Tản mạn suy tư: NGŨ ĐẠO THÁNH THOMAS
NĂM CON ĐƯỜNG NHẬN BIẾT CÓ THIÊN CHÚA:
BIẾN DỊCH – NGUYÊN NHÂN – TẤT HỮU – CẤP ĐỘ – MỤC ĐÍCH.
(x. Tổng Luận Thần Học phần I, chương II, mục 3).
Nhận biết Thiên Chúa nhất thiết phải nhờ mặc khải, mà mặc khải tròn đầy về Thiên Chúa ở nơi Chúa Giêsu Kitô. Tuy nhiên, con người có thể qua thiên nhiên vũ trụ vạn vật vẫn có thể nhận ra dấu vết của Thiên Chúa, tỉ như không ai thấy gió nhưng nhận biết có gió khi nghe tiếng lá cây rì rào và mặt nước gợn sóng, hoặc không ai nhìn thấy tình yêu nhưng cảm nhận được tình yêu qua cử chỉ hành động và sự rung cảm của trái tim. Cũng vậy, dựa trên những chuyển động, nguyên nhân, bất tất, quy chiếu hay mục đích nơi vũ trụ vạn vật, thánh Thomas đưa ra năm cách để nhận biết Thiên Chúa:
1. BIẾN DỊCH
Các sự vật trong vũ trụ có sự biến dịch, chúng chịu sự thay đổi khi biến dịch và tác động lên nhau theo tầm mức giới hạn của mình: Dù là biến dịch bản thể (bánh ăn thức uống thành thịt máu…) hay biến dịch tùy thể (thấp thành cao, mập thành gầy…) hoặc những chất này chế tạo thành vật khác… Thế nhưng, không thể lùi lại về quá khứ đến vô tận trong chuỗi những biến động lệ thuộc nhau, nghĩa là có lùi lại đến bất tận cũng vô ích, vì trong một chuỗi bất tận các động cơ lệ thuộc thì tất cả mọi yếu tố đều là trung gian, vừa tác động vừa bị tác động, nghĩa là vừa nhận lại vừa chuyển sự vận động. Vì thế, phải có một hữu thể bất biến đầu tiên làm cho mọi vật chuyển động trật tự và hài hòa. Hữu thể bất biến ấy là Thượng Đế.
Thánh Thomas viết:
“Đường sáng tỏ hơn hết dựa vào chuyển dịch: ai cũng thấy rõ ràng có chuyển dịch trong vũ trụ. Mọi chuyển dịch đều do vật khác tác động. Để một vật chuyển dịch, vật đó phải có tiềm năng, còn vật gây chuyển dịch ở trong thế hiện thể. Gây chuyển dịch là đưa một vật từ tiềm thể (potentiality) sang hiện thể (actuality). Nhưng không thể làm như vậy nếu không nhờ đến một vật đang ở trong hiện thể. Ví dụ, lửa đốt gỗ cháy, lửa trong hiện thể nóng cháy, gỗ có tiềm năng nóng cháy nên gỗ nhờ lửa để đạt tới nóng cháy trong hiện thể.
Nhưng một vật không thể vừa trong hiện thể vừa trong tiềm thể một trật, có chăng chỉ ở nhiều phương diện khác nhau. Thí dụ vật đang cháy (hiện thể) thì không thể cũng có thể cháy (tiềm thể) nhưng cũng cùng một vật đang cháy đó vẫn có thể nguội (tiềm thể nguội). Như vậy cũng một vật theo cùng một phương diện không thể vừa gây chuyển dịch vừa bị chuyển dịch, nghĩa là không có gì tự chuyển dịch. Do đó mọi chuyển dịch đều do vật khác tác động và chính vật khác đó cũng bị chuyển dịch. Và ta không thể lý luận mãi đới vô cùng. Lý do là nếu kéo dài lý luận mãi, sẽ không có đệ nhất động cơ rồi cũng không có bất kỳ vật tác động nào khác bởi lẽ mọi tác động kế tiếp đều nhờ vào đệ nhất động cơ như cây gậy chỉ chuyển động nhờ bàn tay.
Bởi đấy cần có một đệ nhất động cơ, không bị vật khác tác động mà mọi người gọi là Thượng Đế”.
2. NGUYÊN NHÂN TÁC THÀNH.
Mọi vật hiện hữu hay mọi biến cố xảy ra đều có một nguyên nhân. Không có sự vật nào trong vũ trụ khả giác là nguyên nhân tác thành cho chính mình, nhưng các sự vật tác động lên nhau, tạo nên một chuỗi nguyên nhân lệ thuộc. Chẳng hạn, đứa bé vừa sinh ra. Trước đó bé chưa hiện hữu và ai cũng biết bé không thể tự mình hiện hữu. Dĩ nhiên ai cũng khẳng định cha mẹ bé là nguyên nhân hiện hữu của bé. Khẳng định này hiển nhiên là đúng nhưng chưa phải là giải đáp tận căn cho sự hiện hữu của bé. Vì chính cha mẹ bé đã có một thời chưa có mặt trên thế giới. Vậy phải đi ngược lên tới tổ tiên của bé để tìm câu trả lời, nhưng phải đi ngược lên tới bao xa mới có câu trả lời thỏa đáng? Có ngược lên đến vô tận cũng vô ích vì một chuỗi vô cùng những nguyên nhân trong chuỗi nguyên nhân cha mẹ tổ tiên vẫn là những nguyên nhân trung gian nên không thể tìm thấy lý do hiện hữu ở nơi đó. Vì vậy nhất thiết phải truy nhận có một nguyên nhân đệ nhất đứng ngoài chuỗi nguyên nhân trung gian hay lệ thuộc kia và trách nhiệm hoàn toàn về sự hiện hữu của chuỗi nguyên nhân trung gian hay lệ thuộc trong vũ trụ, đồng thời nguyên nhân đệ nhất đó không bị lệ thuộc vào bất cứ nguyên nhân nào khác. Nguyên nhân Đệ Nhất ấy là Thượng Đế.
Thánh Thomas viết:
“Đường thứ hai khởi đi từ bản chất của nguyên nhân tác thành: trong thế giới sự vật khả giác, ta nhận thấy có một trật tự giữa các nguyên nhân tác thành. Được biết, không có trường hợp nào trong đó có một vật được coi là nguyên nhân tác thành của chính mình. Nếu có, vật đó phải có trước mình, là điều phi lý, không thể chấp nhận được.
Trong trật tự các nguyên nhân tác thành, nguyên nhân đệ nhất sinh ra một hay nhiều nguyên nhân trung gian, nguyên nhân trung gian sinh ra nguyên nhân sau cùng. Nếu không có nguyên nhân đệ nhất, làm sao có nguyên nhân trung gian và nguyên nhân sau cùng. Nên không thể lý luận mãi như thế được, vì lý luận như thế sẽ không có nguyên nhân tác thành đệ nhất thì cũng chẳng có nguyên nhân trung gian và hiệu quả sau cùng. Đó là điều sai lầm.
Bởi đấy, cần có nguyên nhân tác thành đệ nhất được mọi người gọi là Thượng Đế”.
3. TÍNH TẤT HỮU.
Mọi vật đều có sinh có diệt, nghĩa là có khởi đầu và kết thúc. Chúng không thể tự sinh, mà phải nhờ một hữu thể khác mới hiện hữu được. Nghĩa là tất cả mọi vật đều chỉ có sự hiện hữu lệ thuộc: Con người không thể tự sinh ra, và để sống cần phải nạp không khí, thức ăn, đồ uống, nhưng khi không thể nạp nữa thì chết; cây cối cần đất, nước, quang hợp mới sống… Nên cần có hữu thể tất hữu tự thân hay tự thể (per se), tuyệt đối là hữu thể tự mình có đủ lý do hiện hữu, không phải nhờ hữu thể khác làm nguyên nhân cho mình, là hữu thể luôn luôn hiện hữu, nghĩa là không có bắt đầu hiện hữu cũng không bao giờ thôi hiện hữu luôn luôn ở hiện thể hiện hữu (in actu existentiae). Hựu Thể Tự Hữu ấy là Thượng Đế.
Thánh Thomas viết:
“Đường thứ ba dựa vào vật bất tất và vật tất yếu. Ta thấy trong thiên nhiên có những vật có hay không cũng được vì người ta thấy chúng xuất hiện rồi mất đi, nghĩa là chúng có thể có và cũng có thể không. Điều đó cho thấy không nhất thiết mọi vật bất tất luôn luôn hiện hữu. Vì cái có thể có, thì cũng có lúc chẳng có. Nếu tất cả mọi vật đều bất tất thì đã có lúc không có vật nào cả. Nếu giả thiết đúng như thế thì ngay lúc này, chẳng có vật nào hết, bởi vì vật gì vốn không có, nó chỉ bắt đầu có, nhờ vào vật khác đã có sẵn. Giả sử trước đây không có vật nào, thì bây giờ làm gì có vật nào bắt đầu hiện hữu được. Như vậy hiện thời trên thế giớn chẳng có một vật gì cả. Nhưng thực tế cho thấy ngược hẳn với điều đó. Do đó không phải tất cả hữu thể đều bất tất nhưng phải có một vật tất yếu. Vật tất yếu có hai loại: hoặc nhận tính tất yếu nơi vật khác hoặc tự mình là tất yếu. Và ta không thể đi ngược đến vô cùng trong chuỗi những vật tất yếu có nguyên nhân tất yếu nơi vật khác, cũng như không thể đi ngược tới vô tận trong chuỗi các nguyên nhân tác thành (trung gian) như đã nói ở chứng cứ thứ hai. Vậy phải có một hữu thể tất yếu tự tại. Chính hữu thể ấy là nguyên nhân của tính tất yếu nơi các hữu thể tất yếu khác. Mọi người gọi là Thượng Đế”.
4. QUY CHUẨN – CẤP ĐỘ HỮU THỂ
Trong vũ trụ các sự vật có mức độ chân thiện mỹ hơn kém nhau. Chúng có sự hoàn hảo hơn kém, nghĩa là có những cấp độ thiện hảo khác nhau. Sự thiện hảo hơn kém nơi chúng luôn qui chiếu về hữu thể tối hảo là nguồn mạch của chúng. Nói hơn kém là bao hàm cái tuyệt mức trong một loại nào đó. Như khi nói về cái đẹp: A đẹp, B khá đẹp, C tuyệt đẹp là muốn qui chiếu về cái đẹp tuyệt đối. Nghĩa là ABC không phải là chính cái đẹp, nhưng chỉ dự phần hay phản ảnh phần nào cái đẹp tuyệt đối. Như thế khi sự thiện hảo được thể hiện theo những mức độ khác nhau nơi nhiều sự vật thì không sự vật nào tự bản chất giải thích được sự hiện hữu của sự thiện hảo đó. Nó phải qui chiếu về nguồn mạch của nó, một sự toàn hảo tự tại. Nói tóm lại, khi so sánh về một cái gì đó, thì cần phải có một cái tuyệt đối để quy chuẩn. Tuyệt đối để quy chuẩn ấy chính là Thượng Đế.
(Có người lý luận rằng: “Chẳng lẽ Thiên Chúa là cái ác tuyệt đối, cái xấu tuyệt đối để quy chiếu cho cái ác hay cái xấu sao?”. Xin thưa rằng, Trong cấp độ hữu thể, cái ác hay cái xấu không là tự nó mà là cấp thấp hay là khiếm khuyết của cái thiện hoặc cái xấu)
Thánh Thomas viết:
“Đường thứ tư dựa vào mức độ hoàn hảo nơi sự vật, vì tương quan khác nhau với cái tuyệt đối, nên các vật có mức độ tốt đẹp, chân thật và cao quí hơn kém khác nhau. Thí dụ: Vật nóng hơn vì nó gần gũi hơn với vật nóng nhất. Như vậy phải có điều gì tuyệt đối chân thật, tuyệt đối thiện hảo và tuyệt đối cao quí, nghĩa là vật đó tuyệt đối hiện hữu: vì điều gì tuyệt đối chân thật, cũng tuyệt đối hiện hữu (2 metap. 1. cap.1). Đồng thời điều tuyệt đối trong giống là căn nguyên cho cả giống đó. Thí dụ: trong các vật nóng có lửa nóng nhất nên lửa đốt nóng các sinh vật khác.
Bởi đấy cần có nguyên nhân cho mọi hữu thể, cho mọi phẩm tính. Đó là Thượng Đế vậy”.
5. MỤC ĐÍCH – CỨU CÁNH
Nhìn chung, thế giới có trật tự và định hướng. Vạn vật đều hướng về một mục đích. Mọi tác nhân hành động vì một mục đích. Làm gì cũng đều có mục đích hướng tới. Tuy nhiên ảnh hưởng của mục đích có thể trực tiếp hoặc gián tiếp tùy theo bản tính của tác nhân: nơi tác nhân có lý trí, mục đích hiện diện như một ý hướng trực tiếp tác động đến tác nhân vì được tác nhân nhận thức như một sự thiện hay giá trị đáng ước mong, đồng thời thu hút và thúc đẩy tác nhân hành động. Còn nơi tác nhân vô tri, ảnh hưởng của mục đích chỉ là gián tiếp, vì chúng không lựa chọn mục đích nhưng được áp đặt bởi chính sự cấu tạo của bản tính chúng. Nói cách khác là được ghi khắc vào ngay trong sự cấu tạo tự nhiên (bản năng làm tổ của tò vò…). Dựa trên nguyên lý “mọi tác nhân đều hành động hướng về mục đích của nó” chứng cứ có thể đi cả con đường “những vật vô tri” cả con đường “những vật có lý trí”. Và mục đích tối hậu là Thượng Đế.
Thánh Thomas viết:
“Đường thứ năm dựa vào việc điều hành vạn vật. Ta thấy dù vật vô tri cũng hướng về một mục đích. Hầu như lúc nào hoạt động của chúng cũng hướng tới chỗ tuyệt hảo. Như thế tất không do tình cờ nhưng phải do định hướng. Vật vô tri chỉ có thể hướng về mục đích nhờ có một chủ thể hữu tri vì như mũi tên phải nhờ xạ thủ bắn đi.
Bởi đấy cần có một đấng hữu tri điều khiển vạn vật về một mục đích. Chính Ngài là Thượng Đế”.
Discussion about this post