SÁCH SỬ BIÊN NIÊN
Từ khi trở về sau lưu đày, dân xứ Giu-đa đã xây dựng một cộng đồng lấy đền thờ làm trung tâm và Luật Mô-sê làm luật sống. Cộng đồng này vẫn được đế quốc Ba Tư, rồi đế quốc Hi Lạp dành cho một quyền tự trị dưới sự lãnh đạo của tầng lớp tư tế. Nhưng từ ngày hồi hương, họ luôn gặp sự chống đối của cộng đồng Sa-ma-ri ở phía bắc. Cộng đồng này cũng nhận sách Luật Mô-sê do Ét-ra công bố, nhưng vẫn không muốn thuộc quyền giới tư tế ở Giê-ru-sa-lem. Vào những thập niên đầu của đế quốc Hi Lạp (do A-lê-xan-đê Đại Đế mở mang), cộng đồng Sa-ma-ri đã xin được quyền xây một đền thờ trên núi Ga-ri-dim. Thế là sự cạnh tranh giữa hai cộng đồng và hai đền thờ trở nên gay gắt.
Trong bối cảnh ấy, bộ lịch sử thuộc trào lưu tư tế ra đời gồm các sách 1-2 Sử biên niên, Ét-ra và Nơ-khe-mi-a. Tác giả thuộc giới tư tế, trong thành phần lãnh đạo ở Giê-ru-sa-lem. Sử dụng tư liệu trong các Sách Thánh có trước và nhiều sách khác nay đã thất lạc, tác giả viết lại lịch sử của Ít-ra-en nhằm giúp cho cộng đồng Do Thái lấy lại gốc rễ của mình và nhận ra mình đang sống cùng một lịch sử thánh như các thế hệ trước lưu đày. Tác giả trình bày vua Đa-vít như hình ảnh vương quyền của Thiên Chúa và đền thờ Giê-ru-sa-lem là dấu chỉ sự hiện diện và tình thương của Thiên Chúa. Công và tội của các vua được lượng giá tuỳ sự trung thành với Lề Luật và phụng tự đền thờ. Sự khẳng định ấy đồng thời cũng là một lời kết án và loại trừ đền thờ Ga-ra-dim và cộng đồng quy tụ quanh đền thờ ấy. Nhằm minh chứng quan điểm thượng tôn Giê-ru-sa-lem, tác giả đã đánh bóng khuôn mặt của Đa-vít và coi ông là người đã thiết lập toàn bộ nền phụng tự đền thờ như đang diễn ra ở thời ông. Ét-ra và Nơ-khe-mi-a là hai vị lãnh đạo đã khôi phục Giê-ru-sa-lem, đền thờ, Luật Mô-sê, việc phụng tự và sự trung thành với nòi giống.
Sách Sử Biên Niên trong tiếng Híp-ri là ăáøé äéîéí (Dibh’re Hayyamim), và tiếng Hi Lạp là Paralipomenon (Paralipomenon). Tựa đề sách Sử Biên Niên (chroniques) hợp với tựa đề trong bản Híp-ri hơn là trong bản dịch Hi Lạp (LXX) với cái tên Paralipomènes (nghĩa là “những điều bỏ sót”). Trước đây, sách này thường được coi là phần bổ sung cho những gì còn bị bỏ sót trong các sách Samuel và Các Vua cùng một phần nhỏ trong các sách Sáng Thế, Xuất Hành, Dân Số và Giôsuê. Tuy nhiên, không hẳn là như thế, vì Sử Biên Niên có sự phong phú riêng và cung cấp nhiều dữ kiện lịch sử (chẳng hạn như việc kê khai khá chi tiết về các chi tộc, về địa dư, về công việc xây cất…). Cũng như các sách trước đó, sách Sử Biên Niên mang tính thần học hơn là lịch sử. Đặc biệt, sách Sử Biên Niên cho ta một bằng chứng, có lẽ duy nhất trong sách Thánh, về cách viết lại các sách thời trước theo thể văn MIDRASH (thể văn giải thích sách cũ bằng cách cập nhật hoá hoặc hiện đại hoá nó).
Giáo huấn của sách Sử Biên Niên rất rõ ràng: Israel hợp thành một cộng đoàn tôn giáo để Thiên Chúa thực hiện Nước của Người. Mẫu mực Nước đó có thể tìm thấy trong quá khứ khi vua Đa-vít đặt nền tảng cho một chính thể lấy Thiên Chúa làm chủ. Vì thế, tác phẩm này xem Đa-vít là nhân vật lớn nhất và trong khi kê khai các chi tộc, tác giả đã đặt gia đình Đa-vít đứng đầu; Môsê là nguồn gốc các cơ chế có trước vương quốc, còn Đa-vít thì có trách nhiệm tổ chức tôn giáo sau đó như phụng vụ ca hát, tầng lớp tư tế…
Nhưng từ sau ngày lưu đày trở về, mọi tham vọng chính trị đều thất bại; từ nay quốc gia được thay thế bằng một cộng đoàn tôn giáo, trong đó các tư tế hướng dẫn dân được tuyển chọn để đưa họ đến sự thánh thiện. Sự thánh thiện này làm cho họ trở thành một vương quốc tư tế và một dân tộc thánh thật sự. Thần học lịch sử trong sách này dưới một hình thức rõ rệt hơn là trong sách Các Vua, vì trong thần học ấy trình thuật một cách xác định. Trong tinh thần đó, để khỏi làm độc giả khó chịu, tác giả khi nói đến Đa-vít, không đả động gì đến tội ngoại tình với Bết-se-va; cũng theo viễn tượng được nhắm vào đó, vụ phân ly thành hai vương quốc vì là vết thương sâu độc làm hại đến lý tưởng của Israel, tác giả cũng chỉ nói phớt qua cho vương quốc miền Bắc thôi.[1]
I. XUẤT XỨ.
Hai sách Sử Biên Niên ban đầu chỉ là một được soạn vào khoảng năm -300, nghĩa là rất lâu sau khi hồi hương. Sách kể rất vắn tắt về thời kỳ từ ngày Ađam bị đuổi khỏi địa đàng cho đến ngày phong vương cho Saun, thời gian đó bao lâu thì chỉ có Chúa biết, nhưng kể chi tiết hơn đối với thời kỳ Các Vua và thời kỳ kết thúc lưu đày Babilon.
Chúng ta dễ nhận thấy tác giả sách này phải là một thầy Lêvi. Thật vậy, so sánh hai trình thuật song song việc di chuyển Hòm Bia về Giêrusalem (2Sm 6 // 1Sbn 15-16) cho thấy trình thuật trong Sử Biên Niên dành một vị trí đặc biệt cho các thầy Lêvi hơn trong trình thuật sách Các Vua. Hơn nữa, khi đối chiếu 1V 8,11-13 với 2Sbn 5 về việc đặt Hòm Bia trong Đền Thờ cũng đưa tới cùng một kết luận: môi trường chính của sách Sử Biên Niên là giới Lêvi của Đền Thờ. Đặc biệt, đó là giới ca viên, trong đó có tác giả sách này, dù là một người hay một nhóm[2].
Bối cảnh lịch sử để soạn thảo nên sách Sử Biên Niên rất khác với bối cảnh lịch sử mà tác giả sách Các Vua đã sống. Tác giả sách Các Vua viết trong tai hoạ, còn tác giả sách Sử Biên Niên được hưởng cảnh thái bình, nên có thời giờ thong thả để sắp xếp những sự kiện, đồng thời đặt vào đó những suy tư thần học và giải thích sách cũ bằng cách cập nhật hoá hoặc hiện đại hoá nó.
Trong các nguồn tài liệu được tác giả sử dụng như sách Samuel, Các Vua, Đệ Nhị Luật, Hôsê, Giêrêmia, còn có những tài liệu do nguồn khác nữa, kể cả những nguồn không thuộc Thánh Kinh. Nhưng cách chung, sách không thuật lại một lịch sử hoàn toàn mới, mà đúng hơn là cái nhìn mới để đưa ra một giáo huấn về tôn giáo cho thật rõ ràng.
Một trong những lối trình bày chính là lối trình bày các phổ hệ. Lối trình bày này được hệ thống hoá, vì ngay sau khi đưa ra nguồn gốc của ba nhóm thuộc dòng dõi Nôê, tác giả đi ngay đến Abraham. Người ta cũng chú ý đến sự khác biệt, hoặc so với bản văn của sách Sáng Thế, hoặc từ đoạn này đến đoạn khác của ngay trong sách Sử biên Niên cũng thấy khác. Chẳng hạn dòng dõi của một chi tộc chỗ này kể thấy khác chỗ kia, tuỳ thời kỳ và tuỳ sự giao dịch với các nhóm lân cận. Những bộ tộc phía Nam, không có định cư hẳn ở Giuđa lại được nhắc đến chỉ vì tác giả dưa theo truyền thống mà không tìm để dung hoà, nhưng vì truyền thống đó cho biết một tình trạng rất cổ và ít được biết đến.
Mối bận tâm của tác giả sách Sử Biên Niên là giúp độc giả dễ nhận thức rõ hơn tầm quan trọng thần học của một tác phẩm, mà theo một bình luận quá thiên về lịch sử thì không có giá trị lắm. Sự thật thì, để dựng lại quá khứ, rất khó dựa vào Sử Biên Niên, nhưng ưu tiên phải được dành cho sách Samuel và sách Các Vua.
II. BỐ CỤC
Việc chia sách thành hai cuốn như hiện nay làm giới hạn tầm nhìn về cấu trúc toàn bộ tác phẩm. Không thiếu những học giả đã phải gượng ép chia sách thành 4 phần, trong đó mỗi cuốn chia thành hai phần:
Phần I: Lược sử gia phả, chuyện ký kết nơi nhà Saun và việc thiết lập giai đoạn cho sự phát triển triều đại Đa-vít (1Sbn 1-10).
Phần II: Lịch sử triều đại Đa-vít (1Sbn 11-29).
Phần III: Lịch sử triều đại Sa-lô-mon (2Sbn 1-9).
Phần IV: Là một biên niên sử của các vị vua của Giu-đa đến thời điểm các lưu đày Babylon , kết thúc với lời kêu gọi của Kyrô đại đế cho những người lưu vong trở về với đất của họ.
Còn dưới đây là cách chia bố cục mà nhiều học giả đồng ý nhất:
Phần I: Lịch sử dân Israel trước thời Đa-vít viết dưới dạng gia phả (1Sbn 1-9,44).
Phần II: Thời Israel thống nhất (1Sbn 10-2Sbn 9).
Phần III: Thời tách hai vương quốc Giuđa và Israel (2Sbn 10-28).
Phần IV: Cuộc phục hưng tôn giáo đầy khó khăn tại Giu-đa (2Sbn 29-36).
III. NỘI DUNG
Toàn bộ tác phẩm là một suy tư thần học về lịch sử thăng trầm của dân Israel khởi từ nguyên tổ A-đam cho đến lúc Israel từ Ba Tư hồi hương về Palestin. Lịch sử trở thành cái cớ để suy tư về những hình ảnh chứng tá xét dưới khía cạnh trung thành với Thiên Chúa, nhất là trong việc phụng tự: Một vị vua tốt là vị vua dành ưu tiên và duy nhất trong việc phụng tự cho Gia-vê Thiên Chúa, kiên quyết bài trừ các tôn giáo thờ thần và các kiểu thờ phượng ngoại giáo. Đời sống của dân được đánh giá tốt xấu cũng tuỳ thuộc vào đạo đức của ông vua cai trị họ. Nói tóm lại, tác giả sách Sử Biên Niên nhằm xây dựng một suy tư thần học về lòng trung thành với Thiên Chúa.
Phần I: Lịch sử dân Israel trước thời Đa-vít viết dưới dạng gia phả (1Sbn 1-9,44).
1. Giới thiệu về gia phả
Qua các gia phả, phần mở đầu sách Sử Biên Niên nhắc lại tất cả các sách đã được ghi chép từ sách Sáng Thế đến sách Các Vua. Nhưng gia phả ấy cung cấp một bài học đáng ngạc nhiên về sự khiêm tốn. Những nhân vật “lớn” của Thánh Kinh đứng sắp hạng, chỉ bằng vài nét, lẫn lộn trong đám đông của những người từ thế hệ này qua thế hệ kia nhận phần của loài người trong lịch sử cứu độ. Nhìn chung, những gì chi tiết hơn đã được các sách sử trước đó ghi chép, việc của sử biên niên không phải để bổ sung, cũng không nhằm để tóm tắt, nhưng nhằm nhìn lại các gia phả và các sự kiện trong cái nhìn thần học và hiện tại hoá nó ngay trong thời đại hậu lưu đày. Bên cạnh đó, với cái nhìn về lịch sử cứu độ, về sự thành hình và phát triển dân tộc Israel thì phải đẩy lên tận nguồn gốc phát xuất, vì thế, khi kể về những nhân vật lớn như Đa-vít hay Sa-lô-mon trong thời quân chủ cũng như kể về các chi tộc, đương nhiên tác giả đồng thời cung cấp nguồn gốc của tiền nhân. Ngoài ra, còn có danh sách những người hồi hương từ sau lư đày, đặc biệt nói đến các tư tế và những người có phận vụ liên quan đến phụng tự (1Sbn 9,1-44).
2. Các chi tộc Israel.
Sự khác biệt về hoàn cảnh sống của dân Israel hậu lưu đày khác hẳn thời Các Vua. Thời này, Israel chỉ còn như là một tỉnh lẻ, không còn là một dân tộc hoàn toàn độc lập, mà sống dưới sự can thiệp của Ba Tư, dù ương đối được tự trị và khá tự do tôn giáo. Và lúc này, người ta càng khao khát mãnh liệt hơn Đấng Messia xuất hiện. Chính vì thế, sách sử biên niên hầu như chỉ quan tâm đến lịch sử các triều đại vua Giuđa là hậu duệ của Đa-vít. Trong khi tác giả kể ra danh sách các tổ phụ của vua Đa-vít lên đến ông A-đam, nhưng lại không đề cập gì đến vương quốc phía Bắc (Israel), nơi mà đại đa số “dân được tuyển chọb” cư ngụ, chỉ vì Israel đã tách khỏi vương quốc của vua Đa-vít, tách khỏi Đền Thờ Giêrusalem.
Tuy nhiên, đã nói đến dân tộc Israel thì ai cũng nghĩ ngay đến 12 chi tộc (là con cháu tổ phụ Giacóp). Cho nên, dù không tường thuật về mức độ quan trọng của các chi tộc, sách Sử Biên Niên vẫn ghi vắn tắt lại gia phả các chi tộc.
Chi tộc là một nhóm những gia đình cùng nhận một tổ tiên chung. Nếu nghiên cứu kỹ truyền thống thì dễ nhận thấy dòng giống thiêng liêng thường tahy thế dòng giống cốt nhục. Một số bản văn cung cấp khá đầy những chỉ dẫn về cách tổ chức nội bộ các chi tộc (x. Gs 7,16-18; 1Sm 10,20). Chi tộc hình thành do nhiều gia đình. Những gia đình này họp thành một số những “đại gia đình” hay “họ” và lấy tên ông tổ hoặc tên họ của ông tổ mà gọi.
Ngoài liên hệ cốt nhục, còn có nhiều liên hệ khác để cấu tạo nên một chi tộc: cuộc sống chung đụng làm các gia đình pha trộn nhau; những phần tử yếu kém bị đồng hoá bởi thân cận mạnh hơn. Nhiều nhóm yếu kém đoèn kết với nhau để có thể đương đầu với kẻ chiếm đoạt xâm lăng. Những cá nhân có thể được kết nạp vào một gia đình, như hôn phối, con nuôi…
Khi định cư, chi tộc là một đơn vị theo đất đai. Liên hệ của mọi liên hệ của các chi tộc Israel là liên hệ niềm tin chung vào một Giavê Thiên Chúa duy nhất và tất cả đều giữ lề luật của Người.
Có hai trường hợp ngoại lệ chỉ có trong dân tộc Israel là chi tộc Giu-se được chia làm hai cho hai con mình là Ep-ra-im và Mơ-na-sê, cùng với việc chi tộc Lêvi được dành riêng làm tư tế không có phần đất đai riêng mà sống bằng huê lợi đóng góp cho Đên Thờ. Vì thế, cũng cần phân biệt rằng, khi nói đến chi tộc Israel thì phải hiểu là 12 chi tộc con cái gia-cóp; chỉ khi nào nói về việc phân chia đất đai thì người ta mới kể theo sự phân chia dành cho 2 người cháu của Giacóp là Ep-ra-im và Mơ-na-sê.:
1. Chi tộc Giuđa (con trai thứ tư của Giacop và Lia).
2. Chi tộc Issakar (con trai thứ sáu của Giacop và Lia).
3. Chi tộc Zabulon (con trai thứ năm của Giacop và Lia).
4. Chi tộc Ruben (con trai cả của Giacop và Lia).
5. Chi tộc Simêon (con trai thứ hai của Giacop và Lia).
6. Chi tộc Gad (con trai thứ nhất của Giacop và cô hầu Zinpha).
7. Chi tộc Lêvi (con trai thứ ba của Giacop và Lia – con trai thứ tám).
8. Chi tộc Ephraim và Mơnasê (con của Giuse, Giuse là con đầu lòng của Giacop và Rachel – con trai thứ mười một).
9. Chi tộc Benjamin (con trai út của Giacop và Rachel – con trai thứ mười hai).
10. Chi tộc Đan (con trai thứ nhất của Giacop và cô hầu Bilha – con trai thứ bảy).
11. Chi tộc Aser (con trai thứ hai của Giacop và cô hầu Zinpha –con trai thứ bảy).
12. Chi tộc Nephtali (con trai thứ hai của Giacop và cô hầu Bilha – con trai thứ mười).
Phần II: Thời Israel thống nhất (1Sbn 10 – 2Sbn 9).
Nội dung phần này đặc biệt tập chú đến ba vị vua đầu tiên của Israel:
1, Vua Saun – mẫu vua bất trung (1Sbn 10).
Khi nói về Saul, tác giả Sử Biên Niên không phân tích chi tiết như trong sách Samuel (từ việc giới thiệu về thân hình cao lớn, những trận đánh oai liệt, đến những lỗi lầm bất trung của Saul phạm như không vâng lời, chạy theo đồng bóng và nhất là sự ghanh ghét tàn ác với Đa-vít). Sách Sử Biên Niên chỉ giới thiệu sơ lược về gia phả của Saul, trận đánh ở Ghinbôa khiến Saul tử trận và một lời bình ngắn gọn ở chương 10 câu 13 rằng: Vua chết vì đã thất trung với Đức Chúa, không tuân giữ lời Đức Chúa truyền, lại còn tìm một bà đồng bóng để thỉnh vấn nữa. Cách diễn tả như thế như là một sự giới thiệu vị tiền nhiệm của Đa-vít đã sống bất trung với Đức Chúa và bị phế bỏ, ngầm ý cho chuẩn bị cho vị vua mẫu mực là Đa-vít mà tác giả sẽ hết lời ca ngợi trong những chương kế tiếp.
2, Vua Đa-vít – mẫu vua trung tín (1Sbn 11-29).
Nổi bật trong Sử Biên Niên là vì Đa-vít có một vận mệnh huyền bí, một đời sống phiêu lưu và đầy sóng gió, trên bình diện xã hội cũng như bình viện luân lý và thiêng liêng. Nhân vật đầy nhân bản này, trong chiến thắng cũng như trong đắng cay xuất hiện như con người toàn diện: quy tụ vào một cá nhân với nhiều điểm khác biệt. Đúng vậy, những đức tính của Đa-vít cũng như tội lỗi của ông, mà tác giả Sử Biên Niên muốn bỏ qua, đạt tới cường độ vĩ đại, mà nhiều người không thể với tới nổi. Trong con người hiếu chiến hùng hổ đó có cả một tâm hồn thi sĩ và trong con người tội nhân lớn lao đó cũng là gương mẫu thống hối nhiệt tình.
– Sau thắng Gô-li-át mà cậu bé chăn cừu trở thành người anh hùng dân dộc. Hôm nay là tướng lãnh quân đội nhà vua, được dân chúng hoan hô bảo vệ và là bạn thân nhà vua, nhưng ngày mai bị đặt vào vòng pháp luật và bị truy nã. Trở thành tướng cướp rồi lại làm vua nước Israel và thiết lập vương quốc.
– Đa-vít còn có tình thương với kẻ thù ít ai bì kịp, nhưng cũng nêu bất ổn mong manh cho sự nghiệp, mức độ tội lỗi của nhà vua thì chỉ có mức độ thống hối của chính vua mới thắng nổi….
– Cuộc đời Đa-vít còn bao hàm cả một chuỗi thảm kịch gia đìng, vua chứng kiến các con giết nhau, bị chính con mình phản loạn đuổi khỏi hoàng cung và sống lang thang trong sa mạc….
Những kinh nghiệm đó, Đa-vít đã sống cho đến tột cùng, và vua đã chia sẻ tất cả những kinh nghiệm đó trong một ý nghĩa thiêng liêng mà chính vua mới có. Có thể nói những chiến tích lẫy lừng rồi dễ bị lãng quên và triều đại cũng tan tành sau bốn thế kỷ, nhưng lịch sử về sự tuân phục, trung thành, thống hối của Đa-vít còn vọng mãi trong lịch sử, đặc biệt trong các thánh vịnh.
3, Vua Sa-lô-mon – mẫu vua thịnh trị (2Sbn 1-9).
Triều đại Sa-lô-mon được thuật lại như tuyệt đỉnh của lịch sử trần thế nước Israel. Đó là quãng thời gian ngắn ngủi được vinh quang và yên hàn thịnh trị, gia đoạn được chuẩn bị lâu nhưng lại chóng suy tàn. Giai đoạn trị vì của Sa-lô-mon là thời kỳ hoàng kim trước cuộc phân ly và lưu đày. Mọi trào lưu lịch sử trước đó đều quy tụ vào sự kiến tạo này của một vương quyền vững mạnh, của một vương quốc thái bình, của một đền thờ lộng lẫy và của một sự thịnh vượng sáng chói, đó là những điều được thấy trước từ xa, trước khi những tệ nạn hồi kết của triều đại xảy đến.
Khôn ngoan được xem là ơn thiên triệu của Sa-lô-mon, bẩm sinh nhà vua đã ham thích những gì thuộc tinh thần. Nguồn gốc của vua như đã tiền định để vua nên thông minh và có cảm kích thẩm mỹ, đặc biệt thừa kế dòng máu thi sĩ từ thân phụ Đa-vít.
Nhưng Sử Biên Niên nhấn mạnh đến việc Sa-lô-mon ý thức lựa chọn sự khôn ngoankhi đến tuổi có trách nhiệm (2Sbn 1,10). Nhà vua biết suy luận về người, về sự việc qua các dụ ngôn và các câu phương châm biểu lộ sự hiểu biết sâu xa về tâm lý và luân lý.
Cũng như trong triều đại Đa-vít, tác giả Sử Biên Niên đã tránh những gì không tốt nơi triều đại và đoạn kết của Sa-lô-mon (chuyện tàn sát anh ruột và những người có công cho đất nước, việc để các tế tự ngoại giáo du nhập vào vương quốc qua các bà vợ ngoại bang). Nhưng vì là một soạn giả thuộc lớp tư tế, tác giả nhấn mạnh hơn về việc xây cất thánh điện, cũng như muốn cho thấy sự khôn ngoan đích thực khởi đi từ Thiên Chúa, qua vị vua nức tiếng khôn ngoan này, đến nỗi mọi vua chúa trần gian phải ngưỡng mộ (x. 2Sbn 9).
Phần III: Thời tách hai vương quốc Giuđa và Israel (2Sbn 10-28).
Nội dung phần này phần lớn chỉ là những lược soạn tóm tắt về các vị vua hậu Sa-lô-mon, rồi qua đó đem ra những lời bình luận khen chê theo tiêu chuẩn là vua có trung thành với Đức Chúa hay không, qua việc có đập bỏ các tế đàn thờ ngẫu tượng và loại bỏ các kiểu phụng thờ ngoại giáo. Cụ thể là:
– Rơ-kháp-am – vua bất trung nhưng sau đó hối cải (2Sbn 10-12)
– Các vua có điểm khen (chăm lo phụng tự), điểm chê (dựa vào thế lực ngoại bang hoặc không triệt hạ nơi thờ quấy) như: A-vi-gia (2Sbn 13), A-xa (2Sbn 14-16), Giơ-hô-gia-phát (2Sbn 17-21,1).
– Những vua vô đạo: Giơ-hô-ram (2Sbn 21,2-20), A-khát-gia-hu (2Sbn 22,1-9), “nữ hoàng” A-than-gia-hu (2Sbn 22,10-12).
– Tiếp tục kể các vua có điểm khen, điểm chê: Giô-át (2Sbn 23-24), A-mát-gia-hu (2Sbn 25), Út-di-gia-hu (2Sbn 26), Giô-tham (2Sbn 27).
– Vua bất trung nặng nề: A-khát (2Sbn 28).
Dưới ngòi bút của tác giả Sử Biên niên, những hình ảnh từ Rơ-kháp-am cho đến A-khát đều cho thấy những phản chứng, bất trung với các thể chế phụng tự, cũng như phản bội dân, và điều này hiện rõ trong cuộc ly khai hoặc cái chết. Như đã nói ở trên, sự phê phán của tác giả Sử Biên Niên mang chiều kích thần học về lòng trung thành hay bất trung của vị đại diện cho dân đối với Thiên Chúa, và mối tương giao đó thể hiện trong phụng tự là điều kiểm chứng được.
Phần IV: Cuộc phục hưng tôn giáo đầy khó khăn (2Sbn 29-36).
Hình ảnh chứng tá trọng tâm Đa-vít được lặp lại qua Khít-ki-gia và Giô-si-gia-hu, là hình ảnh của một Israel trung thành chung quanh tổ chức Đền Thờ và phụng tự.
1, Vua cải cách thứ nhất: Khít-ki-gia (2Sbn 29-32).
Sử Biên Niên hầu như tường thuật lại toàn bộ triều đại Khít-ki-gia như sách Các Vua đã ghi chép. Công việc của vua hầu như tất cả đều chứng tỏ sự trung thành với Thiên Chúa, đặc biệt trong việc phụng tự. Thật vậy, điều nổi bật ở nơi vị vua này là biết đặt niềm tin vào Thiên Chúa, vâng nghe lời ngôn sứ của Người cải cách tôn giáo qua việc thanh tẩy đền thờ, dâng lễ tạ tội, tái lập và cải tổ nền phụng tự, phục hồi lễ Vượt Qua và lễ Bánh Không Men.
Nhưng cũng như sách Các Vua, tác giả Sử Biên Niên không đem ra một câu trả lời thoả đáng cho việc vua phải chết sớm khi tuổi đời còn trẻ (54 năm), đặc biệt hậu duệ là một kẻ bất trung gây ra bao tội lỗi và làm hư hại công trình cải cách của thân phụ mình.
2, Những vua làm gián đoạn cải cách: Mơ-na-sê và A-môn (2Sbn 33).
Dù là đọc lịch sử trong cái nhìn thần học, nhưng khó có được lời giải thích thoả đáng cho việc vua A-khát bất trung sinh ra một vị vua trung tín như Khít-ki-gia, vua Khít-ki-gia tốt lành sinh ra vua vô đạo Mơ-na-sê, và cuối cùng nơi vua A-môn xấu xa lại sinh nên một vị vua nổi tiếng đạo đức là Giô-si-gia-hu. Càng mâu thuẫn hơn, khi Mơ-na-sê vô đạo lại có thời gian trị vì được kể là rất dài trong lịch sử Các Vua thời đại Nam-Bắc phân tranh này.
Những tội phạm của vua cũng được tác giả mô tả trong những gì liên quan đến phụng tự, là dựng các cột thờ nơi cao, và dâng kính các ngẫu tượng. Đó là điều lỗi phạm nặng nề đến lề luật của Thiên Chúa. Thiết nghĩ, khi trích dẫn lại công việc của tội lỗi của vua Mơ-na-sê và A-môn, tác giả nhằm cho thấy cuộc cải cách tôn giáo lúc này thật khó khăn, và qua đó càng làm nổi bật con người của vị vua thực hiện việc cải cách tôn giáo.
3, Vua cải cách thứ hai: Giô-si-gia-hu (2Sbn 34-35).
Có thể nói, đây là vị vua thực hiện cải cách triệt để nhất và nhiệt thành nhất với việc phụng thờ Thiên Chúa, vua đã bật khóc khi tìm thấy sách Luật, đã thanh tẩy Giu-đa và Giêrusalem khỏi các điều xấu xa, triệt bỏ tế đàn thờ ngẫu tượng, thiêu hủy các bàn thờ dâng kính các thần dân ngoại. Vua đã cho tu bổ lại đền thờ và tái lập lại giao ước với Thiên Chúa. Tác giả Sử Biên Niên đã đưa ra lời bình đặc biệt: “Vua Giô-si-gia-hu đã làm điều ngay chính trước mắt Đức Chúa và đi theo đường lối của vua Đa-vít, tổ tiên vua; vua không đi trệch bên phải bên trái” (2Sbn 34,1).
Thế nhưng, thật trớ trêu là vua đã tử nạn trong một cuộc giao chiến với vua Ai-Cập. Trả lời cho điều này, độc giả chỉ biết truy tầm lịch sử và phát hiện ra cái chết này xảy đến do sự nhiệt thành nhưng thiếu khôn ngoan của vua khi can thiệp vào trận chiến không tương xứng về quân lực.
Thật ra, cần công bằng hơn khi nhìn nhận mưu đồ chính trị của vua Giô-si-gia-hu, vì trong giai đoạn này, vương quốc Giu-đa dù độc lập, nhưng vẫn phải lệ thuộc đế quốc Át-sua; khi Babilon bành trướng và đánh chiếm Át-sua, Ai Cập là nước đồng minh của Át-sua đã đem quân đến yểm trợ và đi qua gần phần đất của Giu-đa; Giô-si-gia-hu đã đem quan chặn đường Ai Cập để nhằm giúp Babilon chiến thắng Át-sua, với mong đợi khi Át-sua sụp đổ thì ách thống trị của họ can thiệp lên Giu-đa cũng chấm dứt. Tiếc là Khít-ki-gia-hu đã tử trận sau khi Babilon chiến thắng Át-sua thì đã giải quyết nốt đất nước nhỏ bé cuối cùng nằm ở khu vực Địa Trung Hải.
Phần V: Sự bất trung tràn lan từ vua đến dân dẫn đến mất nước, nhưng Gia-vê cho phục quốc qua sắc chỉ của vua Ky-rô (2Sbn 36).
Sau khi vua Khít-ki-gia-hu chết, quyền kế vị và lập vua thực ra không còn thuộc dân Giu-đa nữa mà do sự quyết định của Ai Cập và sau đó Babilon. Điều tệ hại hơn là dù phải chịu áp bức và của cải Đền Thờ bị chiếm đoạt, nhưng các vua Giu-đa vẫn không biết chạy đến với Thiên Chúa và nghe lời các ngôn sứ. Các thủ lãnh tư tế và cả dân chúng mỗi ngày một thêm bất trung bất nghĩa, học đòi thói ghê tởm của chư dân và làm cho Đền Thờ ra ô uế. Họ coi thường lời các ngôn sứ cảnh báo họ nhân danh Thiên Chúa. Đến nỗi, soạn giả Biên Niên Sử đã phải thốt lên: “… đã vô phương cứu chữa”.
Kể lại phần này, tác giả Sử Biên Niên minh chứng sự sụp đổ tất yếu dân Chúa là do bởi việc họ đã bỏ việc phụng thờ Đức Chúa theo đúng luật truyền. Bỏ qua các biến cố, tác giả một lần nữa nhấn mạnh đến việc phụng tự là trên hết và trở thành vận mệng của Israel.
Thời gian lưu đày ở Babilon xảy ra những biến cố gì Thánh Kinh không ghi lại, nhưng viễn tượng tương lai được mở ra cho Israel là sau khi Ba Tư đánh bại Babilon đã ra sắc chỉ cho dân Israel được hồi hương. Những gì kế tiếp sẽ được bàn trong sách Ét-ra và Nơ-khe-mi-a.
Kết luận[3]:
Trung tâm của tác phẩm là Đền Thờ Giêrusalem và nền phụng tự cử hành tại đócùng với các nhân viên phục vụ liên hệ. Các vua trong lịch sử dân Israel được đánh giá theo sự quan tâm của họ đến đền Thờ. Vua Đa-vít, Sa-lô-mon, Khít-ki-gia và Gio-si-gia-hu được nêu ra như những mẫu mực. Tác giả đã bỏ qua những khuyết điểm của những vị vua này. Đàng khác, chẳng những các tư tế được đề cập nhiều (76 lần so với 27 lần trong toàn bộ Ngũ Kinh). Còn các buổi lễ phụng tự được kể với giọng điệu vui vẻ, ngợi khen và cảm tạ.
Những điều trên có thể cho thấy lập trường của tác giả Sử Biên Niên về lịch sử thiên về “chế độ thần quyền” – Gia-vê mới là vị vua đích thực. Vị vua thuộc dòng Đa-vít có nhiệm vụ chính yếu là cổ võ việc phụng tự chính thống được cử hành trong Đền Thờ Giêrusalem nhờ các tư tế, đồng thời cấm đoán việc thờ các thần dân ngoại. Như vậy, một cách nào đó, sách Sử Biên Niên xuất phát từ phản ứng đối với sách Đệ Nhị Luật. Thật vậy, sách Đệ Nhị Luật chỉ tập chú đặt việc giữ luật lên hàng đầu, trong khi thần học sách sử Biên Niên đưa ra việc sống đạo toàn vẹn bao gồm việc chu toàn phụng tự lẫn việc tuân giữ các lệnh truyền.
Discussion about this post