Bài VII. THƯ ÊPHÊSÔ
A. HOÀN CẢNH
Êphêsô là giao điểm của những con đường xuyên lục Đông – Tây. Cùng chung số phận với các thành phố khác của Ionie, Ephêsô lần lượt bị đô hộ bởi Lydia, rồi Ba tư và Alexandre. Năm 133, Attale III (vua cuối cùng của Pergame) nhường Ephêsô cho Rôma. Ephêsô được quyền tự quản do hội đồng thành phố gồm những nhân vật thuộc giai cấp cao do dân bầu lên. Sau đó, thành phố được điều hành theo hệ thống hành chính của đế quốc và phát triển trên mọi lãnh vực.
Từ cảng Coressos, một đại lộ dẫn đến đô thị nổi bật với hý trường đẹp nhất Hy lạp. Nhà cửa nằm trên sườn núi Pion, thật thơ mộng! Đền thần Artêmis rất vĩ đại với mái cao 109m, gồm 127 cột, mỗi cột biểu tượng một vị vua. Artêmis là nữ thần sinh sản. Công việc tế tự được giao cho hàng Tư tế đông đảo. Hằng năm vào tháng tư, người ta rước kiệu nữ thần đến hý trường và tổ chức những cuộc vui chơi cuốn hút nhiều du khách. Cạnh đền Artêmis, còn nhiều đền thờ các thần Hy lạp. Dưới sự thống trị của đế quốc Lamã, người ta bắt đầu xây dựng trong đền nữ thần Artêmis các bàn thờ kính hoàng đế; sau đó việc thờ hoàng đế nhanh chóng trở thành việc tế tự chính thức trong toàn cõi đế quốc.
Tại Ephêsô có một cộng đoàn Dothái quan trọng. Quan hệ giữa Do thái và dân thành Ephêsô không mấy dễ dàng. Tuy nhiên, vua Agrippa đã ký sắc lệnh cho phép cộng đoàn Do thái được hằng năm gởi tiền dâng cúng về đền thờ Giêrusalem và giữ ngày Sabbat.
Trước khi Phaolô đến Ephêsô, Apollô đã có mặt tại đó (Cv 18,27), cùng với Aquilas và Priscilla. Chính hai vị này đã hướng dẫn giáo lý cho Apollô (Cv 18, 26). Apollô quê ở Alexandria, có tài hùng biện và thông thạo Thánh Kinh (Cv 18,24). Tại Corintô, ông đã gặt hái nhiều thành công và thu nhận nhiều đồ (1Cr 1,12). Ông là tân tòng nhưng có tâm hồn nồng nhiệt, thường mạnh dạn rao giảng về Đức Giêsu trong Hội đường (Cv 18,25-26). Tuy nhiên, ông chỉ biết phép rửa của Gioan chứ chưa đạt tới niềm tin tròn đầy Kitô giáo (Cv 18, 25).
Tại đây, Phaolô còn gặp 12 môn đệ của Gioan (Cv 19,7). Phaolô đã làm phép Rửa cho họ nhân danh Đức Giêsu và đặt tay ban Thánh Thần xuống trên họ (Cv 19,6).
Ta không biết rõ nguồn gốc của Hội thánh Ephêsô. Luca xác định chính Phaolô đã thiết lập (Cv 18,19-20; 19,8-10). Nhưng trước khi Phaolô đến đây, đã có cộng đoàn Kitô hữu với Aquillas và Priscilla, Apollô, nhóm 12 môn đệ Gioan.[4]
Trong thời gian hoạt động, Phaolô gặp sự đối kháng của đám thợ bạc gây rối (19,23-40), sự chống đối kịch liệt của những người Do Thái cực đoan (x. 2Cr 1,8; 1Cr 15,32), và những những kẻ gieo rắc chia rẽ tuyên truyền một thứ đạo lý nghịch với lời rao giảng của Ngài (Rm 16,17-20).
* Tác giả và niên hiệu
Phần đông các nhà chuyên môn cho rằng thư Ephêsô không phải đích thực của Phaolô, dù tựa đề thư cho biết tác giả là Phaolô và các câu 3,1; 4,1; 6,20 nói đến việc Phaolô đang ở tù. Thế nhưng, trong thư, tác giả không hề nói đến một liên lạc cá nhân nào với giáo đoàn Ephêsô và xem ra biết rất ít về giáo đoàn này. Trong khi đó, Phaolô lưu lại Ephêsô trên hai năm với biết bao kỷ niệm; và nhất là đối với thánh nhân, đây là giáo đoàn quan trọng trong sứ vụ truyền giáo của ngài. Lại nữa, tác giả cũng không đề cập gì đến hoàn cảnh thực tế của giáo đoàn, điều mà Phaolô vẫn thường làm trong tư cách là một mục tử hằng quan tâm đến các giáo đoàn mình thiết lập. Đàng khác, người ta còn nhận thấy trong thư nhiều điểm khác biệt với quan điểm thần học của Phaolô được trình bày trong các thư khác (v/d: Giáo hội gồm Kitô hữu Do thái và dân ngoại bình đẳng, khác với Rm 9,11; ngày Chúa Quang lâm còn xa (2,7); quan niệm thần học rất cao về hôn nhân là biểu tượng cho sự kết hợp mật thiết giữa Đức Kitô và Giáo hội).
Dựa vào hình thức và nội dung thư, ta có thể nghĩ tác giả là người Kitô hữu gốc Do thái, nói tiếng Hy lạp, thuộc thế hệ sau các Tông đồ vì luôn nhìn các Tông đồ và những vị nối tiếp các ngài như nền tảng của Giáo hội (x. 3,5 và 2,20). Có thể giả thiết: Tác giả tự đặt mình như môn đệ của Phaolô và dùng danh Phaolô để điều mình viết ra có thế giá. Tựa đề gởi cho Ephêsô được lưu truyền suốt tk II, nhưng lá thư thực sự là một luận thuyết viết dưới hình thức thư, được coi như một thư luân lưu trong toàn Giáo hội Tiểu Á mà Ephêsô là trung tâm.
Những chức vụ Presbiteroi (Presbiteroi) và Episkopoi (Episkopoi) không được nhắc đến ở Ep 2,20; 3,15; 4,11. Do đó, người ta có lý do để nghĩ rằng thư Êphêsô phải được viết trước năm 90. Theo chỉ dẫn trong thư, thư Ep được viết trong tù, có thể là lúc Phaolô bị tù tại Rôma.
Có những mối liên quan rõ rệt giữa các thư của Thánh Phaolô với thư Êphêsô về các đề tài bàn cải cũng như về văn phong: ví dụ như ý định của Thiên Chúa hoàn tất nơi Đức Giêsu Kitô, Giáo hội được xem như dân Thiên Chúa và Thân Mình Đức Kitô. Vì thế, người ta gắn kết thư này vào môi trường của Phaolô nếu không phải là chính Phaolô.
– Vài nét tiêng biệt so với thư Rôma: điều mà trong thư Rôma và Galát gọi là “công chính bởi đức tin” nay trở thành “cứu độ bởi đức tin”; và sự cứu độ trong các chương lớn (Rm; 1 và 2 Cr, Gl) là một thực tại sẽ đến mà Thiên Chúa ban cho trong thời kỳ viên mãn, ở đây, sự viên mãn này coi như đã hoàn tất ngay thời bây giờ. Đế tài này đuợc trình bày nhiều nhất trong thư Côlôsê và Êphêsô. Hai thư này có nhiều điểm tương đồng làm cho người ta phải tự hỏi có phải một trong hai thư là nguồn gốc của thư kia hay cả hai thư được viết ra gần như cùng lúc.
Tuy nhiên, thư Êphêsô trình bày một học thuyết hoàn chỉnh hơn. Đây là thư cho ta một nội dung kết hợp chặt chẽ nhất; nó trình bày một tổng hợp tín lý mà tầm quan trọng có thể so sánh với nội dung thư Rôma.
B. CẤU TRÚC
Nhập đề (1,1 – 23)
Ep 1,3-14: lời chúc tụng Thiên Chúa về sự mạc khải mầu nhiệm thánh ý của Thiên Chúa: kế hoạch cứu độ.
Ep 1,15-23: lời tạ ơn (c.16) và chuyển cầu (c.19.20-23).
Đề tài: Ep 2,1-3,21: ơn cứu độ hiện diện trong Giáo hội duy nhất.
1. Ep 2,1-22: Đối kháng giữa xưa và nay (c.1-10), trước kia và bây giờ (c.11-22).
2. Mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa (3,1-6,9).
a. Phần học thuyết: 3,1-21: Mọi người, Do thái và dân ngoại, đều được Đức Kitô ban cứu độ.
- phép lành (1,3-14)
- sự phong phú của ân huệ Thiên Chúa nơi người tin (1,15 – 2,10)
- sự hòa giải giữa người Do thái và dân ngoại, giữa chính họ và với Thiên Chúa (2,11-22)
- mặc khải Mầu nhiệm và Sứ vụ hoàn vũ của Phaolô (3,1-13)
- lời chuyển cầu và vịnh tụng ca cuối cùng (3, 21)
- Phần khuyên nhủ: (4, 1- 6, 20)
- Kêu gọi hiệp nhất trong đức tin và đức ái (4,1-6).
- Trật tự nột tại của Giáo hội là ân huệ của Chúa Kitô (Ep 4,7-16).
- Con người cũ và con người mới: Đời sống mới trong Đức Kitô (4,17-24).
- Áp dụng đặc biệt cho sự trở lại ở mức độ cá nhân, bắt chứơc Thiên Chúa, sống như con cái sự sáng (4,25 – 5,7)
- Các quan hệ xã hội (5,8-14) , sống như người khôn ngoan (5,15-20).
- Luân lý gia đình và trong nhà, các tương quan dưới ánh sáng Chúa Kitô. (5,21 – 6,9)
- Cuộc chiến đấu thiêng liêng nhờ lời loan báo của Thiên Chúa, mời gọi mặc lấy khí giới của Thiên Chúa để có thể chống cự với quyền lực tối tăm (6,10-20)
Kết luận: Liên hệ cá nhân. Chúc bình an và phúc lành (6,21-23).
C. GIÁO HUẤN THẦN HỌC
Đề tài chủ yếu của thư là Giáo hội học. Thư Êphêsô có những đóng góp quan trọng vào việc đào sâu mầu nhiệm Giáo Hội:
– Giáo Hội là nơi biểu lộ sức mạnh và quyền bính của Chúa Kitô (1,20-23): “Thiên Chúa đã đặt tất cả dưới chân Đức Kitô, và đã đặt Người làm Đầu toàn thể Hội Thánh; mà Hội Thánh là thân thể Đức Kitô, là sự viên mãn của Người”.
– Giáo Hội là Thân Mình Chúa Kitô và là Dân Thiên Chúa (2,11-22): sự chết và phục sinh của Chúa Kitô đã phá vỡ bức tường ngăn cách, làm cho người Do thái và dân ngoại trở thành một Dân, thành Thân Mình duy nhất của Chúa Kitô: “Nhờ Người, cả đôi bên chúng ta được liên kết trong một Thánh Thần duy nhất mà đến cùng Chúa Cha.”
– Giáo hội phổ quát (Ekklesia) gồm Do thái và dân ngoại, được dựng xây trên nền tảng các Tông đồ (2,20).
– Các tông đồ là nền móng của Giáo Hội (3,1-13): Giáo Hội là phương thế nhờ đó Tin Mừng được rao giảng cho toàn thể vũ trụ. Và Giáo Hội là “tông truyền” theo nghĩa Giáo Hội được xây dựng trên nền móng các tông đồ, và tiếp tục sứ mạng của các tông đồ, tức là sứ mạng rao giảng Tin Mừng.
– Vai trò của các đặc sủng trong Giáo Hội (4,7-16): Chúa Kitô là nguồn mọi đặc sủng, và các đặc sủng trong Giáo Hội nhằm mục đích xây dựng Giáo Hội thành Thân Mình Chúa Kitô.
– Tin Mừng gắn kết mật thiết với Giáo hội hoàn vũ. Không thể rao truyền Đức Kitô mà không đồng thời rao giảng Giáo hội.
– Thần học thập giá được trình bày ở 2,14-16.
– Về ngày quang lâm, thư Ep trình bày quan niệm về ngày cánh chung đang hiện diện nhưng sẽ tiến tới viên mãn khi lịch sử chấm tận.
– Mẫu mực Kitô hữu chính là Đức Kitô. Phẩm chức cao quý của Kitô hữu là trở thành dưỡng tử của Chúa Cha nhờ Chúa Con (cf. Cl 3,5-8; 1Cr 6,12-20). Kitô hữu phải biểu lộ danh phẩm ấy trong đời sống nhờ các ân sủng của Thiên Chúa.
Liên quan đến đời sống gia đình:
– Mối tương quan giữa Chúa Kitô và Giáo Hội (5,21-33): đây là mối tương quan hết sức mật thiết đến nỗi tác giả vận dụng tương quan vợ-chồng để diễn tả, đồng thời chính ở đây mà tương quan vợ chồng tín hữu mang một ý nghĩa mới.
– Tác giả thư Ephêsô cũng có những lời khuyên giống như trong thư Côlôssê (3,18), tức là khuyên nhủ người vợ phải phục tùng chồng. Tuy nhiên tác giả đặt sự phục tùng này trong sự so sánh mối tương quan chồng-vợ với mối tương quan giữa Chúa Kitô và Hội Thánh. Cũng như Chúa Kitô là đầu của Hội Thánh thì người chồng cũng là đầu của vợ; và xét như thân mình của Chúa, Hội Thánh phục tùng Chúa Kitô thì người vợ cũng phục tùng chồng. Cách trình bày này có thể bị hiểu lầm là mang tính gia trưởng, nhất là đối với con người ngày nay. Để hiểu cho đúng ý hướng của tác giả, cần phải đọc những lời khuyên này trong toàn bộ văn mạch chương 5, trong đó tác giả nói đến sự tùng phục lẫn nhau, “Vì lòng kính sợ Đức Kitô, anh em hãy tùng phục lẫn nhau” (5,21), và nhấn mạnh bổn phận người chồng phải chu toàn (5,25-33).
Cũng như trong Col 3,19, người chồng được khuyên nhủ phải yêu thương vợ mình, nhưng khác với thư Côlôssê, tác giả thư Ephêsô trình bày bổn phận yêu thương này bằng cách so sánh với tình yêu Chúa Kitô đối với Hội Thánh. Cũng như Chúa Kitô yêu thương Hội Thánh đến nỗi hiến mình cho Hội Thánh, thì người chồng cũng phải yêu thương vợ hết mình. Nhờ sự tự hiến, Chúa Kitô đã làm cho Hội Thánh nên thánh thiện, thanh tẩy Hội Thánh bằng nước thánh tẩy và Lời hằng sống, để Hội Thánh trở nên Hội Thánh vinh quang, tinh tuyền, không tì ố. Theo đó, cũng như Chúa Kitô yêu thương thân mình Người là Hội Thánh, thì người chồng cũng phải yêu thương vợ như yêu chính thân thể mình. Khi người chồng yêu thương vợ là họ yêu thương chính mình: “Yêu vợ là yêu chính mình. Quả vậy, có ai ghét thân xác mình bao giờ; trái lại người ta nuôi nấng và chăm sóc thân xác mình, cũng như Đức Kitô nuôi nấng và chăm sóc Hội Thánh.”
Tác giả thư Ephêsô trích dẫn St 2,24 để nhấn mạnh sự hợp nhất vợ chồng: “Chính vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt.” Ngay sau đó, tác giả nói thêm, “Mầu nhiệm này thật cao cả. Tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh” (5,32). Đây là một trong những nền tảng giúp ta hiểu hôn nhân là một bí tích, nghĩa là dấu chỉ diễn tả mối tương quan giữa Chúa và Hội Thánh, đồng thời ban ơn cho các đôi hôn phối để họ có thể sống và diễn đạt tình yêu cao cả đó trong cuộc đời mình: “Tình yêu vợ chồng đích thực được kết nhập trong tình yêu Thiên Chúa, được hướng dẫn và thêm phong phú nhờ quyền năng cứu chuộc của Chúa Kitô và hoạt động cứu rỗi của Giáo Hội, để hai vợ chồng được dẫn dắt cách hữu hiệu đến cùng Thiên Chúa, cũng như được nâng đỡ và kiện cường trong nhiệm vụ cao cả là làm cha mẹ” (GS 48).
Discussion about this post