• Trang chủ
  • Suy niệm
  • Học hỏi Thánh Kinh
  • Đức Mẹ – Chư thánh
  • Thơ Suy Niệm TM
  • Tản mạn
  • Liên Hệ
No Result
View All Result
  • Trang chủ
  • Suy niệm
  • Học hỏi Thánh Kinh
  • Đức Mẹ – Chư thánh
  • Thơ Suy Niệm TM
  • Tản mạn
  • Liên Hệ
No Result
View All Result
No Result
View All Result
Home Học hỏi Thánh Kinh

SÁCH XUẤT HÀNH (chú giải THẬP GIỚI)

Loạt bài tìm hiểu Các Sách Thánh Kinh

BTV: Thùy Dương by BTV: Thùy Dương
30/04/2019
in Học hỏi Thánh Kinh
0
414
SHARES
1.2k
VIEWS
Share on FacebookShare on Twitter

CHÚ GIẢI THẬP GIỚI

Người ta quen xếp 10 giới răn thành 2 bảng: bảng thứ nhất gồm những giới răn 1,2 và 3; bảng thứ hai gồm 7 giới răn còn lại.

1. Những giới răn thuộc bảng thứ I là những giới răn quan trọng và độc đáo nhất . vì :

. Chúng đề cập trực tiếp đến những liên hệ giữa Israel với Giavê. Đó là những liên hệ độc chuyên.

. Qua những giới răn thuộc bảng này, ta hiểu rằng Thập giới không đi từ con người lên Thiên Chúa nhưng từ Thiên Chúa xuống con người.

Tiêu chuẩn hướng dẫn luân lý Israel không phải là những phong tục của các dân chung quanh mà là chính ý muốn của Giavê (Nhớ lại bản chất của nguyên tội ngày xưa là : con người muốn tự đặt ý riêng mình làm tiêu chuẩn hướng dẫn luân lý).

2. Đây cũng là những giới răn độc đáo so với những bộ luật của xã hội và các dân tộc chung quanh Israel. Trong những bộ luật này ta chỉ thấy những điều thuộc bảng thứ 2 như : không được giết người , không được ngoại tình, không được trộm cắp vv. Sở dĩ không thể tìm gặp những giới răn thuộc bảng thứ I nơi các bộ luật ấy là vì đối với những dân ấy con người không thể gặp được thần linh trong cuộc sống đời này mà chỉ gặp được ở đời sau thôi.

3. Bảng thứ I cũng định hướng cho bảng thứ II : những quy định về quan hệ với tha nhân cũng là do Thiên Chúa của bảng thứ I quy định. Đấng đã phán “Ngươi không được thờ thần nào khác ngoài TA” cũng là Đấng đã phán “Ngươi không được giết người “. Nói cách khác : Không giết người không phải chỉ là tôn trọng 1 quyền căn bản của con người, mà chính là tôn trọng ý muốn của Thiên Chúa.

 

I. GIỚI RĂN I

A. Tìm hiểu bản văn.

1. Tuyên bố căn bản : Xh 20,3 / Đn l 5,7

“Sẽ không có cho ngươi những thần khác trước nhan Ta”

– Câu này giống với công thức của lời tuyên bố căn bản trong những hiệp ước giữa 2 nước với nhau. Mỗi khi 1 Đại Vương ký 1 hiệp ước với 1 chư hầu. Đại Vương ấy buộc chư hầu phải tuyệt đối thần phục mình : “Từ nay ngươi không được thần phục 1 uy quyền nào khác ngoài Ta”

– Bởi vậy câu này cũng là lời tuyên bố căn bản của hiệp ước Thập giới mà Đại vương Giavê ký với chư hầu Israel : từ nay Israel không được thờ bất cứ thần nào khác ngoài 1 mình Giavê. Vì đây là lời tuyên bố căn bản nên nó là nền tảng của mọi giới răn khác. Vi phạm nó không phải chỉ là vi phạm giới răn I mà là vi phạm toàn bộ giao ước Thập giới, là chối bỏ giao ước đã ký kết với Giavê.

– “Sẽ không có cho ngươi những thần khác trước nhan Ta”, kiểu nói này chưa rõ ràng đề cập tới vấn đề độc thần (bởi vì còn nói tới “những thần khác”) mà chỉ mới đề cập tới vấn đề độc tôn Giavê. Câu này như muốn nói rằng mặc dù các dân khác còn thờ những thần khác, nhưng dân Israel chỉ được thờ 1 mình Giavê mà thôi. Thực ra Thiên Chúa là 1 nhà giáo dục khéo : ngay từ đầu chưa dễ gì làm cho Israel hiểu chỉ có 1 mình Ngài là Thần thật sự, còn các thứ gọi là thần kia chỉ là giả trá. Bởi đó ở bước đầu này Ngài chỉ cần cấm họ không được thờ các thần khác ; sau này qua dòng lịch sử Ngài sẽ dạy thêm để cuối cùng họ sẽ nhận thức được sự giả trá của các thần kia (x. Tv 115,4-6)

– Những quản diễn cho lời tuyên bố căn bản trên : vì nội dung của lời tuyên bố này rất phong phú nên sách Đnl quản diễn ra bằng nhiều cách, mỗi cách cho thấy 1 khía cạnh của việc độc tôn Giavê :

a) “Ngươi không được chạy theo các thần khác” (Đnl 6,14-15 x 8,19) Đây là kiểu nói vay mượn từ lãnh vực quân sự : ai đã chọn tướng nào thì phải tuyệt đối đi theo tướng đó, không được chạy theo tướng khác. Israel cũng thế, phải chọn hoặc theo Giavê hoặc theo các thần khác. Nếu đã chọn Giavê rồi thì không được chạy theo các thần kia nữa. Kiểu nói này nhấn mạnh tới sự chọn lựa và sự trung thành với chọn lựa ấy.

b) “Hỡi Israel hãy lắng nghe … ngươi sẽ yêu mến Giavê ..” (Đnl 6,4-5). Kiểu nói này vay mượn từ lãnh vực chính trị : trong các hiệp ước giữa các nước, bổn phận của chư hầu phải trung thành với Đại Vương được diễn tả bằng động từ “Yêu mến”. Chư hầu phải “Yêu mến” Đại Vương nghĩa là phải trung thành với những điều khoản trong hiệp ước đã ký kết với Đại Vương đó. Israel cũng thế, họ phải “Yêu mến” Giavê bằng cách trung thành tuân giữ Giao ước : “Những ai yêu mến Ngài thì tuân giữ các giới răn của Ngài” (Đnl 5,10). Nhưng tại sao phải yêu mến Giavê ? Thưa vì Ngài đã yêu mến họ trước (x Đnl 10,12-15). Kiểu nói này cũng nhắc lại sự trung thành nhưng đặt nền tảng sự trung thành này trên lòng yêu mến.

c) “Ngươi phải kính sợ Giavê Thiên Chúa của ngươi” (Đnl 6,13-15). Kiểu nói này vay mượn từ lãnh vực tôn giáo : kính sợ là tình cảm của con người khi đứng trước sự uy nghi của Thiên Chúa (x Đnl 5,4-5.23-29). Đây không phải là sự sợ hãi dẫn tới sự trốn tránh, mà là sự kính cẩn nể phục đối với Thiên Chúa uy nghi vĩ đại. Chỉ với lòng kính sợ Giavê, Giao ước mới khỏi biến thành 1 thứ giao kèo giữa 2 thành viên ngang hàng với nhau. Lòng kính sợ này không hề xung khắc với tình yêu nhưng đi kèm với tình yêu. Như thế kiểu nói này nhấn mạnh tới tính uy nghi của Thiên Chúa.

d) “Ngươi hãy nhớ đến Giavê Thiên Chúa của ngươi” (Đnl 8,12-20). Khi đã vào Đất Hứa, được hưởng một cuộc sống sung túc, dễ dãi, Israel có thể bị cám dỗ tự mãn và không cần đến Giavê nữa, do đó quên đi Giao ước. Vậy muốn trung thành với Giao ước thì phải luôn luôn nhớ đến Giavê và những việc kỳ diệu Ngài đã làm cho họ. Như thế kiểu nói này nhấn mạnh tới lòng nhớ ơn.

e) “Ngươi đừng tự nhủ trong lòng rằng ấy chính vì đức nghĩa của tôi…” (Đnl 9,4-6) : 1 cám dỗ nữa đối với Israel là khi đã trung thành tuân giữ các giới răn, họ sẽ tưởng rằng họ được những ơn phúc – nói cách khác, họ sẽ được công chính – là nhờ sức riêng họ. Như vậy, tuy họ giữ hết các giới răn nhưng lại đang vi phạm giới răn thứ I và căn bản nhất là tôn thờ, yêu mến và cậy dựa vào sức mạnh của 1 mình Giavê mà thôi. Vậy kiểu nói này nhấn mạnh tới sự cậy dựa vào 1 mình Thiên Chúa.

Tóm lại, qua những cách quảng diễn của sách Đnl, ta hiểu được thế nào là sự độc tôn Giavê như giới răn thứ I đã truyền. Đó là :

. Chọn Giavê và loại bỏ những thần khác

. Hết lòng yêu mến Ngài

. Kính sợ Ngài

. Không được quên ơn Ngài

. Và chỉ cậy dựa vào sức mạnh của 1 mình Ngài.

 

2. Những lời tiếp theo : Xh 20,4-6 / Đnl 5,8-10

Xh 20,4 “Ngươi sẽ không làm ra ảnh hoặc hình của bất cứ sự gì trên trời, dưới đất, trong nước bên dưới đất. Ngươi sẽ không thờ lạy chúng và phụng sự chúng, vì Ta Giavê của ngươi, Ta là Thiên Chúa ghen tuông phạt tội cha ông trên con cháu đến 3,4 đời đối với những ai thù ghét Ta và giữ nghĩa dư ngàn đối với những ai yêu mến Ta và giữ các lệnh truyền của Ta”.

. Câu 4 cấm làm ảnh tượng của ai : của Giavê hay của những thần khác ?

. Câu 5 cấm thờ lạy và phụng sự chúng, nhưng không rõ chúng là ai, là những tượng của Giavê hay của những thần khác ?

a) Đây là luật cấm làm ra những ảnh tượng của Giavê. Người Tin Lành ngày nay theo lối giải thích này nên tuyệt đối không chấp nhận bất cứ hình vẽ hoặc tượng tạc, tượng đúc nào về Thiên Chúa hay về Đức Giêsu. Và vì theo lối giải thích này nên có người cho những câu này làm thành 1 giới răn khác, giới răn thứ 2, mang nội dung mới hẳn so với giới răn thứ nhất.

b) Đây là luật cấm làm ra ảnh tượng của những thần khác. Người công giáo ngày nay theo lối giải thích này nên chấp nhận những ảnh tượng của Thiên Chúa, Đức Giêsu, Đức Mẹ và các Thánh. Và giải thích này cho rằng luật cấm ra làm ảnh tượng các thần khác chỉ là 1 cách phát biểu khác của giới răn I dạy độc tôn Giavê, nên những câu này cũng là thành phần của giới răn I.

– Một bản văn cắt nghĩa luật cấm ảnh tượng : Đnl 4,15-25

Trong sách Đnl, chương 4 là phần được viết muộn nhất (chương 5 chép Thập giới được viết sớm hơn), gồm 1 bài huấn dụ về ý nghĩa của giới răn I và cũng là bản văn chú giải duy nhất về luật cấm ảnh tượng của sách Đnl. Phân tích chương 4 này, ta có thể tìm được lời giải đáp cho vần đề gây tranh luận ở trên.

c 15 cho biết lý do của luật cấm ảnh tượng : đó là vì xưa kia ở núi Sinai, Israel đã không trông thấy 1 hình thù nào cả mà chỉ nghe tiếng phán của Giavê. Đây chính là nền tảng khách quan của luật cấm ảnh tượng.

c 16-19 quản diễn luật cấm ảnh tượng như sau : “Các ngươi đừng ra hư hốt mà tạc tượng thần, hình thù mọi thứ ngẫu tượng, dáng đàn ông hay đàn bà, dáng các loài thú vật trên đất, dáng các giống chim cò cánh bay trên trời, dáng cácloài bò dưới đất, dáng các loài cá trong nước. Khi ngước mắt lên trời và thấy mặt trời, mặt trăng, tinh tú, tất cả các thiên binh bầu trời, ngươi đừng để bị quyến rũ mà bái lại chúng và phụng thờ chúng”. Đoạn này kể ra những thứ bị coi là ngẫu tượng bị cấm là : những ảnh tượng có dáng đàn ông, đàn bà, thú vật, chim, loài bò sát, cá, mặt trời, mặt trăng, tinh tú. Chúng tượng trưng cho ai: Giavê hay các thần khác ? Qua dòng lịch sử chưa thấy lần nào Giavê muốn lấy những ảnh tượng đó để tượng trưng cho mình. Ngược lại, dân Canaal thường xuyên dùng chúng để tượng trưng cho các thần của họ. Vậy đây chính là ảnh tượng của các thần khác.

 

Kết luận:

– Nội dung của giới răn I nằm trong các câu Xh 20,3-6 ; Đnl 5,7-10

– Giới răn này được phát biểu dưới hình thức thứ nhất ở c 3 là phải độc tôn Giavê.

– Và còn được phát biểu dưới hình thức thứ 2 ở cc 4-6 là cấm làm các ảnh tượng của các thần khác và thờ phượng chúng.

– Như thế việc làm các ảnh tượng của Thiên Chúa không bị cấm.

 

B. Dưới ánh sáng Tân Ước.

1. Đức Giêsu.

– Khi 1 người biệt phái hỏi “Trong luật, đâu là giới răn trọng nhất ?”, Đức Giêsu đưa ra giới răn I, nhưng Ngài không dựa vào câu văn trong bản văn Thập giới, mà là Đnl 6,4-5 “Ngươi sẽ yêu mến Giavê Thiên Chúa của ngươi hết lòng hết linh hồn và hết sức lực ngươi.” Tiếp đó Ngài lại nói thêm “Đó là giới răn đệ nhất” (x Mt 22,38)

Khi trình bày giới răn I như thế, Đức Giêsu vẫn coi đó là giới răn quan trọng nhất của Thập giới, tuy nhiên phải sống giới răn này 1 cách tích cực, nghĩa là không phải chỉ không tạc vẽ ảnh tượng các thần khác, mà còn phải tận hiến cho Thiên Chúa. Đây chính là điều mà người biệt phái hay quên : Họ giữ các chi tiết quy định của giới răn I hết sức tỉ mỉ nhưng lại bỏ sót cái quan trọng nhất là tận hiến mình cho Thiên Chúa : “Khốn cho các ngươi hỡi những người biệt phái. Các ngươi lo nội thuế thập phân về bạc hà, vàng hương, rau cỏ mọi thứ mà lại lãng quên lòng chính trực, lòng yêu mến Thiên Chúa” (Lc 11,62) ; Đồ giả hình, chí lý thay điều Isaia đã tuyên sấm trên các ngươi : Dân này tôn kính ta ngoài môi miệng, còn lòng chúng xa ta một vời.” (Mt 15,8 Is 29,13).

– Trước toà án, Khi vị Thượng Tế nhân danh Thiên Chúa buộc Ngài tuyên bố rõ Ngài có phải là Đức Kitô con Thiên Chúa không, Đức Giêsu trả lời rằng “Ông nói đúng” (Mt 26,64-65). Nếu Đức Giêsu là con Thiên Chúa thì từ nay ta phải mở rộng đối tượng của giới răn I : không phải chỉ tôn kính Thiên Chúa Cha mà còn phải tôn kính Chúa Giêsu nữa.

– Trong cuộc đời công khai của mình, Đức Giêsu đã vận dụng công thức của giới răn I “Các ngươi sẽ không theo các thần khác .. Các ngươi sẽ theo Giavê Thiên Chúa của các ngươi” (Đnl 6,14 13,15) :

. “Nếu ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình và vác Thập giá mình mà theo Ta” (x. Mt 15,24; Mt 10,35-38)

Như thế, thực hành giới răn I còn là chấp nhận mọi hy sinh từ bỏ để gắn bó thân thiết với Thiên Chúa và Đức Giêsu Kitô.

2. Thánh Phaolo

– Thánh Phaolô rao giảng trong thế giới ngoại giáo có nét đã trưng là thờ ngẫu tượng, nên ông trình bày giới răn này là không thờ ngẫu tượng. Sách Cv kể rằng khi thấy ở thành Athènes nhan nhản những ngẫu tượng thì Phaolô “Cảm thấy nóng ran như bị lửa thiêu” (Cv 17,16).

– 1 cách thờ ngẫu tượng nữa bị Phaolô đả kích là tham dự những bữa tiệc cúng. Mua thịt đã cúng rồi được bày bán ngoài chợ là 1 điều không có gì xấu, nhưng tham dự những lễ nghi ngoại giáo và cùng họ ăn thịt đã cúng trong những lễ nghi đó lại là 1 điều xấu vì tỏ ra mình chia sẻ niềm tin sai lạc của họ (x 1Cr 10,21-22)

– Về vần đề ảnh tượng, Phaolô cho rằng khi nhập thể Đức Giêsu Kitô đã vĩnh viễn giải thoát con ngươi khỏi cám dỗ thờ các thần tượng, vì Ngài chính là hình ảnh của Thiên Chúa đã nhập thể với loài người. Do đó chẳng những từ nay loài người được phép mà còn có bổn phận phải “quỳ lạy” Đức Giêsu, hình ảnh của Thiên Chúa vô hình : “Trước danh hiệu Giêsu , mọi gối đều phải quỳ xuống bái lạy, dù là ở chốn hoàng thiên, trên địa cầu hay dưới gầm đất, và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng Giêsu Kitô là Chúa” (Pl 2,9-11).

– Một hình thức khác nữa phạm giới răn I bị Phaolô đả kích là muốn tự mình cứu lấy mình. Nhiều người cố gắng tuân giữ các luật rồi cho rằng làm như thế là họ có thể tự cứu lấy họ. Thực ra, tuy họ giữ các khoản luật nhưng không giữ giới răn I là cậy dựa vào 1 mình Thiên Chúa mà thôi. “Con người được giải án tuyên công là bởi Đức Tin chứ không phải bởi việc làm do luật dạy” (Rm 3,20-28)

– Phaolô có 1 cách hiểu giới răn I hết sức đặc biệt và cụ thể, đó là sống trong Đức Giêsu Kitô trong tất cả mọi sự :”Nếu tôi sống thì không phải là tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,19-20).

 

II. GIỚI RĂN II.

A. Tìm hiểu bản văn.

1. TẦM QUAN TRỌNG CỦA TÊN

a. Người phương Đông rất coi trọng tên vì đó không phải chỉ là 1 âm thanh hay 1 quy ước để gọi ai đó mà còn là 1 thành tố tạo nên người đó :

– Tên xác nhận 1 người là ai

– Tên phân biệt người ấy với những người khác

– Cái gì không có tên thì kể như không hiện hữu (Gv 6,10)

Tóm lại đối với người phương Đông, tên là hiện thân của người

b. Biết tên ai thì 1 cách nào đó có quyền trên người ấy. Đó là lý do những người sơ khai giấu tên mình : họ sợ người khác biết được thì sẽ tác động lên họ.

Biết tên của thần linh cũng là điều quan trọng, vì cũng nắm được vị thần đó khiến vị thần đó hành động theo ý mình. Từ đó sinh ra những công thức bùa chú ma thuật tức là dùng tên 1 thần linh để tạo nên 1 hiệu năng nào đó.

c. Vì yêu thương nên Thiên Chúa đã cho loài người biết tên của Ngài (x Xh 3,14), Khi trao ban tên mình cho loài người thì 1 cách nào đó Thiên Chúa trao ban chính Ngài cho loài người. Đây là 1 ơn ban do yêu thương. Do đó con người cũng phải có thái độ thích hợp đối với tên Thiên Chúa : đó là kính cẩn và yêu thương.

 

II GIẢI NGHĨA BẢN VĂN

a, Trong đoạn này, c 3 viết theo thể sóng đôi đồng nghĩa, do đó người lên núi Giavê cũng là người đứng chầu trong thánh điện Ngài. Từ đó cũng có thể đoán rằng c 4 cũng theo thể sóng đôi đồng nghĩa. Hơn nữa, phần b của c 4 cũng đã là sống đôi đồng nghĩa. Vậy : “Dùng sự sống của Ta mà la-shaw” nghĩa là “thề để lường gạt” ; la-shaw nghĩa là thề để lường gạt, tức là thề gian thề dối. Như thế giới răn II cấm dùng tên Giavê để thề gian thề dối.

Giải thích này lại được củng cố bởi động từ “Nêu danh Giavê” mà trong nguyên ngữ Hípri có nghĩa là “nâng lên” (élever), tức là cùng 1 động từ được dùng để diễn tả cử chỉ thề : đưa tay lên để thề.

b, Một số bản văn Cựu ước (Xh 22,17 Đnl 18,10-11 Is 47,9 Gr 27,9 Tv 58,6) cũng dùng chữ la-shaw này khi nói về những việc ma thuật, bùa chú vv. Như thế la-shaw còn có nghĩa là ma thuật. Như thế giới răn II cũng cấm dùng tên Giavê mà làm việc ma thuật.

c, Trong nhiều bản văn khác (Gr 2,30 4,30 6,29 18,15 46,11 Ml 3,14 Tv 60,13 108,13 127,1), chữ la-shaw có nghĩa là vô cớ, không có lý do chính đáng. Như thế thì giới răn II cũng cấm dùng tên hoặc kêu tên Giavê cách vô cớ.

 1. Giới răn này dạy ta phải tôn kính tên Chúa. Và bởi vì tên của Chúa cũng thánh như chính Ngài cho nên tôn kính tên Chúa đòi ta phải thánh hoá tên Ngài.

2. Giới răn này cũng cấm ta dùng tên Chúa để làm những việc không xứng đáng và những việc xấu :

– Không được dùng tên Chúa để làm những trò ma thuật (như trong 1 số tôn giáo khác).

– Không được dùng tên Chúa để thề gian dối.

– Không được dùng tên Chúa 1 cách vô cớ.

 

 

B. Dưới ánh sáng Tân Ước.

1. Đức Giêsu.

– Thời Cựu ước người ta rất kính trọng tên Thiên Chúa nên không dám nói đến tên Ngài. Nhưng sang thời Tân ước, Đức Giêsu chẳng những gọi Thiên Chúa bằng tên Giavê mà còn dám gọi Thiên Chúa là CHA và còn cho phép loài người chúng ta được gọi như thế nữa : “Lạy CHA chúng con đang ngự trên trời” (Mt 6,1). Như vậy tuân giữ giới răn II không phải chỉ là tôn kính tên Chúa mà còn phải là sống như người con của Chúa, sống dưới ánh mắt yêu thương của Thiên Chúa (Mt 6,6-7)

– Giới răn II cấm dùng tên Thiên Chúa mà thề gian thề dối vv. Còn Đức Giêsu thì bảo : “Đừng thề chi cả…Những lời của các con phải là Có Có Không Không” Mt 5,33-37). Đây không phải là cấm thề nhưng là dạy phải sống chân thật và tìm lại đúng ý nghĩa của việc thề : nếu đáng chuyện thì mới thề và thề theo sự thật (chính Đức Giêsu cũng đáp lại lời thề của vị Thượng Tế, x Mt 26,23)

2. Thánh Phaolo.

Thánh Phaolô không chú ý tới tên Giavê cho bằng tên của Đức Giêsu :

. “Đức Kitô ngự trên bất cứ tên tuổi nào được nêu lên, không những trong thời này mà là cả những thời sẽ đến nữa”(Ep 1,21).

. Tên Giêsu là “Danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu” (Pl 2,9)

. Khi nghe tên Giêsu, loài người và tất cả mọi loài đều phải quỳ xuống (Pl 2,10).

 

 

GIỚI RĂN III

A. Tìm hiểu bản văn.

1. Tầm quan trọng.

– Giới răn này được phát biểu dài nhất trong 10 giới răn, chiếm gần 1/3 bản văn Thập giới.

– Nó lại nằm ở vị trí trung tâm của bản văn Thập giới.

– Cựu ước rất coi trọng giới răn này cho nên nó cũng là giới răn được Cựu ước nói tới nhiều nhất:

. Trong Bộ Ngũ Kinh : Xh 16,25-26 31,13-17 35,2-3; Lv 16,31 19,3-30; Ds 15,32 28,9-10

. Trong các sách ngôn sứ : Is 58,13-14 66,23; Gr 17,21-27; Ed 20,12-24

. Những bản văn : Nkm 9,14 10,32.34 13,15.22; tường thuật 1Mcb 1,39.43.45

. Bởi thế các nhà chú giải đã quan tâm nghiên cứu giới răn này cũng nhiều hơn các giới răn khác.

 

2. Chữ Sabbat.

– Có người cho rằng chữ Hípri Shabbat xuất phát từ chữ akkad Shappatu chỉ ngày rằm âm lịch ở Babylone và Assyrie. Ngày đó trăng tròn và người ta mừng lễ. Từ đó người ta đoán rằng nguồn gốc ngày Sabbat do thái chính là lễ Trăng Tròn của người Assyrie và Babylone.

– Nhưng có người lại cho rằng chữ Sabbat Hípri này xuất phát từ 1 động từ Hípri SBT (shabat) nghĩa là nghỉ ngơi. Từ đó người ta đoán rằng nguồn gốc ngày Sabbat do thái là tục lệ dành ra 1 ngày để nghỉ sau nhiều ngày làm việc. Tục lệ này không riêng dân Assyrie và Babylone mới có, mà hầu hết mọi dân đều có, có dân mỗi tháng nghỉ 1 ngày, dân khác 15 ngày nghỉ 1 ngày, hoặc 1/15 1/10 1/6 1/5 1/7 vv.

– Dù ngữ căn của chữ Sabbat là gì đi nữa, dù nguồn gốc của nó từ đâu đi nữa, ta cũng phải lưu ý rằng ngày Sabbat, do thái đã biến chuyển ý nghĩa rất nhiều để mang tính cách tôn giáo sâu đậm, khác hẳn những ngày nghỉ của các dân khác, đến nỗi Sabbat trở thành 1 định chế độc đáo của dân do thái.

 

3. Hai bản văn về ngày Sabbat

Đối với các giới răn I và II, bản văn trong Xh và trong Đnl hoàn toàn giống nhau đến từng chữ. Nhưng đối với giới răn III thì lại khác nhau khá nhiều. Ta hãy xem xét từng bản văn :

a. Xuất hành. Cách viết như thế của Xh có ý nghĩa rất quan trọng :

. Sabbat là 1 ngày dành riêng cho Giavê

. Nó phải khác biệt và phân biệt với những ngày kia.

. Vì là ngày dành riêng cho Giavê và khác những ngày kia cho nên ta phải thánh hoá nó

. Thánh hoá nó bằng cách nghỉ ngơi để dành thời giờ gặp gỡ Giavê.

– c 11 nêu lý do của ngày Sabbat : để bắt chước và noi gương Giavê Tạo Hoá : Ngài đã tạo dựng vũ trụ trong 6 ngày nhưng ngày thứ 7 Ngài đã nghỉ ngơi. Vậy khi con người nghỉ ngơi ngày Sabbat là con người thông phần vào sự nghỉ ngơi của Thiên Chúa Tạo hoá. Khi con người kết thúc 1 giai đoạn nhiều ngày làm việc bằng 1 ngày nghỉ là con người tỏ ra mình sống theo nhịp sống của Thiên Chúa.

Hơn nữa, qua việc giữ luật nghỉ ngày Sabbat, con người xác nhận rằng mình phải làm việc trong sự lệ thuộc Thiên Chúa, mình không được làm việc như 1 ông trời con, nhưng như người được uỷ nhiệm và như người đại diện cho Đấng Tạo Hoá vẫn còn luôn hoạt động trong thế giới này. Ngay khi dành cho Giavê 1 ngày nghỉ, con người mặc nhiên quy hướng mọi hoạt động của mình về với Ngài.

b. Đnl 5,12-15:

12 Ngươi hãy giữ ngày Sabbat để thánh hoá nó như Giavê Thiên Chúa của ngươi đã truyền cho ngươi.

13 Trong 6 ngày ngươi sẽ làm việc và làm hết mọi việc.

14 Nhưng ngày thứ 7, ngày Sabbat kính Giavê Thiên Chúa của ngươi, ngươi không được làm việc gì hết : ngươi, con trai ngươi, con gái ngươi và tớ nam ngươi và tớ nữ ngươi, và con bò con lừa ngươi và mọi súc vật ngươi và ngoại kiều ở trong nhà ngươi, để cho tớ nam ngươi và tớ nữ ngươi được nghỉ ngơi như chính ngươi.

15 Ngươi sẽ nhớ rằng ngươi đã từng làm nô lệ ở Ai cập, và Giavê Thiên Chúa của ngươi đã dùng bàn tay hùng, cánh tay mạnh dẫn đưa ngươi ra khỏi đó. Chính vì thế Giavê Thiên Chúa của ngươi đã truyền cho ngươi phải giữ ngày Sabbat.

– Về cấu trúc, Phần đầu (c 12) và phần cuối (c 15b) giống nhau :

Giữ ngày Sabbat như Giavê đã truyền. Như thế ta có thể coi đây là cái khung ngoài để chứa đựng phần cốt yếu ở trong. Phần cốt yếu này dạy phải dùng ngày thứ 7 đặc biệt hơn 6 ngày kia, và đặc biệt ở chỗ phải nghỉ ngơi.

– c 15 đưa lý do phải nghỉ ngơi là để nhớ ơn Giavê giải phóng : xưa kia dân do thái cũng từng làm nô lệ Ai cập nhưng nhờ Giavê giải phóng mà họ được tự do, nay họ cũng phải nhớ cho người khác hưởng ơn tự do mà Giavê đã ban cho họ bằng cách cho tôi tớ của họ cũng được nghỉ ngơi.

Khi giải phóng tôi tớ nam nữ khỏi làm việc trong ngày Sabbat, tức là người do thái kéo dài ơn giải phóng mà Thiên Chúa đã ban cho họ. Họ không bao giờ được quên rằng mãi mãi họ vẫn là 1 dân tộc được chuộc lại, bởi thế họ phải bắt chước hành vi giải phóng của Giavê như chính họ đã được hưởng.

Tóm lại lý do nghỉ ngơi trong Đnl có tính cách nhân đạo.

 

4. Ý nghĩa của giới răn III.

Giới răn này dạy ta thánh hoá ngày Sabbat :

a. Thánh hoá bằng cách nghỉ ngơi trong ngày đó :

. Không chỉ cho bản thân mình nghỉ ngơi.

. Mà còn phải cho tôi tớ nghỉ ngơi.

b. Có 2 lý do của sự nghỉ ngơi này :

. Vì kính trọng Thiên Chúa – TẠO-HOÁ nên dành cho Ngài 1 ngày nghỉ.

. Vì biết ơn Thiên Chúa- GIẢI-PHÓNG nên cho tôi tớ cũng được giải phóng.

c. Thực ra giới răn này không dạy 1 điều mà tới 2 điều :

. 1 là làm việc trong 6 ngày kia.

. 2 là nghỉ ngơi trong ngày sabbat.

* Nghĩa là ta cũng phải luân phiên làm việc và nghỉ ngơi.

d. Sau cùng ta cũng phải lưu ý tới mục đích thánh thiêng của ngày Sabbat : “để thánh hoá nó” (Xh c 8 / Đnl c 12) ; “để kính Giavê” (Xh c 10 Đnl c 14), Nghĩa là phải dùng ngày đó trong quan hệ trực tiếp với Giavê. Nói cách khác : ngày đó ta nghỉ ngơi, nhưng nghỉ ngơi như thế là vì Giavê. Do đó vi phạm ngày Sabbat thì bị coi là phạm tội “tục hoá” (Nkm 13,15-22 Is 56,2-6)

 

B. Dưới ánh sáng Tân Ước.

1. Đức Giêsu

– Đức Giêsu luôn trung thành giữ ngày Sabbat : “Theo lệ thường của Ngài, trong ngày Sabbat Ngài vào Hội đường, Ngài đứng dây giảng Sách Thánh” (Lc 4,16)

Trong ngày Sabbat, Đức Giêsu giảng dạy và chữa bệnh (5 lần Ngài chữa bệnh vào ngày Sabbat. Làm như thế không phải để chống đối do thái giáo cổ truyền nhưng để làm nổi bật ý nghĩa của ngày đó : thật vậy chỉ có việc chữa bệnh trong ngày đó mới cho thấy tính cách nhân đạo của ngày đó.

Như thế Đức Giêsu coi ngày là “ngày của mình” bằng cách dùng ngày đó để giảng dạy và chữa bệnh, đúng như lời Ngài kêu gọi “Hãy đến với Ta hỡi tất cả những ai lao đao và gánh nặng, Ta sẽ cho nghỉ ngơi lại sức” (Mt 11,28) ; “Con Người là chủ của ngày Sabbat” (Mc 2,28)).

– Chính vì Đức Giêsu là chủ của ngày Sabbat nên Ngài có đầy đủ thẩm quyền để giải thích ý nghĩa của ngày đó. Và Ngài giải thích rằng : “Ngày Sabbat được lập ra để phục vụ con người chứ không phải con người được tạo dựng để phục vụ ngày Sabbat” (Mc 2,27). Như thế tức là Đức Giêsu tán đồng với mục đích nhân đạo của ngày Sabbat theo bản văn Đnl.

– Ngày Sabbat là ngày của Đức Giêsu nên cũng là ngày thánh. Dùng nó để làm những việc phàm tục tức là vi phạm nó ; nhưng vì nó được lập ra để phục vụ con người nên ai viện cớ đó là ngày nghỉ để từ chối phục vụ những anh em khốn khổ thì cũng là vi phạm nó.

2. Giáo hội và Thánh Phaolo.

– Sau khi Đức Giêsu lên trời, các tông đồ dùng ngày Sabbat để rao giảng Tin Mừng : “vào ngày Sabbat, các Ngài vào Hội đường …Sau khi nghe đọc sách Luật và các Ngôn sứ, Phaolô đứng dậy vẫy tay ra hiệu và nói…” (Cv 13,14 16,13).

– Chẳng bao lâu sau ở Giêrusalem bắt đầu xuất hiện ngày Chúa Nhật. Ban đầu ngày nay chưa thay thế ngày Sabbat mà chỉ là 1 ngày nghỉ thêm của các Kitô hữu. Khi đó Kitô hữu vẫn còn giữ ngày Sabbat, nhưng sang ngày Chúa Nhật thì họ họp nhau cử hành bữa tiệc của Chúa : “Ngày thứ nhất trong tuần, chúng tôi họp lại để bẻ bánh” (Cv 20,4). Tuy vậy người ta bắt đầu dời sang ngày Chúa nhật một số việc vẫn thường làm trong ngày Sabbat, chẳng hạn việc bố thí :”Ngày thứ nhất trong tuần, anh em mỗi người ở nhà hãy để riêng ra những gì mình đã may mắn dành dụm được” (1Cr 16,2).

– Từ khi có nhiều người lương gia nhập Kitô giáo, vấn đề phải nghỉ ngày nào được đặt ra cách quyết liệt. Những kẻ bảo thủ theo do thái giáo thì đòi ngày Sabbat như cũ, còn những kẻ có đầu óc tự do thì đòi huỷ bỏ ngày Sabbat để thay bằng ngày Chúa Nhựt. Phaolô ngã theo lập trường thứ 2 : “Vậy từ nay đừng có ai xét nét anh em … vì các lễ lạy hay vì ngày Sabbat. Tất cả những cái đó chỉ là hình bóng của các điều sẽ đến..” (Cl 2,16)

– Dần dần ngày Chúa Nhựt đã thay thế hẳn ngày Sabbat.

 

IV. GIỚI RĂN IV.

Xh : “Hãy tôn kính cha ngươi và mẹ ngươi, ngõ hầu những ngày của ngươi được kéo dài trên mảnh đất mà Giavê Thiên Chúa của ngươi ban cho ngươi”.

Đnl : “Hãy tôn kính cha ngươi và mẹ ngươi như Giavê Thiên Chúa của ngươi đã truyền cho ngươi, ngõ hầu những ngày của ngươi được kéo dài và ngươi được hạnh phúc trên mảnh đất mà Giavê Thiên Chúa của ngươi ban cho ngươi”.

 

A. Tìm hiểu bản văn.

1. Giải nghĩa bản văn.

– Một số tác giả cho rằng giới răn 4 này được thêm vào về sau chứ không có trong bản văn Thập giới nguyên thuỷ. bởi vì đây là giới răn duy nhất dành cho trẻ nhỏ trong khi các giới răn kia dành cho người lớn. Quan niệm này đã bị bác bỏ vì không lưu ý tới tính chất đặc biệt của gia đình ở Israel và ở phương Đông nói chung. Ở phương Đông, 1 gia đình gồm nhiều thế hệ sống chung trên 1 mảnh đất do tổ tiên để lại. Cá nhân hoàn toàn lệ thuộc gia đình và không có chuyện sống ngoài gia đình. Do đó giới răn này liên hệ tới tất cả con cái và đặc biệt những con cái đã trưởng thành.

– Đáng ngạc nhiên là giới răn nói cách rất tổng quát : “Hãy tôn kính cha mẹ ngươi”. Thế nhưng ta phải hiểu cho đúng động từ “Tôn kính”.

. Tôn kính, kabbod, cũng là chữ mà Thánh Kinh dùng để nói tới nghĩa vụ đối với Thiên Chúa (x Lv 19,3). Như thế, Thập giới đưa cha mẹ vào phạm vi linh thánh, vì các Ngài chính là dụng cụ Thiên Chúa dùng để tiếp tục tạo nên sự sống.

. Vì cha mẹ được đặt vào phạm vi linh thánh của Thiên Chúa nên các Ngài có quyền trên con cái như quyền của Thiên Chúa, và con cái phải vâng lời các Ngài như vâng lời Thiên Chúa. Bởi đó bản văn Đnl mới ghi thêm 1 dòng “Hãy tôn kính cha ngươi và mẹ ngươi như Giavê Thiên Chúa của ngươi đã truyền cho ngươi”.

– Ngoài lý do thứ nhất phải tôn kính cha mẹ vì các Ngài là đại diện và cộng sự viên của Thiên Chúa để ban sự sống cho ta, còn lý do thứ hai nữa là cha mẹ – nhất là cha – có trách nhiệm giáo dục tôn giáo và luân lý cho con : “Những lời Ta truyền cho ngươi hôm nay, ngươi phải ghi lòng tạc dạ và truyền lại cho con cái…” (Đnl 6,7).

. Điều đáng lưu ý nữa là trong giới răn IV, người mẹ được đặt ngang hàng với người cha : “Hãy tôn kính cha ngươi và mẹ ngươi”. Đây là điểm rất đặc biệt nếu ta nghĩ tới địa vị thấp hèn của phụ nữ trong xã hội thời đó. Đnl 21,18-21 ghi rằng ai thiếu sót bổn phận đối với mẹ thì sẽ chịu những hình phạt như thiết sót bổn phận đối với cha vậy.

* Tóm lại khi dành động từ “Tôn kính” cho cha lẫn mẹ, giới răn IV đề cao bổn phận con cái đối với cha mẹ. Hễ ai khinh dể cha mẹ mình thì sẽ bị phạt như khinh dể Chúa. Ta hãy so sánh tội nguyền rủa Giavê và nguyền rủa cha mẹ trong 2 chỗ của sách Lêvi, từng chữ đều y như nhau : “Ai nguyền rủa tên Giavê sẽ phải chết”, “Ai nguyền rủa cha mẹ sẽ phải chết” (Lc 24,25-16 / 20,9)

 

2. Nội dung của giới răn IV.

Ngoài 2 bản văn trong Xh và Đnl, những giải thích về 2 bản văn ấy trong Bộ Ngũ Kinh sẽ giúp chúng ta nắm được nội dung của giới răn IV.

a. Trước tiên, con cái không được nguyền rủa cha mẹ : “Ai nguyền rủa cha mẹ thì sẽ phải chết. Máu nó sẽ đổ xuống trên chính nó vì nó đã nguyền rủa cha mẹ”. (Lv 20,9 x Cn 20,20)

b. Cũng không được ngược đãi cha mẹ : “Ai đánh đập cha mẹ thì sẽ phải chết …Ai đối xử bất xứng đối với cha mẹ thì sẽ phải chết” (Xh 21,15-17 Đnl 27,16)

c. Không được ngỗ nghịch với cha mẹ : “Nếu người nào có con ương ngạnh và ngỗ nghịch không vâng lời cha lẫn mẹ, và cả khi được cha mẹ sửa dạy cũng chẳng nghe, cha mẹ sẽ bắt nó đưa tới các bậc kỳ lão trong thành nơi cổng thành ấy và thưa với các bậc kỳ lão trong thành rằng : “Đây đứa con chúng tôi, ương ngạnh và ngỗ nghịch không chịu nghe lời chúng tôi dạy, lại ăn chơi chè chén”. Lúc đó toàn dân trong thành sẽ ném đá đứa con ấy cho chết thì thôi.”(Đnl 21,16,21).

d. Sau hết, không được bỏ rơi cha mẹ : “Kẻ bạc đãi cha và xua đuổi mẹ là đứa con đê tiện và hư đốn”. (Cn 19,26)

 

3. Tầm quan trọng.

Các nhà nghiên cứu đã chia thành 2 lập trường ; 1 xếp giới răn này vào bảng thứ nhất (Quy định những bổn phận đối với Thiên Chúa. Nói cách khác, những quy định nặng tính tôn giáo) ; 1 xếp nó vào bảng thứ hai (quy định những bổn phận giữa người với người . Nói cách khác, nặng tính xã hội). Tại sao ? Lập trường I chú ý tới chi tiết giới răn này vẫn còn dùng kiểu nói “Giavê Thiên Chúa của ngươi”. Còn lập trường II chú ý tới nội dung của giới răn này quy định trực tiếp những liên hệ với tha nhân,

Đúng hơn, ta phải chú ý đồng thời cả 2 chi tiết ấy. Do đó phải biết rằng giới răn này liên hệ tới cả 2 bảng, và nó giống như 1 nhịp cầu nối kết 2 bản. Đó là tầm quan trọng của giới răn IV.

a. Thực vậy, giới răn này mang tính tôn giáo rõ rệt : cha mẹ được coi là thiêng thánh, vì : a/ Hợp tác với Thiên Chúa để thông truyền sự sống ; b/ Có trách nhiệm giáo dục tôn giáo cho con cái (x Đnl 6,20-24); c/ Có trách nhiệm đưa con tới tham dự các cử hành phụng vụ (Đnl 29,31,10-13) ; d/ Đích thân người cha phải chu toàn 1 số nghi thức như cắt bì, chủ toạ bữa ăn vượt qua tại nhà vv. (Xh 12,1-14)

b. Giới răn này cũng mang tính xã hội : cấm con cái nguyền rủa, ngỗ nghịch, ngược đãi và bỏ rơi cha mẹ (Phần II trên) : dạy con cái phải tôn kính và chăm sóc cha mẹ, nhất là khi các Ngài bệnh tật, già yếu (Lv 27,7).

Chính vì giới răn IV quan trọng như vậy nên nó là giới răn duy nhất trong 10 giới răn mà có 1 lời chúc phúc đi kèm”Ngõ hầu những ngày của ngươi được kéo dài trên mảnh đất mà Giavê Thiên Chúa của ngươi ban cho ngươi” (Xh 20,12) ; “Ngõ hầu những ngày của ngươi được kéo dài và ngươi được hạnh phúc trên mảnh đất mà Giavê Thiên Chúa của ngươi ban cho ngươi” (Đnl 5,16). Cả 2 bản văn đều có lời chúc phúc sống lâu. Đây không phải là sự sống thể lý mà còn hàm chứa ý nghĩa luân lý và tôn giáo nữa :

– Luân lý : Làm sao có thể gọi là sống sung mãn, tốt đẹp và hạnh phúc được nếu gia đình không thuận hoà, con cái không hiếu thảo với cha mẹ.

– Tôn giáo : Đây là sự sống sung mãn, tốt đẹp và phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa. Đây chính là sự sống của Thiên Chúa mà Ngài thông ban lại cho những đứa con hiếu thảo.

 

B. Dưới ánh sáng Tân Ước.

1. Đức Giêsu.

– Đức Giêsu đã công kích 1 số người do thái khấn Corban để không phụng dưỡng cha mẹ (x Mt 15,1-6). Như thế nghĩa là theo Ngài giới răn IV không chỉ là tôn kính và vâng phục cha mẹ mà còn là phải phụng dưỡng cha mẹ già yếu.

– Tuy nhiên Đức Giêsu cũng chỉ cho thấy những hạn chế của giới răn IV : thảo kính cha mẹ không phải là coi các Ngài như những vị thần, trái lại phải biết rằng liên hệ với cha mẹ phải phụ thuộc vào liên hệ với Thiên Chúa. Khi nào có xung đột giữa 2 bổn phận thì phải hy sinh phía cha mẹ : “Ai yêu mến cha mẹ hơn Ta thì không xứng đáng với Ta” (Mt 10,35-37 x Mt 19,29)

2. Thánh Phaolô.

– Phaolô mở rộng phạm vi giới răn IV đến những liên hệ vợ / chồng , cha mẹ / con cái : tớ / chủ (x Cl 3,18-4,1)

– Phaolô cũng mở rộng tới sự vâng phục những vị nắm giữ thế quyền (x Rm 13,1).

 

 

V. GIỚI RĂN V

A. Tìm hiểu bản văn.

1. Giải thích bản văn.

Có vài điểm đáng lưu ý :

a/ Câu văn này ở thể phủ định khiến người ta cho rằng giới răn này tiêu cực.

b/ Không có túc từ (“không giết” nhưng không nói rõ không giết ai ? không giết thứ gì ?) khiến người ta mơ hồ về đối tượng giết.

c/ chữ “ngươi” cũng mơ hồ, khiến người ta không rõ lệnh cấm này áp dụng cho ai : cho người Israel thôi hay cho mọi người?

Chúng ta sẽ phân tích kỹ đoạn văn này, đồng thời dựa vào những chỗ khác trong Sách Thánh để làm rõ những điểm trên.

a. Động từ raçah (giết)

Vì trong bản văn Thập giới, động từ này không có túc từ , nên trên lý thuyết ta có thể đoán túc từ của nó là bất cứ sinh vật nào (người, thú vật, người vô tội và người có tội…) Tuy nhiên khi nghiên cứu những lân Thánh Kinh dùng động từ này, ta có thể xác định được đối tượng. Cựu ước dùng động từ Raçah này 47 lần :

– Không lần nào chỉ việc xử tử tội nhân. Thí dụ Ds 35,19 nói về việc đòi nợ máu : “khi gặp tên sát nhân, kẻ-có-bổn-phận-báo-thù (le vengeur) phải làm cho hắn chết (le mettre à mort, chứ không phải tuer, raçah).

– Không dùng cho việc giết quân thù trong 1 trận chiến.

– Không dùng cho việc Thiên Chúa phạt chết một người nào đó.

– Không dùng cho việc giết chết 1 con vật.

Như vậy, 4 trường hợp giết trên không phải là đối tượng cấm của giới răn V.

33 lần Thánh Kinh dùng động từ này để nói về sự vô ý giết người (homicide involontaire) Thí dụ Ds 35 Đnl 4,19 Gs 20-21. Nhưng những kẻ vô ý giết người như thế không bị coi là có tội, nên được quyền trốn tránh trong những thành tị nạn. Như thế, vô ý giết người cũng không phải là đối tượng của giới răn V.

Sau khi loại trừ 2 trường hợp trên, ta có thể khoanh đối tượng của giới răn V lại là giết người trái phép và cố ý(homicide illégal et arbitraire).

Ngoài ra động từ raçah còn được dùng trong những lệnh cấm đối với những hành vi không trực tiếp giết chết thân xác :

* Tv 94,6 nói rằng những tên gian ác “giết (raçah) những goá phụ và những trẻ mồ côi” bằng những việc làm bất công của chúng.

* Gióp 24,13-15 nói rằng những tên gian ác : “giết kẻ nghèo và người túng thiếu” bằng những tội ác của chúng.

* Đnl 22,23-29 cũng dùng động từ raçah này để nói về việc cưỡng hiếp 1 cô gái.

Trong 3 trường hợp trên, mặc dù thể xác của nạn nhân không chết, nhưng việc cư xử bất công, hành hạ, cưỡng hiếp cũng bị Thánh Kinh coi là “giết” và cấm. Những trường hợp này có thể được coi là “giết người gián tiếp” và cũng là đối tượng của giới răn V.

*** Tóm lại, đối tượng cấm của giới răn V là :

. Trực tiếp giết người 1 cách trái phép và cố ý.

. Gián tiếp giết người bằng cách hành hạ, ức hiếp, bóc lột và xâm phạm thân thể.

b. Đàng sau hình thức phát biểu tiêu cực (“ngươi sẽ không …”), giới răn V cũng hàm chứa 1 nội dung tích cực là lệnh truyền phải chăm sóc và bảo vệ sự sống. Điều này về sau các ngôn sứ sẽ khai triển rõ hơn , thí dụ Is 58,7 : “Hãy chia sẻ cơm bánh với người đói, cho người vô cư nương náu, che thân người trần truồng”.

Đó là đối tượng buộc của giới răn V.

c. Giới răn này truyền cho ai và nhằm bảo vệ ai ?

– Đương nhiên là truyền cho người Israel và để bảo vệ người Israel (x Xh 21,12-15 Đnl 27,4).

– Nhưng nếu dựa theo St 9,6 “Ai đổ máu người do người thì máu nó sẽ phải đổ ra, vì theo hình ảnh Thiên Chúa. Ngài đã làm ra con người” thì ta cũng phải hiểu lệnh này áp dụng cho mọi người và để bảo vệ cho mọi người.

 

2. Ý nghĩa.

Giới răn này nhắm đến những việc làm mà trực tiếp hay gián tiếp gây hại cho sự sống con người 1 cách trái phép và cố ý. Đồng thời giới răn này cũng buộc góp phần tích cực vào việc chăm sóc và bảo vệ sự sống con người.

 

B. Dưới ánh sáng Tân Ước.

1. Đức Giêsu.

– “Các ngươi đã nghe bảo người xưa rằng chớ giết người… Còn Ta, Ta bảo các ngươi “Ai tức giận anh em mình thì sẽ bị can án, ai mắng anh em …. thì sẽ bị lửa hoả ngục” (Mt 5,21-22). Như thế, Đức Giêsu đã mở rộng phạm vi của giới răn V : không phải chỉ tránh giết người mà còn phải tránh giận dữ và thù hằn, vì đây là những nguyên nhân đưa đến giết người.

2. Thánh Phaolo

– Phaolô đã nối kết giới răn V vào tình yêu tha nhân : “Các giới răn …chớ giết người… và nếu có giới răn nào khác nữa thì đều tóm lại trong 1 lời này : ngươi hãy yêu mến cận nhân như chính mình” ( Rm 13,9)

 

 

 

VI. GIỚI RĂN VI

“Ngươi sẽ không ngoại tình”

 

A. Tìm hiểu bản văn.

1. Bối cảnh

Muốn hiểu đúng nội dung và giới hạn của giới răn 6, ta phải biết vài điều về định chế gia đình của Israel ngày xưa.

Gia đình Israel theo chế độ phụ hệ : chồng được coi là sở hữu chủ của vợ, Một cô gái chưa chồng phải lệ thuộc người cha, một phụ nữ đã kết hôn phải lệ thuộc chồng, Trong Xh 20,17. người vợ được kể là 1 trong những tài sản của chồng. Cưới vợ đồng nghĩa với trở thành chủ (Đnl 21,13 24,1). Chồng có thể rẫy vợ trong 1 số trường hợp (Đnl 24,1-4) nhưng vợ không có quyền xin ly dị.

Mặc dù ở Israel, phần đông gia đình theo chế độ độc thê, nhưng vẫn có người đa thê. Cựu ước đã kể ra nhiều trường hợp đa thê như Cain (St 4,19), Abraham (16,1-2), Giacóp (29,15-30), Ghêđêon (Tl 8,30-31), Elqana cha của Samuel (1Sm 1,2), Đavit 2Sm 3,2-5 và 5,13-14), Salomon (1V 11,3), Roboam (2Sb 11,21), Abiya (13,21) vv.

Như thế, lệnh cấm của Giới răn VI nằm trong 1 bối cảnh xã hội mà vợ không được xem bình đẳng với chồng, ngoại tình không phải là 1 vấn đề tình dục hoặc đạo đức cho bằng quyền lợi và pháp lý.

 

2. Giải thích bản văn

a. Động từ được dùng là na’ap. Trong Cựu ước, nó được dùng riêng cho việc ngoại tình chứ không cho những việc tà dâm (Nếu muốn nói đến tà dâm, cựu ước sẽ dùng động từ zanah).

– na’ap là tà dâm với 1 phụ nữ đã có chồng : ngoại tình.

– zanah là tà dâm của những người độc thân hoặc goá bụa : tà dâm thuần tuý.

Như thế, giới hạn thứ nhất của giới răn này là chỉ cấm ngoại tình.

b. Được coi là ngoại tình khi tà dâm với 1 phụ nữ đã được pháp luật coi là đã có chồng, tức là đã kết hôn hoặc hứa hôn (phụ nữ đã hứa hôn cũng được coi là thuộc về vị hôn phu, (Đnl 22,22-24). Như thế giới hạn thứ hai của giới răn này là chỉ nhằm bảo vệ quyền lợi của người chồng. Bởi thế, người vợ bị buộc ngặt hơn chồng ; nếu nàng liên hệ tình dục với bất cứ ai ngoài chồng thì đều bị coi là ngoại tình ; trong khi đó chồng chỉ bị coi là ngoại tình khi liên hệ tình dục với phụ nữ đã hứa hôn hoặc kết hôn với người khác ; nếu ông liên hệ tình dục với các tớ nữ hoặc với gái điếm thì không phải là ngoại tình. Tại sao thế ? Vì khi giao hợp với 1 người không phải là chồng mình thì người vợ đưa 1 dòng máu xa lạ vào huyết thống của người chồng và do đó gây nguy hại cho sự tinh ròng của dòng tộc chồng.

c. Hình phạt cho tội ngoại tình là xử tử (Lv 20,10 Đnl 22,22-24).

Hình phạt này cũng giống với hình phạt tội giết người (Gióp 24,14-15) và được xem là tội nặng (St 20,9).

** Tóm lại, bản văn giới răn VI có 2 giới hạn :

-/ Chỉ cấm ngoại tình chứ không cấm những loại tà dâm khác.

-/ Cấm vì muốn bảo vệ quyền lợi của người chồng chứ không quan tâm tới quyền lợi của người vợ và trách nhiệm song phương của cả 2 vợ chồng.

 

B. Dưới ánh sáng Tân Ước.

1. Đức Giêsu.

– Đức Giêsu đưa người vợ lên hàng bình đẳng với người chồng : Cựu ước cho phép người chồng có quyền li dị trong khi không cho người vợ quyền đó. Phần Đức Giêsu thì không cho li dị vì bất cứ lý do nào, cả chồng lẫn vợ (Mt 5,31-32) vì trong ý của Thiên Chúa sáng tạo, hôn nhân là bất khả phân li (Mt 19,3-6). Khi nói hôn nhân bất khả phân li tức là Đức Giêsu mặc nhiên xác nhận vợ chồng bình đẳng nhau. Như thế, ngoại tình bị coi là tội không phải vì nó xâm phạm quyền lợi của người chồng mà vì nó xúc phạm tới sự chung thuỷ của tình nghĩa phu thê.

– Đức Giêsu còn nội tâm hoá giới răn VI bằng cách bài trừ cả tư tưởng và ước muốn ngoại tình : “Còn Ta, Ta bảo các ngươi : phàm ai nhìn người nữ để thoả lòng dục thì đã ngoại tình với nó trong lòng” (Mt 5,28).

– Tuy nhiên, Đức Giêsu đã dung hoà được sự cứng rắn trên nguyên tắc (Ngài luôn thẳng tay kết án tội ngoại tình) với lòng nhân từ độ lượng đối với tội nhân. Ngài đã nói với 1 phụ nữ ngoại tình rằng : “Tôi cũng không kết án chị đâu. Hãy về và đừng phạm tội nữa” (Ga 8,11).

– Sau cùng, Đức Giêsu còn khuyến khích lý tưởng khiết tịnh : bằng cách nói cường điệu, Ngài bảo “Nếu mắt ngươi làm ngươi vấp phạm thì hãy móc và quăng đi, vì thà mất 1 chi thể mà lợi cho ngươi còn hơn cả toàn thân bị bỏ vào hoả ngục” (Mt 5,29). Sở dĩ Đức Giêsu khuyến khích sống khiết tinh vì giới răn VI không chỉ cấm tội ngoại tình mà còn cấm mọi tình trạng thiếu trong sạch nói chung. Do đó bất cứ thứ gì có thể làm hại tới sự trong sạch thì Ngài Khuyến khích người ta hy sinh từ bỏ.

2. Thánh Phaolô.

– Trong những bảng liệt kê các thứ tội, Thánh Phaolô nhắc tới tội ngoại tình chỉ có 1 lần (1Cr 6,9-10) nhưng nói tới tội tà dâm 10 lần. Như thế là Ngài đã bổ sung cho 1 thiếu sót quan trọng của Cựu ước.

– Phaolô còn vạch cho thấy rõ tại sao tà dâm là tội xấu xa (1Cr 6,12-20) : vì xúc phạm tới thân xác, mà thân xác là chi thể của Đức Kitô, là Đền Thờ của Thánh Linh, nó đã được ĐK cứu chuộc và nó sẽ sống lại…

 

VII. GIỚI RĂN VII.

“Ngươi sẽ không trộm cắp”

 

A. Tìm hiểu bản văn.

1. Giải thích bản văn.

a. Cách phát biểu của giới răn VII cũng không rõ ràng vì không xác định rõ đối tượng. “Ngươi sẽ không trộm cắp”,nhưng không trộm cắp thứ gì ? Ngày nay khi nói tới trộm cắp là ta nghĩ ngay tới đối tượng là tiền bạc của cải. Thế nhưng có phải đó là đối tượng của bản văn nguyên thuỷ không ?

b. Có rất nhiều lý do khiến ta cho rằng không :

*/ Thập giới chỉ cấm những tội hết sức nặng nghịch tới Giao Ước, và trừng phạt những tội ấy bằng cách trục xuất khỏi cộng đoàn. Việc trộm cắp tiền bạc của cải không thuộc loại này.

*/ So sánh với những bộ luật của dân Babylone và Hittit:

– Luật của những dân này đề cập nhiều tới tội trộm cắp tài sản, và phạt rất nặng bằng án tử hình.

– Còn bộ Luật Giao ước chỉ có vài đoạn về tội bắt cóc người (Xh 21,16), trộm súc vật (Xh 21,37), phá nhà để ăn trộm (Xh 22,1-3), chiếm hữu trái phép đồ vật thất lạc (Xh 22,8), ăn cắp vật được gởi gắm (Xh 22,9-12). Trong số các tội trên, chỉ có tội bắt cóc người là bị phạt tử hình, còn các tội kia chỉ bị đòi bồi thường và thêm một món tiên phạt nhỏ (sở dĩ không phạt tử hình tội trộm cắp tài sản là vì người Israel quan niệm rằng mạng sống con người là quý giá, thánh thiêng, nên không thể hy sinh nó để bảo vệ tài sản vật chất).

*/ Nếu giới răn này cấm trộm cắp của cải vật chất thì nó sẽ trung với giới răn X. Thập giới chỉ ghi những luật quan trọng, tại sao phải tốn tới 2 giới răn để chỉ nói tới 1 điều ? Có người sẽ cãi rằng giới răn VIII cấm hành vi trộm cắp còn giới răn X cấm ước muốn trộm cắp. Nhưng dù thế cũng không giải thích được tại sao những giới răn kia, cũng quan trọng lắm, lại không được diễn tả 2 lần bằng 2 cách như vậy.

c. Bởi thế, có thể giải thích rằng trong nguyên thuỷ, giới răn này chỉ cấm tội bắt cóc người. Có rất nhiều lý do biện minh cho lối giải thích này :

*/ Động từ được dùng là Ganab. Mà trong những bản văn của Đệ Nhị Luật và của Bộ Luật Giao ước, động từ nay thường có 1 túc từ hiểu ngầm, đó là “một người”. Ganab là “ăn cắp một người” tức là “bắt cóc”.

*/ Chính quyển sách Talmud chú giải câu văn của giới răn VII như sau : “Ở đây, Sách thánh nói tới việc bắt cóc người”(Tài liệu Sanhédrin 86a).

*/ Giải thích này giúp ta thấy rõ hơn mối liên hệ giữa các giới răn thuộc bảng thứ hai. Các giới răn trong bảng này đều nhằm bảo vệ những quyền lợi cơ bản của con người theo thứ tự giá trị từ cao xuống thấp dần :

. Giới răn V : bảo vệ sự sống.

. Giới răn VI : bảo vệ quyền trong hôn nhân.

. Giới răn VII : bảo vệ tự do.

. Giới răn VIII ; bảo vệ thanh danh.

. Giới răn IX và X : bảo vệ tài sản (vợ, nhà cửa, tôi tớ, súc vật…)

*/ Nếu giải thích đối tượng của giới răn này là cấm bắt cóc người để bảo vệ quyền tự do của con người, thì liên hệ của giới răn này với tiền ngôn của bản văn Thập giới lại rõ hơn nữa : Vì dân Israel đã được Thiên Chúa giải phóng khỏi ách nô lệ Ai cập nên họ không được bắt cóc người khác để khiến người đó thành nô lệ. Tiền ngôn cho thấy mục đích của Thập giới là làm cho mọi người được tự do.

*/ Bộ Luật Giao ước nhấn mạnh thêm giới răn này theo nghĩa bắt cóc người : “Ai đã bắt cóc 1 người – hoặc đã bán đi hay còn giữ trong tay – thì sẽ phải chết” (Xh 21,16) ; Bộ Đệ Nhị Luật cũng thế : “Nếu thấy ai bắt cóc người anh em nào trong hàng con cái Israel hoặc đã bán làm nô lệ hay đã bán đi, thì người bắt cóc ấy sẽ phải chết” (Đnl 24,7). Sở dĩ tội bắt cóc người được quan tâm nhiều như vậy là vì thời đó việc này rất thường xảy ra.

 

** Tóm lại, bản văn nguyên thuỷ của giới răn này nhắm 1 đối tượng rất hẹp, đó là bắt cóc người.

 

2. Giải thích mở rộng

a. Với thời gian, người Israel đã dần dần nới rộng thêm ý nghĩa của giới răn VIII để gồm vào đó việc cấm trộm cắp của cải tài sản. Sở dĩ như thế là vì 1 đàng khi pháp luật đã có và lại có thêm những định chế xử án thì tội bắt cóc người đã giảm rất nhiều ; đàng khác cuộc sống phát triển tạo ra nhiều của cải hơn khiến người ta hay trộm cắp của cải hơn.

b. Nhưng ngay khi hiểu giới răn này cấm trộm cắp của cải tài sản vật chất, ta cũng đừng quên mục tiêu ban đầu của nó là bảo vệ quyền tự do của con người, và phải nhìn lệnh cấm trộm cắp của cải vật chất trong tương quan với quyền tự do ấy. Nói cách khác, giới răn VIII không quan tâm tới của cải vật chất chỉ vì những của cải đó, nhưng vì phẩm giá của con người đòi phải có của cải để được sống trong tự do.

 

B. dưới ánh sáng Tân Ước

1. Thánh Phaolô biên thư cho tín hữu Êphêsô cũng bàn tới sự trộm cắp, nhưng đồng thời đề ra phương thuốc chữa trị : “Ai trộm cắp thì đừng trộm cắp nữa, nhưng hãy chịu khó tự tay làm việc” (Ep 4,28 x. 1Tx 4,11 2,9 2Tx 3,11-13).

2. Xét cho cùng, nguồn gốc của tội trộm cắp là tính lười biếng. Bởi đó Phaolô đưa ra phương thuốc trị bệnh trộm cắp là phải siêng năng làm việc. Ngài dạy rằng siêng năng làm việc có 3 lợi ích :

a/ giúp tránh trộm cắp ;

b/ giúp tránh tình trạng sống bám vào người khác ;

c/ tạo dịp cho ta làm lành.

 

 

VIII. GIỚI RĂN VIII

“Ngươi sẽ không làm chứng gian hại người lân cận”

 

A. Tìm hiểu bản văn.

1. Bối cảnh

Ở Israel, nhất là trong thời đầu, việc xét xử thường thuộc quyền người dân ở mỗi địa phương :

– Nơi xét xử : thường là cổng thành

– Người xét xử : có thể là bất cứ ai, nhất là các kỳ lão

– Kẻ làm chứng : cũng có thể là bất cứ ai. Có 2 loại nhân chứng : a/ nhân chứng kết tội ; b/ nhân chứng biện hộ tha tội.

Trong những vụ xét xử, lời chứng rất quan trọng:

– Chưa thể kết án khi chưa có lời chứng buộc tội của ít ra 2 người.

– Bị cáo cũng chỉ có thể được tha khi có những nhân chứng biện hộ.

– Đặc biệt lời chứng buộc tội được coi trọng : a/ nếu bị cáo bị kết án tử hình thì nhân chứng buộc tội phải ném viên đá đầu tiên ; b/ Dù cho người đó làm chứng gian nhưng nếu không bị lột mặt nạ gian dối thì bị cáo vẫn bị xử. Thí dụ điển hình là vụ xử ông Nabot (1V 21).

Chính vì lời chứng trước toà có tính cách quyết định đối với sự sống chết và thanh danh của bị cáo, nên phải có 1 giới răn để bảo vệ quyền lợi cho bị cáo khỏi bị oan ức.

Giới răn này cũng quan trọng đối với nếp sống cộng đoàn bởi vì những lời làm chứng gian làm sụp đổ sự trông cậy lẫn nhau và tính trung thực, đưa đến nhiều khó khăn cho cuộc sống chung. Thánh Tôma viết : “Người ta không thể sống chung nếu không tín nhiệm lẫn nhau, nghĩa là nếu không có sự chân thật”. (IIa IIae 110,30).

 

2. Giải thích bản văn.

Những từ trong bản văn đều là những từ pháp lý :

– “Tu ne porteras pas” : Động từ nguyên ngữ Hípri là cANAH nghĩa là trả lời trước toà. Nó chỉ là những câu trả lời của 2 bên (nguyên cáo và bị cáo) và nhất là của các nhân chứng.

– “tu ne porteras pas contre ton prochain un témoignage mensonger” (bản văn Xh) – “Tu ne porteras pas contre ton prochain un témoignage à faux” (bản văn Đnl).

. ‘Ed (témoignage : lời chứng) : Đây cũng là từ ngữ toà án chỉ lời chứng trước toà.

. SEQER (mensonger, trong bản văn Xh) : gian dối.

* ‘ED SEQER : lời chứng gian dối

. SHAWE’ (à faux, trong bản văn Đnl) : sai sự thật.

* ‘ED SHAWE’ : lời chứng sai sự thật.

(2 kiểu nói “Ed seqer và ‘ed shawe” trong Xh và trong Đnl cũng đồng nghĩa).

-RECA (ton prochain) : người lân cận, chỉ những người Israel mà ta vẫn tiếp xúc hàng ngày.

Bởi vì bản văn giới răn VIII gồm toàn những từ ngữ toà án về sự làm chứng nên ta có thể kết luận rằng : trong nguyênthuỷ, giới răn này :

a/ chỉ nói tới sự làm chứng gian trước toà án.

b/ Không nói tới những hình thức gian dối khác như nói dối lường gạt vv.

 

3. Mở rộng ý nghĩa.

a. Tuy giới răn VIII nguyên thuỷ chỉ cấm làm chứng dối trước toà, nhưng bản chất của lời chứng dối chính là nói dối, nên ta cũng có thể hiểu rộng giới răn này cấm những hình thức gian dối khác như nói dối, tung tin đồn sai sự thật, vu khống, hối lộ vv. Đây chính là ý nghĩa mở rộng mà Cựu ước đã khai triển.: Xh 123,1-3 Lv 19,15-16 Đnl 16,19-20 Is 1,23 5,23 Am 5,7.10-12 Mk 3,1-3,9-11 Tv 27,12 35,11 Cn 6,19 12,17 19,5-9 vv.

Xét dưới khía cạnh gian dối này, giới răn VIII liên hệ mật thiết với giới răn II :

– Cả 2 đều dùng chữ “gian dối” : trong giới răn VIII là shawe’, trong giới răn II là la-shaw.

– có nhiều trường hợp trước khi nói nhân chứng phải lấy tên Giavê mà thề rằng mình sẽ nói sự thật (x. Xh 22,9-10)

– Và cũng có nhiều trường hợp khó xử (chẳng hạn thiếu vật chứng, thiếu nhân chứng buộc tội, thiếu nhân chứng biện hộ vv.), quan toà buộc bị cáo phải lấy tên Giavê mà thề kèm theo 1 lời cam kết sẵn sàng bị phạt nếu thề gian. Khi bị cáo chấp nhận thề thì vụ án kể như được giải quyết, còn nếu bị cáo không dám thề thì sẽ bị kết tội .

b. Xét theo phương diện tích cực, giới răn này không chỉ cấm làm chứng gian mà còn buộc phải bênh vực sự thật. Tôn trọng sự thật giúp cho cuộc sống chung được thoải mái dễ chịu, như lời Thánh Tôma đã được trưng dẫn phía trước. Ngoài ra tôn trọng sự thật cũng là tôn trọng chính Thiên Chúa vì Thiên Chúa chính là nguồn sự thật, Luật của Ngài là sự thật (2Sm 7,28 Tv 119,142).

 

B. Dưới ánh sáng Tân Ước.

Tân ước đặc biệt bổ sung khía cạnh còn thiếu trong bản văn nguyên thuỷ của giới răn này : không nói dối, phải làm chứng cho sự thật.

1. Nói dối.

Trong bảng liệt kê các thứ tội (như 1 bài quản diễn thập giới), thánh Phaolô kể tới tội “láo khoét, bội thề” ở đúng vị trí của giới răn VIII (1Tm 1,10). Theo Phaolô, dối trá là hành vi của “con người cũ” mà ta phải cố gắng “sát phạt” để trở thành “con người mới” : “Anh em hãy sát phạt những chi thể mê theo thế tục … Đừng nói dối nhau nữa”. (Cl 3,9); “Từ nay anh em đừng dối trá nữa, mỗi người hãy nói thật với đồng loại, vì chúng ta đều là chi thể của nhau” (Ep 4,24-25)

2. Nói thật.

– Thiên Chúa là sự thật, và sự thật của Thiên Chúa biểu lộ nơi Đức Giêsu Nazaret một cách trọn vẹn (Ga 1,14). Đức Giêsu đến thế gian để làm chứng cho sự thật (Ga 18,37).

– Noi gương ĐG, các môn đệ của Ngài cũng phải làm chứng cho sự thật (Mc 14,56-59 Cv 6,11-13 : vụ án Têphanô).

– Và mọi Kitô cũng được kêu mời sống trong Thánh linh của Sự Thật (Ga 14,17 16,13).

 

IX. GIỚI RĂN IX VÀ X

A. Tìm hiểu bản văn.

1. Bản văn Xuất Hành

“Ngươi sẽ không ham muốn nhà cửa cận nhân ngươi.

Ngươi sẽ không ham muốn vợ của cận nhân ngươi và tớ nam tớ nữ của nó, và bò lừa và mọi thứ thuộc về cận nhân ngươi”

a. Câu này gồm 2 vế, nhưng thực ra vế thứ 2 chỉ là giải nghĩa cho vế thứ nhất. Đối với người phương Đông cách chung và người Israel cách riêng, nhà chỉ tất cả gia đình gồm có trước hết là mọi người trong gia đình kế đó là những của cải trong gia đình đó.

b. Giáo lý công giáo ngày nay giải thích rằng ham muốn là 1 ước muốn trong lòng. Giới răn này kể ra 2 đối tượng của ham muốn : vợ người khác và của cải người khác. Do đó theo công giáo, đây chính là 2 giới răn : giới răn IX cấm ngoại tình trong lòng (đi cặp với giới răn VI cấm ngoại tình bằng hành động), và giới răn X cấm có ý muốn trộm cắp trong lòng (Đi cặp với giới răn VII cấm hành động trộm cắp).

Nhưng giải thích như vậy thì không đúng với ý nghĩa nguyên thuỷ của bản văn :

– Ta nên nhắc lại rằng Thập giới chỉ cấm những tội rất nặng phạm tới Giao ước và đề ra hình phạt rất nặng chẳng hạn xử tử hoặc khai trừ khỏi cộng đoàn. Ngoại tình trong lòng và ham muốn của cải người khác trong lòng không phải là những tội thuộc loại đó.

– Theo nghiên cứu của Hermann và Stamm, động từ HAMAD trong Thánh Kinh không có nghĩa đơn thuần là 1 ham muốn trong lòng, mà còn là 1 ham muốn thúc đẩy hành động để đạt cho bằng được điều ham muốn. Sau đây là 1 số bằng chứng :

. Đnl 7,25 : “Các ngươi không được ham muốn bạc vàng trên tượng mà lấy cho mình …”

. Mk 2,2 : “Chúng ham muốn ruộng đất và chúng đoạt lấy. Chúng ham muốn nhà cửa và chúng đoạt lấy ngay”

. Gs 7,21 : “Tôi thấy giữa các chiến lợi phẩm có 1 tấm bào đẹp, 200 thỏi bạc và 1 món vàng… Tôi đã ham muốn và tôi đã đoạt lấy”

Trong những câu vừa trích dẫn trên, động từ “ham muốn” có động từ “đoạt lấy” đi theo sau. Còn trong những câu sau đây tuy động từ “ham muốn” không có động từ “đoạt lấy” đi theo nhưng cũng hàm chứa ý nghĩa “đoạt lấy” :

. Xh 34,24 : “Khi người Israel vắng nhà để đi hành hương, không ai được ham muốn tài sản của họ. Không ai đượcham muốn đất đai của ngươi khi ngươi lên ra mắt trước nhan Giavê Thiên Chúa của ngươi, 3 lần trong 1 năm”.

. Tv 66,17 : “Tại sao núi non lại lườm nguýt Giêrusalem là núi của Đền thờ Giavê mà Thiên Chúa đã muốn làm nơi trấn ngự ? Phải, Giavê sẽ lưu lại đó muôn đời”.

c. Như thế, trong bản văn nguyên thuỷ, giới răn này trong sách Xuất hành cấm 1 hành động cụ thể để chiếm đoạt 1 thứ sở hữu nào đó của người khác.

Giải thích như vậy rất hợp với điều chúng ta đã nói ở phía trước là các giới răn trong bảng thứ hai bảo vệ những quyền lợi cơ bản của con người theo 1 bậc thang giá trị từ cao xuống thấp như sau: sinh mạng, hôn nhân, nhân phẩm, thanh danh, tài sản (gồm vợ, đầy tớ, súc vật, của cải vật chất).

 

2. Bản văn Đệ Nhị Luật.

* “Ngươi sẽ không ham muốn vợ của cận nhân ngươi

và ngươi sẽ không ao ước nhà của cận nhân ngươi, ruộng nương của nó, và tớ nam tớ nữ của nó, bò lừa và mọi thứ thuộc về cận nhân ngươi.”

a. Bản văn này khác bản văn trong Xh nhiều điểm :

– Trong Xh, người vợ được kể chung trong những thứ sở hữu của người chồng, còn ở đây người vợ được tách riêng ra khỏi mọi tài sản khác. Như thế, người vợ là đối tượng của 1 giới răn riêng biệt.

– Chữ nhà ở đây không còn mang nghĩa rộng chỉ tất cả mọi người và mọi tài sản trong gia đình nữa, mà mang nghĩa hẹp là ngôi nhà ở.

– Điểm khác biệt quan trọng nhất là trong khi bản văn Xh lặp lại 2 lần cùng 1 động từ HAMAD, thì bản văn Đnl dùng động từ HAMAD cho người vợ, và AWAH cho các tài sản khác. Phía trên chúng ta chúng ta đã nói Hamad chỉ sự ham muốn trong lòng kèm theo hành động chiếm đoạt. Còn AWAH, theo 1 số nhà chú giải, chỉ lòng ham muốn bên trong mà thôi. Thí dụ : awah ngày của Giavê (Am 5,18) ; awah chính Giavê (Is 26,9).

b. Như thế, bản văn Đnl chẳng những nhắm 2 đối tượng (vợ và tài sản người khác), mà còn có 2 ý nghĩa : a/ muốn và hành động đoạt vợ người khác ; b/ ham muốn trong lòng về tài sản người khác.

c. Và như thế, bản văn Đnl cho thấy 2 tiến bộ trong quan niệm luân lý của Israel :

*/ Không cần đợi tới khi ra tay chiếm đoạt mới là tội, nhưng chỉ cần ước muốn bất chính trong lòng đã là tội rồi.

*/ Từ nay người vợ không còn bị coi là một trong những tài sản của chồng nữa, tức là phẩm giá người vợ được tôn trọng hơn.

 

 

  

3. Mở rộng ý nghĩa.

Bản dịch LXX đã dùng 1 động từ Hy lạp duy nhất là Epiqumeo (epithumêo) để dịch 2 động từ Hípri Hamad và Awah. Êpithumêo chỉ thuầntuý lòng ham muốn bên trong. Như thế các dịch giả của bản LXX đã mở rộng ý nghĩa của giới răn này : không phải đợi tới khi chiếm đoạt mới có tội, mà chỉ mới ham muốn chiếm đoạt thôi cũng có tội rồi.

 

B. Dưới ánh sáng Tân Ước.

– Đức Giêsu đã dạy “Các con đã từng nghe bảo người xưa rằng chớ ngoại tình. Còn Ta, Ta bảo các con, ai nhìn người phụ nữ với lòng ham muốn thì đã ngoại tình với nó trong lòng mình” (Mt 5,28). Qua giáo huấn này Đức Giêsu cũng mở rộng ý nghĩa theo chiều hướng bản dịch LXX .

– Còn Thánh Phaolô thì đưa ra 1 cái nhìn thống nhất : Tất cả Thập Giới đều cấm ham muốn, và tất cả Thập giới đều dạy yêu thương : “Các việc ấy xảy ra cốt ý nêu bài học để ta đừng ham muốn sự xấu như tổ phụ xưa” (1Cr 10,6) ;”Thật thế, các lệnh truyền : chớ ngoại tình, chớ giết người, chớ tham lam, chớ trộm cắp và mọi điều luật khác đều thu tóm vào 1 câu : ngươi hãy yêu mến cận nhân như chính ngươi” (Rm 13,9).

 

Previous Post

SÁCH XUẤT HÀNH (Phần phân tích chi tiết I)

Next Post

BÀI HỌC VỀ SÁCH XUẤT HÀNH

BTV: Thùy Dương

BTV: Thùy Dương

Hãy dùng truyền thông để làm cho Niềm Vui Tin Mừng Chúa Ki-tô lan tỏa đến cho mọi người thời đại hôm nay (Hiền Lâm).

Related Posts

Học hỏi Thánh Kinh

Link: THÁNH KINH – CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ – SÁCH LỄ – SÁCH BÀI ĐỌC – SUY NIỆM – CHÚ GIẢI THÁNH KINH.

15/04/2022
Học hỏi Thánh Kinh

TÌM HIỂU THÁNH KINH. Cuốn 1: PHẦN TỔNG QUÁT

30/11/2021
Học hỏi Thánh Kinh

THÁNH KINH VÀ ĐỨC MARIA (Hiền Lâm)

30/11/2021
Học hỏi Thánh Kinh

GIÁO ÁN TK: Phụ lục. ĐẾ QUỐC LAMÃ THỜI THÁNH PHAOLÔ

08/05/2019
Học hỏi Thánh Kinh

GIÁO ÁN TK: CÁC THƯ PHAO-LÔ – Bài XIV. THƯ TITÔ

08/05/2019
Học hỏi Thánh Kinh

GIÁO ÁN TK: CÁC THƯ PHAO-LÔ – Bài XIII. THƯ II TIMÔTHÊ

08/05/2019
Next Post

BÀI HỌC VỀ SÁCH XUẤT HÀNH

Discussion about this post

  • Trending
  • Comments
  • Latest

Suy niệm Tin Mừng 25/03. LỄ TRUYỀN TIN: Lc 1,26-38/ 25.03.2023

24/03/2023

GIÁO TRÌNH PHỤNG VỤ CĂN BẢN

19/05/2019

SƯ PHẠM GIÁO LÝ (căn bản)

14/06/2019

Trọn bộ 305 BÀI SUY NIỆM MÙA THƯỜNG NIÊN

12/01/2023

Suy niệm Tin Mừng CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN, NĂM A.B.C

Suy niệm Tin Mừng CHÚA NHẬT LỄ HIỂN LINH: Mt 2,1-12

Suy niệm Tin Mừng THỨ NĂM TUẦN VI THƯỜNG NIÊN: Mc 8,27-33

Suy niệm Tin Mừng CHÚA NHẬT VII THƯỜNG NIÊN, năm A.B.C

CÁC BÀI SUY NIỆM TẾT NGUYÊN ĐÁN

08/02/2023

Tuyển tập THÁNH CA. Lm. An-tôn Hoàng Trung Hoa

31/12/2022

ĐÊM ĐÔNG CHỜ CHÚA – Album Thánh Ca Giáng Sinh và Năm Mới – Lm. Ant. Hoàng Trung Hoa

21/12/2022

Link: THÁNH KINH – CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ – SÁCH LỄ – SÁCH BÀI ĐỌC – SUY NIỆM – CHÚ GIẢI THÁNH KINH.

15/04/2022

Bài viết gần đây

CÁC BÀI SUY NIỆM TẾT NGUYÊN ĐÁN

08/02/2023

Tuyển tập THÁNH CA. Lm. An-tôn Hoàng Trung Hoa

31/12/2022

ĐÊM ĐÔNG CHỜ CHÚA – Album Thánh Ca Giáng Sinh và Năm Mới – Lm. Ant. Hoàng Trung Hoa

21/12/2022

Link: THÁNH KINH – CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ – SÁCH LỄ – SÁCH BÀI ĐỌC – SUY NIỆM – CHÚ GIẢI THÁNH KINH.

15/04/2022
Tin Mừng. TV

Facebook: facebook.com/peter.dao.3557
Fanpage: facebook.com/hienthulamhoatinh
Email: anhdao803184@gmail.com
Địa chỉ: Lm. Pet. Nguyễn Hữu Đào (Hiền Lâm)

Follow Us

Bài viết gần đây

CÁC BÀI SUY NIỆM TẾT NGUYÊN ĐÁN

08/02/2023

Tuyển tập THÁNH CA. Lm. An-tôn Hoàng Trung Hoa

31/12/2022

Thống kê truy cập

0750354
Visit Today : 292
Visit Yesterday : 559
This Month : 15116
This Year : 51775
Who's Online : 5
  • Trang chủ
  • Suy niệm
  • Học hỏi Thánh Kinh
  • Đức Mẹ – Chư thánh
  • Thơ Suy Niệm TM
  • Tản mạn
  • Liên Hệ

TinMung.Tv.Com Copyright © 2019. All Rights Reserved

No Result
View All Result
  • Trang chủ
  • Suy niệm
  • Học hỏi Thánh Kinh
  • Đức Mẹ – Chư thánh
  • Thơ Suy Niệm TM
  • Tản mạn
  • Liên Hệ

TinMung.Tv.Com Copyright © 2019. All Rights Reserved