Bài VI. THƯ 2 THESSALÔNICA
A. HOÀN CẢNH
Một thời gian khá dài, người ta vẫn nghĩ sau khi 1Tx ra đời, thánh Phaolô tiếp tục viết 2Tx để trình bày rõ hơn về ngày Chúa trở lại. Về sau, các nhà chú giải, qua phân tích đánh giá, đã khẳng định thư 2Tx không phải do Phaolô và xuất hiện khá muộn. Một vài chứng cứ biện minh cho lập trường:
- Từ vựng của hai thư khá giống nhau, đến nỗi có thể đối chiếu nhiều đoạn. Nhưng cũng có nhiều đoạn không có song song: Tạ ơn, bài bác lạc thuyết (ch.2), nói về những người lười biếng (ch.3)
- Nhiều chỗ trong thư cho thấy thời đại đã thay đổi: 2Tx gán về Đức Giêsu điều mà 1Tx gán cho Thiên Chúa (v/d: 1Tx 1,4 và 2Tx 2,13; 1Tx 2,12 và 2Tx 2,14; 1Tx 3,11 và 2Tx 2,16; 1Tx 5,4 và 2Tx 3,3; 1Tx 5,23 và 2Tx 3,16).
- 1Tx nói thử thách và bách hại như lẽ thường tương hợp với thần học về thập giá của Phaolô; 2Tx lại coi đó như những dấu hiệu đem đến sự trừng phạt của Thiên Chúa cho những ai bách hại Giáo hội.
- Trong 1Tx, Phaolô khuyên các tín hữu bắt chước Đức Kitô và các Tông đồ để đến lượt mình hiện tại hóa lại hoàn cảnh sống của các ngài. Trong 2Tx, tác giả khuyên noi gương trong hành động (v/d: bắt chước Phaolô mà làm việc: 2Tx 3,7-10).
- Quan trọng nhất là sửa đổi lại quan niệm về ngày Quang lâm: ngày ấy không biết được, nên phải tỉnh thức và sẵn sàng. Ngày ấy đã đến trong hiện tại (2,1).
Thư 1Tx đã dùng thể văn khải huyền nói đến ngày Chúa trở lại rất gần, khiến nhiều tín hữu nóng lòng chờ đợi Chúa quang lâm. Trong cơn sốt đón chờ ấy, người ta thêu dệt đủ kiểu để tuyên truyền ngày Chúa trở lại rất gần, khiến nhiều người bỏ bê bổn phận thường ngày, gây nên nhiều phức tạp và hỗn độn trong cộng đoàn dân Chúa Thessalonica.
Thế nhưng Chúa vẫn chưa đến… Điều người ta nức lòng mong chờ ở tương lai, các thư Ep và Cl công bố rằng nhờ đức tin mà người ta đang hưởng nhận trong Giáo hội qua các Bí tích. Nước Thiên Chúa mà 1Tx 2,12 đồng hóa với vinh quang tương lai nay đã hiện diện: (Cl 1,13). Sự phục sinh trong tương lai (1Tx 4) nay được thể hiện trước trong Bí tích Rửa tội vì ai được Thánh tẩy là bước vào đời sống ân sủng và đạt viên mãn ngày Chúa Quang lâm. Như thế, với Phaolô, “ngày của Chúa” đã đến. Thư 2Tx trình bày những điều ấy như giáo huấn của thánh Tông đồ.
Do đó mà ta có thể giả thiết một môn đệ của thánh Phaolô, hoặc một người nào đó am tường giáo huấn của thánh Tông đồ đã lấy lại và sửa đổi thư 1Tx để gởi cho những cộng đoàn mới trong hoàn cảnh mới. Thư không nói khi nào Chúa quang lâm, chỉ nhấn mạnh phải chuẩn bị thế nào để đón ngày Ngài trở lại. Ngày Chúa đến có những dấu hiệu báo trước, cụ thể là những hoạt động của Satan qua những khủng bố bách hại, những phản Kitô xuất hiện để lôi kéo người ta chối đạo. Chúa Kitô quang lâm sẽ là vị Thẩm phán kết tội họ.
Các nhà chuyên môn nghĩ rằng dòng tư tưởng cũng như cách sửa đổi từ ngữ trên đưa thư 2Tx về thời Tin Mừng Nhất Lãm.[3]
B. CẤU TRÚC
1,1-2: Địa chỉ
1,3-12: Tạ ơn và cầu nguyện cho độc giả. Phaolô tạ ơn Chúa vì các tín hữu tiến bước trong tin-cậy-mến giữa mọi thử thách gian truân (1,3-4). Ngày Quang lâm, Chúa sẽ phán xét công minh (c.5), thưởng công những kẻ trung thành trong bách hại (c.7), cho họ được hiển trị với Người (c.10); còn kẻ không tin sẽ bị đoán phạt và đời đời sống xa cách Chúa (c.8-9). Xin Chúa kiện toàn nơi các tín hữu công trình cứu độ của Người (c.11-12)
2,1-12: Giáo huấn về ngày Chúa quang lâm
Đừng bối rối về ngày Chúa trở lại (2,1-2) vì sẽ có hai dấu hiệu báo trước: sự chối đạo và những phản Kitô xuất hiện (2,3). Họ tự cho mình là Thiên Chúa (2,4), thực hiện những dấu lạ để mê hoặc người khác (2,9-10). Khi Đức Kitô quang lâm, Ngài sẽ tiêu diệt những phản Kitô ấy (2,8.11-12)
3,1-15: Khuyến dụ
Hãy kiên trì cầu nguyện (3,1-4), tránh xa những người vô kỷ luật và lười biếng không theo gương và huấn giáo của vị Tông đồ (3,6-15). Hãy sống bình tĩnh và cần cù làm việc (3,11-12), sửa trị những kẻ bất tuân với lòng bác ái (3,13-15)
3,16-18: Kết luận: Chúc bình an được Chúa ở cùng.
C. GIÁO HUẤN THẦN HỌC
Đề tài chính của giáo huấn ở đây là biến cố Chúa Giêsu phục sinh trở lại trong ngày cánh chung để quy tụ mọi tín hữu và dẫn đưa họ cùng Ngài bước vào trong Nước của Thiên Chúa Cha (2 Ts 2,1; cf. 1 Ts 4,14.17; 5,10). Nhưng sự thực là tác giả chú ý tới các dấu chỉ cảnh cáo báo trước ngày Chúa quang lâm. Ông kê khai một chuỗi các thực tại nối tiếp nhau có thứ tự. Trước hết là sự hiện diện và hoạt động của “mầu nhiệm sự gian tà”. Nó cũng giống như hoạt động của một nhân vật không đươc xác định có nhiệm vụ cầm chân không cho tên phản kitô dễ sợ tung hoành trong thế giới. Tiếp theo là các hiện tượng chối bỏ khước từ Thiên Chúa, và sau cùng tên phản kitô mới xuất hiện. Nó được mệnh danh là “Kẻ Gian Tà”, “Kẻ đã bị hư mất”, “Kẻ Thù”, “Tên Hỗn Xược” chống lại tất cả những gì nhắc nhớ và liên quan tới Thiên Chúa. Nó được người ta tôn thờ đến độ chính nó ngự trị trên ngai trong đền thờ của Thiên Chúa và tự tuyên xưng mình là Thiên Chúa. Biến cố “Kẻ Gian Tà” tới được ghi dấu bằng hoạt động của Satan và biểu lộ ra qua tất cả mọi việc quyền năng, các phép lạ và dấu chỉ kỳ diệu phỉnh gạt cũng như các quyến rũ của bất công. Sau cùng mới là ngày thế mạt với biến cố Chúa Kitô chiến thắng mọi lực lượng satan của “Tên Phản Kitô”.
“Mầu nhiệm của sự gian tà” ở đây ám chỉ sự hiện diện và hoạt động của các lực lượng ma quái của sự dữ và thái độ khước từ Thiên Chúa trong lịch sử nhân loại. Trong ngôn ngữ của thánh Phaolô mầu nhiệm này có thể là một vật, một người, một giáo thuyết bí ẩn mà trí óc con người không thể nào hiểu thấu được. Sự gian tà là một mầu nhiệm bởi vì nó bước vào trong chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa, khiến cho chúng ta kinh ngạc và không tài nào hiểu nổi. Sự gian tà đó ám chỉ sư dữ dưới tất cả mọi hình thái của nó giờ đây chưa được vén mở hoàn toàn. Nó sẽ chỉ được tỏ lộ trong ngày sau hết và hoạt động của nó sẽ chỉ đều khắp, khi tới thời mạc khải của “Kẻ Gian Tà”. Chương trình nhiệm mầu của Thiên Chúa giờ đây chỉ cho phép nó can thiệp một cách kín đáo và phiến diện chống lại hoạt động cứu rỗi của Ngài đối với thế giới. Ở đây chúng ta nhận ra tất cả quan niệm của truyền thống kinh thánh loại trừ thuyết nhị nguyên lành dữ, thiện ác, nhưng chấp nhận sự hiện diện của các nhân vật gian ác có ảnh hưởng tiêu cực trong lịch sử loài người. Dù chúng có là con rắn như được nói tới trong chương 3 sách Sáng Thế, hay Satan trong hai chương đầu sách ông Giốp hoặc trong chương 2,23-24 sách Khôn Ngoan, chúng đều tùy thuộc ý muốn tối thượng của Thiên Chúa. Nghĩa là Satan và mọi lực lượng sự dữ không vượt thoát được quyền năng của Thiên Chúa.
Trên bình diện chú giải, tưởng cũng cần để ý tới ảnh hưởng của các quan niệm thần thoại diễn tả một tư tưởng vẫn còn có gía trị đối với cả những người ngày nay không nhận ra sự can thiệp của ma qủy hay các nhân vật thần thiêng gian ác trong cuộc sống con người. Đó là đề tài con quái vật bị Thiên Chúa chế ngự ngay từ khởi nguyên, như tìm thấy trong một số thần thoại, và được truyền thống khải huyền do thái lấy lại. Con quái vật đó tên là “Behemốt” hay “Léviathan”, bị đánh bại và xiềng xích từ thời khai nguyên vũ trụ. Vào thời sau hết nó sẽ được thả ra để tự do tung hoành, nhưng sau cùng nó sẽ bị Thiên Chúa hủy diệt. Hiện giờ thì nó chỉ bị cầm chân thôi. Tuy các hình ảnh Kinh Thánh dùng xem ra ngô nghê, nhưng chúng diễn tả một thực tại vô cùng nghiêm trọng. Chúng đặt để chúng ta trước thực tại sự dữ hiện diện và hoạt động trong các guồng máy tâm lý của con người và nhập thể chung quanh con người, qua nhiều cấu trúc và lực lượng xã hội gian ác đang tung hoành trong dòng lịch sử và giữa lòng thế giới.
Ở đây chúng ta phải chọn lựa giữa một quan niệm lạc quan hay đôi khi hời hợt về lịch sử và tiến trình của nó và một kiểu cách nhìn lịch sử, mà không nhắm mắt trước sự dữ đang tung hoành giữa lòng xã hội trong các góc cạnh và nếp gấp kín ẩn nhất của các biến cố xảy ra trong cuộc sống con người. Trong thế giới này không phải tất cả đều là ánh sáng, niềm vui và sự sống, mà còn có tối tăm, khổ đau, bất công, vô nhân và cái chết nữa. Và nếu muốn sống một cách cụ thể, mỗi người đều phải tính sổ với mặt trái đó của cuộc đời. Trái đất này không phải chỉ là vườn hoa, mà còn là bãi chiến, nơi có các xung đột đổ máu giữa các lực lượng đối nghịch nhau, giữa ánh sáng và bóng tối.
Liên quan tới “sự gì” hay “ai đó” cầm chân, khiến cho “Kẻ Gian Tà” chậm xuất hiện để lừa phỉnh thế giới, giới chú giải kinh thánh đưa ra nhiều giả thuyết khác nhau. Trước hết phải ghi nhận đây là một yếu tố mới mẻ trong khung cảnh các trình thuật khải huyền cổ điển. Tác giả khẳng định rằng tín hữu Thêxalônica đã biết thực tại bí ẩn ấy rồi. Nhưng vì thời gian qúa xa, chúng ta không biết thực tại bí ẩn ấy là gì hay là ai. Ở đây tác giả dùng hai từ để diễn tả sự cầm chân ấy. Một lần ở thể trung tính “to katékhon”, có nghĩa là “cái cản trở” và một lần ở ở giống đực “ho katékhôn”, có nghĩa là “người cản trở”. “Kẻ Gian Tà” sẽ xuất hiện trước khi Chúa Kitô quang lâm. Nhưng có “cái gì đó” hay “một ai đó” khiến cho sự xuất hiện của “Kẻ Gian Tà” bị chậm lại. Các nhà chú giải Kinh Thánh xưa nay đã đưa ra nhiều giả thuyết, trong đó có hai giả thuyết chính. Thứ nhất, chướng ngại đó chính là đế quốc Roma, là cái cầm chân “Kẻ Gian Tà” và hoàng đế Roma là người cầm chân “Kẻ gian Tà”. Bởi vì đế quốc và hoàng đế Roma bảo đảm trật tự và hòa bình khắp nơi, ngăn chận các cuộc nổi dậy và chiến tranh, mà truyền thống vẫn thường coi là dấu chỉ của ngày thế mạt. Đây là lập trường của đa số các nhà chú giải, đặc biệt các nhà chú giải cổ xưa.
Giả thuyết thứ hai cho rằng cái cầm chân và người cầm chân “Kẻ Gian Tà” đó chính là lời rao giảng Tin Mừng và thánh Phaolô. Đây là lập trường của các nhà chú giải như Théodore thành Mopsueste, Théodoret, Calvin, hay mới hơn nữa là O. Cullmann. Kiểu giải thích này dựa trên lời Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng ngày tận thế sẽ chỉ tới sau khi Tin Mừng đã được loam báo cho mọi dân tộc ngoại giáo trên trái đất này ( Mc 13,10; Mt 24,14). Nhưng các thư của thánh Phaolô không cho thấy thánh nhân ý thức được mình lại có một vai trò như thế trong lịch sử cứu độ. Giả thuyết thứ ba cho rằng chính hoạt động của Chúa Thánh Thần cầm chân chưa cho Tên Phản Kitô đó xuất hiện để đánh phá thế giới. Giả thuyết thứ tư cho rằng chính hoạt động của Tổng Lãnh Thiên Thần Micael cầm chân “Kẻ gian Tà” (B, Rigaux, Saint Paul. Les épitres aux Thessaloniciens, 274-279).
Chúng ta phải công nhận đây là một bí ẩn chưa giải quyết được. Mọi cố gắng cá biệt hóa đều chỉ có tính cách ước đoán mà không có gì chắc chắn. Thật ra văn bản chương hai thư thứ II gửi tín hữu Thêxalônica không cung cấp cho chúng ta yếu tố nào khác giúp xác định xem “cái cầm chân” hay “người cầm chân” “Kẻ Gian Tà” ấy là gì hay là ai. Nếu được phép đưa ra một nhận xét hướng dẫn, chúng ta có thể dựa trên tư tưởng kinh thánh cổ điển hơn để nói rằng quyền năng của Thiên Chúa chế ngự được sự dữ và ma qủy. Nhưng đây cũng lại chỉ là một kiểu giải thích. Tuy nhiên sự kiện không hiểu được bí ẩn ấy không cản ngăn chúng ta hiểu tư tưởng chung của tác giả. Đó là biến cố tín hữu chối bỏ Thiên Chúa và biến cố “Kẻ Gian Tà” đến sẽ xảy ra trước biến cố Chúa Kitô quang lâm. Nhưng cho tới lúc đó thì chưa có gì xảy ra cả. Dù vậy tác giả vẫn khuyên tín hữu như sau: Tuy các dấu chỉ báo trước ngày thế mạt chưa lộ hiện, nhưng phải tiếp tục sống trong thái độ đợi chờ ngày Chúa đến, ngày mà không ai biết khi nào sẽ xảy ra (Cf. Mc 13,28-37; 1 Ts 5,1-11).
Tóm lại, dù có gì xảy ra đi nữa, Kitô hữu vẫn có thể lạc quan tin tưởng nơi con người, bởi vì con người có thể chiến đấu chống lại ma qủy và bóng tối sự dữ bủa đang vây nó tứ bề. Nói cách khác, tác giả khẳng định với chúng ta rằng: loài người có thể gạt bỏ hoạt động tàn phá của sự dữ và cái chết. Loài người có thể dựng chiến lũy để cầm chân, để ngăn chận sự dữ và cái chết. Loài người có thể chống trả lại ma qủy và chiến thắng được chúng.
Discussion about this post