Bài II. THƯ 1CORINTHÔ
A. HOÀN CẢNH
Theo Cv, trong hành trình truyền giáo II, Phaolô đến Corintô, thủ phủ của Achaia, vào khoảng năm 50 hoặc 51 và thành lập giáo đoàn Corintô. Đây là một giáo đoàn lớn và sống động, gồm đa phần những người nghèo (1Cr 1,26), chỉ một số rất ít người giàu và có quyền thế (1Cr 11,26-29). Trong cuộc hành trình III, khi đến Ephêsô, Phaolô nắm bắt được nhiều thông tin về giáo đoàn Corintô vì giao thông dễ dàng.
- Đời sống của giáo đoàn Corintô
Không thể hiểu những vấn đề đặt ra cho giáo đoàn Corintô nếu không biết được sự khác biệt lớn lao về não trạng của các thành phần trong cộng đoàn cũng như bình diện xã hội của cộng đoàn.
Trước hết, cũng như tất cả các giáo đoàn do Phaolô thiết lập, Corintô gồm những Kitô hữu Do thái và người ngoại trở lại. Chẳng hạn ta vừa thấy trên đây một Crispus trưởng Hội đường trở lại cùng cả nhà (Cv 18, 8). Người Do thái chỉ là thiểu số. Họ bối rối trước vấn đề ăn của cúng (1Cr 8): An thịt cúng cho thần minh, tức hiệp thông với ma quỷ (1Cr 10, 20); vì thế tuyệt đối cấm! Lập trường của Phaolô uyển chuyển hơn! Những người ngoại trở lại chiếm đa phần. Dầu không phải là những người sùng bái thần Aphrodite, việc qua lại quan hệ với đĩ điếm là chuyện bình thường như phần đông người đương thời. Lại nữa, họ cũng khó chấp nhận giáo huấn về sự sống lại, điều mà những người Do thái rất vững tin.
Thứ đến trên bình diện xã hội, Corintô là một thuộc địa Lamã, gồm những người tứ xứ. Môi trường latinh chiếm ưu tiên. Nhiều Kitô hữu Corintô mang tên Rôma, nhưng là Do thái: Titius Justus, Aquilas, Priscilla, Fortunatus…. Người Hy lạp phần lớn là những thương gia và nô lệ. Do đó mà Phaolô nói trong 1Cr 12, 13: “Tất cả chúng ta dầu là Do thái hay Hy lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta hết thảy đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần khí để trở nên một thân thể”. Phaolô đánh giá các Kitô hữu Corintô về mặt xã hội như sau: “Anh em thử nghĩ lại xem: Khi anh em được Chúa kêu gọi, trong anh em đâu có mấy kẻ khôn ngoan, đâu có mấy người quyền thế mấy người qúy phái. Song những gì thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạnhục những kẻ khôn ngoan, và những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh; những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa đã chọn để hủy diệt những gì hiện có, hầu không có phàm nhân nàodám tự phụ trước mặt Người” (1Cr 1, 26-29). Những lời trên đây cho thấy phần lớn cộng đoàn là những kẻ nghèo hèn, nô lệ. Họ thường đến dự bữa ăn của Chúa chậm trể sau suốt ngày lam lũ. Đến nơi, họ không còn gì để ăn vì mỗi người lo ăn bữa riêng của mình trước và như thế, “kẻ thì đói, người lại say” (1Cr 11, 21).
Cộng đoàn cũng có những người giàu với cuộc sống dễ dãi. Nếu những người nghèo dễ chấp nhận sứ điệp thập giá, những người giàu, trí thức lại đòi hỏi một giáo huấn cao hơn, đáng bị chỉ trích (1Cr 3,1). Tuy nhiên, giữa thành phần giàu cũng có những người đáng tin cậy như Aquilas và Priscilla, Chloé, Crispus, Gaius (được Phaolô rửa tội và tiếp rước Hội thánh trong nhà mình (Rm 16, 23), Eraste quản lý kho bạc thành phố (Rm 16, 23).
Sự chung đụng giữa nhiều thành phần khác nhau ấy tạo nên nét đặc thù của giáo đoàn Corintô, nhưng cũng gây nhiều căng thẳng. Đã có lần Phaolô nói Đức Kitô là một chứ không bị phân chia (1Cr 1, 13) để nhắc nhở tinh thần hiệp nhất và huynh đệ trong cộng đoàn ( x. 1Cr 11, 20s).
- 1Cr 5,9 cho biết Phaolô đã viết lá thơ đầu tiên cho Corintô, thơ này nay đã mất! 1Cr được viết và gởi từ Ephêsô sau khi Phaolô sai Timothê đến Corintô (1Cr 4, 17; 16,10). Sau khi Timôthê ra đi, Phaolô nhận được một thơ của giáo đoàn (1Cr 7,1) xin ngài làm sáng tỏ một số vấn đề; tiếp đó một ít người do Chloé cử đến (1Cr 1,11) thông tin hiện tình giáo đoàn. Sau cùng, một phái đoàn 3 người là Stêphanas, Fortunatus, và Achaius đến Ephêsô thăm Phaolô (1Cr 16,17-18) đem lại cho ngài sự thanh thản tinh thần (1Cr 16,18).
Đọc 1Cr, ta nhận thấy đa phần là những khiển trách, nhiều đoạn được sửa lại hoặc thêm vào, phần cuối thơ tích cực và khích lệ hơn. Thơ mang những nội dung chính sau đây: chỉ trích sự chia rẽ trong cộng đoàn (1,10 – 4,31; cf.1,11), những chỉ dẫn về hôn nhân và đồng trinh (7, 1-40; cf. 7,1), làm sáng tỏ những vấn đề giáo đoàn thắc mắc: ăn thịt cúng (ch. 8-10), đặc sủng trong giáo đoàn (12-14), việc lạc quyên (16,1-7). Dựa trên những nhận định về lá thư, ta có thể nghĩ rằng 1Cr được viết và gởi vài tháng sau khi Phaolô đến Ephêsô (sau khi Timôthê đã đi Corintô, các đại biểu Corintô trở về) và như thế là khoảng năm 54.
Tình hình Corintô vào thời điểm ấy không mấy sáng sủa! Phaolô lặp lại điều đã nói trong lá thơ bị mất về suy đồi tính dục (1Cr 5,9) cả về cá nhân (5,1-13) lẫn cộng đoàn (6,12-20). Ngài khẳng định tự do là để phụng sự Thiên Chúa trong thánh thiện, nhắc lại bài học của quá khứ Israel để biết đứng vững trong thử thách, giải quyết việc ăn thịt cúng (ch.10), trang phục phụ nữ trong phụng vụ (11,2-16), thứ tự đặc sủng (ch.12-14), thần học về sự sống lại (ch.15). Những điều đó nói lên uy thế và quyền Tông đồ của ngài.
Tất cả đều thay đổi khi Timothê trở về báo cho biết có ít người xuyên tạc về bản thân và uy thế Tông đồ của Phaolô. Trước đây Phaolô dự tính sẽ đi Macédoine ngày Hiện xuống và đến Corintô qua đông (1Cr16, 5-8). Thế nhưng nguồn tin mới nhận được làm Phaolô thay đổi hẳn chương trình. Thơ 2Cr giúp tìm hiểu phần này.
B. CẤU TRÚC
Dẫn nhập: 1Cr 1,1-9:
Phaolô nhấn mạnh chức vụ Tông đồ của mình và ơn gọi nên thánh của mọi người. Ngài cũng nhắc lại những ân sủng dồi dào Chúa ban cho các tín hữu Cr, vì thế hãy trông cậy vào sự trung tín của Người.
Phần I (ch. 1- 6): Chống lại những chia rẽ và lạm dụng trong cộng đoàn.
1Cr 1,10 – 4, 21: Hãy sống hiệp nhất.
Những tranh chấp trong cộng đoàn (1,10-16). Phaolô khuyên sống hiệp nhất (1,10). Điều đáng buồn là họ chia rẽ nhau thành phe phái (1,11-12)
1Cr 1,17 – 2,5: Sự khôn ngoan của Thập giá Đức Kitô và sự điên rồ của thế gian.
Các tín hữu chia rẽ vì muốn đi tìm khôn ngoan theo kiểu loài người. Tin Mừng cứu rỗi là Thập giá Đức Kitô. Đó là sự điên rồ đối với người Do thái muốn tìm kiếm những điều lạ lùng và đối với Hy lạp thích tìm sự khôn ngoan trí thức. Nhưng sự khôn ngoan của Thiên Chúa phá tan cái khôn ngoan người đời (1,17-25). Điều đó, Thiên Chúa đã thực hiện tại Corinthô: Người đã kêu gọi những người kém khôn ngoan, quyền thế (1,26-31). Phaolô không dùng tài ăn nói, kiểu khôn ngoan người đời để rao giảng. Ngài chỉ rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh (2,1-3). Sự khôn ngoan đích thực là được Thần khí mạc khải mầu nhiệm thập giá vinh quang (2,6-16).
1Cr 3,1- 4,21: Khuyến cáo giáo đoàn.
Các Kitô hữu Corinthô vẫn còn kình địch và ghen tuông (3,1-4). Những người rao giảng Tin Mừng, Phaolô cũng như Apollo, là những cộng sự viên của Thiên Chúa trong việc gieo trồng cánh đồng của Người (c.5-9), xây dựng ngôi nhà của Người (c.10-15), nghĩa là đền thờ của Người (c.16-17). Đức Kitô là nền tảng của toà nhà Thiên Chúa là Hội Thánh. Ngày quang lâm, Ngài sẽ đến xét xử công việc mỗi người (3,12-15).
Vì thế, phải biết nhìn mọi sự theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Mọi sự thuộc về anh em, anh em thuộc về Đức Kitô và Đức Kitô thuộc về Thiên Chúa. Lệ thuộc vào một con người là dại dột (3,18-23).
Phải xem các Tông đồ như những quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa (4,1-5). Các ngài sống trong thiếu thốn vật chất và bị khinh chê (4,6-13). Đó chính là khôn ngoan Kitô giáo mà trung tâm là mầu nhiệm thập giá. Phaolô nhắc lại cho họ biết ngài là cha của họ trong đức tin (4,14-16), ngài tỏ ra hiền từ hay nghiêm khắc tuỳ hoàn cảnh. Timothê sẽ giúp hiểu rõ hơn những điều người đã dạy (c.14-21).
1Cr 5,1- 6,20: Luân lý suy đồi.
Loạn luân (5,1-13)
Kiện tụng nhau trước toà án ngoại (6,1-11)
Tội dâm ô (6,12-20).
Phần II (ch. 7 – 15): Trả lời các vấn nạn
- Hôn nhân và độc thân vì Nước Trời ( 7,1-40).
- Vấn đề ăn thịt cúng (8,1-11,1).
- Vai trò phụ nữ trong phụng vụ ( 11,2-16).
- Bữa tiệc của Chúa (11,17-34)
- Các đặc sủng (12-14). Thánh thi đức ái (ch. 13).
- Sự sống lại của các Kitô hữu (15,1-58). Sự kiện căn bản: Chúa đã sống lại (15,1-11). Sự sống lại của Đức Kitô là căn nguyên sự sống lại của chúng ta (15,12-34). Phương cách sống lại (15,35-58): Như hạt giống chết đi để mọc lên cây mới, thân xác sẽ hoàn toàn biến đổi trong ngày sống lại, được tái tạo và trở thành thân xác thần thiêng theo hình ảnh Đức Kitô, không còn bị lệ thuộc vào thể chất và sự chết.
Kết: 16,1-24: Quyên tiền giúp Giêrusalem; dự định đi thăm Macêđonia và Corintô.
C. GIÁO HUẤN THẦN HỌC
Những giáo huấn thần học nổi bật trong 1Cr:
- Thần học về Thánh Thể (1Cr 11, 17-34). Theo thứ tự thời gian, 1Cor 11:23-25 nhằm trả lời cho những chất vấn thời sự, những thách đố xã hội liên quan đến Bữa Tiệc Thánh Thể mà Giáo Hội tiên khởi phải đối diện, là chứng từ cổ xưa, được hình thành sớm nhất (53-54 AD). Suốt một phần tư thế kỷ sau khi Đức Giêsu tử nạn, các Kitô hữu vẫn tiếp tục hội họp mỗi tuần để cùng nhau chia sẻ bữa ăn huynh đệ mà tưởng nhớ đến Người. Chính Phaolô đã từng xác nhận nhu cầu phải “truyền lại” điều đó, và đó cũng là điều người đã “chịu lấy” từ nơi Chúa, nghĩa là từ truyền thống đức tin của Cộng đoàn Kitô hữu đương thời, biểu hiện trong những sinh hoạt phụng tự (1Cor 15:3-5). Như thế, dựa vào nguồn cội Thánh Truyền, cùng với những thao thức nhiệt tình của người Tông Đồ trước tình huống sống đạo của Cộng đoàn Côrintô, Phaolô đã triển khai một giáo thuyết súc tích về bí tích Thánh Thể. Với mục đích khuyên bảo các tín hữu sám hối, canh tân đời sống, duy trì chân tính của niềm tin và ý nghĩa đích thực của mầu nhiệm thánh thiêng được cử hành trong Thánh Thể. Tất cả những khuyên bảo đó cũng là những lời mời gọi yêu thương, những tiếng nói chất vấn cho một Cộng đoàn thăng tiến trong tình hiệp nhất giữa một thế giới phân hoá, tiêm nhiễm trào lưu thế tục.
Vì thế, khi nhận thấy có sự chia rẽ lan dần giữa các thành viên trong Cộng đoàn Côrintô, những quan điểm sai lầm về tự do, những tranh chấp, lạm dụng, tranh giành và phân biệt giai cấp xảy ra trong các bữa ăn huynh đệ, Phaolô vừa lên tiếng cảnh tỉnh, giải thích, vừa biện giáo để chính thức minh định Thánh Thể là Nguyên Lý Hiệp Thông, là Bữa Tiệc của Chúa, là Nghi Lễ Tưởng Niệm Ơn Cứu Độ. Và tất cả cuộc cử hành Thánh Thể, tuy mang nhiều chiều kích và tầm mức quan trọng khác nhau, đều là một biến cố cánh chung “loan truyền” sự chết của Đức Kitô cho đến ngày Người vinh quang “ngự đến” (1Cor 11:26).
Tất cả tư tưởng thần học của Phaolô về Thánh Thể, qua sự kiện Côrintô, có thể nói, đạt đến đỉnh cao và được tóm kết trong Bài Ca Đức Ai. Một tình yêu hiến dâng, một tình yêu không phân biệt loại trừ, nhưng nối kết trong sự hiệp thông với Đức Kitô và với nhau trong một Cộng đoàn, nói lên tất cả mầu nhiệm, linh đạo và cốt lõi của Kitô giáo. Có yêu thương hiệp nhất thì Thánh Thể mới trổ sinh hoa trái, và hoa trái của Thánh Thể chính là hiệp nhất yêu thương, để không một người tín hữu nào bị quên lãng trong Cộng đoàn, nhưng để tất cả được lớn lên, được chan hoà trong một Tình Yêu, Một Tấm Bánh, Một Thân Mình. Như Phaolô viết:
Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả (1Cor 13: 4-8).
- Thần học về cánh chung (1Cr 15). Theo Phaolô, cánh chung học có đặc điểm là tách làm hai thành phần riêng biệt thời kỳ hiện tại và thời kỳ đang đến (tính lưỡng phân thời gian), cũng như tách rời thời kỳ thuộc trần thế chúng ta, đầy những quyền lực gian ác, khỏi thời kỳ thuộc cõi thiên đàng (tính lưỡng phân không gian). Vì tin vào sự phục sinh của Đức Giêsu, Thánh Phaolô sửa đổi quan niệm khải huyền Dothái giáo về hai thời kỳ nói trên: đối với ngài, thời kỳ tương lai đã khởi đầu rồi, vì sự phục sinh của Đức Giêsu “mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu” (1 Cr 15,20), là bước đầu đi vào con đường phục sinh của tất cả những kẻ ngay lành đã qua đời. Hậu quả là người Kitô hữu có thể sống thời kỳ tương lai trong thời kỳ hiện tại “Thế mà điều chúng tôi giảng dạy cho các tín hữu trưởng thành cũng là một lẽ khôn ngoan, nhưng không phải là lẽ khôn ngoan của thế gian, cũng không phải của các thủ lãnh thế gian này, là những kẻ sớm muộn gì cũng phải diệt vong” (1Cr 2,6). “Thưa anh em, tôi xin nói với anh em điều này: thời gian chẳng còn bao lâu. Vậy từ nay những người có vợ hãy sống như không có; ai khóc lóc, hãy làm như không khóc; ai vui mừng, như chẳng mừng vui; ai mua sắm, hãy làm như không có gì cả; kẻ hưởng dùng của cải đời này, hãy làm như chẳng hưởng. Vì bộ mặt thế gian này đang biến đi” (7,29-31).
Dĩ nhiên là kinh nghiệm sống này tuy có thật nhưng chỉ là nếm trước điều hãy còn đang trên đường đi tới, và cuộc biến đổi viên mãn của người Kitô hữu và vũ trụ vẫn chưa được thể hiện trước ngày Đức Giêsu quang lâm (1 Cr 15,51-56). Bởi tin vào Đức Giêsu Kitô, nên Thánh Phaolô cũng chuyển trọng tâm của thực tại cánh chung từ Thiên Chúa qua Đức Kitô: “Ngày của Đức Chúa” trở thành “Ngày của Đức Giêsu, Chúa chúng ta” “Chính Người sẽ làm cho anh em nên vững chắc đến cùng, nhờ thế không ai có thể trách cứ được anh em trong Ngày của Chúa chúng ta là Đức Giê-su Ki-tô” (1 Cr 1,8).
Hơn nữa, cánh chung học của Phaolô là niềm tin vào tính cách gần kề của ngày tận thế. Có những chỗ ngài nói rõ ngài mong được còn sống khi Đức Kitô từ trời trở lại (1Tx 4,15.17; 1 Cr 15,15-52). Chỗ khác ngài lại cho biết có thể ngài sẽ chết như mọi người khác trước khi Chúa quang lâm. Ngài mong rằng liền tức khắc sau khi chết, các tín hữu sẽ được hưởng ít ra một vài phần ơn phúc của ơn cứu độ và được ban tặng một “thân thể có Thần Khí” (1 Cr 15,44).
Có thể lý giải sự căng thẳng giữa hai loạt khẳng định trên nhờ xét hai tầm nhìn có thể đã làm bối cảnh lúc chúng được thốt lên. Nhìn từ góc độ thời gian, ngày tận thế hãy còn là một thực tại tương lai; do đó, người ta không thể còn sống được khi nó đến, và phải mong chờ nó trong hy vọng. Đàng khác, nhìn từ góc độ không gian, cõi thiên đàng tương lai đã có đây rồi, đó là thế giới người kitô hữu đang sống, và người ta đã được phép mong rằng nó sẽ đến cách viên mãn trước khi mình chết.
c. Thần học về đoàn sủng trong Giáo hội (1Cr 12-14). Các đoàn sủng đều phát xuất từ Thiên Chúa Ba Ngôi và nhắm mục đích xây dựng cộng đoàn (4,11). Nhiều ân sủng, nhưng chỉ do một Thánh Thần. Mỗi người trong cộng đoàn là một chi thể trong thân mình Chúa Kitô (12,12-30). An điển cao trọng nhất là đức Mến. Đức Mến bao trùm các nhân đức, tóm lược tất cả đời sống Kitô hữu (1Cr 13).
d. Nền luân lý và tự do Kitô giáo. Đức Giêsu chết và sống lại đã công chính hóa và thánh hóa các tín hữu nhờ phép Rửa (1,30; 6,11), làm cho họ thành chi thể của Thân mình Ngài (6,15), đền thừ Chúa Thánh Thần (3,16; 6,19), biến đổi họ thành người mới. Một khi đã được Đức Kitô cứu chuộc, họ được giải thoát khỏi tội lỗi và mọi hình thức nô lệ, để được hoàn toàn tự do thuộc vương quyền của Đức Kitô. Họ không còn thuộc về mình nữa (6,19), nhưng sống dưới lề luật của Đức Kitô (9,21). Yêu sách của nền luân lý mới là thực thi đức ái (ch.13). Đặc điểm của nền luân lý mới là tự do để yêu mến và phục vụ. Cùng đích là vinh quang của Thiên Chúa (6,20; 8,6; 3,21-23).
Discussion about this post