THỨ BẢY TUẦN II MÙA VỌNG
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 17,10-13
Các môn đệ hỏi Đức Giêsu rằng: “Vậy sao các kinh sư lại nói Ê-li-a phải đến trước? ” Người đáp: “Ông Ê-li-a phải đến để chỉnh đốn mọi sự. Nhưng Thầy nói cho anh em biết: ông Ê-li-a đã đến rồi mà họ không nhận ra, lại còn xử với ông theo ý họ muốn. Con Người cũng sẽ phải đau khổ vì họ như thế.” Bấy giờ các môn đệ hiểu Người có ý nói về ông Gio-an Tẩy Giả.
II. SUY NIỆM
Khi đọc bài Tin Mừng hôm nay, người viết sực nhớ lại một câu chuyện cách đây khá lâu nơi một xứ đạo Miền Tây. Số là hôm ấy, ông trùm và cha sở đến một vùng giáo điểm để dâng Thánh Lễ. Do cha sở thì ăn mặc áo nâu sồng giản dị, còn ông trùm thì “mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao”, nên sau khi gửi xe để đi vào, ông trùm thì được một bác che dù và những người giúp giáo điểm đón vào mời dùng khăn lạnh, xơi nước, còn cha ở thì một mình lủi thủi. Đến giờ cha sở vào mở giỏ lấy lễ phục ra mặc để dâng lễ, thì mọi người mới tá hoả ra đâu là cha sở và đâu là ông trùm.
Câu chuyện trên cho thấy quan niệm của nhiều người rằng cha sở phải bảnh bao đẹp mã, phải nhìn phong độ hơn ông trùm… Đó cũng là quan niệm chung của người đương thời với Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu. Họ quan niệm Đấng Cứu Thế đến phải là rất quyền lực và oai phong như Vua Đa-vít, đến đánh dẹp Rôma và lên ngôi hoàng đế. Từ đó, căn cứ vào lời tiên tri Malaki 3,1, họ cũng quan niệm vị Tiền Hô của Người như là môt tể tướng quân đội, đầy quyền năng của ngôn sứ Êlia, hô mưa gọi gió, thách thức và tiêu diệt năm trăm ngôn sứ giả của hoàng hậu Jêsabell, đến trước chuẩn bị cho Đấng Messia ngự đến. Từ đó, họ không thể nhận ra Đấng Tiền Hô của Chúa là ông Gioan Tẩy Giả trong sự giản dị và khiêm tốn, và cũng đồng thời không chấp nhận một Đấng Cứu Thế khiêm nhường hiền hậu như Đức Giêsu được. Để rồi họ đối xử với Gioan theo cách họ muốn, và họ tiếp tục tìm cách hãm hại Đức Giêsu.
Chúa Giêsu đã cho các môn đệ biết, Gioan Tiền Hô chính là hiện thân của Êlia, đã đến trước chuẩn bị cho sứ vụ của Người, và khi Chúa Giêsu giới thiệu Gioan Tiền Hô như là Êlia thì cũng có nghĩa là Người muốn nói cho người Do Thái biết rằng, lời tiên tri Malaki mà họ trông đợi đã ứng nghiệm, Đấng Cứu Thế là chính Người đã đến.
Có người hỏi cha Anthony de Mello rằng: “Ai sinh ra Thiên Chúa”, ngài đáp: “con người chúng ta sinh ra Thiên Chúa”; người đó hỏi tiếp: “vậy ai giết chết Thiên Chúa”, ngài đáp: “cũng chính chúng ta giết Thiên Chúa”.
Thật vậy, ngày hôm nay, chính chúng ta vẽ ra một vị Thiên Chúa làm sao cho hợp với đam mê của mình, chúng ta ham quyền lực nên tôn thờ một kiểu Thiên Chúa uy quyền đánh phạt, chúng ta ưa danh vọng, nên vẽ ra Thiên Chúa giàu sang quyền quý… Như thế chúng ta vừa sinh ra một Thiên Chúa theo ý mình, đồng nghĩa với việc chúng ta giết chết một Thiên Chúa đích thực, là một Thiên Chúa yêu thương, Thiên Chúa chịu đóng đinh và là Thiên Chúa của người nghèo. Để rồi, cũng như những người Do Thái xưa, chúng ta quan niệm những vị đại diện Chúa sai đến, phải là oai phong hơn người, và chúng ta dành cho các vị một khoảng cách rất xa so với những người thân cận đang cần đến chúng ta giúp đỡ.
Đáng trách hơn là không thiếu những người “được coi là đại diện Chúa”, như các GM, Lm, Ts… đã tự trang bị cho mình một sự vượt trội người khác, thay vì nổi trội về lòng mến và kiến thức về Chúa, thì lại lo sắm sửa cho mình những tiện nghi sang trọng, để được mọi người kính nể, và tự phân cấp thành một bậc cao hơn trên dân Chúa, không thể đến với người nghèo và hạ mình cúi xuống phục vụ những người đau khổ. Như thế, chẳng khác nào chúng ta đang tôn thờ một Thiên Chúa ‘thần tài’ và giết chết Thiên Chúa là Đấng đã chết đi vì những người hèn kém nhất trong xã hội.
Lạy Chúa Giêsu, xin tha thứ tội lỗi cho chúng con, bởi vì chúng con được ví như “người nhà” của Chúa, nhưng nhiều lần Chúa đến viếng thăm tâm hồn chúng con thì chúng con lại từ chối vì không nhận ra Chúa, bởi tâm trí chúng con quen với tư tương một Thiên Chúa quyền lực thỏa mãn đam mê của chúng con hơn là một Thiên Chúa Tình Yêu. Amen
Hiền Lâm
Discussion about this post