Bài XIII. THƯ II TIMÔTHÊ
I. HOÀN CẢNH
Cũng như trong 1Cr, 2Cr, Ep, Cl, Phaolô xác quyết chức vụ Tông đồ của mình phát xuất từ ý muốn của Thiên Chúa để ngài loan báo lời hứa ban sự sống trong Đức Kitô Giêsu. 1Tm nói Đức Giêsu Kitô là niềm hy vọng; ở đây (2Tm) là lời hứa ban sự sống, tức ơn cứu độ.
Về lời tạ ơn:
– Trong Rm 1,8-12, vị Tông đồ chia sẻ kinh nghiệm và đức tin cho các tín hữu Rôma; ở đây với con yêu dấu là Timôthê.
– Đức tin của Phaolô và của Timothê đâm rễ trong truyền thống tổ tiên.
– Tạ ơn Chúa mỗi lần nhớ đến Timothê, nhớ đến những giọt nước mắt của Timôthê, hồi tưởng lại niềm tin của Timôthê.
II. CẤU TRÚC
1,1-5: Địa chỉ. Tạ ơn
- 1, 6-18: Mục tiêu của thư
- 6-8 : Phấn đấu vì Tin Mừng
- 9-11: Ơn cứu độ do Đức Kitô mang đến
- 12-14:Theo gương Phaolô, chiến đấu cho Tin mừng
- 15-18: Tâm sự của Phaolô
- 2, 1 – 3, 17: Chỉ thị về sứ vụ
- 4,1-18: Căn dặn cuối cùng
– Rao giảng trong mọi hoàn cảnh (4,1-5)
– Phaolô đợi ngày tử đạo (4,1-8)
– Thông tin (4,9-18).
Kết luận: Chào tạ từ (4,19-22)
III. GIÁO HUẤN
a. Phấn đấu vì Tin Mừng
Qua việc đặt tay của Phaolô (c.6; x. 1Tm 4,14), Timothê thành người kế vị hợp pháp, và như Phaolô, anh cũng nhận lãnh Thần khí sức mạnh, tình thương và biết tự chủ (c.6-7), nhờ đó được tham dự quyền năng của Thiên Chúa (x. 1Cr và Rm), hiện thân tình yêu của Đức Kitô và tự chủ trước mọi thử thách trong sứ vụ chứng nhân Tin Mừng.
Vì thế, Phaolô khích lệ Timôthê đừng hổ thẹn vì phải làm chứng cho Chúa (x. Mc 8,38; Rm 1,16), cũng đừng hổ thẹn vì Phaolô, người tù của Chúa (c.8). Sự có mặt của Phaolô trong tù như hiện thân của Đức Kitô và liên kết với sứ mạng của Đức Kitô (Ep 3,1; Plm 1,9). Nếu Phaolô đã vui lòng chịu đau khổ với Đức Kitô, thì Timôthê cũng hãy “đồng lao cộng khổ” để loan Tin Mừng, dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa.
b. Ơn cứu độ
Thiên Chúa ban cứu độ cho con người không phải do công trạng riêng của con người, nhưng cứu độ là một ân huệ nhưng không của Thiên Chúa kêu gọi lời đáp trả bằng lòng tin. Ơn cứu độ ấy đã nằm trong kế hoạch từ muôn thuở của Thiên Chúa, trong Chúa Kitô. Ơn nghĩa tử trong Đức Kitô hướng về sự cứu độ này. Thiên Chúa cứu độ (c.9: động từ cứu độ có chủ từ là Thiên Chúa): tước vị cứu độ được gán cho Thiên Chúa (1Tm 1,1.2.3; 4,10; Tt 1,3; 2,10; 3,4) và cho Đức Giêsu Kitô (Tt 1,4; 2,13; 3,6). Nhờ nhập thể và tử nạn, và nhờ việc loan Tin Mừng mà ơn cứu độ ấy được biểu lộ: “Đức Kitô đã tiêu diệt thần chết và dùng Tin Mừng mà làm sáng tỏ phúc trường sinh bất tử” (c.10). Đức Kitô cứu độ bằng mầu nhiệm Vượt Qua, nhưng hiệu quả của Phục sinh được tỏ bày trong lịch sử nhờ loan Tin Mừng. Chính Tin Mừng làm sự sống bừng lên như Mt 4,16 trích dẫn Isaia: Kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần được ánh sáng bừng lên chiếu rọi.
c. Theo gương Phaolô, hãy chiến đấu cho Tin Mừng
Thiên Chúa đã uỷ thác cho Phaolô sứ vụ loan Tin Mừng. Dầu chịu đau khổ, thánh Tông đồ vẫn không lùi bước vì “tôi biết tôi tin vào ai” nhờ vào kinh nghiệm gặp gỡ Đấng Phục sinh trên đường Đamas và sự hoàn toàn tín thác vào Ngài. Chính Đấng ấy bảo toàn giáo lý đã được giao phó cho ngài cho đến khi lịch sử chấm dứt. Giờ đây, Phaolô cũng trao chuyển niềm tin và phó thác ấy cho Timothê, để anh tiếp tục rao truyền tất cả những gì đã nhận lãnh từ Phaolô, đó là Tin Mừng mà Phaolô đã lãnh nhận từ Đức Kitô.
d. Chết để được sống (2,8-14)
Sẵn sàng chịu đau khổ vì sứ vụ loan Tin Mừng(c.8-10).
Phaolô mở đầu những chỉ thị về sứ vụ bằng: “Anh hãy nhớ”. Lời này cho biết Timothê hẳn đã biết rõ những điều mà Phaolô suốt một đời rao giảng, tức Tin Mừng của Đức Kitô. Dựa trên sự nhận biết ấy mà Phaolô khích lệ Timôthê sẵn sàng đón nhận đau khổ. Những gì mà Phaolô đã rao giảng tóm lại trong điều chính yếu này: Đức Kitô Giêsu đã sống lại từ cỏi chết, xuất thân từ dòng Đavít (c.8). Phaolô trình bày vắn gọn vấn đề cứu độ như sau: Từ đời đời, Thiên Chúa muốn cứu độ nhân loại (x. 1,9). Ý định đó được biểu lộ trong lịch sử nhờ Đức Kitô Giêsu (c.10), và được hiện thực hóa nhờ sứ vụ rao giảng Tin Mừng. Sứ vụ loan Tin Mừng nhất thiết không tránh khỏi sự bách hại và đau khổ. Nhưng Tông đồ càng bị xiềng xích, lời Chúa càng phát huy hiệu lực. Vì thế, ngài đã sẵn sàng chịu đựng tất cả mọi gian truân đau khổ vì sự cứu độ con người (x. Cl 1,24).
e. Chống những người dạy giáo lý sai lạc
Phaolô khẳng định thành công của người mục tử hệ tại thái độ trước Thiên Chúa. Phaolô khuyên nhủ Timôthê phải có thái độ như người thợ không hề hối tiếc điều đã làm, luôn đi đúng đường thẳng ngay. Tiếng thợ thường được dùng để chỉ người Tông đồ, và vạch đường thẳng diễn tả tài nghệ người cày ruộng. Mục tử phải là người công chính, nói thật, chính xác, không thỏa hiệp…, thẳng thắn dạy lời chân lý, nhờ vậy mà tránh được những cãi cọ vô ích chỉ làm người nghe phải diệt vong.
Tác giả chỉ ra ở đây cụ thể hạng người dạy giáo lý sai lạc khi nói sự phục sinh đã xảy ra rồi. Điều này giúp ta hiểu hạng thầy giả đó thuộc phái ngộ đạo, chủ trương sự phục sinh thiêng liêng bằng sự nhận biết bí nhiệm. Còn thánh Phaolô, ngài đã dạy đời sống mới của người chịu Bí tích Rửa tội như tham dự vào sự sống của Đấng Phục sinh. Các ngục thư nói đến một cánh chung hiện tại (Ep 2,6; Cl 2,12) là phục sinh với Đức Kitô.
Làm sao để đức tin được đứng vững, khỏi lung lạc trước những giáo thuyết sai lạc? Đâu là giáo lý lành mạnh? Câu 19 trả lời: Đó là giáo lý dựa trên nền móng vững chắc Thiên Chúa đã đặt. Nền móng vững chắc đó chính là Hội thánh như một ngôi nhà (x.1Tm 3,5.15) được xây dựng như nền móng của công trình cánh chung. Nhà ấy vững chắc vì phát xuất từ Thiên Chúa. Câu trích dẫn Ds 16,5 để cho biết cách phân biệt người tín hữu đích thực là người thuộc về Thiên Chúa vì Người biết họ. Câu trích dẫn thứ hai là lời mời gọi tín hữu bỏ đường bất chính mà gắn bó với đức tin. Câu 21 giải thích ý nghĩa cái nhà là Hội thánh mà những vật dụng là các thành phần khác nhau trong cộng đoàn. Những ai gánh vác trách nhiệm quan trọng trong cộng đoàn thì phải thanh tẩy khỏi những học thuyết sai lầm, phải được thánh hóa để xứng đáng với chức vụ vì phần rỗi các tín hữu.
f. Tránh đam mê và đề phòng nguy hiểm (2,22-3,17)
Phaolô nhắc Timôthê xa tránh các đam mê tuổi trẻ. Đó là gì? Có phải là thứ học thuyết sai lạc? Hoặc những tật xấu của người trẻ tuổi? Có lẽ các thư mục vụ nhắm đến những nguy hiểm trước các phụ nữ goá trẻ (x. 1Tm 5,11tt). Phaolô khẳng định người tôi tớ tốt của cộng đoàn phải là người tạo bầu khí an hoà huynh đệ, biết nhẫn nhục, sống quảng đại nhân từ, nhờ đó giúp những người chống đối tỉnh ngộ và thoát cạm bẫy ma quỷ. Vì thế, Phaolô khuyên Timôthê cố gắng sống công chính, giàu lòng tin yêu, thuận hoà và tha thứ.
Phaolô cũng cảnh giác Timôthê đề phòng những nguy hiểm vào thời cuối cùng (3,19). Các thư mục vụ xác quyết những địch thủ xuất hiện mọi thời: thời Môisê, thời Phaolô và ngay cả hiện tại. Vào thời cuối cùng, sự dữ càng gia tăng cùng với hạng người xấu xuất hiện tràn lan. Timothê được khuyến dụ tránh xa các tính xấu được kể ra ở đây, cũng có nghĩa là các tật xấu ấy đang tung hoành. Đặc biệt phải tránh xa hạng thầy giả dối lôi cuốn bọn phụ nữ xấu với đủ thứ đam mê, tuyên truyền những học thuyết sai lạc (3,6-9).
Phaolô nhắc nhủ Timôthê đã được thụ giáo với ngài, thừa hưởng giáo lý đích thực, bạn đồng hành và cùng chia sẻ sứ mệnh trong gian lao thử thách, hẳn đã biết đâu là động lực và những nhân đức cần thiết quyết định cho sự thành công của sứ vụ, đó là lòng tin, tình mến và sự bền đỗ tín thác. Dù Phaolô phải chịu biết bao gian khổ, thế nhưng Thiên Chúa vẫn cứu thoát. Ngài quả quyết những ai muốn sống đạo đức đều sẽ bị bắt bớ và chịu trăm nghìn đau khổ như thế (3,12). Vì thế, hãy luôn bồi dưỡng đức tin và giáo lý đã học được nơi Phaolô và thừa hưởng từ tổ tiên gia tộc qua việc học hỏi Thánh Kinh từ thuở nhỏ. Hãy chuyên chăm đọc và suy gẫm Kinh Thánh vì những gì viết trong Kinh Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính (3, 15-16).
g. Lời căn dặn thiết tha (4,1-18)
Sau hết, Phaolô khuyên dạy Timôthê, trong thời gian chờ đợi ngày Chúa quang lâm, hãy mạnh dạn rao giảng Lời Chúa, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện (4,2), biết rằng lúc này người ta không còn thích nghe giáo lý lành mạnh mà chỉ nghe theo dục vọng. Hãy thận trọng và chịu đựng đau khổ để chu toàn sứ vụ loan Tin Mừng (4,5).
Discussion about this post