NGỮ VĂN
CĂN BẢN & THỰC HÀNH
Các bạn thân mến!
Không ít người cho rằng, sau khi đã tốt nghiệp Trung Học, học viên không ở mức trung bình thì cũng đã khá hoặc giỏi về Ngữ Văn nên không cần phải học về môn này nữa. Cũng vì ý nghĩ này mà từ năm 1970 trở về trước, người ta đã không đưa bộ môn Ngữ Văn vào dạy ở các Đại Học. Cũng có ý kiến cho rằng, do hoàn cảnh chiến tranh nên việc học tập Ngữ Văn Tiếng Việt ở cấp Trung Học chưa được thực hiện cách chu đáo và tình trạng thiếu kiến thức về Ngữ Văn chỉ có tính tạm thời. Do đó việc đưa chương trình Ngữ Văn vào dạy Đại Học chỉ là một giải pháp tình thế, và khi đã hoà bình, việc dạy Ngữ Văn ở Trung Học đã ổn định thì không có lý do gì phải dạy Ngữ Văn cho cấp Đại Học nữa.
Sự thật là không như vậy, phần nhiều sinh viên ngày nay vẫn còn yếu kém về Tiếng Việt, họ ra sức học ngoại ngữ để có bằng A,B,C nhưng lại không có đủ ý đủ từ để viết một câu văn hoàn chỉnh hay một đoạn văn nghị luận bằng Tiếng Việt. Sách báo và các phương tiện truyền thông, các bài viết đầy dẫy những lỗi về chính tả, về dùng từ, về cấu tạo câu, về viết văn không có đầu có kết…
Chính vì thế, dù đã là sinh viên hay vừa tốt nghiệp phổ thông, các bạn vẫn phải tiếp tục trau dồi về khả năng ngữ văn, để vừa ôn lại những kiến thức ngữ văn phổ thông vừa nâng cao và thành thạo hơn với các thể loại văn học, thích ứng với chức năng và công việc mà các bạn hướng tới.
Đó cũng là ý nguyện của người lược soạn tập nhỏ này làm giáo trình Ngữ Văn giúp các bạn thành thạo hơn với Ngữ Pháp Tiếng Việt, dễ dàng hơn khi viết một bài văn nghị luận, một biên bản báo cáo, một bài thuyết trình hay một luận văn cuối các khoá học.
Ngày 01/10/2013
HL
Phần một
CÁCH VIẾT MỘT CÂU VĂN HOÀN CHỈNH
Chương I. CHỮ VIẾT VÀ TỪ NGỮ
- Chữ viết:
- Bảng chữ cái.
Bảng chữ cái Tiếng Việt theo cải cách Giáo Dục bao gồm 29 chữ cái thuần Việt và 4 chữ cái dùng để viết tên nước ngoài.
- Chữ cái thuần Việt: a, ă, â, b, c, d, đ, e, ê, g, h, i, k, l, m, n, o, ô, ơ, p, q, r, s, t, u, ư, v, x, y.
- Chữ cái dùng để viết tên nước ngoài và thuật ngữ có gốc nước ngoài: f, j, w, z.
Vì thế, nếu viết “fương”, “jà”, “wa” “zui zẻ”… là sai.
- Nguyên âm và phụ âm.
- Nguyên âm: Tiếng Việt có 11 nguyên âm đơn và 3 nguyên âm đôi.
Nguyên âm đơn: a, ă, â, e, ê, i (y), o, ô, ơ, u, ư.
Nguyên âm đôi: iê/ia, ươ/ưa, uô/ua.
- Phụ âm: Phụ âm trong Tiếng Việt không mang dấu và bao gồm: b, c, d (gi), đ, g (gh), h, k, kh, l, m, n, nh, ng (ngh), p (ph), q (qu), r, s, t, th, tr, v, x.
- Dấu & thanh
a, Có 10 dấu câu, bao gồm hai nhóm:
- Nhóm để phân cách: phẩy (,), chấm phẩy (;), chấm (.), chấm hỏi (?), chấm than (!), chấm lửng (…).
- Nhóm để tách biệt: phẩy (,), gạch ngang (-), ngoặc đơn (), ngoặc kép “ ”
Chức năng:
Dấu phẩy dùng để tách biệt hai đơn vị ngữ pháp đẳng lập cũng như chính phụ. Dấu phẩy đôi khi còn dùng để làm thành phần chú thích.
Dấu chấm phẩy sử dụng khi dấu phẩy không còn tác dụng (A, B nhưng A1, B1; A2, B2)
Dấu chấm dùng để kết thúc một câu hoàn chỉnh.
Dấu hai chấm dùng để báo hiệu điều sẽ trình bày tiếp theo có chức năng thuyết minh.
Dấu chấm hỏi đặt cuối câu hỏi trực tiếp.
Dấu chấm than đặt sau câu cảm thán và trong những xưng hô thân mật.
Dấu chấm lửng ngụ ý còn nhiều ý tưởng chưa diễn đạt hết.
Dấu gạch ngang và ngoặc đơn dùng trong thành phần chú thích. dấu gạch ngang cũng dùng trong việc phiên âm tiếng nước ngoài.
Dấu ngoặc kép dùng để trích dẫn lại một đoạn văn hoặc dùng để nhấn mạnh một từ đặc biệt.
b, Các thanh được đặt trên các nguyên âm: (huyền, sắc, nặng, hỏi, ngã).
Các vần có thanh huyền và không thanh được gọi là vần bằng.
Các vần có dấu sắc, nặng, hỏi, ngã được gọi là vần trắc.
- Viết hoa & viết tắt.
a, Viết hoa:
Từ năm 1984, Bộ Giáo Dục có bản văn quy định cách viết hoa như sau:
- Viết hoa toàn bộ: Tên người và tên đất.
Ví dụ: Nguyễn Văn Tèo, Thừa Thiên Huế…
- Viết hoa tiếng đầu trong tổ hợp từ dùng làm tên: tên tác phẩm, tên các tổ chức.
Ví dụ: Mảnh trăng cuối rừng, Trường đại học bách khoa.
Cách viết hoa này chưa được mọi người áp dụng thống nhất, nên vẫn còn tồn tại các viết hoa các thực từ trong tổ hợp.
Ví dụ: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường Đại học Bách khoa…
b, Viết tắt:
Trong khi xây dựng văn bản, ta không được viết tắt một cách tuỳ tiện, không được thay chữ viết bằng các con số hoặc các ký hiệu riêng.
Trừ trường hợp một số từ và tổ hợp từ đã có hình thức viết tắt ổn định và thông dụng, như: TpHCM, UNESCO (United Nations Educational, Scientific and Cultural Organization – tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa)[1].
- Từ ngữ.
Việc rèn luyện kỹ năng nói và viết, trước hết cần biết đến nghệ thuật dùng từ đúng và hay:
- Từ đúng.
a, Đúng âm: Muốn dùng từ đúng âm phải biết cách phát âm chuẩn, nhưng thực tế rất khó vì ba miền Nam – Trung – Bắc có sự phát âm khác nhau.
Vì thế, chỉ còn cách cố gắng viết đúng chính tả để hạn chế phần nào lỗi về cách phát âm.
b, Đúng nghĩa: Để dùng từ cần hiểu nghĩa của nó, nếu còn nghi ngờ thì nên tra từ điển, chứ không dùng cách tuỳ tiện.
Ví dụ: Sa mạc hoang vắng chứ không phải sa mạc hoang vu (vì hoang vu là cỏ rậm mọc đầy).
- Từ hay.
a, Từ chính xác: Từ hay ở đây trước hết nói lên việc biết cách dùng từ chính xác trong từng tình huống.
Ví dụ: Tôi muốn có nàng, vì nàng là tất cả của tôi. Dùng từ “muốn” khác với dùng từ “yêu”, vì muốn diễn tả nguyện vọng, nói lên một sự quyết tâm mãnh liệt và một khẩu khí nam nhi chinh phục.
b, Từ hình tượng: Là gợi chứ không tả, khi đọc lên độc giả như được vẽ lên trước mắt mình hình ảnh và có cảm giác như đang chứng thực
Ví dụ: Có nàng thơ đã khép cổng tu phòng
Vẫn cây si ai đó trồng trước ngõ.
Dù không tả, nhưng đọc lên độc giả cảm nhận ngay “cây si” là hình ảnh một chàng trai vẫn đứng đó ngóng trông người con gái đã đi tu…
c, Từ sáng tạo: Thường dùng trong thi ca hơn là văn xuôi, tạo nên một sự tươi mát, hồn nhiên và lãng mạn.
Ví dụ: Thu vàng (lá vàng rụng mùa thu), xuân hồng (xuân tuổi trẻ và tình yêu – Xuân Diệu), hạ trắng (mùa hè xứ Huế ngập tràn tà áo trắng – Trịnh Công Sơn).
d, Từ Hán Việt: Trong văn chương Việt Nam, được sử dụng từ Hán Việt trong một số trường hợp để làm cho lời văn thêm tao nhã và diễn tả được ý bao quát hơn.
Ví dụ: Khi ca ngợi về những bậc anh hùng, thay vì dùng từ “không chết” ta dùng từ “bất tử” sẽ thâm thuý hơn. Hoặc là khi dùng chữ “bất hủ” để nói đến giá trị lâu dài của một ý tưởng…
Chương II. CÂU TRONG TIẾNG VIỆT
- Phân loại câu.
Theo cấu trúc ta có hai loại: câu đơn và câu ghép.
- Câu đơn.
Là câu chỉ có một cụm chủ ngữ và vị ngữ làm nòng cốt.
a, Chỉ có chủ ngữ và vị ngữ: Hoa nở.
b, Thêm bổ ngữ cho danh từ hoặc động từ: Hoa đầu mùa đã bắt đầu nở.
c, Thêm trạng ngữ[2]: Sáng nay, hoa đầu mùa đã bắt đầu nở.
d, Thêm thành phần chú thích (biệt lập): Hoa mai, những bông hoa đầu mùa, đã nở.
e, Một cụm chủ vị làm chủ ngữ hoặc làm vị ngữ:
C (c+v) – V: Anh làm như thế không có lợi cho cộng đoàn.
C – V (c-v): Anh tôi chân đã bị gãy.
- Câu ghép.
Là câu bao gồm hai cụm chủ vị trở lên, trong đó không có chủ vị nào bao gồm cụm chủ vị nào.
a, Câu ghép chính phụ.
Nghĩa là cụm chủ vị này có quan hệ và làm rõ nghĩa cụm chủ vị kia.
Ví dụ: Anh thành công là vì anh làm việc có phương pháp.
b, Câu ghép đẳng lập.
Mỗi cụm chủ vị có thể tách biệt thành câu đơn mà vẫn có nghĩa, nhưng được liên kết với nhau để ý nghĩa bao quát hơn.
Ví dụ: Anh đi, chị đi, tôi cũng đi luôn.
c, Câu ghép hỗn hợp:
Do cả hai loại câu ghép trên hỗn hợp tạo nên.
Ví dụ: Cha đến, cộng đoàn vui, vì ai cũng chờ đợi.
- Viết câu hay.[3]
Để có một câu văn hay phải có nhiều yếu tố: chặt chẽ, mạch lạc, chính xác, rõ ràng, hùng hồn và mạnh mẽ.
a, Câu chặt chẽ, mạch lạc.
Là câu chặt chẽ về cấu trúc, từ đó mạch lạc về ý nghĩa. Muốn viết được loại câu này, cần nhớ ba điều:
- Không dùng từ nối “và” để nối cụm chủ vị diễn ý phụ với cụm chủ vị diễn ý chính.
Ví dụ: Học sinh kiện đúng và thầy hiệu trưởng phải ra toà.
Sửa lại: Vì học sinh kiện đúng nên ông hiệu trưởng phài ra toà.
- Không để chủ ngữ xuất hiện ở vế phụ, nếu chủ ngữ ấy đã xuất hiện ở vế chính.
Ví dụ: Phương xem chuyện riêng cần hơn việc chung, anh ta thường đi ra ngoài tu viện.
SL: Xem chuyện riêng cần hơn việc chung, Phương thường đi ra ngoài tu viện.
- Không tạo sự lẫn lộn chủ ngữ ở trong câu.
Ví dụ: Thấy cột điện đổ, cấm đến gần.
SL1: Thấy cột điện đổ, không đến gần.
SL2: Cấm đến gần cột điện đổ.
b, Câu chính xác, rõ ràng.
Là câu chỉ có một cách hiểu. Muốn viết loại câu này, cần các biện pháp sau đây:
- Dùng dấu câu đúng chỗ.
Ví dụ: Mẹ con đi chợ chiều mới về.
SL1: Mẹ con đi chợ, chiều mới về.
SL2: Mẹ, con đi chợ, chiều mới về.
SL3: Mẹ, con đi chợ chiều, mới về.
- Dùng từ để bổ sung ý nghĩa.
Ví dụ: Mẹ con đi chợ chiều mới về.
SL1: Mẹ và con đi chợ, chiều mới về.
SL2: Mẹ của con đi chợ, chiều mới về.
SL3: Mẹ ơi, con đi chợ chiều, mới về!
- Dùng trật tự từ ngữ thích hợp với ý muốn nói.
Ví dụ: Khi ăn cơm không được uống thuốc này.
SL1: Uống thuốc này khi ăn cơm không được.
SL2: Không được uống thuốc này khi ăn cơm.
SL3: Thuốc này không được uống khi ăn cơm.
c, Câu hùng hồn, mạnh mẽ.
Là câu tác động mạnh vào thính quan người nghe, câu khắc sâu vào tâm trí người đọc những ấn tượng, những ý nghĩ và tình cảm khó phai mờ. Để viết được loại câu này, ta dùng các cách sau đây:
- Đặt chủ ngữ ở phần diễn đạt ý chính của câu.
Vd: Con về đến nhà, sẽ nói tất cả sự thật với bề trên.
SL: Về đến nhà, con sẽ nói tất cả sự thật với bề trên.
- Nêu ý cần nhấn mạnh ở đầu hoặc cuối câu.
Vd: Bất thình lình bác năm rút thanh sắt ra, đập mạnh xuống đầu thằng giặc, sau khi giả vờ say, thất thểu bước vào quán rượu.
SL: Giả vờ say, thất thểu bước vào quán rượu, bất thình lình bác Năm rút thanh sắt ra, đập xuống đầu thằng giặc.
- Dùng câu có cấu trúc song hành (câu đối) để nhấn mạnh một vài ý quan trọng.
Vd: Thầy Thuỷ luôn quyết tâm hoàn thành mọi công tác, cố gắng vượt qua mọi khó khăn, dù công việc có nặng nhọc đến đâu.
SL: Thầy Thuỷ, công tác nào cũng luôn hoàn thành, khó khăn nào cũng gắng vượt qua, mệt nhọc nào cũng không nản chí.
- Chữa câu sai.
Thường thì nhiều người dễ viết sai về cấu trúc, nhưng đôi khi cũng sai về logic, về quy chiếy và về phong cách.
a, Câu sai về cấu trúc.
- Thiếu chủ ngữ.
Ví dụ: Qua ba tháng rèn luyện đã nâng cao trình độ của học viên.
(“Qua” kết hợp với “ba tháng rèn luyện” đã tạo thành một trạng ngữ chỉ thời gian. Vì vậy, câu thiếu chủ ngữ).
SL: Qua ba tháng rèn luyện, giảng viên đã nâng cao trình độ học viên.
- Thiếu vị ngữ.
Vd: Sinh viên Bách khoa từ khi còn là học sinh trên ghế nhà trường cấp cơ sở.
SL: Sinh viên Bách khoa từ khi còn là học sinh trên ghế nhà trường cấp cơ sở, đã là những học trò giỏi
- Thiếu cả chủ ngữ và vị ngữ.
Vd: Bằng trí tuệ sắc bén và thông minh của những người lao động biết chống lại lễ giáo gò bó, lạc hậu…
SL1 (Bỏ chữ “của”): Bằng trí tuệ sắc bén và thông minh, những người lao động biết chống lại lễ giáo gò bó, lạc hậu…
SL 2 (Thêm chủ ngữ và vị ngữ): Bằng trí tuệ sắc bén và thông minh của những người lao động biết chống lại lễ giáo gò bó, lạc hậu, tác giả dân gian sáng tác nhiều câu truyện cười có tính hiện thực sâu sắc.
b, Những kiểu câu sai khác.
- Sai logic
Là câu vô nghĩa, câu không hợp lý.
Vd: Cô Ái bị hai vết thương, một ở đùi và một ở Cầu Giát.
(câu này không logic vì bị chuyển hướng tư duy).
SL1: Cô Ái bị hai vết thương, một ở đùi và một ở ngực.
SL2: Cô Ái bị hai vết thương, một ở Cầu Giát và một ở Hố Nai.
- Sai quy chiếu
Là người viết làm người đọc không biết người viết muốn quy chiếu cho vật nào được nói tới trong câu văn.
Vd: Sau khi thi đậu, mẹ cho tôi cái đồng hồ.
(Câu này muốn nói là tôi được mẹ thưởng cho cái đồng hồ vì thi đỗ. Nhưng viết như trên, có thể tạo cho người đọc ý nghĩ là mẹ thi đỗ nên khoái quá thưởng cho con cái đồng hồ).
SL: Sau khi tôi thi đỗ, mẹ cho tôi cái đồng hồ.
- Sai phong cách
Vd: Cha sở!
…………
Cha rảnh thì vào chơi.
(cần phân biệt văn nói và văn viết, thân mật và hành chánh, kính cẩn và ngang hàng).
SL: Trọng kính cha quản sở!
Con mong có cơ hội thuận tiện để được đón tiếp cha đến thăm nhà dòng chúng con!
- Câu liên kết.
Là giữa các câu, ta phải thành lập được giữa chúng một quan hệ và một hay nhiều phương thức liên kết.
- Phương thức liên kết.
Là liên kết hình thức của hai câu văn, được thực hiện bằng các phương tiện ngôn ngữ, như cách lặp, cách thế, cách liên tưởng và cách nối.
- Cách lặp.
- Lặp từ ngữ: Nghĩa là lặp lại ở câu thứ hai một hay nhiều từ ngữ đã xuất hiện ở câu thứ nhất.
Ví dụ 1: Thành viên làm nên cộng đoàn. Thành viên có tốt thì cộng đoàn mới bền vững được.
Ví dụ 2: Tài sản quý nhất của đất nước là con người. Cái quý nhất ở con người là trí tuệ.
- Lặp cấu trúc: Là lặp lại cấu trúc ở câu thứ hai giống như câu thứ nhất, hoặc lặp lại ở câu thứ hai giống một vế ở câu thứ nhất.
Ví dụ 1: Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt. Dưới sân ông cử ngóng đầu rồng.
Ví dụ 2: Vẫn như vậy, thằng An đi trước thổi kèn. Con Phương đi sau hát theo.
- Cách thế.
Là sử dụng trong câu thứ hai một đại từ hoặc từ đồng nghĩa của câu thứ nhất. Nhằm tránh lặp lại nhiều lần làm mất phong phú đoạn văn.
- Thế đại từ: Là dùng một đại từ để thay thế cho một hoặc nhiều từ ngữ trong câu trước.
Ví dụ: Dân chúng vỗ tay chúc mừng vị tân chủ tịch. Họ tán thành những dự án của ông.
- Thế đồng nghĩa: Là dùng một từ đồng nghĩa để thay thế cho một vài từ đã xuất hiện ở câu trước.
Ví dụ: Cái chết của Trần Bình Trọng làm giặc sợ hãi. Sự hy sinh của ông là tấm gương cho mọi người yêu nước.
Ví dụ 2: Công trạng của An nhiều. Tội lỗi của anh ta cũng không ít.
- Cách liên tưởng.
Là phương thức liên kết thực hiện bằng cách sử dụng ở câu thứ hai một điều mà người ta dễ nhận ra cùng bao hàm trong câu thứ nhất.
- Liên tưởng bộ phận: Là sử dụng ở câu thứ hai một từ ngữ chỉ bộ phận mà toàn thể của nó đã được một từ ngữ khác nói đến ở câu thứ nhất.
Ví dụ: Cái xe trục trặc ở chỗ nào đó. Hình như máy nổ không đều.
- Liên tưởng toàn phần: Là sử dụng ở câu thứ hai một từ ngữ chỉ toàn thể mà bộ phận của nó đã được một từ ngữ khác nói đến ở câu thứ nhất.
Ví dụ: Xì ke, ma túy, cờ bạc đang làm hư hỏng giới trẻ. Những tệ nạn này là một nhức nhối cho xã hội hôm nay.
- Liên tưởng đồng loại: Là sử dụng ở hai câu văn những từ ngữ chỉ cùng một sự vật hay hiện tượng.
Ví dụ: Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô công du đây đó để kêu gọi hòa bình. Mẹ Tê-rê-xa đi nhiều nơi để lo việc bác ái.
(Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô và mẹ Tê-rê-xa đều chỉ về một loại người và là người tốt của công chúng).
- Cách nối.
Là phương thức liên kết thực hiện bằng cách dùng ở câu thứ hai một liên từ hay một tổ hợp từ để kết nối hai câu văn.
- Nối quan hệ từ: là dùng liên từ để nối hai câu với nhau:
Ví dụ:
– Bạn sẽ trở nên trò giỏi. Nếu bạn chăm chỉ học hành.
– Bạn đang tỏ vẻ vui cười. Nhưng tôi cảm nhận được bạn đang có chuyện không vui.
- Nối tổ hợp từ: là dùng một nhóm từ có chức năng nối hai câu với nhau.
Ví dụ: Ai cũng đòi làm lớn. Vì vậy mà người ta tìm cách loại trừ nhau.
- Quan hệ ý nghĩa.
Quan hệ ý nghĩa hay còn gọi là liên kết logic – ngữ nghĩa, nghĩa là liên kết các câu bằng ý nghĩa của từ và thông qua hình thức suy luận.
- Quan hệ thuyết minh: Là câu trước nêu ý mở đầu và câu sau cho biết rõ hơn một hay nhiều chi tiết của ý mở đầu ấy. Gồm nhiều loại quan hệ thuyết minh:
- Bằng chứng: Là vật hay việc dùng làm bằng chứng cho thấy điều nói ra là đúng (bằng chứng là chứng cớ hiển nhiên có thật).
Ví dụ: Chắc chắn có trộm trèo vào nhà. Bởi vì có nhiều vết chân trên vách tường.
- Dẫn chứng: Là lấy dẫn chứng từ người hay việc trong đời sống ra để minh chứng cho ý kiến là đúng.
Ví dụ: Tĩnh lặng là nơi tốt cho việc chiêm niệm và gặp gỡ Thượng Đế. Thánh An-tôn đã vào sa mạc để tu thân, thánh Biển Đức chọn hang sâu để cầu nguyện.
- Ví dụ: Là những trường hợp cụ thể và sinh động được đem ra giải thích một khái niệm trừu tượng hay một vấn đề khó hiểu.
Ví dụ: Biết tiết chế và chăm sóc bản thân thì dễ sống thọ. Chẳng hạn như chiếc xe, nếu ta biết bảo trì đều đặn thì xe sẽ lâu hư.
- Định nghĩa: Là giải thích một từ ngữ bằng nghĩa đã được xác định trong từ điển hoặc trong những tài liệu chuyên môn.
Ví dụ: Để trở thành một người giỏi biện luận thì cần học triết học. Triết học là tìm kiếm sự khôn ngoan.
- Khai triển: Là giải thích chi tiết hơn và đầy đủ hơn một khái niệm được nói ở câu trước.
Ví dụ: Hiến Pháp quy định về tự do tôn giáo. Tự do tôn giáo bao gồm quyền thực hành các nghi lễ, tự do tổ chức các hoạt động tín ngưỡng, tự do hành đạo trong phạm vi pháp luật
- Nguyên nhân:Là sự việc hay lý lẽ được đem ra để giải thích căn nguyên, lý do của một hiện tượng, một phán đoán, một vấn đề.
Ví dụ: Tác phẩm của các triết gia Tây Phương thường dài dòng và phân tích tỉ mỉ. Lý do là vì lối suy tư của Tây Phương thường “chẻ sợi tóc làm tư”.
- Quan hệ phát triển: Là trong câu thứ nhất nêu ý mở đầu, câu kế tiếp bàn rộng nâng cao ý ấy bằng cách trình bày thêm những thông tin tương đối mới so với ý khởi đầu. Ở đây, ý tưởng thường được trình bày theo phương pháp quy nạp. Ta thường dùng cách này để viết văn bình luận.
- Kết quả: Là sự vật hay hiện tượng phát sinh từ một sự vật hay hiện tượng khác; là ý kiến hay nhận định được tạo thành từ một ý kiến hay nhận định đã được nêu ra trước đó (kết quả xuất hiện sau nguyên nhân).
Ví dụ: Thừa kế là việc nội bộ trong gia đình, giữa bà con thân thuộc với nhau. Vì vậy, chủ yếu là phân chia trên sự tự nguyện, yêu thương và đoàn kết.
- Suy luận: Là ý kiến hay nhận xét rút ra từ một sự kiện hay vấn đề đã được nêu ra ở trước (Suy luận thường đến sau bằng chứng hoặc dẫn chứng).
Ví dụ: Đạo Công Giáo gặp bao thử thách bách hại trải qua hai ngàn năm lịch sử mà vẫn bền vững và lớn mạnh. Tôn giáo ấy kiên cường biết chừng nào.
- Khái quát: Là nhận định chung được rút ra từ một hay nhiều hiện tượng, sự vật đồng loại (ý khái quát có phạm vi rộng hơn ý suy luận).
Ví dụ: Chỉ vì vài trăm ngàn đồng mà tên Phương giết hại cô gái. Thời đại hôm nay người ta coi sinh mạng chẳng ra gì.
- Tương phản: Là sự khác biệt, có khi đối lập, trong ý nghĩa của hai câu văn (Ta thường dùng quan hệ tương phản để so sánh hai sự việc hay hai vấn đề với mục đích làm rõ một trong hai sự việc hoặc vấn đề ấy).
Ví dụ: Khi bước lên bục thi, cô gái nào cũng xinh đẹp như nhau. Nhưng kiến thức và đức hạnh của mỗi người thì rất khác nhau.
- Tương đồng: Là sự giống nhau trong ý nghĩa của hai câu văn (quan hệ tương đồng được nhận biết qua từ “cũng”).
Ví dụ: Chỉ vì thất tình mà Lan đã bỏ vào chùa. Cũng vì thất tình mà Điệp quy y Phật pháp.
- Song hành: Là hai câu có cùng một loại quan hệ ý nghĩa với một câu khác (được hiểu ngầm hoặc đã được viết ra) thì chúng có quan hệ song hành với nhau (Loại quan hệ này thích hợp trong văn chứng minh, giải thích và bình luận).
Ví dụ: Đối với ông nội, tôi chỉ muốn làm con một người mẹ đơn thân. Đối với bà ngoại, tôi chỉ muốn làm đứa trẻ không biết mẹ mình.
Hoặc: “Trong việc phân phối, cần lưu ý hai điều: Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng. Không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên” (Nguyễn Ái Quốc).
- Xây dựng đoạn văn mạch lạc.
Trong một bài văn, đoạn được nhận biết bằng chỗ thụt đầu dòng và dấu chấm xuống hàng. Người ta thường xuống dòng khi đã hoàn chỉnh một ý chính.
- Các loại câu trong đoạn văn.
a, Câu mở đoạn, câu thân đoạn và câu kết đoạn.
Nghĩa là một đoạn văn có đủ 3 phần mở, thân và kết như một bài văn hoàn chỉnh. Hoặc thiếu một hay hai trong ba loại câu của một đoạn văn.
- Đủ cả ba loại câu: Mở đoạn, thân đoạn và kết đoạn.
Vd: Con người, bằng suy nghĩ và hành động đã làm biến đổi thế giới tự nhiên phần lớn theo ý muốn của mình. Ngày nay, hoa quả và hạt giống đạt năng suất hơn. Các loài thú có ích đã được bảo tồn và nhân giống. Tài nguyên được khai thác để dùng cho công trình hữu ích. Nhiều công trình thủy lợi cung cấp nước và điện năng cho sinh hoạt. Sa mạc hóa đồng ruộng phì nhiêu. Vũ trụ không gian được khám phá. Đó là những kỳ tích mà con người đã thực hiện được qua cố gắng liên tục.
- Thiếu câu mở đoạn.
Vd: Ngày nay, hoa quả và hạt giống đạt năng suất hơn. Các loài thú có ích đã được bảo tồn và nhân giống. Tài nguyên được khai thác để dùng cho công trình hữu ích. Nhiều công trình thủy lợi cung cấp nước và điện năng cho sinh hoạt. Sa mạc hóa đồng ruộng phì nhiêu. Vũ trụ không gian được khám phá. Đó là những kỳ tích mà con người đã thực hiện được qua cố gắng liên tục.
- Thiếu câu kết đoạn.
Vd: Con người, bằng suy nghĩ và hành động đã làm biến đổi thế giới tự nhiên phần lớn theo ý muốn của mình. Ngày nay, hoa quả và hạt giống đạt năng suất hơn. Các loài thú có ích đã được bảo tồn và nhân giống. Tài nguyên được khai thác để dùng cho công trình hữu ích. Nhiều công trình thủy lợi cung cấp nước và điện năng cho sinh hoạt. Sa mạc hóa đồng ruộng phì nhiêu. Vũ trụ không gian được khám phá…
- Thiếu câu mở đoạn và kết đoạn.
Vd: Ngày nay, hoa quả và hạt giống đạt năng suất hơn. Các loài thú có ích đã được bảo tồn và nhân giống. Tài nguyên được khai thác để dùng cho công trình hữu ích. Nhiều công trình thủy lợi cung cấp nước và điện năng cho sinh hoạt. Sa mạc hóa đồng ruộng phì nhiêu. Vũ trụ không gian được khám phá…
- Thiếu câu thân đoạn.
Vd: Con người, bằng suy nghĩ và hành động đã làm biến đổi thế giới tự nhiên phần lớn theo ý muốn của mình. Đó là những kỳ tích mà con người đã thực hiện được qua cố gắng liên tục.
b, Câu chủ đề.
Xét theo ý nghĩa, ta chia câu trong đoạn thành hai loại, là câu diễn ý chính và câu diễn ý phụ. Đoạn thường chỉ có một câu diễn ý chính gọi là câu chủ đề.
- Câu chủ đề ẩn
Là không được viết ra văn bản, nhưng người viết và người đọc hiểu ngầm. Trong trường hợp này, đoạn chỉ có những câu diễn ý phụ có quan hệ đẳng lập với nhau về ý nghĩa. Đoạn có câu chủ đề hiểu ngầm là đoạn chỉ có một loại câu là câu thân đoạn.
Vd: Cộng đoàn đan sĩ không phải là một nhà nông phu. Cộng đoàn đan tu phải là một nhà cầu nguyện. Cộng đoàn thánh thiện là biết say mê phụng vụ.
Trong đoạn văn này, thiếu câu chủ đề, nhưng đọc chúng ta có thể hiểu ngầm và có thể viết ra câu chủ đề là: “Cha Henri Denis Benoit ý thức sâu sắc về giá trị của cầu nguyện trong cộng đoàn”
- Câu chủ để hiện.
Câu chủ đề hiện có thể đặt ở đầu đoạn, ở thân đoạn và ở cuối đoạn tuỳ trường hợp, nhưng tốt hơn cả vẫn nên đặt ở đầu đoạn văn, vì vừa giúp người viết diễn đạt ý tưởng một cách dễ dàng, vừa giúp người đọc tiếp thu nhanh chóng nội dung văn bản.
- Câu chủ đề đặt ở đầu đoạn (trường hợp này câu chủ đề đóng vai trò câu mở đoạn).
Vd: Thánh Biển Đức là bậc thầy về đường lối tu đức, đặc biệt qua bản Tu Luật, cô đọng tất cả những gì giúp đan sĩ trở nên hoàn thiện. Lắng tai lòng nghe tiếng Chúa. Mau mắn đáp lại lời Chúa mời gọi mà tiến nhanh trên đường hoàn thiện. Biết vâng phục bề trên và vâng lời nhau. Coi trọng đời sống phụng vụ là trên hết. Không lấy gì làm hơn Chúa Kitô và sống các bậc khiêm nhường cho chu đáo.
- Câu chủ đề đặt ở giữa đoạn (trường hợp này câu chủ đề là một câu thân đoạn).
Vd: Lắng tai lòng nghe tiếng Chúa. Mau mắn đáp lại lời Chúa mời gọi mà tiến nhanh trên đường hoàn thiện. Biết vâng phục bề trên và vâng lời nhau. Điều này cho thấy, thánh Biển Đức là bậc thầy về đường lối tu đức, đặc biệt qua bản Tu Luật, cô đọng tất cả những gì giúp đan sĩ trở nên hoàn thiện. Đặc biệt, đối với ngài, phải coi trọng đời sống phụng vụ là trên hết. Không lấy gì làm hơn Chúa Kitô và sống các bậc khiêm nhường cho chu đáo.
- Câu chủ đề đặt ở cuối đoạn (trường hợp này câu chủ đề đóng vai trò câu kết đoạn).
Vd: Lắng tai lòng nghe tiếng Chúa. Mau mắn đáp lại lời Chúa mời gọi mà tiến nhanh trên đường hoàn thiện. Biết vâng phục bề trên và vâng lời nhau. Coi trọng đời sống phụng vụ là trên hết. Không lấy gì làm hơn Chúa Kitô và sống các bậc khiêm nhường cho chu đáo. Điều này cho thấy, thánh Biển Đức là bậc thầy về đường lối tu đức, đặc biệt qua bản Tu Luật, cô đọng tất cả những gì giúp đan sĩ trở nên hoàn thiện.
c, Liên kết chủ đề.
Là sự mạch lạc, nhất quán trong ý nghĩa của câu chủ đề và ý nghĩa của các câu còn lại trong đoạn.
- Đoạn thiếu mạch lạc.
Vd: Tôi sinh ra và lớn lên ở Huế. Hoa mận vừa tàn thì mùa xuân đến. Giữa Từ Hải và Thuý Kiều có mối cảm thông sâu sắc của tình tri kỉ.
Đoạn trên có 3 câu và câu nào cũng đúng ngữ pháp nhưng chẳng ăn nhập gì với nhau trong một đoạn văn.
- Làm cho mạch lạc nhờ câu chủ đề.
Vd: Hoa mận vừa tàn thì mùa xuân đến. Bầu trời càng thêm xanh. Nắng vàng ngày càng rực rỡ. Vườn cây lại đâm chồi nẩy lộc. Chim chóc vui hót líu lo.
Vd2: Giữa Từ Hải và Thuý Kiều có một mối cảm thông sâu sắc của tình tri kỉ. Trong lần gặp mặt đầu tiên ở lầu xanh, không phải sắc đẹp mà chính tấm lòng của Thuý Kiều đã chinh phục Từ Hải:
“Qua chơi nghe tiếng nàng Kiều,
Tấm lòng nhi nữ cũng xiêu anh hùng”
- Một số mẫu đoạn đơn giản
Với những quan hệ ý nghĩa và những phương thức liên kết đã học, ta thực hành 5 mẫu đoạn đơn giản sau đây:
a, Mẫu căn bản.
Mẫu căn bản có hai câu và một quan hệ ý nghĩa. Gọi là mẫu căn bản vì những mẫu đoạn còn lại đều được xây dựng trên cơ sở của mẫu đoạn hai câu này.
Vd1: Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, bọn Hắn càng lấn tới.
- Đoạn trên có hai câu. Câu thứ hai là câu chủ đề của đoạn. Câu sau có quan hệ tương phản với câu trước. Cách nối quan hệ từ (nhưng) thể hiện mối quan hệ ấy.
Vd2: “Kiều không biết mấy lần nhìn trăng, nhưng cảnh trăng mỗi lần mỗi khác: khi rạo rực yêu thương, khi gần gũi âu yếm, khi bát ngát bao la, khi ám ảnh như một lời trách móc, khi cô đơn, khi tàn tạ, khi mong manh. Có thể nói thiên nhiên trong truyện Kiều cũng là một nhân vật, một nhân vật thường vẫn kín đáo, lặng lẽ nhưng không mấy khi không có mặt và luôn luôn thấm đượm tình người”.
- Đoạn trên có hai câu. Câu thứ hai là câu chủ đề, có quan hệ khái quát đối với câu thứ nhất. Phương thức liên kết ở đây là liên tưởng toàn thể.
Lưu ý: Ta không nên sử dụngnhiều lần mẫu đoạn hai câu trong một bài văn. Nhiều mẫu câu căn bản sẽ làm cho bài viết trở nên rời rạc, đồng thời tạo cho người đọc ý nghĩ tác giả chưa trình bày hết ý tưởng của mình. Tuy nhiên, nếu xuất hiện đúng chỗ, mẫu căn bản có thể nêu bật được ý chính mà ta muốn nhấn mạnh.
b, Mẫu liệt kê.
Liệt kê là kể ra một loạt sự vật đồng loại. Mẫu liệt kê có nhiều câu nhưng chỉ có một loại quan hệ ý nghĩa là quan hệ song hành. Các câu trong mẫu liệt kê có quan hệ đẳng lập với nhau. Do vậy, mẫu liệt kê luôn luôn có câu chủ đề hiểu ngầm.
Vd: Thế kỷ V, thánh Biển Đức viết: “Cầu nguyện sẽ không hoàn hảo bao lâu còn nghĩ về mình”. Đến thể kỷ XI, thánh Bênađô dạy: “Nhớ Chúa là dẫn tới con đường hiện diện của Chúa”. Đến thế kỷ XX, cha Henri Denis Benoit (tổ phụ dòng Xitô Thánh Gia) cũng căn dặn: “Miệng đọc lòng suy”.
- Đoạn trên có ba câu có quan hệ song hành và đẳng lập. Ba câu đều dẫn chứng về tâm tình khi cầu nguyện trong chiều kích chiêm niệm. Đoạn này có câu chủ đề hiểu ngầm mà ta có thể viết như sau: Khát vọng được kết hiệp với Chúa trong cầu nguyện là mục đích của các đan sĩ.
c, Mẫu liệt kê có câu chủ đề
Mẫu liệt kê có câu chủ đề có nhiều câu và hai loại quan hệ, trong đó quan hệ thứ nhất phải khác song hành và những quan hệ còn lại đều thuộc song hành.
Vd: Với khẩu hiệu “cầu nguyện và lao động”, linh đạo đan tu đã làm phong phú hóa đời sống Giáo Hội và thế giới. Từ những thế kỷ đầu, các đan sĩ đã đi tiên phong về đời sống phụng vụ, sắp xếp chu kỳ kinh nguyện và họp nhau ca tụng Chúa từng giờ khắc trong ngày sống. Xuyên suốt nhiều thế kỷ trong thời Trung Cổ, các đan sĩ đã khai phá rừng hoang, lập nên nhiều đan viện, kiến trúc nhiều công trình mỹ thuật, góp phần làm nên nền văn minh Châu Âu.
d, Mẫu hỗn hợp liên tục
Là có nhiều câu và nhiều loại quan hệ ý nghĩa kết hợp với nhau không theo một trật tự nào hết. Loại này xuất hiện khá nhiều trong văn xuôi hiện đại.
Vd: Chắc còn lâu khói thuốc lá mới biến mất trên thế giới. Nhưng rõ ràng hiện nay đang có xu thế chống lại việc hút thuốc lá trong các hoạt động tập thể. Có ban giám đốc xí nghiệp cấm hút thuốc lá trong giờ làm việc, vì họ tính ra rằng những người hút thuốc lá làm xí nghiệp thiệt hại mỗi năm một số tiền lớn. Có nơi không đuổi các dân nghiền vì trong số này có những thợ giỏi, nhưng người ta đặt ra những món tiền thưởng cho những ai chịu bỏ hút. Có ban giám đốc lại ra lệnh cho những ai muốn hút thì ra đường mà hút, nhưng phải đảm bảo làm đủ số giờ và đủ sản phẩm. Trước tình hình ấy, các hãng thuốc lá phải tìm cách đối phó. Mới đây, có ông chủ nhà máy thuốc lá đã nói rằng sẽ cho ra đời một thứ thuốc lá không khói.
- Đoạn trên có 7 câu: Câu 1 là câu mở đoạn; câu 2 là câu chủ đề nêu ý chính; câu 3, 4, 5 trình bày 3 dẫn chứng, câu 6 nói đến việc đối phó; câu 7 nói lên cách đối phó.
e, Mẫu hỗn hợp gián đoạn.
Mẫu hỗn hợp gián đoạn có nhiều câu và nhiều loại quan hệ ý nghĩa, trong đó có ít nhất một quan hệ không trực tiếp liên quan với câu đứng ngay ở trước nó.
Vd: “Trước hết, có thể chia các từ ra làm hai bộ phận khác nhau: những từ tình thái và những từ phi tình thái. Những từ tình thái là những từ không có ý nghĩa từ vựng, cũng không có ý nghĩa ngữ pháp, không có quan hệ ngữ pháp với bất kỳ từ nào ở trong câu. Ví dụ: úi giời ơi, ôi chao, eo ôi, à, ạ, cơ, v.v… Những từ phi tình thánh là những từ có ý nghĩa từ vựng hay ý nghĩa ngữ pháp, có quan hệ ngữ pháp với các từ khác trong cụm từ. Ví dụ: học, học trò, với, nó, v.v…” (Nguyễn Kim Thản, Động Từ trong Tiếng Việt).
- Đoạn trên có 5 câu: Câu 1 là câu chủ đề nêu ý chính, câu 2 định nghĩa từ tình thái, câu 3 ví dụ từ tình thái, câu 4 định nghĩa từ phi tình thái, câu 4 này không có quan hệ ý nghĩa với câu 3 trước nó mà lại có quan hệ song hành với câu 2, câu năm nêu ví dụ phi tình thái.
Bài tập:
LÀM BÀI TẬP ÔN TẬP VỀ CÂU VÀ ĐOẠN
- THỰC HÀNH VỀ CÂU
- THỰC HÀNH CÂU ĐƠN GIẢN
Chọn câu đúng
- Câu “Mây tan, mưa tạnh”. Là:
- Câu đơn
- Câu ghép
- Câu “Cơn mưa dầm kéo dài lê thê suốt cả chủ nhật đã tạnh hẳn rồi”. Là:
- Câu đơn
- Câu ghép.
- Câu:
- Nó tuy nhỏ lại khôn
- Nó tuy nhỏ mà khôn
- Câu:
- Thầy giáo hỏi những học sinh ở cuối lớp có nghe rõ lời giảng bài của thầy không
- Thầy giáo hỏi những học sinh ở cuối lớp có nghe rõ lời giảng bài của thầy không?
- Câu:
- Muốn tiêu diệt nạn đói thì phải nâng cao năng suất cả trong nông nghiệp và trong công nghiệp nữa.
- Muốn tiêu diệt nạn đói thì phải nâng cao năng suất trong nông nghiệp và cả trong công nghiệp nữa.
- Câu “Nói thì dễ, làm thì khó”. Là:
- Câu đơn,
- Câu ghép
- Câu ghép chính phụ
- Câu ghép đẳng lập.
- Câu “Nhà này mái đã hỏng”. Có vị ngữ là:
- Tính từ
- Động từ
- Danh từ
- Cụm chủ vị.
- Câu “Cuốn sách anh cho mượn ngày hôm qua”.
- Đúng
- Sai vì thiếu vị ngữ
- Sai vì thiếu chủ ngữ
- Sai vì thừa chủ ngữ.
- Câu “Em tôi nó chẳng nói gì với tôi”.
- Đúng
- Sai vì thiếu vị ngữ
- Sai vì thiếu chủ ngữ
- Sai vì thừa chủ ngữ.
- Câu “Những nhà chưa đóng tiền”.
- Đúng
- Sai vì thiếu vị ngữ
- Sai vì thiếu chủ ngữ
- Sai vì thừa chủ ngữ.
- Câu “Ngoài cách chào – nó khẽ nghiêng người, kiểu của sinh viên đi học nước ngoài – trời ơi, nó giống cha nó như đúc”
- Đúng
- Sai về cấu trúc
- Sai về logic
- Sai về phong cách.
- Câu “Thần đêm thả tấm màn đen trùm lên vạn vật, chỉ còn nàng trăng mười sáu vằng vặc giữa trời”.
- Đúng
- Hay
- Sai về logic
- Sai về phong cách.
- Câu “Ngày nay, khi khoa học và kỹ thuật đã phát triển”.
- Đúng
- Sai vì thiếu chủ ngữ
- Sai vì thiếu vị ngữ
- Sai vì thiếu chủ ngữ và vị ngữ.
- Câu “Chi tiết mụ gì ghẻ sai hai chị em đi bắt cá, ai bắt được nhiều cá sẽ được thưởng cái yếm đỏ”.
- Sai vì thiếu vị ngữ
- Sai vì thiếu chủ ngữ
- Sai vì lẫn lộn chủ ngữ
- Sai vì thừa chủ ngữ và vị ngữ
- Ta có thể chữa câu sai ở trên (câu 11) bằng cách:
- Bỏ chữ “chi tiết”
- Thêm chủ ngữ
- Thêm chủ ngữ và vị ngữ
- cả câu b và c đều đúng.
- Câu “Qua tác phẩm Truyện Kiều của ông đã tố cáo chế độ phong kiến thối nát”.
- Thiếu chủ ngữ
- Thiếu vị ngữ
- Thừa chủ ngữ
- Thiếu chủ ngữ và vị ngữ.
- Ta có thể sửa lại câu trên (14) bằng cách:
- Bỏ chữ “qua”
- Bỏ “của” và thêm dấu phẩy sau “Truyện Kiều”
- Thay chữ “của ông” bằng Nguyễn Du và thêm dấu phẩy sau “Truyện Kiều”
- Cả ba câu(a,b,c) đều đúng
- Câu “Viện cớ bạn đã đau khổ nhiều để giấu khuyết điểm của bạn là không thương bạn”.
- Đúng
- Thiếu dấu phẩy sau “của bạn”
- Thừa chủ ngữ
- Câu b và câu c đúng.
- Câu “Hãy thấm nhuần tinh thần của cha tổ phụ Henris lấy việc cầu nguyện làm chính yếu lấy tinh thần cộng đoàn làm trọng xoá bỏ mặc cảm ghanh ghét hướng tất cả về Chúa Kitô”.
- 2 dấu phẩy
- 3 dấu phẩy
- 4 dấu phẩy
- 5 dấu phẩy
- Đoạn văn “Chính phủ Việt Nam cần đưa ra những kích thích ban đầu có ba lĩnh vực chủ chốt cần thực hiện động tác trên đó là vấn đề đào tạo đội ngũ cán bộ bảo đảm cơ sở hạ tầng và xây dựng khuôn khổ pháp lý”. Thiếu:
- 3 dấu phẩy
- 2 dấu phẩy và 1 dấu chấm
- 1 dấu phẩy và 2 dấu chấm
- 3 dấu chấm và 1 dấu phẩy.
- THỰC HÀNH VỀ CÂU LIÊN KẾT (phần ôn tập của Hà Thúc Loan trong cuốn: “Tiếng Việt Thực Hành”).
- Tài sản quý nhất của đan viện là các đan sĩ, tài sản quý nhất của các đan sĩ là đời sống cầu nguyện.
- Lặp từ ngữ
- Thế đại từ
- Lặp cấu trúc
- Nối quan hệ từ.
- Sau cơn mưa rào, mọi cây cối đều xanh tươi. Những bông hoa râm bụt thêm màu đỏ chói
- Lặp từ ngữ
- Thế đại từ
- Liên tưởng bộ phận
- Liên tưởng toàn thể.
- Gần cái gì ta ghét là khổ. Xa cái gì ta thương là khổ.
- Lặp từ ngữ
- Lặp cấu trúc
- Liên tưởng đồng loại
- a và b đều đúng.
- Thực dân Pháp hoặc bỏ chạy, hoặc đầu hàng. Thế rồi trong năm qua, chúng đã bán nước ta hai lần cho Nhật.
- Nối tổ hợp từ
- Nối quan hệ từ
- Thế đại từ
- Nối tổ hợp từ và thế đại từ.
- Người ta không thể sống chỉ bằng lý tưởng, bằng văn chương. Nhưng người ta cũng không thể sống thiếu lý tưởng, thiếu văn chương.
- Nối quan hệ từ
- Lặp từ ngữ
- Nối quan hệ từ và lặp từ ngữ
- Nối tổ hợp từ.
- Trong các nền kinh tế được quản lý tốt, chính phủ từng giải quyết sự mất cân đối bằng biện pháp điều chỉnh chính sách. Trong các nền kinh tế được quản lý kém, chính phủ thường vung tiền ra để bù đắp vào sự mất cân đối.
- Lặp từ ngữ
- Lặp cấu trúc
- Lặp từ ngữ
- Liên tưởng đồng loại.
[1] * CIA (Central Intelligence Agency) : cục tình báo trung ương Mĩ
- FBI (Federal Bureau of Investigation) : cục điều tra liên bang Mĩ
- FIFA (Fédération Internationale de Football Association) : liên đoàn bóng đá quốc tế
- UEFA (Union of European Football Association) : liên đoàn bóng đá Châu Âu
- AFC (Asian Football Confederation) : liên đoàn bóng đá Châu Á
- CAF (Confédération Africaine de Football) : liên đoàn bóng đá Châu Phi
- OFC (Oceania Football Confederation) : liên đoàn bóng đá Châu Đại Dương
- CONCACAF (The Confederation of North, Central America and Caribbean Association Football) : liên đoàn bóng đá Bắc Trung Mĩ
- CONMEBOL (Confederación Sudamericana de Fútbol) : liên đoàn bóng đá Nam Mĩ
- IMF (International Monetary Fund) : quỹ tiền tệ quốc tế
- UNESCO (United Nations Educational, Scientific and Cultural Organization) : tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa
- FAO (Food and Agriculture Organization) : tổ chức lương thực và nông nghiệp
- WHO (World Health Organization) : tổ chức y tế thế giới
- UNICEF (The United Nations Children’s Fund) : quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc
- UN (United Nations) : liên hợp quốc
- ILO (International Labour Organization) : tổ chức lao động quốc tế
- UNIDO (United Nations Industrial Development Organization) : tổ chức phát triển công nghiệp của Liên Hợp Quốc
- WMO (World Meteorological Organization) : tổ chức khí tượng thế giới
- WTO (World Trade Organization) : tổ chức thương mại thế giới (hoặc tổ chức mậu dịch thế giới)
- ICC (International Chamber of Commerce) : phòng thương mại quốc tế
- APEC (Asia-Pacific Economic Cooperation) : diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương
- OPEC (Organization of the Petroleum Exporting Countries) : tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa
- UNCITRAL (United Nations Commission on International Trade Law) : ủy ban liên hợp quốc về luật thương mại quốc tế
- UNCTAD (United Nations Conference on Trade and Development) : hội nghị của liên hợp quốc về thương mại và phát triển
- ASEM (Asia-Europe Meeting) : hội nghị các nguyên thủ quốc gia về hợp tác Á – Âu
- ASEAN (Association of Southeast Asian Nations) : hiệp hội các nước Đông Nam Á
- WB (World Bank) : ngân hàng thế giới
- TI (Transparency International) : tổ chức minh bạch thế giới
- OECD (Organization for Economic Cooperation and Development) : tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế
- FATF (Financial Action Task Force) : nhóm hành động tài chính chống nạn rửa tiền
- NOWC (New Open World Corporation) : tổ chức bầu chọn kỳ quan thế giới mới
- WIPO (World Intellectual Property Organization) : tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới
- IAEA (International Atomic Energy Agency) : cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế
- IDLO (International Development Law Organization) : tổ chức phát triển luật quốc tế
- IAL (International Association of Lawyers) : hiệp hội luật sư quốc tế
- USCIRF (United States Commission on International Religious Freedom) : ủy ban Hoa Kỳ về tự do tôn giáo quốc tế
- HRW (Human Rights Watch) : tổ chức nhân quyền thế giới
[2] Thành phần trạng ngữ bao gồm chỉ thời gian, nơi chốn, mục đích, nguyên nhân, tình huống…
[3] Hà Thúc loan, Tiếng Việt Thực hành, NXB THTpHCM, 1998
Discussion about this post