Quyển 4. SÁCH DÂN SỐ
Sách Dân Số (tiếng Do Thái: במדבר, Bamidbar) là cuốn sách thứ tư trong trong Ngũ Kinh. Sách ghi những cuộc kiểm tra lại dân số trong 12 chi tộc Israel sau khi rời khỏi Ai Cập để đi đến Đất Hứa. Đây không phải là sách chuyển tiếp Xuất Hành hay Lêvi, vì gồm nhiều tài liệu biệt lập nhau, được giữ trong các chi tộc, mãi đến sau thời lưu đày Babilon, một nhà sưu tập thuộc nhóm tư tế gom lại và viết thành sách.
Trong bản văn có sự góp mặt của 3 dòng văn Giavít, Êlôhít và Tư Tế. Một số Luật được thêm vàodưới thời Étra và Nơkhemia. Tuy nhiên, xét toàn bộ, thì những tài liệu gốc đều chịu ảnh hưởng của Môsê, do đó có thể coi Môsê như là tác giả chính.
Sách Dân Số kể lại hai lần kiểm tra dân số của các chi tộc Israel (1,20-46 và 26,5-51) và chi tộc Lêvi (3,14-51 và 26,57-62). Trong sách còn có những danh sách khác được tính bằng số, chẳng hạn danh sách các nhân viên kiểm tra (1,5-15), danh sách các lễ vật cung hiến bàn thờ (7,10-83), danh sách những người đi dò thám đất Canaal (13,4-15), danh sách các lễ vật được dùng trong những ngày lễ (28,1 – 29,38). Dù vậy, đây không phải là nội dung chính của sách Dân Số.
Câu chuyện trong sách Dân Số bắt đầu từ sa mạc Sinai ngay sau khi ký kết giao ước, và kéo dài 40 năm cho đến lúc dân chuẩn bị vào Đất Hứa. Đó là câu chuyện của Dân Chúa trong hành trình sa mạc dưới sự lãnh đạo của Môsê và Aaron. Chủ đề trung tâm của sách là sự hiện diện của Đức Chúa với dân Người trong hành trình sa mạc. Chính Chúa cùng đi với dân và hướng dẫn họ. Về phần dân, họ thường xuyên kêu la trách móc khiến Chúa nổi giận, rồi lại xin Chúa tha thứ.
Cần phải nhìn sách Dân Số như một giai đoạn trong cả câu chuyện dài như thế, bắt đầu từ sách Sáng Thế với công trình tạo dựng, rồi tiếp nối với công trình giải thoát và tuyển chọn Dân Chúa trong sách Xuất Hành, và sau đó là hành trình sa mạc tiến về Đất Hứa.
Có thể chia sách Dân Số thành ba phần:
1. Trong sa mạc Sinai: 1,1-10,10.
2. Từ Sinai đến Cadès: 10,11-19,12.
3. Vào Đất Hứa: 20-36.
1. Trong sa mạc Sinai: 1,1-10,10.
Không dân tộc nào được thuần nhất về nòi giống bằng Israel. Họ phát xuất từ một ông tổ duy nhất là Abraham. Việc kiểm tra dân số nằm ngay đầu sách là một nhắc nhở cho các thế hệ sau thời lư đày về sự hợp nhất huynh đệ của dân, đồng thời chứng minh sự liên tục huyết thống và ơn gọi. Qua ơn gọi bắt đầu từ Abraham, nguồn suối ơn phúc không ngớt chảy tới con cháu trong mọi thời đại.
a, Lời khấn Nazi.
Trước hết cần đặt bản văn này trong bối cảnh Dân Chúa chuẩn bị vào Đất Hứa. Trong bối cảnh đó, sách Dân Số nhấn mạnh đến sự thánh thiện và thanh khiết của cộng đoàn đức tin. Do đó, tác giả lồng vào đây bản văn về lời khấn Nazi, tức là nói đến sự thánh hiến, sự tận hiến hoàn toàn của những cá nhân cho Chúa. Người khấn Nazi dâng mình cho Đức Chúa (câu 21) trong một thời gian (câu 4,5,6,8,12,13). Truyền thống giữ lời khấn này còn được duy trì rất lâu trong dân Chúa, ví dụ trường hợp Samson (Tp 13,5) và Samuel (1Sam 1,11). Truyền thống này vẫn được tiếp tục đến thời thánh Gioan Tẩy giả (Lc 1,15) và thánh Phaolô (Cv 18,18; 21,23-26).
Bản văn về lời khấn Nazi (6,1-21) gồm ba đoạn độc lập: các câu 3-8 mô tả những điều kiện và lề luật người khấn Nazi phải giữ, các câu 9-12 nói đến việc thanh tẩy trong trường hợp bị ô uế, và các câu 13-21 đưa vào nghi thức cử hành khi thời gian khấn chấm dứt. Ở đây ta chỉ tập trung vào đoạn 1 (6,3-8), theo đó người khấn Nazi phải tuân giữ ba điều liên quan đến ăn uống, cắt tóc và tránh xác chết.
Người khấn Nazi phải kiêng rượu và men nồng, “không được uống mọi thứ nước nho, không được ăn nho tươi cũng như nho khô” (câu 3-4). Rượu nho tượng trưng cho văn hoá thành thị, đời sống ổn định tiện nghi với mức sống cao, tức là những khoái lạc ngược với lối sống thanh đạm (Amos 4,1; 6,6). Kế đó, “dao cạo không được đụng đến đầu… phải để cho tóc mọc tự nhiên” (câu 5) vì tóc được coi là dấu chỉ của sự thánh hiến, dấu chỉ phân biệt người dâng mình cho Chúa. Ở đây nên nhớ đến câu truyện về Samson bị cạo đầu và mất sức mạnh. Người khấn Nazi còn “không được tới gần xác chết… kể cả cha mẹ hay anh chị em qua đời” (câu 6-7). Thời xưa người ta tin rằng có mối liên hệ mật thiết giữa chết chóc và sự ác. Sự ác phát xuất từ xác chết và làm cho bất cứ ai chạm đến xác chết bị ô uế, do đó không xứng đáng với Thiên Chúa.
Sự hiện diện của những người khấn Nazi là lời nhắc nhớ thường xuyên cho tất cả cộng đồng rằng họ phải hiến dâng chính mình cho Chúa như thế nào. Cũng vì thế, có nhiều người khó chịu về sự hiện diện đó và tìm cách gài bẫy họ như Amos nhắc tới, “Các ngươi đã bắt các Nazi uống rượu, và ra lệnh cho các tiên tri: các ông không được nói tiên tri” (Amos 2,12).
Những ghi nhận về lời khấn Nazi khiến ta liên tưởng đến những người sống đời thánh hiến ngày nay, những anh chị em sống theo ba lời khấn: khó nghèo, khiết tịnh, và vâng phục. Sự hiện diện của người sống đời thánh hiến là lời nhắc nhớ cho tất cả cộng đoàn Hội Thánh rằng chính Thiên Chúa và Nước Trời mới là kho tàng quý giá nhất mà ta phải kiếm tìm, là nguồn hạnh phúc chân thật và vĩnh cửu, và phụng sự Chúa chính là đường dẫn đến tự do đích thực. Đồng thời sự hiện diện của những người sống đời thánh hiến cũng là dấu chỉ phản kháng lối sống duy vật và hưởng thụ, và mời gọi con người tìm lại những giá trị tinh thần cao quý, gắn liền với phẩm giá con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa.
b, Cột mây.
Trong Thánh Kinh, mây là dấu chỉ sự hiện diện của Chúa. Mây đã dẫn dân ra khỏi Ai Cập (Xh 13,21-22) và che giấu họ khi quân Ai Cập tới gần (Xh 14,19.24). Mây cũng dẫn đường cho dân trong suốt hành trình sa mạc. Mây che phủ Nhà Tạm ban ngày, và ban đêm trông như lửa (9,15-16).
Với hình tượng cột mây như dấu chỉ hiện diện của Chúa, sách Dân Số nhấn mạnh sự hiện diện của Chúa trong hành trình sa mạc, đồng thời nhấn mạnh hai điều. Một là chính cột mây quyết định dân sẽ dừng lại hay đi tiếp (câu 19-22); như thế, việc lên đường hay dừng lại không do dân quyết định mà là do Chúa. Kế đến, Đức Chúa nói với dân qua đám mây. Qua đám mây, họ nhận ra lệnh của Đức Chúa (câu 18,19,23) và làm theo.
Sau khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, người Kitô hữu bước vào hành trình dài tiến về Nước Trời. Trong hành trình đó, ta không đi một mình nhưng chính Chúa đồng hành với ta như Người đã đồng hành với dân Israel trong sa mạc. Sự hiện diện và đồng hành của Chúa được thể hiện qua nhiều dấu chỉ. Liệu ta có đủ tỉnh thức để nhận ra những dấu chỉ đó không, và ta đáp trả những dấu chỉ đó như thế nào?
2. Từ Sinai đến Cadès: 10,11-19,12.
a. Israel nổi loạn.
Khi nghe những người do thám trở về tường thuật về miền đất chảy sữa và mật nhưng khó lòng chiếm được vì dân cư quá hùng mạnh, cả cộng đồng cằn nhằn trách móc Môsê và Aaron, và họ cho rằng thà trở về Ai Cập hay chết trong sa mạc còn hơn (câu 3-4). Như thế là họ phủ nhận chính Chúa, Đấng giải thoát họ. Môsê và Aaron không biết phải giải quyết thế nào. Caleb và Giosua ra sức thuyết phục dân nhưng vô hiệu. Họ đòi ném đá các ông nếu Chúa không can thiệp (câu 10).
Thiên Chúa than phiền với Môsê về thái độ cứng lòng của dân, dù Người đã làm biết bao dấu lạ (câu 11). Và Người đe doạ sẽ dùng ôn dịch mà đánh phạt dân (câu 12). Chính ở đây, ta gặp được chân dung của Môsê, nhà lãnh đạo tuyệt vời của Dân Chúa. Ơng can ngăn Chúa đừng xử phạt dân bằng những lời lẽ thống thiết nhất, và ông khẳng định rằng quyền năng Chúa không được tỏ hiện qua việc trừng phạt nhưng qua “kiên nhẫn và giàu ân nghĩa, chịu đựng lỗi lầm và tội ác nhưng không dung tha điều gì” (câu 17-18).
Dù đã chứng kiến bao kỳ công Chúa thực hiện, dù đã cảm nghiệm tình thương che chở của Thiên Chúa, khi gặp phải thử thách, dân Israel lập tức than phiền trách móc và đòi trở về miền đất nô lệ, nghĩa là họ vẫn không tin vào tình thương và quyền năng của Thiên Chúa. Kinh nghiệm này được lập lại trong đời sống đức tin của mỗi người. Dù vẫn nghĩ là mình tin Chúa và cảm nghiệm được tình thương của Người, ta vẫn không thực sự tin tưởng và phó thác đời mình trong tay Chúa, đặc biệt là khi phải đối diện với những gian nan thử thách. Và vì thiếu niềm tin, ta dễ dàng đi tìm những phương thế và sức mạnh trần gian để cậy dựa cuộc đời mình. Vì thế trình thuật về sự nổi loạn của dân Israel trong sa mạc phải là tấm gương phản chiếu cho ta suy nghĩ lại thái độ sống đức tin của mình.
b. Rắn đồng
Đây là câu truyện cổ xưa nhằm giải thích tại sao lại có con rắn đồng trong Đền thờ Giêrusalem. Sách Các Vua kể rằng vua Hezekia đã ra lệnh “đập tan con rắn đồng Môsê đã làm vì cho đến thời đó, con cái Israel vẫn đốt hương kính nó” (2V 18,4).
Trình thuật về rắn đồng cũng diễn ra giống như những trình thuật về sự nổi loạn của dân Israel: nổi loạn – hình phạt – can thiệp – tha thứ (x. 11,1-3; 12,2-16; 17,6-15; 21,4-9). Dân chúng lại than phiền vì không có bánh ăn và nước uống, và chỉ mong trở lại Ai Cập (câu 5). Đức Chúa bèn ra hình phạt bằng cách để cho rắn độc xuất hiện, và nhiều người phải chết. Dân lại chạy đến với Môsê xin ông can thiệp. Đức Chúa nhận lời cầu khẩn của Môsê và sai ông làm một con rắn, treo lên một cây cột. Những ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng, sẽ được sống. Ở đây không phải là chuyện con rắn mà là chuyện của đức tin và vâng phục. Nhìn lên con rắn đồng mà chính Chúa đã truyền cho Môsê làm là thái độ diễn tả sự vâng phục đối với mệnh lệnh của Chúa và tin vào Người. Điều đặc biệt đáng quan tâm là Thiên Chúa đã không dùng một phương thế nào khác để chữa lành cho dân, nhưng đã lấy chính hình tượng con rắn là con vật gây bệnh tật và chết chóc, để chữa lành cho họ.
Chúa Giêsu đã nhắc lại hình ảnh rắn đồng để nói về ơn cứu độ, “Như Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc thế nào, thì Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (Ga 3,14). Và khi kể lại việc một người lính lấy ngọn giáo đâm vào cạnh sườn Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thập giá, thánh Gioan đã nhắc lại lời Kinh Thánh, “Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu” (Ga 19,37). Thiên Chúa đã thực hiện công trình cứu độ bằng đường lối thật lạ lùng. Thập giá vốn bị coi là hình phạt nặng nề dành cho những phạm nhân ghê gớm lại trở thành phương thế cứu độ nhân loại nếu ta biết nhìn lên Đấng chịu đóng đinh với tất cả tin yêu và hi vọng. Quả thật, “trong khi người Do thái đòi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hi lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng Đấng Kitô chịu đóng đinh, điều mà người Do thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ” (1Cor 1,22-23).
3. Vào Đất Hứa.
a. Giôsua kế nhiệm Môsê.
Giai đoạn lãnh đạo của Môsê sắp chấm dứt. Đức Chúa ra lệnh cho Môsê đi đến dãy núi Abarim, đến Nebo là nơi Aaron đã qua đời (20,22-26) để từ đó nhìn thấy Đất Hứa (x. Đnl 32,48-52; 33,47; 34,1-6). Đức Chúa cũng cho biết Môsê sẽ không được vào Đất Hứa vì sự bất trung của dân tại Meriba (x. 20,2-13).
Mối quan tâm cuối cùng của Môsê là làm sao dân Chúa có người lãnh đạo “để cộng đồng của Đức Chúa đừng giống như đàn chiên không có mục tử chăn dắt” (27,17). Môsê quả là vị lãnh đạo mẫu mực. Oâng không nghĩ đến bản thân mình. Dù không được đặt chân vào Đất Hứa sau bao nhiêu khó nhọc phải chịu vì dân, ông cũng không buồn phiền khó chịu, mà chỉ nghĩ đến ích lợi của dân, ước mong dân có được người lãnh đạo tốt nhất. Theo nguyên văn, vị lãnh đạo này là người sẽ “ra vào trước họ và dẫn họ ra vào” (27,17). Đây là những từ chuyên môn để mô tả vai trò lãnh đạo về chính trị và quân sự (x. 1Sam 18,13.16; 29,6; Giosua 14,10-11). Như thế, người kế vị Môsê sẽ dẫn dắt dân trong những cuộc chiến chinh phục đất đai và định cư trên vùng đất mới.
Người được chọn là Giôsua, con của Nun. Oâng là người có thần khí nơi mình và đã chứng tỏ có khả năng lãnh đạo (x. 11,28; 14,6.30.38). Nghi thức trao quyền cho thấy sự phân biệt giữa vai trò của tư tế và vai trò của nhà lãnh đạo chính trị. Giôsua đứng trước mặt tư tế Eleazar và toàn thể cộng đồng, và Môsê đặt tay trên ông (27,18), một cử chỉ nói lên việc trao quyền bính cho người kế vị. Tuy nhiên, nếu Môsê là người đã lãnh nhận những chỉ thị trực tiếp từ Đức Chúa (x. 12,6-8), thì Giôsua sẽ nhận sự hướng dẫn qua vị tư tế. Tư tế sẽ “đến trước nhan Đức Chúa mà xin thẻ xăm Urim” cho Giôsua; nhờ đó Giôsua biết được quyết định của Chúa.
Với nghi thức này, Giôsua lãnh nhận quyền bính từ Môsê, để “toàn thể cộng đồng con cái Israel nghe lời ông “ (27,20). Thế nhưng Giôsua và bất cứ vị lãnh đạo nào sau này cũng không thể sánh với Môsê được. Những chi tiết trong trình thuật muốn diễn tả vai trò đặc biệt của Môsê trong toàn bộ lịch sử Israel. Trình thuật này cũng cho thấy từ thời Giôsua, có sự phân biệt giữa quyền bính của các tư tế và quyền lực chính trị. Đây là vấn đề được quan tâm nhiều trong thời hậu lưu đày (x. Ez 45,17; 46,2).
Trình thuật này giúp ta ý thức về vai trò của các vị lãnh đạo trong Giáo Hội. Sự tuyển chọn không đến từ con người nhưng đến từ chính Thiên Chúa. Môsê đã không tự chọn, ông chỉ nói lên tâm nguyện của mình, và chính Chúa sai Môsê chọn Giôsua. Việc chọn lựa này phát xuất từ tấm lòng yêu thương của Chúa dành cho dân để họ không phải bơ vơ như đoàn chiên không có người chăn dắt. Do đó người lãnh đạo được chọn không để thoả mãn bất cứ tham vọng cá nhân nào của họ nhưng chỉ nhằm mục đích phục vụ dân, và đó cũng là thước đo giá trị của việc lãnh đạo.
b. Phân chia đất Canaal.
Nhiệm vụ đầu tiên khi qua sông Giođan và vào đất Canaal là đuổi mọi dân cư ở đó ra khỏi đất, và phá hủy mọi “hình ảnh, tượng đúc, nơi cao” của họ (33,51). Ngày nay, trong một thời đại đề cao sự khoan dung tôn giáo, ta cảm thấy mệnh lệnh này thật khó hiểu và khó chấp nhận. Thiết nghĩ phải đặt mệnh lệnh này vào trong đúng bối cảnh của nó. Tác giả nhấn mạnh đây là miền đất Đức Chúa ban cho Israel làm gia nghiệp, và đó cũng là dấu chỉ giao ước giữa Đức Chúa và dân Israel (33,54). Tương quan giao ước đòi hỏi tình yêu và sự trung thành tuyệt đối. Vì thế trên miền đất của giao ước, không thể tồn tại bất cứ cái gì không thuộc về Thiên Chúa của Israel.
Cũng vì thế, nếu mệnh lệnh này không được tuân giữ thì dân sẽ phải chịu lời nguyền rủa: “Nếu các ngươi không đuổi các dân cư trong xứ cho khuất mắt, thì những kẻ các ngươi để sót lại sẽ nên như gai chọc mắt, như mũi nhọn đâm sườn; chúng sẽ quấy rối các ngươi trên đất các ngươi ở. Và bấy giờ, Ta sẽ đối xử với các ngươi như Ta đã định đối xử với chúng” (33,55-56). Sau này, trong cảnh lưu đày, dân Israel sẽ thấm thía những lời này hơn bao giờ.
Đức Chúa cũng ra những chỉ thị cụ thể về việc phân chia đất: “Các ngươi sẽ bắt thăm để chia nhau đất ấy làm gia nghiệp…” (33,54). Việc bắt thăm làm nổi bật ý nghĩa đây là miền đất Thiên Chúa ban cho Israel chứ không phải do họ tự chiếm được. Riêng chi tộc Lêvi, vì không có phần đất riêng làm gia nghiệp, nên mỗi chi tộc phải nhường một số thành của mình làm nơi ở và sinh sống cho những người thuộc chi tộc Lêvi (35,2-5).
Như thế, nội dung căn bản ở đây là đòi hỏi trung thành triệt để và không khoan nhượng. Đã ký kết giao ước với Thiên Chúa, dân phải sống tương quan giao ước đó cách triệt để và trọn vẹn. Aâu cũng là đòi hỏi tất yếu của bất cứ tương quan tình yêu nào. Tình yêu vợ chồng tự nó lại chẳng hàm chứa đòi hỏi triệt để và trọn vẹn như thế sao? Nếu ta đọc bản văn này từ tầm nhìn của giao ước tình yêu như thế, đây sẽ là bản văn rất đáng để suy gẫm cho đời sống đức tin, cho tương quan giao ước mà ta đã ký kết với Thiên Chúa, để xem mình đã sống tương quan đó ra sao, và cần phải sửa đổi những gì.
BÀI HỌC TỪ SÁCH DÂN SỐ [1]
1. Lòng yêu thương kiên nhẫn của Thiên Chúa.
Sách Dân Số nhắc lại cho cho các thế hệ muôn ơn lành mà Thiên Chúa ban cho dân tộc suốt cuộc hành trình trong sa mạc để khuyến khích họ sống trung thành với Thiên Chúa, nhưng biết bao lần dân Israel bất tuân và phản loạn.
Thế nhưng, dù dân phản loạn, Thiên Chúa vẫn tỏ ra là một người Cha nhẫn nhục và yêu thương. Người ban Thần Khí trên 70 vị kỳ mục để họ làm cộng sự cho Môsê; dân đòi ăn thịt thì Người cho chim cút đến, dân đòi nước uống thì Người cho nước từ tảng đá trào ra; họ bị rắn cắn vì phản loạn thì Thiên Chúa đã ban phương thế chữa trị…
Như thế, lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa đối với dân thật lớn lao. Đó là kết quả của tình yêu chung thuỷ vô bờ bến. Ngay cả nhà ‘tiên tri” ngoại đạo Balaam chúc dữ thì cũng bị Thiên Chúa bắt phải chúc lành cho Israel (x. Ds 22-24).
2. Sự hiền từ của Môsê.
Môsê được tác giả thư Do Thái (Tân Ước) khen tặng là người đầy lòng tin: “Nhờ đức tin, ông Môsê, khi lớn lên đã từ chối không chịu cho người ta gọi là con của công chúa Pha-ra-ô;ông thà cùng chịu ngược đãi với Dân Thiên Chúa còn hơn là được hưởng cái sung sướng chóng qua do tội lỗi mang lại; ông coi sự ô nhục của người được xức dầu là của cải quý báu hơn các kho tàng của người Ai-cập, vì mắt ông vẫn đăm đăm nhìn phần thưởng mai sau. Nhờ đức tin, ông bỏ Ai-cập mà không sợ cơn thịnh nộ của nhà vua; ông vững vàng không nao núng, như thể xem thấy Đấng vô hình. Nhờ đức tin, ông đã cử hành lễ Vượt Qua và rảy máu để Thần tiêu diệt khỏi đụng đến các con đầu lòng” (Dt 11,27-29). Môsê đã kiên trì không những trong cơn đau khổ do cuộc hành trình cam go, mà nhất là trong khi chịu đựng dân Israel, một dân mà sách Dân Số này trình bày là quân cứng đầu, vô ơn và phản loạn. Nhưng trong những cay đắng, Môsê luôn biết nhìn lên Giavê. Chính ở điểm này làm toát lên một Môsê hiền từ và khiêm tốn luôn đặc chữ phục vụ lên trên hết. Dĩ nhiên có những lúc quá tuyệt vọng, ông như than thân trách phận, nhưng rồi vì thương dân ông đã van nài lòng khoan dung của Giavê.
Câu chuyện trong Ds 14,11-12 minh chứng lòng “từ mẫu” của Môsê đối với dân tộc mình. Sự quên mình của Môsê đáng làm gương cho các nhà lãnh đạo mọi thời đại. Môsê rất thiết tha với ơn gọi của mình, không đặt nặng vào vấn đề thành công hay thất bại, ngay cả việc vào Đất Hứa ông cũng không được hưởng. Bản văn Dân Số không cho biết đích xác nguyên do, nhưng không nên coi đó như là một hình phạt mà là một hy sinh cao cả mà Thiên Chúa muốn người tôi trung dâng lên Người, ngay trong lúc toàn dân sắp đạt đến đích.
Môsê được xem như tiền thân của Đức Kitô, Đấng đã chết cho phần rỗi nhân loại. Thật vậy, Môsê phải hy sinh cho sự vững mạnh của một dân tộc mà ông cưu mang. Trong suốt đời phục vụ có lẽ chưa có ai được sống gần Chúa như ông: “Nếu trong các ngươi có ai là ngôn sứ, thì Ta, ĐỨC CHÚA, Ta sẽ tỏ mình ra cho nó trong thị kiến, hoặc sẽ phán với nó trong giấc mộng. Nhưng với Mô-sê tôi tớ Ta thì khác: tất cả nhà Ta, Ta đã trao cho nó. Ta nói với nó trực diện, nhãn tiền, chứ không nói bí ẩn, và hình dáng ĐỨC CHÚA, nó được ngắm nhìn. Vậy tại sao các ngươi không sợ nói động đến Mô-sê, tôi tớ Ta? ” (Ds 12,6-8).
Discussion about this post