Bài IX. THƯ PHILIPPHÊ
A. HOÀN CẢNH
Trong hành trình truyền giáo II, Phaolô tới Philippe (khoảng năm 49-50), một thành phố thuộc miền Macêđônia. Ngài rao giảng Tin Mừng và thiết lập giáo đoàn Philippê (Cv 16,12-40), một giáo đoàn được Phaolô quý chuộng. Công cuộc rao giảng đạt những kết quả tốt đẹp: trong khi người Do thái không tin thì nhiều người ngoại giáo xin gia nhập đạo. Tức giận, những người Do thái quá khích cùng với đám thự bạc ghen tức tố cáo Phaolô đã tuyên truyền một giáo thuyết chống lại với trật tự ổn định xưa nay tại thành phố này, cụ thể là xúi giục dân không được thừ hoàng đế. Vì thế, Phaolô và Silas bị thẩm vấn và bị bỏ tù (Cv 16, 19-24). Đây là lần bị tù đầu tiên của Phaolô. Nhưng sau đó được tha (Cv 16,35-40), Phaolô và các bạn đồng hành rời Philippê để đến Thessalonika.
Dựa trên các chỉ dẫn trong thư, ta có thể biết Phaolô viết thư Philippê khi bị tù tại Ephêsô, nhờ Epaphrođitô mang về. Khác với các thư khác nhằm trả lời những vấn đề cụ thể hoặc những vấn nạn do cộng đoàn đặt ra, thư Philippê chia sẻ những tin tức liên quan đến Phaolô trong tù và việc rao giảng Tin Mừng, cám ơn giáo đoàn đã quan tâm giúp đỡ vật chất, khuyên nhủ giáo đoàn luôn trung tín với Chúa Kitô, đừng để đạo lý sai lạc len lỏi vào cộng đoàn làm lung lạc tinh thần tín hữu. Phaolô xác quyết tình trạng tù đày không cản trở việc phát triển Tin Mừng, ngược lại hoàn cảnh ấy minh chứng sự gắn bó của ngài với Đức Kitô, nhờ đó mà Tin Mừng lại càng được lan toả.
Bức thư dạt dào tình cảm và bộc lộ niềm vui cũng như những tâm tình của Phaolô đối với Philippê. Điệp khúc “vui mừng”, “niềm vui” được lặp lại 16 lần, cho thấy toàn thư rộn lên niềm vui trong Đức Kitô, dù Phaolô đang trong cảnh tù đày.
B. CẤU TRÚC
Đọc thư Pl, trước hết ta dễ nhận ra những đề tài nối tiếp nhau nhờ các câu chuyển tiếp đột ngột: 3,1 / 3,2; 4,1 / 4,2; 4,9 / 4,10. Do đó, có giả thuyết (v/d: Joakim Gnilka) cho rằng thư Philippê gộp lại hai hoặc ba thư:
– Thư A (4,10-20) viết từ trong tù, cám ơn sự quan tâm giúp đỡ của giáo đoàn.
– Thư B (1,1-3,1; 4,4-7.21-23) dạt dào tình cảm đối với giáo đoàn, khích lệ bền vững, đừng nao núng trong mọi hoàn cảnh, dù ngài bị tù hoặc dù đứng trước các lạc thuyết (1,15.17.28).
– Thư C (3,2-4,1.7-8) khuyên đề phòng những người Do thái quá khích và các lạc thuyết làm lung lạc đức tin.
Giòng tư tưởng trong thư Pl chuyển vận như thuỷ triều lên xuống quanh trục chính là Đức Kitô (45 lần) trong thái độ tự huỷ và được siêu tôn như nguồn cảm hứng của toàn bức thư.
Dựa trên những nhận định trên, ta có thể chia thư thành hai phần chính:
Phần thứ nhất có trung tâm là thánh thi Pl 2,6-11 nối kết Phaolô với Tin Mừng và các tín hữu trong cộng đoàn. Phần thứ hai Phaolô đọc lại lịch sử đời mình qua biến cố Đamas như mẫu gương cho sinh hoạt đức tin của các tín hữu trong (Pl 3,4-16). Từ đó, ta có lược đồ sau đây:
Nhập đề: gồm địa chỉ (1,1-2), lời tạ ơn và cầu nguyện (3-11).
Phần I:
A (1,12-26): Phaolô bị tù vì Tin Mừng và vì giáo đoàn
B (1,27-2,5): Phaolô và Tin Mừng
C (2,6-11): Đức Kitô tự huỷ và được siêu tôn
B’ (2,12-18): Giáo đoàn Pl sống mầu nhiệm Đức Kitô
A’ (2,19-30): Dự tính của Phaolô cho giáo đoàn
Phần II:
A (3,1-3): Khuyên cảnh giác đề phòng
B (3,4-16): Cảm nghiệm biến cố Damas
A’ (3,17-4,1): Khuyến dụ
B’ (4,2-9): Ý nghĩa đời Kitô hữu.
Kết luận: (4, 10-23): Cám ơn những giúp đỡ vật chất và sự tự do của sứ vụ.
C. GIÁO HUẤN THẦN HỌC
a. Thư Pl nhắc lại chủ đề cánh chung với việc Đức Kitô quang lâm và kẻ chết sống lại mà 1Cr 15 đã đề cập. Theo Phaolô, việc đổi mới đời sống là hiệu quả của ơn cứu độ. Ơn cứu độ đã được ban trong hiện tại (3,16) và sẽ viên mãn vào ngày cánh chung. Người tín hữu nổ lực sống cái hiện tại trong khi chờ đợi ngày Quang lâm.
b. Thư Pl cho ta một cái nhìn mới và lạc quan về sự chết. Chết là được sống mãi mãi với Chúa. Thánh Phaolô xác quyết mối tương quan giữa Đức Kitô và bản thân người Tông đồ không hề thay đổi, dù sống hay chết (1,21-26).
c. Thánh thi Pl 2,6-11 mang nặng ý nghĩa thần học: Đức Kitô đã tự huỷ đến tột cùng, nên được siêu tôn đến tận cùng. Ngài là cùng đích và mẫu mực sống của Tông đồ và của mọi Kitô hữu.
d. Quê hương đích thực là Nước Trời (x. Gl 4,26). Sống trên trần gian như lữ khách tiến về thiên quốc, Kitô hữu phải chế ngự các khuynh hướng xấu, phát triển đời thiêng liêng, không lo lắng tìm kiếm của cải vật chất như mục đích cuộc sống mà lãng quên Thiên Chúa, nhưng ngưỡng vọng một đời sống thiêng liêng, nhìn nhận mọi sự đều bởi Chúa và luôn vâng phục thánh ý của Người (4, 4-7).
Discussion about this post