Bài IV. THƯ GA-LÁT
A. HOÀN CẢNH
Trong hành trình truyền giáo II, Phaolô bị bệnh nên dừng chân tại Ga-lát. Ngài rao giảng và thành lập giáo đoàn Ga-lát, đa số gồm những người ngoại trở lại.
Chính thời gian lưu lại Macédoine, Phaolô viết thơ Galát. Trong hoàn cảnh nào và nguyên do nào?
Trong hành trình III, sau khi viếng thăm củng cố giáo đoàn (Gl 4,13; Cv 18,23), người ta thấy xuất hiện những nhà giảng thuyết đả kích việc truyền giáo của Phaolô và thế giá Tông đồ của ngài, cho rằng Phaolô không rao giảng Tin Mừng đích thực vì không quan tâm đến luật Môisê. Họ rao giảng rằng các tín hữu phải giữ luật Môisê và cắt bì (3,2; 4,21; 5,2-4; 6,12). Phaolô quyết liệt phản ứng vì coi đó như mối nguy hại cho sứ vụ rao giảng của ngài và cho đời sống đức tin của tín hữu. Ngài viết thư này trong thời gian lưu lại tại Macêdonia, tức khoảng năm 54/55 để bênh vực uy thế Tông đồ của mình; khẳng định Thiên Chúa ban ơn công chính hóa cho ta nhờ tin vào Đức Kitô chết và sống lại chứ không phải nhờ việc tuân giữ luật Môisê, Thánh Thần ban ơn sủng để ta có thể sinh hoa trái Thần khí.
Nhóm giảng thuyết cho rằng Phaolô đã vi phạm nghiêm trọng khi chủ trương không cắt bì cho dân ngoại trở lại, rằng Phaolô không phải Tông đồ đích thực của Đức Giêsu vì đã phản lại lệnh truyền của các Tông đồ. Do đó, nhóm người này tự cho mình trách nhiệm đến sửa sai.
Không rõ họ là những ai và từ đâu đến. Nhưng qua thơ Galát, ta có cảm tưởng họ là những nhân vật quan trọng thuộc Giáo hội Giêrusalem được cử đến thanh tra hoạt động truyền giáo của Phaolô. Ai cử đến? Giacôbê vị lãnh đạo đương thời của Giêrusalem thay Phêrô chăng? Có thể! Phaolô đã quyết liệt phản ứng vì coi đó như mối nguy hại cho sứ vụ truyền giáo của Ngài, cũng như cho đời sống đức tin của các Kitô hữu mới nhập đạo.
Đã có thời, thơ Galát được xếp vào loại biện minh, trong đó Phaolô biện minh cho chính mình, cho thế giá Tông đồ của mình cũng như cho giáo thuyết về sự công chính nhờ bởi đức tin. Phân tích kỹ, ta khám phá ra đó là một diễn từ mang tính tranh luận với mục đích không phải biện minh mà là thuyết phục dân Galát đón nhận chân lý Ngài rao giảng và tẩy chay những sai lạc do bọn người mới tới hô hào. Khi so sánh thơ Galát với 2Cr, ta nhận thấy trong cả hai, Phaolô cởi mở chính mình rõ hơn cả, nhờ đó ta có được nhiều chi tiết về đời Ngài. Từ đó, ta có thể nói Ngài viết thơ này trong khoảng thời gian đầy ưu tư băn khoăn về giáo đoàn Corintô, nhưng không rõ Ngài viết trước hay sau thơ Corintô.
Phaolô cho biết việc Ngài đến Giêrusalem lần thứ hai xảy ra sau 14 năm kể từ lần viếng thăm đầu tiên (Gl 2,1). Ngài đến lần này là do một mạc khải (Gl 2,2). Mạc khải nào? Ngài không nói rõ. Ta có thể hình dung ngài xuất hiện ở đây như một hành động Ngôn sứ (Cv 11, 28; 21, 4.10-11) trước vấn đề buộc hay không cắt bì cho người ngoại trở lại. Đây đã là cuộc tranh luận gay go giữa Phaolô và một số người Kitô hữu gốc Do thái. Theo Gl 2,4-5 chính tại Hội thánh mẹ Giêrusalem nổi lên sự đòi buộc gắt gao phải cắt bì cho người ngoại trở lại. Tại sao?
Khi thiết lập Giao ước với Abraham, Thiên Chúa đã coi cắt bì như dấu hiệu Giao ước (St 17,11). Luật cắt bì không chỉ nhằm trực tiếp vào con cháu, nhưng ngay cả những nô lệ sinh ra trong nhà hay được mua về và được xem như dấu hiệu gia nhập dân của lời hứa. Do thái cho rằng những người kính sợ Chúa tuân theo các giáo huấn luân lý mà không chịu cắt bì thì cũng chỉ đứng ở ngưỡng cửa cứu độ; chỉ những ai được cắt bì theo Luật dạy mới thật sự thuộc về dân được tuyển chọn. Thừa kế quan niệm ấy, các Kitô hữu gốc Do thái chủ trương người ngoại trở lại phải được cắt bì, nếu không chỉ là Kitô hữu hạng hai. Miễn chuẩn cắt bì cho họ tức tạo nên đối nghịch và làm cản trở cho việc Phúc âm hóa. Những thành viên chủ trương cắt bì còn chia làm hai: Có người cho đó là việc tối cần thiết, có kẻ nghĩ đó là việc hoàn thiện phép Rửa tội.
Phaolô bày tỏ lập trường trong Gl 2,1-10. Ngài cho rằng việc cắt bì có hiệu lực không? Đâu là sự mới mẻ mà sự chết và sống lại của Đức Kitô đem đến cho nhân loại? Đâu là nền tảng của ơn công chính: việc tuân giữ Luật hay là niềm tin vào Đức Kitô? Phaolô nhắc lại chính các vị trụ cột của Hội thánh là Phêrô, Giacôbê và Gioan thảy đều nhìn nhận sự tự do của dân ngoại đối với Lề luật và không đòi hỏi gì nơi Phaolô ngoài việc lo lắng cho những người nghèo. Và Phaolô rất nhiệt tâm đáp ứng lời kêu gọi ấy.
B. CẤU TRÚC
* Dẫn nhập. Gl 1, 1-5: lời chào long trọng, nhắc tới danh hiệu Tông đồ của mình, tới sứ mệnh do Chúa uỷ thác.
Phần I. Gl 1, 6 – 2, 21: Biện hộ quyền Tông đồ
Phaolô bảo vệ chống lại những tấn công vào chức vụ Tông đồ của ngài. Ngài khẳng định Tin Mừng và chức vụ Tông đồ của ngài xuất phát từ Thiên Chúa (1,11-12). Xưa kia ngài là kẻ bắt bớ hung hăng (c.13), Biệt phái cuồng nhiệt (c.14), đã được Con Thiên Chúa mạc khải và ban sứ mệnh rao giảng cho dân ngoại (c.15-16). Ngài đi Arabia (c.17) và sau 3 năm ngài đến gặp Phêrô và ở lại 15 ngày (c.18-20). Sau đó ngài không liên lạc gì với các tín hữu Giuđê (c.21-22). Họ chỉ biết ngài đã trở lại và nay đi rao giảng (c.23-24). Sau 14 năm, Phaolô trở lại Giêrusalem trình bày cho các Tông đồ Tin Mừng rao giảng cho dân ngoại mà điều khoản đầu tiên là miễn giữ luật cắt bì (2,1-2). Các Tông đồ đồng ý và không buộc cắt bì cho Titô(2,3-5). Các Tông đồ nhìn nhận sứ vụ của Phaolô và bắt tay tỏ dấu hiệp thông và chia sẻ với ngài trong việc truyền giáo cho dân ngoại (6-10). Tại Antiokia, Phaolô đã kích Phêrô vì sợ những người Do thái dị nghị, nên đã tránh xa các người dân ngoại trở lại (2,11-14), đồng thời trình bày nền tảng của sự tự do Kitô hữu (2,15-21).
Phần II. Gl 3, 1- 4,31: Trọng tâm sứ điệp: con người được công chính hóa nhờ đức tin, chứ không do việc giữ trọn Lề luật. Sự công chính hóa đem đến tự do của con cái Thiên Chúa, nghịch với nô lệ Lề luật. Abraham là mẫu gương của kẻ tin. Agar và Sara là điển hình của hai chế độ cứu độ. Những trích dẫn Cựu Ước này nhằm minh họa cho đề tài: đức tin chứ không phải lề luật đem lại cứu độ.
Phần III: 5,1 –6, 18: Bổn phận của Kitô hữu tự do
Sự tự do theo tinh thần Đức Kitô đặt trên con người trách nhiệm luân lý, và chỉ có ý nghĩa trong đời sống bác ái. Luật mới là luật Thần khí, Luật Tin Mừng, giải phóng con người để yêu mến và phục vụ tha nhân, hầu trổ sinh các ân huệ Thần khí.
* Kết. 6,11-18: Lời cảnh cáo trước lạc thuyết.
C. GIÁO HUẤN THẦN HỌC
Giáo huấn thần học nổi bật trong mấy điểm sau đây:
a. Thần học về tác vụ Tông đồ: nhấn mạnh nguồn gốc thần linh của chức vụ Tông đồ và Tin Mừng mà Phaolô rao giảng.
b. Ơn công chính hóa nhờ đức tin vào Đức Kitô, chứ không nhờ vào việc giữ lề luật. Thư Roma sẽ lấy lại chủ đề này và triển khai sâu sắc.
c. Sự tự do đích thực giải phóng khỏi lề luật Môisê. Luật Môisê chỉ là giai đoạn giáo dục để dẫn đến Lề luật của Thần khí, tức luật Tin Mừng tóm lại trong tình yêu và phục vụ. Cần dẹp bỏ rào chắn giữa mọi người (5,6; 6,15). Chính sự hiệp nhất trong niềm tin và yêu mến giữa cộng đoàn những người sống nhờ Đức Kitô làm chứng và trình bày cho nhân loại một sáng tạo mới đã được khởi đầu (6,15).
Discussion about this post