SÁCH RÚT
Sách Rút là câu chuyện về bà Rút, người Mô-áp, vợ một người ở Bê-lem tới lập cư tại Mô-áp. Sau khi chồng chết, bà đã trở về Giu-đa với mẹ chồng là bà Na-o-mi và đã cưới Bô-át, một người bà con của chồng, theo luật “anh em chồng” [1] (x. Mc 12,19). Con của hai người là Ô-vết, sẽ là ông của Đa-vít (Ô-vết sinh Gie-sê, Giê-sê sinh Đa-vít).
Trong bản Hy-lạp (LXX), La-tinh (Vulgata) và các bản dịch mới, sách Rút được đặt liền sau sách Thủ lãnh, vì truyện xảy ra vào thời kỳ này, dù vấn đề sáng tác văn chương của sách Rút không có liên hệ gì đến sách Thủ Lãnh. Bản Do-thái đặt trong bộ năm cuốn để đọc trong các dịp lễ nhất định: Diễm Ca đọc dịp lễ Vượt Qua; Rút đọc dịp lễ Ngũ Tuần; Ai Ca đọc ngày 9 tháng Áp, kỷ niệm Đền Thờ bị thiêu hủy; Giảng Viên đọc dịp lễ Lều và Ét-te đọc ngày lễ Pu-rim.
Người ta tranh luận rất nhiều về thời kỳ soạn tác sách này. Mọi thời từ Đavit, Sa-lô-mon tới Nêhêmia được đưa ra làm giả thiết. Đây là một câu chuyện xây dựng, mục đích chỉ là vạch cho thấy lòng tin tưởng đặt nơi Thiên Chúa quan phòng và tinh thần phổ quát ấy là giáo huấn của trình thuật. Sự kiện Rut nhìn nhận là tổ mẫu của Đavit đã đem lại cho cuốn sách một giá trị đặc biệt và thánh Matthêu sau này trong Tân Ước sẽ ghi tên Bà Rút trong gia phả của Đức Kitô (x. Mt 1,5).
I. Xuất xứ.
Mặc dù đề tài của Rut đưa về thời các Thủ Lãnh (x. R 1,1), nhưng sách không thuộc soạn tác theo tinh thần Đệ Nhị Luật, mặc dù soạn tác này chạy dài từ Giôsuê tới cuối Các Vua.
Truyện này có lẽ được viết vào thế kỷ IV trước CGS, với một văn phong khoáng đạt và vượt lên trên chủ nghĩa quốc gia, vì trước đó không lâu, Ét-ra đã buộc người Do Thái một khi đã hồi hương trên đất Palestin phải ly dị các bà vợ ngoại bang, vì các bà này có thể kéo theo các ông và con cái họ theo tà thần dân ngoại (x. Er 10, 15-14). Sách Rút thì ngược lại, dường như tác giả muốn bênh vực hôn nhân của một người gốc ngoại giáo mẫu mực cao đẹp, nên đã tìm trong sử cũ, nhất là qua dòng họ triều đình Đa-vít để viết lên câu truyện tinh tế này và vai chính trong sách là một người đàn bà ngoại bang. Thật vậy, bà Rút tin nhận Thiên Chúa của Israel và được đón nhận vào cộng đồng dân Chúa.
II. Bố cục.
Cuốn sách chỉ có vỏn vẹn 4 chương, không nhất thiết phải chia bố cục để phân tích vì tính liên tục của câu truyện, nhưng có thể tạm thời tách ra thành từng đoạn như sau để dễ nhớ:
a, Dẫn nhập: Câu chuyện giữa người mẹ Na-o-mi (xinh đẹp, giàu có, nhưng bất hạnh vì chồng và các con trai đều chết) với người con dâu (1,1-22).
b, Diễn tiến việc Rút trở thành vợ ông Bô-át (2,1-4,17).
c, Một đoạn thêm vào 4,18-22, trình bày một phổ hệ Đa-vít, song song với 1Sbn 2,5-15.
III. Nội dung
Có nhiều cách giải thích nội dung sách Rút, ví dụ đề cao những nhân đức trong đời sống gia đình qua hình tượng các nhân vật như ông Bô-át và bà Rút, hoặc phê phán những quan niệm thời xưa về hôn nhân… Tuy nhiên nội dung chính yếu cần đề cập tới là dung mạo Thiên Chúa được bày tỏ qua tác phẩm, và đức tin hiểu như sự đáp trả của con người trước tiếng gọi của Thiên Chúa.
a. Bà Na-o-mi.
“Đừng gọi tôi là Naomi nữa, hãy gọi tôi là Mara” (1,20). Mara có nghĩa là Chúa giáng phạt: “Đấng Toàn năng đã bắt tôi phải chịu quá nhiều cay đắng.” Lý do dẫn bà Ruth đến tâm trạng cay đắng này là vì bà bị mất tất cả: “Tôi ra đi, của cải dư đầy, Đức Chúa đem tôi về, hai bàn tay trắng” (1,21); không những mất của cải mà còn rơi vào tình trạng góa bụa cô đơn.
Thiên Chúa bị coi là nguyên nhân mọi đau khổ: “Đức Chúa đã làm cho tôi tủi nhục, Đấng Toàn năng đã để tôi đau khổ” (1,21); vì thế không còn thấy được dung nhan Thiên Chúa tình yêu. Nhận xét này mời gọi ta nhìn lại kinh nghiệm cá nhân của mình khi phải đối diện với đau khổ. Ta cũng rất dễ đánh mất niềm tin và cậy trông vào Thiên Chúa khi phải đối diện với những thử thách và đau khổ. Đây thực sự là một vấn nạn lớn, đúng hơn là một mầu nhiệm và ta chỉ tìm được câu trả lời khi chiêm ngắm Chúa Kitô chịu đóng đinh.
b, Bà Rút
Rút gắn bó với mẹ chồng: “Mẹ đi đâu, con đi đó; mẹ ở đâu, con ở đó, dân của mẹ là dân của con, Thiên Chúa của mẹ là Thiên Chúa của con” (1,16). Bà lại là người có lòng nhân hậu, lo cho mẹ già: “Người ta đã kể lại cho ta nghe tất cả những gì con đã làm cho mẹ chồng sau khi chồng con mất…” (2,12)[2]. Khi nhắc lại những phẩm tính cao đẹp của Rút, tác giả nhằm đề cao tình nghĩa gia đình và lòng trung tín với những nghĩa vụ thiêng liêng trong gia tộc. Đàng khác, câu truyện cũng ngụ ý rằng Thiên Chúa của Israel chấp nhận và ân thưởng công đức và lòng tin tưởng của một người phụ nữ ngoại bang, làm cho bà trở thành tổ mẫu của dòng họ Đa-vít.
Xem ra chính bà Naomi đã sắp xếp mọi sự và đã đạt được mục đích: chính bà khuyên Rút đến với ông Bô-át (3,1-4) và bà đã có người bảo tồn dòng dõi (4,14-15). Tuy nhiên khi đạt kết quả thì chính Thiên Chúa lại được ca tụng: “Chúc tụng Đức Chúa, Đấng hôm nay đã không để cho bà phải thiếu thốn người bảo tồn dòng dõi: tên tuổi con trẻ sẽ được tung hô tại Israel” (4,14). Như thế, tác giả đã nhìn mọi sự từ quan điểm đức tin. Chính Thiên Chúa là Chủ mọi sự. Ngài vận dụng mọi sự nhằm mục đích cứu độ con người, kể cả thông qua những tính toán tự nhiên của con người.
[1] Trong dân Israel ngày xưa, dường như biện pháp tốt nhất để bảo vệ phẩm giá và quyền tự do của các gia đình khiêm tốn nhất là bảo tồn phần gia tài của gia trưởng và tuyên bố là không thể chuyển nhượng phần đất thuộc về ôngtrên lãnh thổ của chi tộc ông. Khi một người đàn ông chết mà không có con, thì một người đàn ông họ hàng với người ấy có thể (và có bổn phận, nếu có phương tiện) chuộc phần đất của người ấy và cho người ấy một đứa con thừa kế được chính thức thừa nhận là dòng dõi của người ấy (x. Mc 12,19).
[2] Tấm gương của bà Rút làm ta liên tưởng đến lời nhắn nhủ của thánh Phaolô về đời sống gia đình: “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này. Những bậc làm cha mẹ, đừng làm cho con cái tức giận nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy” (Eph 6, 1-4). Tấm gương của bà Rút còn mời gọi ta nhìn lại mối quan hệ của ta với Thiên Chúa: trong đời sống đức tin, liệu ta có gắn bó với Chúa trong mọi hoàn cảnh như bà Ruth gắn bó với gia đình nhà chồng?
Discussion about this post