Bài III. THƯ 2 CÔRINTHÔ
A. HOÀN CẢNH
Timôthê từ Corinthô trở về, thông báo cho Phaolô tình hình căng thẳng tại giáo đoàn: những Kitô hữu gốc Do thái chạy theo ngộ đạo thuyết (2Cr 3,7), phủ nhận thế giá Tông đồ của Phaolô.
Điều dễ nhận thấy trong 2Cr, đó là cuối chương 9 và đầu chương 10 thiếu liên kết, đúng hơn đứt đoạn về giọng văn lẫn nội dung. Thực vậy, cuối chương 9 Phaolô khen ngợi sự nhiệt thành quảng đại của giáo đoàn Corintô trong việc lạc quyên giúp Giáo hội mẹ. Đầu chương 10, Phaolô nại đến quyền Tông đồ thốt lên những lời đe dọa phản đối các kình địch. Xuyên suốt các chương 1-9, Phaolô bày tỏ sự hài lòng với giáo đoàn Corinthô như niềm hãnh diện (7,4), nguồn vui và an ủi vì lòng trung thành và sự gắn bó với Tin Mừng đã lãnh nhận, xứng đáng với sự tin cậy của Ngài (7, 6.11.13.16). Sau đó, trong các chương 10-13, Phaolô lại trách giáo đoàn không như lòng mong ước (12, 20) và mong họ hoán cải (12,21). Nhận định trên làm ta nghi ngờ về tính cách duy nhất của bức thơ. Từ đó, ta có thể hình dung như sau:
Khi nghe Timôthê trở về tường trình tình hình Corinthô, Phaolô quyết định đi Corinthô. Sau thời gian ngắn ngủi tại Corintô, Phaolô đau lòng trở lại Ephêsô vì giáo đoàn đang tụt dốc và bản thân ngài bị xúc phạm (7,8-12), Ngài viết lá thơ trong nước mắt khuyên nhủ giáo đoàn ý thức và hoán cải, đồng thời kết án kẻ xúc phạm (2Cr 2,1-6). Trước khi rời bỏ Ephêsô, Phaolô giao thơ cho Titô và sai Titô đến Corintô dàn xếp vấn đề. Phaolô dừng chân tại Troas mong gặp Titô, nhưng Titô chưa đến. Phaolô đi Macédoine (2Cr 2,12). Cuối cùng, Titô đến mang theo những thông tin tốt lành như kết quả của bức thơ đã được gởi đi (7,6-16). Phaolô bày tỏ sự nhẹ nhỏm qua bức thơ mà ta có lý do giới hạn trong 2Cr 1-9. Thơ này được giao cho Titô và 2 môn đệ khác (8,16-18) đem đến Corintô. Titô vội vã đến Corintô triển khai việc lạc quyên (8, 6.16-17).
Ít thời gian sau khi gởi lá thơ trên, Phaolô nhận được những tin tức mới cho biết có một số người từ xa đến với thơ uỷ nhiệm (11,4;3,1) tự xưng Tông đồ(11,5.13; 12,11-12), tôi tớ Đức Kitô (11,23), truyền bá một giáo thuyết khác với những gì Phaolô đã rao giảng (11,4). Có lẽ đây là những nhà ngộ đạo. Chắc chắn Phaolô đã viết thơ gởi những Kitô hữu Do thái (2Cr 11,22) để biện minh và bênh vực cho thế giá Tông đồ của mình khi nói đến những ơn lạ mà Ngài được lãnh nhận như ơn xuất thần (2Cr 12,1-4), làm phép lạ (12,12). Ngài cũng nói lên những thành quả trong công cuộc truyền giáo (10,15-18). Ngài biện giải việc quyên góp đang bị các đối thủ công kích và khẳng định không hề lợi dụng của quyên góp này. Phaolô kết luận đó là những Tông đồ giả, thuộc Satan (11,13-15). Đó là bức thơ gồm từ ch.10. Cả hai được ghép thành thơ 2Cr như ta có hiện nay. Ta không rõ lá thơ đó có kết quả gì; nhưng nếu xem xét từ khi Phaolô đến Corintô lần đầu và đọc thơ gởi Rôma, hẳn thấy được một kết quả lạc quan, cụ thể trong việc lạc quyên huynh đệ.
B. CẤU TRÚC
Nhập đề (1,1-11)
1,1-2: Lời chào.
1,3-7: Chúc tụng Chúa vì Người yên ủi các tôi tớ trong cảnh đau khổ.
1,8-11: Những đau khổ của vị Tông đồ vì các tín hữu.
Phần I. Phaolô biện hộ (1,12-7,16)
- Biện minh lý do không đến Corinthô (1,12-2,13): tránh cho các tín hữu nỗi buồn phiền (1,23; 2,1).
- Biện hộ về sứ vụ Tông đồ (2,14-7,4).
- Lòng trung thành của Tông đồ (2,14-3,6). Chính bản thân và đời sống Tông đồ là hương thưm của Chúa Kitô; nên không cần thư giới thiệu của ai.
- Ưu thế của sứ vụ Tông đồ trong Tân Ước (3,7-4,6). Sứ vụ của Môisê là sứ vụ của án phạt, của sự chết, của Luật. Sứ vụ Tông đồ trong Tân Ước là sứ vụ của sự sống, của Thần khí.
- Những yếu đuồi và đau khổ của Tông đồ (4,7-5,10). Quyền năng của Thiên Chúa thể hiện trong những yếu đuối của Tông đồ.
- Tông đồ là sứ giả và tôi tớ của Thiên Chúa (5,11-6,10). Tông đồ rao giảng Chúa Kitô chết và sống lại. Ơn cứu rỗi của con người là được tái tạo (5,17), đượpc giao hòa (c.18-20), được công chính hóa (c.21) nhờ Đức Kitô. Để rao giảng phần rỗi đó, Tông đồ phải chịu mọi gian truân (6,1-10).
Phần II. Việc quyên góp giúp Giêrusalem (ch.8-9)
Hãy quảng đại như các tín hữu Macêđonia.
Hãy noi gương Chúa Kitô, Đấng giàu có đã trở nên nghèo khó để làm cho chúng ta được nên giàu có.
Ai cho nhiều, sẽ được Chúa trả công nhiều.
Phần III. Biện hộ sứ vụ Tông đồ (ch. 10-13)
- Trả lời cho những người đả kích thế giá Tông đồ của ngài (ch. 10). Quyền Tông đồ của ngài từ Chúa mà đến (10,8.18).
- Sự nghiệp của Phaolô (11,1-12,18).
– Phân trần vì bắt buộc phải kể công nghiệp (11,1-21).
– Đời sống Tông đồ (11,21-12,18). Phaolô kể lại những công lao khó nhọc và những ân sủng mà Chúa đã ban, kể cả những yếu đuối của mình và khẳng định sức mạnh Thiên Chúa được biểu lộ trong sự yếu đuối đó.
– Cảnh cáo các tội nhân hãy hối cải. Ngài sẽ không ngần ngại nhân danh Chúa mà trừng phạt những kẻ vô kỷ luật (13,10).
Kết luận: (13,11-13). Kêu gọi hiệp nhất.
Lời chào.
C. GIÁO HUẤN THẦN HỌC
a. Uy thế Tông Đồ hệ tại việc rao giảng Lời Chúa (5, 18-20) và phục vụ cộng đoàn (10,8; 13,10), chứ không ở tại việc sử dụng quyền bính. Người Tông đồ khơi dậy niềm tin và mang lại niềm vui, chứ không hề là chủ trên niềm tin của kẻ khác (1,24). Sứ mạng Tông đồ thật cao cả, nhưng thân phận lại yếu hèn: Kho tàng ấy, chúng tôi chứa đựng trong những bình sành” (2Cr 4,7). Cũng như Đức Kitô, Tông đồ bị người đời khinh dễ và sỉ nhục (x. 1Cr 4,9-13). Chúa không giải thoát các Tông đồ của Người khỏi những bắt bớ; nhưng Thiên Chúa biểu lộ sức mạnh qua những yếu đuối của các ông (2Cr 5,18).
b. Việc kẻ chết sống lại vào ngày tận thế. Lúc ấy sự chung thẩm sẽ quyết định dứt khoát sống và chết, cứu độ và huỷ diệt.
c. Cuộc sống mới của tạo thành mới trong Đức Kitô (5,17) được thể hiện nhờ việc chết và mai táng với Đức Kitô trong cuộc sống thường nhật, để nhờ đó mà được cùng sống lại với Ngài. Sự vị tha và phục vụ quảng đại tha nhân là dấu chỉ cuộc sống Kitô hữu (11,7; 12,15; 13,7-9; cf. Pl 1,23; Rm 9,3).
Discussion about this post