Bài VIII. THƯ CÔLÔSÊ
A. HOÀN CẢNH
Các thư Phaolô viết cho tín hữu Ê-phê-sô, Cô-lô-sê và Phi-lê-môn vào khoảng các năm 61-63 được gọi là các thư “viết trong tù” vì Phaolô viết chúng từ tù ngục Rôma. Trong các thư này, Phaolô khám phá ra vị trí của Đức Kitô trong lịch sử và vũ trụ.
Thời gian cuối bị cầm tù tại Rôma, Epaphras là người thiết lập cộng đoàn Cô-lô-sê đến thăm và báo cho Phaolô biết tình hình Cô-lô-sê đang bị giao động bởi một nhóm người đến phổ biến học thuyết nhuốm mùi triết học Hy lạp. Phaolô viết thơ Cô-lô-sê để trình bày con người và hoạt động của Đức Kitô. Ngài là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, có trước thời gian, là Đấng Cứu Chuộc bằng sự chết và đã phục sinh để trở nên nguyên lý sự sống thần linh. Cần loại bỏ những gì là men xấu nhân loại; đừng quay lại với lối sống cũ ngoại đạo, nhưng hãy vững vàng sống con người mới đã được Đức Kitô thiết lập.
Tuy nhiên, những khác biệt trong ngôn từ và trong các đề tài thần học so với các thơ đích thực làm người ta nghĩ thơ Côlôsê đã được viết sau khi Phaolô qua đời, bởi một môn đệ của ngài.
Cô-lô-sê là thành phố của tỉnh Phrygie, toạ lạc bên bờ Lycos, nằm trên quốc lộ nối Ephêsô và Iconio, là trục thương mại quan trọng cách Ephêsô độ 200km.
Việc loan Tin Mừng tại Cô-lô-sê có lẽ diễn ra đồng thời với thời gian Phaolô trú ngụ tại Ephêsô, tức khoảng những năm 52-54. Có lẽ thánh Phaolô chưa hề đặt chân lên thành phố này; ngài đã uỷ thác cho Epaphras, gốc Cô-lô-sê (Cl 4,12) và là bạn đồng hành của ngài (Cl 1,7-8), rao giảng Tin Mừng tại thành phố này và các thành lân cận Laođicê và Hiêrapolis.
Phaolô đang bị tù đày (1,24-29; 4,10.18). Những chỉ dẫn trong thư cho thấy có lẽ tại Rôma. Epaphras đến thăm và thông báo tin tức của giáo đoàn (1,3-4), xin ngài hướng dẫn cách đối phó với những lạc thuyết đang đe dọa đời sống đức tin của những người mới tin đạo. Lạc thuyết chủ trương việc tôn thờ các quyền lực thần thiêng (ma quỷ, thiên thần: 2,10.15.18) gắn liền với niềm tin vào Đức Kitô. Đi đôi với việc thờ kính này là những thực hành phụng vụ, tuân giữ những quy luật về thức ăn đã ấn định (2,16-17), tôn kính các thiên thần (2,18).
Thánh Phaolô viết thư Cô-lô-sê đả phá những tư tưởng sai lạc về thế giới thần thiêng và trình bày mầu nhiệm trọng yếu Kitô giáo: Đức Kitô là chủ tể toàn thể vũ trụ vật chất và thiêng liêng. Thiên Chúa ban ơn cứu độ qua một mình Đức Kitô. Có lẽ thư đã được viết tại Rôma năm 61-63 do một môn đệ Phaolô.
Thư Cô-lô-sê đánh dấu một giai đoạn mới trong học thuyết của Phaolô. Ngài tập trung trước tiên vào mầu nhiệm Đức Kitô. Và ngài viết thư Cô-lô-sê là do tín hữu muốn xếp Đức Kitô đồng hàng với vô số các quyền lực thần linh khác hơn là đặt Người giữa Thiên Chúa và nhân loại. Đối với Phaolô thì chính trong Đức Kitô xuất hiện ý nghĩa cao nhất của mọi loài do Thiên Chúa tạo dựng nên.
B. CẤU TRÚC
Dựa trên nội dung và hình thức tác giả sử dụng các đại từ để tạo nhịp chuyển vận của thư, ta có thể phân tích: ngoài nhập đề (1,1-20), thư Colôsê được chia thành 4 phần:
1. Cl 1,21–2,5: Sứ vụ của Phaolô và mối ưu tư Tông đồ của ngài đối với giáo đoàn.[5]
Lời cầu nguyện của Phaolô triển khai như một thánh thi (1,15-20) ca tụng Đức Kitô như là Đầu của vũ trụ và Hội Thánh. Toàn thể vũ trụ không có ý nghĩa đích thực ngoại trừ trong Đức Kitô: mọi vật đều đuợc tạo thành trong Người, bởi Người và cho Người (1,16). Bản thân Hội Thánh, trong sự hiệp nhất và tính hoàn vũ, được chiêm ngắm từ nội tâm của Đức Kitô. Hội Thánh là Thân mình của Đức Kitô. Đức Kitô và Hội Thánh làm nên một, như hình ảnh Thân thể đã chỉ ra, thân mình nối kết đầu và các chi thể (1,18-20).
Phaolô chất vấn độc giả cách sống động về việc họ tham dự vào ơn cứu độ do Thiên Chúa ban cho trong Đức Kitô: “cả anh em nữa, xưa kia anh em là những người xa lạ, là thù địch của Thiên Chúa vì những tư tưởng và hành động xấu xa xủa anh em. Nhưng nay nhờ Đức Giêsu là con người bằng xương bằng thịt đã chịu chết, Thiên Chúa cho anh em được hòa giải với Người, để anh em trở nên thánh thiện tinh tuyền và không có gì đáng trách trước mặt Người”(1,21-22).Trong Hội Thánh, Đức Kitô thể hiện ngay từ bây giờ sự hiệp nhất của những gì bị phân tán trong giao ước cũ: dân được tuyển chọn và dân ngoại.
Phaolô gợi lên ở đây việc làm tông đồ Đức Kitô của ông (1,24-25). Qua sứ vụ tông đồ, Phaolô ưu tiên hàng đầu việc đưa công trình của Đức Kitô đến chỗ hoàn thành:“ Tôi đã trở nên người phục vụ Hội Thánh, theo kế hoạch Thiên Chúa đã ủy thác cho tôi, liên quan đến anh em: đó là tôi phải lo rao giảng Lời của Người cho trọn vẹn” (1,25).
2. Cl 2,6-23 – 3,4: Niềm tin vào Đức Kitô trước các lạc thuyết.[6]
Phaolô đi đến điều thúc đẩy ông viết thư. Cộng đoàn bị đe dọa rơi vào tình trạng nô lệ những học thuyết rỗng tuếch và những thực hành mang tính cách con người. Nguy hiểm“đến từ sự suy lý dựa trên chủ thuyết Giu-đa (2,16) nhuộm màu tiểu thuyết Hi lạp hóa, điều thuận cho những quyền lực từ trời điều khiển sự vận hành vũ trụ một sự quan trọng quá đáng làm nguy hại đến tính tối cao của Đức Kitô (Bible de Jérusalem, Cerf 1973 p.1622). Phaolô nhắc lại rằng Đức Kitô hiệp nhất mọi người, giải phóng họ cùng lúc với mọi thế lực thế gian. Ở đây Phaolô đề cập tới những hệ tư tưởng muốn làm ô nhiễm học thuyết cứu độ. Ông gạt bỏ mọi Đấng cứu độ khác trừ Đức Giêsu, gạt bỏ mọi trung gian hòa giải trừ sự trung gian hoà giải của Đức Giêsu. Trong Đức Giêsu là sự viên mãn của tất cả những gì Thiên Chúa muốn ban cho con người, sự viên mãn mà con người cần đên. Qua phép Rửa, đuợc tháp nhập vào vinh quang của Đức Kitô (2,6-15), người tín hữu thât sự được tự do thoát khỏi mọi nô lệ hoá (2,16 – 3,4).
3. Cl 3,5-4,6: Khuyến dụ sống theo Đức Kitô phục sinh như nguyên lý của đời sống mới.
Phaolô mời gọi tín hữu Cô-lô-sê từ bỏ tội (3,5-9a) và để cho sự sống Chúa kitô tăng trưởng nơi mình (3,9b-11), một đời sống trong bác ái, bình an, đức tin, cầu nguyện không ngừng bởi Thánh Linh (3,12-17). Ngoại trừ những lời khuyên chung, Phaolô gửi tới tín hữu Cô-lô-sê vài lời dạy riêng liên quan đến các bổn phận đời sống: đời sống gia đình và xã hội sẽ mang một ý nghĩa mới khi nó thấm nhuần “trong Chúa” (3,18 – 4,1). Phaolô cũng xin họ cầu nguyện cho công việc tông đồ của ông (4,2-4) và gửi cho họ vài chỉ thị về mối tương quan của họ với dân ngoại (4,5-6).
4. Phần kết thư (4,7-18)
Là một danh sách dài chào thăm và nhắn gửi cá nhân. Qua thư này chúng ta ghi nhận rằng Phaolô thành công trong việc đặt Đức Kitô trong tương quan với Thiên Chúa – và trong tương quan với nhân loại: Người là Đấng bởi Người và cho Người mà mọi sự được tạo thành. Đời sống nhân loại của chúng ta nhận được một ý nghĩa mới: bởi vì không có gì thoát ra khỏi ảnh hưởng của Đức Kitô, khi chúng ta xây dựng thế giới này, thì chúng ta cũng xây dựng Nước Thiên Chúa một cách nhiệm mầu. Từ nay trở đi, chúng ta phải sống như đã được phục sinh với Đức Kitô.
C. GIÁO HUẤN THẦN HỌC
a. Đức Kitô là trung gian sáng tạo, sự viên mãn của Thiên Chúa, đầu của Giáo hội, thống trị mọi quyền lực (1,15-20). Ngài hòa giải và làm cho vũ trụ được sung mãn nhờ công cuộc cứu độ của Ngài, đến nỗi ta nói được rằng vũ trụ là công trình tái tạo trong Đức Kitô.
b. Nhờ Bí tích Thánh tẩy, Kitô hữu được tái sinh trong đời sống mới, tháp nhập vào Đức Kitô, Đấng là nguyên lý của sự sống mới.
c. Cánh chung đang đến trong hiện tại và đạt viên mãn trong ngày Quang lâm. Thiên Chúa ban ơn cứu độ ngay từ bây giờ trong cuộc sống tại thế. Vì thế, Kitô hữu đang sống sự cứu độ với niềm hy vọng vào ngày cánh chung viên mãn.
d. Con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa và được tái tạo nhờ Đấng cứu độ, nên phải sống con người mới trong một thế giới đã được giải thoát khỏi quyền lực sự dữ (2,15). Tình yêu là mối dây ràng buộc mọi điều thiện hảo.
e. Đức Kitô là đầu nhiệm thể Giáo hội. Nhiệm thể Giáo hội ngày càng lớn mạnh nhờ việc truyền giáo (x. 1Cr 12,12: Giáo hội là thân mình Đức Kitô).
f. Đức Kitô chết và sống lại là nền tảng và cùng đích của vũ trụ; con người chỉ hiểu được giá trị của chính mình, khám phá ra ý nghĩa và đích điểm của lịch sử nhân loại nhờ vào sự nhập thể và cứu độ của Đức Kitô.
Discussion about this post