mà trước đó chưa có nơi giác quan). Dĩ nhiên nó chỉ cung cấp cho ta những yếu tố sơ lược và lu mờ mà thôi. Ví dụ ngửi một mùi hương đang lan tỏa trong không khí, tôi biết có mùi nhưng chưa biết mùi gì. Vì thế nó cần được bổ sung bằng tri giác, tức khả năng tổng hợp kinh nghiệm trong quá khứ về các mùi. Không lạ gì các “bợm nhậu” chỉ cần ngửi qua là biết rượu gì rồi.
2. Cách biết bằng ý thức hay lý trí.
Ý thức là khả năng tinh thần, nhờ đó ta nhận ra những tâm trạng của chính mình. Vai trò của ý thức rất quan trọng và mọi môn học phải lấy ý thức làm nền tảng:
Môn tâm lý dùng ý thức để khám phá những nếp gấp nội tâm.
Môn đạo đức dùng ý thức để đánh giá các hành vi về mặt tốt hay xấu.
Môn luận lý dùng ý thức để nhân ra những nguyên lý tối sơ và những tương quan hợp lý giữa những mệnh đề.
Còn môn siêu hình dùng ý thức để khám phá những khuynh hướng mãnh liệt nói con về chân, thiện, mỹ.
3. Cách biết bằng cảm thông.
Nơi con người có một khả năng khá linh động để nắm bắt đối tượng, đó là cảm năng (Nên nhớ: cảm năng là để cảm thông chứ không phải để cảm giác). Cảm thông nắm bắt đối tượng qua sự đồng cảm hay thiện cảm. Các triết gia như thánh Augustino, Pascal, Henri Bergson đề cao cách biết này, vì nó đi sâu vào đối tượng để nhìn từ bên trong. Đối tượng của cảm năng bao gồm con người, vạn vật và Thượng Đế.
Cảm năng được sử dụng nhiều nhất trong xã hội học và tôn giáo học:
– Trong xã hội học, cảm năng tìm ra mối tương giao giữa người với người.
– Trong tôn giáo học, cảm năng giúp ta bắc một nhịp cầu giữa ta và Thượng Đế hay một thần linh nào đó. Khổng thuyết gọi đó phối Thiên, còn Lão giáo hội là huyền đồng.
4. Cách biết bằng tin tưởng.
Đây là cách biết căn cứ trên chứng từ của tha nhân, cách biết này dĩ nhiên không có giá trị gì đối với khoa học thực nghiệm, vì khoa học thực nghiệm đòi hỏi quan sát thí nghiệm và kiểm chứng. Trong lãnh vực sử học và tôn giáo, cách biết này được coi là quan trọng nhất, vì đối tượng của khoa này vượt tầm nhận thức trực tiếp của ta. Jaspers và Gabriel Marcel đặc biệt đề cao cách biết bằng tin tưởng.
Trên đây là liệt kê những cách biết cần thiết mà bất cứ ai muốn cho việc nghiên cứu và suy tư của mình được quân bình. Tuy nhiên trình độ sử dụng 4 cách biết ấy, không phải ai cũng có như nhau. Do đó tri thức về một đối tượng đôi khi phải dừng lại ở mức độ thường nghiệp hay khoa học, chứ chưa vươn tới tầm mức mà triết học đòi hỏi.
II. BA CẤP ĐỘ DẪN TỚI TRI THỨC TRIẾT HỌC
Khi ta có dịp tiếp xúc với giới công nhân trong một ngành nghề nào đó, ta thấy nhiều người rất sành sỏi về mặt thực hành, mặc dù họ chẳng biết lý thuyết bao nhiêu. Chúng ta gọi đó là tri thức thường nghiệm.
Trái lại một bác sĩ mới ra trường rất giỏi về lý thuyết ngành y, mặc dù về phương diện thực hành, khả năng ứng phó khi chữa bệnh không bằng một y tá thâm niên. Kiến thức y khoa của bác sĩ ấy mang tính khoa học, nhưng đòi hỏi thời gian để có sự nhuần nhuyễn thực hành.
Einstein và Openheimer là hai bác sĩ lừng danh của thế kỷ XX đã hủy bỏ rất nhiều tài liệu nghiên cứu về nguyên tử lực của mình, sau biến cố Mỹ thả bom nguyên tử tại Hiroshima và Nagasaki, vì các ông thấy loài người còn quá hiếu chiến, chưa đủ khả năng nhân bản hóa nguyên tử lực. Muốn nhân bản hóa phải làm gì, nếu không có cái nhìn toàn diện về con người. Nói rõ hơn, phải bắt khoa học tuân phục sự hướng dẫn của triết học.
1. Tri thức thường nghiệm
Nơi người dân thường, tri thức thường mang tính thường nghiệm, vì ai cũng biết qua kinh nghiệm hằng ngày:
“Yêu thì củ ấu cũng tròn…”
“Ráng vàng thì gió, ráng đỏ thì mưa”.
Tri thức thường nghiệm thì bất toàn, vì những lý sau đây:
– Nó hướng về hành động cụ thể hơn về chân lý, nghĩa là biết để làm hơn để suy nghĩ. Không cần biết lý do tại sao.
– Nó giải thích các sự và các hiện tượng theo tình cờ, nghĩa là giải thích cũng được, mà không giải thích cũng được, miễn là áp dụng vào đời sống cụ thể thì thôi.
– Sự phê phán của người có óc thường nghiệm thường mang tính chủ quan chứ không dựa trên những lý luận hay thí nghiệm xác đáng. Đành rằng cũng có những kinh nghiệm được coi như kết quả của ngàn năm lịch sử, nên rất phong phú, chẳng hạn các câu ca dao tục ngữ Việt Nam:
“Yêu nhau, cởi áo cho nhau
Về nhà mẹ hỏi, qua cầu gió bay”.
Kiến thức thường nghiệm, nếu xét về số lượng, thì rất phong phú, nhưng nghèo nàn về phẩm, vì không được xây dựng thành những hệ thống quy mô.
Như thế, con người với cái nhìn thường nghiệm thường thiếu chiều sâu và chiều rộng, thiếu chiều sâu, vì dừng lại nơi những hiện tượng bên ngoài, chứ mấy khi nỗ lực khám phá những uẩn khúc của tâm hồn; thiếu chiều rộng, vì họ chỉ chú trọng đến những kinh nghiệm lẻ tẻ vô tổ chức, vì thế thiếu tính phổ quát. Mối nguy của kiến thức thường nghiệm trong cuộc sống là vơ đũa cả nắm.
2. Tri thức khoa học.
Nhờ tri thức khoa học, người ta thủ đắc được những kiến thức một cách có phương pháp và có hệ thống.
– Có phương pháp, tri thức con người đòi chính xác tối đa. Nhưng để đạt tới trình độ này nhà khoa học phải sử dụng phương pháp kiến hiệu nhất. Nhưng nói đến phương pháp là nói đến định hướng và có tính toán của trí khôn.
– Có hệ thống, nhà khoa học lý tưởng loài người có khả năng thống nhất mọi cái nhìn rời rạc để làm thành một quan niệm duy nhất, trong đó mọi sự kiện và mọi hiện tượng có liên quan với nhau được hỗ trợ để tạo nên những định luật chắc chắn.
Tóm lại, kiến thức khoa học mang ba đặc tính: Phố biết, khách quan và tất yếu.
Phố biến: trong những điều kiện đã được xác định đầy đủ, tất nhiên sự kiện sẽ xảy ra. Ví dụ cứ đun sôi đến một trăm độ, nước sẽ bốc hơi.
Khách quan: chân lý khoa học ở ngoài ta, nó không lệ thuộc vào cái lợi cái thú của ta vì ta thích nước hay không, không thành vấn đề, hễ đun đến 100c là nó bốc hơi.
Tất yếu: chân lý khoa học bắt buộc mọi người phải chấp nhận, ví dụ: lửa nóng, nước đá lạnh.
3. Tri thức triết lý
Tri thức triết lý, nếu so sánh với tri thức khoa học, thì trổi vượt về chiều sâu, chiều rộng, chiều dài.
– Về chiều rộng: Đối tượng khoa học chỉ là các hiện tượng, tức những gì cân đo, quan sát được. còn đối tượng của triết lý bao gồm toàn bộ con người và vạn vật hữu hình cũng như vô hình. Ví dụ: hai ông A và B đánh nhau, nhà khoa học chỉ kiểm tra thần kinh, xem có độ mạnh của hòn đó mà ông A ném vào ông B. Còn triết gia thì đi xa hơn, nghĩa là ông cho cử chỉ của ông A một ý nghĩa. Từ đó nhiều câu hỏi được đặt ra: tại sao ông A đánh ông B? Phải chăng vì ông B đã lăng nhục ông A, cho nên ông A đã đánh để bảo vệ danh dự.
Như thế triết học khám phá những ý nghĩa thâm sâu của mỗi hành động, cũng như ý nghĩa của con người.
– Về chiều sâu: Như đã trình bày trên, triết lý không dừng lại nơi hiện tượng, nhưng nó dẫn con người vào trọng tâm của đời sống, ví dụ đặt câu hỏi: Con người tiếp xúc với Thượng Đế như thế nào và tại sao phải tiếp xúc?
– Về chiều dài: Nơi một người có trí khôn lành mạnh và chín mùi, bao lâu còn sống trên cõi đất này, đều có khả năng triết lý. Và có thể nói, triết lý đi liền với sự hiện hữu của nhân loại. Jaspers nói rất đúng: “triết lý sẽ tồn tại mãi mãi bao lâu còn có con người trên mặt đất”.
Discussion about this post