Phần II: Từ chương 12 đến chương 50.
Đây được kể là phần quan trọng nhất của sách Sáng Thế, vì trong đó nêu rõ ơn gọi của dân Israelba nhân vật: Abraham, Giacóp và Giuse được coi như chủ chốt của câu truyện lịch sử này.
I. TIẾNG GỌI VÀ LỜI ĐÁP TRẢ CỦA ABRAM (11,28 – 12,9)[1]
Chỗ đứng của Abraham thật vĩ đại trong lịch sử cứu rỗi: Dân tộc Do Thái luôn hãnh diện vì đấng tổ phụ này; thánh Phaolô cũng gọi ông là ‘cha của những kẻ tin” (x. Rm 4,16).
Ba dòng văn J, E và P đều đề cập đến Abraham: Giavít nói lên ơn gọi của ông, Êlôhít đề cao sự kiên cường của ông trong cơn thử thách và Tư Tế đặc biệt lưu ý đến giao ước, mà phép cắt bì là một chứng từ.
1. Tiếng gọi của Thiên Chúa
Abram và Abraham là những cách gọi khác của cùng một tên, cũng như Sarai và Sara. Sự thay đổi trong cách gọi bắt đầu diễn ra từ St 17,5.15 để làm nổi bật mối quan hệ mới của Abraham với Thiên Chúa sau khi ký kết giao ước.
Sau khi trình bày lịch sử nguyên thủy của toàn nhân loại, tác giả sách Sáng Thế bắt đầu tập trung vào một con người, từ con người này sẽ hình thành một gia đình, sau đó là một dân tộc. Việc tuyển chọn Abram vẫn là một huyền nhiệm, hoàn toàn do sáng kiến của Thiên Chúa. Thiên Chúa hứa sẽ làm cho Abram thành một dân lớn (12,2). Để được như thế, Abram cần có hậu duệ và đất đai. Yếu tố cuối cùng trong lời hứa của Thiên Chúa là nhờ Abram, “mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc” (12,3). Điều này có nghĩa là Abram, và sau này Israel, được coi như trung gian của những phúc lành Thiên Chúa ban cho thế giới (Sirach 44,21).
2. Lời đáp trả của Abram
Bản văn không cung cấp chi tiết gì về phản ứng của Abram trước lời đề nghị của Thiên Chúa, cũng không cho biết lý do tại sao ông vâng phục. Bản văn chỉ ghi nhận vắn tắt, “Abram ra đi như Đức Chúa đã phán với ông” (12,4). Hàm nghĩa ở đây là niềm tin không tra vấn và sự vâng phục tuyệt đối của tổ phụ Abram. Chủ đề đức tin là chủ đề quan trọng sẽ được nhắc đến nhiều lần trong trình thuật về tổ phụ Abraham.
Thánh Phaolô đã mô tả đức tin của tổ phụ Abraham bằng những lời lẽ tuyệt vời, “Nhờ đức tin, ông Abraham đã vâng nghe tiếng Chúa gọi mà ra đi đến một nơi ông sẽ được lãnh nhận làm gia nghiệp, và ông đã ra đi mà không biết mình đi đâu” (Dt 11,8). Ra đi mà không biết mình đi đâu! Đức tin không chỉ là dùng lý trí để chấp nhận một số chân lý hoặc mệnh đề đức tin, nhưng là vâng nghe tiếng Chúa và phó thác trọn vẹn nơi Thiên Chúa đến nỗi ra đi mà không cần biết mình đi đâu, chỉ cần biết là đi với Chúa và đi theo Chúa, thế là đủ. Tổ phụ Abrham mãi mãi là mẫu mực cho đời sống đức tin của mọi tín hữu.
II. GIAO ƯỚC VỚI ABRAHAM (15,1-21)[2]
Về mặt chuyên môn, các học giả Thánh Kinh cho rằng trình thuật này là sự phối hợp giữa hai nguồn văn P và J, nhưng ta sẽ không đi sâu vào vấn đề này. Điều nên quan tâm ở đây là nghi thức ký kết giao ước được mô tả trong các câu 9-11 và 17-20.
Nghi thức ký kết giao ước cũng như ý nghĩa của nó được nhắc đến trong Giêrêmia 34,18. Những khám phá trong thế kỷ vừa qua cho thấy đây là cách phổ biến trong vùng Cận Đông xưa. Xẻ đôi con vật và bước đi qua giữa con vật đã bị xẻ đôi là cách kết nối và ràng buộc hai bên ký kết giao ước với nhau. Nếu họ không tuân giữ những điều khoản của giao ước, họ sẽ bị nguyền rủa và phải chịu số phận như những con vật bị xẻ đôi. Abram chìm vào trong giấc ngủ sâu tức là trạng thái ngưng hoạt động và bước vào tình trạng đón nhận mạc khải của Chúa. Nghi thức ký kết được kết thúc bằng hình ảnh một lò lửa nghi ngút khói và một ngọn đuốc cháy rực đi qua những con vật đã bị xẻ đôi. Lửa chính là dấu chỉ sự hiện diện của Chúa. Chính Chúa đã có sáng kiến ký kết giao ước và Người tự “buộc” mình vào giao ước đó. Những câu cuối cùng (18-21) xác định rõ vùng Đất Hứa, và những xác định này phù hợp với lãnh thổ của vương quốc Đavít dưới thời Salomon.
Nghi thức ký kết giao ước này giúp cho mỗi tín hữu ý thức lại giao ước mà mình đã ký kết với Thiên Chúa và những đòi hỏi của nó. Điều quan trọng nhất là sự trung tín. Về phía Thiên Chúa, Người luôn luôn trung thành với giao ước Người đã ký kết, mặc cho những đổi thay từ phía con người. Nhưng bản thân ta có trung thành với giao ước không, đó là điều mỗi Kitô hữu phải thường xuyên tự vấn và sám hối[3].
III. PHÁ HỦY THÀNH SODOMA (19,1-29)
Trình thuật này khẳng định thái độ không hiếu khách (vốn là đòi hỏi quan trọng trong xã hội du mục) và sự bại hoại về luân lý tính dục là nguyên nhân chính dẫn đến việc Thiên Chúa trừng phạt Sodoma. Ngày nay khi nghe kể rằng để giàn xếp mọi chuyện cho êm thắm, ông Lot đã đề nghị đem hai trinh nữ ra cho người ta thoả mãn tuỳ thích… chúng ta không chịu được! Nhưng vào thời đó, vấn đề lại không bị nhìn cách trầm trọng như thế. Hơn nữa sự kiện này càng làm nổi bật sự vô luân và tội ác của dân Sodoma, và như thế, hình phạt của Thiên Chúa đã gần kề. Ông Lót được cảnh báo phải đưa cả gia đình đi tránh nạn. Bà vợ ông đã bị biến thành tượng muối vì đã không tuân theo lời căn dặn của hai vị sứ giả, “Đừng ngoái lại đằng sau” (9,17).
Lề luật của Thiên Chúa được đặt ra không nhằm trói buộc con người nhưng mở đường dẫn tới hạnh phúc đích thực. Khi con người nhân danh tự do để phủ nhận lề luật và trượt sâu vào sự sa đoạ về luân lý, thì con người tự hủy diệt chính mình, huỷ diệt nhân tính, huỷ diệt những tương quan xã hội, và hủy diệt vận mệnh vĩnh cửu của mình. Trình thuật về Sodoma làm chứng điều đó, và những gì đang diễn ra trong cuộc sống ngày nay cũng làm chứng điều đó. Vì thế trình thuật này là lời mời gọi mỗi người suy nghĩ về chính cuộc sống của mình cũng như của toàn xã hội.
IV. HIẾN TẾ ISAAC (22,1-19)
Trong Thánh Kinh, từ câu chuyện Abraham hiến tế Isaac được thay thế bằng con cừu mắc vào bụi gai, cũng dường như lễ vật thay thế cho mạng sống con người là những con vật đầu lòng. Không có sát tế con người dâng hiến nhưng việc chết thay có một ý nghĩa sâu xa ở trong con người của Đức Giêsu.
Theo truyền thống, người Do Thái dâng lễ vật bằng con chiên đầu lòng. Chiên sát tế là một con chiên quý giá trong đàn, lễ vật càng quý giá thì càng được ân ban dồi dào bấy nhiêu, bất kể lễ vật ấy nhằm tạ tội hay tạ ơn. Thiên Chúa rộng rãi hơn lòng của con người, để rồi, không chỉ dừng ở lễ vật của chiên bò mà cần có lễ vật của lòng thành, lễ vật của tấm lòng tan nát khiêm cung.
Các học giả ghi nhận mối quan hệ giữa trình thuật này với tục lệ sát tế con cái để dâng cho thần linh. Đây là tục lệ của những dân tộc lân cận với Israel thời đó, và một số người trong dân Israel cũng đã bắt chước dù bị cấm (x. 1V 16,34; 2V 3,27; 23,10). Có thể trình thuật này nhắm mục đích phê phán và phủ quyết tục lệ này. Tuy nhiên điểm nhấn của trình thuật vẫn là việc thử thách đức tin của Abraham. Thiên Chúa đã thử thách Abraham đến độ đòi hỏi ông phải hiến tế chính đứa con duy nhất của mình, đứa con làm nên niềm vui và hi vọng duy nhất của đời ông. Và tổ phụ Abraham đã chứng tỏ niềm tin tín thác trọn vẹn và tuyệt đối của ông vào Thiên Chúa. Tên gọi “Đức Chúa sẽ liệu” (câu 14) mà Abraham đặt cho nơi ông hiến dâng con mình đã diễn tả tất cả, diễn tả sự phó thác trọn vẹn của ông vào Thiên Chúa, đồng thời diễn tả sự trung tín của Thiên Chúa với lời hứa của Người. Chủ đề về Lời hứa một lần nữa được nhấn mạnh trong trình thuật này (câu 15-19).
“Hãy đi đến Morija,hãy dâng con trai một và yêu quý của ngươi làm lễ tế”. Xét về mặt con người,người ta có thể tìm ra nhiều tính từ để nói rõ tính chất mệnh lệnh nầy của Thiên Chúa : phi lý, độc ác,tàn bạo,quái đản… Chẳng phải cũng chính Vị Thiên Chúa nầy lên án các quốc gia có tục lệm hiến tế các trẻ em để tôn vinh các thần thánh giả tạo đó sao?
Khi ban mênh lệnh nầy cho Abraham, mục đích của Thiên Chúa là để thử thách ông. Nếu vị tổ phụ nầy vượt qua được cuộc trắc nghiệm nầy, ông sẽ nhận được một phần thưởng lớn lao. Hãy nhận ra rằng đôi khi Thiên Chúa có sáng kiến thử thách chúng ta. Phản ứng tự nhiên của chúng ta khi ấy có nguy cơ đâm ra hoảng sợ hoặc gay gắt buộc tội lại, trong khi lẽ ra phải giữ bình tĩnh và cầu xin Thiên Chúa ban cho lòng kiên nhẫn và sức mạnh vượt qua cơn khó khăn. Và khi cơn bĩ cực nầy kéo dài, sẽ tốt lành nếu biết lo liệu trước kết cục của nó, – cái đích vinh quang và cái lối ra sinh hoa trái ở mọi điểm.
Phản ứng của Abraham trước mệnh lệnh của Chúa thật đáng ca ngợi: ông không trì hoãn. Ông dậy sớm, buộc yên vào con lừa, chọn hai đầy tớ,chuẩn bị củi lửa, con dao, rồi ra đi, đem theo con trai mình. Một sự vâng lời dường nào! Thiên Chúa đã nói và Abraham chấp hành mệnh lệnh,mà không yêu cầu lời giải thích nào.
Việc hiến tế Isaac là thử thách lớn nhất và qua việc hiến tế này chứng tỏ sự tuân phục tuyệt đối của Abraham. Hiến tế Isaac là hiến tế những gì thiết thân nhất của Abraham. Buộc Abraham hiến tế Isaac là Thiên Chúa muốn ông coi con cái và dân tộc như là một hồng ânchứ không phải một sở hữu, cho nên Người có quyền đòi lại. Nói cách khác, Thiên Chúa muốn Abraham đặt niềm tin và lẽ sống vào chính Thiên Chúa chứ không phải đối tượng nào ngoài Người, dù đó là đứa con do mình sinh ra.
V. TÌM VỢ CHO ISAAC (24,1-67)
Hàm ẩn trong câu truyện dễ thương này vẫn là chủ đề về lời hứa. Thiên Chúa tiếp tục hướng dẫn tổ phụ Abraham từng bước để thực hiện lời Người đã hứa. Tuy nhiên Người không can thiệp cách trực tiếp mà qua sự hướng dẫn trong tâm hồn và qua những dấu chỉ.
Theo tập quán thời đó, tổ phụ Abraham phải sắp xếp cuộc hôn nhân cho con mình. Vì tuổi cao sức yếu nên ông trao phó nhiệm vụ này cho người lão bộc trung thành với những lời căn dặn thật rõ ràng và chu đáo. Isaac sẽ không kết hôn với phụ nữ Canaal, nghĩa là loại trừ việc kết hôn khác đạo. Cũng không thể để Isaac trở về quê cũ của tổ phụ Abraham vì Đức Chúa “đã phán và thề với tôi rằng: Ta sẽ ban cho dòng dõi ngươi đất này” (câu 7). Như thế trong mọi sự, Abraham luôn tín thác vào Chúa là Đấng đã hứa và trung thành với lời hứa của Người.
Người lão bộc đã thực hiện đúng như lời tổ phụ Abraham căn dặn. Dưới sự hướng dẫn của Chúa, ông đã tìm được Rebecca, được gia đình của Rebecca chấp thuận, và đã đưa Rebecca về cho Isaac.
Toàn bộ câu truyện ánh lên niềm xác tín rằng cuộc hôn nhân giữa Isaac và Rebacca không chỉ do những tính toán của con người nhưng chính Thiên Chúa dẫn đường chỉ lối cho họ đến với nhau. Như thế câu truyện này thể hiện niềm tin đã được nhấn mạnh trong sách Sáng Thế và Chúa Giêsu cũng lập lại: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” (Mt 19,6).
VI. ESAU, GIACOP VÀ MẦU NHIỆM TUYỂN CHỌN (25,19-26)
Với bản gia phả của Isaac (câu 19-20), sách Sáng Thế đưa ta vào một giai đoạn mới trong lịch sử các tổ phụ, là giai đoạn của Isaac và Giacóp. Bản gia phả được tiếp nối bằng câu chuyện về việc sinh hạ Esau và Giacóp.
Bà Rebecca là một phụ nữ hiếm muộn cũng giống như bà Sara. Nhưng chính sự hiếm muộn này lại làm nổi bật sự can thiệp của Chúa trong việc bà thụ thai (câu 21). Niềm vui thụ thai của bà lại trở thành nỗi lo lắng vì cảm nhận những đứa con “đánh nhau” ngay trong lòng dạ mình. Chính ở đây xuất hiện lời sấm được coi như tâm điểm của trình thuật, “Có hai dân tộc trong lòng ngươi, hai dân từ dạ ngươi sinh ra và sẽ chia rẽ nhau. Dân này sẽ mạnh hơn dân kia, đứa lớn sẽ làm tôi đứa bé” (25,23). Lời sấm này đã loan báo trước những gì sẽ được trình bày trong câu chuyện về Esau và Giacóp.
Tác giả sách Sáng Thế cũng mô tả một số đặc tính của hai đứa trẻ sơ sinh, báo trước tính cách của mỗi đứa trẻ và mối tương quan giữa Esau và Giacóp sau này. Esau “đỏ hoe” (admoni) và “đầy lông lá” (séar), sau này sẽ trở thành tổ phụ của dân Edmonites sống ở vùng Seir. Việc mô tả Giacóp ra sau nhưng “nắm gót chân” của Esau cũng mang tính biểu tượng, diễn tả tính cách của Giacóp. Tên gọi Giacóp là thể rút ngắn của Jacobel, nghĩa là “xin Thiên Chúa bảo vệ.”
Trình thuật được tiếp nối bằng những câu chuyện về việc Esau bán quyền trưởng nam của mình (25,27-34), kể cả việc bà Rebecca tìm cách đánh lừa Isaac để ông chúc lành cho Giacóp ((27,1-46). Những câu chuyện trên có thể làm cho ta đặt nhiều câu hỏi, ví dụ tại sao Giacóp lại được chọn thay vì Esau, phải chăng hành động lừa dối của bà Rebecca là hành động tốt vì phù hợp với kế hoạch của Thiên Chúa đã được bày tỏ trong lời sấm (25,23)? Tác giả sách Sáng Thế không đưa ra câu trả lời. Ông chỉ kể chuyện.
Ở đây chúng ta đối diện với một mầu nhiệm sẽ còn tái diễn nhiều lần trong lịch sử cứu độ, là mầu nhiệm tuyển chọn của Thiên Chúa. Sự chọn lựa của Thiên Chúa mãi là một huyền nhiệm vượt trên những tính toán và suy nghĩ bình thường của con người. Thiên Chúa điều khiển và thực hiện dự định của Ngài, vượt trên những tính toán của chúng ta.
VII. HÀNH TRÌNH ĐỨC TIN CỦA GIACÓP VÀ CỦA NGƯỜI KITÔ HỮU.
Giacóp có chỗ đứng quan trọng trong dân Chúa, vì ơn gọi của Giacóp tượng trưng cho ơn gọi của dân Chúa. Thật vậy, dân Do Thái ở giữa thế giới dân ngoại như một nhóm nhỏ bé. Sự tồn tại của họ lệ thuộc vào sự tuyển chọn của Thiên Chúa. Cũng thế, Giacóp mặc dù là con thứ, đã vượt lên trên esau để chiém phần trưởng nam và thừa kế giao ước của tổ phụ Abraham, là vì đó là do sự tuyển chọn của Thiên Chúa. Ngoài ra Giacóp có chỗ đứng rất quan trọng trong lịch sử dân Chúa vì ông đã sinh ra 12 trưởng tộc Do Thái.
1. Hành trình của Giacóp
Trong một thị kiến ở Bethel (28,10-12), Giacóp thấy một cái thang nối Trời với Đất, và ông nghe nhắc lại những lời hứa đã được ban cho tổ phụ Abraham. Nhưng Giacóp không biết: “Có Đức Chúa ngự nơi này mà tôi không biết” (28,16). Sau đó Giacóp lấy hòn đá ông đã gối đầu qua đêm dựng lên làm trụ, và khấn hứa rằng nếu Thiên Chúa gìn giữ ông được bình an, thì ông sẽ trở về dựng bàn thờ kính Chúa ((28,18-22).
Giacóp lại có một thị kiến khác, đó là ông vật lộn với Thiên Chúa tại Peniel (32, 22-33). Sau biến cố này, Giacóp trở thành một con người khác, ông mang tên gọi mới là Israel và sống cuộc đời chính trực.
Sau cùng, khi trở về Bethel (35, 1-18), ông hoàn tất lời thề xây một bàn thờ tại Bethel để kính Thiên Chúa, “Đấng đã đáp lời tôi ngày tôi gặp bước gian truân, và đã ở với tôi trong chuyến đi tôi đã thực hiện” (35, 3).
2. Hành trình của Kitô hữu
Những sự kiện và biến cố trong đời tổ phụ Giacóp cho thấy đức tin là cả một hành trình dài chứ không chỉ là một lý thuyết hay sự vật mà ta chỉ cần nắm lấy một lần là xong. Tin là bước vào mối tương quan gắn kết với Thiên Chúa, mối tương quan mà ta cảm nghiệm, vun đắp và xây dựng xuyên qua những biến cố dọc dài cuộc sống.
Trong hành trình đó, không ít lần ta cảm nhận nỗi khó khăn khi sống đức tin, nhất là khi phải đối diện với những thử thách và cám dỗ. Quả thật sống đức tin là cả một cuộc vật lộn với Thiên Chúa, vật lộn với lời mời gọi của Ngài, vật lộn với lý tưởng Phúc Am.
Thế nhưng chính khi ta chấp nhận cuộc vật lộn đau đớn đó, con người mới dần dà được hình thành nơi ta. Sứ điệp đầu tiên và căn bản nhất mà Chúa Giêsu gửi đến những ai muốn theo Ngài là “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” nghĩa là phải đổi mới thường xuyên. Là Kitô hữu là đón nhận một tên gọi mới, một danh hiệu mới, và phải sống cuộc sống mới.
VIII. THIÊN CHÚA RÚT RA ĐIỀU LÀNH TỪ SỰ DỮ
Giuse có chỗ đứng quan trọng trong lịch sử dân Chúa, đến nỗi sách Sáng Thế đã dành hơn cả chục chương cuối cùng để kể về thân thể và sự nghiệp của ông, là vì muốn nêu rõ vai trò cứu tinh của ông, đồng thời giải thích tại sao có biến cố xuất hành ra khỏi Ai Cập.
1. Cuộc đời tổ phụ Giuse
Tổ phụ Giuse phải chịu nhiều nỗi oan khiên: bị anh em bán làm nô lệ sang Ai cập (37,1-36), bị vu oan giá họa đến nỗi phải vào tù (39,1-23). Thế nhưng Thiên Chúa đã biến những đau khổ này thành cơ may cho cá nhân Giuse khi ông được Pharao phong làm tể tướng (41,1-57), và hơn nữa cho cả một dân vì nhờ ông mà cả một dân được cứu khỏi nạn đói.
Ai sẽ là Đấng giải oan cho Giuse khỏi những cáo buộc và hành động bất công? Về mặt loài người, xem ra Giuse hoàn toàn cô thân cô thế trong những nghịch cảnh này. Chỉ có Chúa là Đấng thấu suốt mọi sự và xét xử công minh, Người sẽ trả lại cho mỗi người phần thuởng xứng với việc họ làm.
2. Hình bóng của Chúa Giêsu Kitô
Cuộc đời tổ phụ Giuse được nhìn như hình bóng báo trước cuộc đời Chúa Kitô. Ngài phải chịu mọi nỗi oan khiên nhưng chính nhờ những đau khổ Ngài chịu mà chúng ta được cứu. Quả thật, “hòn đá người thợ xây loại bỏ đã trở nên tảng đá góc tường” (Tv 118, 22-23). Hội Thánh hân hoan hát lên lời tuyên xưng này cách đặc biệt trong dịp lễ Phục Sinh.
3. Người Kitô hữu tin tưởng và phó thác nơi Thiên Chúa
Cuộc đời tổ phụ Giuse và cuộc đời Chúa Kitô là bằng chứng thuyết phục về quyền năng và tình thương của Thiên Chúa. Chính Người là Đấng dẫn dắt lịch sử nhân loại cũng như cuộc đời mỗi người đến chỗ hoàn thành. Vì thế người Kitô hữu được mời gọi tin tưởng và phó thác nơi Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh, đồng thời luôn kiếm tìm và thi hành Thánh Ý Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh, bởi lẽ đó chính là nẻo đường cứu độ và bình an.
Sự đánh giá của người đời nhiều khi hời hợt và thiếu công bằng vì chỉ dựa vào những cái bên ngoài và bị tham vọng chi phối. Vì thế người tín hữu được mời gọi tập sống trước nhan Chúa, sống theo lương tâm ngay thẳng, sống theo Lời Chúa. Tổ phụ Giuse chính là gương mẫu cho ta về lối sống đó.
Tóm lại, mặc dù Tin Mừng của Đức Kitô chưa được ban bố, nhưng đời sống của tổ phụ giuse thật rạng ngời vì những đức tính: Ngài đã yêu thích đức trong sạch nhờ tin Thiên Chúa hiện diện, nên đã khước từ mọi quyến rũ xác thịt của bà chủ nhà. Ngài cũng là người biết đặt tin tưởng vào Chúa ngay lúc gian truân. Sau hết, ngài sống bác ái tha thứ cho kẻ hại mình, coi hành đọng xấu xa của anh em là trong ý nhiệm mầu của Thiên Chúa qua đó cứu cả một dân tộc.
[1] Abraham là tổ phụ dân được tuyển chọn, Abraham chiếm một vị trí đặc biệt trong lịch sử cứu độ. Ơn gọi của ông không chỉ bao gồm thời kỳ đầu kế hoạch của Thiên Chúa, mà còn xác lập những định hướng nền tảng.
I. Ơn gọi của Abraham
Thay vì viết một biên niên sử đơn giản, dựa vào cuộc đời của Abraham, Sách Sáng Thế trình bày một câu chuyện tôn giáo mà người ta thấy có những dấu hiệu của ba dòng chảy truyền thống: truyền thống Giavê nhấn mạnh đến sự chúc phúc và lời hứa thánh thiêng, truyền thống Elohim thì dựa vào đức tin của cha ông trước mọi thử thách, truyền thống tư tế dựa trên giao ước và phép cắt bì. Như vậy rõ ràng, khuôn mặt Abraham xuất hiện như khuôn mặt một người mà Thiên Chúa đã lôi kéo về phía ngài, sau đó chịu thử thách để rồi trở thành cha của một dân tộc đông đúc không thể tin được.
1. Abraham được Chúa chọn
Cuộc đời của Abraham hoàn toàn mở ra dưới dấu chỉ của sáng kiến tự do của Thiên Chúa. Thiên Chúa tác động trước tiên; Ngài chọn Abraham trong dòng dõi Sem, người ‘sinh ra từ’ Ur (St 11,10-31) và dẫn đưa ông bằng những con đường đến vùng đất không hề biết (Dt 11,8). Đây là sáng kiến của tình yêu: từ khởi đầu, Thiên Chúa biểu lộ với Abraham một tình thân quảng đại. Những lời hứa của Ngài vẽ nên một tương lai sáng ngời. Thành ngữ này thường lập đi lặp lại không ngừng: “Ta sẽ ban cho”; Thiên Chúa ban cho Abraham một vùng đất (St 12, 7; 13, 15; 15, 18; 17,8); ngài sẽ ban phúc cho ông, sẽ đem lại phồn thịnh cho ông (12,2; 16,10;22,17). Thực ra, những việc xảy ra có vẻ trái ngược với những viễn cảnh này: Abraham là người du mục, Sara không còn ở độ tuổi sinh con. Tính nhưng không của những lời hứa thánh chỉ làm nổi bật điều này hơn: tương lai của Abraham phụ thuộc hoàn toàn vào quyền năng và lòng nhân từ của Thiên Chúa. Do vậy Abraham quy tụ nơi ông dân Chúa, dân được tuyển chọn mà không đòi hỏi công trạng gì. Tất cả những gì ông được yêu cầu, đó là một đức tin triệt để và can đảm, một sự đón nhận không lưỡng lự kế hoạch của Thiên Chúa.
2. Abraham bị thử thách
Đức tin này phải được thanh tẩy và tăng sức mạnh bằng thử thách. Thiên Chúa thử thách Abraham khi yêu cầu ông dâng Issac làm hiến tế, để dựa vào đó mà lời hứa đích thực được thiết lập (St 22,18). Abraham “không từ chối đứa con trai duy nhất của ông” (22,12.16).
Người ta biết rằng các lễ hiến tế con trẻ đã được cử hành trong những tín ngưỡng của người Canan; nhưng chính Thiên Chúa đã gìn giữ Isaac, đồng thời tư Ngài lo liệu cho “chiên làm lễ tế” (22,8.13). Cũng do đó mà tận đáy lòng Abraham “sự sợ hãi Thiên Chúa” đã được biểu lộ (22,12). Mặt khác, qua dịp như thế, Thiên Chúa đã mặc khải rằng kế hoạch của Ngài không được sắp đặt cho sự chết mà cho sự sống. “Ngài chẳng vui gì việc mất các sinh mạng” (Kn 1, 13; cf Đnl 12, 31; Gr 7,31). Sự chết một ngày đó sẽ bị đánh bại; “Sự hiến tế Isaac” có vẻ như một việc xảy ra mang tính tiên tri (Dt 11,19; 2, 14-17; cf Rm 8,32).
3. Abraham, người cha được chúc phúc
Sự vâng phục của Abraham đưa đến việc xác tín vào lời hứa (St 22,16) mà ông thấy bắt đầu trở thành hiện thực: “Thiên Chúa đã chúc phúc hết tất cả cho Abraham” (St 24,1). “Không ai vinh quang bằng ông” (Hc, 44, 19). Vấn đề không phài là hạnh phúc cá nhân: ơn gọi của Abraham là trở thành người cha. Vinh quang ấy nằm ở dòng dõi của ông. Theo truyền thống tư tế, việc thay đổi tên họ (Abram trở thành Abraham) đã xác nhận theo hướng này, vì tên mới được dịch là “cha của muôn dân” (St 17,5). Số mệnh của Abraham phải có những kết quả to lớn. Đã thế, Thiên Chúa không giấu ông điều Ngài sẽ làm, vị tổ phụ đã lãnh trách nhiệm xin can thiệp giúp những thành phố bị kết án (18,16-33); tình phụ tử của ông vẫn còn lan tỏa ảnh hưởng; ánh sáng tỏa ra khắp nơi: “vì dòng dõi ngươi mà tất cả các dân tộc sẽ được chúc phúc” (22,18). Khi suy nghĩ về lời phán truyền này, truyền thống Do Thái đã hiểu được một ý nghĩa sâu sắc nơi ông: “Thiên Chúa đã thề hứa với ông là sẽ chúc phúc cho các dân tộc nhờ dòng dõi ông” (Hc 44,21; cf St 22,18).
Như vậy, nếu số phận của nhân loại tội lỗi được bắt đầu nơi Adam thì số phận của nhân loại cứu độ được thực hiện nơi Abraham.
II. Hâu duệ của Abraham
1. Sự trung thành của Thiên Chúa
Nhờ Abraham, các lời hứa cũng được thực hiện nơi dòng dõi ông (St 13,15; 17,7). Thiên Chúa lập lại các lời hứa ấy với Isaac và Jacob (26,3; 28,13) và họ sẽ truyền lại chúng như một gia tài (28,4; 48,15;50,24). Khi con cháu Abraham bị áp bức ở Ai Cập, Thiên Chúa đã nghe tiếng họ than van, vì Ngài “nhớ lại giao ước của Ngài với Abraham, Isaac và Jacob” (Xh 2,23; cf Đnl 1,8). “Khi nhớ lại lời thiêng Ngài hứa với Abraham, tôi tớ Ngài, Ngài đã đưa Dân Ngài đi trong tiếng hò reo” (Tv 105,42). Sau đó, Ngài an ủi Dân Ngài và gọi họ là “dòng dõi Abraham, bạn của Ta” (Is 41,8).
Trong thời gian khốn cùng, khi sự tồn vong của Israel bị đe dọa, các tiên tri đã tìm lại được niềm tin nhờ nhớ lại ơn gọi của Abraham: “Hãy nhìn tảng đá mà các người đã tạc nên, nhìn đường hầm mà các người đi ra. Hãy ngước nhìn Abraham, tổ phụ các người…” (Is 51,18; cf Is 29,22; Nkm 9,7). Và để xin ơn Chúa, lời cầu nguyện hay nhất là tự nài xin từ Abraham: “Xin Ngài nhớ đến Abraham…” (Xh 32,13; Đnl 9,27; 1V 18,36) “ban ơn Ngài cho Abraham” (Mk 7,20).
2. Quan hệ máu mủ
Tuy nhiên, có mặt xấu của việc tự nài xin tổ phụ. Thực tế, có mối quan hệ huyết thống với tổ phục vẫn chưa đủ để trở thành những người thừa kế thực sự của ông, mà còn phải gắn kết với ông về mặt tâm linh nữa. Niềm tin xấu, tức nó không tự đi đôi với sự dễ dãi quá sức của Thiên Chúa. Tiên tri Ezechiel đã nói điều này với những người đương thời với ông (Ed 33,24-29). Khi rao giảng sự phán xét của Thiên Chúa, Gioan Tiền hô đã chỉ trích kịch liệt lối nghĩ ảo tưởng như thế: “Các người đừng tự nghĩ rằng: chúng tôi có tổ phụ Abraham. Vì tôi nói cho các người biết, Thiên Chúa có thể biến những hòn đá này thành con cháu Abraham” (Mt 3,9). Người phú hộ ích kỉ trong dụ ngôn mặc dù kêu lên “lạy Tổ phụ Abraham”, nhưng ông chẳng nhận được gì hết từ tổ phụ của ông: bởi lỗi của ông, một lỗi gây hố sâu chia rẽ giữa ông và tổ phụ (Lc 16,24). Sách tin mừng thứ tư đưa ra cái nhìn tương tự: khi vặt trần những dự định xấu xa của người Do Thái, Đức Giêsu đã lột bỏ khuôn mặt thật của họ rằng tư cách làm con cháu Abraham đã không ngăn cản họ thực sự trở thành con cái ma quỷ (Ga 8,37-44). Quan hệ ruột thịt sẽ chẳng là gì cả nếu không có sự trung thành.
3. Đức tin và hành động
Để lòng trung thành này xác thực hơn, một sai lầm khác cần phải tránh. Theo dòng thời gian, truyền thống đã ca tụng những đức tính quý giá của Abraham, sự vâng phục (Nkm 9,8; Hc 44,20), tính anh hùng (1Mcb 2,52; Kn 10, 5-6); tiếp tục theo hướng này, một vài trào lưu Do thái giáo cuối cùng đã phải đề cao khía cạnh này: họ đặt tất cả sự tin tưởng của họ vào các hoạt động của con người, sự tuân thủ hoàn toàn vào Lề Luật, và điều này dẫn đến việc quên rằng điều thiết yếu là phải dựa vào Thiên Chúa.
Thói kiêu căng tự phụ này vốn đã bị công kích trong dụ ngôn người Pharisiêu và người thu thuế (Lc 18,9-14), được Paul phá bỏ hoàn toàn. Ông đã dựa vào sách Sáng Thế (15,6): “Abraham đã tin vào Chúa và Ngài đã xem ông như người công chính”, để chứng minh rằng chính đức tin chứ không phải hoạt động mới đặt nền tảng cứu độ (Ga 3,6; Rm 4,3)
4. Dòng dõi duy nhất
Vậy, cuối cùng, dòng dõi thật sự của Abraham là gì? Đó là Đức Giêsu, con cháu của Abraham (Mt 1,1). Trong số con cháu tổ phụ, chỉ duy Ngài trở về trọn vẹn với di sản lời hứa: Ngài là hậu duệ tiêu biểu nhất (Ga 3,16). Khi hướng về sự vinh quang của Đức Giêsu, thật đúng là bởi ơn gọi của mình, Abraham đã được tuyển chọn, và ông đã vui mừng được thấy ngày này qua những phúc lành của đời ông (Ga 8,56; cf Lc 1,54.73)
Đi xa hơn giới hạn, sự tập trung lời hứa này vào một hậu duệ duy nhất là điều kiện cho sự cứu độ thế giới. Tất cả những ai tin vào Đức Kitô, đã chịu cắt bị hay chưa chịu cắt bì, người Do Thái hay người ngoại đạo, đều có thể dự phần phúc dành cho Abraham (Ga 3,14). Đức tin của họ làm cho họ trở thành hậu duệ thiêng liêng của người đã tin và trở thành “cha của những kẻ tin” (Rm 4,11). “Tất cả anh em chỉ là một trong Đức Giêsu Kitô. Nhưng nếu anh em thuộc về Đức Kitô, anh em cũng là con cháu Abraham, tức những người thừa tự theo giao ước.
Đó là sự hoàn thành mặc khải thánh kinh, được Chúa Thánh Thần dẫn dắt đến thời kỳ sau hết. Đây cũng là lời cuối cùng về “phần thưởng to lớn” (St 15,1), được loan báo cho Tổ phụ: địa vị tổ phụ của ông mở rộng đến tất cả dân tộc được tuyển chọn từ trời. Quê hương cuối cùng của những kẻ tin là “trong lòng Abraham” (Lc 16, 22), nơi mà nghi lễ an táng thường cầu xin cho các linh hồn sớm được yên nghỉ.
[2] Vào thời Abraham, các hiệp ước hay cam kết thường được phê chuẩn trong một nghi lễ trong đó các bên có liên quan bước qua hai nửa xác một con vật đã bị sát tế và chia làm đôi. Cử chỉ này muốn nói lên rằng “Tôi cũng sẽ bị như con vật này nếu tôi không giữ lời đoan hứa”. Tuy nhiên, khi thiết lập giao ước với Abraham, chỉ có Thiên Chúa (dưới dạng một ngọn lửa) đã bước qua giữa các con vật bị sát tế. Thiên Chúa nhận trách nhiệm hoàn toàn về mình trong việc giữ lời hứa làm cho con cháu Abraham đông như sao trời.
Câu chuyện này cho thấy hai điều. Thứ nhất, nó chứng tỏ Thiên Chúa hoàn toàn cam kết thực hiện lời hứa Ngài đến mức nào. Cha chúng ta trên trời sẽ không bao giờ rút lại lời hứa ban ơn lành và chăm sóc mỗi con cái Ngài. Dù chúng ta có ngỗ nghịch đến đâu, Ngài vẫn giữ lời thề long trọng yêu thương và chăm sóc cho dân Ngài đến muôn đời.
Có lẽ còn quan trọng hơn nữa, câu chuyện này tiên báo ơn cứu độ dành cho chúng ta qua Đức Giêsu. Vì Thiên Chúa đã không yêu cầu Abraham bước qua những nửa của những con vật bị sát tế, Abraham và miêu dệ ông không bị trừng phạt hoàn toàn vì không tuân giữ giao ước. Thiên Chúa biết rằng do tội nguyên tổ, Abraham – hay bất cứ ai – cũng không thể hoàn toàn trung tín. Đó là lý do tại sao trong dòng lịch sử Cựu Ước, Thiên Chúa đã hứa một giao ước mới, giao ước mà tối hậu Con Yêu Dấu của Ngài đã phải chết cho phần của giao ước mà chúng ta có thể không bao giờ giữ.
Bạn có thể tưởng tượng ra ai trung tín hơn Thiên Chúa? Ngài không những giữ phần của mình trong giao ước nhưng còn gởi Con Ngài xuống để gánh lấy trách nhiệm của chúng ta. Qua phép Thánh Thể, qua Thánh Thần Chúa, và qua Hội Thánh, chúng ta có đầy đủ phương thế để sống như những người con trung tín của Thiên Chúa.
[3] Trong dòng lịch sử ơn cứu độ, Thiên Chúa đã ký kết với nhân loại rất nhiều giao ước. Sáu bản giao ước chính trong số những bản này là: (1) Giao ước Noah (Sáng Thế Ký 9:8-17), (2) Giao ước Abraham (Sáng Thế Ký 12:1-3), (3) Giao ước Sinai (Xuất Hành 20:1-17), (4) Giao ước Đavít (2Sam 7), (5) Giao ước Jeremiah (Jer 31:31-34), và (6) Giao ước Kitô (1Cor 11:25).
Giao ước Noah hay giao ước Cầu Vồng được thiết lập sau trận Đại Hồng Thủy giữa Giavê Thiên Chúa với đại diện cho nhân loại cũng như các sinh vật trên mặt đất là ông Noah. Giao ước Noah chỉ có một điều khoản duy nhất, đó là, từ nay sẽ không bao giờ còn lụt lội tiêu diệt nhân loại cùng tất cả các loại thụ tạo trên quả địa cầu. Để nhắc nhở con người về giao ước Noah, Thiên Chúa lập nên cầu vòng bẩy mầu trên vòm trời xanh làm dấu ấn cho giao ước Cầu Vồng.
Giao ước Abraham, giao ước thứ hai, trong dòng lịch sử cứu độ, được thiết lập giữa Giavê Thiên Chúa với Tổ Phụ Abraham, một người xuất thân từ vùng đất Ur, Chaldeans (Sáng Thế Ký 12:31), nay thuộc về Iraq. Giao ước Abraham có nhiều điều khoản (Sáng Thế Ký 12:1-3, 7; 13:15; 15:5; 17:4; 18:18). Một trong những điều khoản chính là Abraham sẽ trở thành tổ phụ của nhiều dân tộc trên thế giới, bởi con cháu của ông sẽ đông đảo như sao trên trời, như cát dưới biển. Dấu ấn của giao ước Abraham là dấu cắt bì.
Giao ước Sinai, giao ước thứ ba, được thiết lập giữa Giavê Thiên Chúa với đại Ngôn Sứ Môisen trên núi Sinai trong thời kỳ bốn mươi năm hành hương về miền đất hứa. Giao ước Sinai được tóm gọn lại trong Mười Điều Răn. Qua bản giao ước Sinai, Giavê Thiên Chúa trở thành Thiên Chúa duy nhất của người Do Thái, và người Do Thái trở thành dân riêng của Ngài. Điều đặc biệt về giao ước Sinai là nếu dân Do Thái trung thành với bản giao ước, họ sẽ được Thiên Chúa chúc lành. Ngược lại, nếu họ phản bội Giavê, thờ phượng tà thần ma quỷ, Ngài sẽ nhắm mắt làm ngơ, để cho quân thù tự do tiêu diệt và thống trị dân Do Thái.
Giao ước thứ tư được thiết lập giữa Giavê Thiên Chúa với Vua Đavít. Theo như bản giao ước Đavít, Giavê Thiên Chúa là Bố của con trai Vua Đavít; và hoàng tử, con trai Vua Đavít, là con của Giavê (2Sam 7:14). Phân tích bản thứ tư dưới lăng kiếng thần học, người Kitô hữu nhận ra một điều, đó là, bởi Đức Giêsu bắt nguồn từ dòng dõi Vua Đavít, Ngài chính là con trai của Vua Đavít, là Đông Cung Thái Tử của ngai vàng Đavít đời đời bền vững (2Sam 7:13, 16; Matt 1:1). Bởi thế, Thiên Chúa chính là Bố của Đức Giêsu (Matt 2:15, Hosea 11:1, Matt 3:17).
Giao ước Jeremiah hay giao ước Lưu Đầy được thiết lập giữa Giavê Thiên Chúa với dân riêng của Ngài trong thời kỳ lưu đầy bên Babylon, sau khi cả hai, Bắc Quốc Israel và Nam Quốc Giuđêa, đã biến mất trên bản đồ thế giới vào năm 721 B.C. và 586 B.C., bởi họ không trung thành với lời thề hứa của giao ước Sinai. Bởi người Do Thái không tuân giữ văn bản Sinai, Thiên Chúa đã nhắm mắt làm ngơ, để mặc người ngoại bang tiêu diệt và lưu đầy dân riêng của Ngài. Nhưng bởi lòng từ tâm của một Thiên Chúa nhân hậu, Thiên Chúa lại quyết định ký thêm một bản giao ước mới, bản giao ước Jeremiah. Qua bản giao ước Lưu Đầy này, Giavê lại là Thiên Chúa của dân Do Thái, và dân Do Thái lại là dân riêng của Ngài.
Giao ước cuối cùng trong dòng lịch sử ơn cứu độ, giao ước Mới, được ký kết giữa Giavê Thiên Chúa và đại diện cho con người là Con Thiên Chúa. Vào giây phút Đức Giêsu chết đi trên cây thánh giá, bản giao ước thứ sáu được đóng ấn (1Cor 11:25) với máu đào của Đức Giêsu. Nội dung của giao ước Mới này được nhắc lại qua Lời Truyền Phép của Linh Mục chủ tế trong mỗi thánh lễ, “Đây là chén Máu Thầy, Máu giao ước mới, giao ước vĩnh cửu sẽ đổ ra cho các con và mọi người được tha tội. Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (1Cor 11:25).
Discussion about this post