PHẦN III. PHẦN CHUYÊN BIỆT
Bài I. THƯ RÔMA
Trong khoảng thời gian từ khi rời Macédoine và ghé lại sau đó (Cv 20,3), nhiều sự cố xảy đến nhưng các bản văn không đề cập đến. Theo Cv 20, 2: Phaolô tới Achaia và ở lại đó 3 tháng. Dịp này, ngài viết thơ Rôma. So sánh với Galát, thơ Rôma có nhiều điểm tương đồng nhưng được triển khai sâu xa hơn. Phaolô cho biết đã hoàn thành việc rao giảng tại các vùng phía Đông đế quốc (Rm 15,23), đã hoàn thành việc lạc quyên tại Macédoine và Achaia (15,26-27) và sẽ mang về Giêrusalem (15,28.30-31). Như thế, ta có thể xác định thơ Rm được viết tại Achaia cuối hành trình truyền giáo III.
Lý do nào khiến Phaolô viết lá thơ này cho một giáo đoàn không do Ngài thiết lập? Ngài hằng ao ước một lần đặt chân đến thủ đô của đế quốc và nói lên khát mong được đi truyền giáo tại một vùng đất mới là Tây Ban Nha. Ngài viết thơ này chuẩn bị cho cuộc viếng thăm đó (15,22-29). Ngài viết thơ này còn để bổ túc và triển khai những gì đã viết trong thơ Galát. Chắc chắn ngài cũng biết tình hình giáo đoàn Rôma: một giáo đoàn có đức tin chính thống, tuy nhiên trong lãnh vực mục vụ và liên đới vẫn còn nhiều điều cần được sửa chửa và bổ sung như trong 14,1-15,7. Đàng khác, Rôma là thủ đô đế quốc, Phaolô muốn chọn nơi đây để quảng bá giáo lý, để từ đó Tin Mừng dễ dàng lan đến các nơi khác.
Đầu thơ, Phaolô loan báo chủ đề ngài sẽ triển khai. Ngài nhắc lại Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng đã nhập thể, chết và sống lại, vinh thăng. Thiên Chúa đã tỏ bày quyền năng nơi Ngài để thực hiện sự cứu độ cho mọi kẻ tin, Do thái hay dân ngoại. Sự cứu độ ấy chính là ơn Công chính hóa, là sự sống vĩnh cửu được thông ban nhờ tin vào Đức Kitô chết và sống lại. Chủ đề này được Phaolô triển khai qua các điểm sau đây: Nhân loại tội lỗi tách rời khỏi Thiên Chúa và bị đặt dưới cơn thịnh nộ của Thiên Chúa. Thiên Chúa cứu độ bằng chính sự chết và sống lại của Đức Kitô. Điều kiện để được cứu độ là tin vào Thiên Chúa duy nhất và nhận biết Đức Giêsu chết và sống lại. Đức tin được biểu lộ và phát triển bằng đức ái. Việc cứu độ đã được Kinh Thánh loan báo. Israel từ chối, không làm thay đổi sự can thiệp cứu độ của Thiên Chúa.
A. HOÀN CẢNH
Phaolô viết thư Rôma vào mùa đông 58 tại Corintô (Cv 20,2tt), gởi cho giáo đoàn Rôma gồm phần đông những Kitô hữu gốc ngoại, để chuẩn bị việc ngài sẽ đến Rôma, nhờ giáo đoàn quan tâm giúp đỡ để ngài có thể thực hiện sứ vụ truyền giáo tại Tây Ban Nha. Đàng khác, những Kitô hữu gốc ngoại có thái độ kiêu kỳ đối với Kitô hữu gốc Do thái; vì thế Phaolô cũng muốn giải hòa bằng cách giúp họ ý thức sự liên kết nên một trong Chúa Kitô (Rm 15,7). Ngài nhờ Phoebê chuyển thư (Cv16, 1-23).
* Từ Césarê đến Rôma
Festus trao nhiệm vụ áp giải Phaolô đến Rôma cho đại đội trưởng Julius. Phaolô đem theo Aristarque và Luca. Khi đến Sidon, Julius cho phép Phaolô đi thăm cộng đoàn Kitô hữu tại đây. Tàu đi dọc bờ biển và 15 ngày sau cập bến Myre ở Lycie; sau đó tiến về đảo Crète. Từ Crète, sau 14 ngày đêm lênh đênh trong bão tố, tàu đắm và đoàn người đổ bộ lên đảo Malte do Publius cai quản. Tại đây, Phaolô bị rắn cắn mà không sao, làm dân bản xứ coi ngài như thần. Publius tìm nơi cho họ trú ngụ qua đông. Thời gian này, Phaolô chữa lành bệnh cho cha vợ Publius, nên được tự do thăm viếng, chăm sóc các bệnh nhân trên đảo. Nhờ vậy Phaolô có cơ hội rao giảng Tin Mừng và thiết lập nền móng cho Giáo hội tại đây. Qua mùa đông, đoàn người xuống tàu đi Rôma, dừng chân tại Syracuse và Rhegium, cuối cùng đến Puteoli. Puteoli là cảng thương mại lớn nhất nước Ý thời bấy giờ. Tại đây, cũng có nhóm Do thái và Kitô hữu sinh sống. Phaolô được phép đi thăm họ. Sau đó, ngài đến Roma; dọc đường nhiều cộng đoàn đón gặp ngài. Điều này nói lên tâm tình của các Kitô hữu thuộc các giáo đoàn tại đây: dù chưa biết Ngài, nhưng cảm kích bởi những lời thơ ngài viết cho họ từ Corintô năm 58.
* Phaolô tại Rôma
Nếu chấp nhận thời hiệu Festus làm tổng trấn Césarê năm 59/60, thì Phaolô đến Rôma khoảng tháng 4 năm 61.
Sách Công vụ kết thúc ở 28,16-30. Ngoài ít chỉ dẫn về việc Phaolô bị cầm tù tại Rôma, Công vụ không nói gì hơn. Tác giả Luca coi chương này như kết luận của toàn tác phẩm. Công vụ thuật lại hai lần Phaolô gặp Do thái tại Rôma như lặp lại một loạt các chủ đề đã trình bày trước đây: Phaolô hầu như thất bại trong việc rao giảng cho Do thái, vì thế ngài chuyển qua rao giảng cho dân ngoại. Khác với Do thái cứng lòng tin, dân ngoại rất nhiệt tình đón nhận lời rao giảng, họ trở lại và gia nhập đạo ngày càng đông. Ơn cứu độ của Thiên Chúa đến cho mọi người, mọi dân tộc. Chủ đề này được coi như sợi chỉ đỏ xuyên suốt từ Tin Mừng Luca đến hết Công vụ Tông đồ.
Đề tài
Kế hoạch vĩ đại của Thiên Chúa: Tin Mừng về sự công chính hóa của Thiên Chúa cho Do thái lẫn dân ngoại (1,16). Mọi người, Do thái cũng như dân ngoại, đều ở dưới tội (3,9) và được công chính hóa nhờ đức tin vào Đức Kitô chết và sống lại (3,22), chứ không do việc tuân giữ Lề luật.
B. CẤU TRÚC
Nhập đề: 1,1-17. Tạ ơn Chúa (1,8) và nói lên dự định đi Rôma (1,9-15). Phát biểu chủ đề (1,16): Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô là nguồn cứu độ cho những ai tin.
Phần I: 1,17 – 8,39: công chính hóa do đức tin.
Do thái và dân ngoại đều ở dưới cơn thịnh nộ của Thiên Chúa (1,18–3,20). Dân ngoại không nhận biết Thiên Chúa (c.18-23), đã phạm tình dục bỉ ổi (c.24-27) và lương tâm đồi bại (c.28-32). Do thái cũng sẽ bị phán xét như dân ngoại mặc dầu họ xét đoán dân ngoại (2,1-11), mặc dầu có lề luật (2,12-16), có cắt bì (c.25-29), có lời hứa của Thiên Chúa (3,1-7). Nhưng họ cũng tội lỗi chẳng kém dân ngoại (3,8-20).
Duy chỉ có đức tin vào Chúa Kitô mới đem tới ơn cứu độ, nghĩa là tất cả những ai tin vào Đức Kitô đều được công chính hóa (3,21–4,25). Abraham là mẫu mực điển hình và là cha của những kẻ tin, không nhờ vào việc cắt bì (4,9-12), không nhờ vào Lề luật (4,13-17), nhưng nhờ vào đức tin (4,18-25).
Đời sống tình yêu trong Chúa Kitô (5,1-11). Ơn thánh hóa là hiệu quả của công chính hóa, được ban nhờ Đức Kitô là Ađam mới (5,12-21). Bí tích Rửa tội giải thoát ta khỏi sự thống trị của tội lỗi (6), để từ nay ta được hưởng sự tự do của con cái Thiên Chúa, giải thoát khỏi quyền lực của Lề luật (7,1-25), của tội và của cái chết (8,1-39), được làm con Thiên Chúa nhờ Thần khí (8,14-17).
Phần II: 9,1 – 11,36: Số phận của Israel
Vai trò của Israel trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa (9-11). Thiên Chúa hoàn toàn tự do yêu thương và cứu độ mọi người. Lời hứa của Thiên Chúa với Israel vẫn còn giá trị: sau khi các dân ngoại trở lại thì hy vọng Israel cũng được cứu độ.
Phần III: 12, 1 – 15,33: Khuyến dụ
Những nét chính yếu trong đời sống Kitô hữu: đời sống bác ái và khiêm hạ đối với mọi người (12,3-21), tùng phục chính quyền (13,1-7), trên hết mọi sự là tình yêu thương như viên mãn của Lề luật (13,8-10).
Bổn phận bác ái của những kẻ mạnh tin đối với những ai còn non kém (14,1-15,13)
Kết luận: Dự định viếng thăm các nơi. Quan tâm đến việc lạc quyên giúp Giêrusalem. Báo trước những thầy lạc giáo (16, 1-27)
C. GIÁO HUẤN THẦN HỌC
- Tính cách nhưng không của ơn cứu rỗi.
Phaolô đi ngược với quan niệm Do thái về báo ứng tại thế và sự thưởng phạt. Theo ngài, sự công chính hóa hoàn toàn là ân huệ nhưng không của Thiên Chúa. Trong khi Do thái tự hào và dựa vào Giao ước, những thể chế phượng tự, lề luật, thì Phaolô trình bày lời hứa vô điều kiện của Chúa cho Abraham và dòng dõi (Rm 4; Gl 3). Truyền thống Do thái đề cao công nghiệp các Tổ phụ (Hc 44), Phaolô đề cao việc Thiên Chúa tuyển chọn, tiền định, trước khi con người biết làm việc lành (Rm 9,11; Gl 1,15) và mặc dầu con người phạm tội (Rm 4,5; 5,8; Gl 1,13). Trong lúc Biệt phái tự kiêu và tách nình khỏi người khác, Phaolô chỉ cho biết thái độ khiêm hạ, nhìn nhận tội lỗi (Rm 3,19-22), tin cậy vào lòng nhân từ của Thiên Chúa (Rm 5,1-11; 8,31-39; Gl 2,20). Người thương xót đưa người tội lỗi đến ơn cứu rỗi (Rm 8,28; 11,30-32; Gl 3,2).
- Thiên Chúa là Đấng công chính (1,17; 3,5; 3,21; 5,18.21; 10,3). Sự công chính của Chúa tỏ bày qua các hành động đối với dân Người, bao hàm vừa thịnh nộ và án phạt vừa cứu độ nhờ Đức Giêsu Kitô.
- Công chính hóa bởi Thiên Chúa. Không phải nhờ Lề luật Môisê mà người ta được công chính hóa, nhưng nhờ đức tin (3,18.24; 4,25; 5,18). Thiên Chúa ban sự công chính của Người cho những ai tin vào Đức Giêsu Kitô và đón nhận sứ điệp cứu độ của Ngài. Sự công chính đem lại ơn tha thứ tội lỗi và ơn thánh hóa để sống đời sống mới hoàn toàn tự do đối với tội lỗi và Lề luật. Khái niệm công chính hóa của Phaolô gắn kết hai yếu tố: Sự tha bổng để người tội lỗi được nên công chính và hành động yêu thương của Thiên Chúa biến họ nên công chính.
- Sự thánh hóa (6,15-23) tiếp tục những gì đã bắt đầu trong công chính hóa. Ai được tha thứ tội lỗi thì trở nên trong sạch và Chúa dành người đó cho mình. Sự thánh hóa chỉ sự nổ lực thao luyện của người đã thuộc về Chúa, dưới tác động của Thánh Thần, để ngày càng nên hoàn thiện hơn. Nhờ ơn Chúa, họ cố gắng sống sự tuân phục để tự do phụng sự Thiên Chúa. Vì thế trong các thư Phaolô, Kitô hữu được gọi là thánh (Rm1,7; Ep 1,1). Từ nay, niềm tin vào Chúa Kitô mời gọi Kitô hữu từ bỏ vinh quang trần thế (3,27) để xây dựng đời sống mới trên tình yêu (12,9; 13,8-10; cf. Gl 5,6.13-15), sự vâng phục, lòng tri ân cảm tạ (14,6). Kitô hữu quy hướng mọi sự về với Đức Kitô (15, 3.7) trong sự mong chờ ngày Quang lâm chung thẩm (13, 11; cf. 1Tx 4,6).
- Ân sủng. Kinh nghiệm bản thân đóng vai trò then chốt trong hình thành khái niệm ân sủng nơi Phaolô. Con người không thể nào đạt tới cùng đích bằng việc tuân giữ lề luật. Sống dưới lề luật, con người chỉ ý thức sự bất lực của mình. Chính Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, ban ân sủng cứu độ cho những ai tin và hoán cải, bắt đầu là ơn công chính hóa và tiếp nối là sự thánh hóa nhờ Thánh Thần gắn liền với con người mới trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. An sủng nhưng không của Thiên Chúa là quan niệm thiết yếu trong thần học Phaolô.
- Ơn cứu độ: Ba từ ngữ giúp hiểu ơn cứu độ theo Phaolô:
- Sotein: cứu thoát, giải thoát khỏi sự chết để được sống, cứu chuộc hầu từ nay sống cho Đấng đã cứu mình khỏi sự chết (10,9.13; 11,26).
- Lutrein: chuộc lại bằng một giá.
- Hòa giải: giao hòa với Chúa và tha nhân.
Đức Kitô đã dùng hy lễ thập giá để cứu chuộc ta. Ngài giải thoát ta khỏi tội lỗi và sự chết để giao hòa ta với Thiên Chúa hầu ta được sống sự sống mới của Chúa. Đời sống Kitô hữu là sống cho và trong Đức Kitô, được tái tạo toàn diện trong Đức Kitô (14, 8-12).
- Thần khí – xác thịt (7-8).
Thánh Phaolô dùng hai khái niệm này để chỉ hai lối sống của con người trong tương quan với Chúa. Sống theo Thần khí chỉ con người toàn diện được Thần khí chiếm hữu, thi hành thánh ý Chúa và sống trong tình trạng ân sủng, gọi là sống theo thể chế đức tin. Xác thịt chỉ toàn diện con người xa lánh Thần khí và tự khép mình trong ích kỷ, sống và hành động theo thể chế lề luật. Thể chế lề luật không thể dẫn con người đến sự sống, không phải vì luật không tốt lành, nhưng luật chỉ làm con người hiểu biết tội lỗi và không mang tới khả năng thắng vượt, nên để tội lỗi tăng thêm. Vì thế Lề luật dẫn đến sự chết (3,20; 5,15; 7,7-13). Chỉ có thể chế của đức tin, của ân sủng, của Thần khí mới đem lại cứu độ.
- Phượng tự thiêng liêng (Rm 12).
Khác với phượng tự Do thái thiết yếu ở tại những nghi thức bên ngoài và lễ dâng là các tế vật chiên bò, thánh Phaolô dạy phượng tự chân thật là dâng hiến chính mình làm lễ tế sống động, thánh thiện, đẹp lòng Thiên Chúa (12,11), dâng tiến lên Thiên Chúa cuộc sống mỗi ngày với tất cả hiện hữu hiện sinh của mình, đặc biệt là những hành vi bác ái (12,21). Thư Do thái sẽ triển khai sâu rộng đề tài này trong chương nói về chức Tư tế của Đức Kitô.
Discussion about this post