Bài X. THƯ PHILÊMÔN
A. HOÀN CẢNH
Đây là thư ngắn nhất trong các thư Phaolô và là thư duy nhất gởi cho một cá nhân, nói về một vấn đề riêng: Ngài viết thư cho Philêmon xin ông nhận lại người nô lệ Onêsimô đã bỏ trốn và đã được ngài rửa tội. Phaolô cho biết ngài đang bị tù (Plm1.9.10). Các nhà chuyên môn hướng về giả thuyết cho đó là thời gian Phaolô bị tù tại Ephêsô. Như thế, thư Philêmôn được viết khoảng năm 56-57. Mục đích chính của thư là thuyết phục Philêmon không còn coi Onêsimô như nô lệ nhưng như người anh em yêu dấu (c.16). Trong thư, Phaolô cũng nhờ Philêmôn thu xếp cho ngài một chỗ ở sau khi được khỏi tù.
B. CẤU TRÚC
Nhập đề (c.1-3) cho biết địa chỉ và lời chào thăm. Tiếp theo là lời tạ ơn Thiên Chúa về những ân huệ đã ban cho Philêmon (4-7).
Nội dung nằm trong các câu 8-20. Phaolô bày tỏ với Philêmon một yêu cầu (8-9). Đó là xin Philêmon nhận lại Onêsimô (10-13). Sau đó là những gợi ý tế nhị cho Philêmon nhận lại Onêsimô không phải như một nô lệ, nhưng như người anh em trong Đức Kitô (17-20).
Kết thư (c.21-25) là niềm hy vọng mong chờ Philêmon đáp ứng lời yêu cầu.
C. GIÁO HUẤN THẦN HỌC
Phaolô không áp đặt, không truyền lệnh Philêmon làm theo yêu cầu của mình là nhận lại người nô lệ Onêsimô, nhưng gợi ý để Philêmôn suy nghĩ và quyết định vấn đề dựa theo Tin Mừng: nhận lại nô lệ như người anh em trong tình yêu Đức Kitô. Chính tình yêu này đổi mới tương quan người với người, chủ và nô lệ.
Thư Philêmon có tầm quan trọng đặc biệt giúp tìm hiểu bối cảnh đạo đức xã hội thời Giáo hội sơ khai. Thời thánh Phaolô, vấn đề nô lệ là sự kiện xã hội phổ thông. Trong các thư 1Cr 7,20-24; Ep 6,5-9; Rm 3,22; 4,1 thánh Phaolô rụt rè bàn về nô lệ. Ngài khuyên nhủ nô lệ vâng lời chủ như vâng lời Đức Kitô (Ep 6,5; Cl 3,22-25); các chủ nhân cũng phải đối xử công bằng và nhân đạo với các nô lệ (Cl 4,1).
Phaolô yêu cầu Philêmôn hãy đón nhận Onêsimô và coi anh ta như người “anh em yêu dấu” (c.16). Thánh Phaolô không bàn đến một cuộc cách mạng xã hội. Nhưng theo Ngài, đời sống đức tin dựa trên Tin Mừng sẽ tạo bầu khí huynh đệ và cải tiến quan hệ giữa người với người. Tình huynh đệ theo tinh thần Đức Kitô phá vỡ tình trạng nô lệ để chấp nhận nhau như con cái một Cha trên trời.
Discussion about this post