Quyển 3. SÁCH LÊVI
A. TỔNG QUÁT.
Sách Lêvi là quyển sách thứ ba trong Thánh Kinh Do Thái, theo sau quyển Sáng Thế và Xuất Hành.
Sách Lêvi là cách gọi tên là bắt nguồn từ tiếng Latinh Liber Leviticus mà trước đó có nguồn gốc Hy Lạp là Biblios Leviticos có nghĩa là “cuốn sách của các thầy Lêvi”, vì phần lớn bàn đến việc tế tự mà chi tộc Lêvi đảm trách. Mới đọc qua, độc giả có thể cảm thấy sách này không thật quan trọng, nhưng thật ra sách Lêvi có một ảnh hưởng rất lớn trên đời sống của dân Do Thái, bởi dân này luôn coi việc phụng tự là trung tâm đời sốngvà là mối hợp nhất dân tộc. Đàng khác, sau thời lưu đày Babilon, sách Lêvi trở thành tài liệu giáo dục trẻ em.
Sách Lêvi được viết lại toàn bộ sau thời lưu đày Babilon, dựa trên những tài liệu cổ được lưu giữ trong các chi tộc. Có thể nói, phần quan trọng nhất trong sách này là Luật Nên Thánh. Có lẽ ngôn sứ Ezekiel đã đọc bản thảo và bổ túc, nên bàng bạc đó đây những ý tưởng của ngài.
Sách Lêvi là cuốn sách về sự thánh thiện, về Thiên Chúa chí thánh và về một dân được gọi là thánh. Theo từ nguyên, “thánh” trong tiếng Hípri có nghĩa là “được cắt riêng ra, tách ra” có ý nói đến sự tách biệt giữa thánh thiện và phàm tục. Sách Lêvi đưa ra một định hướng và những chỉ dẫn cụ thể cho việc nên thánh, được tập trung vào lời mời gọi: “Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh” (19,2).
Về nội dung, Lêvi thực sự là phần nối tiếp của Xuất hành. Nếu Xuất hành thuật lại chi tiết việc Thiên Chúa giải phóng dân tộc Israel khỏi Ai Cập, hành trình của họ nơi sa mạc khoảng 40 năm ròng để trở thành “dân riêng” của Chúa và việc lập giao ước giữa Chúa với họ thông qua mười điều răn thì Lêvi viết tiếp rất cụ thể những lề luật Israel phải tuân giữ để cụ thể hóa việc làm “dân riêng” của Thiên Chúa. Trọng tâm của quyển sách này cũng nói về vai trò của hàng tư tế (các thầy Lêvi) trong dân tộc Israel nên người ta đã lấy tên Lêvi để đặt cho nó.
16 chương đầu tiên và chương cuối cùng của sách nói về các quy định đối với giới tư tế, chương 12 quy định việc cắt bì ở nam giới. Chương 17-26 quy định việc phụng tự, đức tính trong sạch và quan trọng, ở chương 19 có câu 18 là: “…Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình”, Chúa Giêsu sau này đã trích dẫn nó và gọi đó là giới răn trọng nhất. Cuốn sách còn quy định nhiều chế độ ăn uống kiêng cữ và hạn chế tình dục.
Có thể chia bố cục sách Lêvi thành 4 phần:
1. Phần nghi thức: Đề cập đến việc cử hành các buổi lễ (1-7).
2. Phần lịch sử: Kể lại cuộc xức dầu phong chức tư tế cho ông Aharon (8-10).
3. Phần luật pháp: Điều kiện để tham dự vào đời sống phụng tự, trước luật thanh tẩy (11-16).
4. Luật nên thánh: (17-27).
B. NỘI DUNG
Khi tìm hiểu về nội dung sách Lêvi, chúng ta tập chú đến việc trình bày các lễ phẩm và luật nên thánh:
I. CÁC THỨ LỄ VẬT
Ngay từ đầu, tác giả đã bàn đến các thứ lễ vật, chúng ta có thể nêu lên các loại lễ vật quan trọng sau:
1. Lễ vật toàn thiêu hay thượng tiến.
Được gọi là lễ vật thượng tiến, vì được đốt cháy để khói bốc nghi ngút lên trước nhan Giavê. Cũng được gọi là lễ vật toàn thiêu vì toàn thân con vật được thiêu rụi trên bàn thờ. Trước khi thiêu, người dâng phải đặt tay trên con vật rồi giết nó. Tư tế đem máu rảy chung quanh bàn thờ, sau đó họ chặt con vật ra từng mảnh chất lên bàn thờ và châm lửa đốt. Việc thiêu rụi hoàn toàn này ngụ ý diễn tả thuộc trọn về Thiên Chúa.
Thời Đức Giêsu, tại đền thờ, mỗi ngày các tư tế dâng lễ toàn thiêu hai lần. Vì thế, lễ vật này cũng được gọi là lễ vật trường cửu. Những người bị ô uế như phong cùi, hoa liễu, phụ nữ sau khi sinh hoặc những ai muốn khấn nazi đều phải dâng lễ vật thượng tiến.
2. Của lễ hiệp thông.
Trong lễ hiệp thông, sau khi dâng tiến và đổ máu trên bàn thờ, con vật được chặt làm đôi, một nửa được đem đốt trên bàn thờ, một nửa cho lại người dâng, để họ ăn trước nhan Giavê. Đó được coi như món quà Thiên Chúa ban lại cho người dâng, ngụ ý nói lên sự hiệp thông giữa người dâng với Giavê.
Sau này, nơi Tiệc Thánh Thể, Chúa Giêsu được gọi là của lễ hiệp thông, vì vừa dâng cho Thiên Chúa vừa trở nên của nuôi người tham dự.
3. Của lễ đền tội.
Khi ai mắc tội nào đã được ghi trong Luật, thì họ phải dâng lễ đền tội như sau: Phải công khai xưng thú tội mình, rồi đến dâng cho Thiên Chúa một dê cái, nếu quá nghèo thì dâng một cặp chim cu gáy hay bồ câu non. Vị tư tế sẽ cắt tiết và lấy máu con vật rảy trên bàn thờ.
II. NHIỆM VỤ THÁNH HOÁ CỦA CÁC TƯ TẾ LÊVI.
Thời xưa, chính gia chủ hay trưởng tộc đứng ra lễ tế cho Giavê, nhưng vào thời Môsê, mọi tư tế đều thuộc về chi tộc Lêvi. Các tư tế không những có nhiệm vụ dâng lễ vật, mà còn đảm trách việc giáo dục. Chương trình giáo dục tôn giáo nhằm trước hết giải thích mười giới răn để giúp con em nhận ra ý muốn của Thiên Chúa mà thực thi. Về sau người ta còn đưa vào chương trình giáo dục cả những vấn đề thuộc phong tục và luân lý.
Để trở thành tư tế của Giavê, các người nam thuộc chi tộc Lêvi phải được xức dầu tấn phong. Nghi thức này có lẽ được thêm vào sau thời lưu đày.
III. LUẬT NÊN THÁNH.
Trong sách Lêvi, phần nói về luật nên thánh được coi là quan trọng nhất, vì nó bàn đến sự thánh thiện. Nhưng sự thánh thiện là gì?
Trong sách Lêvi và các sách Cựu Ước hiểu chữ “thánh” (qadosh) bao gồm 2 tư tưởng:
– tách biệt với những gì phàm tục.
– thuộc về Thiên Chúa.
Thiên Chúa là Đấng Thánh vì Người hoàn toàn siêu vượt những gì là thụ tạo. Người đã chọn Israel làm dân riêng, nghĩa là họ được tách biệt ra khỏi những dân khác để họ thuộc trọn về Người. Vì thế, việc nên thánh nằm trong bản chất của con cái Thiên Chúa. Thiên Chúa phán: “Ta đã tách biệt các ngươi ra khỏi chư dân để các ngươi thuộc trọn về Ta” (Lv 20,26). Như thế, chính Thiên Chúa đã thánh hoá dân Người và bản thân họ cũng phải cộng tác vào sự thánh hoá ấy.
Có nhiều học giả cho rằng, sự thánh thiện trong sách Lêvi chỉ là sự thánh thiện bên ngoài, như giữ các nghi lễ thanh thẩy… Thực ra, nếu đọc kỹ sẽ thấy tác giả đề cập đến sự thánh thiện nằm ở chiều sâu tâm hồn: Thánh thiện đã là giữ lòng trinh khiết (x. Lv 18, 6-18), là ăn ở công bình và ngay thật (x. Lv 19,11), thương giúp người già cả và nghèo đói (x. Lv 19,15.32). Sau hết, sự thánh thiện đi đôi với tình huynh đệ (x. Lv 19,17-18) và nhất là quy hướng cuộc đời về Thiên Chúa duy nhất.
IV. TÍNH THIÊNG THÁNH CỦA MÁU (17,1-15)
Khi Thiên Chúa ngỏ lời với nhân loại, Ngài đã chọn một ngôn ngữ cụ thể gắn với một nền văn hoá cụ thể. Vì thế để hiểu Thánh Kinh, không thể không hiểu cách suy nghĩ và diễn đạt của ngôn ngữ và văn hoá đó.
Trong văn hoá Hípri, mọi sự được diễn tả cách cụ thể chứ không trừu tượng. Chẳng hạn, chân lý, công bằng, hoà bình… không phải là những ý niệm trừu tượng nhưng là những sự vật sống động. Vì thế, Thánh Kinh diễn tả, “An tình và chân lý nay hội ngộ, hoà bình và công lý hôn nhau. Chân lý mọc lên từ đất thấp, công bằng nhìn xuống tự trời cao” (Tv 85,11-12). Tương tự như thế, sự sống không phải là một ý niệm tổng quát nhưng được đồng hoá với máu. Máu là sự sống, mất máu là chết, và cái chết hành động như một tên trộm lấy cắp sự sống: “Mạng sống của xác thịt thì ở trong máu, và Ta, Ta đã ban máu cho các ngươi …Các ngươi không được ăn huyết của bất cứ xác thịt nào vì sự sống của mọi xác thịt là máu nó; bất cứ ai ăn huyết sẽ bị khai trừ” (Levi 17,14).
Có như thế, ta mới hiểu được ý nghĩa của những quy định trong sách Lêvi về việc sát sinh. Mọi việc sát sinh, dù chỉ là tìm thức ăn, cũng phải trở thành lễ tiến và hy lễ. Hành động đó là hành động nhìn nhận Thiên Chúa là nguồn sự sống, và nhờ hành động đó, kẻ dâng lễ tế được tiếp tục sống.
Trong trường hợp săn được một con thú hoặc một con chim được phép ăn, thì phải lấy đất phủ lên máu của con vật. Tương tự như vậy, khi làm công việc sao chép văn bản Thánh Kinh, nếu một ký lục lỡ chép sai thì ông sẽ không xé trang đó đi và chép lại, nhưng phải cẩn thận rút phần bị sai đó ra khỏi cuộn sách, để vào trong hộp nhỏ rồi đốt đi. Tại sao lại như thế? Vì cũng như sự sống ở trong máu thì Thần Linh thánh thiện cũng ở trong Lời Chúa.
Dù đã có những thay đổi nhưng cho đến nay nhiều người Do Thái vẫn không ăn máu. Với người Kitô hữu, khi hiểu được ý nghĩa của máu trong văn hoá Thánh Kinh như thế, ta cảm nghiệm sâu sắc hơn lời mời gọi của Chúa Giêsu, “Tất cả anh em hãy uống chén này vì đây là Máu Thầy, máu giao ước, đổ ra cho muôn người được tha tội” (Mt 26,28). Lời mời gọi đó có nghĩa là: Hãy nên một với Thầy, nên một với sự sống của Thầy.
V. NĂM TOÀN XÁ (25,1-55)
Trong năm thứ bảy, đất sẽ được nghỉ ngơi, một sabat kính Đức Chúa (25,4). Như thế Đức Chúa đã tách riêng năm thứ bảy cho Ngài, trong năm đó đất được coi là thánh. Trong tháng thứ bảy của năm thứ 49 và kéo dài sang năm 50, dân Chúa cử hành năm toàn xá. Trong ngày xá tội, tù và được thổi lên để quy tụ dân, “Các ngươi sẽ công bố năm thứ 50 là năm thánh và sẽ tuyên cáo trong xứ lệnh ân xá cho mọi người sống tại đó. Đối với các ngươi, đó sẽ là thời kỳ toàn xá” (25,10). Dân chúng được trở về gia đình và đất đai của mình (câu 10). Sẽ không gieo gặt trong năm đó (câu 11). Nếu dân tuân theo, họ sẽ được sống yên hàn và đất đai sẽ trổ sinh hoa trái (câu 18-19).
Trong năm toàn xá, người ta có quyền chuộc lại đất (25,23-55), kể cả với những người không có khả năng chuộc lại, “Nếu nó không kiếm được phương tiện để trả tiền lại cho người kia, thì của nó bán sẽ ở lại trong tay người mua cho đến năm toàn xá; đến thời kỳ toàn xá, của bán sẽ ra khỏi tay người mua, và người bán sẽ trở về phần sở hữu của mình” (25,28).
Thật ngỡ ngàng khi đọc lại những quy định này trong sách Lêvi. Ngày nay người ta nói nhiều đến việc giải phóng người nghèo và bảo vệ môi sinh, và coi đó là những điều rất mới mẻ. Thế nhưng từ nhiều thế kỷ trước, sách Lêvi đã có những quy định rất cụ thể về điều này. Như thế ta khám phá Thánh Kinh là một tác phẩm chất đầy tính nhân văn và xã hội. Và nền tảng của những quy định này là: “Đất là của Ta, còn các ngươi chỉ là ngoại kiều, là khách trọ nhà Ta” (25,23). Chỉ Thiên Chúa mới là chủ sở hữu, còn mọi người đều là khách trọ, là ngoại kiều. Khi con người loại bỏ Thiên Chúa ra bên ngoài, chiếm đoạt quyền sở hữu của Thiên Chúa, thì con người cũng biến tha nhân thành nô lệ cho mình, biến thiên nhiên thành phương tiện sản xuất thuần túy. Đó là cội nguồn của tình trạng bất công và áp bức, tàn phá và hủy diệt môi sinh. Hiểu như thế, những quy định trong sách Lêvi về Năm toàn xá là cả một hiến chương mời gọi nhân loại không ngừng suy nghĩ lại về chính mình cũng như về xã hội.
Cách riêng với người tín hữu Chúa Kitô, những quy định về Năm toàn xá mời gọi ta suy nghĩ lại về cách ta cử hành Năm toàn xá. Phải chăng ta chỉ chú trọng đến những cử hành thiêng liêng mà không quan tâm gì đến những đòi hỏi và âm hưởng xã hội chính ra phải có trong năm này? Phải chăng ta chỉ lo tuân giữ những quy định về việc đi viếng nhà thờ hay tham dự các nghi lễ mà không quan tâm gì đến việc biến đổi bản thân và lối sống hằng ngày của mình? Ngay trong cách cử hành thiêng liêng để được hưởng ơn toàn xá, phải chăng ta cũng có những tính toán ích kỷ, dù là ích kỷ về mặt thiêng liêng, để tìm phần rỗi cho riêng mình mà không quan tâm đến sự giải thoát anh em?
Discussion about this post