Bài V. THƯ 1 THESSALONICA
A. HOÀN CẢNH
Trong cuộc hành trình truyền giáo II, rời Philippê, Phaolô đến Thessalonica, cách Philipphe 150 km. Ngày nay Thessalonica là thành phố thứ hai của Hy lạp với 450.000 dân. Được xây dựng 315 tcn, bởi Cassandre; ông này lấy tên vợ đặt cho thành phố. Dưới thời Lamã, Thessalonica là thủ đô Macédoine, tự do và tự trị. Ngay từ những thời đầu tiên của thành, người Do thái đã có mặt tại đây với các Hội đường.
Phaolô cùng với Silas (Sylvain) và Timôthê đến Thessalonica (1Tx 1,1; Cv 17,1-8), Vào thời này, Thessalonica là giao điểm của hai con đường, một nối Roma và Byzance và đường kia đi Achaia, về phía bắc đến tận Danube. Vì thế, đây là thành phố thương mại quan trọng. Dân cư ô hợp, gồm người Ý, người Đông Phương đến làm ăn sinh sống với người Do thái. Do đó, không lạ gì khi thấy ở đây một tôn giáo hỗn hợp với nhiều thần thánh và phượng tự khác nhau tuỳ theo mỗi dân đến cư ngụ.
Sách Cv chia thời gian Phaolô tại Thessalonica làm hai phần: Việc rao giảng(17,1-9) và những xáo trộn buộc Phaolô phải ra đi. Phaolô trọ tại nhà Jason (Cv 17,5-9), làm nghề dệt vải để khỏi tạo gánh nặng cho tín hữu (1Tx 2,9), 2 lần nhận giúp đỡ của cộng đoàn Phêrô (Ph 4,16). Trong ba ngày Sabbat liên tiếp (Cv 17,2), Phaolô đến hội dường rao giảng cho Do thái và tranh luận với họ về những đề tài quen thuộc. Hầu như hoàn toàn thất bại về phía người đồng hương. Họ không tin mà còn muốn đuổi Ngài ra khỏi Hội đường. Nhưng lại hoàn toàn thành công đối với dân ngoại. 1Tx 1,9 làm chứng cộng đoàn thiết lập (1Tx 5,12-13) gồm rất nhiều người trước đây thờ ngẫu tượng.
Tức giận và ghen tương khi thấy nhiều người ngoại trở lại và cũng được hưởng cứu độ, những người Do thái tìm cách phá hoại Phaolô. Họ tố cáo Phaolô và các bạn trước tòa án đã làm hại đến uy quyền hoàng đế khi rao giảng về vương quyền của một Giêsu. Biết tình hình căng thẳng, và dù rất muốn ở lại lâu hơn để khích lệ đức tin của các tín hữu trước thử thách, Phaolô buộc phải ra đi (1Tx 3,5). Jason và một ít các bạn bị bắt. Sau cùng, xét thấy họ vô tội, quan toà thả họ.
Ngài đã thiết lập giáo đoàn Thessalonica, gồm đa phần là dân ngoại trở lại. Vì bị những người Do thái chống đối gay gắt, Phaolô phải trốn khỏi Thessalonica. Sau đó ngài sai Timôthê đến thăm giáo đoàn. Timothê trở về cho biết cộng đoàn chịu nhiều khó khăn do người Do thái gây ra (2,14-16). Những người này chỉ trích, mạ lỵ thế giá Tông đồ của Phaolô và bẻ cong những lời rao giảng của ngài. Phaolô viết thư 1Tx khoảng 50/51 (văn phẩm đầu tiên của Tân Ước) ca ngợi đời sống đức tin của giáo đoàn Thessalonica (1,7), là vinh dự và niềm hân hoan cho ngài (2,20). Trong thư, Phaolô bày tỏ niềm thương nhớ cộng đoàn Kitô hữu tại Thêxalônica “non nớt” phải bỏ lại, không biết làm sao để củng cố đức tin (1 Tx 2,17) trong khi người Do Thái vẫn tiếp tục vu khống (2,3-6). Bức thư nói lên tâm tình đặc biệt của Phaolô đối với cộng đoàn như người mẹ (2,7), người cha (2,11) của giáo đoàn. Trong thư, Phaolô cũng đề cập đến vấn đề ngày Chúa quang lâm để trả lời cho những người đang băn khoăn về số phận người thân đã chết trước khi Chúa trở lại.
B. CẤU TRÚC
I. (ch.1-3): Mở đầu – Tạ ơn Chúa
a, 1,2-10: Tạ ơn vì đời sống đức tin.
Phaolô tạ ơn Chúa vì các tín hữu Tx đã được lắng nghe và đón nhận Tin Mừng (1,6), kiên trì trong đức tin-cậy-mến (1,4-5), gương mẫu cho các tín hữu Macêđônia và Akhaia (1,7), khắp nơi đều khen ngợi đức tin sống động (1,8). (A’): Phaolô tạ ơn Chúa vì Lời Chúa tiếp tục sinh hoa kết quả nơi họ (2,13), nên gương cho các tín hữu Palestina (2,14) và kiên trì sống đức tin dù bị Do thái bách hại (2,15).
b, 2,1-12: Nhắc lại việc loan báo TM.
2,17-3,10: Những lo âu
Phaolô nhắc lại hoạt động tuyền giáo của mình và các cộng sự viên trong gian khổ, không tìm tư lợi mà chỉ muốn làm đẹp lòng Chúa, luôn yêu thương các tín hữu như cha mẹ (2,1-12). Phaolô ưu tư cho hoàn cảnh của Tx sau khi rời họ (17-20). Ngài sai Timothê đến với họ và khi trở về Timôthê thông báo những tin vui (3,6-8).
3,11-13: Phaolô xin Chúa hoàn tất công trình cứu độ nơi họ.
II (ch. 4-5): Huấn giáo và khuyến dụ
Đặc biệt, thư này đề cập đến giáo lý về cánh chung, tức là những biến cố “thời sau hết” (ngày tận thế), nhắc nhớ Kitô hữu rằng, họ phải chờ Chúa Giêsu trở lại. Trong khi giáo dân Thêxalônica thắc mắc: số phận các tín hữu chết trước ngày Chúa Giêsu trở lại thì sẽ ra sao? họ có bị thiệt thòi hơn những người còn sống không? Phaolô trả lời rằng, niềm hy vọng của họ vẫn còn đó, vì dựa trên việcChúa Giêsu đã Phục sinh và trên quyền năng Thiên Chúa đã thực hiện việc ấy, mọi tín hữu đã tin vào Chúa Giêsu sống lại sẽ có niềm hy vọng tham dự vào vinh quang với Người. Tuy nhiên, Phaolô đã không muốn hoặc không thể trả lời cho câu hỏi về ngày giờ và thời gian Chúa Giêsu trở lại (5,2-3).
– 4,1-2 : Nhập đề
– 4,3-8 : Về luân lý tính dục và hôn nhân
– 4,9-12 : Về tình bác ái huynh đệ và cần cù làm việc
– 4,13-18: Về ngày cánh chung và quang lâm.
Ngày Chúa trở lại, khi nghe tiếng kèn thổi lên, những người đã chết sống lại (4,16). Những người đang sống cùng với những kẻ chết sống lại đi đón gặp Đức Kitô để cùng sống với Ngài. Trong khi chờ đợi Chúa đến bất ngờ như kẻ trộm ban đêm.
– (5,1-3): Hãy mặc khí giới là tin cậy mến (5,8-9).
– 5,12-22: Những hướng dẫn về đời sống Kitô hữu:
Tôn kính bề trên (c.12-13), giúp đỡ nhau (c.14), làm việc thiện (c.15), cảm tạ Chúa trong mọi hoàn cảnh(c.16), quý trọng ác ân điển của Thàn Khí (c.19-20)
– 5,23-24: nguyện chúc nên thánh.
Kết luận: 5,25-28: chào từ biệt và chúc lành.
C. GIÁO HUẤN THẦN HỌC
– Thư 1Tx là bút tích đầu tiên của Tân Ước, cho ta biết hoạt động và kết quả truyền giáo trong thế giới Hy lạp.
– Thư 1Tx trình bày hai công thức tuyên xưng đức tin: một trong môi trường Kitô giáo Do thái tuyên xưng Đức Giêsu chết và sống lại (4,14), và một phát xuất từ môi trường dân ngoại trở lại, mời gọi trở về với Thiên Chúa duy nhất và chân thật (1,9-10) và tuyên xưng Đức Giêsu là Con của Thiên Chúa.
– 1Tx 4,13-18 là giáo huấn cổ xưa nhất của Kitô giáo về ngày cánh chung với sự trở lại của Chúa Kitô. Dường như chính Phaolô cũng mong chờ ngày ấy xảy đến cho mình (4,17). Vào thời đầu sứ vụ Tông đồ, tư tưởng của Phaolô tập trung vào cuộc Phục sinh của Chúa Kitô và vào việc Ngài lại đến trong vinh quang để mang ơn cứu độ cho mọi kẻ tin ở Ngài. Để trả lời thắc mắc của một số người trong giáo đoàn về số phận những tín hữu chết trước ngày Chúa đến, Phaolô khẳng định mọi tín hữu đã tin vào Đức Giêsu sống lại đều sẽ được tham dự vinh quang với Ngài trong ngày Ngài quang lâm. Ngày ấy, những ai đã an nghỉ sẽ sống lại trước, rồi cùng với những người đang sống đi đón Chúa Kitô quang lâm. Tất cả sẽ ở với Ngài mãi mãi. Thánh Phaolô đã xử dụng thể văn khải huyền Do thái để diễn tả biến cố canh chung ấy. Điều đáng chú ý là ngài không muốn xác định gì về ngày giờ và thời gian Chúa đến, chỉ nhấn mạnh tính bất ngờ của ngày ấy và hướng dẫn khuyên bảo tín hữu phải sẵn sàng đón chờ ngày đó bằng đời sống tỉnh thức và thực thi bác ái.
Thư 1Tx cho thấy cấu trúc nền tảng của đời sống Kitô hữu là tin – cậy – mến.
Discussion about this post